BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73251)
(Xem: 62218)
(Xem: 39404)
(Xem: 31153)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mạng lưới Dân chủ phỏng vấn Phương Nam

14 Tháng Mười Hai 200412:00 SA(Xem: 858)
Mạng lưới Dân chủ phỏng vấn Phương Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Chúng tôi là Mạng Lưới Dân Chủ Việt Nam - Viet Democracy Network - xin thân chào anh Phương Nam - Đỗ Nam Hải. MLDC chúng tôi gồm có những thành viên cùng thế hệ với anh và chúng tôi đã theo dõi những bài viết của anh một cách chăm chú từ nhiều năm qua. Đầu tiên xin anh cho biết kể từ khi anh gửi bức thư đề ngày 10/12/2004 cho Quốc hội nước CHXNCN Việt Nam về việc quyền công dân của anh bị công an vi phạm thì tình hình cuộc sống của anh ra sao ?

Xin chào các bạn. Từ hôm mùng 10/12 đến hôm nay là 14 tức là 4 ngày rồi thì công an chưa có một động thái nào cả đối với tôi. Tôi vẫn đi làm bình thường. Tôi cũng đã gửi bức thư ngỏ tới cho Quốc hội, Đảng và Chính phủ nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng như gửi cho các truyền thông trong và ngoài nước. Các cơ quan truyền thông ở ngoài nước thì tôi thấy đều đã có những phản hồi và đều đã đăng ở trên những trang web, thế nhưng mà còn các cơ quan truyền thông trong nước cũng như các cơ quan của chính phủ thì chưa có một hồi âm nào. Điều đó cũng giống như trước đây thôi, tôi cũng đã từng gửi những bài đó đi và thường thì không được hồi âm từ phía trong nước. Hiện nay thì tôi vẫn được an toàn, tôi vẫn đang đi làm bình thường ở ngân hàng.

Tất cả những “khó khăn” trong cuộc sống của anh hôm nay đều xuất phát từ những quan điểm, những sự suy nghĩ về tình hình chính trị - xã hội - kinh tế của đất nước mà anh đã bày tỏ qua những bài viết từ năm 2000 đến nay. Vậy ta có thể bàn về một số điều trong những bài viết của anh được không ạ.

Được, tôi sẵn sàng.

Trước hết, xin anh Hải cho biết bằng cách nào anh đã xây dựng được những tư tưởng mà anh bày tỏ trong 5 bài viết của anh ?

Thực ra thì những suy nghĩ đấy của tôi nó đã có từ khi ở Việt Nam. Nhưng đến năm 1994 khi tôi sang Úc thì nó càng được rõ nét hơn bởi vì từ chế độ nhất nguyên độc đảng ở Việt Nam sang một chế độ đa nguyên đa đảng ở bên Úc thì tôi thấy rằng là có sự khác nhau về chất, tức là nó rất là rõ ràng. Thế là từ đó tôi có một sự so sánh, một sự nghiền ngẫm suy nghĩ và tôi tổng hợp lại và sau 5 năm ở Úc, tức là từ cuối năm 1999 thì tôi bắt đầu viết bài đầu tiên là bài “Việt Nam đất nước tôi”. Bài đó tôi viết trong 6 tháng thì hoàn thành. Sau đó, 4 bài viết sau là bài “Việt Nam và sự đổi mới”, “suy nghĩ về nhận thức lại”, “viết về chủ tịch Hồ Chí Minh” và bài thứ 5 là bài “viết tiếp về nhận thức lại” thì thời gian viết ngắn hơn. Tức là khoảng từ 2 đến 3 tháng thôi.

Trong những bài viết của anh, có một bài viết nói về vấn đề sự tụt hậu của Việt Nam ngày hôm nay. Theo anh là từ nguyên do gì đã dẫn đến sự tụt hậu của Việt Nam ngày hôm nay ?

Cái đấy thì trong những bài viết của mình tôi đã phân tích rất rõ và trong bức thư ngỏ vừa rồi tôi cũng đã có nhắc lại. Tức là sự tụt hậu hiện nay nói riêng và những cái vấn nạn khác của Việt Nam nói chung, vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân cho đến nay là đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước. Tức là ở trong kinh tế nếu như bạn có thể hiểu rằng nếu như có 1 công ty về điện thoại chẳng hạn thì nó khác. Nhưng mà có 2 công ty thì tự nhiên 2 công ty đó nó phải cạnh tranh nhau và có 4 công ty thì tốt hơn là 2 công ty. Thế thì tôi nghĩ rằng trong chính trị cũng thế, nó cũng phải có sự cạnh tranh nhau ở trên chính trường. Như vậy nó mới làm cho những cái chính quyền hiện đang nắm quyền lãnh đạo đất nước mới trở nên tử tế hơn được, chứ còn nếu không, sớm muộn gì chính quyền như vậy nó cũng sẽ dẫn đến sự tha hóa, biến chất. Việt Nam hiện nay rõ ràng là đang ở trong tình trạng đó. Việt Nam nói riêng và tất cả những chế độ độc tài độc đảng nói chung là đều ở trong cái quy luật như vậy hết.

Trong một bài viết của anh, anh có sáng kiến về “trưng cầu dân ý” mà anh viết trong bài “Việt Nam đất nước tôi”, MLDC rất hoan nghênh. Nhưng theo anh, liệu nó có được nhà nước Việt Nam nghe theo không? Nếu nó được tổ chức thì anh có dự đoán được kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đó ra sao ? Anh có thể cho MLDC và các thính giả biết theo anh, anh sẽ phát biểu gì trong cuộc trưng cầu dân ý đó ?

Thực ra thì thế này, tôi nêu ý kiến đề nghị của mình về một cuộc trưng cầu dân ý đó thì tôi cũng biết rằng không có một chế độ nào, không có một chính quyền nào hiện họ đang nắm quyền mà họ lại tự nguyện san xẻ quyền lực cho một lực lượng chính trị khác. Đấy là điều khẳng định. Thế nhưng tôi nghĩ rằng cùng với sự nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao thì họ sẽ thấy rằng chế độ đa nguyên đa đảng bao giờ nó cũng sẽ tốt hơn một chế độ nhất nguyên độc đảng, và từ đó họ sẽ có áp lực từ phía xã hội, từ phía nhân dân lên chính quyền để một lúc nào đó mà chính quyền dù muốn hay không muốn họ cũng phải thay đổi. Tôi nghĩ rằng cái cuộc trưng cầu dân ý với câu hỏi là “Việt Nam nên hay không nên theo chế độ đa đảng” thì dù chính quyền sắp tới họ có muốn hay không muốn thì có thể là họ cũng phải chấp nhận cái đó. Đấy không phải là họ tự nguyện chấp nhận mà là do áp lực từ nhiều phía : từ phía nhân dân trong nước cũng như áp lực từ phía quốc tế cũng giống như là những áp lực từ những cộng đồng của đồng bào ta ở hải ngoại. Tôi nghĩ rằng cuối cùng thì họ cũng sẽ phải chấp nhận thôi.

Trong thư ngỏ anh gửi cho nhà nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội, Ban chấp hành trung ương đảng, câu cuối cùng anh dùng một lời nói của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh để anh kết cho thư ngỏ của anh là “Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có!”. Anh nghĩ ở tình trạng ngày hôm nay, câu nói đó có thiết thực hay không, và làm sao để chúng ta có thể áp dụng được câu nói của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh trong tiến trình đòi hỏi dân chủ và tự do cho Việt Nam ngày hôm nay ?

Đúng, câu đó của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Ông sinh năm 1900 và mất năm 1944. Câu nói đó của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tôi nghĩ rằng những người dân chủ Việt Nam hôm nay ở cả trong và ngoài nước đã phải trả giá rất nhiều cho dân chủ rồi, để thúc đẩy nền dân chủ Việt Nam tiến lên phía trước rồi. Cụ thể là có rất nhiều người đã phải vào tù, bị quản thúc, bị quản chế, bị vào tù… thì đấy chính là cái mà họ phải giành lấy dân chủ, họ phải giành lấy tự do và họ đã phải trả giá cho cái đó. Cho nên câu nói nó vẫn còn nguyên giá trị và ngay bản thân tôi thì tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng mình cũng đã phải trả giá và sắp tới mình cũng sẽ phải trả giá vì những việc làm đấu tranh cho tự do dân chủ này. Tôi nghĩ rằng mình sẵn sàng sẽ phải gặp một cái tai nạn nào đó trên đường chẳng hạn, hoặc là mình sẽ phải vào tù. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi sẵn sàng vào 1 nhà tù nhỏ để nhân dân Việt Nam sớm bước ra được một cái nhà tù lớn, cái nhà tù lớn ấy mang tên là “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cho nên sự ngã xuống của từng cá nhân không quan trọng bằng sự trường tồn của cả dân tộc.

Thấy anh có bút hiệu Phương Nam rất hay. Anh có thể trình bày cho mọi người biết tại sao anh lấy bút hiệu là Phương Nam ạ ?

Tại vì đối với tôi thì tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nhưng đến năm 16 tuổi tôi lại vào miền Nam. Trừ 8 năm tôi ở Úc thì hôm nay là được 29 năm rồi. Như vậy có 22 năm sống ở miền Nam cho nên có thể nói con người tôi là một con người trộn lẫn giữa cái hồn của người miền Bắc với cái hồn của người miền Nam trong cái con người của mình, trong cái tâm hồn của mình. Cho nên tôi muốn dùng tên Phương Nam để nói lên rằng là tôi cảm ơn vùng đất phương Nam đã giúp tôi trong thời gian tôi trưởng thành, tôi học đại học ở miền Nam và tôi có những bạn bè ở miền Nam… Thì đấy là cái mà tôi muốn cám ơn vùng đất phương Nam này cho nên tôi đặt cái tên này.

Rất là hay, rất là chí tình. Cuối cùng, anh muốn nói gì với những người đang theo dõi cuộc phỏng vấn này ?

Tôi muốn nói rằng là chúng ta phải lợi dụng, tận dụng cái vũ khí rất là hữu hiệu, đó là các phương tiện tuyền thông để chuyển tải những bài viết không có cay cú hận thù mà chỉ là những bài viết rất là điềm tĩnh, rất là khách quan, rất là khoa học, những bài viết hướng tới một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam. Hiện nay khối cộng đồng 3 triệu đồng bào mình ở hải ngoại đấy là một khối cộng đồng rất là đáng quý và có vai trò hỗ trợ rất là quan trọng cho phong trào đấu tranh dân chủ ở trong nước, thể hiện cụ thể qua những công việc truyền thông như là điện thoại, rồi internet… tất cả những cái đấy nó sẽ làm cho nền dân chủ Việt Nam sẽ đến nhanh hơn và tôi hy vọng rằng trong một tương lai gần thì Việt Nam sẽ thực sự có dân chủ chứ không phải là một cái dân chủ giả hiệu, dân chủ lừa mị và những mẩu vụn của dân chủ như hiện nay nữa.

Cảm ơn anh. Chúng ta đều là con của mẹ Việt Nam, không hận thù và tất cả chúng ta đều hướng cho một Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường, phải không anh. Mạng Lưới Dân Chủ - Viet Democracy Network - xin chân thành cảm ơn anh Phương Nam - Đỗ Nam Hải đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. Chúng tôi thân chúc anh luôn có thật nhiều nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong con đường vận động dân chủ cho Việt Nam mà anh đang dũng cảm chọn lựa . Chúng tôi muốn nói với anh rằng những nhân cách đáng quý trọng và đầy can đảm như anh không bao giờ đơn độc, chúng tôi tin rằng những con người biết quý trọng tự do, dân chủ trên khắp thế giới luôn đứng về phía các anh trong công cuộc đấu tranh này.

Xin cám ơn rất nhiều anh Phương Nam - Đỗ Nam Hải.

Mạng lưới Dân chủ - Viet Democracy Network thực hiện.

14-12-2004
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn