BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73345)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ Chuyện Trong Tù

07 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 2010)
Nhớ Chuyện Trong Tù
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41

Thương nhớ Đ/tá Dương Quang Tiếp &Tr/tá Cung, trưởng D6 khối Đặc Biệt CSQG


... Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiển nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn... Bạch Thu... Hà... Sau câu vọng cổ mùi mẫn, tiếng vỗ tay vang dội cả phòng, kèm lẫn tiếng huýt sáo tạo nên một không khí thật huyên náo, vui nhộn, Ba Ca đang viết thư cũng với tay khều tôi:

- Em nào xuống câu ngọt quá vậy Mỏng?  

- Thì Ca văn Dương khóa 16 với anh chứ còn ai vô đây nữa. Từ ngày ở đội rau xanh do Anh Nguyễn Hữu Hải làm đội trưởng (trưởng E vùng 2) về ở chung buồng với đội văn nghệ của Anh Vỵ (đội trưởng, trung tá phủ đặc ủy TƯTB) thì tối thứ bảy nào cũng nhộn nhịp hẳn lên... Cứ mỗi khi cán bộ trực, thượng sĩ Từ cùng với nhân viên Thếng (Thếng, đúng tên có vần như vậy), cấp bậc đại úy, trong ở ban thi đua, vừa điểm danh và khóa cửa phòng xong thì không khí trong phòng nhộn nhịp hẳn lên, những lò dầu 6 tim, 8 tim được anh em mang ra nổi lửa nấu nước để rồi khi trà lá đã sẵn sàng thì chương trình văn nghệ cũng bắt đầu. Đội văn nghệ cũng tương đối đầy đủ nhạc cụ: trống có Bửu Uy, phong cầm có Vũ Thành An, guitar có Khiêm, Violon có Trung Tá Ư?nh, lục huyền cầm có Trương Tường Vy (khi 2 cô đào cải lương Ngọc Giàu và Phượng Liên ra trại Hà Tây thăm chồng, (Đại Tá Của và Đại tá Vinh) và được ngủ lại mấy đêm trong nhà thăm nuôi, mấy tay cán bộ có nhờ anh Vy ra đờn vọng cổ cho 2 nghệ sĩ nầy hát).

 Anh Ba Ca nằm cạnh tôi, mặc dù tuổi tác có chênh lệch nhưng trong câu chuyện hàng ngày chúng tôi thường rất tâm đắc, anh xuất thân khoá 16 TĐ, là nhân viên phủ Đặc Ủy, đang công tác tại Pháp (tình báo quốc ngoại) được lệnh triệu về nước... đi ở tù. Có lẽ viết thư xong nên anh dọn dẹp giấy tờ, bưng gô (lon sữa Guigoz) nước trà nóng đặt trên chiếc măm cây, rót chút nước, tráng sơ 2 cái lon không của đồ hộp, (bây giờ trở thành cái ly, rất hữu dụng của tù nhân chúng tôi), anh rót ra 2 lon nước trà, rồi lấy tay khều tôi, rủ ngồi dậy uống nước. Tôi chưa kịp ngồi dậy thì anh đã hỏi

- Ê Mỏng! Võ Đông Sơ là ai vậy mậy?

 Tôi chưa kịp trả lời thì anh tiếp luôn:

- Có phải người Gò Công của mày không vậy Mỏng? Còn Bạch Thu Hà có bà con gì với Bạch Hải Đường không? Ông nầy đánh trận nào mà bị trọng thương vậy? Uống miếng trà đi cho thông cổ rồi nói... dóc nghe chơi. . Anh Tô Ngọc Riệp (khóa 10 ĐL) nằm bên phải tôi, cũng ngồi dậy, tay cầm một lon nhôm, bò sang ngồi uống ké.

 Câu hỏi nầy tương đối khó, Võ Đông Sơ trong bài ca vọng cổ mà cha nội nầy hỏi tôi có lẽ nhiều người sẽ không trả lời được bởi trong sử sách Việt Nam không có ghi, chẳng lẽ Võ Đông Sơ là tướng... Tàu? Còn nhân vật nữ sao lại mang họ Bạch, là một họ hiếm thấy ở Việt Nam.

 Phi một điếu thuốc lào Tiên Lãng xong, tôi thong thả nhả khói rồi chiêu một ngụm trà. Trong đầu, lập tức bộ nhớ của tôi bắt đầu làm việc, những trang sử thời Gia Long tẩu quốc rồi Gia Long phục quốc lần lượt hiện ra trong trí tôi...

- Đúng rồi, Võ Đông Sơ là dân Gò Công.

 Anh Riệp cười cười :

-Thằng Mỏng nầy thấy ông bà nào coi được là gom về làm dân Gò Công của nó hết, thằng nầy sao giống Việt Cộng quá, tụi nó nhà văn, nhà thơ, nhà cách mạng nào coi được chúng cũng đều kéo về phe Cộng Sản cả.

-Thì để nó giải thích Riệp, mày phá máy hoài nghe! Đừng làm nó cụt hứng.

 Anh Ca càm ràm anh Riệp.

-Tôi nói có là có mà anh Riệp. Ở hướng đông bắc tỉnh Gò Công có một địa danh tên là Gò Tre, có đền thờ Ông Võ Tánh, trước năm 75 Quân đội trưng dụng làm nơi huấn luyện nghĩa quân; Võ Tánh có một người mẹ nuôi ở tại Gò Tre, ông chiêu binh dưới cờ của chúa Nguyễn Vương Phúc Ánh, trấn nhậm đất Gò Công. Chính sử còn ghi lại: khi quân Nguyễn Lữ kéo về vây đánh Gò Công, biết thế yếu nên Võ Tánh trốn chạy, quân Nguyễn Lữ bèn đem mẹ của Võ Tánh ra tra khảo, bắt phải chỉ chỗ trốn của Võ Tánh, nhục hình bà bằng đòn roi, kể cả dùng lửa đốt thịt da của bà nhưng người mẹ cắn răng chịu đau chứ không chịu chỉ. Võ Đông Sơ là con trai của Võ Tánh vậy thì tôi nói Võ Đông Sơ là người Gò Công có trật không vậy anh Riệp? Không đợi Anh Riệp trả lời, tôi tiếp:

- Có một lần Võ Đông Sơ ra thăm Thăng Long, tình cờ găp công nương Bạch Thu Hà là con của một vị quan thượng thư đang bị cướp trấn lột. Dĩ nhiên, anh hùng thấy việc bất bằng thì dễ gì tha nên sau khi sử dụng vài đường quyền và vài ngọn cước là tên cướp biết ngay mình không phải đối thủ nên vô kỳ bất ý, thừa cơ Võ Ưông So lơ là, tên cướp co giò... trốn mất. Lúc bấy giờ trăng đã lên, đêm dần xuống, trời Thăng Long thật mát mẻ, Bạch cô nương liền sụp xuống lạy người anh hùng đền ơn cứu tử; người hùng vội nâng người đẹp đứng lên và lần đầu tiên đôi mắt nam nữ chạm nhau, Võ Đông Sơ trong bụng thầm nghĩ:

-Trên đời sao lại có nguời đẹp quá vậy nè!

 Còn Bạch cô nương thì thắc mắc:

-Trên thế gian này sao lại có người đàn ông phong cách uy nghi quá...

 Màn sau đó thì chuyện gái trai đời nào cũng vậy, sau một vài câu khách sáo ban đầu, hai người đương nhiên vượt vòng lễ giáo tự đính ước thề nguyền... Chuyện nam nữ yêu nhau dài dòng lắm... Thôi nghen, miễn chú thích!

 Lúc Ưông So bị thương là lúc Nguyễn Thế Tổ Gia Long Hoàng Đế thân chinh dẹp giặc Thanh quấy phá ở biên thùy Việt Bắc, trong một lần bị vây hãm, Võ Đông Sơ phải liều chết phá vòng vây, một người, một ngựa trở về Thăng Long xin viện binh

- Ê Mỏng, mầy có dóc không mà câu chuyện có thứ lớp quá vậy mày?

-Trời đất, anh không nghe người ta thường nói: hễ tin là thiêng, hễ muốn thật thì là... thật sao?

 Trong buồng, chương trình văn nghệ vẫn tiếp tục: sau màn độc tấu tây ban cầm của anh Khiêm, tới Diệp Tùng (đoàn cải lương Diệp Tùng-Minh Bằng trước 75) làm sáu câu vọng cổ, bản nầy hồi trước tôi rất thích nghe Hữu Phước ca, nhất là đoạn:

... thảm trạng ấy xãy ra qua mấy mùa điệp tàn rồi điệp lại nở, cũng kẻ trong lớp đứng ngó ra, người ngoài cổng liếc mắt trông...vào...

***

 Lại sắp đến cái tết thứ tám trong tù, bạn bè trang lứa lần lượt được giặc thả về hết chỉ còn lại mình tôi, bây giờ là người nhỏ tuổi nhất trong ỏõđội rauõõ nầy. Ở tù lâu năm nên ai cũng quen coi bạn đồng cảnh như người thân trong gia đình, đêm nào không nằm nói dóc với Anh Riệp và Anh Ba Ca tôi lại chuyện vãn với bác Năm Cung, ông có người con dâu gốc người Gò Công là bạn học với người chị thứ tư của tôi, chung trường Gia Long( nội trú), khoảng cuối thập niên 50. Mỗi lần bác Năm nhắc tới mấy đứa cháu nội, mắt ông nhìn xa xôi, tay vấn thuốc mà dáng vẻ thật buồn.

 Ông rất thương tôi, chỉ cho tôi thấy người tốt, kẻ xấu trong đội, giọng ông thường trầm đều vừa đủ cho tôi nghe mà thôi:

- Hồi còn nhỏ nhìn thấy lính kính lận súng trong người bác mê lắm nên vừa đủ tuổi là bác đăng vào làm lính Công An, vì thích nghề nầy nên bác làm việc rất nhiệt tình. Mỏng biết không, Ngành đặc biệt lấy ký hiệu từ trên xuống dưới bằng mẫu tự A, B, C....

- A trưởng là tổng thống,

- B trưởng là thủ tướng,

- C trưởng là tư lệnh cảnh sát quốc gia,

- D1 là trưởng khối đặc biệt, và

- Các D từ 2 tới 7 là các chức vụ tương đương; giám đốc trực thuộc trưởng khối,

- E là cấp nha,

- F là cấp sở...

 Bác là D6. Thời đệ nhất Cộng Hòa gọi là công an, đệ nhị Cộng Hòa sát nhập vào ngành cảnh sát và gọi là Cảnh Sát Đặc Biệt.

Trong buồng mình, anh đội trưởng là trưởng E vùng 2, anh là trung tá bên quân đội biệt phái, Cò Nguơn là ngạch biên tập viên, trưởng E vùng 3 còn Cò Ngưu, Cò Trân, Cò Thành, Cò Thịnh, Cò Sơn, cò Độ, cò Lạc.... là trưởng F, tức trưởng Cảnh sát Đặc Biệt của các tỉnh..Cò Trần Cảnh Chung là ngạch Quận trưởng( có cấp bằng Cử Nhân Luật).

 Bác cũng kể cho tôi nghe về ngạch trật bên cảnh sát: từ cảnh sát viên, phó thẩm sát viên, thẩm sát viên, biên tập viên, quận trưởng, kiễm tra, tổng kiễm tra.v.v... Bác kể tên và chức vụ rành rọt nhưng tôi không nhớ rõ lắm. Hình như Mai Hữu Xuân là tổng kiễm tra, tướng Nhu là kiễm tra (vị nào trong ngành nhớ chính xác xin bổ túc giùm)

Tôi thích bác là con người khẳng khái, ngoại hiệu của bác là Kim Mao Sư Vương vì tóc của bác bạc trắng, có tướng hầu, hai tay dài, đi đứng nhanh nhẹn trông rất tráng kiện. Trời mùa đông đất Hà Tây dễ thường ở khoảng 4-5 độ bách phân mà bác vẫn tắm hàng ngày sau buổi lao động, anh em thấy bác tắm thường chỉ trung tá Bộ( Quân Nhu)

- Coi Kim Mao Sư Vương tắm mà ông Bộ... run kìa!

 Anh em nói thế, bởi ông Bộ mạng thổ nên rất kỵ nước, anh em ít có dịp được thấy ỏõngàiõõ tắm. Hầu hết các trại giam tình báo bác Năm đều có ở qua: từ Thanh Liệt, Thanh Cẩm đến Hoả Lò... Lần chuyển trại sau cùng khoảng giữa năm 82. Tôi còn nhớ trưa ngày chúa nhật, xe jeep vào tận trại chuyển ông đi, tôi đang ngồi nói dóc với chú Giáo Hiền (trung tá thanh tra) thì hay tin, tôi lật đật chạy về, lúc đó bác vừa lên xe, tôi vội vàng vào chỗ nằm, gom một ít thuốc rê chạy ra nhét vào tay bác, mặc kệ cho tụi chèo dòm ngó.

 Lần đó bác đi có mấy tháng, đến đầu năm 83 bác lại về đội. Tuổi đời ngày càng cao, tuổi tù ngày càng chồng chất, cộng thêm sự suy nghĩ quá nhiều nên trông bác già di, vì tâm trí căng thẳng quá. Trở về đội lần nầy tôi thấy bác yếu nhiều; đôi mắt bác thường nhìn vào cõi xa xôi hơn và bác cũng ít nói hơn.

 Trong phòng, bác ăn cơm chung với 3 người: anh Thanh Tân (ban Q., phủ đặc ủy TƯTB) và trung tá Kiên (cảnh sát Đặc Biệt). Đầu năm 82 chú Kiên chết, chú là người miền Trung, tánh trầm, ít nói; trong lao động khổ sai chú rất thong thả mà làm. Chú có biệt danh là Qui Vương (vua Chậm). Lúc tôi mới về đội, ban đêm chú thường qua chuyện vãn với tôi, chú có giữ được một tập viết tay, bản chữ Hán, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, do chính tay tướng Nhu, bằng trí nhớ, đã chép lại. Chữ Hán chú mới tập nên nhiều chữ chú phải nhờ tôi viết lại cho dễ đọc. Ban đêm chú thường đọc sách hay ngồi trầm ngâm hút thuốc hoặc giăng mùng nằm yên, chú ít tham gia vào các trò chơi của anh em trong đội. Tôi còn nhớ một buổi chiều trời lành lạnh, chú đã ngã quỵ, anh Tân cõng chú lên bệnh xá và đêm đó chú qua đời (bệnh xá trại Hà Tây xây dựng trông khang trang lắm, vì trại tù Hà Tây là trại trung ương, gần Hà Nội nhất, nên thường có phái đoàn ngoại quốc tới thăm). Từ ngày bác sĩ trưởng là Huệ, tù hình sự, được tha về thì trại không còn bác sĩ cũng như chuyên viên nữa. Thực ra ông Huệ chỉ là y sĩ tốt nghiệp trường thuốc Hà Nội. Làm phó cho ông y sĩ lại là... bác sĩ (thạc sĩ) y khoa Trần Vỹ (chỉ có Vẹm mới có nhiều nghịch lý như vậy). Những vị được chỉ định làm bác sĩ sau nầy tất cả đều có cấp bậc trung tá như: trung tá Hưng, trung tá thẩm phán Hựu và sau cùng là trung tá phòng 5 Nguyễn Tái Đàm... Vả lại bệnh xá chỉ duy nhất có thuốc Xuyên Tâm Liên với mấy bình nước chát trị tiêu chảy được nấu bằng lá ổi, cảm cúm thì có tỏi là hết, tỏi đâm nhuyễn pha nước nhỏ vào mũi. Trị cảm cho người mà giống như trị cúm gà. Tiêu chuẩn đễ chữa bệnh cho mấy thằng ngụy chúng tôi chỉ có vậy thôi nên chuyện hành nghề bác sĩ tại bệnh xá nầy cũng chẳng khó khăn gì. Trước đây bệnh xá chỉ là một căn phòng sơ sài, sau này đội xây dựng cất lại rất khang trang, trước phòng có giàn nho leo trông đẹp mắt ra phết. Ngày phái đoàn ngoại quốc tới thăm trại, tôi còn nhớ, bác sĩ Đàm cũng áo blouson trắng, cũng ống nghe đóng kịch đàng hoàng, tụi Vẹm diễn tuồng thì đủ cả lớp lang... và cũng chính nhờ diễn kịch hay nên cho tới ngày nay Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Tôi cũng còn nhớ, mỗi sáng sớm đi khai bệnh, (trước kia là bệnh thật nhưng sau nầy toàn là bệnh giả) mỗi đội để 5 anh em thay phiên nhau ở nhà. Từ khi cho thân nhân của tù thăm nuôi, anh em tù cũng đở khổ chút đỉnh nhờ bớt... đói. Tuy nhiên, dù là bệnh giả, các anh em đang nói chuyện ồn ào trước sân nhưng khi thấy bác sĩ Đàm tới thì tất cả đều im lặng, anh thì giả bộ khọt khẹt ho, anh thì xoa lưng... Tôi nghe tiếng FM đầu bạc Nguyễn Tấn Lập (tiểu đoàn phó) nói nhỏ với Võ Bình Định (chi khu phó Hoà Tú):

- Ê nhớ khai ho có đờm nghe! Đàm là phạm úy đó!

 Nhiều tiếng cười khúc khích sau câu nói ấy.

***

 Thường thường, cứ nửa đêm thức giấc là tôi thường thấy bác ngồi cặm cụi vá lại áo đi lao động, thấy tôi thức dậy bác mừng lắm, bác nhờ tôi xỏ kim, tôi hay nói giỡn với bác:

-Xỏ kim còn có 2 cách: một văn, một võ, bác Năm chọn cách nào? Bác thường kéo trệ kính xuống rồi nhìn tôi cười:

-Thằng dóc này, xỏ kim mà văn với võ gì không biết, mai mốt lớn tuổi sẽ thấy cái khổ của đôi mắt mờ. Xỏ lẹ giùm đi!

- Có văn võ chứ bác. Văn là xỏ kim để ngay trước mắt còn võ là xỏ kim mà hai tay để sau lưng

-Thôi mà! Xỏ lẹ rồi đi ngủ đi !

 Ở tù lâu quá thành quen, riết rồi cũng lấy nỗi buồn làm... vui. Ở đội rau xanh nầy đa số là lớn tuổi và có chức vụ cao ngày trước, trong đội có rất nhiều người được mang hỗn danh, Lúc tôi mới về đội, nghe anh em gọi nhau bằng hỗn danh tôi chỉ biết đứng nhìn thôi, như thiếu tá Lâm văn Thành được gọi là Đại Đế, tôi nghe và rất thắc mắc vì trong sử sách trên thế giới chỉ có mấy vị đại đế mà đội rau này đã có một vị rồi? Thắc mắc được giải thích như sau:

 Ông nầy là chuyên viên trồng lác nên có tên là Hắc Lào Đại Đế, ông là thiếu tá trưởng cuộc, rất to con, tướng đi hơi... hai hàng, quê ông ở Bình Chánh, ông cũng có đôi ba vợ. Còn anh chỉ huy trưởng cảnh sát vùng Một có tên là anh Tư Lựu Đạn, bởi anh thường xài giấy năm trăm và xem cán bộ như người ăn, kẻ ở trong nhà. Lúc mới ra trại Hà Tây, nhóm tình báo còn bị nhốt riêng ở khu F, mấy ông tướng còn ở trên trại Hoàng Liên Sơn, một lần đọc báo, anh chỉ huy trưỡng thấy hình Lê Duẩn bèn vừa chỉ vừa cười:

- Mặt anh nầy trông giống Lima, con chó chửa!

 Trong phòng toàn là tình báo với nhau mà lời nói của anh cũng đến tai an ninh trại, anh liền bị gọi lên làm việc và bị bắt viết kiểm điểm (người báo cáo lại là một sĩ quan cấp trung tá, từng giữ chức phó tỉnh trưởng nội an một tỉnh vùng 3, sau biệt phái qua Phủ. Tụi an ninh trại rất muốn biệt giam anh nhưng vì không dám trưng người làm chứng). Bởi vậy, trong tù tôi không ghét cán bộ trông coi mà tôi rất thù bọn chỉ điểm. Cho tới bây giờ, mỗi khi có dịp khơi lại là tôi nhớ gần như tên của từng người một, những người đã từng làm chỉ điểm ở trại Hà Tây, những con thú đội lốt người.

 Anh Tư dáng người đen đúa, trước ngày sập tiệm làm ở ủy ban Liên Hợp Quân Sự, tuớng anh trông mạnh khỏe, anh thấy chuyện bất bình là nói thẳng không vị nể ai cả, anh Tư rất mến tôi, thấy tôi còn độc thân anh thường vỗ vai tôi cười nói:

- Mỏng, mầy đừng lo ế vợ, được thả ra tao gả con gái cho. Tội nghiệp! Từ nhỏ tới lớn chưa biết 2 trái đào của các cô hình dáng ra sao mà bị nhốt kín như vầy

 (Chỗ nầy tôi viết phải... lách chứ anh Tư đã mang danh là Lựu Đạn thì đâu có ăn nói hiền từ vậy). Từ đó tôi gọi anh Tư bằng... Tía. Đội rau chia làm 3 tổ, tên của 3 tổ trưởng là Võ Chí Tín (phủ Đặc Ủy đặc trách Sinh Viên Vụ) Nguyễn Quý Dũ (thiếu tá, ủy viên Tòa Án Mặt Trận) và trung tá Liễu (phủ Đặc Ủy ). Tổ 3 có một nhà chòi lợp lá cạnh bờ ao trông cũng rất lý tưởng nên thường thường, hễ ra cuốc vài cuốc là anh em thường lẫn vào đây hút thuốc, nói dóc. Có lần tôi chọc anh Tư :

- Con gái của tía có chửi thề như tía không?

 Anh Lựu (Quốc Gia Hành Chánh, biệt phái phủ Đặc Ủy) đang cầm ỏõgôõõ nước uống nghe tôi hỏi thích quá cười đến sặc cả nước luôn, mặt mũi đỏ gay.

 Tôi chứng kiến cảnh anh gặp lại người em ruột tại trại Hà Tây, khi Trung Quốc, do tướng Dương Đắc Chí tràn quân sang biên giới san bằng hang Pắc Bó và đánh chiếm các tỉnh Hoàng Liên Sơn, các trại tù trên đó liền được lệnh cấp tốc dời về xuôi. Có khoảng cả ngàn anh em chuyển về trại Hà Tây, anh Tư đứng bên nầy rào nhìn sang vách tường bên cạnh, đang nhốt các anh tù Hoàng Liên Sơn chuyển về, bất chợt anh Tư nhận ra người em ruột thịt của mình là đại úy Dương Quang Điềm, anh Điềm có ngoại hình cũng rất giống anh Tư. Tình đồng hương, tình bạn bè gặp ở những nơi cùng khổ như vầy còn cảm động huống chi là tình ruột thịt! Trong đội, anh Tư ăn cơm chung (trong tù gọi là sinh hoạt chung) với 2 người là nhà thơ, trung tá L.19 Võ Ý và công binh trung tá Nghiệp mà Anh Tư là đại ca và anh Ý là tam đệ. Một lần lao động buổi chiều về, mọi người đang đứng trước cổng chờ tới giờ nhập trại, hôm đó Việt Cộng đang để tang Nguyễn Lương Bằng, tôi thấy anh Tư nhìn cột cờ một lúc rồi vừa cười vừa nói (trong khi nhóm võ trang và vài cán bộ đang đứng gần đó):

- Coi kìa! Thằng cha nó chết, nó treo cái quần lãnh lên kìa!

 (Trại đang treo cờ rũ có kèm cờ tang đen) nhiều anh nhát tính liền bỏ lảng tránh ra xa, làm ngơ như không nghe anh Tư nói gì cả. Anh ăn nói bạt mạng nên anh Lựu đặt lại tên anh là anh Tư Lựu Đạn Sét.

 Cả trại Hà Tây có 3 vị được phong chức Tiên Sinh mà riêng đội rau đã chiếm một vị đó là Tô Tiên Sinh. Đây là hạng người bất cần đời, có tinh thần chống Cộng nhưng ưa triết lý. Tô tiên sinh nằm cạnh tôi thuộc khóa 10 Đà Lạt, (khóa tương đối có sĩ quan lên tướng sớm như Vũ Văn Giai với cấp bậc toàn đặc cách mặt trận, tướng Lê Minh Đảo lên thiếu tướng vào tháng 3 năm 75, đã sát cánh với binh sĩ đánh một trận sau cùng lừng danh trong quân sử). Vào giờ chót, Tô Tiên Sinh là trưởng một phòng thuộc tòa tổng trấn Sài Gòn. Ở tù thì làm sao mà tâm hồn thanh thản được, trong khi anh lại có đến hai dòng con, sơ khởi thôi đó đã là điều khó giải quyết sau ngày sập tiệm rồi. Anh thường tâm sự với tôi: -

-Thằng con trai ở vùng kinh tế mới gửi hình vô trông thật hốc hác, đứa con gái vượt biên chết ngoài biển...

 Tôi nằm cạnh anh nên rất hiểu anh. Nhiều anh em trong đội thường không thích anh, tôi đã tìm cách giải thích với họ nhiều lần Bởi trong đầu hay suy nghĩ nên anh lao động lơ là, với lại đâu ai ngu gì mà bỏ công sức ra để làm lợi cho Cộng Sản. Ngoài ra còn Thiện Ba Lá (đại úy cảnh sát) một tay xì phé có hạng, anh là một sát thủ trong chiếu bạc, anh có một bàn tay còn lại có 3 ngón. Có thêm Bờ Vương, nguyên thiếu tá, trưởng an ninh phủ đặc ủy trung ương tình báo (tôi thường gọi là Chú Bảy Khương), chú có một thằng rể học chung năm đệ nhất với tôi ở trường Gò Công là con trai lớn của thầy giáo Hiện ( Trung Úy Tốt). Lúc tôi còn ở đội chăn nuôi, đội phân công chú nhổ cỏ ở khu rau muống nước, chú chỉ lết trên bờ mà chẳng bao giờ bước xuống sình. Còn có Thầy Cúng là đại úy Hoành, cảnh sát, sở dĩ có tên này là vì ông ngồi sòng trăm trận, trăm... bại. Trước khi sang Mỹ theo diện H.O., ông ra tắm biển Vũng Tàu có lẽ bị vọp bẻ hay nhồi máu cơ tim nên chết bất đắc kỳ tử tại bãi biển. Có giáo sư trung tá Nguyễn Nhượng, ông thường mặc áo bỏ trong quần, tối về dạy Anh văn cho thiếu tá Xuân nên có hỗn danh là Giáo Sư. Ông Xuân từng có thời là trưởng ty cảnh sát Phước Tuy, ông Nhượng nguyên là sĩ quan hiến binh, thời toàn cõi Đông Dương có 12 sĩ quan hiến binh thì ông Nhượng là một trong 12 vị đó. Đầu năm 82 có 2 anh chuyển từ Hỏa Lò về trại Hà Tây là anh Xuyên (đ/úy SĐ 18) và anh Ngưu, trưởng F Tây Ninh. Anh Ngưu về ở đội rau, anh Xuyên về ở đội Mộc, độ mấy tuần sau thì anh Xuyên được thả. Ở hiện trường đội Rau có một miếng ruộng nằm giữa tổ 2 và tổ 3, cỏ mọc chằng chịt, mấy lần anh Hải đội trưởng xin trại cho mượn con trâu về cày vỡ đất mà trại chưa cho, thế là buổi sáng đi làm, như thường lệ, ra tới hiện trường, anh Ngưu được phân nhiệm miếng đất hoang này. Thành Đỏ (Ty ANQĐ Long An) rủ tôi xuống tổ 3 hút thuốc, đi ngang qua miếng đất hoang, thấy anh Ngưu đứng chống cuốc với một hình ảnh trông tương phản vì ruộng thì đầy cỏ, anh lại mới từ Hỏa Lò về nên da còn trắng mét, dáng anh cao ráo đứng chống cuốc mà mắt nhìn đâu đâu tựa như một cấp chỉ huy khi đã... tàn rồi trận chiến còn đứng chống súng nhìn... xác đồng đội. Thành Đỏ đang đi chợt dừng lại nói nhỏ, nhưng lại rất vừa đủ cho... anh Ngưu nghe:

- Ê Mỏng, đội xin con trâu, trại không cho mà bây giờ lại cho con... Ngưu!

 Tôi cười ngất:

- Đi lẹ lên! Ảnh cuốc cho một cuốc bể xương sống bây giờ!

 Ngày bác Năm Cung trở về đội tôi thấy bác yếu nhiều, đêm đêm tôi thường tới chuyện vãn, có khi bóp tay, đấm lưng cho bác để được bác kể cho nghe chuyện nhà, chuyện thằng cháu nội viết thư khuyên bác cứ an tâm đừng lo chuyện nhà... Bác nói:

- Làm sao tao an tâm chớ! Nó vượt biên không được, may là không bị bắt, bây giờ sống rày đây mai đó mà còn viết thơ khuyên ông nội nó yên tâm về chuyện nhà. Tôi hỏi bác:

- Sao lần nầy ra Hỏa Lò tụi nó cho bác về lại trại sớm vậy?

-Tụi nó bắt bác khai hoài, bác viện cớ già rồi nên quên hết, tụi nó không chịu, sau cùng bác đòi tự vận tụi nó mới đưa bác về đó chứ

 Sau cái Tết mừng năm mới 83, trại có tin đồn tù sẽ chuyển đi trại khác, đa số đều cho là sẽ về Nam (tôi còn nhớ 2 năm trước, cũng có tin đồn chuyển trại vào một buổi sáng thứ hai) trong sinh hoạt đầu tuần, thượng úy Nhận, nhân danh trại phó, khẳng định với anh em tù là:

-Trại nào không biết chứ trại Hà Tây sẽ không bao giờ có chuyển trại!

 Anh em nghe vậy an tâm tiếp tục lao động thì buổi trưa thứ tư, trời mưa như trút nước, các đội làm ngoài trời đều nghỉ tại trại thì bất thình lình cán bộ trại đến từng buồng, đọc danh sách anh em tù có tên chuẩn bị hành trang chuyển trại, đội tôi có đại úy Khanh, nằm cạnh đại đức Lê Kế Tông và anh thiếu tá Minh, phi công vận tải được gọi tên. Có tất cả 100 anh chuyển về Nam đợt này, vài người thân quen tôi nhớ tên như đ/úy Phạm văn Quý (phi đoàn Thần Phong) tr/tá H.H.Đức (trưởng phòng Quân Kỷ, bộ TTM)... Toán bị cách ly, ngay trong chiều đó xuống ở tạm khu mà trước đây các anh em biệt kích nhảy ra Bắc từng ở, khi các anh được chuyển về trại Hà Tây.

 100 anh được chuyển về Nam, trại Z30D vào buổi trưa 2 ngày sau, tất cả các buồng còn ở lại đều bị khóa kín. Các anh chuyển trại từng cặp một và thảy đều bị mang chung một đồng hồ, hiệu Xã Hội Chủ Nghĩa.

 Bây giờ, mới vưà ăn tết xong lai có tin chuyển trại và đồng thời cũng có tin được tha. Đợt tha lần nầy tương đối khác hoàn toàn với những đợt tha trước, không có tập họp toàn trại lại để đọc ỏõquyết định thaõõ mà từng người được tha bị gọi riêng lên văn phòng. Đợt nầy có 3 người: đại úy Võ Văn Ca, tình báo quốc ngoại (Pháp) thuộc Phủ Đặc Ủy, nằm cạnh tôi; Anh Tư Dư, nguyên trưởng ty Cảnh Sát Huế thời đệ nhất Cộng Hòa đang là trực sinh phòng tôi và đ/úy Xuyên (SĐ 18) mới chuyển về mấy tháng (nhờ nằm cạnh Anh Ca nên mọi diễn biến tha về tôi đều biết rõ) 3 anh lên văn phòng 3 ngày liên tục, anh Ca đã cho tôi biết như thế và căn dặn tôi đừng nói gì với ai cả, anh đã thì thào:

- Lần nầy tụi tao được tha về với nhiều thủ tục đặc biệt lắm Mỏng ơi!

 Anh Ca được cán bộ căn dặn lần tha nầy anh em vẫn ở lại buồng cũ, không cách ly, nên phải nhẫn nhịn mọi khiêu khích của anh em còn ở lại, sẽ có nhân viên của Bộ Nội Vụ xuống, có đãi ăn uống, quay phim, chụp hình, lăn tay và phải làm cam kết sẽ cộng tác với chính quyền khi có lệnh. Thế rồi chỉ mấy ngày sau, 3 anh gọn nhẹ đi ra cổng trại, đến văn phòng làm thủ tục xuất trại. Dĩ nhiên là sau đó mấy ông "thầy Bàn " có việc để... nấu trà bình luận, (chỉ có khu tôi ở là biết việc nầy vì cả 3 anh ở trong 2 buồng, cùng 1 khu, còn cả trại thì vẫn sinh hoạt bình thường) Một số anh em liền tự chuẩn bị cho mình hành trang cũng thật gọn nhẹ. Tin chuyển trại ngày một chính xác, tuy không có cán bộ nào xác nhận nhưng họ cũng chẳng phủ nhận. Buổi trưa, nhiều anh mang búa đinh ra đóng cho chắc lại mấy cái thùng, rương... gây nên những tiếng động ồn ào vang dội cả khu, vậy mà cán bộ trực chỉ vào bảo anh em nên nhẹ tay thôi mà chẳng rầy rà gì cả.

 Một buổi chiều đi làm về, tôi không thấy bác Năm, tôi hỏi thăm thì thầy Tông, trực sinh, cho biết bác Năm trở bệnh nên đã được đưa ra bệnh viện Hà Đông, tôi thấy thật buồn, thương cho người chiến sĩ "Gặm mối khối căm hờn trong củi sắt" đang thoi thóp đi dần vào cái chết. Từ ngày ở Hỏa Lò về, tôi thấy sắc diện bác đổi nhiều, nét tinh anh như không còn nữa bác thường nằm nhắm mắt nên bác được đội đồng ý miễn lao động. Tôi cũng mừng mà được biết rằng con dâu của bác là chị Bảy Đê, tình cờ ra thăm và đang nuôi bác tại bệnh viện, ít ra trong những ngày sau cùng của cuộc đời, bác còn gặp lại được một người thân, (có thể một vài ẩn ức còn riêng giữ bác đã kịp trăn trối để con dâu mang về cho vợ con, bằng hữu biết).

 Khi trại chánh thức công bố dời tất cả tù về Nam Hà thì tôi cũng hay tin bác Năm qua đời tại bệnh viện Hà Đông và được "an táng tạm thời tại nghĩa trang Hà Đông (ngày tôi được tha về là vào cuối tháng 6/1983, tôi có ghé lại nhà bác Năm và trao lại một vài kỷ vật mà anh em đã giao tôi giữ như kính đeo mắt và một vài món linh tinh khác, tôi đến nhà tình cờ đúng vào bữa cúng 100 ngày của bác Năm, tôi gặp bác gái và chị Bảy Đê. Tôi biết chị Bảy từ ngày còn nhỏ nên câu chuyện hội ngộ diễn ra tương đối thân tình, chị cho biết trước khi chết bác có dặn chị mấy lần, khi về Sài Gòn phải mua 2 gói quà, một gửi cho Thanh Tân và một gửi cho tôi nhưng chị than:

-Trại đã chuyển đi nên chị không thể nào gửi được vì không biết dịa chỉ.

 Với chị Bảy, tôi có nhiều điều để nhớ, ngày tôi còn học tiểu học thì chị Bảy và chị thứ tư của tôi đang học nội trú trường Gia Long, trong một vỡ kịch phải diễn vào ngày lễ Hai Bà Trưng chị Tư tôi đóng vai ông già dân dã và chị Bảy đóng vai Tô Định, tôi nhớ rất rõ như thế vì các anh học P.Ký gần nhà tôi, mỗi lần gặp chị thường hay đùa:

Tô Định ỉ... trịnh bờ đê...

 Theo tôi nhớ, người chết đầu tiên của trại Hà Tây là luật sư Trần Văn Tuyên, dân biểu đơn vị quận Nhất, Sài Gòn và người ra đi sau cùng là bác Năm Cung, D. trưởng Cảnh Sát Quốc Gia. Các anh bị biệt giam cũng được thả ra về l?i d?i, anh Trần Khắc Nghiêm, (khóa 13 ĐL) nguyên trưởng trại LLĐB, người có hỗn danh là Nghiêm Tiên Sinh, bị trại biệt giam vô hạn định vì đã dám chống đối lao động và nội quy trại đề ra. Anh trở ra trước sự ngạc nhiên của anh em toàn trại vì thân thể anh vẫn còn tráng kiện và gương mặt vẫn còn đượm nét hồng hào. Đúng là nhờ thiền! Mọi người xúm quanh anh, người thì hớt tóc, kẻ lo cạo râu cho anh rồi mang anh ra hồ tắm rửa thật là vui. Anh là người từng nhiều lần chửi ngay mặt cán bộ như chửi chó mèo và anh cũng là người từng xếp hàng đi lao động nhưng ra tới nơi lại chỉ tìm chỗ ngồi... thiền. Hầu hết cán bộ trại đều nể mặt anh, lâu lâu mới có một vài tên không biết anh nên mới càm ràm (chính vì anh bị chúng càm ràm nên chúng mới bị anh... chửi)

 Trước ngày chuyển trại, tất cả hành trang của anh em tù được gói cẩn thận, đề tên rõ ràng và mang ra để tại nhà khách của trại vì sẽ có xe chở riêng, đến hôm sau chúng tôi mới rời trại. Trước khi xuất trại, trưởng trại là đại tá Mô, kiêm cục phó ỏõcục trại giamõõ tuyên bố một câu (lần đầu tiên một câu nói của cán bộ trại được anh em tán thưởng nhiệt tình):

- Chuyển trại lần nầy các anh em sẽ được đi thong thả không bị còng!

 Gần 8 năm trời mới nghe một tên cộng sản nói nghe... được một chút. Anh em lên xe đò ngồi thoải mái, gần như toàn bộ cán bộ của trại đã ra đưa tiễn, ai cũng có vẻ quyến luyến, ngậm ngùi vì dù sao cũng là tình người đã sống gần gũi nhau 7,8 năm trời, nhất là mấy cán bộ gái, sao hôm nay trên mặt công an nữ nào cũng có tí son phấn? (một đìều chưa từng thấy ở trại tù này). Thì ra khi chia tay nữ cán bộ cũng... biết buồn!

 Gì chứ con đường ra khỏi trại thì tôi rành rẽ lắm vì lúc ở đội Chăn Nuôi, tôi vẫn đi cắt cỏ, lấy rong về cho cá ăn hàng ngày. Con đường đất đá này tôi đã qua lại quen thuộc hơn 2 năm trời, từng ra tới Thường Tín và hầu hết các làng quanh vùng như làng Phượng, làng Rùa.v.v... Anh em lâu quá mới được ra đường, ai cũng ngắm thoải mái, tất cả cảnh vật đều lạ với mọi người, nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì dường như trên mặt nguời nào cũng hằn đậm nét suy tư:

- Con đường tù còn bao lâu nữa?

-Trại mới có giống như trại cũ không?...

 Thôi thì bổn phận giữ nước đã làm không xong, bây giờ thân như... cứt trôi sông đành để mặc cho làn sóng đẩy đưa, muốn trôi thì trôi, muốn rã thì rã, biết sao bây giờ!!!

 Sống trong tù, có chứng kiến cảnh ra về của anh em mới thấy thấm lòng người ở lại, nhất là người được thả về lại là bạn thân. Ngày mấy đứa bạn cùng quê Gò Công lần lượt được tha về, ngày anh em chuyển trại về Nam, tôi đã đứng nhìn theo dáng anh Quý( khóa 2 Trung Học Gò Công), anh Huỳnh Hữu Đức mà rớt nước mắt.

 Tới trại Nam Hà vào tháng 3, trời nóng khủng khiếp, trại có vẽ thoải mái nhờ cho tự do nấu nướng, tôi còn nhớ, mỗi ngày trại phát cho 900 gram khoai lang sống và một miếng bí rợ, lâu lâu mới được một lon gạo. Những ngày đầu tôi ở buồng 1, nằm giữa hai bức-tường-thịt: bên mặt là Nguyễn Đức Thắng (trưởng phòng kỹ thuật, phủ ĐUTƯTB) bên trái là thượng nghị sĩ Nhan Minh Trang; cạnh ông Trang là đại tá Lại Đức Chuẩn, hai ông ỏõđói ăn mà vẫn... đẫy đàõ này chịu nóng không xuể nên quạt suốt đêm, thế là tôi nằm giữa... khoẻ ru, cứ thế mà hưởng gió hiu hiu, ngủ rất ư là yên giấc. Ở trại này coi như là một cuộc hội ngộ quần hùng vì các trại tù miền Bắc đều sẽ đóng cửa để di chuyển về Nam, mà trại Nam Hà là trại tù chính trị cuối cùng ở miền Bắc, tù nhân thuộc trại Vĩnh Phú đã về đây trước chúng tôi mấy tuần, sau khi tôi đến trại thì có đợt anh em trại Tân Kỳ về đây, tuy không đông lắm nhưng tôi cung gặp lại người quen, trung tá Nguyễn Hồng Điện, chung ngành và La văn Ngàn, người cùng quê và 3 tháng sau tôi lại chứng kiến một cảnh chuyển trại về Nam. Hơn 500 anh em được chuyển về Nam, trong đó có đơn vị trưởng của tôi là đại tá Nguyễn Kim Bào. .

 Sách giáo khoa thư tôi còn nhớ 1 câu: "Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!" Ở tù dĩ nhiên buồn nhiều hơn vui, nhưng cái gì rồi cũng quen đi, một vài anh chung đội đã ở tới hơn 17 năm mới... chịu về, đó là các anh:

- Lương Trọng Lạc (trưởng F Vĩnh Long),

- Phan Tấn Ngưu (trưởng F Tây Ninh).

 Tháng 6 ngày 28 năm 1983, tôi và hơn 80 anh em khác được tha về, trong toán có một vài trung tá tôi còn nhớ tên như

- Anh Điện (nguyên TĐT/TĐ 30 CTCT),

-Trung tá Đã (nguyên quận trưởng Q.11),

-Trung tá Sỹ (Ủy ban LHQS 4 Bên).

- Cùng quê với tôi có anh Ba Cẩn (cán bộ tuyên úy khám đường Gò Công).

 Toán chúng tôi ra về cũng bị cách ly, đêm cũng ca nhạc... đến nỗi sáng ra sân, trung tá Hứa Cẫm Pẩu cằn nhằn:

- Chưa thấy toán nào về mà ồn ào như toán này.

 Ông Pẩu đã không ồn ào như chúng tôi mà... yên lặng nằm xuống tại trại Nam Hà vĩnh viễn!

 Tôi từ giả tía tôi lúc anh Tư đã xuống sắc vì bệnh rét đang hành anh trở lại. Tía có nhờ tôi mang thư tới nhà giùm, tôi bùi ngùi chia tay tía bằng những lời từ giã quen thuộc:

- Thôi tía ráng giữ gìn sức khỏe... Con... về trước...

 Với những người thân tôi cố gắng nói thật vắn tắt vì tôi biết lòng tôi rất dễ xúc động, tôi không muốn người ở lại thấy những giọt nước mắt bi lụy của tôi, thà rằng để tôi khóc âm thầm một mình cho tới... ngày cuối đời của một... tên tàn binh vẫn hơn!

 Đặc biệt lần thả này, trại cho anh em đưa ra tận cổng, 3 người tiễn chân tôi ra tới cổng là anh Nguyễn Đức Thắng, anh Trần Hữu Đức (phó quận Hòa Đồng) và Điệp. Riêng anh Lâm Minh Đức (trưởng ANQĐ Long Bình) trùm mền trong phòng, không dám chứng kiến cảnh ra về nên đã không tiễn tôi đi. Tôi về nhà khoảng hơn năm sau thì được tin đại tá Dương Quang Tiếp, thiếu tá thiết kỵ Võ Thành Tôn và đặc ủy trưởng Nguyễn Phát Lộc (cùng chung đội với tôi lúc ở Hà Tây) đã nằm xuống trong đau buồn, uất hận mà thân xác đã bị tạm vùi tại nghĩa trang Hàng Dương, Nam Hà.

***

 Mười năm nơi đất tạm dung này, có những cái cần phải quên cho đời thanh thản nhưng khổ nỗi trí nhớ tôi còn tương đối tốt, như lời một bản nhạc nào đó đã viết rằng: "khi muốn quên thì lòng càng nhớ thêm..." Rất nhiều đêm, trong giấc chiêm bao mộng mị tôi thấy mình đang sống trong trại tù Cộng Sản hay có khi thấy đang bị cộng sản truy lùng...

 Quê nhà còn đó, người thân còn đó...với Cha Mẹ đều đã nằm xuống mà tôi không được ngay cả... đội chiếc khăn tang thì làm sao thấy được nắm mồ của Mẹ Cha?

 Những người cầm quyền vô lương tâm quá, chính sách trị dân tàn độc quá!

 Đó là việc làm của Cộng Sản !

 Tôi nghỉ mà phục ông Thiệu, phục có mỗi một câu thôi và phục sát đất:

 " Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm !"

 Gò Công ơi! Tôi sẽ về thăm lại Gò Công khi biển Tân Thành sóng vỗ vào bờ tạo thành những nốt nhạc ngân nga, khi lá cờ vàng bay rực rỡ cả phương Nam. Tôi sẽ về với những bước chân đi thật thong thả,Rời phi trường không phải dấm dúi năm mười đồng cho người khám xét, với tâm lòng không nghe rờn rợn như những ngày sau tù mà tôi đã sống tại quê nhà, tôi sẽ không bao giờ nữa, phải nhìn thấy lá cờ đỏ thắm đầy máu của những chiến hữu chúng tôi và của đồng bào còn bay thách thức trong thành phố thân yêu Gò Công...!

Thủy Lan Vy

(Viết tại Houston, Trung Thu 2002)

* Tất cả tên tuổi, cấp bậc cùng chức vụ trong bài viết đều đúng sự thật, chỉ một vài từ ngữ của VC tôi đã tạm dùng cho thích ứng với khung cảnh câu chuyện.

Tôi viết để nhớ lại một thời lao nhục sau khi giặc cướp mất miền Nam, để nhớ lại anh em đồng cảnh mà bây giờ kẻ còn, người mất đã tứ tán mười phương. Mong Các Bạn đã từng đồng cảnh hãy liên lạc với tôi khi đọc bài ký nầy. (thuylanvy@yahoo.com)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn