BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73338)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ thơ tới những mảnh đời …

09 Tháng Ba 200712:00 SA(Xem: 1213)
Từ thơ tới những mảnh đời …
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Đọc thi phẩm HOA PHƯỢNG của Nguyễn Thị Hoài Thanh


Phần I 



Kiếp sau nếu được làm chim
Tình thương dang dở bay tìm nơi nơi
Giương cung
— đừng nhé, người ơi!
Vết thương thuở trước luân hồi còn đau.



Bốn câu thơ như lời nài xin của Nguyễn Thị Hoài Thanh vẳng mãi trong đầu tôi.

Vết thương thuở trước khởi từ phần số của một người sinh ra để chịu đựng những rắc rối và cũng do phân định thành phần lý lịch là em gái tướng không quân kiêm thủ tướng ngụy Nguyễn Cao Kỳ — theo lời kể của Bùi Ngọc Tấn — dù Nguyễn Thị Hoài Thanh chỉ là em gái một phi công miền Nam đã giã từ quân ngũ và là một khoa học gia đang sống ở hải ngoại là Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, tác giả tập tuỳ bút Đời Phi Công.

Bốn câu thơ không gợi nhắc tôi về những rắc rối đã đến với Nguyễn Thị Hoài Thanh mà vụt thổi bùng lên một vùng lửa ngùn ngụt — vùng lửa đã chụp lên giấc ngủ nhọc nhằn của tôi nhiều đêm trong dãy 6 trại tù K3 trên đồi Phượng Vĩ sau buổi nghe câu chuyện từ một người tù thuộc đội Bếp.

Người tù theo quản giáo ra chợ Ngã Ba Đồn đã ghi được nhiều chi tiết về chuyện xảy ra đêm trước tại một căn lều trong khu Kinh Tế Mới phía ngoài trại tù. Căn lều bốc cháy giữa đêm khi mọi người vừa bắt đầu giấc ngủ sau mấy giờ tập trung tại hội trường nghe cán bộ giảng huấn về lập trường đấu tranh cách mạng và chỉ trích những thói hư tật xấu trong nếp sống cũ của người dân miền Nam. Điều bất ngờ chưa từng xẩy ra là một thiếu phụ vụt đứng lên giữa đám đông nói như hét với người cán bộ:

— Tôi khỏi cần nghe ai dạy dỗ. Tôi bị lùa tới cái xó rừng này là đủ quá rồi. Tôi chẳng biết đảng với cách mạng của các ông là những thứ gì. Bây giờ tôi phải về lo cho mấy đứa con tôi.

Và chị đi thẳng ra khỏi hội trường trước sự chết điếng của mọi người cùng sự lúng túng không kịp phản ứng của cán bộ. Không ai biết rõ chuyện gì sau đó, ngoài việc cán bộ thao thao cảnh giác về các mưu đồ phản động đang nhen nhúm trỗi dậy. Giữa khuya, ngọn lửa bùng lên.

Khu Kinh Tế Mới tại đây gồm mấy chục căn lều rải rác cách xa nhau có khi cả trăm thước và cuộc sống với đủ loại huấn lịnh khiến mọi người rất ít giao tiếp. Dù vậy, hết thẩy đều có mặt quanh căn lều đang bốc lửa để cùng đứng chết trân nhìn ngọn lửa hoành hành cho tới khi căn lều chỉ còn lại những tàn tích bốc khói khét mù hực nóng. Giữa đống tro tàn, người ta tìm được xác thiếu phụ cháy đen tay còn vòng ôm chặt hai đứa con cũng cháy đen như mẹ. Cái xác trong tư thế vòng tay ôm cứng hai đứa con lập tức đưa ra lời giải thích: Chính thiếu phụ đã nổi lửa hoả thiêu cuộc sống của mình và các con — vì không thứ gì cản nổi họ chạy thoát, nếu đó chỉ là một đám cháy.

Tự nhiên, tôi nghĩ tới cảm giác của người mẹ cố kìm cứng hai đứa con đang điên cuồng vùng vẫy để cùng chịu cực hình khủng khiếp của cái chết hãi hùng. Chẳng bao giờ tôi hình dung nổi cảm giác của họ ra sao, nhưng ý nghĩ về cảnh huống kinh hoàng đó ám ảnh tôi nhiều ngày và luôn làm bùng lên trước mắt tôi một vùng lửa nóng ngập ngụa khói đen, mỗi khi tôi rời khỏi mọi thứ để chuẩn bị đi vào giấc ngủ.

Giữa vùng lửa nóng, hình ảnh người thiếu phụ hiện lên với cặp mắt ngơ ngác gần như thất thần hướng về phía tôi, khi tôi bước tới. Tôi không thể quên cặp mắt đó và dáng hình thon thả đã biến thành gầy dộc như cội cây khô của người thiếu phụ. Chị trạc ba mươi tuổi, tự giới thiệu rất nhanh với tôi bằng những lời thì thào vội vã:

— Tôi ở quận Năm, lên đây hơn hai năm rồi. Mười tám tháng nay, ba mẹ con chưa biết hạt gạo là gì. Tội nghiệp thằng bé mới năm tuổi.

Tôi tiếp tục làm cái việc vô nghĩa là phạt vùng cỏ mắc cỡ với những cọng gai lớn gần ngang cườm tay. Mảnh đất đám tù phải dọn dẹp nằm sát mảnh đất mà thiếu phụ đang cuốc với hai đứa con lúi húi phía sau. Thằng bé mới năm tuổi — như lời giới thiệu — đang cùng chị nó không lớn hơn bao nhiêu ôm những đống cỏ mà thiếu phụ cào gom lại, mang vào một góc bờ. Tôi không thể hiểu thiếu phụ cùng hai đứa con khẳng khiu như cây sậy kia sẽ khai thác mảnh đất ra sao để có ngày được thấy lại hạt gạo. Tôi không kịp nói với thiếu phụ lời nào vì cán bộ võ trang đã phát hiện khoảng cách quá gần giữa chúng tôi và ôm súng đi tới.

Cuộc gặp chớp nhoáng đó diễn ra chỉ ba tuần lễ trước, vào một ngày mùa Đông năm 79 hay 80 tôi không nhớ rõ. Với tôi, ngày tháng và mọi thứ đều đã trở nên vô nghĩa. Nhưng câu chuyện về người thiếu phụ cứ liên tục khuấy động tâm não với hàng loạt câu hỏi và một câu hỏi đã dai dẳng đeo theo tôi:

— Do đâu mà người mẹ lại tìm cho chính những đứa con của mình, cái kết thúc kinh hoàng đó?

Một buổi được rời xa cây cuốc để ngồi quây bên nhau, tôi nêu câu hỏi với một bạn tù từng là cựu thủ lãnh luật sư đoàn Huế, luật sư Vũ Đăng Dung. Cụ Dung nhìn tôi hồi lâu rồi lắc đầu, thở dài.

Câu trả lời bằng im lặng của vị luật sư già lập tức khua bật những âm thanh từng một thời luôn khơi dậy nỗi xúc động mơ hồ và gợi vang trong tâm tưởng tôi những lời ca đã chìm khuất:



Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
……………………………………………
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn
…………………………………………



Rất nhanh, tôi nhớ lại buổi cùng Thế Phong và Y Vân ngồi trong một quán cà phê vắng ngắt tại khu Tân Định và lần đầu nghe bài ca qua giọng hát Thái Thanh bất chợt cất lên từ một máy thu thanh nhỏ. Không chỉ Y Vân mà Thế Phong cũng im lìm nhìn theo những vòng khói thuốc. Lúc đó, ý nghĩ hiện lên trong đầu tôi là không phải Y Vân mà chính tình mẹ mà Y Vân nhận được đã viết lên những lời ca và tiếng nhạc đang ru vỗ chúng tôi.

Khi nhớ lại chuyện xưa, tôi không biết chắc người bạn tù già muốn nói gì nhưng cứ nghĩ cụ Dung cũng như Y Vân mấy chục năm trước đang nhớ về tình thương của mẹ và đang quay cuồng như chính tôi với một câu hỏi tương tự:

— Do đâu …?

Từ đó, hình ảnh người mẹ vòng tay cố ôm cứng hai đứa con đang kinh hoàng dẫy dụa để chúng cùng chết thiêu với mình giữa vùng lửa đỏ luôn bừng dậy khi tôi chợt nghe nhắc tới cảnh đời của một phụ nữ nào đó. Lúc này là sự nhắc nhở từ cảnh đời và những bài thơ của một người tôi chưa hề gặp nhưng biết tên là Nguyễn Thị Hoài Thanh.

Năm 1954 Nguyễn Thị Hoài Thanh vừa mười tám tuổi, đã chọn sống tại quê hương Hải Phòng khi nhiều bạn bè cùng trường, cùng lớp di chuyển vào Nam. Bên cạnh Nguyễn Thị Hoài Thanh, đã có hàng triệu Nguyễn Thị Hoài Thanh khác cùng chung chọn lựa và hết thẩy hẳn đều không thiếu những mộng mơ của tuổi khởi bước vào đời. Nhưng không một màu sắc mộng mơ nào của tuổi thanh xuân con gái hiện hình trong thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh.
Mở đầu tập thơ là những lời với mẹ:



Con đã đi cuối trời cơn ấm lạnh
Con đã đi cay đắng những mùa đau
Nắng cũ chiều hay ngày mới mưa mau
Vẫn chẳng thấy đâu một mái nhà
cho con nghỉ lại.

(Sinh Nhật)



Rồi lại những lời với mẹ, những lời rơi vào hư vô và chỉ khơi dậy một vùng trời cô quạnh:



Con phục bên mộ chí
Gọi ngàn lần mẹ ơi
Chuyện trò chỉ một phía
Lời đáp tận chân trời.

(Mùa đông nhớ mẹ)



Màu sắc mộng mơ hết sức hiếm hoi trong thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh cũng xa biệt mịt mù với màu sắc mộng mơ của tuổi thanh xuân:



Dù mai sau tôi sẽ chẳng còn
Thì hoa phượng khắp nẻo đường
vẫn cháy lên mong ngóng
Thành phố hôm nay cất mình gió lộng
Tôi xin làm gió
đời đời ôm thành phố hát ca.

(Tôi ở Hải Phòng)



Suy nghĩ về tâm tư con gái từ cái khoảng cách giữa tuổi thanh xuân tới nỗi ước mong chỉ được làm gió để đời đời ôm ấp thành phố quê hương mình đã mở ra trước mắt tôi những trang viết của Bảo Ninh trong tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh về một loạt cảnh sống quê hương:





Bấy giờ, nạn đào ngũ lan rộng khắp trung đoàn chẳng khác những cơn ói mửa làm ruỗng nhiều trung đội, không thể chắn giữ, ngăn bắt nổi, nhưng riêng trường hợp Can, trên vẫn truy lùng ráo riết... Sau nhiều ngày lội rừng sục sạo, vệ binh trung đoàn đã tìm thấy kẻ đào tẩu. Chẳng ở đâu xa, họ tìm thấy Can ở hẻm Tò Vò, cách cụm lán của trung đội trinh sát không đầy hai giờ băng rừng... Cuối tháng Chín, lính tráng nhận được thư nhà, đợt thư duy nhất suốt mùa mưa. Riêng đội trinh sát chỉ được độc một lá. Lại là gửi cho Can. Thư của bà mẹ: “... cả xóm Gò hôm nay chung vui cùng mẹ may mắn bắt được thư con, mẹ liền biên ngay thư này mong các bác quân bưu thương tình chuyển chóng tới con để con hay rằng lẽ ra thì mẹ chết rồi mà nay còn sống là nhờ nhận được thư con đấy, con ơi” — Bà mẹ viết — Con ơi, từ ngày giấy của đơn vị anh con báo tử về rồi xã làm truy điệu rồi giao bằng Tổ Quốc, con ơi, mẹ ngày đêm sản xuất tăng gia cày cấy, ngày đêm cầu trời khấn phật, cầu ông bà tổ tiên, cầu thầy, anh con phù hộ độ trì cho con ở nơi binh lửa được cùng anh em tất cả bình an...”.

Kiên đọc đi đọc lại. Tờ thư run lật phật, nhòa trong mắt anh. Can chết rồi còn đâu. Bữa đó vệ binh chỉ lượm được cái xác. “Cái xác lở loét, ốm o như xác nhái bị dòng lũ xô tấp lên một bãi lau lầy lụa. Mặt của xác chết quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục, nom cực kỳ tởm. Và thối quá thể là thối, cái thằng bê quay (đảo ngũ) chết tiệt ấy — người lính vệ binh đã chôn Can kể lại với đám trinh sát.




Lá thư chỉ được nhắc như một tin vui lỡ bước của người con xấu số. Không một dòng, một chữ nào viết về tâm tư người phụ nữ đã mất chồng, mất con và bây giờ mất nốt đứa con cuối cùng còn lại. Gánh nặng kinh hoàng này của người vợ - người mẹ phải chăng sẽ tiêu tan chỉ nhờ lời giải thích sinh ra để chịu đựng những rắc rối hay chỉ bằng việc nhận một mảnh giấy vô hồn với ba chữ Bằng Tổ Quốc? Tôi không tìm lời giải đáp, cũng không kìm mình bước tiếp tới một hoạt cảnh khác từ những trang Nỗi Buồn Chiến Tranh kể một chuyện xảy ra bên sông Sa Thầy tại Tây Nguyên cuối năm 1975 với tổ tìm hài cốt. Một buổi chiều, một người bỗng nghe dội lên tiếng cười ma quái từ phía đồi 300. Lạnh hết người, nhưng anh ta vẫn lần về hướng phát ra tiếng cười và kể lại:





Mẹ kiếp, tôi thấy… một túp lều… Tôi ngửi thấy mùi khét và mùi sắn nướng. Nghĩa là người. Nhưng... Các cậu hiểu không, trước cửa lều trong ánh nhá nhem tôi thấy một hình thù lồm xồm lông lá, đúng hơn là râu tóc quá dài, trần truồng ngồi trên một thân cây đổ nhìn thẳng về chỗ bụi cây tôi đang núp. Và tôi thấy, một quả lựu đạn… ở trong tay hắn. Tôi bò lui. Hình như có làm động cành cây nên con ma để ý hơn, nó đứng lên, chăm chú nhìn, và đi tới. Tôi bật lên vùng chạy. Lập tức tiếng cười kinh dị khi nãy lại cất lên đuổi theo tôi.




Câu chuyện khơi lên những thắc mắc, những hồi tưởng… rồi Kiên — lúc này thuộc tổ tìm hài cốt — cùng cả tổ đi tìm sự thực về tiếng cười ma quái trong túp lều hoang. Khi Kiên và những người trong tổ tiến tới gần túp lều thì tiếng cười bốc lên dữ dằn như lời cảnh cáo. Rồi, hình ảnh mà cả nhóm ghi nhận được:





Ở nơi bãi gianh tiếp giáp rừng le, hiện thoáng lên chỉ trong tích tắc một bóng ma rách bươm, uyển chuyển và huyền bí, lướt ngang luồng ánh sáng rồi mất hút với mái tóc đen dài xõa bay. Một bóng ma nữa rạp cúi xuống chạy nên chỉ lộ cho mọi người vụt thấy một cái sống lưng đen cháy như lưng vượn.”

… Mọi người luồn vào túp lều, thấy chỗ nằm trải những giát lồ ô có phủ một lượt cỏ làm đệm. Ba tảng đá kê lên thành một chiếc bếp ở góc lều.…“Và, Kiên nhặt được một cái lược bằng nhôm máy bay, kẽ lược giắt những sợi tóc rất dài và mềm.

— Nghĩa là không phải ma. Không phải xà niên.

— Nhưng là ai? Một người thì thào. Là ngụy hay là lính mình đào ngũ sống ẩn trong rừng?

… Cả tổ cố công tìm kiếm. Nhưng cặp uyên ương mất trí ấy đã được rừng che chắn trong vòng huyền hoặc. Một lần một người trong tổ nói đã nom thấy chính người đàn bà nọ ở bờ sông dưới bóng chiều chạng vạng, đang tắm. Khi anh ta tiến gần lại thì người ấy bật lên cười, vẫn chuỗi cười rất rợn ấy và lập tức biến mất, không biết biến vào lùm cây ven bờ nước hay biến vào trong sóng.




Tác giả Bảo Ninh dùng từ mất trí như lời giải thích về chọn lựa của những người phát ra tiếng cười ghê rợn điên cuồng và chập chờn ẩn hiện như bóng ma. Những người đó có thể là người lính miền Nam — mà người miền Bắc vẫn gọi là Ngụy — nhưng có nhiều lý do chứng tỏ họ chính là đồng chí một thời của những người đang có mặt trong tổ tìm hài cốt, cụ thể hơn chính là đồng chí của tác giả Bảo Ninh.

Có đúng họ mất trí hay chỉ vì họ không còn chịu đựng nổi cảnh sống mà con người đã biến thành một loại máy móc chỉ vận hành theo bàn tay bấm nút, nhất là đã cạn kiệt nhân tính như chính Bảo Ninh tả về nhân vật của mình:



Lay động màn sương khói của ký ức, Kiên đột nhiên thấy lại rõ ràng cái cảnh mình và Tạo "voi" quỳ bên khẩu Mã Lai bắn xả vào dòng thác tàn binh của trung đoàn 45 đang tháo chạy khỏi vùng đất trống Phước An rìa ngoài Buôn Ma Thuộc. Khẩu đại liên hóa điên, điên rồ ngốn vào bụng những băng đạn đồng sáng loáng, khạc lửa tơi bời vào khối người mất trí đang đổ xô tới như hàng ngàn cái bia thịt, rú lên rũ rượi: ggòa, ggòa...? Dòng lính áo xám bị xe tăng rượt dồn tới, dồn tới để chết chồng chất vì tay Kiên.
Không phải là bắn nữa mà là tàn sát… Nhân tính! Một trò lạ đấy nhỉ”.
………………………………………………………………………………………………………….….

Anh nhớ lại vào buổi sáng trung đoàn đánh vào Ty Cảnh Sát Buôn Ma Thuộc.

Nhân tính! Mẹ kiếp?

Bọn cảnh sát văn phòng chống cự hăng không kém bọn lính chiến. Bắn nhau gần tiếng đồng hồ quân ta mới thọc được vào tòa nhà chính.

“Cứ áo trắng mà giết …”

Nháy cò mỏi tay mà áo trắng vẫn túa ra từ các phòng như cò loạn tổ.

Kiên và Oanh trị xong được ổ trung liên trấn đầu cầu thang tầng ba, cùng nhau vọt lên. Dọc hành lang, cứ mỗi phòng tống cho một quả u-ét. Bọn cảnh sát dùng súng lục đáp lại tiểu liên và lựu đạn chứ không chịu hàng. Kiên nhớ đấy là căn phòng cuối cùng hành lang dài suốt dọc tầng ba... Ba cái bóng bận quân phục màu trắng lao ra như ba làn chớp liều mạng bổ tới cầu thang lên gác tư. … Họng AK của Kiên vẫn kịp quất một loạt ngắn. Pầm pầm, pầm… Ba người đàn bà vận váy áo cảnh sát khuỵu xuống hành lang trải thảm xanh. Những búng máu màu mận chín vọt lên như vòi phun. Nhưng chỉ hai người dính đạn chết tươi, người thứ ba ngã ngồi vào chân tường… Không khí sặc mùi khói đạn và mùi máu mà vẫn không át hơi nước hoa. Mái tóc uốn của cô gái xõa xuống mặt nhưng cô vẫn đưa tay lên che mắt… Cô gái trẻ từ từ đứng dậy… Kiên bắn. Điều kinh khủng là anh đã tiến tới gần rồi mới bắn. Mặt đối mặt… Khi bị cả nửa băng đạn xô vật ra, cô ta vẫn còn thúc cùi tay xuống sàn và ngóc đầu lên, như toan ngồi dậy, Kiên bắn bồi luôn, không phải một phát mà là trọn nửa băng nữa. Những đầu đạn cỡ 7,6 ly quật đôm đốp vào nền đá hoa dưới lưng tấm thân vận bộ đồ trắng đã đỏ lòm … Nhân tính! Tình người...?”



Tôi chợt nhớ cảnh diễn ra chớp nhoáng trong một trận đánh tại vùng Quảng Ngãi. Giữa âm thanh điên loạn của đủ loại súng đang thi nhau nổ với mùi khói khét mù và không khí chết chóc nghẹt thở, một người lính bỗng vùng dậy. Anh ta không còn biết đến những lằn đạn đang nhằng nhịt đan chéo xung quanh, vươn thẳng người chạy băng băng về phía sau. Tay phải anh ta giơ lên cao nhưng không cầm cây súng mà cầm một cánh tay đang tuôn máu — cánh tay trái của anh ta vừa bị bắn đứt lìa. Tiếng hét hãi hùng của anh ta trước khi ngã xuống chỉ vỏn vẹn:

— Tay tôi … Thiếu Tá ơi!

Cơn điên loạn của người lính Biệt Động Quân và âm vang tiếng kêu cuối cùng của anh ta sống lại khi tôi đối diện với cơn điên loạn hiện lên từ các trang viết của Bảo Ninh. Nếu cơn mê loạn vì bàng hoàng do một cánh tay bị bứt rời thân thể khơi gợi nỗi bùi ngùi thì cơn mê loạn tàn sát cả một đám người đang bị những chiếc xe tăng hung hãn vây hãm, nhất là cơn mê loạn đến mức thản nhiên xả cả băng đạn vào thân hình cô gái trẻ với mái tóc uốn còn nồng mùi nước hoa đang đứng cách mình chỉ mấy bước khó dập tắt nổi cảm giác ghê tởm. Có thể cho là mất trí chăng với người lìa bỏ cảnh sống thúc đẩy những cơn mê loạn man rợ này, dù chọn lựa chỉ đưa họ vào rừng sâu để sống cùng hoang thú? Ít nhất, với cảnh sống đó, chắc chắn họ không phải thốt lên những lời như lời tự nguyền rủa của nhân vật Kiên:

— Nhân tính! Mẹ kiếp?

Nhưng, cơn mê loạn điên cuồng đã mở rộng trên mọi nẻo đường đất nước, đã thấm tới cỏ cây, chim chóc và những người phải chấp nhận chọn lựa cuối cùng bi thảm ấy vẫn không thể bình an. Kiên nhớ về việc xẩy ra trong năm trước, mùa mưa 1974:





… Ở gần ngay chỗ chiếc Zil đêm nay đang đỗ, trước có dấu tích của con đường mòn dẫn vào làng Hủi. Hồi trung đoàn 3 về đây làng đã hoang tàn, tuyệt không một bóng người còn sống. Bệnh tật khủng khiếp và đói khổ triền miên đã tận diệt cuộc sống nơi đây…. Một hôm, Thịnh "con" ở tiểu đoàn Một liều mò tới đấy và giữa tro tàn của ngôi làng, cậu ta đã bắn chết một con vượn rất to, phải bốn người kéo ra mới khiêng nổi con thú về lán của đội trinh sát. Nhưng, lạy Chúa tôi, đến khi ngả nó ra, cạo sạch bộ lông thì giời đất ôi, con vật hiện nguyên hình một mụ đàn bà… da sùi lở nửa xám nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược. Cả lũ bọn Kiên thất kinh, rú lên, ù té quẳng tiệt nồi niêu dao thớt.




Không chỉ riêng Nỗi Buồn Chiến Tranh dựng lại cảnh sống này. Đây là cảnh sống đã hiện hình từ những trang hồi ký Đường Đi Không Đến của Xuân Vũ, những trang tiểu thuyết Vô Đềcủa Dương Thu Hương… Nhưng ở Nỗi Buồn Chiến Tranh , luôn nổi lên bóng dáng người phụ nữ, những người chân yếu tay mềm, những người uỷ mị với tấm lòng rộng mở mà tới giờ này khắp nơi trên thế giới vẫn dành cho vị thế nuông chiều để tô điểm cho cuộc sống và xoa dịu những bão táp bi thương. Bởi không ai có thể nói khác rằng người phụ nữ có mặt để làm vợ, làm mẹ là những thiên chức luôn biểu hiện một tình thương dịu ngọt, hiền hòa, đằm thắm, bao la…

Do đâu họ bị tước đoạt các thiên chức đó? Do đâu họ phải giã từ cuộc đời giữa tuổi thanh xuân bởi những viên đạn tàn nhẫn? Do đâu họ biến thành bóng ma ẩn hiện giữa rừng sâu với thân hình phủ đầy lông lá của loài vượn?

Lời giải đáp đến với tôi từ những dòng Nhật Ký của người con gái mang tên Đặng Thuỳ Trâm:





Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi. Nhưng … tuổi hai mươi của thời đại này phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc… Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ... Vì sao ư? Vì còn giặc Mỹ thì còn đau thương tang tóc, vì còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc nào……

Một câu triết lý bất di bất dịch của mỗi người dân Việt Nam là “Không có con đường nào hơn phải đánh cho không còn một tên đế quốc Mỹ nào... Thằng chó Nich-xơn đã liều lĩnh điên cuồng mở rộng thêm cuộc chiến… Nhưng tao đã thề cùng các đồng chí của tao rồi, dù có chết cũng quyết đánh cho đến cùng… Ôi! Căm thù đến bầm gan tím ruột...

Bỗng nhớ đến câu thơ của Tố Hữu:

Có nơi đâu trên trái đất này
Như miền Nam đắng cay chung thuỷ
Như miền Nam gan góc dạn dày

Nhà thơ của chúng ta đã nói đúng vô cùng. Vì có nơi đâu như mảnh đất này không? Có nơi đâu mà mỗi người dân đều là một dũng sĩ diệt Mỹ, mảnh đất thấm máu kẻ thù...

Đại hội huyện đoàn thanh niên sống giữa niềm vui của lớp thanh niên lớn lên trong chiến đấu. Được găp và nghe các em thiếu nhi báo cáo điển hình.

- Hoàng 14 tuổi trong sáu tháng đầu năm giết được 6 lính Mỹ, đánh lật 2 xe tăng bằng vũ khí tự tạo, lấy được 7 súng giặc trong đó có 2 cối cá nhân và các loại khác.

- Em An Phổ Châu lấy 5 súng, có 2 cối cá nhân, một đài RC.
Các em đã anh hùng từ trứng nước.
……………………………………………………………………………




Đọc thi phẩm HOA PHƯỢNG của Nguyễn Thị Hoài Thanh


Phần II 


Nhật ký bao giờ cũng là những lời chân thật vì là lời nói với chính mình.

Nhưng những lời tự nhủ trong quyết tâm cao cả của người con gái đang mang cái sứ mạng vẫn được ví như mẹ hiền — lương y như từ mẫu — bỗng khơi dậy một cảm giác ngột ngạt.

Tôi không nghi ngờ ý hướng mong ước tốt lành của Đặng Thuỳ Trâm nhưng không khỏi xót xa về niềm vui sướng tự hào bừng lên từ cảnh những đứa trẻ chưa tới tuổi thành niên đã cuồng nhiệt nhúng tay vào máu. Từ ký ức tôi hiện lên khuôn mặt u uất của Phạm Duy một ngày thuở nào cùng giọng nói chán chường mệt mỏi khi anh hỏi tôi:

Đất nước mình rồi sẽ ra sao khi đám trẻ chỉ được dạy cho một nghề duy nhất là sát nhân?

Thực ra, người con gái ấy vẫn căm thù hành vi nhúng tay vào máu, vẫn gọi đó là tội ác không thể dung tha. Nhưng người con gái ấy cũng như hết thẩy bạn đồng trang lứa không thể vượt khỏi tác động của không khí sinh hoạt bao trùm tâm não họ từ tuổi ấu thơ mà một bạn cùng trường, cùng lớp với Đặng Thuỳ Trâm là Vương Trí Nhàn đã ghi lại trong những trang mở đầu tập Nhật Ký:

“Bao trùm xã hội là một không khí thiêng liêng, thành kính. Ngay đối với người dân thường, mọi chuyện làm ăn sinh sống chỉ là sự chuẩn bị cho ngày mai có mặt ở chiến trường… Trong tâm trí đám học trò chúng tôi lúc nào cũng thấm đẫm tinh thần lãng mạn của Ruồi Trâu, của Pavel Korsaghin trong Thép Đã Tôi Thế Đấy… Chúng tôi dắt xe đạp đi quanh Hồ Gươm trong tiếng nhạc dập dìu của mấy bài Hà Nội Huế Sài Gòn, Tiếng Hát Giữa Rừng Pắc Bó… và có thể nói không sợ ngoa là từ đấy nhiều người đi thẳng ra chiến trường… Một niềm tin tưởng chỉ có ở tôn giáo — thứ niềm tin mang đầy cảm giác thánh thiện — chi phối hành động mọi người.

Lao vào chiến tranh lúc ấy không phải chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm ao ước, là vinh dự…”

Thứ niềm tin mang đầy cảm giác thánh thiện này đã đẩy tất cả vào vũng lầy khát máu — mà họ hận thù tới bầm tím ruột gan như lời của Đặng Thuỳ Trâm — và say sưa những vầng hào quang anh hùng, dũng sĩ tạo nên bằng chém giết điên cuồng trong khi vẫn nguyền rủa sự tàn ác, phi nhân.

Cái từ mất trí mà Bảo Ninh gán cho những kẻ chối bỏ niềm tin này để sống với cỏ cây hoang thú giữa rừng sâu có lẽ chỉ chính xác khi giữ lại cho những kẻ tận trung với nó. Vì chính nhân vật của Bảo Ninh sau những ngày cuồng nhiệt hiến dâng đã phải thốt lên:

— Hừ, hòa-bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình… Nền hòa bình này... Hừ, tôi thấy hình như các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bầy ra gớm chết. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra...

Câu trả lời về hàng loạt thân phận oan khiên được gợi nhắc không đòi hỏi sự phân định rạch ròi vị thế của những danh từ, không cần truy nguyên nguồn cỗi gian trá trong cảm giác thánh thiện, cũng không cần chỉ vạch những bộ mặt thật ẩn sau những tấm mặt nạ… Những thứ đó, dù nhuốm màu sắc nào, mang hình vóc nào đều phản ảnh cơn mê loạn dẫn đến nghiệp chướng trầm luân của nhiều thế hệ con dân Việt Nam. Tuy vậy, không thể loại trừ sự góp phần của chính các nạn nhân đang mê loạn luôn nhiệt tình hào hứng đầy kiêu hãnh được xả thân dâng hiến cho quê hương trong khi chỉ đưa quê hương và chính bản thân vào cảnh sống chìm ngập giữa biển máu đau thương.

Câu trả lời có thể bao quát hết thẩy là gần tròn thế kỷ qua, nhiều thế hệ tiếp nối trên mảnh đất Việt Nam đã mù loà tự dấn thân vào những nẻo đường do ma đưa quỉ dắt. Ý nghĩ này khiến tôi tìm lại được cảm giác nhẹ nhàng khi đọc những câu thơ đượm nồng tình mẹ của Nguyễn Thị Hoài Thanh:

 

Đêm Thư nằm mơ thấy gió
Thổi vù làm cánh quạt quay
Tỉnh dậy gió còn phảng phất
Quạt nan mẹ phẩy trên tay.
(Cái quạt)

Nguyễn Thị Hoài Thanh có mặt giữa thời mê loạn, nhưng không bị cuốn theo sức hút của cơn mê, dù bản thân vẫn khó tránh những tai họa đưa mình vào cảnh sống đoạ đầy. Thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh luôn êm ả như dòng suối len lách giữa rừng cây, luôn dịu mát như những làn gió nhẹ trên đồng cỏ xanh hiền hoà vào một chiều thu nắng dịu:


Những ngày gió những ngày mưa
Tới ngày người đến
tay vừa trắng tay
Giờ thì ước được như mây
Núi cao biển rộng tháng ngày thung thăng
Giờ thì ước được như trăng
Bao nhiêu tuổi vẫn ngang bằng ngọn tre.

(Viết ở đầu hè)

Tình người tỏa ra từ những câu thơ đơn sơ đã xác định sự bất lực của những mưu tính điên cuồng đi ngược hướng diễn hoá tự nhiên của sự sống. Nhưng giữa những tháng ngày mà thơ chỉ là tiếng thét gào cổ võ hành động sát nhân, không phải dễ dàng có thể đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên để ngợi ca một ánh nắng, một giọt sương hay một tiếng ve như thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh:


Bữa nay thu sớm lạc vào hè
Nắng đã nhạt vừa gió chớm se
Chiều thấp lênh đênh sương lẫn khói
Vòm cây đã ẩm giọng ngân ve.

(Thu sớm)

Trong hình dung về cảnh vật lộn để tồn tại của tình người qua những dòng thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh vụt hiện một cái tên phụ nữ là Trần Thị Hằng.

Vùng lửa nóng vẫn ám ảnh tôi bây giờ biến thành vùng trời giá buốt thấu xương của mùa đông đất Bắc. Và, trước mắt tôi là một túp lều xiêu vẹo đang lập cập run rẩy giữa cơn gió bấc lạnh lùng. Túp lều không có ánh điện, không có ánh lửa đèn dầu hay hơi ấm than củi. Nhưng người phụ nữ mang tên Trần Thị Hằng vẫn cặm cụi thức giữa đêm đen bên đống đất nhão để nhào nặn thành những viên gạch. Những viên gạch mộc — vì không thể có tiền mua than đốt lò nung — được nặn từng đêm là nguồn lợi duy trì sự sống của ba người, Trần Thị Hằng cùng bà mẹ già và đứa con nhỏ.

Cảnh sống của Trần Thị Hằng đã trở thành một cảnh trong phim Chuyện Tử Tế từng được nhắc nhở giữa thập niên 80. Cuốn phim kể về một phụ nữ cùi, bị xã hội ruồng bỏ… nhưng sức mạnh của tình mẹ đã giúp chị vẫn đêm đêm vo đất bằng hai bàn tay co quắp không còn đủ mười ngón nặn thành những viên gạch để xây nổi cho đứa con một căn nhà. Người làm phim đã trút trách nhiệm gây nên cảnh sống bi đát của Trần Thị Hằng cho chứng bệnh cùi và thành kiến xã hội, trong khi phải nói chính cái xã hội mà Trần Thị Hằng đang sống đã nhiễm chứng bệnh cùi tâm não đến mức cạn kiệt tình người.

Bởi Trần Thị Hằng chưa bao giờ mắc bệnh cùi mà còn từng một thời góp mặt giữa những tấm gương thánh thiện hiến dâng. Cùng lứa tuổi với Đặng Thuỳ Trâm, cùng tốt nghiệp Đại Học như Đặng Thuỳ Trâm và cũng như Đặng Thuỳ Trâm, Trần Thị Hằng đã theo tiếng gọi cứu nước lên đường vào Nam chiến đấu giải phóng đồng bào đang bị đế quốc Mỹ khát máu tàn sát cùng đợt với Đặng Thuỳ Trâm, năm 1967. Trần Thị Hằng chỉ khác Đặng Thuỳ Trâm là đã đạp trúng mìn giữa đường đi, may mắn thoát chết nhưng phải dở cuộc hành trình. Quay lại miền Bắc, sau khi lành vết thương, Trần Thị Hằng lập gia đình và trở về với vai trò người phụ nữ bình thường trong cuộc sống.

Năm 1972, Trần Thị Hằng mất đứa con đầu mới tròn hai tuồi trong một cuộc oanh tạc của không quân Mỹ. Sau khi chị sinh đứa con thứ hai vào năm 1975 thì gia đình tan vỡ vì người chồng bỏ đi lúc Trần Thị Hằng mang bầu đứa con thứ ba. Gần đến ngày sinh, Trần Thị Hằng bị lên cơn sản phong, quằn quại đau đớn phải vào bệnh viện và chỉ có chị được cứu sống còn đứa con chưa chào đời đã chết.

Trần Thị Hằng trở về cõi sống để không biết sống ở đâu. Đất Bắc Ninh quê chồng không dung chứa mà đất Thái Bình quê mẹ cũng không nhận lại. Ở cả hai nơi đó, chị đều không được ghi tên vào hộ khẩu. Dù thuộc lớp tàn phế do thương tích trúng mìn trên đường vào Nam và là con liệt sĩ do cha chết trận, Trần Thị Hằng vẫn lâm cảnh bơ vơ. Chính quyền ở cả hai vùng quê của Trần Thị Hằng bảo chị mắc chứng sản phong tức bệnh phong cùi nên phải vào trại cùi.

Không trại cùi nào chịu nhận Trần Thị Hằng vì không nơi nào tìm ra triệu chứng bị cùi. Trần Thị Hằng liều về dựng túp lều trên bờ cái ao hoang của gia đình tại Thái Bình. Cái ao này lại được thông báo đã thuộc về xã vì người đứng tên chủ ao là cha của Trần Thị Hằng đã chết. Cùng đường, năm 1978, Trần Thị Hằng lao đầu xuống bãi sông Thái Hạc để giã từ cuộc sống. Một ông già sống với nghề chài lưới bên sông đã ngăn cản cái chết bằng cách lao xuống kéo chị lên bờ. Lần thứ ba Trần Thị Hằng được đưa trở về cõi sống, sau hai lần thoát chết vì mìn và vì căn bệnh sản phong.

Lúc này Trần Thị Hằng trở thành một người cùi trước mắt mọi người. Không riêng chị mà ngay cả đứa con mới ngoài 3 tuổi luôn bị chửi bới, đánh đuổi, ném gạch đá bất kỳ lúc nào và ở đâu, bởi lý do…“phải tiêu diệt lũ hủi”. Tuy vậy, sau mấy lần chết hụt, Trần Thị Hằng đã dồn hết tâm lực cho cuộc sống của con. Vì thế, trong túp lều bên bờ cái ao hoang mà chị được thuận cho ở với lời hứa phải trả đủ khoản tiền mua lại cho xã — lời hứa này chị chỉ hoàn tất nổi sau 11 năm dài — đã diễn ra cảnh hằng đêm chị cặm cụi ngồi nặn từng viên gạch mộc để góp lại đem bán cho các lò nung.

Việc nặn gạch trong cảnh sống tối tăm, túng thiếu từ cơm ăn áo mặc… không bao lâu khiến những ngón tay Trần Thị Hằng nhiễm độc. Bắt đầu là ngón cái tay trái sưng tấy.

Không bệnh viện nào nhận người không có hộ khẩu, trong khi mỗi ngày dù tận lực làm mọi việc cộng thêm nặn gạch cũng chỉ kiếm nổi một bơ gạo để nấu cháo cầm hơi cho mẹ già và con thơ nên không thể có tiền mua thuốc. Ngón tay tiếp tục sưng và bắt đầu nhức nhối. Mức nhức nhối tăng tới độ không chịu nổi và Trần Thị Hằng đã nghĩ ra cách điều trị kinh hoàng là chặt bỏ đốt tay.

Chị đi kiếm lá nhọ nồi giã nhỏ hoà với nước vôi rồi nung đỏ con dao, kê ngón tay lên viên gạch, nghiến răng chặt mạnh. Đốt tay đứt rời với cái đau khủng khiếp.

Trần Thị Hằng chỉ kịp trút nắm lá nhọ nồi hoà nước vôi đắp lên ngón tay đang phun máu rồi ngất xỉu. May mắn là mức đau kinh hãi đó chỉ trong khoảnh khắc và ít ngày sau, ngón tay bắt đầu lành giúp chị thoát khỏi sự hành hạ của cơn nhức nhối kéo dài. Nhưng tình trạng nhiễm độc không dừng lại mà theo ngày tháng các ngón tay cứ nối nhau sưng tấy. Với kinh nghiệm đã có, Trần Thị Hằng tiếp tục nhờ lưỡi dao nung đỏ và nắm lá nhọ nồi hòa nước vôi để tự điều trị.

Hai bàn tay với những ngón thon dài của cô sinh viên Đại Học Kế Toán Tài Chính thuở nào cuối cùng chỉ còn là hai bàn tay với những ngón tay bị chặt cụt. Người làm phim Chuyện Tử Tế không hề nhắc đến cơn đau tới chết lịm mỗi khi lưỡi dao nung đỏ vụt chém xuống và lý do khiến người thiếu phụ phải nghiến răng tự chặt những đốt tay của mình. Người làm phim cũng không hề nhắc đến mức mù lòa của cả một xã hội ở cuối thế kỷ 20 vẫn tự nhốt mình giữa vòng vây hãm của thảm hoạ trí não u mê thuở tận trung tuân hành thánh chỉ nhìn bất cứ ai theo đạo Thiên Chúa cũng là quỉ ma phải tận diệt. Thay vào đó, người làm phim còn theo chính cái nhìn tối tăm của xã hội khẳng định nhân vật được giới thiệu là một người cùi.

Trong thực tế, oan nghiệt mà Trần Thị Hằng gánh nhận không chỉ có ở khoảng ngày tháng cực hình đó mà kéo dài dưới nhiều hình thức ghê rợn khác cho tới cuối thập niên 90, lúc mái tóc chị bắt đầu điểm bạc và cũng là lúc đứa con nhỏ đã trưởng thành để bước vào đời. Nhưng chỉ qua riêng đoạn đường thời gian đo bằng các đốt tay nối nhau bị chặt cụt bởi chính mình của người thiếu phụ, mức đoạ đày và sức chịu đựng để tồn tại của tình mẹ, tình người trên mảnh đất Việt Nam đã vươn khỏi mọi mức tưởng tượng. Đoạn đường thời gian này của Trần Thị Hằng cũng là đoạn đường thời gian của người thiếu phụ phải nghiến răng kìm cứng hai đứa con giữa vùng lửa đỏ dưới chân núi Chứa Chan. Tôi không thể so sánh mức đau đớn kinh hoàng của hai người mẹ cố đưa những đứa con thân yêu của họ thoát khỏi cảnh sống đáng sợ hơn cả cõi chết mà chỉ nghĩ tới cột mốc thời gian cuối thập kỷ 70 và nhớ lại những dòng nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm: “Bọn Mỹ như những con quỷ khát máu… Bao giờ đuổi được hết chúng ra khỏi đất nước Việt Nam lúc đó máu mới ngừng chảy… Bỗng nhiên mình nhớ đến những cuốn phim và những bài hát trên cánh đồng Xã Hội Chủ Nghĩa …”

Tôi tự hỏi: Đặng Thuỳ Trâm nghĩ sao về dòng máu vẫn tuôn xối xả từ các ngón tay của Trần Thị Hằng và vùng lửa đỏ bốc lên hoả thiêu cuộc sống của những trẻ thơ vô tội, của người thiếu phụ không mong gì hơn được chăm sóc các con, khi họ đang sống giữa cánh đồng Xã Hội Chủ Nghĩa trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn vắng bóng bầy quỷ dữ khát máu đúng như ước nguyện của Đặng Thuỳ Trâm? Đặng Thuỳ Trâm có còn tự hào về hành vi cuối cùng của mình như đã được người em gái là Đặng Kim Trâm tả lại trong Nhật Ký:

“Một vết đạn sâu hoắm ghim ngay giữa trán chị — điều này khi mẹ và tôi lên vùng núi Ba Tơ để đưa chị về, tôi đã nhìn thấy. Anh Tâm, bí thư huyện uỷ Đức Phổ hiện nay cho biết anh được nghe kể lại trước khi hy sinh chị còn hô vang Hồ Chí Minh muôn năm. Đả đảo đế quốc Mỹ”.

Nếu khó kìm một ý nghĩ mỉa mai chua xót cho viên đạn ghim ngay giữa trán vẫn nghe thấy những lời hô vang lại phải nhìn nhận khó có gì ngăn nổi tiếng nói trung thực của những con tim chưa cạn kiệt tình người. Những câu thơ của Nguyễn Thị Hoài Thanh về đề tài cây cỏ, hoa lá, gió mưa… giữa một thời bão táp chính là một âm vang của tiếng nói đó, tiếng nói từ tâm tư con người với cảm nghĩ của con người:


Trong yên lặng ta nghe chừng đã rõ
Tiếng nắng về dát bạc dưới lòng thung
Ta ngồi bên thác nước nhớ mông lung
Tiếng nước reo hay nước đòi hóa kiếp
Để thành mây
mây về đâu chẳng biết
Cõi lưu đầy có gặp bến hư vô!

(Di Linh)

Những lời lẽ mơ hồ diễn tả những tình ý cũng mơ hồ nhưng tuyệt nhiên không vương dấu vết cơn mê loạn do trí não mù loà hay nỗi đam mê hào quang anh hùng, dũng sĩ tới mức cuồng điên để thấy sự sống chỉ là cống hiến, là hy sinh, là sự nghiệp đấu tranh vì lý tưởng này hay lý tưởng khác…

Qua những câu thơ mộc mạc của Nguyễn Thị Hoài Thanh, sự sống đã hiện hình từ cảm xúc tự nhiên trước một áng mây, một màu hoa, một tiếng chim hót ngoài vườn, những giây phút an hoà của con người trong tình thương ấm áp trao gửi và nhận lãnh từ tha nhân. Nguyễn Thị Hoài Thanh đã sống và cảm nhận đúng yêu cầu của sự sống khi cất lên tiếng kêu cứu từ dưới đáy vực sâu:

Trên miệng vực là những người đến cứu
Người thả sợi xích sắt loằng ngoằng
Người buông cái thang tre
Người hiện đại hơn
ròng sợi dây ni-lông siêu bền
...............
Tôi ở dưới vực sâu kêu lên
— Tôi chỉ xin
một ánh trăng cô đơn
Toả xuống vực sâu để cứu linh hồn

(Vực sâu)

Nhưng có thể có chăng cái ánh trăng cô đơn mà Nguyễn Thị Hoài Thanh đang khẩn nài, trông đợi? Tôi nhớ tới đám người bên bến sông mà những nhân vật tinh quái của Mark Twain một lần ghé lại tạo trò lừa đảo. Tất cả đều thù ghét bọn bất lương che mắt mình nhưng không ai dám thú nhận đã bị gạt và còn cổ võ cho trò lừa đảo để có thêm đông người cùng cảnh ngộ.

Tâm lý bi hài này đang phổ biến khắp đất nước Việt Nam để tiếp diễn cái cảnh phẫn nộ rủa xả những tấm mặt nạ như kiểu nhân vật của Bảo Ninh — ngay giữa lúc cất lời rủa xả vẫn cố tô vẽ mình bằng những màu sắc lẫm liệt uy nghi trong vóc dáng hào hùng để ru vỗ lòng tự ái bằng ý nghĩ rằng luôn luôn mình vẫn đáng ngưỡng mộ ngợi ca.

Lời thú nhận đã tận trung khuông phò Kiệt Trụ như một sám hối phải có để thoát cơn mê loạn từng bước theo nẻo đường ma đưa quỉ dắt tự tay góp phần phá nát quê hương và cuộc sống của chính mình vẫn bị đè ép nghẹt thở.

Vết thương thuở trước không chỉ đau tới bây giờ mà có lẽ còn đau nhiều kiếp nữa.

Uyên Thao
Virginia 03/2007

Trích DCVOnline



HOA PHƯỢNG do Tiếng Quê Hương xuất bản. Muốn có sách xin thư về:TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O. Box 4653 – Falls Church – VA 22044 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn