BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đồ Mã

11 Tháng Mười Một 200412:00 SA(Xem: 936)
Đồ Mã
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Dối như vẹm.
(Thành ngữ Việt Nam)


Ở Hà Nội "...có Hàng Bún, Hàng Cá, Hàng Cháo, Hàng Chuối, Hàng Dầu, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Đường, thậm chí có cả Hàng Rươi. Tiểu thủ công nghiệp có các Hàng: Bạc, Bài, Cót, Da, Điếu, Đồng, Mã, Giầy, Giấy, Nón, Vải, Trống, Phèn, Quạt, Vôi, Thiếc, Mành, Tre, Thùng, Cân... Đa số các hàng chỉ còn là cái tên gọi, còn hàng hoá thì đã "hiện đại hóa", phố nào cũng đầy quần áo dầy dép, hàng Trung Quốc và Thái Lan. Hàng Mã có lẽ là nơi duy nhất giữ nguyên truyền thống, bán toàn đồ mã".

Nhà văn Phạm Xuân Đài đã ghi nhận như trên, trong tác phẩm Hà Nội Trong Mắt Tôi, sau khi ghé thăm thành phố này, vào mùa thu năm 89. Dù rất vốn cả tin, và hoàn toàn không cóù ác cảm gì với giới người cầm bút, sao tôi vẫn thấy có điều gì "không ổn" khi đọc đoạn văn vừa dẫn.

Kinh nghiệm của tôi về người cộng sản tuy ngắn nhưng đủ. Ngay sau khi họ chiếm được miền Nam, có lẽ đến cả rau cỏ và côn trùng của phần đất này cũng phải (lật đật) thay hình đổi dạng - để thích nghi với hoàn cảnh mới - chứ đừng nói chi đến những sinh hoạt của con người. Như thế, lẽ nào, sau hơn nửa thế kỷ "cách mạng" mà vẫn có một thứ "truyền thống" nào đó còn được "giữ nguyên" - như Hàng Ma, ở Hà Nội.

Hơn một thập niên sau, qua tờ Việt Báo - phát hành từ California, số ra ngày 7 tháng 10 năm 2000 - tôi được đọc bài viết của ký giả Hư Trúc về một "Cô Học Trò Dán Vàng Mã". Em tên là Dương Thị Thanh Hương, nhà ở thị xã Thái Bình, trong hai năm liền thi đậu vào bốn trường đại học nhưng vẫn không bao giờ được cắp sách đến trường. Vì thương tật của bố nên Thanh Huơng phải ở nhà làm việc gia công. Em dán tiền vàng mã kiếm được 5.000 đồng mỗi ngày để phụ giúp mẹ nuôi sống các em...

Tôi thực áy náy vì đã thiếu niềm tin nơi một người cầm bút khả tín như nhà văn Phạm Xuân Đài, và đã... "ngờ oan" cho những người Cộng Sản. Đồ mã, rõ ràng, vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Không những thế, tôi còn được nghe kể nhiều giai thoại lý thú về món hàng này - nhất là thứ đồ mã làm tại làng Ba Đình, Hà Nội.

Nhiều nơi ở quê tôi cũng thường có những sản phẩm đặc thù tương tự như thế. Dân Việt ai cũng biết đến những mặt hàng nổi tiếng như nhiễu Bình Định, the La Khê, lụa Cổ Độ, bút Bạch Liên, mực Kiêu Kỵ, giấy Yên Thái, vải Thượng Hội, giày Trúc Lâm, chiếu Thiện Trạo, gốm Bát Tràng, mây Phú Vinh, nón lông Kim Động...

Bằng chính sách kinh tế hoạch định, những sinh hoạt ngành nghề riêng biệt kể trên đều được người cộng sản đưa vào tổ hợp. Với thời gian tất cả đều chết dần, chết mòn, và chết ráo - trừ nghề làm đồ mã. Hiện tại ở Việt Nam có hai loại đồ mã: loại gia công, gồm những thứ vặt vãnh (nhà, cửa, ngựa, xe, con hầu, tầu thuyền, tiền giấy...) để đốt cúng cho người quá cố, không tiện đưa vào tập thể vì nó trái với chính sách bài trừ dị đoan của nhà nước; loại quốc doanh, gồm những mặt hàng chiến luợc là sản phẩm riêng biệt của dân làng Ba Đình, Hà Nội - nơi tập trung những gia đình thuần túy hành nghề các mạng và hiện đang là giới người thống trị ở Việt Nam.

Phần nhờ bản tính khéo léo, phần nhờ học hỏi thêm được nhiều tiểu sảo từ những nước xã hội chủ nghĩa anh em, nửa thế kỷ qua, dân làng Ba Đình đã làm được nhiều thứ đồ mã nổi tiếng khắp nơi. Xin đơn cử một vài mặt hàng tiêu biểu.

Trước hết, xin giới thiệu qua về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Món đồ mã này được làm ra vào ngày 20 tháng 12 năm 1960, và làm khéo đến độ khiến một số người dân miền Nam tưởng là đồ thật. Không ít kẻ đã bỏ mạng hay bỏ mẹ đời vì nó. Đến lúc được mang ra đốt, nó cháy như điên. "Sự nghiệp cách mạng", của không ít người miền Nam, cũng cháy theo luôn - như đuốc.

Trên danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chưa hoàn toàn cháy hết, nó chỉ bị "sát nhập" vào Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Đây là một sản phẩm đặc sắc khác của dân làng Ba Đình, được làm ra vào tháng 9 năm 1955. So với nó thì những thứ đồ mã vớ vẩn như Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hoà Bình Việt Nam... đều là chuyện nhỏ, thứ mặt hàng lặt vặt, chỉ có tính cách giai đoạn mà thôi.

Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam là loại hàng chiến lược, tập hợp nhiều món đồ mã linh tinh và thổ tả khác - đại loại như Hội Cựu Chiến Binh, Ủy Ban Tôn Giáo, Hội Nông Dân Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Công Đoàn... Nó được dân làng Ba Đình dụng công dụng sức rất nhiều, thỉnh thoảng vẫn được tu bổ hay sơn phết lại, để dùng lâu hay dùng luôn - nếu được.

Hiến pháp 1992, điều 9, của CSVN đã "tô điểm" cho nó như sau:" Mặt Trận Tổ Quốc và cách thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân...chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân...động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước... Nhà nuớc tạo điều kiện để Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả."

Nghe cứ y như thật vậy. Sự thật, theo như nhận xét của một nhân sĩ Việt Nam, như sau:" Anh nắm hết mọi sức mạnh trong tay, muốn bầy đặt cái gì cũng được, anh có dành cho nhân dân một hội đồng để giúp anh thu thập tiếng nói của dân, hay anh lại tìm cách đưa Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy sang phụ trách luôn...cho nhất quán?" (Chia Tay Ý Thức Hệ." Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản tháng 1 năm 96, trang 162).

Đó không phải là thái độ của những người quân tử - nếu vẫn nói theo ngôn ngữ (rất lịch sự) của Hà Sĩ Phu, qua tác phẩm vừa dẫn. Cùng với cung cách tiểu nhân tương tự, theo điều 5 của Luật Bầu Cử Quốc Hội thì Mặt Trận Tổ Quốc có nhiệm vụ "chọn lựa giới thiệu nguời ứng cử đại biểu quốc hội..." Như vậy kêu bằng "đảng cử dân bầu", nếu nói một cách lươn lẹo - theo chính sách. Còn thấy sao nói vậy thì cái gọi là quốc hội Việt Nam (rành rành) chỉ là phó sản của Mặt Trận Tổ Quốc, hay là một thứ đồ mã khác của dân làng Ba Đình - thế thôi.

Và điều này đã được cố luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhìn thấy từ lâu. Khi đọc tham luận trước Hội Nghị Mặt Trận Trung Ương, hôm 30 tháng 10 năm 1956, ông thẳng thắn nêu rõ:"Dư luận quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua chính sách mà thôi... với vai trò yếu ớt hiện thời quyền dân chủ của quần chúng không được thực hiện."

Nửa thế kỷ sau, "vai trò yếu ớt" của quốc hội không còn là điều khiến "dư luận quần chúng" dị nghị nữa mà đã trở thành một sự kiện hiển nhiên, ai cũng biết. "It served as a rubber stamp for decision already reached by the Communist Party (Nó được dùng như con dấu chuẩn cho những quyết định đã rồi của Đảng Cộng Sản ). Microsoft Encarta Online Encyclopedia 2000 (một loại tự điển bách khoa vô cùng phổ thông) có ghi một câu nguyên văn như trên, khi đề cập đến ngành lập pháp ở Việt Nam - bây giờ.

Dân làng Ba Đình Hà Nội không chỉ thiện nghệ trong việc làm những đồ mã có tính cách cơ chế như quốc hội, viện kiểm sát nhân dân, ủy ban tôn giáo... Họ còn làm những hình nhân nữa. Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh...đều là những sản phẩm tiêu biểu cho loại mặt hàng này.

"Học thuyết Marx - Lénine, tư tưởng Mao Trạch Đông và tác phong Hồ Chí Minh" đã từng là thứ đồ mã "vang bóng một thời". Thời đó đã qua. Cả ba đều đã cháy. Dân làng Ba Đình đang loay hoay với một thứ đồ mã mới: tư tưởng Hồ Chí Minh. Lý do, có lẽ, vì tư tưởng dễ dấu hơn hơn tác phong. Và tác phong của một người đã "lỡ" viết sách để tự ca tụng mình, hay "trót" nộp đơn xin học Trường Thuộc Địa... e khó được coi là "con nhà tử tế" - theo tiêu chuẩn văn hoá của người dân Việt.

Báo Nhân Dân - số ra ngày 7 tháng 1 năm 1999 - đã trích dẫn phần "cốt lõi" tư tưởng của ông Hồ, trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, và coi đó như đuốc soi đường cho cả nước, như sau:"Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển."

Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc! Giời ạ, mặt trời chứ bộ mặt trận sao mà đòi lấy lực lượng ra ngăn trở. Tương tự, có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội? Viết như thế mà cũng bầy đặt cầm bút.

Đó mới là chuyện hình thức. Bây giờ xin xem qua chút đỉnh về nội dung tư tưởng "tinh túy" của họ Hồ. "Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển". Coi, thằng chả hàm hồ dễ sợ chưa? Chớ có ai chọc ghẹo, đụng chạm hay chàng ràng, dính dáng gì tới nó đâu. Khi khổng khi không cái chủ nghĩa xã hội ngưng phát triển mình ên, vậy thôi. Rồi nó đột ngột "chuyển qua từ trần" (liền sau đó) mà không hề có một lời từ tạ - dù là "tạ từ trong đêm", cũng không luôn.

Có lẽ vì chủ nghĩa xã hội ra đi bất ngờ và âm thầm quá nên chú Nông Đức Mạnh và đám dân làm đồ mã ở làng Ba Đình chưa phát hiện ra. Họ vẫn thản nhiên "bắt" nó phải "phát triển" như thường - theo như "luồng" tư tưởng của bác Hồ.

Làm ăn thiếu thông tin như vậy đó nên tay nghề đồ mã của dân làng Ba Đình cứ lụt dần với thời gian. Món hàng mỗi lúc một thêm ế ẩm và tồi tệ là báo Nhân Dân. Nó được khai sinh vào ngày 11 tháng 3 năm 1951, trải qua hai đời chủ nhiệm và một mớ tổng biên tập. Tất cả đều là đảng viên cộng sản, đều xuyên suốt và nhất quán chủ trương dối trá. Do họ mà ngôn ngữ Việt có thêm một thành ngữ mới:"Dối như vẹm". So với "vẹm" thì "cuội" chỉ là đồ bỏ; bởi vậy, từ khi người cộng sản xuất hiện ở Việt Nam thì thành ngữ "dối như cuội" vĩnh viễn biến mất khỏi ngôn ngữ của dân tộc này.

"Có người nói đùa một cách chua cay rằng trên báo Nhân Dân chỉ có tin dự báo thời tiết là có thể tin cậy phần nào (vì vẫn có trường hợp dự báo sai), có thể tin tưởng được hoàn toàn là tin buồn, tin cáo phó. Họ nói quá như thế để nhấn mạnh một cái tật." (Bùi Tín, Hoa Xuyên Tuyết, 2nd ed. Turpin Press, 1994, 42).

Nếu nói như thế mà gọi là "nói quá" thì tôi sợ rằng nhà báo Bùi Tín (lâu nay) đã thôi đọc "báo nhà". Tờ Nhân Dân không còn "...hô hào xuông, đạo lý rỗng, nói lấy được, kiểu hoa ngôn và đại ngôn..." (svd, trang 50 và 51) tự lâu rồi. Nó sa đọa, tệ hại hơn thế nhiều lắm.

"35 triệu lượt người đọc báo Nhân Dân điện tử", đó là nguyên văn tựa bản tin của báo Nhân Dân số ra ngày 10 tháng 3 năm 2000. Và tờ báo này chỉ mới xuất hiện trên "net" từ ngày 21 tháng 6 năm 98. Ở một quốc gia hàng trăm người dân dành nhau một cái điện thoại, và hàng chục ngàn người chung nhau một cái computer mà mỗi ngày có đến 50.000 độc giả lên lưới để coi báo Nhân Dân sao? (Vừa thôi mấy Tám!) Chớ tờ "công báo" này có cái con mẹ gì "hấp dẫn" dữ vậy, mấy cha?

Câu trả lời tìm được ngay hai hôm sau, cũng trên báo Nhân Dân ( số ra ngày 12 tháng 3 năm 2000, trong mục "bạn đọc góp ý và phê bình"), qua thư của một độc giả, ở California:"Đối với kiều bào ở California là nơi có đông người Việt Nam, thì báo Nhân Dân điện tử là món ăn tinh thần lớn nhất, qúi nhất. Riêng đối với tôi việc làm đầu tiên trong ngày là mở trang báo Nhân Dân điện tử... Nhiều người chỉ mong sáng ra để đọc báo Nhân Dân..."

Đêm ở California hẳn là dài lắm vì nơi đây ("hình như") chỉ có điện ban ngày nên "nhiều người chỉ mong sáng ra để... đọc báo Nhân Dân." Tôi chết được chứ chả bỡn đâu, Giời ạ!

Nhà báo lão thành Bùi Tín, cựu phó biên tập của nhật báo Nhân Dân (và cũng là người đã có thời trực tiếp phụ trách tờ tuần báo Nhân Dân Chủ Nhật) - rõ ràng - đã không theo kịp những bước lùi (vĩ đại) của ngành truyền thông xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Còn cỡ thường dân, như kẻ đang viết những giòng chữ vớ vẩn này, chịu đời (thiệt tình) không thấu.

Viết thêm nửa chữ, về đồ mã của dân làng Ba Đình, tôi sợ cũng thừa. Tuy nhiên, còn mỗi điều này, nếu không nói luôn, sợ thiếu: trong lúc chờ vứt hết mớ đồ mã của dân làng Ba đình vào thùng rác, chả hiểu có ai đã hay đang chuẩn bị thứ đồ gì khác để thay thế chúng không? Tương lai thường vẫn không mấy sáng sủa cho những dân tộc chưa, hay không, sẵn sàng chờ đón nó.

Tưởng Năng Tiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn