
Cách nay 37 năm, ngày 14 Tháng Ba 1988, quân Trung Cộng nổ súng đánh chiếm đảo đá Gạc Ma [*] thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Nhâp dịp này, truyền thông trong nước đã được Ban Tuyên giáo Trung ương (thuộc đảng Cộng Sản) cho phép đồng loạt đưa tin về sự kiện kỷ niệm được tổ chức tại Đà Nẵng và Khánh Hòa. Trong đó bao gồm việc tưởng niệm 64 binh sỹ Việt Nam đã hy sinh tại Gạc Ma trong dịp đó.
Thế nhưng, đưa tin tuy nhiều nhưng lại thiếu, vì không có một báo đài nào từ hệ thống truyền thông trong nước đã nói rõ 64 tử sỹ ấy đã hy sinh khi không hề có động thái chiến đấu chống lại quân Trung Cộng. Họ chỉ đứng yên tại chỗ trên đảo để làm những chiếc “bia sống” cho quân Trung Cộng nhắm vào và nã đạn mà thôi. Để rồi sau đó, đảo Gạc Ma vốn thuộc chủ quyền Việt Nam đã rơi vào sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Cộng cho đến nay.
Đó là sự thật phũ phàng, đau đớn mà chưa bao giờ chế độ Cộng sản chính thức thừa nhận đối với công chúng và nhất là đối với gia đình của 64 tử sỹ ấy.
Khi ấy, binh sỹ Việt Nam nhận được lệnh “không được nổ súng” vào lực lượng Trung Cộng xâm chiếm đảo. Sự thật ấy đã không thể che đậy, vì lẽ, ngoài 64 tử sỹ bị binh lính Trung Cộng nổ súng bắn chết, thì vẫn còn 9 binh sỹ Việt Nam khác bị Trung Cộng bắt làm tù binh. Đến đầu thập niên 90, khi đã được trả tự do, họ mới mang sự thật về lệnh “không được nổ súng” công bố cho công chúng được biết.
Ông Nguyễn Văn Thông, là 1 trong số 9 tù binh được trao trả về Việt Nam thuật lại: “Bên mình lúc ra đi là quán triệt không được nổ súng, bất cứ giá nào cũng không được nổ súng”.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, trong buổi hội thảo tổ chức nhân dịp kỷ niệm Gạc Ma đã khẳng định rõ đích danh của người ra lệnh “không được nổ súng” chính là ông Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng khi ấy, người sau này nắm đến chức vụ Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết tại Hà Nội, người từng tham dự hội nghị xác nhận sự việc. Không chỉ thế, video ghi hình phần phát biểu của thiếu tướng Lê Mã Lương cũng đã phát tán nhiều trên mạng xã hội.
Ngay cả các bài báo đăng tải chính thức trong nước viết về các buổi tưởng niệm Gạc Ma vào ngày 14 Tháng Ba vừa qua tại Đà Nẵng hoặc Khánh Hòa, nếu lưu ý, độc giả sẽ thấy rằng trong khi thuật lại sự kiện Trung Cộng tấn công, thì cũng không đề cập về bất kỳ sự kháng cự nào, cho dù là nhỏ nhất của các binh sỹ Việt Nam tại Gạc Ma cả.
Điều đó cho thấy, tuy binh sỹ Việt Nam được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hải đảo của đất nước trước đối tượng chính là Trung Cộng luôn luôn lăm le xâm phạm, nhưng họ lại hoàn toàn không được phép chống cự lại nếu Trung Cộng tấn công để xâm phạm chủ quyền ấy.
Chỉ huy quân đội theo cách đó, chẳng khác nào là hành vi bán nước, dâng lãnh thổ của cha ông để lại cho quân xâm lược Trung Cộng cả.
Giả thiết vào thời điểm ấy, phía Việt Nam có lực lượng quân sự mạnh mẽ tại khu vực Trường Sa đi nữa, nhưng với lệnh “không được nổ súng” của người chỉ huy và có thể là chủ trương chung của đảng Cộng Sản, thì lực lượng ấy cũng chỉ là khối đất sét vô hồn, vô giá trị, không hơn, không kém… Và cũng chỉ làm “bia sống” cho những họng súng của quân Trung Cộng xâm lược mà thôi.
Tuy vậy, 4 năm sau đó, năm 1992, ông Lê Đức Anh, kẻ chịu trách nhiệm trong việc làm mất đảo Gạc Ma vào tay Trung Cộng lại được cất nhắc giữ chức vụ cao nhất trong hệ thống chính quyền là Chủ Tịch nước. Có phải ông ấy đang được Đảng Cộng Sản tưởng thưởng về hành vi bán nước, dâng lãnh thổ cho Trung Cộng?
Đó là sự thật về lý do mất đảo Gạc Ma và làm chết 64 binh sỹ Gạc Ma vào ngày 14 Tháng Ba 1988. Sự thật mà chế độ Cộng Sản đã che dấu trong suốt 37 năm qua.
Nhiều người dễ xúc động đã từng lên tiếng ca ngợi ông Tô Lâm, khi ông ấy công khai ca ngợi thành tựu của chính thể Việt Nam Cộng Hòa qua việc nhắc đến Sài Gòn của thập niên 60, thế kỷ trước. Nhân đó, vào ngày tưởng niệm sự kiện mất đảo Gạc Ma cùng với sự hy sinh của 64 tử sỹ, lẽ ra cũng là dịp tốt để ông Tô Lâm chính thức, công khai lên tiếng thừa nhận về sự thật của lịch sử, khi điều đó đã không còn là bí mật nữa. Thế nhưng, ông ấy hoặc chế độ của ông ấy đã lờ đi điều đó.
Không chỉ thế, chế độ Cộng Sản còn nợ thân nhân của 64 tử sỹ Gạc Ma một lời giải thích về nguyên nhân cái chết của con em họ. Nguyên nhân thật chứ không phải chỉ là những lời tán dương hoa mỹ và giả dối. Rằng tại sao con em họ phải chết như những cái “bia sống” trước họng súng kẻ thù chứ không phải chết trong chiến đấu như một người lính.
Thiết nghĩ, kỷ nguyên tốt đẹp mà ông Tô Lâm muốn đưa dân tộc vươn mình đến, thì hành trang không thể nào bao gồm cả những điều dối trá, tệ hại từ trong lịch sử bị chế độ của ông ấy che đậy từ nhiều thập kỷ qua.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 14 Tháng Ba 2025
Đặng Đình Mạnh
Nguồn: https://www.facebook.com/manhdang001/posts/pfbid02EQtKYzf4uH9s3YBjNZtWb91L6iMXkTCDfqRFhZ3n
[*] Vào thời điểm năm 1988, đảo Gạc Ma là một đảo đá chìm, được cấu tạo bằng san hô