BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mao Trạch Đông: Vĩ Nhân Hay Là Một Tấm Thảm Kịch Của Trung Quốc

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1560)
Mao Trạch Đông: Vĩ Nhân Hay Là Một Tấm Thảm Kịch Của Trung Quốc
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Có lẽ nhân vật mà phần lớn chúng ta ưa thích nhất trong bộ Tây Du Ký của Tàu, chắc chắn phải là Tôn Ngộ Không. Lý do, đó là một nhân vật quá ư là linh hoạt, rất táo bạo nhưng thật sự lại quá đơn giản vì nó chẳng qua chỉ là một con khỉ. Tuy là chỉ là một con vật, song nhờ tu học được nhiều phép thần thông biến hóa và làm ra nhiều chuyện chọc trời khuấy nước,dám tạo ra lắm điều phi thường.Vì thế, nên mọi người, mọi lứa tuổi đều thích nghe nói về y. Họ Tôn nhà ta to gan lớn mật dám xâm nhập cửa địa ngục để xoá đi tên những người sống cũng như đã chết được ghi vào trong một quyển sổ có tên là Sổ Đoạn Trường; lỳ lợm hơn, y đã xông luôn vào vườn Thượng Uyển của thiên đình hái trộm ăn những quả đào để được trường sinh bất tử. Tôn không những dám trêu chọc các nàng tiên xinh đẹp đang phục dịch nơi chốn thiên cung mà y còn dám nghĩ đến chuyện đảo chánh để lật đổ ngai vàng của Thượng Đế, nhưng may thay mưu sự không thành nên đành giữ vai trò khiêm nhượng bảo vệ Đường Tăng hoàn thành nhiệm vụ thỉnh kinh. Với khả năng tuyệt vời, họ Tôn chỉ cần búng mình nhảy một bước đã đi tới khoảng xa đến cả l08,000 dặm, vì thế có lần Ngộ Không tưởng mình đã đạt cái nơi được coi như cột mốc đánh dấu sự tận cùng của không gian vũ trụ. Tại nơi đây, họ Tôn bực mình vì có những điều cản trở thuật phi hành, y quá tức giận tè luôn ngay vào cột mốc để đánh dấu sự khinh dễ và coi thường của mình. Ưu điểm của y là chẳng may trong lúc chiến đấu mà có vẻ yếu thế, họ Tôn không ngần ngại tự nhổ một nắm lông của mình bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nhổ lên không trung, dậm chân hô biến, lập tức mỗi mảnh lông tự biến thành mấy trăm con khỉ nhỏ, hè nhau xông vào trợ chiến yểm trợ để đem lại chiến thắng cho Ngô Không. Hạ xong kẻ thù, y chỉ cần niệm một câu thần chú thôi, các chú khỉ lập tức hoá trở lại thành những mảnh lông để rồi Ngộ Không lại gắn vào thân.

Người mà thường có khuynh hướng tự ví mình với các nhân vật trong các truyện tưởng tượng và thu hút nhiều nhất chính là Mao Trạch Đông, ông ta thường thú nhận:"Một trong những quyển tiểu thuyết cổ của Trung Hoa mà tôi yêu thích nhất chính là Tây Du Ký.." Có lẽ họ Mao thấy câu chuyện của Tôn Ngộ Không có tài biến hoá để tự so sánh với mình mà thích thú. Đặc biệt hơn, chữ Mao trong Hán tự vừa là họ của ông ta, lại vừa có ý nghĩa là "lông". Chả biết đích thực lông ở đây là lông người hay lông thú, nhưng Mao thực sự là một khuôn mặt mà phần lớn những kẻ tôn sùng và xem Mao là vĩ đại nhất, nó đã không những gắn liền vời những biến cố trong những trang lịch sử cận đại của Trung hoa mà cả thế giới, mà đặc biệt ảnh hưởng đến đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta không phải là ít. Đến giờ nầy, có lẽ còn quá sớm để nhân dân Trung Hoa phải xác định rõ Mao, là một vĩ nhân như một số người đã thần thánh hóa; hoặc ông ta chỉ là một tấn thảm kịch gây nên bởi những công việc làm quái đản của y.

1- Mao, thời niên thiếu và những bước đầu chính trị

Theo tài liệu chính thức của cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản Trung Hoa, Mao là người con cả của một gia đình bốn con, sinh ra vào ngày 26 tháng 12 năm 1893 tại làng Thiều Sơn, huyện Hương Đàm thuộc tỉnh Hồ Nam,tức là vào năm hoàng đế Quang Tự thứ XIX của triều đại Mãn Thanh. Quê hương của Mao có một đặc điểm rất đáng chú ý, số dân đinh tình nguyện đi lính cũng đông tương đương với đám người đi làm thổ phỉ. Thân phụ của Mao cũng từng ở lính, và cũng nhờ vào thời gian làm lính nên đã góp được một số tiền tậu ruộng cho gia đình để rồi cho cấy rẽ làm kế sinh sống. Lý do đó, khi Mao chào đời thì ông ta đã thực sự là trưởng nam cũa một gia đình phú nông tại Hồ Nam.

Con đường học vấn của họ Mao đã bị gián đoạn rất nhiều lần. Ở tuổi 13, học xong bậc tiểu học phải ở nhà phụ cha trông lo sổ sách. Tuổi 15, chán nản cảnh đồng áng, hơn nữa Mao sợ nhất là phải theo cha đi lượm phân nên miễn cưỡng phải trở lại học tại trường Cao Đông Sơn thuộc thị trấn Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Tại đây, Mao không những không hội nhập được cái xã hội mà phần lớn học sinh là con cái những kẻ giàu có địa chủ ăn mặc lịch sự tươm tất, trong khi ngoại hình ông ta lại đầy tác phong nông dân ăn mặc lôi thôi và có vẻ quê mùa. Ngoài ra, Mao lại lớn hơn bạn cùng lớp đến 6, 7 tuổi, thân hình lại cao lớn dềnh dàng nên không mấy chốc họ Mao đã trở thành mục tiêu cho các bạn chế giễu, nhạo báng trở thành đề tài làm trò cười cho bạn đồng học. Chán nản nên cuối cùng Mao phải bỏ trường ra đi. Đợi khi đến lúc cuộc cách mạng Trung Hoa nổ ra, họ Mao lập tức cắt đuôi sam tham gia quân đội. Và đến khi thấy tình hình đã ổn định nhờ sự dàn xếp thành công giữa Viên Thế Khải và Tôn Dật Tiên nên hai bên không còn đánh nhau nữa, họ Mao giã từ quân đội và một lần nữa quay lại học đường.

Phần lớn những trường học tại thị trấn Trường Sa thuộc tình Hồ Nam đều dạy bằng tiếng Anh, do khả năng ngoại ngữ kém Mao không thể theo kịp, vì thế họ Mao đành phải xin vào học tại một trường sư phạm, tuy không nổi tiếng bằng một trường cao đẳng nhưng nhờ học ở đó, Mao sau 5 năm tốt nghiệp đã trở thành một giáo viên hàng tỉnh. Tổng kết tất cả các năm theo học tại các trường so với những kiến thức hiểu biết của ông ta về thế giới bên ngoài cho ta thấy họ Mao không có được một chút ít vốn liếng bất cứ một ngoại ngữ nào khác ngoài tiếng Trung Hoa. Thiếu khả năng ngoại ngữ, nhưng lại rất ưa thích những tác phẩm ngoại quốc được phiên dịch bằng tiếng Hán đặc biệt trong đó Mao thích nhất là những dịch bản nói về hoàng đế Napoleon. Ngoài ra, những tác phẩm cổ Trung Hoa như Thủy Hử, Tam quốc Chí và nhất là Tây Du Ký chắc chắn đã ảnh hưởng tới ông ta rất nhiều.

Vào năm 1915, sau khi tốt nghiệp sư phạm, Mao theo thầy mình là ông Dương Xương Tế lên Bắc Kinh vì vị nầy vừa được bổ nhận nhiệm vụ mới ở đây. Tại Bắc Kinh, giáo sư Dương Xương Tế giới thiệu Mao với Lý Đại Chiêu, một trí thức khoa bảng đang làm giám đốc thư viện đại học Bắc Kinh. Họ Lý không những giúp Mao công việc làm ăn. Ngoài ra còn hướng dẩn giúp Mao làm quen với những sinh hoạt chính trị mà đặc biệt là những hoạt động của nhóm nghiên cứu xã hội (cộng sản) mà Lý Đại Chiêu lúc đó đang làm trưởng nhóm và giáo sư Trần Độc Tú Khoa trưởng Văn khoa Đại học Bắc Kinh (l917-1919) là thành viên. (Về sau giáo sư Trần Độc Tú đã trở thành lãnh tụ đầu tiên của đảng cộng sản Trung Hoa). Mao đã bắt đầu sinh hoạt chính trị và gia nhập vào cộng đảng Trung quốc từ đó.

Những ngày tháng sống tại Bắc Kinh, Mao đã làm quen và yêu con gái của giáo sư Dương Xương Tế là Dương Khai Tuệ (hai người đã có chung với nhau 2 mặt con là Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh). Đây chính là đoá hoa hồng thứ 2 đã nở rộ trên cây hồng đầy gai gốc của Trung Hoa là họ Mao. Ít lâu sau tại thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, vợ Mao là Dương Khai Tuệ sau vụ nổi dậy "Vụ Gặt Mùa Thu" thất bại bị chính quyền Quốc Dân Đảng bắt được y đem đi hành hình, Mao vội vã chính thức bước thêm một bước nữa mà lần nầy lại là một đồng chí xinh đẹp là Hà Tử Trân. Thật ra họ Mao đã chung sống bán chính thức với Hà Tử Trân hai năm trước khi Dương Khai Tuệ bị giết tại Trường Sa. Đến lúc nầy nếu không kể đến người vợ mà cha mẹ chính thức cưới cho tại quê nhà thì Mao đã công khai có đến 3 vợ. Trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Hà Tử Trân cũng đã sát cánh với Mao, những cô đào điện ảnh Thượng Hải Giang Thanh hấp dẫn hơn nên Mao đành phải gạt Trân như một chiếc bóng bên đường để lấy Giang Thanh.

Mùa Xuân năm 1919, Mao rời Bắc Kinh đi Thượng Hải để tiễn đưa một số sinh viên Trung Hoa qua Pháp tòng học. Trong nhóm đó, ngoài Chu ân Lai, một sinh viên xuất sắc con nhà quan, còn có Lý Lập Tam, Trần Nghị, Lý Phú Xuân, Nhiếp Vĩnh Trân và Đặng Tiểu Bình. Nhóm nầy về sau đã trở nên những vai trò nòng cốt trong hàng ngũ lãnh đạo đảng cộng sản Trung Hoa. Trong thời gian du học, chính Chu ân Lai cũng đã từng thuyết phục được một người mà tuổi đời gấp đôi họ Chu gia nhập đảng cộng sản Trung Hoa. Người đó chính là Chu Đức một viên tướng Tàu đang theo học quân sự tại Đức quốc.

Lược qua những thành phần gia nhập đảng cộng sản Trung Hoa nêu trên, chúng ta thấy được rằng, phần lớn những cán bộ cấp lãnh đạo đảng cộng sản Tàu đều có trình độ đại học, và đã được đào tạo tại những trường nổi tiếng ở ngoại quốc. Trong khi đó thì Mao chỉ học hết cấp tiểu học. Những thành viên trong nhóm đã từng giữ nhiều trọng trách, có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó Mao chỉ là một nhân viện của thư viện Bắc Kinh; một người thợ giặt tại Thượng Hải và một giáo viên chủ nhiệm tại thủ phủ Trường Sa, Hồ Nam. Bên ngoài, tuy địa vị của Mao lên rất mau rất lẹ. Từ năm 1923 ông ta đã được bầu vào Ban chấp hành Trung Ương đảng cộng sản, đồng thời là kiêm luôn chức ủy viên dự khuyết của Quốc Dân Đảng Tàu (trong thế Liên hiệp Quốc Cộng) Nhưng thực tế, ông ta vẫn chưa bằng lòng, chưa đạt được như ý mong muốn. Ngay cả lúc phải hoạt động chung với các thành viên của Quốc Dân Đảng như Uông Tinh Vệ, Hồ Hán Dân, vai trò Mao cạnh những nhân vật nầy chỉ là một hình ảnh mờ. Lý Lập Tam, người bạn học của Mao đã chế giễu coi Mao như là một bí thư của Hồ Hán Dân. ám ảnh vì những mặc cảm đó, Mao đã tận dụng tất cả mọi thủ đoạn, dù độc ác đến đâu, tận thâu cho được quyền lực để ngoi lên cho được ngôi vị tối cao: phải là một hoàng đế của Trung Hoa Đỏ, độc quyền, độc tôn, như một vị thánh. Và cũng vì mặc cảm học vấn, Mao đã thường xuyên chê bỏ tầng lớp trí thức. Cụ thể Mao đã có lần phát biểu: Trí thức thua một cục phân.

2- áp dụng thủ đoạn để tranh quyền

Lúc thấy lực lượng mình còn yếu, họ Mao sẵn sàng tỏ nhượng bộ để qua ải, sau đó khi đã nắm vững chủ động, Mao sẵn sàng dùng thủ đoạn ra tay. Để chứng minh người ta đã dẫn chứng cho biết: thời gian còn bôn ba chưa có địa vị rõ rệt, họ Mao có dịp làm quen với một bọn lục lâm thuộc hạ của tướng cướp Vương Tặc, y còn có biệt danh "Hổ Vương" làm ăn trong vùng huyện Ninh Cương thuộc tỉnh Cường Sơn. Gần đó, có một cứ địa khác do Viên Văn Tài là đồng minh của tướng cướp Hổ Vương hùng cứ. Mao đã tìm cách mua chuộc và làm quen với Viên Văn Tài bằng cách biếu mấy khẩu súng tay và một ít tặng phẩm rồi kết bạn với họ Viên. Qua trung gian của Viên, Mao đã làm quen được với tướng cướp Hổ Vương, và chỉ một ít lâu sau thôi, Mao đã cướp quyền lãnh đạo của Viên Văn Tài lẫn cả Hổ Vương. Bọn lục lâm cũng như bản thân hai tướng cướp Vương Tặc và Viên Văn Tài đều trở thành thuộc hạ của Mao. Và chỉ trong một thời gian ngắn thôi bọn chúng đã trở thành lính trong lực lượng của Mao. Có lẽ muốn trừ hậu họa, Mao đã dùng kế mở tiệc cổ truyền của bọn quân phiệt Trung Hoa thủ tiêu luôn cả Viên Văn Tài lẫn Vương Tặc (Tài liệu của Vương Minh Trần Hiên Vũ).

Qua suốt cuộc nội chiến trong nước, Mao hoàn toàn không biết gì về những kiến thức quân sự. Chủ yếu tất cả đều dựa vào Bành Đức Hoài và Chu Đức. Nhưng một khi Mao nhờ vận động và đã nắm được quyền lãnh đạo quân đội thông qua đại hội đảng tại Tùng Nghĩa vào tháng Giêng năm 1935, ông ta đã vội vàng trở mặt, giáng nhiều đòn trí mạng xuống những người bạn chiến đấu bằng cách tạo ra những chiến dịch như Vận Động Chỉnh Phong; Cách Mạng Văn Hoá v.v... để lần lượt loại bỏ từ Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ và cuối cùng đến Lâm Bưu, một trong những đồng chí sát cánh chiến đấu và gần gũi nhất của Mao trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, từng là Bộ Trưởng quốc Phòng, Tư Lệnh Giải Phóng Quân Trung Hoa. Mặc dầu hiến pháp Trung Cộng đã chỉ định Lâm Bưu kế thừa Mao. Nhưng vì ganh ghét, đố kỵ Mao tìm mọi cách triệt hạ dưới hình thức tai nạn máy bay khiến họ Lâm cùng toàn thể gia đình gồm 9 người phải chết một cách rất thê thảm vào năm1971.

- Hoạt động chính quyền.

Năm 1949 khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời, và cách mạng được xem như hoàn toàn thắng lợi thì Mao đã được 58 tuổi. Con đường dẫn đến quyền lực của Mao quả thật là lâu dài và lắm chông gai khó khăn. Một khi đã trở thành Chủ Tịch chính phủ, người ta đã giảng dạy cho nhân dân rõ: Mao là người lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc, không chỉ là người đứng đầu chính phủ mà còn là lãnh tụ chính trị và tinh thần của toàn thể nhân dân Trung Hoa. Chúng ta hãy xem, với cương vị và quyền lực sẵn có thử xem ông ta đã làm được những gì cho nhân dân Trung quốc. Dưới dây là những chiến dịch do họ Mao đích thân phát họa:

* Trăm Hoa Đua Nở.

Thời gian, từ mùa hè năm 1956 đến 1957. Dựa vào bài phát biểu không được công bố của Mao tại hội nghị Quốc Vụ Viện, Lục Định Nhất, trưởng ban tuyên truyền của Trung Ương đảng đã nêu cao khẩu hiệu Trăm Hoa Đua Nở, Trăm Nhà Đua Tiếng. Qua bản tin tức, mới đầu người ta tưởng chừng đó là một chính sách tương đối ổn định của đảng. Những đường lối mới mà đảng sẽ tìm cách thu hút giới trí thức vào phục vụ cho đảng Cộng Sản Trung Hoa. Cải thiện điều kiện sinh hoạt của họ như lời Thủ tướng Chu ân Lai tuyên bố một vài tháng trước (Trong thời gian nầy đã có vài ngàn trí thức người Trung Hoa sống ở ngoại quốc đang được mời trở về nước để giúp xây dựng lại một nước Trung Hoa mới

- CSVN hiện cũng đang bắt chước chính sách nầy). Oái oăm thay, khi chiến dịch tiến hành và chuyển mình qua một giai đoạn khác thì lại có nhiều vụ đàn áp tàn bạo và đẫm máu nhất xảy ra có lẽ khủng khiếp nhứt trong lịch sử của đảng cộng sản Trung Hoa. Lúc nầy người ta mới mở mắt thấy rõ những kẻ bị nghi ngờ hoặc bị phát hiện là "Bọn cơ hội hữu khuynh và phục hồi tư bản chủ nghĩa". Đến đây, tấm bi thảm kịch đã mở màn. Cái được gọi là Trăm Hoa Đua Nở như tuyên truyền, chẳng qua là một chiến dịch nhằm chống lại kẻ bị áp đặt là Hữu Khuynh, những người mà thời gian qua đã ngây thơ muốn Dân Chủ Hoá Đảng và trót dại dột dám chống lại Tệ Sùng Bái Cá Nhân Mao. Họ khờ dại thì chỉ có chết và để cụ thể hoá biện pháp trừng trị, Lục Định Nhất đã phơi bày ý đồ rõ rệt qua bài diễn văn, y nói: "Nghệ thuật và văn học là vũ khí đấu tranh giai cấp, không cho phép kẻ thù của cách mạng được có bất kỳ một thứ tự do nào. Cần phải giáng những đòn chết ngay đối với bọn trí thức phản động. "Liền sau đó, hết chiến dịch phê phán trí thức nầy, đến chiến dịch đấu tố trí thức khác tiếp nhau chỉa mũi dùi vào các tầng lớp trí thức, đặc biệt là những lớp trí thức chống lại tác phong của Mao. Quả thật là thích thú khi biết rằng Bộ Trưởng Giao Thông của Trung Cộng lúc đó là Trương Bá Cần dám tuyên bố: "Nền Dân chủ Xã Hội Chủ Nghĩa đã vượt hẳn lên nền dân chủ của Tư Bản. Tổng Thống một nước tư bản chỉ có nhiệm kỳ 4 năm và tối đa là hai nhiệm kỳ. Staline đã cầm quyền bao nhiêu năm? Có ai biết được Chủ tịch Mao muốn tại quyền dài bao nhiêu năm."

Đại học Bắc Kinh lúc bấy giờ đang ở trong tình thế bị kềm kẻp, song vẫn nổ ra nhiều vụ tranh cãi ác liệt giữa các sinh viên. Hàng ngày họ vẩn cố gắng dán áp phích lớn đòi thả tự do cho nhà văn Hồ Phong và bù lại những thiệt haị cho những người vô tội trong chiến dịch chống Hồ Phong. Ngày 3l tháng 5 năm 1957 tờ Nhân Dân Nhựt Báo có lẽ để phản ảnh một cố gắng của đảng, làm mất uy tín chánh sách phê phán công khai của Mao, đã đăng một bức thư của một giảng viên Đại Học Bắc Kinh trong đó có đoạn viết: "Đất nước Trung Hoa là của 800 triệu nhân dân Trung Hoa, nó không phải là một mình của đảng cộng sản. Nếu các ngươi làm tốt,thì tốt. Nhưng nếu không, quần chúng sẽ đánh gục, giết chết và lật đổ các người, vì làm như thế không thể xem là yêu nước, bởi vì những người cộng sản như các người đâu còn phục vụ nhân dân nữa"

* Vận Động Toàn Dân Diệt Ruồi, Muỗi.

Thời gian - 1958. Đối tượng chính của chiến dịch do đích thân họ Mao phát động là vận động toàn dân diệt chim sẻ - côn trùng. Để chứng minh là mình có tham gia tích cực chiến dịch, mỗi gia đình Trung Quốc phải có một chiếc bao tải lớn chứa đầy những con vật độc hại nầy. Cuộc tấn công chim sẻ được diễn ra rất đặc biệt trông có vẻ buồn cười, toàn dân trong tất cả làng, xã đổ xô ra đồng, làng nầy nối tiếp với làng khác đánh trống khua chiêng làm cho chim sẻ hoảng sợ buộc nó phải tiếp tục bay mãi không phép đậu, và cuối cùng kiệt sức chim đành phải rơi rớt, đến lúc đó người ta chỉ có việc thi đua nhau giết chim sẻ. Thế là quá tuyệt! Nhưng than ôi, có ai ngờ trí óc nông cạn của Mao qua chiến dịch nầy đã gây nên một thảm họa vô cùng lớn lao về mặt sinh thái. Nhân dân Trung Hoa, khắp nơi bổng thấy xuất hiện một hiện tượng vô cùng quái đản không tưởng tượng nổi, đó là là một màng lưới trắng tinh toàn sâu bọ phủ đầy cây cối. Chỉ một lâu sau thì hằng tỉ tỉ con côn trùng kinh tởm đã phủ đầy khắp tất cả mọi nơi; chui rúc trong người, trên đầu, trong áo quần thậm chí trong các buổi ăn của công nhân thuộc các nhà máy cũng tràn đầy sâu bọ. Nguyên nhân chẳng có gì là xa lạ chim sẻ vốn ăn và tiêu diệt các loại côn trùng. Họ Mao chủ trương diệt chim sẻ, đương nhiên côn trùng hết cản trở thì đột sinh và nẩy nở mau lẹ. Thiên nhiên đã trả thù nhân dân Trung Hoa dưới sự chỉ đạo của Mao một cách vô cùng dã man. Cuối cùng người ta đành phải ngậm đáng nuốt cay dẹp đi chiến dịch diệt chim sẻ và chống côn trùng.

* Công Xã Nhân Dân & Bước Nhảy Vọt.

Thời gian 1958 - Ở Trung Quốc vào những ngày đầu của năm 1958, người ta lại bắt đầu một chiến dịch ầm ĩ dưới khẩu hiệu nghe sặc mùi cải lương đó là: Hãy Dâng Trái Tim Mình "Câu hỏi đặt ra. Hiến dâng cho ai? Lẽ đương nhiên là phải hiến dâng cho Mao Chủ tịch. Xuất phát từ tiêu đề đó, khắp mọi nơi, trên các tường phố nhiều áp phích chữ lớn tổ bố kêu gọi công nhân, nông dân, viên chức và sinh viên học sinh hăng hái tăng gia làm việc và tình nguyện hưởng ít lương hơn. Đáp lời kêu gọi, tính đến tháng 4 năm 1958 thì Công Xã đã chính thức ra đời. Ngoài ra 27 đơn vị kinh tế tập thể tập họp được 44 ngàn người đã liên kết thành Công Xã lấy tên là Công Xã "Vệ tinh" và chính thức hoạt động. Đây lại là một chiến dịch để thực hiện những điều không tưởng về xã hội của Mao. Với chủ trương nầy, và dưới nhãn quan của Mao xã hội Trung Hoa sẽ trở thành một trại lính khổng lồ. Nhân dân Trung Hoa sẽ được đoàn ngũ hóa để trở thành những đơn vị lính theo biên chế từng Đại Đội, Tiểu Đoàn, Trung đoàn v.v. Nhân dân cùng nhau tập họp từ trong nhà ra đồng, và từ ngoài đồng ngoan ngoãn theo lệnh người chỉ huy trở về làng. Xã hội tiến hành theo lối sống sống tập thể; những hình thức quan hệ cá nhân và xã hội có từ trước đều bị thủ tiêu. Tất cả đều là của chung, từ nhà đất, vườn tược sở hữu cá nhân, thậm chí đến cả bàn chải đánh răng cũng là của chung. Khắp nơi đều có những khẩu hiệu quái đản như: "Công Xã Nhân Dân, đó là gia đình của chúng ta. Không nên đặc biệt quan tâm đến gia đình nhỏ bé." Hoặc: "Cha mẹ là người gần gũi nhất, yêu thương nhất trên đời, nhưng làm sao có thể so với Mao Chủ Tịch và đảng cộng sản." Đặc biệt nhứt là: "Cuộc sống riêng tư là thứ yếu." Vì thế phụ nữ không thể đòi hỏi chồng mình phải hiến dâng quá nhiều năng lực. Quá lố, quá không tưởng nên chẳng bao lâu nhân dân thấy chán nản, chống đối một cách tiêu cực bằng cách nhảy lầu tự tử. Nông nghiệp bị suy sụp thậm tệ vì dân không tích cực tham gia và cuối cùng thì nạn đói lại xảy ra người dân phải dùng đến cỏ cây, thậm chí dành cả thức ăn của súc vật để sống qua ngày. Quân Đội giải Phóng Nhân Dân, máu mủ ruột thịt của nhân dân bị tan rã, ảnh hưởng bởi những lời đồn về nếp sống khốn khổ từ gia đình do thư từ mang lại. Quân Đội đã công khai lên án chế độ. Sự căm phẫn lại càng tăng gấp bội khi người quân nhân biết là ở quê nhà thân nhân của họ đang bị chết đói. Họ thắc mắc tự hỏi, không biết sản phẩm làm ra chạy đi đâu sau khi kế hoạch lập Công Xã Nhân Dân nhảy vọt theo báo cáo mà mùa màng lại thất thu. Phải chăng Nhà Nước lại tước đoạt cơm gạo của nhân dân lao động hay sao?

Một điều quái đản khác đồng thời đã xẩy ra là, song song với việc thành lập Công Xã Nhân Dân, Mao lại phát động một chính sách khác đặt tên là Đại Nhảy Vọt. Theo Mao thì: "Con người ta vững được nhờ có bộ xương sống, đất nước Trung Hoa phải mạnh về thép. Chúng ta phải vượt hẳn Liên Xô và Tư Bản Mỹ." Chỉ cần một tư tưởng giản dị thế thôi, mà cả 100 triệu nông dân Trung Hoa phế bỏ ruộng mùa trong năm đầu của kế hoạch Đại Nhảy Vọt để xây dựng hàng trăm nghìn lò cao, lò đúc gang, đúc thép. Khốn thay, vì không biết kỹ thuật đúc thép lại không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật đúng theo ý nghĩa của nó nên trọn cả năm cắt công họ chỉ tạo ra được một đống sắt nham nhở không dùng được phải vứt bỏ. Vào hạ tuần tháng 4 năm 1959, Thống Chế Bành Đức Hoài, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong một chuyến kinh lý nhiều tỉnh. Một hôm tới Cam Túc, ông ta quá ngạc nhiên khi thấy trước mặt mình tràn đầy những cánh đồng lúa chín vàng rũ rơi rụng trước gió, nhưng chẳng một ai màng đến chuyện gặt hái. Tìm mãi chẳng thấy ai ngoài một lão ông. Được hỏi thì lão ông bèn thưa với Bành Tướng quân: "Cả làng này chẳng còn ai, vì tất cả thanh niên nam nữ đều đã bị tập trung đi sản xuất thép." Họ Bành chua chát hỏi: "Các vị định dùng thép để thay cơm nuôi mình ư?" Lão ông vội đáp: "Làm sao được, lệnh là lệnh, chỉ có Ban Chấp Hành Trung Ương họa chăng mới giải quyết được." Tới thăm một đơn vị quân sự khác, Bành cũng tận mắt chứng kiến được một cảnh cười ra nước mắt; toàn thể đơn vị thi đua đúc thép và sau khi đã tiêu hủy không biết bao nhiêu khối gỗ qúy, đơn vị quân sự chỉ trình cho họ Bành một đống sắt xà bần. Trước những việc làm quá ngu xuẩn đó, họ Bành đành phải mĩa mai nói: "Kẻ thù của chúng ta sẽ vô cùng phấn khởi nếu họ biết được các đơn vị quân sự, quân trường trong cả nước đếu tiếp tục làm ăn kiểu nầy thì chúng chẳng cần đánh, vì đích thực chúng ta cũng đã giết chúng ta rồi."

Với tinh thần tháo vát của nhân dân Trung Hoa, mọi loại gỗ quý đều được tập trung cho các loại lò cao của Mao ngốn, và vì thế, không mấy chốc thì tất cả gỗ quý, nhà cửa, đồ bằng gỗ, kể luôn cả cây ăn quả cũng được biến thành củi. Toàn thể nông thôn hực lửa của những lò luyện thép. Họ Bành phải thở dài: Tất cả vốn liếng của đất nước Trung Hoa đang trở thành mây khói... và đất nước đang sụp đổ". Đến đâu họ Bành cũng đều nghe thấy tiếng ta thán về những điều dối trá, lừa gạt do những kẻ thân cận Mao bày ra. Ngày 14 tháng 7 năm 1959, Bành Đức Hoài sau chuyến đi thị sát về, ông ta đã chính thức gửi cho Chủ Tịch Mao một bức thư ngỏ, trong đó họ Bành đã tố cáo những sai trái trong kế hoạch Những Bước Nhảy Vọt, qua chứng minh thực sự của những điều mắt thấy tai nghe ông ta xác nhận, tất cả đều là khoác lác, rỗng tuếch và giả dối. Kết quả, Bành Đức Hoài bị Mao bày mưu tính kế "hạ tầng công tác", tước đoạt hết mọi quyền bính, chức vụ buộc phải làm bản tự kiểm điểm. Cuối cùng họ Bành bị đuổi về cơ sở để cải tạo. Lý do: dám cả gan phản đối Mao. Trong lúc Thống Chế Bành Đức Hoài, Bộ Trưởng quốc Phòng, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa bị quản thúc tại nhà thì tướng Chu Đức lại muốn bênh vực họ Bành tại Đại Hội 8 Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc tố cáo Mao, Chu Đức cũng bị hạ tầng công tác và cho về vườn liền sau đó. Phần Mao, sau khi Công Xã Nhân Dân và Đại Nhảy Vọt hoàn toàn thất bại, ông ta chỉ có tự than là vì bản thân không rành về vấn đề xây dựng kinh tế nên đã vấp phạm sai lầm đó thôi. Không hiểu vì sai phạm của Mao mà gần 20 triệu người dân Trung Hoa phải chết đói và hơn l0 tỷ Nhân Dân tệ bị phung phí trong các chiến dịch nầy thì ai gánh chịu đây.

* Cách Mạng Văn Hoá & Hồng Vệ binh.

Năm 1949, khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời, Mao vừa là Chủ tịch đảng vừa là Chủ tịch Nhà Nước lại kiêm luôn cả chức Chủ tịch Quân ủy Quân Đội. Càng về sau, họ Mao lại càng muốn độc quyền và độc tôn, chấp nhận phe nhóm tôn sùng cá nhân Mao. Trong khi đó, một số lãnh đạo khác lại chống đối tệ sùng bái cá nhân, nhứt là áp dụng Tư Tưởng Mao trong việc xây dựng đất nước. Các đối thủ của ông tìm mọi cách tách rời quyền lực của Mao. Từ năm 1959 trở đi, Chủ tịch Nhà Nước là Lưu Thiếu Kỳ thì đương nhiên là Tổng Tư Lệnh Tối Cao trên danh nghĩa. Muốn lật thế cờ, Mao phải chờ quyết nghị của toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương phê chuẩn. Nhưng Ban chấp Hành cũng bị đối thủ của ông ta khống chế tới 3 năm mà không triệu tập được. Hơn nữa các thành viên đối lập chủ chốt mỗi người lại kiêm nhiệm mấy chức vụ, phối hợp chặt chẽ, khiến Mao cảm thấy cô độc, một cách nói là: Một mình với quần chúng". Ngoài vợ ra, Mao chỉ còn lại một vài người tâm phúc, vì hoàn cảnh buộc họ phải dựa vào nhau, ủng hộ lẫn nhau để chống một kẻ thù chung. Những người đó là: Lâm Bưu Bộ Trưởng Quốc Phòng, Khang Sinh đặc trách Mật vụ, Trần Bá Đạt Tổng Biên tập tạp chí Hồng Kỳ và Uông Đông Hưng, vệ sĩ của Mao giờ đây đã trở thành Bộ Trưởng Bộ Công An. Giữa hoàn cảnh khó khăn đó, Mao bảo vợ là Giang Thanh xúi dục sinh viên, học sinh đông đảo đi biểu tình chống lại những viên chức đã đề ra những chính sách sai trái tỷ như sử dụng bạo lực đàn áp nhân dân. Phần lớn thanh niên học sinh đang ở lứa tuổi dưới đôi mươi chưa được chuẩn bị đầy đủ để phân biệt được thế nào là mâu thuẫn trong nội bộ Nhân Dân hoặc mâu thuẫn địch ta, thế mà họ bị xúi dục để đoàn ngũ hóa và được mang cái tên rất kiêu Hồng Vệ Binh, Những Chiến sĩ, Những Thanh Niên Cách Mạng đứng lên đáp lời Mao Chủ Tịch, phóng tay xóa bỏ nền văn hóa cũ. Bọn chúng được khuyến khích đốt phá các kho tàng văn hóa, các thể chế, sách vở gia đình, thư viện đều bị tịch thu đem đi đốt hoặc làm giấy lộn. Ngày 25 tháng 8 năm l966, do sự cổ xúy của Tân Hoa Xã, học sinh viên Mỹ Thuật trung Ương đã tháo gỡ các tác phẩm điêu khắc qúy giá của các triều đại cổ xưa và các tác phẩm mỹ thuật của ngoại quốc đều bị phá hủy. Bọn Hồng Vệ binh đã bắt ông Tư Mã Thông, viện trưởng viện âm nhạc trung ương cũng là đệ nhất vĩ cầm của Trung Hoa buộc tội ông ta là phản cách mạng, lăng nhục ông bằng cách đội lên đầu ông một cái thùng hồ, trên đó có một chiếc mũ lừa cao ngất nghễu. Bọn chúng vừa nhổ nước miếng vào mặt, đánh đập, tát tai và hành hạ ông. Nói chung, các nhà lãnh đạo văn hóa bị đánh sớm nhứt. Nhưng thực chất đó chỉ là điểm, mục đích của Mao là kích động Hồng Vệ binh trong cả nước nổi lên làm cuộc bạo động, tạo phản mà diện chính là những đối thủ chính trị của Mao. Đến cuối tháng ll năm 1966 trong nước đã nổ ra tới ll cuộc biểu tình trong đó Mao đã tiếp kiến tới ll triệu Hồng Vệ Binh, giáo viên, học sinh, bọn họ bị lãnh tụ Mao ít nhiều nhồi sọ để răm rắp tuân lời của Mao để nổi lên dành chính quyền trong tay bọn phản động. Đến ngày l5 tháng 9, Lâm Bưu cánh tay mặt của Mao trong cuộc cách mạng văn hóa đã tung hô Mao lên tận mây xanh. Lâm Bưu nói:"Biết mấy trăm năm nữa đất nước Trung Hoa mới có được một Mao Chủ tịch vĩ đại." Lâm Bưu cũng không quên nhắc nhở bọn Hồng Vệ Binh rằng, mục tiêu chính để tấn công là: "Những kẻ đương quyền trong đảng đi theo đường lối tư bản chủ nghĩa." Đến đây đã quá rõ rệt, chúng ta đã thấy kẻ bị chụp mũ là " bọn xét lại", hay "phản động theo đường lối tư bản", họ là ai? Phải chăng họ trước đây là những người đã từng cản trở những ý định ngông cuồng và xuẩn động của Mao.Hoặc những người đã từng "gợi ý" rằng Chủ tịch Mao nên nghỉ ngơi sớm hơn (chắc muốn nhân dân Trung Hoa sớm được nhờ). Những người đó không ai khác ngoài các lãnh tụ cao cấp của đảng cộng sản Trung Hoa như Trần Nghi, Bành Chân, Bành Đức Hoài, La Thụy Khanh v.v. Dương Thượng Côn và hai nhân vật cuối cùng là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Kết quả, Trần Nghị bị đấu tố tưng bừng. Nhưng bản chất của ông ta là một người phóng khoáng, không biết sợ, bởi thế khi bị điệu ra trước Hồng Vệ Binh , chính là những kẻ thuộc cấp, họ Trần vẫn giữ thái độ diễu cợt. Số là sau khi bị đội mũ lừa, phải làm bản kiểm điểm nhưng bị kẹt là phải tiếp phái đoàn ngoại giao. Trần Nghị đã trêu chọc bọn chúng bằng cách vui đùa hỏi bọn Hồng Vệ Binh: "Liệu tôi có cần mang cái giống nầy theo không; hay cho gửi tạm về lại tiếp tục đội nữa.". Trần Nghị tuy thế ông ta còn may mắn, riêng vợ ông thì bị bọn Vệ Binh Đỏ "Gia Du", tức lội ra ngoài phố lột trần để hạ nhục. Phần Nguyên tổng Tham Mưu Trưởng La Thụy Khanh, chịu nhục không nổi phải nhảy lầu tự tử, được cứu sống sót, nhưng lại bị chụp mũ là đại phản động muốn trốn thoát trách nhiệm.

Trường hợp của Chủ tịch Nước Lưu Thiếu Kỳ và Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Đặng Tiểu Bình thì bọn Hồng Vệ Binh của Giang Thanh đã ma mãnh vạch ra một kế hoạch tinh vi hơn. Thoạt tiên, tên của Lưu và Đặng vẫn được nhắc nhở trong các buổi họp; nhưng đến khi đặc phái viên, một tên tay sai đắc lực của Giang Thanh là Cô Nhiếp Nguyên Tử xuất hiện trước đám đông Hồng Vệ Binh trong tình trạng cuồng loạn để lên án "Lưu và Đặng là muốn tiếm quyền đảng, hai tên nầy là "bọn xét lại chủ nghĩa, đã dựa vào tư bản chủ nghĩa, chui vào để phá hoại đảng". Thế là lập tức sau đó:

- Hồng Vệ Binh bắt con trai Lưu Thế Kỳ, một kỹ sư tốt nghiệp tại Liên Xô. Họ buộc tội anh ta: "Cha anh - Cái đầu chó - Phải nhượng bộ Mao Chủ tịch không điều kiện, phải tuân theo ý kiến của nhân dân, nếu không thì toi mạng."

- Bắt cóc con gái của Lưu để làm con mồi hầu đưa vợ Lưu là Vương Quang Mỹ ra đấu tố. Qua một cuộc đấu lý, cả quan tòa lẫn bọn nhãi con không đấu nổi Lưu phu nhân bọn nầy bèn tức giận quật ngã bà ta xuống, xé váy bà ta trần truồng trước tiếng hoan nghênh man rợ của bọn người đấu tố. Bản thân của Lưu Thiếu Kỳ thì trong suốt liền hai năm sau đó đã chịu không biết bao là cực hình, hết nắm đấm, đến cú đá, hàng giờ ông ta buộc ở thế đứng theo kiểu tàu bay. Trước cách cư xử một cách dã man đó đã nhanh chóng hủy diệt tinh thần cũng như thể xác họ Lưu và cuối cùng ông ta bị ốm liệt. Nhưng lệnh Trung Ương là bằng mọi giá buộc họ Lưu phải sống để tiếp tực những đòn tra tấn liên tục. Đầu tháng 4 năm 1969, Đại Hội lần thứ IX của đảng cộng sản Trung Hoa, đến thời điểm nầy, Mao đã có đủ thì giờ để hoàn tất mọi thủ tục cách chức Lưu Thiếu Kỳ khỏi chức vụ Chủ Tịch Nhà Nước, đồng thời khai trừ Lưu ra khỏi đảng. Cuối cùng họ Lưu bị đày tới Khai Phong và trước đó ông ta cũng được gặp mặt vợ lần chót, và bà Vương Quang Mỹ vợ ông cũng đang ở trong hoàn cành tù đày. Câu nói sau cùng của Lưu với vợ là: "Vũ lực bạo tàn không khuất phục nổi chân lý. Rốt cuộc nhân dân sẽ viết nên lịch sử." Ngày l2 tháng ll khoảng 6 giờ 45 phút cùng năm, người gác ngục khám phá là Lưu đã chết vì bệnh sưng phổi với tuổi 7l. Xác họ Lưu được hỏa thiêu, lọ đựng tro được xếp vào căn hầm của lò thiếu xác với số hiệu 123 và mãi đến năm 1978, sau khi được phóng thích (sau l2 năm bị giam cầm) bà Vương Quang Mỹ vợ Lưu mới vận động với viên cai tù tìm lại được nắm tro tàn của chồng. Mỉa mai thay, cuối tháng 4 năm 1980, lọ đựng nắm tro tàn của Lưu lại được trưng bầy tại Đại Sảnh Nhân Dân Bắc Kinh trước khi rắc xuống biển theo lời di chúc của ông ta. Ở Trung Cộng, ngay cả tương lai của người quá cố cũng không thể lường được.

Rút cục Mao đã thắng trong cuộc đấu đá, loại vĩnh viễn tất cả đối thủ. Ngay chính Trung Cộng cũng phải xác nhận và mô tả "Cuộc Cách Mạng Văn Hoá" của Mao là một việc không những chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa mà cả lịch sử nhân loại nữa. Và cuối cùng chính con ngưòi mà Mao đã dựa vào sức mạnh của nòng súng để làm phương tiện loại hết các đối thủ của Mao là Lâm Bưu cũng bị loại và sau đó bị buộc tội chết. Với sự hổ trợ của "bè lũ bốn tên"* Mao đã triệt để áp dụng nguyên tắc chỉ đạo của Machiavel trong cuộc đấu đá: "Không bao giờ giúp sức mạnh cho ai. Triệt và hạ độc thủ với những ai thấy có đủ sức mạnh hơn mình, và muốn vượt qua mình. "Vô đạo nhứt là Mao đã học và hành theo Machiavel: "Ai là kẻ thù của ta? Chúng chính là những kẻ đã đưa ta lên đài danh vọng."

Những nhà lãnh tụ Trung Cộng còn sống sót và tồn tại sau cuộc đấu đá đều xác nhận rằng, cung cách và tác phong của Mao trong cuộc dành quyền lãnh đạo giống hệt như con quỷ trong truyện Frankenstein. Dưới con mắt của nhân dân và các lãnh tụ Trung Hoa thì họ Mao là như thế đấy. Song dù đã một thời gian khá dài, tập đoàn cộng sản Việt Nam lắm kẻ vẫn xem Mao là thần tượng, thậm chí có tên đã tôn thờ Mao như Tồ Hữu, trước đây y thường trích dẫn những lời huênh hoang khoát lác của Mao như những khuôn vàng thước ngọc. Mỗi tư tưởng chỉ đạo phát xuất từ Trung Ương ngoài "Hồ Chủ tịch" đều có "Mao Chủ tịch" và bỉ ổi nhứt tên bồi bút đã bốc thối những vần thơ dưới đây:

Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ

Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong

Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt.

Than ôi! Một dân tộc đã từng tự hào có trên 4 ngàn năm văn hiến, với những quá khứ oai hùng. Thế mà giờ đây lại sinh sản ra những tên gia nô, bồi bút vọng ngoại. Thử hỏi đất nước sẽ đi về đâu?

Phùng Ngọc Sa

* Bè lũ 4 tên gồm có: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diệu Văn Nguyên.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn