BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

CS Trung Quốc và CS Việt Nam : Trận Điện Biên Phủ - Đoàn Cố Vấn TQ và Võ Nguyên Giáp

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 2894)
CS Trung Quốc và CS Việt Nam : Trận Điện Biên Phủ - Đoàn Cố Vấn TQ và Võ Nguyên Giáp
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54

CS Trung Quốc và CS Việt Nam
Trận Điện Biên Phủ - Đoàn Cố Vấn TQ và Võ Nguyên Giáp


Tôi cũng có đọc một số bài viết về Võ Nguyên Giáp, nhân sinh nhật 100 năm của Võ Nguyên Giáp, dư luận lại nhắc đến ông nhiều hơn. Nhưng có lẽ tôi đọc còn ít nên vẫn không thấy “thiên tài quân sự” của ông phát tiết ở chỗ nào. Ai biết xin chỉ cho. Ở đây tôi xin nhấn mạnh đến câu chuyện “Tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình.” của Võ Nguyên Giáp…

* * *



Võ Nguyên Giáp - Hồ Chí Minh - Trần Canh - Lê Quý Ba


Mao Trạch Đông dặn dò Đoàn Cố Vấn TQ: “Còn Việt Nam đánh bại bọn xâm lược thực dân Pháp, đuổi chúng ra khỏi Việt Nam, biên cương phía Nam của Trung Quốc cũng giải tỏa khỏi mối đe doa của bọn xâm lược thực dân Pháp...”.

Đảng CSTQ đã cử đoàn cố vấn (trong thời gian 2/1950-3/1956) làm việc trong các chiến dịch (trận đánh lớn), như vai trò của Tướng QT Trần Canh trong Chiến Dịch Biên Giới 1950 tại Đông Khê, Thất Khê; Trần Canh và Vi Quốc Thanh (Trưởng Đoàn Cố Vấn Quân Sự cùng đoàn 281 người qua ngày 12/8/1950) trong Chiến Dịch Việt Bắc và cả Chiến Dịch Cao Bằng; Vi Quốc Thanh trong Chiến Dịch Đông Bắc và nhất là Chiến Dịch Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954)… giúp chuyển từ thế thủ sang thế công và thắng Pháp.

CSTQ cũng cưỡng bách tái tổ chức bộ đội CSVN qua chính huấn quân sự, lập hệ thống chính ủy, bắt điều cả bộ đội qua đánh ở Lào, Campuchia... Những sĩ quan xuất thân là các học sinh, sinh viên, trí thức, quan lại, tư sản đã tham gia Vệ Quốc Đoàn từ những ngày đầu không được tin dùng, phục vụ như xưa nữa. Tất nhiên CSTQ đã giúp đảng CSVN rất dồi dào về nhân lực, vũ khí, lương thực, tài chính… (150.000 khẩu súng, hơn 3.000 khẩu pháo và số lớn đạn dược, xe cộ, quần áo, lương thực và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men v.v… giờ chót có cả pháo hỏa tiễn 16 nòng). Giúp thành lập, huấn luyện và trang bị các Sư Đoàn, các binh chủng như công binh, pháo dã chiến, cao xạ… nên đảng CSVN đã chiến thắng trên các mặt trận chống Pháp.

Sau Chiến Dịch Biên Giới, Hồ Chí Minh gửi thư cho Mao Trạch Đông, trong có đoạn: Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trạch Đông cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. Tôi không nói lời khách sáo: “Cảm ơn các đồng chí”, mà nói các đồng chí Việt Nam và nhân dân chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa giành lấy thắng lợi cuối cùng lớn hơn, lấy thành công để đền đáp sự kỳ vọng tha thiết và giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Liên Xô anh em…

Báo chí CSVN có thời ca tụng Võ Nguyên Giáp (1911-2010) hết lời về Chiến Dịch Điện Biên Phủ…, là “thiên tài quân sự”, nhưng thực ra Giáp không đi lính ngày nào, cũng chẳng có tài mà chỉ là sản phẩm của tuyên truyền. Đùng một cái, theo Sắc Lệnh số 110/SL ngày 28/5/1948, được Hồ Chí Minh đưa lên làm “Đại Tướng”, rồi thì cũng đùng một cái bị Lê Duẩn cho ra rìa (mở Chiến Dịch Tổng Công Kích và Tổng Nổi Dậy Tết Mậu Thân 1968 trong lúc Giáp đi khám bệnh ở Đông Âu), đã chuẩn bị chỗ định an trí Giáp, sau đó năm 1983, cho làm Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Gia Dân Số và Sinh Đẻ Có Kế Hoạch tức rớt xuống đi làm “cai đẻ”… Vì vậy mới có thơ:

Ngày xưa Đại Tướng cầm quân,
Ngày nay Đại Tướng cầm quần chị em!

Hay:

Võ Nguyên Giáp không còn manh giáp!

Giáp lên xuống dễ dàng, từ thập niên 80, Giáp chỉ còn là hình thức bù nhìn, lâu lâu đeo quân hàm “Đại Tướng” ra tiếp khách, trang trí cho chế độ, chứ Giáp nhiều lần thiết tha viết thư kiến nghị mà chẳng ai nghe!

Võ Nguyên Giáp từng làm Bộ Trưởng Nội Vụ (Công An) năm 1945, cho tay chân sát hại các nhân vật tên tuổi như Cung Đình Vận, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi cũng như Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Tạ Thu Thâu… là các lãnh tụ Đệ Tứ CS Quốc Tế và là một hung thần giết người Quốc Gia…! Giáp làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng 1946, dính đến vụ Ôn Như Hầu, Hà Nội ngày 12/7/1946, vu oan giá họa để sát hại Việt Nam Quốc Dân Đảng…

Jean Sainteny là chính khách uy tín, đã trở lại Hà Nội làm Tổng Đại Diện cho Pháp năm 1954-1958, và sau đó tới năm 1966 là đặc phái viên của Tổng Thống De Gaulle tại Miền Bắc trong cuốn “Lịch Sử Một Hòa Đàm Dang Dở” xuất bản năm 1953, tóm tắt một bi kịch lịch sử kéo dài 30 năm, phần phụ lục tiểu sử tướng Giáp (đến năm 1948) viết: “Người nhỏ thó nhưng rắn rỏi, Võ Nguyên Giáp kết hợp óc thông minh xuất chúng với ý chí sắt đá và cá tính can trường .”.

Bernard Fall, sử gia Pháp lai Mỹ, Giáo Sư đại học Howard, chuyên gia hàng đầu về chiến tranh Việt Nam từ 1953 với cuốn “Đại Lộ Buồn Thiu” (1961) và nhiều tác phẩm khác. Theo Fall, sách của tướng Võ Nguyên Giáp (1951 và 1952), chỉ phát triển những tư tưởng sẵn có. Trong “Les Deux Vietnam”, xuất bản năm 1967 tại Paris, Bernard Fall viết: "Sự đóng góp sáng giá nhất của Giáp trong chiến tranh cách mạng có lẽ là đã nhận định được thế yếu của những chế độ dân chủ khi phải đương đầu với một chiến cuộc vô hạn định. Trong chế độ dân chủ, dân chúng sẽ đòi hỏi chính quyền phải chấm dứt 'cuộc đổ máu vô ích', quốc hội sẽ chất vấn… Điều này đúng với 1967 cũng như đã đúng với 1951...

Giáp đã phạm sai lầm lớn lao khi ngỡ là người Pháp đã chín muồi cho giai đoạn thứ ba (tổng tấn công) từ mùa xuân 1951, và đã tổn phí một phần lớn của ba sư đoàn mới thành lập", chống lại quân chính quy của tướng De Lattre, trong 2 Chiến Dịch Hoàng Hoa Thám…

Tác giả người Anh, Ducan Towon, xếp Võ Nguyên Giáp vào số 21 danh tướng thế giới qua 25 thế kỷ. Bách Khoa Toàn Thư Anh, 1985, tập 10, ghi tên 2 danh tướng Việt Nam: Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.

* * *


Ghi chú: Ban Biên Tập báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin và nhân dịp Giáp 100 tuổi, Hồ Ngọc Sơn viết bài "Thiên Tài Quân Sự Võ Nguyên Giáp" nhắc lại trên cùng tờ báo ngày 13/2/2010: "Năm 1992, Hội Đồng Khoa Học Hoàng Gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có 2 vị Tướng kiệt xuất của Việt Nam: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đặc biệt trong số những người được vinh danh, duy nhất Đại Tướng Võ Nguyên Giáp còn sống". Nhưng nhà báo Đỗ Văn BBC và Bùi Tín viết bài "Khen Quá Lố, Không Nên!" trên trang nhà VOA đã phủ nhận tin này, cho hay không hề có chuyện vinh danh như vậy. (Tướng Giáp trong dư luận Pháp: Đặng Tiến - BBC.)

Người Hoa đánh giá họ Võ là “hèn tướng” trong trận Điện Biên Phủ vì chỉ núp trong hầm, sau này Giáp không dám đi quan sát mặt trận B, tức miền Nam, vì sợ máy bay B-52 của Hoa Kỳ dập chết... Và chính cựu Đại Tá Bùi Tín, người được coi là khá tin tưởng ở Giáp sau cũng phải nói: “Anh Văn quá hèn.”, khi thấy có một số đàn em như: Tướng Hoàng Văn Thái, Đăng Kim Giang, Lê Liêm, Chu Văn Tấn, Trần Độ, các Đại Tá Đỗ Đức Kiên (Cục Trưởng Tác Chiến, Lê Trọng Nghĩa (Cục Trưởng Cục Quân Báo)… tất cả đều bị họ Lê, gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh trực tiếp ra tay hạ độc thủ, thế mà Giáp không hề có một thái độ cụ thể để nào.

Trong “Hồi Ký Của Những Người Trong Cuộc” gồm 10 bài viết của 6 tác giả do nhà xuất bản Lịch Sử Đảng Cộng Sản Trung Quốc ấn hành năm 2002 (tái soạn từ “Ghi Chép Thực Về Việc Đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc Viện Trợ Việt Nam Chống Pháp” do nhà xuất bản Nhân Dân Giải Phóng Quân phát hành năm 1990), kể công lao, tài ba của các Tướng CSTQ. Trong sách cũng nói tới những bất đồng rất gay gắt với Võ Nguyên Giáp nên đôi khi làm việc và lấy quyết định thẳng với Hồ Chí Minh…

Hồ Chí Minh và Trần Canh.

Sau khi bao vây Điện Biên Phủ cả tháng, Võ Nguyên Giáp định đánh ngày 20/1/1954, phải hoãn ngày tấn công nhiều lần đến 13/3, gần 2 tháng. Và ai cũng biết, Giáp cho lệnh kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào (24 đại bác 105 ly mà CS gọi là lựu pháo do CSTQ lấy của quân đội Tưởng Giới Thạch trong nội chiến Quốc-Cộng và Hoa kỳ trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953…) cũng như thu quân về vị trí tập kết để thay đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” (định đánh thắng trong 3 ngày đêm, đã dùng chiến thuật biển người trong giai đoạn đầu) sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Theo cựu Đại Tá Hoàng Minh Phương, đó là đề xuất của Võ Nguyên Giáp và được Vi Quốc Thanh đồng ý, và cũng là một đề tài để ca ngợi sự “sáng suốt” của Võ Nguyên Giáp, thực ra điều này chứng tỏ Giáp thiếu tính toán và bất nhất. Thời đó, CSVN và CSTQ dấu nhẹm vai trò của CSTQ, nên mọi ca ngợi công lao tham mưu đều dành cho Giáp, thực tế không phải vậy.

Cả 3 người là Vu Hóa Thầm (bài 3), Vương Nghiên Tuyền (bài 6) và Trương Quảng Hoa (bài 8) đều ghi lại sự thay đổi chiến thuật là của Vi Quốc Thanh được Võ Nguyên Giáp đồng ý: Vi Quốc Thanh tưởng tượng ra một tình huống phức tạp về cơ sở phòng ngự của địch... Vì vậy, cần thay đổi phương châm tác chiến. Biến “đánh nhanh thắng nhanh” thành “đánh chắc thắng chắc”, từ ngoại vi vào trung tâm, tiêu diệt địch từng cứ điểm một.

Ngày 24/1/1954 Quân Ủy Trung Ương đảng CSTQ đánh điện chỉ thị Vi Quốc Thanh về chiến lược tấn công Điện Biên Phủ: “Khi tấn công Điện Biên Phủ đồng chí nên tránh tấn công đồng loạt từ mọi phía; thay vào đó đồng chí cần có chiến lược tách nhỏ và bao vây lực lượng địch và từng miếng tiêu diệt chúng.” (“Đánh chắc, tiến chắc” - TGT).

Khi nhắc lại chuyện kéo pháo vào rồi kéo pháo ra này kiểu bài thơ con cóc (Con cóc nhảy ra, Con cóc ngồi đó, Cón cóc ngồi đó, Con cóc nhảy vào, Con cóc nhảy vào, Con cóc nhảy ra…), Võ Nguyên Giáp trong cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm Hẹn Lịch Sử" ở chương "Quyết Định Khó Khăn" cho là “Tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. (tr 45, sđd)”. Phải chăng điều ông lo lắng chỉ là cái tự ái vì danh hão khi lật ngược quyết định của chnh mình. Sợ bộ đội và dư luận thấy rõ sự thiếu suy nghĩ, khuyết điểm lớn của ông khi “điều quân” mà thôi!? Khiến bộ đội vất vả vô ích cả tháng trời, cuộc điều quân dễ bị lộ hơn … chỉ vì thiếu chuẩn bị, chưa quen đánh hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh, chưa quen công kiên chiến (tiến công tiêu diệt quân địch phòng ngự có công sự kiên cố bằng binh lực, hỏa lực mạnh)… và sợ Pháp tấn công, trả đũa!

Vậy tại sao trước đó, có cả năm trời nghiên cứu chiến dịch mà Võ Nguyên Giáp và Ban Tham Mưu không thấy những điều này, vì mắc bệnh chủ quan duy ý chí, đến khi vào việc thì sợ, nhất là sợ tiếng nói của cố vấn TQ chăng!?

CSVN có khoảng 60.000 quân và 230.000 dân công, trong khi Pháp chỉ có 16.000 quân và 3.000 cu-li. Thế mà Võ Nguyên Giáp và bộ đội của ông vẫn không tin tưởng thắng. Vì bộ đội đã từng bị thiệt hại nhiều về nhân mang trong những trận đánh liều mạng trước đó, như … ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản, nhỏ hơn Điện Biên Phủ nhiều, ta mới đánh từng Tiểu Đoàn, chỉ có công sự dã chiến mà còn “thương vong đến mức không thể chấp nhận được”, phải dừng lại.

Trong bài “Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Huyền Thoại Và Không Phải Huyền Thoại: Quyết Định Khó Khăn Nhất”, nói về ngày 26/1 quyết định ấy có đoạn: Ông thấy không gì tốt hơn, hay hơn là nhắc lại lời Bác Hồ dặn mình trước khi đi chiến dịch: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh. Ông hỏi từng người, không một ai dám đảm bảo sẽ thắng. Thắng 100%! Đến lúc ấy ông mới kết luận: Để đảm bảo đánh chắc thắng, phải chuyển từ phương châm đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Hoãn tiến công, lui về địa điểm tập kết. Mệnh lệnh lui quân phải được chấp hành như mệnh lệnh chiến đấu.

Vì sao lại khó khăn nhất? Một, phải thuyết phục được Trưởng Đoàn Cố Vấn. Hai, phải thuyết phục được cả Bộ Chỉ Huy Chiến Dịch. Ba, phải vượt qua chính mình. Phải có can đảm thế nào, bản lĩnh thế nào, phải tài năng thế nào mới dám tin mình đúng, ý kiến của tất cả mọi người nghĩa là của tập thể, trước đó là không còn phù hợp nữa.

Thực ra chỉ là Giáp tìm cách gỡ rối cho quyết định sai lầm trước đó, đem Hồ Chí Minh ra làm lá chắn, có gì ghê gớm đâu mà phải đề cao. Sao không ai trong nhưng cán bộ CSVN dám nhắc tới cái tội sai lầm lớn trước đó của Giáp! (http://www.tienphong.vn/phong-su/510712/quyet-dinh-kho-khan-nhat.html)

Kết quả chiến dịch, CSVN bị khoảng 6.000 chết, 12.000 bị thương, 800 mất tich, trong khi Pháp bị khoảng 2.000 chết, 1.700 mất tích, 5.240 bị thương, có 11.700 bị bắt làm tù binh. Nếu Giáp có ít quân hơn và bị thiệt hại ít hơn mà thắng thì mới gọi là tài, còn tương quan nghiêng hẳn về phía CSVN như thế thì hầu như tướng nào cũng có thể đánh thắng. Hầu hết các trận đánh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy hay của CSVN sau này (như trận đánh trại Biệt Kích K’Nak, tình Gia Lai ngày 7-8/3/1965, chết 471 bộ đội và hang mấy trăm người của lực lượng phụ thuộc khác) cũng thường diễn ra như vậy, lấy đông và mạnh áp đảo mà thường thiệt hại rất nặng.

Trong cuốn “Hồi Ký Trần Canh”, do nhà xuất bản Nhân Dân Giải Phóng Quân ấn hành tại Bắc Kinh năm 1984, Trần Canh miêu tả Võ Nguyên Giáp là người “quay quắt, không chính trực và không lương thiện lắm” (slippery, and not very upright and honest). Theo Trần Canh, có lần Giáp phàn nàn với Trần Canh về những phê bình của La Quý Ba về Giáp, nhưng khi La Quý Ba có mặt thì Giáp lại luôn tỏ vẻ chân tình và nồng nhiệt.

Trong Chiến Dịch Biên Giới, bộ đội tấn công quân Pháp ở Đông Khê ngày 16/9/1950 bị thiệt hại nặng nên rút ra. Trần Canh và Vi Quốc Thanh biết được tình hình này lập tức đến Bộ Chỉ Huy Tiền Tuyến Quân Đội Nhân Dân, gặp Võ Nguyên Giáp, cùng nghiên cứu nguyên nhân tấn công bị thất bại, ra lệnh cho bộ đội điều chỉnh sự bố trí, bao vây chặt, đề phòng địch phá vây, đến tối sẽ tấn công lại... Cũng như trận phục kích và tấn công đoàn quân tiếp viện của Lepage ở núi Cốc Xá, số thương vong của bộ đội CSVN trong cuộc tấn công ngày 5/10/1950 khá lớn, cán bộ kêu khổ, Võ Nguyên Giáp đề nghị cho quân nghỉ ngơi, chỉnh đốn, nhưng Trần Canh cho rằng “chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi” và dọa nếu không đánh tiếp sẽ bỏ về Trung Quốc…

Trần Canh ghi lại những khuyết điểm về tổ chức của bộ đội Việt Minh: khả năng truyền thông, kỷ luật, cán bộ chính trị chưa giỏi, tham nhũng, thiếu can đảm và không huy động phụ nữ đúng theo học thuyết “chiến tranh nhân dân”.

Trong trận tấn công điện Biên Phủ đợt 2 kể từ ngày 30/3/1954, khi quân số khoảng 2 Sư Đoàn bộ đội đánh cứ điểm C1 và A1 thuộc trung tâm Mường Thanh cả tuần, bị thiệt hại nặng mà vẫn không xong, về mặt trận này có đoạn: Lúc này Võ Nguyên Giáp hơi sốt ruột chưa đánh hạ được A1, liền ra lệnh tấn công C1. Đồng chí chưa bàn với Vi Quốc Thanh quyết định điều Trung Đoàn 102 của Đại Đoàn 308, ngày 11/4 tấn công Đồi C1, kết quả bị hỏa pháo địch sát thương nặng, toàn Trung Đoàn thương vong trên 700 người, không thể tiếp tục chiến đấu. Trung Đoàn 102 là Trung Đoàn chủ lực của Đại Đoàn 308, là bộ đội từ khi bắt đầu Chiến Dịch cho đến nay chưa bị tổn thất, lần này bị trọng thương, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của trận đánh. Chỉ huy ‘’quả đoán’’ của Võ Nguyên Giáp lần này không ngờ bị vấp váp. Vi Quốc Thanh lựa lời an ủi đồng chí, nêu ra kiến nghị tạm ngừng tiến công chuyển sang tổng kết chỉnh đốn. Võ Nguyên Giáp tiếp nhận kiến nghị này…

Chính Trần Canh đã khuyến cáo đánh Đông Khê và Thất Khê trước thay vì đánh Cao Bằng và không đánh về đồng bằng sông Hồng theo quan điểm của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp mà đánh các cứ điểm biên giới để mở rộng hành lang với TQ dễ dàng cho việc tiếp viện.

Vi Quốc Thanh sau khi về dưỡng bệnh và trở qua lần thứ 2 ngày 25/10/1953, đã đưa trực tiếp cho Hồ Chí Minh bản kế hoạch quân sự của Tướng Henri Navarre bằng tiếng Pháp do Cục Tình Báo Bộ Tổng Tham Mưu TQ lấy được. Thanh là người chủ yếu trong việc thiết kế trận Điện Biên Phủ, việc đào hầm bao vây trong đợt 3, chia cắt quân Pháp cũng là ý kiến và hỗ trợ của Trung Quốc dẫn đến việc đặt 1 tấn chất nổ TNT tại hầm chỉ huy của Pháp ở A1... đưa đến chiến thắng cuối cùng. Năm 1978, khi hai đảng bất đồng, chính Vi Quốc Thanh đã nói: "Phải dạy cho Việt Nam bài học.".

Với quân số gấp bội, hỏa lực dồi dào hơn, thì thắng là chuyện bình thường, nhưng tổn thất lớn gấp bội hơn phía Pháp là cái dở của Giáp và cố vấn CSTQ.

Nếu Giáp ít quân hơn và bị thiệt hại ít hơn thì mới gọi là tài, còn tương quan nghiêng hẳn về phía CSVN như thế thì hầu như tướng nào cũng có thể đánh thắng. Hầu hết các trận đánh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy hay của CSVN sau này cũng thường diễn ra như vậy, lấy đông và mạnh áp đảo mà thường thiệt hại rất nặng.

Về Khả Năng Quân Sự Và Ngoại Giao Của HCM - VNG?

1- HCM và Võ Nguyên Giáp không biết gì về quân sự, cũng chẳng có chiến lược, chiến thuật gì mới lạ, chi giỏỉ thí quân (*)! Họ điều quân kiểu “vừa làm, vừa học”, kiểu “sáng sai, chiều sửa, càng sửa, càng sai”, làm hao tổn biết bao sinh mạng. Trong khi họ rất sợ chết, hãy để ý xem, trong các trận lớn như Điện Biên Phủ 1954, Mậu Thân 1986 (HCM trở qua TQ ngay sau khi thu trước “mật lệnh” ra lệnh cho bộ đội ra mặt trận “Xuân này hơn hẳn mọi xuân qua, …” để phát trong đêm giao thừa)… HCM đều trốn rất kỹ! Không có CSTQ thì hoàn toàn CSVN với đội “Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân” của Võ Nguyên Giáp lập ngày 22/12/1944 tại Cao Bằng với 34 người mà đa số là người Nùng thì không làm được gì cả.

Về thí quân:

- Năm 1968, Tổng Tấn Công và Nổi Dậy Tết Mậu Thân với thiệt hại 75.000 người, bằng cả 9 năm kháng chiến chống Pháp.

- Năm 1972, chiến dịch Trị Thiên có 6 Sư Đoàn tham gia gồm 312, 308, 324, 325, 320, 341. Theo thông tin gần đây cho biết Sư Đoàn 308 đã mất 70% quân số; Sư Đoàn 312 đã bổ sung quân 13 đợt, mỗi đợt 500 người; Sư Đoàn 320 đã mất 80% quân số. Các Sư Đoàn còn lại tham chiến đều mất ít nhất nửa số quân. Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 320 với lời nguyền "Trung Đoàn 48 còn, Thành cổ Quảng Trị còn." đã rút khỏi chiến địa khi chỉ còn gần 80 người.

2- Đường lối ngoại giao của HCM và đảng CSVN cũng đầy thất bại vì thiếu tầm nhìn chiến lược xa và nhất là chạy theo CS, thiếu cái tâm vì dân tộc. Thật vậy, HCM cúi đầu nhận viện trợ, bị cả Liên Xô và CSTQ ép về mọi mặt, nhận chỉ thị và cố vấn CSTQ về “đánh dân” qua vụ Cải Cách Ruộng Đất”. Bắt tay với Pháp rồi đánh Pháp, bắt tay với Mỹ rồi đánh Mỹ, bắt tay với Campuchea (Khmer Đỏ) rồi đánh Campuchea, bắt tay với Tàu rồi đánh Tàu!!! Đất nước nghèo nàn, lạc hậu mà tại sao cứ phải chiến tranh liên tục? Khiến đất nước tan hoang, dân tộc bị phân hóa, đạo đức bị suy đồi!!!

Điều này làm liên tưởng đến đạo diễn Tạ Huy Cường (tuổi độ 30, đã đạo diễn một vài phim ngắn như game show “Chắp Cánh Thương Hiệu”), bên cạnh tổng đạo diễn lão luyện Cận Đức Mậu (đã thực hiện bộ phim “Bao Thanh Thiên, Đại Tống Khai Quốc…”). Tóm lại là chẳng có thế giá gì, chỉ như một người đi học việc khi thực hiện bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường Tới Thành Thăng Long” năm 2010, đã bị dư luận lên án và cuối cùng phải bỏ.

Đỗ Thông Minh

http://vietnamaaa.numeriblog.fr/congsan/2009/07/%C4%91%E1%BB%8Dc-h%E1%BB%93i-k%C3%BD-c%E1%BB%A7a-nh%E1%BB%AFng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-trong-cu%E1%BB%99c-i.html
http://my.opera.com/labika/forums/topic.dml?id=265603&t=1283755598&page=1#comment2883940
http://my.opera.com/PANWENFANGHUI/blog/show.dml/4151624
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_%C4%90i%E1%BB%87n_Bi%C3%AAn_Ph%E1%BB%A7

Theo Nguyệt San Việt Nam Online
Ý kiến bạn đọc
10 Tháng Mười Một 20108:00 SA
Khách
Tất cả các vị tướng lừng danh trong lịch sử đều có thắng thua và cả sai lầm. Họ trở thành danh tướng vì họ đã thắng trong những trận quyết định. Nếu chỉ lấy thịt đè người mà thắng thì lịch sử thế giới có thể đã khác. Về tướng Giáp chỉ xin nói một điều này: hầu như toàn bộ các tướng đã đi theo ông Giáp đều phục tùng và tôn trọng ông coi ông là anh cả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn