BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sài Gòn trong ký ức

19 Tháng Mười Hai 199912:00 SA(Xem: 1206)
Sài Gòn trong ký ức
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tôi nhìn qua ô kính cửa sổ khi máy bay bốc lên khỏi đường băng.

Mặt đất vụt chìm xuống trong ánh nắng trưa đã chuyển thành khói sương nhòa nhạt.

Dưới lớp khói sương đó là Sài Gòn.



Sài Gòn chìm sâu, chìm sâu mãi và thu nhỏ thành một mảng màu mất hút dần giữa cái mặt phẳng bao la với những vệt đen khổng lồ rải rác.

Khoảng cách đã mở ra, giữa tôi với mặt đất, giữa tôi với Sài Gòn. Khoảng cách tiếp tục tăng thêm, tăng thêm mãi và cuối cùng, dưới mắt tôi chỉ còn một biển mây trắng muốt trải dài vô tận.

Tôi quay lại với những dòng chữ trên màn hình phía trước. Máy bay ở độ cao 30 ngàn bộ trên biển Đông.

Sài Gòn đang trở thành xa thẳm và xa thẳm mãi.



Điều gì sẽ chờ đợi tôi sau khoảnh khắc máy bay hạ cánh ở trạm cuối cùng?

Chuyến bay được trù liệu kéo dài bốn mươi giờ vừa bay vừa nghỉ qua ba trạm Hong Kong, London, New York trước khi đưa tôi tới vùng đất mới — vùng đất mà Hoàng Hải Thủy liên tục nhắc trong mỗi lá thư gửi về cho tôi với cái tên Đất Tình Nhân.

Vùng đất mới của tôi mang cái tên dịu ngọt đó, cái tên gợi nhớ những kỷ niệm khó phai, dễ dàng làm sống dậy những tháng năm đẹp nhất đời người và cũng dễ dàng vỗ về những nỗi băn khoăn lo lắng.

Nhưng, khoảng cách giữa tôi với Sài Gòn vẫn còn gần hơn so với khoảng cách giữa tôi với nơi máy bay hạ cánh. Do đó, tôi đã quên ngay câu hỏi vừa nổi lên để quay về với Sài Gòn.



Thế là đúng vào lúc đang bay giữa vùng trời rộng, tôi lại bắt gặp mình trong một gian phòng nhỏ giữa Sài Gòn: Phòng giam tập thể số 2, trại X.15.

Trước mắt tôi lúc này là một chiếc đầu hói gần như trọc với nước da láng bóng.

Ngay phút đầu bước vào phòng, tôi ngờ ngợ người có chiếc đầu hói đó là một người quen. Nhưng thái độ e dè của người đó khiến tôi không dám tin mình nghĩ đúng. Thêm nữa, tôi còn chưa quên những điều cấm dành cho các tù nhân biệt giam nên im lặng ngồi xuống một góc.

Sau khi cửa khóa lại và gã công an giải tù quay lưng rời khỏi hành lang, người kia chợt đổi hẳn thái độ, thì thào hỏi tôi:

– Bị lâu chưa?

Tôi nhìn và thấy rõ ràng đây là một người quen cũ nhưng hơn hai mươi tháng biệt giam khiến tôi trì độn tới mức không cách nào nhớ nổi là ai.

Tôi đáp:

– Tháng tám 75.

Người đó tiếp:

– Tôi bị cách đây mười tháng.

Tôi nói:

– Vậy là ông còn được biết nhiều chuyện xảy ra ở bên ngoài?

Người đó gật đầu, hỏi:

– Trước đây anh làm gì?

– Làm báo.

Giọng người đó đổi khác, nhuốm vẻ hào hứng:

– Làm báo hả?

Không đợi tôi lên tiếng, người đó hỏi ngay:

– Anh làm báo, vậy có biết Uyên Thao không?

Tôi khựng lại nhìn, chưa biết đáp ra sao.

Đúng lúc đó, tôi bắt gặp một dòng chữ ghi trên giỏ đồ đặt ở góc phòng. Dòng chữ giúp tôi bật nhớ người ngồi trước mặt mình là ai.

Tôi nhớ lại những buổi chiều mùa hè năm 1965, anh thường tới căn nhà 66 đường Võ Tánh, trụ sở tòa báo Sài Thành, và ngồi ở chiếc ghế đặt trước bàn làm việc của tôi. Anh tới không phải để thăm tòa báo mà là để bàn việc với các anh Phan Trâm, Nguyễn Tiến Hỷ, Phan Huy Quát, Nguyễn Tất Ứng… Anh Nguyễn Tất Ứng là người dắt anh lại nói chuyện với tôi và không lâu sau, anh thường tới ngồi trò chuyện với tôi nhiều hơn, gần như mỗi buổi chiều, sau khi rời khỏi sở làm là một ngân hàng Pháp ở gần chợ Bến Thành.

Nhớ chắc là ai rồi, tôi bỗng nẩy ra ý nghĩ nói trệch đi coi sự việc thế nào.

Tôi gật gật đầu, ậm ừ:

– Uyên Thao hả? Tôi có nghe tên!

Anh trợn mắt giơ ngón tay cái lên trước mặt tôi, giọng nghiêm trọng:

– Nó đang làm lớn lắm!

Bây giờ thì kẻ bất ngờ là tôi.

Tôi nhìn sững anh.

Bắt gặp cái nhìn của tôi, anh giải thích:

– Anh không tin cũng đúng. Thằng đó vẫn được gọi là thứ chống Cộng đến chiều. Nhưng sau 30 tháng Tư thì mới biết rõ nó là ai.

Tôi băn khoăn thực sự:

– Vậy là thế nào?

Anh kể luôn một hơi:

– Lúc đầu nghe người ta nói, tôi cũng không tin, Cuối cùng chính Phan Trâm nhắc với tôi là có người đã thấy nó đi xe hơi có hộ tống và có trụ sở làm việc ở góc đường Cao Thắng – Phan Đình Phùng. Trụ sở của nó được canh gác nghiêm mật lắm. Bây giờ nó ở trong một villa lớn gần đó. Mấy tháng trước khi bị bắt, tôi còn nghe nói nó đã tìm cách nâng đỡ cho Phan Trâm và Nguyễn Tiến Hỷ rất nhiều. Có thể lúc này mấy tay đó không sao đâu, vì đã có điểm tựa vững chắc. Nó vẫn gắn bó khắng khít với hai tay đó từ mười mấy năm rồi.

Giọng anh trở nên sôi nổi trong khi hai mắt sáng long lanh. Tôi không muốn cắt ngang niềm hứng thú được tiết lộ một chuyện lạ của anh nên tỏ vẻ lưu ý tới những điều anh kể.

Và anh tiếp:

– Nó hoạt động cho Cộng Sản từ trước năm 1954, trong ngành tình báo, thành ra thái độ chống Cộng quyết liệt của nó chỉ là một bộ vỏ để che đậy. Kể ra nó cũng tài thật. Không những nhiều người trong chế độ cũ tin nó mà ngay chính đám an ninh ở Sài Gòn cũng không phát giác nổi dấu hiệu nào về việc nó là một tên Cộng Sản hoạt động trong bóng tối.

Anh chấm dứt câu chuyện bằng một hơi thở dài não nuột. Tôi ngồi dựa lưng vào vách ngắm người vừa kể cho mình nghe một huyền thoại về chính mình.

Lúc này, anh đã thu người lại trong góc phòng và nhìn ra ngoài hàng song sắt với cặp mắt đờ đẫn. Những đường nhăn trên trán và từ hai đuôi mắt kéo dài xuống má anh khiến tôi thấy anh tiều tụy và gần như không còn chút hơi sức.

Tôi vừa được lôi ra từ đáy mộ và đang háo hức chờ nghe chuyện ngoài đời, nhưng câu chuyện đầu tiên lại chẳng ra sao. Với người đang ngồi trước mặt tôi, câu chuyện còn có vẻ như gáo nước lạnh tạt bất ngờ vào mặt làm bật ra một sự thực đau đớn không khác người tận mắt thấy mình bị tình phụ.

Tôi nhớ nhanh về những buổi chiều trò chuyện đầy tin cậy giữa anh cùng với anh Nguyễn Tất Ứng và tôi, nhất là những buổi chiều anh Ứng không bao giờ về nữa, sau chuyến công cán cuối cùng ra Quảng Ngãi. Tôi thấy không nên để anh kéo dài thêm nỗi cay đắng ngấm ngầm và vào lúc ánh đèn hành lang bật sáng, tôi nhích lại gần, khẽ gọi:

– Anh Hướng!

Anh quay lại, nhíu mày có vẻ bất ngờ.

Tôi nhìn vào mắt anh, tiếp:

– Anh quên tôi rồi sao?

Anh nhìn tôi chăm chăm, vẫn không nhận ra.

Để chấm dứt thắc mắc của anh, tôi nói:

– Anh quên tôi, nhưng tôi vẫn nhận ra anh là Nguyễn Văn Hướng, Tổng Thư Ký Văn Phòng Phủ Tổng Thống và là Cố Vấn Chính Trị của ông Thiệu. Trước đó anh là Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng Dân Chủ của anh Nguyễn Tiến Hỷ và là bạn của anh Nguyễn Tất Ứng, Tổng Trưởng Xây Dựng Nông Thôn. Anh thấy tôi có nhớ đúng không? Làm sao anh lại tin những chuyện quỷ quái về tôi như anh vừa kể! Anh có nghe tin đồn gì về bác sĩ Quát không? Tôi và bác sĩ Quát bị bắt cùng một đợt. Anh nhìn kỹ đi, tôi là Uyên Thao đây!

Anh xoay hẳn lại như muốn nhảy nhổm lên.

Rồi vừa chụp lấy cả hai tay tôi, anh vừa lắp bắp:

– Ô, Uyên Thao hả, làm sao… làm sao…?

Tôi không biết anh muốn nói gì, nhưng ánh mắt anh không còn đờ đẫn nữa.

Từ đó cho tới gần một năm sau, ở cả X.15 lẫn ở K3, anh là người luôn ở bên cạnh tôi cho tới khi anh rời trại Z.30A.

Anh bị giải đi vào một buổi sáng chúng tôi đang lao động ngoài rừng. Khi trở về, tôi thấy đống mền gối bên cạnh tôi không còn nữa.

Người trực phòng nói với tôi:

– Cụ Hướng chuyển trại rồi. Sáng sớm nay cụ ấy được lệnh gom đồ qua bên khung làm việc rồi bị đưa đi luôn. Không biết cụ ấy bị đưa đi đâu.

Ba tháng sau, trong dịp lên thăm tôi, vợ tôi báo tin:

– Chị Hướng mới cho em hay là anh Hướng mất rồi. Anh ấy bị giải về Chí Hòa để thẩm vấn lại và bị đứt mạch máu não. Chị ấy nói chúng nó đưa anh ấy vô bệnh viện Vì Dân rồi chết ở đó.

Tôi vẫn thường nhắc với các bạn tù một ý nghĩ là với những thằng tù như chúng tôi thì cứ coi như ngày mai bị đưa ra bắn và cũng có thể coi như ngày mai sẽ được thả về. Mỗi ngày đều là ngày tù cuối cùng nên khỏi bận tâm về mọi chuyện, ngoài một điều duy nhất là giữ sao cho đừng có một giây nào hổ thẹn với chính mình.

Thế nhưng cái tin anh Hướng không còn nữa khiến tôi ngơ ngẩn nhiều ngày.

Sau đó không lâu, tôi lại nghe một nguồn tin trong tù cho biết bác sĩ Quát đã trút hơi thở cuối ở Chí Hòa. Tôi nhớ một lần gặp nhau trong khu nhà tắm ở trại biệt giam X.15, khi tôi hỏi thăm về cái phòng thí nghiệm của bác sĩ thì được nghe đáp bằng giọng buồn bã:

– Đâu còn gì nữa, dù tôi không mong gì hơn là được làm công việc đó.

Mong muốn được gặp lại những người quen cũ càng lúc càng trở nên mãnh liệt hơn với tôi.

Vì thế, khi vừa dứt quản chế, tôi đã đạp xe xuống khu trường đua Phú Thọ, tìm anh Phan Trâm.

Căn nhà quen thuộc thuở nào đổi khác nhiều nên tôi hơi lựng khựng khi một thiếu nữ ra mở cửa. Tôi hỏi cô bé:

– Có phải đây là nhà ông Trâm không, cháu?

Cô bé nhìn tôi, gật đầu.

Tôi mừng khấp khởi hỏi tiếp:

– Ông Trâm có nhà không?

Cô bé mở mắt lớn hơn, đáp nhỏ:

– Ba cháu mất lâu rồi.

Chị Lệ xuất hiện và nhận ra tôi ngay.

Vừa nhắc tôi vào nhà, chị vừa nói:

– Chú ốm quá. Có bệnh gì không?

Rồi chỉ lên chiếc ảnh trên bàn thờ, chị kể:

– Anh mất hơn một năm rồi, sau khi ra khỏi tù ít lâu. Bây giờ chú về thì anh em không còn được thấy nhau nữa.

Tôi thắp một nén nhang, đứng nhìn vào cặp mắt trong hình người quá cố.

Giây phút đó, tôi tự an ủi còn có cơ hội thắp một nén nhang như thế này, thay vì chỉ nghe nhắc đến như trường hợp của anh Hướng và bác sĩ Quát, dù nén nhang không thể nói với anh là tôi bị đi tù trước anh nhiều tháng chứ không như câu chuyện anh đã được nghe.

Chị Lệ tiếp tục kể với tôi:

– Những người khác đã đi hết, ở lại có anh Lập thì cũng mất rồi. Chú còn nhớ anh Lập chứ?

Tôi hỏi lại:

– Anh Trần Việt Sơn, phải không chị?

Chị gật đầu, nhắc:

– Bây giờ chỉ còn anh Hỷ. Anh ấy cũng ra khỏi tù rồi. Nhưng tôi nghĩ chú không nên tìm anh ấy. Gặp nhau thì cũng chỉ biết nhìn nhau thôi trong khi gặp như thế lại có thể dẫn đến những cái tai hại.

Tôi không muốn theo lời chị Lệ, nhưng mỗi lần đi ngang căn nhà đóng cửa kín im ỉm bên nhà thờ Thị Nghè, tôi đều ngần ngại không dừng lại.

Một ngày chủ nhật, bỗng dưng tôi nói với vợ:

– Sáng nay anh ghé thăm anh Hỷ một lát. Lâu quá rồi, không được gặp ai cả.

Vợ tôi tần ngần nhưng không cản.

Tôi dắt xe ra cửa đạp đi một cách quả quyết. Tới nơi, tôi thấy một đám đông tụ tập nên vội đạp xe chậm lại thận trọng quan sát.

Đúng lúc tôi đạp xe ngang cửa thì từ trong nhà một người mặc đồ tang bước ra ôm trước ngực một tấm hình. Hình bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ.

Đám tang vừa bắt đầu!

Thêm một lần nữa, tôi lại hụt bước, dù đã may mắn hơn nhiều so với những lần khác.

Tôi nhớ tới lời nhắc của chị Lệ và nghĩ nếu có chị ở bên, tôi sẽ nói:

– Gặp nhau như thế này chắc không có gì nguy hại, phải không chị?

Tôi dắt xe đi xuống cuối hàng người để được tiễn đưa anh một quãng đường ngắn sau nhiều năm xa cách.

Dừng lại bên vệ đường nhìn đám xe tang rời xa dần, tôi ngỡ mình trở thành một chiếc bóng chập chờn bên dòng người qua lại.

Tôi không đếm những người quen đã khuất bóng trong khoảng mười mấy năm mà chỉ thấy Sài Gòn trống vắng và xa lạ tới mức kinh hoàng.

Từ ngày đó, tôi sợ cái ý nghĩ đi tìm gặp người quen cũ. Cũng từ ngày đó, tôi vẫn sống giữa Sài Gòn mà luôn có cảm giác mình đang ẩn thân ở một vùng đất lạ.

Lạ không phải vì thiếu người quen mà vì lúc nào cũng lạc lõng với mọi chuyện diễn ra.

Nhưng cái vùng đất lạ đó bừng bừng sống lại trong ký ức tôi suốt hơn bốn mươi giờ bay đưa tôi rời xa nó.

Từ Sài Gòn tới Hong Kong, từ Hong Kong tới London, từ London tới New York, rồi từ New York về Washington DC, tôi dường như quên hẳn Vùng Đất Tình Nhân mà tôi đang tới.

Lúc nào Sài Gòn cũng chập chờn trong đầu, khi là một hình ảnh, khi là một âm thanh, khi là một hoạt cảnh, khi là một con người.

Tôi vừa thấy mình đứng như trong mơ ở ngã tư Pasteur – Thống Nhất trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, lại thấy mình đang ngồi ở một góc chùa đối diện với Vũ Trọng Mục vào một buổi tối đầu năm 1986.

Tôi chỉ gặp Vũ Trọng Mục vài lần trước 1975 khi anh là một Trung Tá tại Quân Đoàn 2 ở Pleiku. Thế rồi anh bất ngờ xuất hiện tại chùa Pháp Hoa là nơi tôi đang bị quản chế.

Thời gian đó, mỗi ngày tôi đều phải trình diện Công An Phường hai lần vào lúc sáng sớm và lúc chạng vạng tối. Sáng, tôi phải đến khai mọi việc dự định làm trong ngày như sẽ đi đâu, gặp ai với mục đích gì. Tối, tôi phải đến để báo lại đã làm những việc đó ra sao và nếu bỏ việc nào hoặc làm việc nào ngoài dự định thì phải nêu rõ lý do.

Buổi tối hôm đó, tôi từ Phường Công An về, vừa bước vào Chùa thì một người lao tới ôm chầm lấy tôi. Tôi nhận ra nhờ anh tự xưng tên:

– Mục đây, Vũ Trọng Mục đây!

Giọng anh như nghẹn lại khiến tôi cũng rưng rưng.

Tôi không nói được lời nào, kéo anh về góc chùa, nơi bỏ mấy chiếc ghế gỗ.

Anh kể với tôi về những điều anh trải qua sau khi rời khỏi trại tù. Cuối cùng anh khuyên tôi:

– Anh nên chọn cái việc mà tôi đã tính làm là đi bán cà-rem. Anh cứ đạp xe tới các trường học bán cho sắp nhỏ và tới các công viên nghỉ đỡ vào lúc mệt quá. Việc này chẳng kiếm được bao nhiêu, nhưng tương đối dễ chịu vì không ai cai quản mình.

Anh cho biết sẽ tặng tôi chiếc xe thùng cà rem mà anh đang có vì anh không cần nó nữa.

Tôi không còn con đường nào khác để kiếm sống nên gật đầu. Sáng hôm sau, tôi qua Phường Công An khai báo dự tính đi nhận chiếc xe thùng về để bán cà rem.

Gã công an phụ trách an ninh chính trị trừng mắt:

– Ai cho phép anh làm việc đó?

Tôi giải thích:

– Vợ con tôi ở tận Cư Xá Thanh Đa và đang lo nuôi thân không nổi nên tôi phải nghĩ ra cách để có cái sống hàng ngày. Tôi đã đi xin việc ở nhiều nơi nhưng không nơi nào chịu nhận.

Giọng y lạnh như băng:

– Cái ngữ như anh thì ma nào cần. Nhưng anh đi bán cà rem thì ai để mắt tới anh suốt ngày được. Tôi không cho phép anh làm việc đó.

Tôi đã một lần cố cãi với gã công an này vào mấy ngày sau khi ra khỏi tù. Đó là ngày tôi nhận được tin từ gia đình cho biết cha vợ tôi mất ở Đà Lạt.

Tôi tới tìm y, xin phép về Đà Lạt đưa đám tang. Y lắc đầu ngay khi tôi chưa nói dứt, nhưng tôi không ngừng lại. Tôi trình bày thêm là dù tôi về Đà Lạt thì cũng phải trình diện công an trên đó ngay sau khi tới bến xe.

Tôi nói cách nào, y cũng lắc đầu rồi cuối cùng kết luận:

– Anh dám bước ra khỏi ranh giới quận 3 này, tôi sẽ bắt anh đưa trở lại trại giam tức khắc.

Từ sự việc đó, tôi thấy không thể nói gì hơn với y, nên bỏ qua dự định bán cà rem và nêu một dự định khác.

Trước ngày gặp Vũ Trọng Mục, tôi đã gặp Mai Tuyết An. Cô ấy cho biết sẵn sàng nhường cho tôi chỗ ngồi bán vé số của cô ấy trước chợ Trương Minh Giảng.

Tôi nghĩ việc này chắc được chấp thuận vì tôi không chỉ ngồi một chỗ mà còn ngồi ở một nơi không xa phường Công An.

Tôi lại nhận được một lời phán:

– Tôi cấm anh làm việc đó. Anh coi chừng! Đừng mưu tính mượn chuyện kiếm ăn để liên lạc với lũ đồng bọn của anh.

Tôi không còn tìm ra cách nào để kiếm nổi ngày hai bữa cơm. Tôi nói với y:

– Vậy anh nghĩ giúp xem tôi sẽ sống bằng cách nào bây giờ?

Y xua tay ra dấu đuổi tôi đi, trong lúc buông thõng:

– Đừng giở cái giọng đó ra với tôi. Thứ như anh không giết đi đã là may rồi, ở đấy mà yêu sách!

Tôi bắt gặp lại gương mặt của kẻ bảo vệ pháp luật đó tại Sài Gòn vào lúc ngồi trong một quán cà phê tại phi trường London và nhớ đến những người Pygmy.

Tôi đang ở những ngày cuối cùng của thế kỷ nhưng so với những ngày đầu thế kỷ thì người Pygmy rõ ràng còn được thương xót hơn tôi, dù thuở đó, người Anh vẫn nghĩ họ là một loài hoang thú trong rừng sâu.

Ngay lúc đó, tôi lại nhớ tới một hình ảnh khác.

Khoảng 40 giờ trước khi rời Sài Gòn, tôi ghé thăm cụ Nguyễn Văn Lực tại vùng Tân Định.

Trong thời gian 1964–1965, đã nhiều lần những tờ báo của chúng tôi bày tỏ thái độ chống đối một số việc làm của các nhân sĩ Thượng Hội Đồng Quốc Gia trong số có cụ Lực. Tuy nhiên, là bạn của Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Văn Cử, Nguyễn Cái Thế nên lúc nào tôi cũng trọng cụ như bậc cha chú. Sau khi ra tù, tôi đã dự tính tìm thăm cụ, nhưng một buổi tối năm 1986, khi cùng Nguyễn Văn Năng ghé chùa Pháp Hoa thăm tôi, Nguyễn Văn Cử dặn:

– Ông tuyệt đối đừng tới gặp ông cụ để tránh mọi thứ không hay có thể xẩy ra.

Khi biết tôi sắp xa Sài Gòn, Nguyễn Cái Thế nhắn tôi cố ghé lại, chậm nhất là vào sáng thứ bảy. Tôi y hẹn, vì sáng sớm thứ hai đã ra đi.

Cụ Lực đã qua tuổi chín mươi nên thường quẩn quanh trong gian phòng nhỏ.

Tôi ngỡ ngàng vì thân hình khẳng khiu và cảnh sống âm thầm cô độc của cụ.

Khi ngồi xuống giường, nắm bàn tay chằng chịt gân xanh của cụ, tôi nhớ lại khoảng thời gian bốn mươi năm trước cùng cụ ẩn trốn tại chùa Sùng Đức trong vùng Thủ Đức, dưới thời đệ nhất Cộng Hòa. Thuở đó, cụ đang soạn một tập tham luận chính trị và thường đưa ra bàn cãi với tôi. Nhiều năm về sau, tôi vẫn không quên ánh mắt sáng quắc và nước da xạm nắng dày dạn của cụ. Lúc này, trước mắt tôi là một người không còn đủ sức đứng vững, nằm thu mình trên chiếc giường nhỏ.

Không ai tránh nổi quy luật thời gian, nhưng tôi không nghĩ tới sức tàn phá của tháng năm mà nhớ tới chuỗi tháng năm cụ đã dành để theo đuổi ước vọng làm một điều tốt đẹp cho quê hương.

Ước vọng đó lúc này vẫn chỉ là ước vọng và con người dành trọn đời theo đuổi ước vọng thì trở thành một ông già đang sống những ngày tàn trong quên lãng.

Tránh nhìn cụ, tôi ngó qua chiếc tủ kê sát đầu giường. Đó là khoảnh khắc tôi chết lặng trong cảm giác bàng hoàng trước một tấm hình.

Tấm hình treo trên mặt tủ bụi bặm, trống trơn với một bình nhang lạnh ngắt không còn một cọng chân nhang. Đây là tấm hình từng qua nhiều ngày tháng được đặt tại những nơi trang trọng nhất: Hình liệt sĩ Nguyễn Thái Học.

Tôi nhìn đôi lông mày rậm và khuôn cằm vuông của người dứt khoát từ chối ký đơn xin ân xá, sẵn sàng chấp nhận hình phạt chặt đầu để giữ vững hào khí đấu tranh của dân tộc. Con người ấy chắc chắn không mong cầu sự đền đáp nào ngoài ước vọng đóng góp một điều tốt đẹp cho quê hương. Trong ký ức tôi chợt vang lên hai câu thơ của Đằng Phương:

Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên

Các liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

Thuở còn cắp sách tới trường, tôi luôn có cảm giác gai người khi đọc hai câu thơ này, hai câu thơ mà khi vào đời cầm bút, tôi thấy là đạt giá trị diễn tả tuyệt vời nhất tính bi tráng của những cái chết. Và, tôi liên tưởng tới hàng loạt người đã nằm xuống trong suốt ba mươi năm khói lửa triền miên.

Chắc chắn không hẳn tất cả hàng loạt người đó đều là nạn nhân của những mua chuộc hay thúc ép mà không ít người đã tự nguyện hiến dâng thân mình cho ước vọng làm đẹp quê hương, dù thuộc chiến tuyến nào.

Những cái chết mà tử thần phải kính cẩn chiêm ngưỡng kia còn mấy ai tưởng nhớ và đã đem lại được gì cho người đang sống trên quê hương?

Tôi nhớ lại những cánh rừng mênh mông trụi lá, những dải đất bao la với những hố bom mà từ trên cao nhìn xuống như những cụm pháo bông chi chít, những tòa nhà bị phá sập bằng chất nổ với những mảnh vôi vữa bết máu, những chiếc đầu bị mã tấu phạt đứt lìa khỏi cổ, những vành khăn tang, những gương mặt chan hòa nước mắt vì mất người thân và những hàng áo quan đặt san sát bên nhau trong một ngôi chùa tại Huế năm nào…

Trước những cái chết này, tử thần có lẽ không thể giữ nguyên thái độ kính cẩn vì khó tránh nổi nghẹn ngào. Từng tấc đất Việt Nam suốt ba mươi năm dài đã thấm đẫm máu và nước mắt con dân của mình, đã quằn quại đau đớn trong từng giây từng phút.

Thời khắc đó đã qua chưa, dù tiếng súng không còn nữa?

Tôi không tìm câu trả lời mà quay lại với thân hình còm cõi của cụ Lực đang ngồi đờ đẫn nhìn quanh.

Tự nhiên tôi thấy mình bị bao nghẹt giữa nỗi u uất của cả người sống lẫn người chết và ngộp thở vì chìm sâu mãi vào một vùng mù mịt tối tăm chỉ có tiếng kêu la của những vong hồn uổng tử.

Tôi rời khỏi gian phòng mà vẫn không rũ nổi cảm giác kinh hoàng, cảm giác xung quanh tôi cõi sống đang hòa trộn với cõi chết và người cũng như ma đều lạc lõng bơ vơ.

Một lần nữa, cảm giác đó lại trở về, khi tôi đã cách Sài Gòn sáu múi giờ và đang ngồi bình yên trong một không gian đầy ắp tiếng nhạc êm dịu tại một quán cà phê ấm áp. Quán cà phê mang tên một tác giả bi kịch lẫy lừng, Shakespeare. Tôi nhớ lại những màn kịch thấm đẫm nước mắt của người xưa và thấy tình người vẫn chan hòa ngay trong những màn bi kịch đó.

Ý nghĩ này khiến tôi nhận ra nguồn cỗi cảm giác lạc lõng của mình. Suốt mấy chục năm qua, tôi luôn lạc lõng vì không tìm thấy sự có mặt của tình đồng loại.

Tất nhiên, cái tình đó không thể chết, dù ngay trên mảnh đất Việt Nam còn tiếp tục dãy dụa giữa lớp lớp cơn đau vò xé. Nhưng, tôi và mọi người khác luôn thiếu tình đồng loại chỉ vì cái tình này cũng không ngừng bị đe dọa xé xác, phanh thây.

Vào những giờ cuối của chuyến bay, tôi bắt gặp mình giữa đoàn tù đang di chuyển qua một sườn đồi.

Chúng tôi đi thành hàng một kéo dài gần một trăm thước trước ba họng súng ghìm ở phía sau. Công việc của chúng tôi là tới một bìa rừng đốn cây, đào đá để có thêm đất trồng trọt.

Mỗi ngày chúng tôi đều di chuyển trên sườn đồi này.

Mọi thứ xung quanh đã thành quen thuộc.

Từng cụm cây, từng gò đá, từng mảng nắng sớm mai, thậm chí cả những cánh bướm chập chờn trước mắt cũng đều trở nên nhàm chán.

Chúng tôi bước đi trong dáng điệu cúi đầu nhìn xuống chân mình mà tôi nghĩ là chẳng ai nhìn thấy gì. Nhưng sáng hôm đó, chúng tôi đã gặp một điều khiến tất cả đều sửng sốt.

Trước hết là một ý nghĩ vừa chán ngán vừa mỉa mai rồi sau đó là một khoảng thời gian chết sững. Sự việc diễn ra chỉ trong vài chục giây bắt đầu lúc chúng tôi ra khỏi một khúc quẹo.

Từ phía trước đang vang lên tiếng hợp ca và ba cô gái trẻ đang đi ngược về phía chúng tôi. Ba cô gái phủ trên mình những thứ áo quần không khá hơn chúng tôi bao nhiêu, nắm tay nhau hát lớn bài hát mà mỗi tối những thằng tù chúng tôi đều phải ngồi quây lại hát một lần mới được phép nằm xuống ngủ. Tôi ngán tới cổ cái điệp khúc được gào lớn liên hồi “Việt Nam, Hồ Chí Minh …”

Từ ngày có mặt ở trại tù này, tôi chưa cất tiếng hát bao giờ, dù hát là bắt buộc. Tôi luôn ngồi lọt vào giữa đám đông, thỉnh thoảng nhấp môi làm bộ như hát cho tới khi một người bạn tù lôi tôi ra phê bình là thiếu thành khẩn trong học tập và quản giáo gọi tôi tới hỏi lý do. Tôi nói từ bé tới lớn tôi chưa từng hát nên lúc này dù có muốn hát cũng khó bật ra tiếng.

Kết quả, tôi phải viết tờ kiểm điểm về việc không hát và bị xếp vào loại tù thiếu an tâm tin tưởng. Nhưng bù lại, từ đó tôi có thể an tâm với việc không hát mà khỏi cần nhấp môi.

Khoảng cách giữa chúng tôi với ba cô gái thu ngắn dần và tôi thấy bài hát sắp tới cái điệp khúc nhàm chán.

Bỗng dưng cả một vùng đồi mông mênh lắng hẳn xuống. Ba cô gái ngưng hát đột ngột khi tới cách người đi đầu nhóm tù khoảng vài chục thước.

Tôi thấy các cô nhìn về hướng mấy công an võ trang ghìm súng ở một khoảng xa phía sau chúng tôi. Lúc này thì chúng tôi chỉ còn cách các cô chừng vài thước và các cô đưa mắt nhìn nhau rất nhanh. Cùng lúc, tiếng hát lại cất lên. Không phải tiếng gào thét vừa rồi, cũng không phải bài hát vừa rồi.

Các cô vẫn nhìn thẳng về phía mấy người công an và một cô cất tiếng hát như thì thầm bên tai chúng tôi khi các cô dừng lại bên một gò đất để tránh lối.

Trong lúc bước ngang, tôi nghe gần trọn một đoạn lời ca: “Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương… Anh vẫn sống hiên ngang trong lòng người biết thương đời lính…”

Giọng ca nhẹ như hơi gió thoảng, run run trong nỗi nghẹn ngào như sắp khóc nhưng không khác một luồng điện chạy suốt qua tim tôi. Tôi có cảm tưởng tất cả sáu chục cái đầu trước và sau tôi đều cúi xuống, cúi xuống không phải để nhìn những bàn chân trầy sát của mình mà để dằn cơn xúc động đột ngột dâng lên.

Không bao giờ tôi còn gặp lại ba cô gái và chắc chắn sẽ mãi mãi không biết các cô là ai. Các cô hiện ra và tan đi như một ảo ảnh.

Tôi chỉ có thể gặp lại cảnh buổi sáng trên ngọn đồi ướt đẫm hơi sương năm đó qua hồi ức. Nhưng giây phút gặp gỡ tình cờ kia đã trở thành giây phút thiên thu. Các cô đã tan đi như một ảo ảnh nhưng là một ảo ảnh bất diệt kết nên bởi những nỗi niềm không thể bộc lộ cùng ai, ngoài người đồng điệu.

Nếu như người ta thường nhắc, chỉ những người tình mới thấu hiểu và chân thành chia xẻ mọi nỗi niềm u uất trong tâm tư của nhau thì chúng tôi đã gặp người tình của mình vào buổi sáng hôm đó.

Và, cái tên Vùng Đất Tình Nhân mà Hoàng Hải Thủy nhắc mãi với tôi, lúc này tôi lại muốn đem đặt cho một vùng đất khác, vùng đất mà người tình của những thằng tù thuở nào và của riêng tôi đang sống.

Lúc đặt chân vào giữa vùng ánh sáng chói chang của phi trường Reagan và bắt gặp nụ cười thoải mái của những người bạn cũ đang chờ đón, tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng hát run rẩy thì thầm trên một sườn đồi dưới chân núi Chứa Chan.

Sài Gòn đã xa thẳm nhưng bỗng trở nên vô cùng gần gũi, gần gũi hơn cả những ngày tôi ngơ ngác giữa các đường phố thân quen.

Vì ở đó vẫn chất ngất nỗi niềm u uất của những người tình chung thủy đang phải cắn răng che đậy cho cái tình đồng loại thoát khỏi cảnh bị xé xác, phanh thây.

Làm sao những người tình có thể vơi nỗi nhớ thương nhau!

UYÊN THAO
(Virginia 19.12.99)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn