BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 81638)
(Xem: 64265)
(Xem: 41779)
(Xem: 33313)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khi Trump “chơi chiêu”

17 Tháng Ba 20257:47 SA(Xem: 404)
Khi Trump “chơi chiêu”
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Người ta hay nói về “sự khó đoán” của Donald Trump, rằng ông có nhiều “chiêu”, không ai hiểu nổi cả, vì Trump luôn bất ngờ, như một kẻ điên. Chính Trump cũng tự nhận mình là điên.

Năm 2018, khi đề cập các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng, ông gọi mình là “kẻ điên” (“madman”). Trong chiến dịch tranh cử 2024, khi được hỏi về cách sẽ phản ứng với lệnh phong tỏa Đài Loan của Trung Quốc, Trump trả lời, “Tôi không cần phải phản ứng gì cả, vì [Tập Cận Bình] tôn trọng tôi và ông ấy biết tôi cực kỳ điên” (“I won’t have to, because [Xi Jinping] respects me and he knows I’m fucking crazy”).

Thế giới điên loạn của Trump

Thử nhìn lại những gì xảy ra chỉ nội vấn đề thuế trong hơn một tháng qua. Ngày 1-2, Trump loan bố mức thuế 25% với Canada và Mexico, có hiệu lực ngày 4-2. Ngày 3-2, Trump công bố tạm dừng một tháng. Ngày 26-2, Trump nói rằng Mỹ có thể không áp thuế Canada-Mexico cho đến ngày 2-4; hôm sau, Trump báo rằng vụ thuế sẽ bắt đầu vào ngày 4-3… Ngày 11-3, Trump nói Mỹ sẽ đánh thuế thép và kim loại nhập từ Canada lên 50%, để “một lần nữa, dùng sức mạnh kinh tế Mỹ nhằm mang lại chiến thắng cho người dân Mỹ”. Chỉ vài giờ sau, Trump rút lại vụ 50%…

Sự “điên” của Trump khiến chính những người của ông phải nỗ lực giải thích bằng ngôn ngữ của “người tỉnh”. Trong vụ Trump đòi tống cổ người Palestine khỏi Gaza để tạo nên một “Riviera Trung Đông”, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt phải gồng lên để “nói lại cho rõ” rằng, “Tôi có thể xác nhận Tổng thống cam kết tái thiết Gaza và tạm dời những người ở đó vì, như tôi đã chỉ cho quý vị thấy nhiều lần, nơi đó bây giờ chỉ là một đống đổ nát”. Karoline Leavitt hoàn toàn né việc Trump đòi sở hữu Gaza và tống khứ tất cả hai triệu người Palestine.

Cá nhân Trump luôn “định vị” ông là một nhà lãnh đạo khó đoán. Trump nói rằng bằng cách này, ông có thể củng cố chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên, Trump nói, “Chúng ta phải là một quốc gia khó đoán hơn”. Tháng 6-2024, ứng cử viên Phó Tổng thống JD Vance nói, “Tôi chắc chắn 100% rằng sự khó đoán sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ”.

Trump - we want canada - Biếm họa của The Hamilton Spectator
Biếm họa của The Hamilton Spectator



Tuy nhiên, sự khó đoán khác với sự bất thường – một hành vi cho thấy bản thân không biết làm gì và làm như thế nào. Trong nhiệm kỳ một, Trump dọa “xử” Kim Jong Un bằng “lửa và thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy” (“fire and fury like the world has never seen”). Nhưng sau đó, Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên và tuyên bố rằng hai người “phải lòng nhau” (“fell in love”).

Trong nhiều thập niên, nhiều nguyên thủ quốc gia đã thực hiện Lý thuyết Kẻ điên (“Madman Theory”), với ý tưởng rằng, bằng cách hành động theo cách cực kỳ bất ổn, họ có thể khiến đối thủ sợ hãi và nhượng bộ. Lý thuyết Kẻ điên do Daniel Ellsberg và Thomas C. Schelling phác thảo từng được Tổng thống Richard Nixon áp dụng. Nixon nói:

“Tôi gọi đó là Lý thuyết Kẻ điên. Tôi muốn Bắc Việt tin rằng tôi đã đi đến điểm mà tôi có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn chiến tranh. Chúng ta chỉ cần bóng gió với họ rằng ‘vì Chúa, các người nên biết rằng Nixon bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi không thể kiềm chế ông ấy khi ông ấy nổi khùng. Ông ấy đang đặt tay lên nút bấm hạt nhân’; và rồi đích thân Hồ Chí Minh sẽ đến Paris trong hai ngày nữa để cầu xin hòa bình.” (The Ends of Power, H. R. Haldeman và Joseph DiMona, 1978).

“Chiến lược điên rồ” có mang lại lợi ích?

Trên thực tế, rất hiếm khi sự điên rồ thực sự mang lại lợi ích trên trường quốc tế – như nhận xét của giáo sư Roseanne W. McManus (Pennsylvania State University) trong bài “The Limits of the Madman Theory” (Foreign Affairs). Lịch sử chính trị hiện đại cho thấy nguyên thủ nào càng cố tỏ ra điên thì thường không thuyết phục được đối thủ; ngược lại, họ cho thấy họ không đáng tin cậy. Thế giới ngày nay không phải như thời thế kỷ 16, khi triết gia chính trị Niccolo Machiavelli lập luận rằng, trong một số trường hợp nhất định, “giả điên là một điều rất khôn ngoan”.

Loạt nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng Lý thuyết Kẻ điên “không hiệu quả”, chỉ là một giả định được tô vẽ quá mức, có hại cho khả năng răn đe chung và… “đơn thuần chỉ là một thứ điên” (như được chỉ ra trong nghiên cứu học thuật công phu “Madman or Mad Genius? The International Benefits and Domestic Costs of the Madman Strategy”, Joshua A. Schwartz, ngày 4-5-2023).

Những năm 1950 và 1960, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev từng xây dựng hình ảnh như một kẻ hoang dại khó đoán (đến mức Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles nói rằng Khrushchev “lúc nào cũng giống như thằng say xỉn”). Saddam Hussein cũng bị các nhà lãnh đạo nước ngoài coi là kẻ điên; và Tổng thống Ronald Reagan gọi nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi là “thằng hề điên” (“mad clown”) và “kẻ cuồng tín khó lường” (“unpredictable fanatic”). Kim Jong Un cũng thường xuyên được gọi là kẻ điên. Việc Putin xâm lược Ukraine rõ ràng là một hành động điên rồ…

Chiến lược Kẻ điên (Madman Strategy) không phải là cách mang lại thành công. Richard Nixon đã không thắng được Bắc Việt lẫn Liên Xô bằng chiến thuật “giả điên” và cuối cùng Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Khrushchev cũng không thể “hù” Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Dù có thể hiệu quả trong một thời gian ngắn nhưng việc áp dụng “chiến lược điên khùng” về cơ bản là không bền vững trong một thế giới mà bang giao quốc tế ngày càng phức tạp và các động thái quyền lực địa chính trị biến động liên tục.

Adolf Hitler từng cố thể hiện hình ảnh bất thường. Sự điên rồ của Hitler khiến người khác kinh sợ. Hitler đã khai thác tốt điều đó. Tuy nhiên, về lâu dài, sự điên khùng đồng nghĩa với việc mang lại nguy hiểm cho chính mình. Nếu hành động của một nhà lãnh đạo quá thất thường hoặc không thể kiểm soát, đồng minh sẽ xa lánh và thậm chí bộ sậu của chính mình cũng hoang mang.

Trong bài “Does the Madman Theory Actually Work?” (Foreign Policy), Daniel Drezner, giáo sư chính trị quốc tế thuộc Đại học Tufts, cho rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa Nixon và Trump. Nixon chỉ giả điên, còn Trump vừa giả điên vừa giả tỉnh. Giáo sư Drezner nói thêm, Trump đánh giá quá cao chiến lược mặc cả của mình. “Sai lầm nghiêm trọng về mặt khái niệm mà Trump mắc phải trong nhiệm kỳ đầu và ông ấy sẽ mắc phải trong nhiệm kỳ hai là niềm tin rằng, vì có thể bắt nạt đồng minh, ông ấy sẽ giành được nhượng bộ ở mọi nơi thế giới”.

Có không ít trường hợp hù dọa chỉ tổ làm trò cười thiên hạ vì kẻ buông lời hăm dọa lập tức rúm ró một khi gặp phản ứng đối chọi mạnh mẽ. Năm 1976, Tổng thống Idi Amin (Uganda) hùng hổ đòi sáp nhập Tây Kenya. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Kenya, Jomo Kenyatta, dọa chặn hàng nhập khẩu Uganda, Idi Amin co vòi. Idi Amin cũng không thành công với các hành động khiêu khích Tanzania vào năm 1978-1979. Muammar Gaddafi cũng tương tự, sau khi dọa sáp nhập Dải Aouzou, ở phía Bắc Chad vào năm 1980. Trong vụ hù đánh thuế 50% thép nhập từ Canada, Trump đã đối mặt lời đe dọa từ thủ hiến Ontario Doug Ford về việc đáp trả dữ dội bằng việc “cắt hoàn toàn nguồn điện cung cấp cho Mỹ nếu chiến tranh thương mại leo thang”.

Với Trump, điều cần làm là nên chứng minh sự điên rồ có giới hạn, và ông có thể được tin cậy để “nói chuyện phải quấy” với đối tác lẫn đối thủ. Giáo sư chính trị học Roseanne McManus (Penn State University) nói, “nếu bạn luôn hành động thiếu lý trí thì sẽ không ai tin tưởng bạn và không ai muốn ký kết thỏa thuận với bạn”.

Douglas Lute, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, nhận xét rằng chiêu trò của Trump là kiểu kịch bản “tiếng tru của sói” và điều đó không chỉ tổ phá hủy uy tín không chỉ cá nhân Trump mà còn cả nước Mỹ. Giương Đông kích Tây là một binh pháp cổ điển, có thể hữu dụng trong một cuộc đàm phán nào đó chứ khó có thể thành công đối với chính sách phổ quát rộng lớn áp dụng cho mọi đối tượng. Như trong sòng bài, người chơi có thể tung ra vài “đòn lạ” trong vài ván, nhưng một khi đối thủ đã nhận ra, chẳng ai dại dột đánh theo lối đó mà không nghĩ ra cách khác để đập lại. Do vậy, đừng cố tỏ ra “đi guốc trong bụng Trump” để “kiến giải” những động thái thất thường của Trump. Cá nhân Trump có khi còn không hiểu ông ấy đang làm gì.

Mạnh Kim

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/pfbid02kusNUsJ5GosaphiWWgnjbVS1fMXqY4JPGvQ7MWW

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn