BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76371)
(Xem: 63032)
(Xem: 40422)
(Xem: 32018)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dung Quất: Xin đừng coi nhẹ khí độc của tử thần!

12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1466)
Dung Quất: Xin đừng coi nhẹ khí độc của tử thần!
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31


Trước hết, tôi xin phép quý báo cho đăng lại nguyên văn mẫu tin ngắn đọc trên VNExpress (06-11-2011):

 Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại xả khí thối


  Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hình VNN





 Suốt cả ngày hôm qua (5/11), hàng nghìn người dân ở khu đô thị mới Vạn Tường và xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại tiếp tục cảm thấy ngạt thở, tức ngực vì hít thở phải khí độc do Nhà máy lọc dầu Dung Quất xả ra.


 Việc xả khí thải trực tiếp tái diễn chỉ một tuần sau khi lãnh đạo Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn tuyên bố đã chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

 Trưa qua, nhiều cán bộ làm việc tại khu đô thị mới Vạn Tường cùng người dân sinh sống ở xung quanh khu vực nhà máy lọc dầu Dung Quất lại điện thoại đến Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường Dung Quất đề nghị tiếp tục kiểm tra khí thải thối.

 “Bước đầu, chúng tôi xác định đây là loại khí sulfur dioxide ( SO2) thải ra từ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nồng độ khí SO2 thải ra lần này có thể đậm đặc hơn nhiều so với lần trước”, ông Lê Anh Trà, Trưởng phòng Quan trắc phân tích, Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường Dung Quất cho biết.

 Trước đó, vào giữa cuối tháng 10, kết quả đo đạc của trung tâm này quanh khu vực nhà máy lọc dầu Dung Quất cho thấy có nơi lượng SO2 thải ra vượt 125% so với tiêu chuẩn Việt Nam, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho khu dân cư. Nhà máy sau đó cho biết nguyên nhân là vì họ tạm dừng phân xưởng xử lý lưu huỳnh để thay chất xúc tác mới, dẫn đến việc thải thẳng SO2. Tình trạng này đã được khắc phục sau đó vài ngày.

 Trí Tín (VNExpress – 06-11-2010)
………………………………………………………


 Tháng 5-2009 tôi đã viết một bài trên Trang Mạng hải ngoại nêu lên những lo âu bức xúc về nhà máy Dung Quất, nhất là tình trạng ô nhiễm không khí gây ra bởi khí độc xả vào môi trường. Tôi đã từng làm việc trong các khu công nghiệp hoá dầu Canada nên hiểu được nguy cơ trầm trọng này.

 Không ngờ mối lo ngại của tôi trở thành sự thật, đây là lần thứ hai nhà máy Dung Quất xả khí thải vào bầu khí quyển gây ngạt thở cho nhiều dân cư sống xung quanh. Ông Trưởng Phòng Quan Trắc Dung Quất nói về khí Sulfure Dioxide (SO2) nhưng người dân thì ta thán về khí thối gây tức ngực, ngạt thở. Tôi thầm nghĩ có lẽ đây là một khâu xử lý chất thải H2S (Hydrogen Sulfide) luôn luôn hiện diện trong các nhà máy tinh lọc hóa dầu, khí đốt (petrol, gaz naturel) mà Dung Quất là một ví dụ điển hình.

 Khí H2S mang mùi hôi thum thủm như trứng thối, cực độc (highly toxic) và dễ cháy nổ. Người hít phải khí sẽ cảm thấy ngạt thở, tức ngực, ho khan, mắt mũi ràn rụa, tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến tử vong. Nguy hiểm nhất là hoá chất này gây tê liệt bộ thần kinh khứu giác, khiến cho nạn nhân không còn nhận biết được hiểm hoạ đi đến cái chết (ref: Google). Tuần trước đã có tin ba công nhân chết đáng thương khi mò xuống hầm nước sâu kiểm tra, vì hít thở khí độc (TP Hồ Chí Minh). Người đào giếng sâu, thợ sửa ống cống cũng thường hay đối diện với cái chết bất đắc kỳ tử này.

 Theo tôi nghĩ sở dĩ xuất hiện khí H2S là do Nhà máy Dung Quất đang xử lý tiêu huỷ khí độc H2S bằng cách đốt cháy chất khí này theo công thức sau:

 2 H2S(g) + 3 O2(g) → 2 H2O(g) + 2 SO2(g) (ref. Google)

 Có thể vì lý do kỹ thuật nào đó gây nên tình trạng thiếu dưỡng khí (Oxygen, dùng để đốt hủy chất H2S) cho nên lượng H2S thải ra không cháy hết 100%, phần khí H2S còn sót lại sẽ bay vào không gian theo làn gió; do khí này nặng nên sẽ lắng xuống gây ô nhiễm ở những khu dân cư xung quanh.

 Trong kỹ nghệ hoá dầu, khí H2S là nỗi ám ảnh quan ngại của các chuyên gia kỹ thuật. Hóa chất này có thể tấn công kim loại, làm hen rỉ các mối hàn của thiết bị khi hoạt động ở nhiệt độ cao và áp xuất cao. Máy móc liên hệ với dung dịch có H2S thường hay bị xếp vào hạng mục đặc biệt gọi là “Sour Service” để chịu nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn về thiết kế và chế tạo nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công nhân.

 Bên cạnh đó, khí SO2 tuy cũng bị xếp vào hạng mục khí độc (toxic) nhưng không cực độc bằng khí H2S, không gây ảnh hưởng nặng nề lắm trên sức khoẻ, có thể tạo thành mưa acide (H2SO3) làm hư hại mùa màng, cây rừng trong thời gian dài.

 Bởi vậy nếu Nhà máy Dung Quất không quan tâm kỹ và tìm biện pháp cứu chữa thì e rằng tai hoạ sẽ trở thành nặng nề hơn, sẽ gây tử vong trong dân chúng nếu nồng độ H2S quá đậm đặc. Tôi không muốn chuyện bé xé ra to, nhưng trong tình trạng hiện nay nhiều nơi còn thiếu sự quản lý và giám sát nghiêm túc của Nhà Nước, mọi sơ hở kỹ thuật có thể dễ gây ra hiểm hoạ lớn. Sự kiện này nhắc chúng ta nhớ lại đại hoạ nổ thiết bị tại Nhà máy phân đạm Union Carbide ở Bhopal (Ấn Độ, 1986), khí thải xả ra trong một đêm cướp đi 20.000 nhân mạng (ref. Google).

 Các khu công nghiệp ở Canada thường xử lý sự cố trên theo cách bơm thêm dưỡng khí (Oxygen) vào hỗn hợp cháy, gọi là “O2 en excès” để bảo đảm khí độc H2S được cháy tiêu huỷ hoàn toàn trước khi ra khỏi ống khói, như vậy khí thải ra từ ống khói sẽ không còn chất H2S nữa.

 Trong xã hội Canada, luật pháp nghiêm minh không cho phép doanh nghiệp coi thường sinh mạng người dân. Tại nhà máy luyện kim tôi làm việc, có lần người ta bắt gặp một ông công nhân ngủ gục bên cạnh lò nung quặng. Điều tra ra mới biết ông này bị bất tỉnh chỉ vì nhiễm khí độc Monoxyde Carbon (CO), không cháy hết và rò rỉ ra ngoài. Chất khí này không mùi, không sắc, không vị, thường làm cho nạn nhân mơ màng ngủ thiếp đi từ từ đến cái chết một cách nhẹ nhàng (ai muốn biết sự độc hại của chất khí này xin cứ ngồi trong xe hơi cho động cơ nổ xả khói và đóng cửa garage lại, yên chí đi, đó là cách tự tử âm thầm không đau đớn nhất). Sự cố nói trên làm nghiệp đoàn công nhân nhà máy phẫn nộ yêu cầu công ty phải có biện pháp khẩn cấp ngăn ngừa tai nạn.

 Từ Canada xa xôi, với nỗi lo đồng bào mình có thể gặp đại họa, tôi xin đóng góp một ý kiến nhỏ như trên nhằm giúp phần nào cho việc giải quyết vấn đề khí độc thải ra từ nhà máy Dung Quất. Ngộ độc khí H2S là một tai họa bà con ta chưa từng trải qua nên có thể chưa biết cách phòng tránh. Vì đã biết rõ mức độ cực kỳ nguy hiểm của khí H2S, tôi không thể không lên tiếng. Chân thành mong được các cấp có trách nhiệm lưu ý quan tâm. Đề nghị Bộ Y Tế Nhà Nước nên nghiên cứu nghiêm túc hiện tượng ô nhiễm này, và công bố rộng rãi một cẩm nang nêu lên những điều cần biết, cần làm ngay cho dân cư quanh vùng Nhà máy để giúp họ tránh được hiểm hoạ nếu gặp sự cố trong tương lai.

 Cầu nguyện Trời Phật phù hộ nhân dân các tỉnh miền Trung vốn dĩ đã quá đau khổ vì thiên tai lũ lụt vừa qua nay lại phải đối mặt với tai họa ngộ độc vì chất khí H2S của tử thần.

 Lê Quốc Trinh (Canada)

 Theo Đàn Chim Việt

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn