BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73238)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Viễn kiến!

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1221)
Viễn kiến!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Viễn kiến là biết “nhìn xa trông rộng”, người có viễn kiến là người có thể đoán trước được những gì sẽ xảy ra trong tương lai và biết cách để đón nhận cơ hội hay hạn chế những rủi ro sẽ tới. Như vậy đã là con người thì phải có viễn kiến, không trong lĩnh vực này thì cũng trong lĩnh vực khác. Ít nhiều mỗi người bình thường đều phải có viễn kiến về cuộc đời mình, họ cần biết sẽ phải làm gì trong hiện tại và muốn gì trong tương lai. Tất nhiên trong một xã hội quá lạc hậu và mất tự do thì con người không có sự lựa chọn và viễn kiến là điều khó thực hiện được.

Sự mong muốn và hình dung của mỗi người về cuộc đời mình có thể xem là đơn giản với những người bình thường trong một xã hội bình thường. Thông thường thì một người sinh ra trong một giai cấp, một tầng lớp nào đó sẽ trở thành người của giai cấp đó, tầng lớp đó. Người thuộc tầng lớp trí thức (vì có cha mẹ là trí thức) thì phần lớn trong số họ sẽ trở thành trí thức… Căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, năng lực bản thân, hiện tại và tương lai của đất nước mỗi người có viễn kiến hay không có viễn kiến đều dễ dàng tìm cho mình một lối đi.

Tuy nhiên trong một xã hội bình thường hoặc trong những xã hội không có tự do hay lạc hậu thì vẫn có một số người luôn muốn vượt qua số phận, muốn vượt qua giới hạn của giai cấp mình, vượt qua thời đại mình để hướng tới những mục tiêu và lý tưởng lớn lao hơn. Đó chính là họ đã tìm thấy “tư tưởng” định hướng cho những mục tiêu tương lai của họ. Thế nhưng sự dấn thân của họ cho mục tiêu và lý tưởng hướng về tương lai thường là những trắc trở, họ không thể biết rõ 100% là việc họ làm có thể thành công hay không, bởi vì sự thành công còn lệ thuộc vào yếu tố “thời thế”, vì vậy nên mới có câu “thời thế tạo anh hùng”.

Dẫu vậy, những người có viễn kiến sáng suốt vẫn sẵn sàng hy sinh và đánh đổi cuộc đời mình với số phận. Họ là những người được gọi là người “cách mạng”. Không phải tất cả những người làm cách mạng đều thành công, tuy nhiên nếu mục đích của họ luôn luôn trong sáng và vì mọi người; do đó cho dù họ có thất bại họ vẫn được người đời nhớ đến và tôn vinh. Một câu nói nổi tiếng để đời của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học là “Không thành công cũng thành nhân”.

Một người nông dân có viễn kiến là người phải biết áp dụng những thành tựu khoa học mới nhất cho công việc của mình và phải biết sản phẩm mình làm ra được tiêu thụ như thế nào, nhu cầu sẽ tăng hay giảm.v.v. Trong lĩnh vực kinh doanh thì câu nói của tỉ phú Bill Gate cho ta thấy được viễn kiến của người giàu nhất hành tinh: “Chúng tôi không quan tâm hiện tại con người sống như thế nào, cái mà chúng tôi quan tâm là 10, 15 hay 20 năm nữa con người sẽ sống ra sao và họ cần gì?

Một con người có viễn kiến về cuộc sống sẽ hiểu rằng đời người là ngắn ngủi và vì thế họ cố gắng sống và làm việc hết sức mình với mong muốn làm cho cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh được hạnh phúc, được tốt đẹp hơn. Đó là những giáo sĩ, những nhà khoa học, những chính khách, những nhà văn, nhà báo… Nhiều người trong số họ làm việc và cống hiến cho lý tưởng mà quên đi cả bản thân. Hành động của họ bị một số người cho là “khờ dại”, nhưng một đất nước, một dân tộc sẽ hùng mạnh nếu có nhiều người “khờ dại” như vậy. Việt Nam ta nghèo và tụt hậu vì người Việt Nam nào cũng khôn, người nào cũng luồn lách và chụp giật giỏi. Những người không biết luồn lách mà chỉ biết sống trung thực và ngay thẳng thì bị gọi là “hâm”.

Ông bà mình nói “Thú chết để da, người chết để tiếng”. Như vậy thì không cần theo một tôn giáo nào cũng có thể hiểu một điều là “cuộc sống không chấm hết sau khi chết”. Có những cái chết, những tên tuổi sống mãi với thời gian và làm cho người đời thương tiếc mãi không thôi. Ví dụ cái chết của Tổng thống Ba Lan Lech Aleksander Kaczyński trong vụ tai nạn máy bay ở Nga đã làm rúng động cả thế giới. Trong khi đó nhiều cái chết của các nhà độc tài diễn ra trong cảnh hò reo của dân chúng (ví dụ Saddam Hussein). Có những cái chết và tên tuổi làm rạng danh cho cả một dòng họ và cũng có những tên tuổi mà con cháu không dám nhận vì xấu hổ. Lịch sử vốn công bằng, xấu tốt hay dở đều được ghi nhận rõ ràng, nhất là trong thời đại kỹ thuật số như bây giờ. Bia miệng người đời cũng không bao giờ gột rửa được nên mới có câu:
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Bây giờ chúng ta cũng bàn luận về “viễn kiến chính trị” của những người cộng sản. Trong nhiều bài viết của mình tôi có nói rằng cộng sản không có viễn kiến, điều đó đúng không? Tất nhiên là đúng như vậy. Đầu tiên và đơn giản nhất là nếu có viễn kiến thì đã không chọn cộng sản. Chúng ta đều biết rằng chủ nghĩa cộng sản là sản phẩm của Marx và Engelsen. Hai ông này là người Châu Âu. Đảng cộng sản Pháp và các đảng cộng sản ở một số nước Châu Âu ra đời từ rất sớm so với Việt Nam. Thế nhưng cả Châu Âu chưa có người dân và quốc gia nào chọn và bỏ phiếu cho đảng cộng sản. Người Châu Âu có viễn kiến và thông minh nên đã không chọn cộng sản. Marx đã có lần bị Bộ Ngoại giao Anh từ chối cấp visa vào Anh vì cho rằng Marx “có vấn đề về thần kinh”. Duy nhất chỉ có hai nước, đúng ra là hai kẻ chọn Marx và chủ nghĩa cộng sản đó là Lenin và Hitler. Hai kẻ này đều xuất thân từ giai cấp thấp hèn trong xã hội, nên nuôi trong lòng sự hận thù con người. Khi vớ được học thuyết “đấu tranh giai cấp” của Marx cả hai đều lấy làm tâm đắc. Hitler thay đổi một chút, từ “đấu tranh giai cấp” chuyển sang “đấu tranh chủng tộc”. Hitler đã tàn sát hàng triệu người Do Thái vô tội và dẫn nước Đức đến bờ vực thẳm bởi chủ nghĩa phát-xít. Stalin của nước Nga cũng không kém phần, cùng với Mao Trạch Đông của Trung Quốc, Pol-pot của Campuchia và những nước “cộng sản anh em” khác đã giết hại hơn 100 triệu người vô tội trên thế giới. Một bức tượng đã được dựng lên ở thủ đô Hoa Kỳ để tưởng niệm hơn 100 triệu nạn nhân đã bị giết hại bởi chủ nghĩa cộng sản. Quốc hội Châu Âu đã khẳng định và tuyên bố rằng: Cộng sản là tội ác chống lại nhân loại. Bộ phim thời sự “Tội ác cộng sản-The Soviet Story” đã phần nào phơi bày ra ánh sáng tội ác diệt chủng của chủ nghĩa cộng sản. Bộ phim công phu và rất nhiều tư liệu quý giá lột tả được nét tương đồng đến kỳ lạ giữa chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản cùng những tội ác ghê gớm của chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cho loài người. Chúng ta xem phim này không phải để căm thù người cộng sản mà để biết, để nhớ và để cảnh báo các thế hệ sau đừng mắc phải những tội ác ghê rợn đến như vậy. Âu đó cũng là bổn phận của chúng ta.

Tất cả mọi sai lầm của những người cộng sản Việt Nam đều bắt đầu từ sai lầm đầu tiên, đó là sự lựa chọn chủ nghĩa cộng sản. Khi đã chọn sai đường và sai ngay từ điểm xuất phát thì hành trình tiếp theo sau đó đương nhiên là “đâm đầu vào bụi rậm”, càng cố vùng vẫy và xoay xở càng bế tắc. Cách thoát ra khỏi mớ bòng bong đó đơn giản là quay ra đường cái lớn mà đi (cùng với nhân loại) thay vì mò mẫm trong rừng tối. Thế nhưng vì thiếu viễn kiến, thiếu can đảm nên họ vẫn cứ “cố đấm ăn xôi”. Khi ông Nguyễn Văn Linh trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại đại hội đảng lần VI, với câu nói nổi tiếng “đổi mới hay là chết”, tưởng chừng như đảng cộng sản đã nhận ra vấn đề và thay đổi để thoát khỏi ngõ cụt, nhưng không phải. Chỉ mỗi lĩnh vực kinh tế là được nới lỏng còn chính trị vẫn giữ nguyên. Nhờ chút tự do về kinh tế nên Việt Nam từ một nước thiếu đói thường xuyên đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên với chủ trương tiếp tục để các doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo nền kinh tế, nên kinh tế Việt Nam phát triển méo mó và không bền vững mà hậu quả của nó là hiện tượng Vinashin, vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất và rất nhiều các tập đoàn kinh tế nhà nước khác đang chờ khai tử. Cũng vì thiếu viễn kiến nên chính quyền Việt Nam không hề nghĩ đến tương lai, bất chấp hậu quả đã cho khai thác tài nguyên đất nước vô tội vạ như vụ bô-xít trên Tây Nguyên, hay cho Trung Quốc thuê hàng trăm hecta rừng biên giới.

Nhân loại đang ở thế kỷ 21 mà chính quyền Việt Nam vẫn đang kêu gào tiến lên xã hội chủ nghĩa thì không hiểu là viễn kiến của họ nằm ở đâu? Một đất nước chưa sản xuất được con ốc vít cho tử tế mà dám khoe rằng 10 năm nữa Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp… Nhiều người cho rằng Việt Nam đang bị các nhóm lợi ích và các tập đoàn kinh tế thao túng. Rất nhiều người trong số họ đã là triệu phú, tỉ phú đô la. Không hiểu họ cần nhiều tiền như vậy để làm gì? Chẳng lẽ họ có thể tiêu hết chừng đấy tiền sao? Nếu họ để lại cho con cháu họ gia tài khổng lồ đó thì bản thân họ không hề có chút viễn kiến nào. Họ đã vô tình làm hại con cái của họ. Những kẻ tự nhiên thừa hưởng một khối tài sản lớn từ trên trời rơi xuống như vậy thì chỉ có phá phách và ăn chơi. Một sự thật mà chúng ta thấy được là đảng cộng sản cầm quyền đã 65 năm nay nhưng rất ít thấy ai thuộc con cái của lớp những người lãnh đạo đảng là thành đạt và nên người như bố mẹ họ. Một bài báo rất hay và rất nên đọc là bài“Ủy viên Bộ chính trị: Ông là ai?”, tác giả đã vẽ được chân dung của các tập đoàn lợi ích đứng đằng sau đảng, giật dây mọi chuyện ở Việt Nam cũng như chân dung thật của 15 vị ủy viên bộ chính trị. Tác giả viết:
“Chính các tập đoàn lợi ích này đã biến các ông ủy viên bộ chính trị thành những con rối trên sân khấu chính trị nước Việt hiện tại mà thôi. Họ lợi dụng sự “ngây thơ” của các ông để thao túng chính sách và trục lợi trên thân người dân Việt.
Thực ra, các ông có gì đâu ngoài cái “xác phàm” ấy. Nguyên thủ các nước sau một nhiệm kỳ là thần sắc thay đổi hẳn, đầu kỳ trai tráng, cuối kỳ xác xơ. Còn các ông thì ngược lại, đầu kỳ vàng vọt, cuối kỳ bảnh bao béo tốt, gần bảy chục tuổi hết mà không thấy một sợi tóc bạc trên đầu (ngoại trừ 2 ông), mái tóc lúc nào cũng đen nhánh, chải chuốt, xịt keo bóng mượt. Chẳng biết có phải các ông “hồi xuân” do bổng lộc quá nhiều hay do nhuộm tóc đen thành “trai tráng phong độ”. Nhưng phong độ để mà làm gì? để “đú đởn” với ai?”

Một sự thật mà nhiều người (đa số là quan chức) nhờ tham nhũng mà giàu có cố tình không biết đó là họ có thể lừa dối người dân và che mắt được thiên hạ nhưng không thể che mắt được vợ con hay người thân của mình. Những đồng tiền dơ bẩn do tham nhũng sẽ bị con cái họ ném không tiếc vào các cuộc ăn chơi trác táng và hậu quả là nghiện ngập hay hư hỏng là điều ắt phải xảy ra.

Làm quan cộng sản thời này nhục nhiều hơn là vinh. Con đường dẫn họ đến quyền lực là do “mua chức chạy quyền” chứ không phải tiến thân bằng năng lực nên dẫu có là quan to hay nhỏ cũng không thể khiến cấp dưới tin tưởng và tâm phục khẩu phục. Cấp dưới chỉ sợ cấp trên ở cái ghế mà họ ngồi chứ không hề vì tư cách đạo đức của người đó. Có chuyện kể rằng ở cơ quan nọ có một vị sếp rất oai phong, ai trong cơ quan cũng phải sợ. Một hôm, có một người nhân viên, có việc vào phòng sếp và nhìn thấy quyết định cho sếp nghĩ hưu, chỉ vài phút sau cả cơ quan đã được biết tin đó và “chuyện lạ” đã xảy ra. Người sếp vốn rất uy quyền đã rất ngạc nhiên không hiểu vì sao từ lúc đó trở đi bất cứ nhân viên nào gặp sếp cũng không thèm chào, sếp có hỏi cũng coi như không nghe thấy. Thật là đáng thương cho những kẻ làm quan thời cộng sản. Trong khi đó trên thế giới rất nhiều chính khách khi còn tại chức gặp không biết bao nhiêu là sóng gió thậm chí nhiều người phải mất chức giữa chừng, nhưng khi trở về đời thường họ vẫn được mọi người yêu quí và kính trọng và họ vẫn có thể hữu ích cho xã hội, ví dụ như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hay cựu Thủ tướng Anh Tony Blair…

Quan chức Việt Nam dù lớn cỡ nào mà đã về vườn coi như là hết thời. Rất ít thấy sự xuất hiện của họ giữa chốn đông người hay gặp gỡ người dân. Có thể họ xấu hổ hay sợ người dân chất vấn nên không dám xuất hiện? Dù là lý do gì thì đó cũng là điều đáng buồn cho họ. Con cái họ cũng không lấy làm hãnh diện hay tự hào gì về bố mẹ, nhiều khi phải dấu biệt tung tích vì nói ra sợ người đời cạnh khóe. Có một sự thật mà báo chí đã có đề cập đến đó là có một số thanh niên giỏi giang, thành đạt nhưng vì là “con ông cháu cha” nên ai cũng nghĩ là công việc tốt mà họ đang có là nhờ vào sự gửi gắm của bố mẹ chứ không phải do tài năng của họ. Đây là điều khá oan ức cho một số người nhưng không có cách nào giải thích được.

Cách duy nhất để thoát khỏi cảnh đời éo le này là hãy làm như ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, hãy lắng nghe tâm sự của ông qua bài thơ ông mới viết sau khi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho “thôi việc”:
CÓ MỘT NGÀY

Có một ngày
Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
Có một ngày
Không vui sướng cũng không ngần ngại
Tôi rẽ vào ngã đời
Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
Tết này có ai cho rượu ngoại?
Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
Xuân này thôi họp hành lễ lạt
Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
Giờ như bao chú cô bác khác
Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
Chút gian khó CỦA đời cha sẽ nếm
Để gần hơn bao thân phận mất còn!

Con người rồi ai cũng phải trở về cát bụi, sống cho ra sống và sống sao để khi chết đi rồi còn để lại chút tiếng thơm cho con cháu đó là viễn kiến của đời người. Rất tiếc là nhưng điều tưởng chừng như rất đơn giản này lại không hề là sự dễ dàng đối với những người cộng sản. Thời cuộc đang thay đổi nhanh chóng, hy vọng là những người cộng sản còn lương tâm và tỉnh táo hãy có viễn kiến, hãy biết đồng hành cùng với “bao thân phận mất còn” của muôn dân, để có những ngày tháng cuối đời không ân hận hay ray rứt lương tâm.

Sẽ không công bằng khi nói đến viễn kiến của những người cộng sản mà không đề cập đến “viễn kiến” của những người đang dấn thân cho dân chủ, những người bất đồng chính kiến, thành phần đối lập dân chủ. Do ảnh hưởng bởi lịch sử và văn hóa Khổng Giáo nên tâm lý cam chịu, chờ thời, thiếu đoàn kết và nhất là cách làm chính trị kiểu “nhân sĩ” đã làm cho đối lập dân chủ yếu đi thay vì mạnh lên. Trừ những nhà báo hay blogger, giới khoa học… là những người trung lập, giữ vai trò phản biện thì không nói làm gì, còn những người muốn thay đổi hiện tại thay vì chịu đựng, phải dứt khoát tham gia vào một vài tổ chức chính trị đối lập đứng đắn. Phải hiểu rằng “Tướng” mà không có “Quân” thì sẽ chẳng làm được gì cả. Nhiều tổ chức chính trị xuất hiện mà không hề có “cương lĩnh chính trị”, những điều họ nói ra mơ hồ và chung chung như bao “nhân sĩ” khác. Đội ngũ nòng cốt không có mà chỉ là những tập hợp không thống nhất, dễ dàng bị an ninh cộng sản thâm nhập và vô hiệu hóa. Một số người Việt ở hải ngoại ra đi chủ yếu từ miền Nam, do căm thù cộng sản quá mức mà họ cũng cực đoan không kém gì những người cộng sản, họ chỉ biết đấu tranh kiểu “một mất, một còn”, không chấp nhận và muốn nghe đến những từ như “hòa giải”, “hòa hợp”…

Chừng nào những người cộng sản và những người dân chủ vẫn chưa có “viễn kiến” về tương lai của mình và của đất nước để dứt khoát lựa chọn sự thay đổi, một sự thay đổi có thể chấp nhận được cho tất cả mọi người, thì ngày đó Việt Nam vẫn còn đắm chìm trong nghèo khó và tủi nhục. Và chúng ta cũng đừng trách ai cả mà hãy tự trách chính mình.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Theo Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn