BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73315)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đài Chân Trời Mới phỏng vấn anh Phương Nam - Đỗ Nam Hải

01 Tháng Giêng 200512:00 SA(Xem: 836)
Đài Chân Trời Mới phỏng vấn anh Phương Nam - Đỗ Nam Hải
53Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.34
Nguyệt Như: Xin kính chào anh Phương Nam - Đỗ Nam Hải. Nguyệt Như rất hân hạnh được tiếp chuyện với anh hôm nay.

Phương Nam: Xin mến chào chị Nguyệt Như. Xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới.

Nguyệt Như: Dạ thưa anh, phản ứng của mọi người và của chính quyền là ra sao, sau khi anh gửi lá Thư Ngỏ cho Quốc hội, Chính phủ, Ban chấp hành trung ương ĐCS Việt Nam, các cơ quan truyền thông trong ngoài nước và các bạn bè quan tâm ?

Phương Nam: Hôm nay là ngày 1/1/2005, bức Thư Ngỏ đó tôi gửi đi ngày 10/12/2004, tức là được 3 tuần rồi. Với các cơ quan truyền thông ở ngoài nước và các bạn bè quan tâm thì đã có những thông tin phản hồi. Nhìn chung, các phản hồi ấy là rất tốt; mọi người đều tán đồng những gì tôi đã trình bày trong thư. Riêng đối với tất cả các cơ quan ở trong nước như: Quốc hội, Chính phủ, BCHTƯ ĐCS Việt Nam, các cơ quan truyền thông thì tôi chưa thấy một cơ quan nào trả lời.

Nguyệt Như: Đó có phải là điều bình thường không, thưa anh ?

Phương Nam: Đây là điều rất bình thường, trước đây tôi cũng đã từng gửi những bài viết của mình tới những cơ quan trên. Kể cả gần đây là bài Góp ý với Quốc hội khóa 11 về việc chất vấn và trả lời chất vấn trước diễn đàn Quốc hội. Tất cả đều nằm trong sự im lặng. Tôi cũng đã quen với cung cách hành xử này rồi, nên không thấy ngạc nhiên gì.

Nguyệt Như: Anh có thể phân tích rõ hơn về bản chất của cung cách hành xử ấy.

Phương Nam: Ở những nước có nền dân chủ đích thực, khi một công dân của họ nêu lên những ý kiến đề xuất, với mục đích góp phần xây dựng và phát triển đất nước thì tùy theo tầm mức của ý kiến đó ra sao, sẽ có các cơ quan chức năng thích ứng để liên lạc và đối thoại với họ. Nhưng ở Việt Nam thì khác: nếu đó là những ý kiến phù hợp với quan điểm chính thống của ĐCS Việt Nam thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu đó lại là những ý kiến ngược lại với các quan điểm chính thống của ĐCS Việt Nam thì trong rất nhiều trường hợp, chính quyền bèn chuyển hồ sơ của họ sang cho công an! Trường hợp của tôi đã góp thêm một ví dụ nữa chứng minh cho nhận định trên.

Chính nét khác biệt này là một trong những tiêu chí để đánh giá một quốc gia là có dân chủ hay không có dân chủ. Những người bảo thủ, hiện đang nắm thực quyền trong ĐCS Việt Nam chỉ muốn dân tộc anh hùng này "sống phúc âm trong lòng Đảng" mà thôi.

Còn nếu ai "sống phúc âm nhưng lại ngoài lòng Đảng" thì lập tức là Đảng nổi cáu ngay. Chính cái sự "Đảng cáu" ấy đã đẩy biết bao những con người đã và đang đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước phải rơi vào vòng thẩm vấn, tù tội, quản chế, khai trừ cùng nhiều ngón đòn độc ác khác. Họ thường bị quy vào các tội như: "Viết bài, lưu trữ và phát tán các tài liệu phản động", "Làm gián điệp cho nước ngoài", "Làm phương hại đến nền an ninh quốc gia" hoặc bị nhục mạ như: "Cái lũ ăn phải bả bọn đế quốc, sài lang, câu kết với các thế lực thù địch, đang tâm chống lại Đảng, chính quyền, chống lại Tổ quốc, nhân dân, chống lại nền dân chủ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta, ..." (!?)

Nhưng tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng: một khi anh đã gây tội ác thì sớm muộn gì anh cũng sẽ bị phát hiện và bị trừng phạt (dù chỉ là bằng cách ra lệnh miệng). Không bị trừng phạt bởi công lý thì cũng bị trừng phạt bởi trời phật, thần linh. Những người đã hoặc đang có những mưu toan đen tối nhằm "ra đòn" với những người dân chủ Việt Nam hãy nhớ tới điều đó. Các vị làm gì thì làm, nhưng xin hãy đừng quá lậm vào ý Đảng mà lãng đi cái "zdụ" lòng dân. Vì điều đó sẽ khó có cơ sở mà để lại phúc đức cho con cháu các vị sau này lắm!

Nguyệt Như: Trong phần 4 của bài Việt Nam đất nước tôi, anh có chứng minh rằng: trong xã hội Việt Nam hôm nay là không có nền dân chủ thực sự. Anh có thể nêu thêm một vài ví dụ để làm rõ hơn cho nhận xét này.

Phương Nam: Điều này thì đã có nhiều người dân chủ Việt Nam trước và sau tôi chứng minh. Rõ ràng trên đất nước ta là không có nền dân chủ thực sự. Cái gọi là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hôm nay, xét về thực chất chỉ là thứ dân chủ lừa mị, giả hiệu. Dân chủ cho thiểu số những người nắm thực quyền trong Ban lãnh đạo ĐCS Việt Nam. Nó, nếu có trong xã hội thì cũng chỉ là những "mẩu vụn" của nền dân chủ đích thực mà thôi. Theo tôi, thậm chí nó còn tệ hại hơn rất nhiều so với những nền dân chủ tư sản ở các thế kỷ trước, mà phong trào cộng sản từng không tiếc lời phê phán.

Tôi xin được nêu 3 ví dụ điển hình:

  1. Vào thế kỷ 19, giữa lòng Luân Đôn - thủ đô của nước Anh tư bản, trong suốt hơn nửa thế kỷ, Mác (Marx) và Ăng-ghen (Engels) đã viết nhiều tác phẩm lên án chủ nghĩa tư bản, trong đó có bộ Tư bản Luận nổi tiếng. Rồi cùng các đồng chí của ông thành lập và lãnh đạo Quốc tế Cộng sản I (1864), với chủ trương không hề giấu diếm là: Giai cấp vô sản sẽ giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản bằng con đường bạo lực. Nhưng tất cả đều vẫn được an toàn.

  2. Vào đầu thế kỷ 20, Nhóm Nguyễn Ái Quốc (gồm các ông: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn An Ninh) ở Paris - thủ đô nước Pháp tư bản vẫn được tự do lập Hội người Việt Nam yêu nước, viết Yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam gửi Hội nghị Véc-xây. (trong đó yêu cầu chính phủ Pháp phải ân xá tù chính trị Việt Nam, cải cách pháp lý, tự do báo chí và tư tưởng, tự do lập hội và hội họp), rồi ra báo Người Cùng Khổ (Le Paria), xuất bản cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Và chàng trai 30 tuổi Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành vẫn được điềm nhiên đi dự đại hội Tours, là đại hội sáng lập Đảng cộng sản Pháp (1920),... và tất cả cũng đều được an toàn.

  3. Từ 24/9 - 16/12/1933, tại thành phố Laixích (Leipzig - Đức), chính quyền phát xít Đức mở phiên tòa xét xử ông G. Đimitrốp (người Bungaria) với tội danh "đốt nhà Quốc hội Đức". Suốt gần 3 tháng xét xử, G. Đimitrốp đã tự bảo vệ được mình trước tòa án phát xít, buộc chúng phải trả tự do cho ông vào tháng 2/1934. Sau đó ông sang Liên Xô hoạt động, và năm 1935 tại Đại hội VII - Quốc tế cộng sản III, ông đã được bầu làm Tổng bí thư Quốc tế cộng sản.


Thế mà ngày nay, những người dân chủ Việt Nam chỉ là viết và truyền bá những bài viết ôn hòa hơn nhiều thì đã bị hành hạ đủ điều. Họ không hề được quyền tự do ra báo hoặc tự do lập hội. Chẳng hạn giống như việc được ra báo Người Cùng Khổ, được lập Hội người Việt Nam yêu nước,... như của nhóm 5 ông Nguyễn Ái Quốc tại Paris - Pháp, vào đầu thế kỷ trước. Hay là với người Việt Nam hôm nay thì "Đảng ta đã định hướng" rằng: "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" rồi! Chứ còn phải đi tìm kiếm lòng vòng ở đâu nữa cho "tốn xăng" ?!

Ngoài ra, các phiên tòa xét xử những người dân chủ Việt Nam thì được tiến hành một cách vội vàng, lấp liếm, thậm thà thậm thụt như làm bạc giả; với những bản án được định sẵn. Thực tế rõ ràng như vậy, nhưng đáng tiếc là có nhiều người Việt Nam do bị ảnh hưởng bởi sự thông tin một chiều bao năm trời, nên sự nhận thức vẫn còn rất lờ mờ, mông lung. Tôi tin rằng, trong tương lai không xa, khi đất nước đã có một nền dân chủ thực sự, với sự thông tin đa chiều thì sự mông lung, lờ mờ kia sẽ dần biến mất.

Nguyệt Như: Xin anh cho biết về những phản ứng của Cơ quan an ninh - Bộ công an sau khi bức Thư Ngỏ của anh được gửi đi.

Phương Nam: Cho tới nay, phản ứng của Cơ quan an ninh - Bộ công an sau khi bức Thư Ngỏ của tôi gửi đi là chỉ có một cú điện thoại duy nhất gọi đến vào chiều ngày 14/12/2004, để hỏi xem tôi đang ở đâu và cục CPU của tôi đã được Công an quận Phú Nhuận trả chưa? Tôi trả lời rằng: tôi vẫn đi làm bình thường ở Ngân hàng, còn cục CPU đó thì vẫn chưa được trả lại. Ngoài ra, còn là sự tác động lên gia đình tôi và ngân hàng, nơi tôi đang làm việc, nhưng tôi xin được đề cập đến chuyện này vào một dịp khác.

Xin giải thích thêm một chút: Cơ quan an ninh - Bộ công an là đơn vị đã làm việc trực tiếp với tôi trong hơn bốn tháng qua, nhưng cục CPU trong chiếc máy tính của tôi thì lại bị Công an quận Phú Nhuận giữ. (có sự chứng kiến của Cơ quan an ninh trên). Cú điện thoại ngày 14/12/2004 là do một sỹ quan trẻ của Cơ quan an ninh - Bộ công an gọi đến để hỏi xem Công an quận Phú Nhuận đã trả nó cho tôi chưa? Cũng chính anh bạn trẻ này là người đã đi cùng tôi về nhà tôi, tại số 441 Nguyễn Kiệm - Phường 9 - Quận Phú Nhuận - Tp. Hồ Chí Minh, chiều ngày 4/12/2004. Anh ta đứng ngoài chờ, còn tôi vào nhà lấy cục CPU ra và quay trở lại Công an Quận Phú Nhuận giao nộp (không hề có một chứng từ biên nhận nào). Sự việc diễn ra giống như là tôi về nhà lấy máy tính đem đi sửa chữa thôi.

Nguyệt Như: Cái đó xem ra có vẻ hơi lạ, chẳng lẽ hai cơ quan công an lại không phối hợp làm việc với nhau ?

Phương Nam: Theo tôi, có lẽ đó là cái mà người ta thường gọi là "biện pháp nghiệp vụ" thôi. Mục đích chính là công an muốn biết xem tôi đang ở đâu? Đang làm gì? Chắc chắn là các cơ quan trên phải liên hệ, phối hợp làm việc với nhau. Chứ muốn biết những thông tin ấy thì việc gì họ phải hỏi đến mình.

Nguyệt Như: Có phải vì anh lo ngại cho an nguy của gia đình, cùng những người thân quen, nên đã có sinh hoạt độc lập và không có liên hệ, tham gia vào những tổ chức hoặc đảng phái chính trị nào không, thưa anh ?

Phương Nam: Đúng, có 2 lý do để tôi làm như vậy. Thứ nhất là ngay từ đầu tôi đã xác định mình nên là người hoạt động độc lập. Nó sẽ có lợi hơn cho việc góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ Việt Nam tiến lên phía trước. Thứ hai là cho sự an tồn của mình và những người thân. Lúc này tôi vẫn là người hoạt động dân chủ độc lập. Từ tháng 6 năm 2000 đến nay, khi bài viết đầu tiên Việt Nam Đất Nước Tôi của tôi được gửi lên Internet, tôi đã có quan hệ rất tốt với nhiều cá nhân, tổ chức trên khắp thế giới. Nhưng như trong bức Thư Ngỏ đã trình bày: tôi chỉ ủng hộ những cá nhân hoặc tổ chức nào mong muốn đưa đất nước Việt Nam có tự do, dân chủ bằng những biện pháp hoà bình. Còn những ai muốn làm ngược lại thì tôi phản đối. Đến nay và sau này cũng vậy, tôi không hề bị chi phối hay bị khống chế bởi bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào, kể cả ở trong và ngoài nước. Đấy là điều khẳng định.

Nguyệt Như: Còn bạn bè trong nước của anh thì sao ? Họ có biết những công việc của anh không và nếu biết thì họ sẽ có những phản ứng gì ?

Phương Nam: Bạn bè thì tôi không muốn để cho họ phải liên lụy, vì nếu họ bị liên lụy thì sẽ rất phiền phức cho họ và gia đình. Tuy nhiên, trong những lúc trao đổi với nhau, tôi cũng thường nêu quan điểm của mình đã được thể hiện trong các bài viết. Điều đáng mừng là rất nhiều người trong số họ bày tỏ sự đồng tình với tôi. Trường hợp họ chưa đồng tình thì phương châm của tôi là kiên trì thuyết phục. Còn việc trao đổi những tài liệu về dân chủ thì đấy là một chuyện chứa đựng rất nhiều rủi ro ở Việt Nam.

Nguyệt Như: Dạ vâng, có lẽ nhiều người biết anh qua những bài viết của anh, tuy nhiên để thực sự hiểu rõ hơn về nhân vật Phương Nam, xin anh có thể cho quý thính giả biết sơ qua về tiểu sử của mình.

Phương Nam: Tôi sinh ra ở Hà Nội năm 1959. Tôi đã trải qua những năm tháng sống, học tập ở Hà Nội và ở những nơi sơ tán, thuộc nhiều làng quê trên miền Bắc. Sau ngày 30/4/1975 tôi vào Sài Gòn cùng gia đình, khi đó tôi còn là một cậu học sinh 16 tuổi. Tôi học tiếp những năm cuối phổ thông ở Sài Gòn, rồi học đại học, ra đi làm và học lên cao học đều ở Việt Nam. Năm 1994 tôi đi sang Australia cùng gia đình. Đầu năm 2002, tôi trở về Việt Nam và hiện nay tôi đang làm việc trong một ngân hàng ở Sài Gòn. Ở đây có 2 chi tiết cần làm rõ:

Thứ nhất, tôi đã học xong chương trình cao học kinh tế khóa 1992 - 1994, nhưng năm 1994, do đi sang Australia nên tôi chưa kịp làm bản luận văn tốt nghiệp. Vì vậy, về mặt lý thuyết tôi đã có chứng chỉ hòan tất, nhưng về mặt bằng cấp thì tôi chưa có bằng thạc sỹ kinh tế.

Thứ hai, tôi không phải là sinh viên du học như nhiều bài viết đã ghi nhầm. Thời gian gần 8 năm ở Australia chỉ là thời gian tôi sang đấy sinh sống cùng gia đình mà thôi.

Nguyệt Như: Trong các bài viết của mình, anh lấy bút hiệu là Phương Nam. Bút hiệu ấy có ý nghĩa gì đặc biệt hay không mà anh lại chọn nó ?

Phương Nam: Sở dĩ tôi chọn bút hiệu này bởi vì tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng năm 16 tuổi tôi lại vào miền Nam. Cho nên tâm hồn tôi là sự đan quyện giữa con người của vùng đất phương Bắc có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, với vùng đất ở phương Nam nắng ấm, với hai mùa Mưa, Nắng. Tôi đã được gặp rất nhiều người và kết thân với các bạn bè mới của mình ở miền Nam. Thuở ban đầu, do người thì sống ở miền Nam, còn mình thì sống ở miền Bắc, nên cũng có sự khác biệt về quan điểm, lối sống ở hai chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau trước đó. Nhưng sau này, chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng học hành chung với nhau, cùng chia sẻ với nhau từng gói mì tôm và những đồng tiền cuối cùng của cuộc đời sinh viên trong ký túc xá, nên chúng tôi dần dần coi nhau như anh em một nhà. Những khác biệt kia đã tan biến hồi nào mà chúng tôi cũng chẳng hay. Vì vậy, tôi đặt bút hiệu Phương Nam là để cám ơn mảnh đất, con người phương Nam đã cho tôi có thêm nhiều người bạn mới, biết thêm nhiều vùng đất mới, với cuộc sống mới đa dạng, bởi sự đan quyện giữa phong cách sống của hai miền Nam - Bắc.

Nguyệt Như: Anh đã viết rất là nhiều bài, nhất là trong thời gian anh ở Úc, những bài đó phải nói rất là công phu, anh đã bỏ rất nhiều thời gian vào đó. Không biết nếu phải tả anh là một nhà văn hay là một nhà đấu tranh cho dân chủ, thì giữa hai hình ảnh đó, theo anh cái nào mô tả anh đúng nhất ?

Phương Nam: Thực ra, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ là nhà văn đâu, kể cả bây giờ cũng vậy. (vì hồi nhỏ tôi học văn rất dốt!). Chẳng qua là do sự bức xúc của mình sau thời gian hơn 5 năm sống ở Úc. Tôi thấy thời gian đã đủ để mình chiêm nghiệm và so sánh giữa hai chế độ nhất nguyên, độc đảng ở Việt Nam, với chế độ đa nguyên, đa đảng của nước Úc và của nhiều nước dân chủ khác trên thế giới, nên đã thúc đẩy tôi viết ra. Những điều đó được thể hiện rất rõ nét và sống động qua cuộc sống diễn ra xung quanh mình và qua sách báo, phim ảnh, truyền hình của một đất nước có sự thông tin nhiều chiều. Tôi là một kỹ sư kinh tế ngân hàng, thời thế nó làm cho mình buộc phải trở thành người viết đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam thì đúng hơn. Cho đến lúc này, tôi vẫn muốn làm công việc chuyên môn của mình hơn.

Nguyệt Như: Theo Nguyệt Như được biết thì anh rất quý mến các nhà dân chủ ở trong nước, ngay từ khi anh còn ở Úc. Nhất là những ông như là Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Đan Quế, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang,... Họ có tác động hay ảnh hưởng lên con đường anh chọn hôm nay hay không ?

Phương Nam: Có, chắc chắn là có tác động rồi. Khi tôi được ra nước ngoài, được sang Australia thì tôi mới được đọc những bài viết của họ và tôi thấy rằng: đây là những vốn quý của đất nước mình và họ đã ảnh hưởng tích cực tới nhân sinh quan của tôi. Bên cạnh đó, phải kể đến những ảnh hưởng mạnh mẽ của nền dân chủ Úc và của các nước dân chủ khác trên thế giới. Tất cả kết hợp lại đã giúp tôi có một sự thay đổi lớn trong nhận thức. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mình phụ thuộc vào một người nào, hay tôn sùng bất cứ một nền dân chủ nào. Tôi chiêm nghiệm tất cả những cái đấy, nhưng khi rút ra những kết luận cho mình thì tôi hoàn toàn độc lập. Theo tôi, nền dân chủ đa nguyên, đa đảng và pháp trị ở Việt Nam trong tương lai, nếu muốn xây dựng và phát triển bền vững thì phải do chính người Việt Nam tự làm. Nó phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; chứ không thể sao chép nguyên si của bất cứ mô hình nào, như đã từng sai lầm nghiêm trọng trong quá khứ.

Nguyệt Như: Tại sao anh lại chọn thời điểm này để chính thức bày tỏ suy nghĩ của mình với chính quyền Việt Nam một cách công khai như vậy ? Nhất là việc lá Thư Ngỏ được gửi đi đúng vào ngày 10/12, trùng với ngày Quốc tế nhân quyền ?

Phương Nam: Không, đấy chẳng qua là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi, chứ tôi không cố tình. Sở dĩ tôi chọn thời điểm này để viết bức Thư Ngỏ là bởi 2 lẽ: Thứ nhất, tình trạng của tôi hiện nay là công an có thể gọi mình đi bất cứ lúc nào, nơi nào nếu họ muốn. Thí dụ như là đưa tôi vào trong một căn phòng kín thuộc 1 khách sạn, một căn nhà vắng, một chiếc xe hơi bít bùng nào đó,... để chất vấn, để bắt buộc mình phải mở những hộp thư điện tử, mở Diễn đàn Nhà Việt Nam ra,... như họ đã từng làm với tôi hơn 4 tháng qua. Tình trạng này là cực kỳ nguy hiểm cho sự an tồn của tôi và những người lương thiện khác, do liên quan với tôi mà cũng bị công an hành hạ, hạch sách.

Cách đây hơn 2 tháng, tôi đã tuyên bố với các sỹ quan công an điều tra: "Đây là lần cuối cùng tôi mở chúng. Bởi vì các anh muốn tôi chứng minh là tôi không hề có quan điểm bạo loạn, lật đổ thì tôi đã mở chúng ra cho các anh coi, và các anh đã công nhận với tôi rằng: tôi làm việc hoàn toàn độc lập, bản thân tôi và gia đình đều tốt. Như vậy là đủ." Từ đó, công an đã không còn yêu cầu tôi phải mở chúng ra nữa. Tôi cũng nói thêm: "Các anh làm như vậy là vi phạm trắng trợn quyền tự do cá nhân, vi phạm quyền tự do thư tín đã được quy định rõ trong Hiến pháp Việt Nam hiện hành. Đất nước mình vì không có dân chủ nên nó mới ra nông nỗi này".

Có người hỏi tôi rằng: "Sao anh để họ vi phạm nhân quyền trắng trợn như thế mà lại không kiện?". Nhưng tôi thì cho rằng: vấn đề là phải giải quyết tận gốc, chứ ở Việt Nam mình trong những trường hợp như vậy thì dù có kiện cũng vô ích. Đọan trích sau đây trong bức thư của thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, gửi Ban chấp hành trung ương ĐCS Việt Nam, ngày 15/7/2004 vừa qua, một lần nữa chứng minh rõ thêm cho nhận xét này: "... Bộ chính trị đã giao cho Thường vụ Quốc hội xem xét lại Pháp lệnh tình báo và giao cho Văn phòng Chính phủ xem lại nghị định 96/CP...".

Ông Phan Diễn là Ủy viên Bộ chính trị, thường trực Ban bí thư TƯ ĐCS Việt Nam đã trả lời tỉnh queo ông Nam Khánh như vậy, trong cuộc gặp ngày 8/7/2004. Chẳng cần phải nói dài dòng, người đọc cũng thấy ngay là trên đất nước ta, cho dù "tam quyền" (lập pháp - hành pháp - tư pháp) có "phân lập" theo kiểu gì, thì sớm muộn cũng "nhập 1" mà thôi. Đó là 1 bộ có ít người nhất, nhưng lại có nhiều quyền hạn vô biên nhất: Bộ chính trị ĐCS Việt Nam.

Ngoài ra, còn lý do thứ hai nữa là: theo tôi, nếu mình ra công khai sẽ tạo được khả năng để nhiều người, nhất là ở trong nước biết được những quan điểm của mình đã thể hiện qua những bài viết hơn.

Nguyệt Như: Xin anh nói rõ hơn cho quý thính giả của đài biết về ý kiến đề nghị của anh về 1 cuộc Trưng cầu dân ý.

Phương Nam: Ý kiến đề nghị tổ chức 1 cuộc Trưng cầu dân ý ở Việt Nam đã được tôi trình bày tại phần 4, trong bài Việt Nam đất nước tôi.(Đang được đăng trên 1 số trang web như: Đàn Chim Việt & Mạng Ý Kiến online. Click: www.danchimviet.com & www.ykien.net - Mục Tác giả.)

Trong đó, câu hỏi duy nhất cần nhân dân Việt Nam trả lời là:
Việt Nam nên hay không nên theo thể chế chính trị đa đảng ?
Nếu ai đồng ý thì bầu - Ai không đồng ý thì bầu Không.

Ở đây tôi xin được trình bày rõ hơn về tính khả thi của nó: có nhiều người cho rằng "Anh đừng có mà ảo tưởng, sức mấy mà mấy "ông nội" ở Ba Đình - Hà Nội lại chịu ba cái "zdụ" này! Hoặc giả "mấy chả" có chịu thì chắc gì "mấy bố" đa đảng đã thắng? Bởi vì ngành truyền thông thì ĐCS nắm toàn bộ, hệ thống chuyên chính vô sản thì được họ trang bị đến tận răng, lại được giao cho quá nhiều quyền hạn. Vì vậy, xét về tương quan lực lượng, nếu cuộc Trưng cầu dân ý trên mà có diễn ra thì "mấy bố" đa đảng lại chẳng thua chỏng vó ra ấy à!

Bây giờ cứ ngẫm kỹ mà xem: Ở nước mình, có lực lượng chính trị nào ra hồn đâu mà ganh với chả đua với ĐCS Việt Nam ? Hay là "bày đặt" đấu tranh, tranh đấu một hồi để rồi ba cái thằng phản động nó ngóc đầu dậy đè đầu, cưỡi cổ dân tộc mình ? Đất nước lại rơi vào cảnh đầu rơi, máu chảy nữa thì "mấy bố" đa nguyên, đa đảng đấu tranh "hơi bị" khéo quá đấy!". Tôi hoàn toàn thấu hiểu những nỗi ưu tư đó, nhưng tôi có cách nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn:

- Theo tôi, vào giai đoạn 15 - 20 năm về trước, thì ở các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu cũng đã có nhiều người có những lập luận tương tự. Những người lãnh đạo trong Đảng cộng sản ở các nước này chắc chắn là cũng "sắt son" với "cái món" nhất nguyên, độc đảng không kém gì những người hiện đang nắm thực quyền trong ĐCS Việt Nam hiện nay đâu. Nhưng với sức ép ngày càng mạnh mẽ của các dân tộc ấy và của thời đại, cùng với sự phân liệt ngày càng trầm trọng trong nội bộ các ĐCS, nên cuối cùng đã buộc họ phải Nhận thức lại. Bởi vì lúc ấy họ đứng trước 1 trong 2 sự lựa chọn: Hoặc là mau chóng rút lui khỏi quyền lực, hoặc là cứ cố tình níu kéo quyền lực, bất chấp ý chí và nguyện vọng của nhân dân; để rồi tính mạng của họ và người thân có thể sẽ bị mất an toàn, như đã từng diễn ra ở Romania vào tháng 12 năm 1989, với kết cục là cái chết đích đáng và nhục nhã của vợ, chồng tên độc tài Ceausescu (bị xử tử).

Hãy lấy trường hợp nước Cộng hòa dân chủ Đức vào năm 1989 làm ví dụ:

Một nước Đông Đức được đánh giá thuộc hạng mạnh nhất trong khối các nước xã hội chủ nghĩa, với lực lượng quân đội DDR và lực lượng mật vụ Stasi khét tiếng. Nhưng chỉ trong đêm 9/11/1989 đã sụp đổ không gì cứu vãn được, trước một biển người dân ở cả 2 miền Đông - Tây Đức khát khao với tự do, dân chủ và không một tấc sắt trong tay. Trước sức mạnh như nước vỡ bờ ấy, các lực lượng quân đội và cảnh sát Đông Đức đã bất chấp ý Đảng để ủng hộ cho lòng dân, quyết tâm cùng dân tộc làm cuộc cách mạng dân chủ. Kết qủa là bức tường Berlin bị phá sập và sự kiện đó trở thành biểu tượng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. Cũng cần lưu ý rằng, vào tháng 10/1989, tức là chỉ trước đó 1 tháng, Eric Honecker khi ấy là Tổng bí thư Đảng công nhân thống nhất Đức vẫn tuyên bố 1 câu xanh rờn: "Bức tường Berlin sẽ còn đứng vững hàng trăm năm!" Eric Honecker sau đó đã bỏ trốn ra nước ngoài, nhưng cuối cùng cũng phải ra đứng trước vành móng ngựa của nước Đức thống nhất, để trả lời cho những tội ác của ông ta và những đồng chí của ông, với hàng ngàn vụ kiện và hàng trăm vụ được đem ra xét xử và tuyên án.

- Bây giờ giả sử rằng: khi áp lực của dân tộc và của thời đại đã đủ mạnh, buộc những người nắm thực quyền trong ĐCS Việt Nam phải chấp nhận 1 cuộc Trưng cầu dân ý (TCDY) theo đề nghị trên, thì liệu "mấy bố" đa nguyên, đa đảng có bị "thua chỏng vó" ra không ?

Theo tôi, vấn đề sẽ là như sau:

Khi ấy, một ỦY BAN QUỐC GIA VỀ TRƯNG CẦU DÂN Ý sẽ được thành lập. Thành phần của Ủy ban này bao gồm những người ở trong và ngoài ĐCS Việt Nam; kể cả người Việt Nam ở nước ngoài. (bởi vì có rất nhiều người trong số họ vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam). Việc thông tin, tuyên truyền sẽ được Ủy ban trên tiến hành đồng thời và bình đẳng cho cả 2 "sản phẩm" đơn đảng và đa đảng. Hai lực lượng quân đội và công an Việt Nam sẽ làm nhiệm vụ cao quý của mình là bảo đảm tốt an ninh cho nhân dân trước, trong và sau cuộc TCDY.

Việc gian lận phiếu bầu theo tôi là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine trong 2 tháng 11 và 12/2004 vừa qua, cho chúng ta một niềm tin tưởng sắt đá rằng: trong thời đại ngày nay, những sự gian lận như vậy đều sẽ sớm bị phát hiện và thắng lợi cuối cùng sẽ không bao giờ thuộc về những kẻ lầy là, lem nhem!

Sẽ có 2 khả năng xảy ra sau kết quả của cuộc Trưng cầu dân ý trên:

1) Nếu đa số nhân dân Việt Nam bầu Có cho sự đơn đảng, thì lúc ấy Đảng cộng sản Việt Nam thực sự là chính danh để lãnh đạo đất nước. (cho đến khi nào nhân dân Việt Nam thấy cần phải có một cuộc Trưng cầu dân ý mới. Quy định ít nhất phải là 5 năm chẳng hạn). Còn hiện nay thì nó đang Vay mượn không hề có Khế ước xã hội và hoàn toàn sống cộng sinh vào dân tộc!

Theo tôi, kể cả trong trường hợp mà "mấy bố" đa nguyên, đa đảng có "thua chỏng vó" đi chăng nữa thì họ cũng không nên vì thế mà bi quan. Bởi vì, điều gặt hái lớn nhất mà dân tộc đạt được là: một cuộc Tổng diễn tập về dân chủ đã được thực hiện trong cuộc TCDY trên, và điều này là rất có lợi cho 1 cuộc TCDY sau đó. Tôi tin rằng, một khi mà trình độ dân chủ và dân trí của nhân dân Việt Nam được nâng cao hơn, thì chắc chắn kết quả sẽ nghiêng về xu thế tất yếu của thời đại ngày nay là nền dân chủ đa nguyên, đa đảng tiến bộ.

2) Nếu đa số nhân dân Việt Nam bầu Có cho sự đa đảng, thì lúc ấy Hiến pháp Việt Nam hiện hành phải được sửa lại cho phù hợp với kết quả này. Cụ thể là phải sửa lại một số điều, nhất là điều 4, quy định ĐCS Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước. ĐCS Việt Nam cũng vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước cho đến khi có 1 cuộc Bầu cử tự do, với chiến thắng thuộc về 1 đảng chính trị khác.

Như vậy, trong cả 2 trường hợp trên thì sự chuyển biến về chính trị của đất nước đều diễn ra một cách thực sự bình đẳng, văn minh và trong hòa bình. Cuộc Tổng diễn tập về dân chủ ấy là không hề bị đổ máu. Nó cũng hoàn toàn tránh được những đổ vỡ đau lòng trong nội bộ dân tộc, kể cả trong nội bộ ĐCS Việt Nam. Đồng thời, tránh được tối đa sự can thiệp, chi phối từ bên ngoài. Bằng cách ấy, dân tộc cũng sẽ tránh được nguy cơ để cho "Bọn phản động ngóc đầu dậy đè đầu, cưỡi cổ dân tộc mình", như nhiều người đã lo ngại. Bởi 1 lẽ đơn giản là: Những ai hoặc thế lực nào thích giải quyết vấn đề bằng bạo lực, bạo loạn, lật đổ sẽ khó lòng "có cửa" để giành chiến thắng trong những cuộc đua tranh dân chủ sòng phẳng.

Theo tôi, cũng không nên sợ là đất nước không có lực lượng chính trị nào ra hồn làm đối trọng với ĐCS Việt Nam. Những lực lượng ấy đã có và nằm ngay trong lòng dân tộc. Nền kinh tế nhiều thành phần đã hình thành và phát triển trong hàng chục năm qua là thêm cơ sở vững chắc cho nhận định này. Tình hình ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu cũng đã chứng minh rõ. Thậm chí lúc đầu có thể còn bị tình trạng "lạm phát đảng phái", nhưng cùng với thời gian, với sự chọn lựa tỉnh táo của nhân dân, con số này sẽ giảm xuống.

Nguyệt Như: Thưa anh, tin mới nhất mà Nguyệt Như nhận được là có một nhóm bạn của anh ở Melbourne đã hay tin về những gì đang xảy ra cho anh. Và họ muốn gióng lên tiếng nói để bảo vệ anh trước chính phủ Úc và các cơ quan truyền thông ngoại quốc. Nguyệt Như cũng được biết là các anh, chị trong Ban quản trị diễn đàn Nhà Việt Nam cũng muốn có những hành động tương tự. Không biết anh có cảm nghĩ gì trước việc làm này, thưa anh ?

Phương Nam: Tôi rất xúc động khi nghe được những thông tin như vậy. Tôi nghĩ đó là việc làm rất cần thiết và rất quan trọng. Không những là để bảo vệ tôi mà còn là bảo vệ những người khác nữa trong Diễn đàn Nhà Việt Nam: một số người ở Đà Nẵng, Sài Gòn, Long An cũng đã bị công an gọi lên thẩm vấn, gây lo sợ và gây khó khăn rất nhiều cho họ trong vòng 3 - 4 tháng trở lại đây. Cũng nhân đây, tôi xin được bày tỏ sự cảm ơn chân thành của mình trước những tình cảm và việc làm mà nhiều bà con ta ở cả trong và ngoài nước; các cơ quan truyền thông đại chúng ở nước ngoài, Tòa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội ký giả không biên giới,... đã dành cho tôi trong thời gian qua; nhất là sau khi bức Thư Ngỏ của tôi được gửi đi. Điều đó làm cho tôi cảm thấy rất ấm lòng và hoàn toàn tin tưởng rằng: Cuộc đấu tranh cho nền tự do, dân chủ ở Việt Nam nhất định sẽ giành được thắng lợi trong một tương lai không xa.

Nguyệt Như: Anh có điều gì muốn nhắn gửi tới những người đang không ngừng đấu tranh cho nền tự do, dân chủ thực sự của Việt Nam không ?

Phương Nam: Tôi rất mong đồng bào ta ở cả trong - ngoài nước và bạn bè quốc tế hãy cùng hợp sức ủng hộ ý kiến đề nghị của tôi về 1 cuộc Trưng cầu dân ý như trên đã trình bày. Về phần mình, tôi xin nguyện làm hết sức mình cho công việc đó. Tôi yêu đất nước này, cuộc sống này và chính vì yêu cuộc sống, tôi thanh thản bước vào cuộc chiến đấu quyết cùng dân tộc và thời đại giành lại tự do, dân chủ cho quê hương!

Nguyệt Như: Nguyệt Như xin cảm ơn anh Phương Nam đã dành thời gian tâm tình với quý thính giả của đài Chân Trời Mới. Xin kính chúc anh nhiều thành công, nhiều may mắn và nghị lực để tiếp tục con đường mà anh đang đi, dù cho rất nhiều chông gai trước mắt.

Phương Nam: Vâng, xin cảm ơn chị Nguyệt Như. Xin chúc quý thính giả của đài Chân Trời Mới một năm mới 2005 luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc. Chúc cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta sớm chuyển mình, để có thể hoà nhập được tốt vào thế giới ngày nay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn