BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thấy gì qua các bài viết về ông Hoàng Minh Chính của báo chí trong nước ?

12 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 1008)
Thấy gì qua các bài viết về ông Hoàng Minh Chính của báo chí trong nước ?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Mỗi con người sở hữu một bộ óc riêng, bởi vậy mỗi người sẽ có sự tiếp nhận, tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin có thể theo những cách thức không giống nhau.

Như vậy, tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ là thể hiện một thái độ tôn trọng con người và cũng là tôn trọng chính bản thân mình.

Dĩ nhiên, nếu thiếu đi một sự đồng thuận ở một mức độ nào đó thì xã hội loài người cũng sẽ trở nên hỗn loạn. Do đó ở con người nảy sinh nhu cầu định hướng suy nghĩ và hành động của người khác theo suy nghĩ mà mình cho là phù hợp với nhiều người.

Vấn đề đặt ra là cách thức xác định những chuẩn mực cần định hướng và việc định hướng đó theo những cách thức như thế nào ?

Nếu định hướng bằng truyền bá, thuyết phục thì người ta có thể gọi đó là phương pháp thuyết phục hay là “Diễn biến hòa bình”.

Nếu định hướng bằng cách thảo luận tự do và dùng luật chơi “bỏ phiếu” đánh giá theo số đông cho những vấn đề khó phân định thì người ta gọi đó là cách thức “Dân chủ”.

Nếu định hướng bằng cách chửi bới, thóa mạ, mạt sát… thì người ta xếp nó vào cách thức “Vô văn hóa”.

Nếu tự cho mình là chân lý và cho rằng những cái khác mình đều là tội lỗi, không cho thảo luận công khai và sẵn sàng sử dụng quyền lực có trong tay để cưỡng bức tư tưởng và hành động của người khác thì người ta gọi đó là cách thức “Độc tài”.

Vậy, chúng ta hãy xem cách thức mà các ông, bà ở các báo QĐND, CAND, ANTĐ, ĐCS, HNM, ND, LĐ, … (Gọi là Người phía ĐCS) định hướng “tư tưởng của Đảng CSVN” cho ông Hoàng Minh Chính và người dân Việt Nam ta theo cách thức như thế nào nhé ? Hãy xem họ viết gì và viết như thế nào ?

- Chủ nghĩa Mác-Lê nin là duy nhất đúng, con đường CNXH là ưu việt nhất… đó là những điều tự suy diễn của ĐCS, trong khi ở cộng đồng dân tộc có rất nhiều quan điểm khác nhau thì nó chưa bao giờ được đưa ra thảo luận công khai trước toàn dân, chưa bao giờ được chọn lựa bằng cách thức trưng cầu dân ý. Vậy thì không có cơ sở nào để người phía ĐCS cứ khăng khăng khẳng định đó là chân lý, đó là sự lựa chọn của nhân dân !. Đất nước là do do tổ tiên để lại cho mọi người, không phải của riêng ĐCS, chỉ có Học thuyết Mác-Lênin là của riêng ĐCS mà thôi. Không có lẽ sống nào ở trên đời này cho phép những người phía ĐCS bắt những cộng đồng dân cư khác cứ phải lấy cái tư tưởng đó làm nền tảng và kim chỉ nam cho mọi hành động, và rồi khi không buộc được người khác tuân phục ý muốn của mình thì đi tới thóa mạ và xa hơn là tiêu diệt họ ? Cách ứng xử đó chỉ thuộc về những nhà độc tài: độc chiếm tài năng, độc chiếm chân lý.

- Đất nước (Tổ quốc) là đất đai, sông ngòi, biển cả, bầu trời, tài nguyên thiên nhiên thuộc một cộng đồng dân tộc, còn nhà nước là tổ chức quyền lực tồn tại trên đất nước theo một cách thức nào đó mà người ta gọi là chế độ. Như vậy giữa “Đất nước”“Chế độ” là hai khái niệm có bản chất khác nhau. Chế độ chính trị có thể thay đổi, nhưng đất nước thì vẫn luôn còn, thay thế một nhà nước mà ở đó quan lại thối nát làm nghèo đất nước không bao giờ làm mất nước bởi vậy đòi thay đổi chế độ chính trị không đồng nghĩa với hành vi phản bội Tổ quốc. Dân tộc Việt nam, đất nước Việt Nam đã mấy nghìn năm không liên hệ gì tới chế độ XHCN, không cần tinh thần quốc tế vô sản mà vẫn tồn tại và phát triển để làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, vẫn ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên mông lừng danh thế giới và nhiều kẻ xâm lược khác. Việc gán tội danh phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc đối với ông Hoàng Minh Chính là một mưu đồ cố tình muốn triệt hạ một con người có quan điểm khác với mình. Đó là một cách ứng xử mang nặng tính áp đặt và phi nhân bản. Bất đồng chính kiến không bao giờ là một tội lỗi để phải loại bỏ nhau cả.

- Trong tất cả các ý kiến đăng tải trên các báo điện tử không có bất kỳ đường link nào tới bài phát biểu của ông Hoàng Minh Chính tại trường đại học Havard và Hạ viện Hoa kỳ, không đăng bất kỳ ý kiến nào đứng về phía ông Hoàng Minh Chính là thể hiện cách thức đăng tải một chiều, độc chiếm diễn đàn, thủ tiêu yếu tố tranh luận. Trong khi đó, những ý kiến của Phía bênh vực ông Hoàng Minh Chính sẵn sàng giới thiệu tất cả các bài viết của những người phía ĐCS!.

- Việc ra nước ngoài bằng kinh phí cá nhân là quyền của mỗi công dân được quy định trong Hiến pháp, cấm ông Hoàng Minh Chính ra nước ngoài là việc làm vi hiến, làm thủ tục cho ông Hoàng Minh Chính xuất cảnh là nghĩa vụ của các cơ quan quản lý Xuất nhập cảnh, coi việc ông Hoàng Minh Chính được ra nước ngoài là ơn huệ của Đảng và nhà nước là đánh tráo bản chất của sự việc, biến cái “không phạm tội của mình” thành ra cái “công lao đối với người khác”. Một lối tư duy như vậy không khác gì cách suy nghĩ của chế độ phong kiến ngày xưa – mọi thứ đều là của nhà vua và việc ban phát cho thần dân là một đặc ân, vua đưa cho cái của mình cũng phải chắp hai tay “tạ ơn hoàng thượng”.

- Cho rằng ông Hoàng Minh Chính là hèn nhát nên ra nước ngoài mới thực hiện phê phán chính sách cai trị của Đảng CSVN là thể hiện sự thiếu hoặc không chịu tìm hiểu thông tin về ông Hoàng Minh Chính của một số người Phía ĐCS, họ hoặc không biết hoặc cố tình không biết rằng vì phê phán Đảng CS mà ông đã phải 3 lần bị Đảng và nhà nước cho vào tù. Hơn 20 năm cho một lần tù Đế quốc và 3 lần tù Cộng sản, chỉ huy đội quyết tử quân tập kích sân bay Gia Lâm năm 1947, những điều đó đã đủ để coi ông Hoàng Minh Chính là dũng cảm hay chưa xin dành lại cho người đọc ?

- Gọi tên trống không lại dùng hàng loạt các từ “lộng ngôn”, “hàm hồ”, “vô ơn”, “lắt léo”, “lóa mắt trước bả vinh quang”, “quái thai dân chủ”,”chiếc cọc mục”,”đớn hèn và nhục nhã”, “bất minh, bất chính, bất nghĩa”, “ăn cháo đá bát”, “lố bịch”, “lật lọng”, “mù quáng”, “ăn cơm thừa, uống nước cặn”, “đánh đĩ bằng... mồm”, “điên”… và còn nhiều từ khác nữa là cách nói của những người thiếu lịch sự, thiếu giáo dục. Chỉ có thể là cậy quyền cậy thế thì họ mới dám nói theo kiểu như vậy với người khác, có nhiều người trong số họ có thể chỉ đáng tuổi con cháu ông Hoàng Minh Chính mà sẵn sàng dùng những từ ngữ nêu trên với một người già trên 80 tuổi thì không biết đạo làm con, làm cháu trong gia đình ở họ sẽ là như thế nào? Nền văn hóa Việt nam đậm đà bản sắc dân tộc sẽ đi về đâu với cách ăn nói như vậy ?

- Thay đổi nhận thức, thay đổi tình cảm ở con người là chuyện thường tình, nó phụ thuộc vào đối tượng bị nhận thức, hoàn cảnh nhận thức và tri thức của người nhận thức. “Ngày xưa anh tốt - tôi yêu anh, ngày nay anh xấu - tôi ghét anh”, “ngày xưa do tiếp nhận thông tin một chiều tôi nhận thức vấn đề nó là như thế này, còn ngày nay khi có nhiều thông tin hơn tôi nhận thấy không phải như thế nữa, tôi thay đổi”. Chuyện đó có gì là sai trái mà những người phía ĐCS phải dùng tới những lời lẽ thóa mạ về sự thay đổi này. Vậy thì, ngày xưa cán bộ đảng viên - những người được nhân dân che chở và nuôi dưỡng thuộc diện “đứng mũi chịu sào, vợ yếu con đông chưa hết nghèo”, còn ngày nay cán bộ đảng viên có chức có quyền là chủ sở hữu của những “nhà lầu xe hơi, vợ đẹp con khôn”, hai hình ảnh tương phản về người đảng viên trước đây và ngày nay nói lên điều gì và cần phải nhận thức về sự thay đổi nhân cách của họ như thế nào ? Chẳng lẽ dân chúng vẫn cứ phải tôn sùng và yêu mãi những người đảng viên biến chất như vậy cùng với tổ chức của họ mới được coi là người trung thành, sống có tình có nghĩa trước sau như một với ĐCS hay sao? Nhân nói tới chuyện thay đổi, xin được lưu tâm tới những người Phía ĐCS mấy câu chuyện như thế này: Thủa ban đầu của ĐCS là :”Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ” còn ngày nay là “Liên minh công nông và tầng lớp trí thức, sắp tới thêm cả tư sản bóc lột nữa”, trong kháng chiến bà Nguyễn Thị Năm đóng góp tiền của nuôi chính phủ - sau kháng chiến tiến hành CCRĐ đem bà ra pháp trường nêu gương điển hình về địa chủ bóc lột, trong kháng chiến gọi những người giàu có đóng góp cho cách mạng là tư sản yêu nước, tư sản dân tộc – sau kháng chiến tiến hành cải tạo CTNTD tịch thu toàn bộ tài sản của họ… những cái đó có được gọi là thay đổi hay không và nếu có thì coi những hành động đó thuộc loại nhân cách gì ? Câu trả lời xin nhường lại cho những người công kích ông Hoàng Minh Chính.

- Một hành động giúp ích cho đời được coi là cao cả khi nó được làm bằng tấm lòng và không có tính toán chi hết. Nếu tự mình nhận lấy công việc và chỉ nhăm nhăm kể công thì hành động đó trở nên tầm thường. Biết ơn người có công là sự ghi nhận trong tâm khảm, có cơ hội thì báo đáp thì tốt nếu không thì cũng chẳng sao, đó là đặc tính của những nhân cách lớn, còn nếu gắn hành động của mình để tạo ra mối quan hệ ràng buộc với người khác thì sự việc lại càng trở nên tầm thường hơn. Cách đặt vấn đề: “tôi tạo ra công trạng với anh, tôi phải làm lãnh đạo, còn anh phải bị lãnh đạo, anh không thừa nhận tôi lãnh đạo tức là anh sống thiếu đạo lý” là cách lập luận của một nhân cách tầm thường. Một xã hội mà ở đó cứ có công với ai lại được làm chủ người đó thì bác sỹ cứu mạng người sẽ làm chủ tất cả bệnh nhân của mình hay sao ?!

- Phê phán ông Hoàng Minh Chính nói xấu chế độ, nói xấu đất nước mình, là vạch áo cho người xem lưng, là phản bội lại lợi ích dân tộc… nhưng khi công dân của một nước nào đó “chửi” tổng thống hoặc phê phán chính phủ nước họ bằng đủ các loại thông tin thuộc loại bí mật quốc gia … thì lại không thấy những người phía ĐCS phê phán những con người này là thiếu nhân cách, là phản bội lợi ích của dân tộc mình mà còn hồ hởi đưa tin và tôn vinh họ như những người anh hùng. Đó là nhân cách nào vậy ?

- Ông Hoàng Minh Chính cho rằng chế độ hiện nay là thiếu tự do dân chủ (chính người phía ĐCS cũng đã thừa nhận nền dân chủ Việt nam hiện nay đang còn thấp theo mức dân trí Việt Nam “Ông nhìn đời có khác gì cổ động viên nhìn cầu thủ đá bóng: Chê bai, đòi hỏi, la lối và cả chửi rủa nữa..., nhưng không thể nào đá bóng được. Sự phát triển của dân chủ nhất thiết phải tương thích với trình độ dân trí.” Hà Văn Thịnh, Đại học Khoa học Huế, Bài Không chỉ nỗi buồn, Báo Lao động). Nói về chuyện mất tự do dân chủ ở Việt Nam thì có quá nhiều, mọi biện minh đều trở nên vô giá trị với những người hiểu biết. Những câu chuyện bỏ tù Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình… với tội danh gián điệp chỉ vì hành xử quyền cá nhân được ghi trong Hiến pháp vẫn còn đó. Tự do đi nhà thờ, chùa chiền chưa phản ánh hết nội dung của tự do tôn giáo, việc bổ nhiệm chức sắc tôn giáo xét duyệt ngang với bổ nhiệm cán bộ nhà nước, việc hành đạo phải có giấy phép thì không thể nói đã có đầy đủ quyền tự do tôn giáo, hàng ngàn tờ báo cũng không thể nói lên là có tự do báo chí khi còn nhiều điều bị cấm kị không được nói, khi không có báo chí độc lập nằm ngoài hệ thống kiểm soát của ĐCS, khi nhà báo không phải tuyệt đối trung thành với ĐCS và chế độ XHCN.

- Phê phán ông Hoàng Minh Chính đòi thay đổi chế độ là sai trái là phản dân tộc, vậy chúng ta hãy cứ thử so sánh xem chế độ nào sẽ tốt hơn cho nhân dân Việt Nam nhé ! Ở một đất nước chỉ có một đảng đại diện cho một thành phần với một nước có nhiều đảng đại diện cho nhiều thành phần thì loại hình nào có tính đại diện đầy đủ hơn ? Ở một đất nước có nhiều đảng phái để nhân dân mấy năm lựa chọn một lần có tốt hơn là cứ phải thừa nhận một đảng suốt đời như chế độ phong kiến ngày xưa hay không? Ở một đất nước mà báo chí vừa đăng ý kiến của những người phía ĐCS lại vừa đăng những ý kiến tranh luận của người phía khác có tốt hơn như hiện nay không? Ở một đất nước mà tòa án, chánh án, thẩm phán hoạt động độc lập không chịu sự chi phối của đảng phái nào thì việc xử án có công bằng hơn không? Ở một đất nước mà việc lựa chọn người đứng đầu nhà nước thông qua các cuộc thi thố trước bàn dân thiên hạ có đem lại chất lượng cao hơn so với cách thức “đảng cử dân bầu” như hiện nay không? Ở một đất nước mà những việc đại sự như xây dựng hiến pháp, giải quyết biên giới lãnh thổ, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, tham gia đồng tiền chung…được đem ra trưng cầu dân ý thì có tốt hơn là chỉ do một nhóm người của một đảng quyết định hay không?…Đòi hỏi thêm nhiều quyền tự do về cho nhân dân là tốt chứ sao, việc đòi hỏi cái khác tốt hơn cái đang có thì có gì là sai trái?. Chống lại ông Hoàng Minh Chính tức là những người phía ĐCS đã chống lại mong muốn đem lại điều tốt đẹp hơn cho nhân dân mình rồi đấy. Về trình độ dân trí năm 1945 nhân dân Việt Nam đã biết bầu cử đa đảng, không lẽ 60 năm sau vào thế kỷ 21 thì dân ta lại không có quyền được biết nữa ?. Nếu muốn làm cho vấn đề trở nên rõ ràng hơn thì chúng ta hãy tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý : “Có hay không muốn thay đổi chế độ nhất nguyên độc đảng sang đa nguyên đa đảng” xem sao.

- Phê phán ông Hoàng Minh Chính đòi đa nguyên đa đảng là gây mất ổn định chính trị, cuộc sống trở nên bất an để quy thành tội phản lại nhân dân. Lập luận này cũng rất thiếu tính thuyết phục bởi lẽ chấp thuận đa nguyên đa đảng là tham gia vào luật chơi bầu cử tự do được xây dựng bởi sự đồng thuận của đa số, là tôn trọng sự khác biệt cùng tồn tại trong cộng đồng. Một xã hội mà người này biết thừa nhận sự tồn tại của người kia, thừa nhận sự lựa chọn của số đông thì làm sao có thể sinh loạn được. Khi người này không muốn tiêu diệt người kia thì Ai sẽ đánh nhau với ai để sinh loạn cơ chứ? Chính chế độ độc đảng cùng với quan điểm sống và cách thức ứng xử như những người viết bài công kích ông Hoàng Minh Chính mới là tạo nên sự bất ổn xã hội vì lúc nào cũng thường trực hành vi tiêu diệt người bất đồng chính kiến để độc chiếm vị trí lãnh đạo. Hận thù sẽ chồng chất, oan khuất sẽ nảy sinh nhiều, loạn sẽ khó tránh khỏi. Mọi sự ổn định chỉ là dáng vẻ bề ngoài, không thấy có tiếng nói khác biệt (do bị cấm và che đậy), bầu cử thì không thấy có tranh giành (thực hiện đấu đá nơi hậu trường ) không có nghĩa là mọi chuyện sẽ ổn đâu. Chỉ có con vật mới không nảy sinh chính kiến để bất đồng, đã là con người thì bất đồng chính kiến luôn tồn tại, lúc âm thầm, lúc mãnh liệt. Chỉ có thể giải quyết bất đồng bằng cơ chế dân chủ thì mối quan hệ trong cộng đồng mới tồn tại bền vững, nếu dùng cơ chế độc tài áp chế thì mâu thuẫn sẽ ngày càng tăng cao mà thôi. Chuyên chính vô sản không bao giờ tạo ra sự đồng thuận một cách tự giác trong nhân dân.

Qua các ý kiến của những người phía ĐCS ta còn thấy một nét rất điển hình của nền văn hóa “Nói lấy được” tức là những lập luận không cần logíc, coi thường nhận thức và khả năng phân tích của người đọc. Do không có thời gian nhặt hết, chỉ xin điểm ra đây một vài ví dụ:

• Ông Nguyễn Chiến Thắng-16A Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm phê phán ông Hoàng Minh Chính là lật lọng và chất vấn: “Hay ông không hiểu được trong các quyền được sống, quyền làm việc và quyền mưu cầu hạnh phúc thì ngay cả quyền và nghĩa vụ làm việc của mình, trong một thời gian rất dài ông không làm việc, không đem lại lợi ích cho đất nước, xã hội” (Minh Nhã, Đừng vơ đũa cả nắm –QĐND 24/10/2005). Đã lâu ông không đi làm vì hai lý do : một là bị nhà nước bỏ tù 3 lần, hai là có đến 25 năm nay thuộc tuổi không ai bắt làm việc. Nói điều này, ông Thắng muốn nhắn gửi điều gì tới những người hiện đang nghỉ hưu ở tuổi bảy tám mươi đây ?

• Có quý vị trong số người phía ĐCS cho rằng ông Hoàng Minh Chính “Không đáng được gọi là người!” với lời giải thích: “ … xin hỏi cá nhân ông mỗi năm làm được bao nhiêu tiền để đóng góp vào ngân sách ? Hoặc ông có thể kể ra một hành động cụ thể ông đã làm trong quá khứ và hiện tại để làm cho ít nhất một vài người nghèo có cơ hội tốt hơn ?” (Chí Công, Báo Pháp luật Việt Nam ngày 20/10/2005). Phê phán kiểu này với ông Hoàng Minh Chính thì không hiểu họ sẽ gọi những cán bộ đảng viên không làm ra tiền để nộp vào ngân sách nhà nước là như thế nào, có phải là người hay không ?

“Hoàng Minh Chính là ai ? Là người trong lúc nước nhà đang giặc giã thì được gửi đi học ở Liên Xô để trở thành “tiến sĩ” triết học. Thời bấy giờ một vỉ thuốc Anagin (thuốc cảm), một bánh xà phòng giặt 72% nhãn hiệu Liên Xô, một chiếc “áo bay”, một sợi dây maiso... từ Liên Xô gửi về là của quý. Những thứ quý hiếm đó ở Liên Xô lúc bấy giờ đầy ắp các gian hàng” (T.H, Phản bội hay điên, ANTĐ số 1590). Xin được hỏi tác giả T.H ba câu văn trong đoạn này muốn nói về điều gì ? Lúc ông Hoàng Minh Chính chỉ huy đánh sân bay Gia lâm thì T.H ở đâu ? Đã ra đời hay chưa mà đi mỉa mai chuyện sang Liên Xô học của ông Hoàng Minh Chính. Hay là muốn mọi người liên tưởng tới ông Tổng bí Thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn khải cũng sang Liên Xô học trong khi cả nước lao vào cuộc kháng chiến cống Mỹ đấy ? Cứ nói lấy được thế này thì sức thuyết phục người khác ở chỗ nào đây ?

• Người thì chê ông Hoàng Minh Chính là dốt nát không hiểu tiếng Nga, tiếng Pháp thậm chí cả tiếng Việt nữa, kẻ thì gọi ông là người có học vấn uyên thâm, kinh nghiệm đầy mình. Xem ra dàn hợp xướng của những người phía ĐCS công kích ông Hoàng Minh Chính không được đồng điệu cho lắm. Nguyên nhân có thể do người nào cũng thực hiện kiểu ”Nói lấy được”.

• Lập luận về tính nhiều chiều trong nền tự do báo chí ở Việt Nam là như thế này: “Nghe ông nói, rất nhiều người đều lấy làm lạ. Nếu quả thật báo chí ở Việt Nam chỉ “tuyên truyền một chiều” thì chắc hẳn chẳng ai thèm mua báo, chẳng ai thèm nghe đài. Không hiểu đã bao giờ ông Chính nhìn thấy cái cảnh sáng sớm tại Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, quanh những quán cà phê cóc, từ anh xích lô đến ông cán bộ hưu trí, hoặc mấy vị công chức chưa đến giờ làm, mỗi người mua một - thậm chí hai, ba tờ báo, chẳng ai phải đọc nhờ ai. Nếu báo chí Việt Nam chỉ “tuyên truyền một chiều”, thì làm gì trong năm 2004, đã có khoảng 9 triệu chiếc tivi các loại được bán ra, và đại đa số người mua để xem các chương trình của VTV, HTV..., làm gì báo Tuổi trẻ, báo Thanh niên mỗi kỳ phát hành có thể in đến hai, ba trăm nghìn số, báo Nhân Dân, An ninh thế giới, Công an Tp. HCM mỗi tờ trên dưới sáu trăm nghìn số... và chín phần mười người mua báo là người dân đấy ông ạ. Chẳng hiểu ông Hoàng Minh Chính có bao giờ đọc các tạp chí như “Mốt”, “Đẹp”, “Người đẹp Việt Nam”, “Tiếp thị Việt Nam”..., và hằng hà sa số những tạp chí chuyên đề về thời trang, tiêu dùng, kiến trúc, xây dựng... khác chưa nhỉ? Ở trong đó, tôi đố ông tìm ra được một bài nào “tuyên truyền một chiều” như ông nói đấy” (Xuân Hòa, Hoàng Minh Chính Cái lưỡi không xương, Báo An Ninh Thế Giới, 26/10/05) . Xin dành lời bình luận cho người đọc.

“Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc còn sống, các anh chị sẽ hành động như thế nào ? Các anh chị ấy vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường đấu tranh cách mạng kiên cường mà mình đã lựa chọn. Nhưng đứng trước những bất cập của xã hội hiện nay, các anh chị ấy sẽ không giấu diếm mà đấu tranh, phản ánh với tính xây dựng cao” (Nhà Thơ Anh Ngọc, Mai Hương Báo QĐND ghi). Đoán được hành động vài chục năm sau của một con người quả thực là tài giỏi. Xin bái phục nhà thơ.

“Mặc dù còn một số tiêu cực, tệ nạn xã hội nhưng khi ra nước ngoài mà nhìn lại nước mình sẽ thấy rằng chế độ xã hội của ta là niềm mơ ước của rất nhiều dân tộc. Chúng ta đang ở một đất nước bình yên, đang hừng hực khí thế đi lên. Nhiều bạn bè thế giới rất ngưỡng mộ Việt Nam. Họ mơ ước đất nước mình cũng có một cuộc sống thanh bình như ở nước ta.” (Đoàn Văn Thái-Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bài Ông Hoàng Minh Chính không đáng để thế hệ trẻ quan tâm, Báo QĐND Ngày 29 tháng 10 năm 2005). Thưa ông Thái, nước ta cực kỳ bình yên phải không, là niềm mơ ước của nhiều dân tộc phải không ? Xin ông cứ để xe máy ngoài đường qua đêm như bên Nhật xem sao ? Xin ông cứ để túi ví hớ hênh ra đường xem sao ? Xin ông “nhìn đểu” ai đó xem sao ? Xin ông cứ đi chân đất vào các ngõ vắng xem sao ?... Và dân tộc nào thích sang Việt Nam hưởng cuộc sống thanh bình, xin ông liệt kê ra cho mọi người biết đi!

“Ông lên án các "sai lầm" trong cải cách ruộng đất... Đó là chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ rồi. Và Nhà nước cũng đã nhận và sửa sai rồi. Trước hết, những cái sai đó diễn ra trong hoàn cảnh, khi một bên là cuộc chiến tranh 9 năm gian khổ vừa kết thúc; bên kia là cuộc chiến tranh 21 năm vừa mới bắt đầu. Làm sao có thể không phải "siết chặt đinh ốc" ?” (Hà Văn Thịnh - Đại học Khoa học Huế, bài Chia rẽ, phá hoại dân tộc là tội ác, Báo Lao động ngày 25/10/2005). Hoàn cảnh nào buộc phải “siết chặt đinh ốc” để giết đi hàng trăm ngàn người ? Sắp tới đây sẽ là hoàn cảnh nào nữa để lại đem đinh ốc ra siết ?! Nghe mà rợn hết cả tóc gáy hỡi ông Hà Văn Thịnh Đại học !!!!!!!!

Tóm lại, một điều rất dễ nhận thấy là các bài viết và ý kiến ở các tờ báo trong nước đã thể hiện rất rõ nét một cách thức ứng xử của theo kiểu văn hóa độc tài, thiếu đi sự tôn trọng đồng loại với tư cách là một con người và tự họ đã không tôn trọng chính bản thân mình. Một chế độ mà ở đó có cách thức ứng xử với công dân của nước mình như vậy thì sự đòi hỏi của ông Hoàng Minh Chính là điều có thể hiểu được. Không chỉ có ông Hoàng Minh Chính mà nhiều người dân đều có mong muốn Đất nước cần được chuyển đổi chế độ từ nhất nguyên độc đảng sang đa nguyên đa đảng. Cái mất chỉ có thể là bớt đi quyền hành của người cầm quyền, buộc họ phải làm việc có trách nhiệm hơn, cần mẫn hơn và có thái độ ứng xử tôn trọng con người hơn. Cái được luôn thuộc về phía nhân dân.

Trần Lâm

Tháng 11/2005
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn