Câu chuyện về phe phái vùng miền trong thể chế chính trị Việt Nam, từ cấp BCT đến các bộ thường xuyên có những người cùng vùng miền trong tổ chức, là câu chuyện gây ám ảnh trong dư luận.
Ví dụ bộ Tài Nguyên Môi Trường mấy đời bộ trưởng, thứ trưởng đều là người Hà Tĩnh, hoặc Bộ Kế Hoạch Đầu Tư. Hoặc như Bộ Quốc Phòng thì từ thời ông Giáp là người Quảng Bình đến nay, bộ trưởng toàn người miền Bắc.
Trung ương đảng khoá 13 năm 2021 có những chú ý sau đây.
12 uỷ viên trung ương gốc Nam Định, có 2 người là uỷ viên BCT là các ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng thường trực , ông Phan Văn Giang bộ trưởng quốc phòng. Sau các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Ký, Nguyễn Thanh Long bị kỷ luật rời khỏi trung ương. Hiện còn 9 người là uỷ viên trung ương.
12 uỷ viên trung ương là người Hà Tĩnh. Trong đó có 2 người là uỷ viên BCT giữ chức vụ quan trọng là thường trực ban bí thư Trần Cẩm Tú, trưởng ban tổ chức trung ương Lê Minh Hưng. Hai phó thủ tướng là Trần Hồng Hà, Nguyễn Chí Dũng. Bị kỷ luật 1 người đó là Đặng Quốc Khánh bộ trưởng TNMT- Hiện còn 11 người là uỷ viên trung ương.
14 uỷ viên trung ương người Nghệ An. Trong đó có 3 người là uỷ viên BCT là chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, trưởng ban nội chính trung ương Phan Đình Trạc, chủ tịch hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Các uỷ viên khác cũng giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy như ông Hồ Đức Phócw là phó thủ tướng, bà Phạm Thanh Trà bộ trưởng bộ nội vụ. Ông Trần Sỹ Thanh chủ tịch thành phố Hà Nội. Ông Huệ rời khỏi chính trường, khối Nghệ An còn 2 uỷ viên BCT và 11 uỷ viên trung ương.
Sau khi cố TBT Nguyễn Phú Trọng mất, ông Tô Lâm người Hưng Yên lên thay, một số dư luận cho rằng giờ người Hưng Yên tràn ngập trong trung ương, bộ chính trị.
Khoá 13 khối Hưng Yên có 7 người trong trung ương, đến nay có 3 uỷ viên BCT là ông Tô Lâm làm tổng bí thư, ông Lương Tam Quang là bộ trưởng công an, ông Nguyễn Duy Ngọc làm chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trung ương. Trong số 4 uỷ viên trung ương còn lại chỉ có ông Hoàng Xuân Chiến được dư luận đồn thổi sẽ thay thế ông Phan Văn Giang làm bộ trưởng quốc phòng.
Ông Chiến đeo hàm thượng tướng, hàm của ông Chiến được phong tuần tự 4 năm 1 lần theo quy định. Ông không có chân trong Ban Bí Thư, ở tuổi 63 và thứ trưởng quốc phòng về đối ngoại, ông khó có cửa đấu với ông Nguyễn Tân Cương tranh ghế bộ trưởng , thứ trưởng kiêm tổng tham mưu trưởng người Nam Định đồng hương với đương nhiệm bộ trưởng Phan Văn Giang. Ông Cương kém ông Chiến đến 5 tuổi. Ông Cương mới đây được phong Đại Tướng trước thời hạn cùng với ông Lương Tam Quang. Ông Cương từng là phó cho ông Giang ở sư 312, tư lệnh quân đoàn 1 và bây giờ vẫn là phó cho bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang. Thông thường quân đội chỉ có tổng tham mưu trưởng hay chủ nhiệm tổng cục chính trị sẽ là người kế nhiệm chức bộ trưởng quốc phòng. So về độ tuổi, hàm, chức vụ thì ông Cương áp đảo ông Chiến hoàn toàn. Chưa kể quyền giới thiệu người kế nhiệm của ông Phan Văn Giang.
Nhân đây cũng điểm danh sách có 23 uỷ viên trung ương đảng khoá 13 năm 2021 thuộc khối quân đội, đến nay có 3 người trong Bộ Chính Trị là ông Lương Cường, Phan Văn Giang, Nguyễn Trọng Nghĩa . Ông Trịnh Văn Quyết chủ nhiệm TCCT là ban bí thư, mới được phong hàm trước thời hạn.
Trong khi đó trung ương đảng khoá 13 năm 2021 có 6 người là công an.
Nhìn những thông kê trên, cho thấy khối công an hay gốc Hưng Yên trong trung ương, BCT chưa là gì so với vùng miền và các khối cơ quan khác. Nhưng tâm lý hay một số dư luận thích thổi phồng khi dựa vào một điểm nào đó, ví dụ như ông Tô Lâm làm tổng bí thư thì trung ương tràn ngập công an và người Hưng Yên.
Nếu như ông Tô Lâm làm tổng bí thư, mà số người gốc Hưng Yên lớn hơn các vùng miền khác, chẳng hạn hơn 14 uỷ viên người Nghệ An và số công an hơn 23 uỷ viên của quân đội, lúc đó nhận xét thời ông Tô Lâm toàn người Hưng Yên hay công an còn tạm được. Còn chỉ vì do ông ấy làm TBT mà nhận định Hưng Yên, công an tràn ngập là thiếu khách quan, hoặc có tính chia rẽ, gây mâu thuẫn vì những ý đồ khác.
Bùi Thanh Hiếu