Lê Văn Hiền sinh năm 1986 quê ở An Giang va chạm giao thông với NTB 40 tuổi ở Bình Dương, dẫn đến xô xát và anh NTB đã tử vong hôm nay sau khi bị bệnh viện trả về.
Cả hai người đàn ông đều độ tuổi 40, độ tuổi mà người đàn ông đang phải gánh vác rất nhiều gánh nặng, họ đều đi xe máy, chứng tỏ họ cũng không phải khá giả gì. Họ như hàng triệu người đàn ông đang có một cuộc sống trung bình trên mọi miền đất nước.
Cả hai là người miền Nam, không phải dân giang hồ anh chị. Cơn nóng giận của cả hai đến bất chợt và họ lao vào đánh nhau, người thắng thế không kiềm chế cơn giận, còn đá vào đầu khi đối thủ đã nằm dưới đất.
Tôi chứng kiến hai thằng Tây va chạm gì đó ở bến tầu ngầm, khi một thằng ngã xuống, thằng kia bỏ đi. Thằng ngã đứng dậy phủi quần áo rồi cũng đi. Đánh một người đã ngã xuống là hành vi không xứng đáng là người đàn ông, nhất là người nằm xuống không còn khả năng kháng cự.
Tôi chứng kiến hai thằng Tây va chạm gì đó ở bến tầu ngầm, khi một thằng ngã xuống, thằng kia bỏ đi. Thằng ngã đứng dậy phủi quần áo rồi cũng đi. Đánh một người đã ngã xuống là hành vi không xứng đáng là người đàn ông, nhất là người nằm xuống không còn khả năng kháng cự.
Nhưng ở đây, tôi không nghĩ anh Hiền là kém trượng phu, cũng không nghĩ anh là loại côn đồ hung hãn.
Tất cả là cơn giận nhất thời không kiểm soát được. Cơn giận có thể từ những người lao động, lam lũ bình thường. Những con người gánh chịu quá nhiều áp lực của cuộc đời.
Chẳng có thống kê nào chỉ ra tại sao người dân Việt Nam dễ dàng nổi nóng, dễ dàng có thể bạo lực với nhau một cách tận cùng như thế, dù lý do rất không đáng.
Cá nhân tôi nghĩ thế này, có thể là sai hoàn toàn, nhưng dù sao cũng là một suy nghĩ mặc dù cơ sở căn cứ là mơ hồ, thiếu thuyết phục.
Tôi nghĩ một phần những cơn giận ấy, là do người ta bị mất niềm tin, người ta bị thất vọng, người ta bị lừa, bị bội tín, bị bất công. Cái này tôi rút từ bản thân mình ra.
Như tôi có lần đánh bóng đá, một đêm bay sạch cơ nghiệp còn nợ nần, tôi không hề tức giận. Tự mình chơi, tự mình chịu. Làm ăn có lúc không gặp thời, dịch bệnh hay không đánh giá đúng thị trường, tôi cũng không giận, mình không may hay đánh giá không đúng, chẳng có gì mà giận mình hay giận đời. Áp lực của công việc cũng không bao giờ khiến tôi nổi cáu giận. Khó quá sức mình, thì thôi không làm vậy. Rất nhiều lần ngồi đối diện với cơ quan an ninh điều tra, trước cánh cửa nhà tù rộng mở trước mắt, tôi cũng không hề buồn hay tức giận gì, cái gì nó đến sẽ đến theo quy luật vận hành của nó.
Tuy nhiên trong lòng tôi mỗi khi nghĩ đến kẻ nào lừa mình, bất tín, bội nghĩa tôi thường căm giận. Sự căm giận ấy bỗng chốc lại nổi lên khi gặp sự việc gì đó làm mình liên tưởng người cũ, việc cũ. Nhiều khi an ủi trời có mắt, những kẻ lừa đảo, bội tín ấy chúng sẽ không khá được. Cái này đa phần đúng, những kẻ bội tín, lừa đảo không khá được. Có điều chúng vẫn tiếp tục đi lừa đảo và bội tín với người khác. Hoặc tôi cũng hay nổi giận khi gặp cảnh bất công, có thể bất công chẳng phải với mình mà của người khác mà mình chứng kiến.
Các bạn lúc nào đó, nếu có thời gian, thử ngồi ngẫm nghĩ mình có lúc nào giận không, giận chuyện gì, lý do vì sao ? Tìm ra lý do của cơn giận, ít nhiều cũng khắc chế được nó. Đừng để những cơn giận cứ xâm chiếm chúng ta dần mòn, chịu ta chịu đựng mà không biết lý do, rồi nó tích tụ trong lòng đến khi gặp việc không lớn lắm, nhưng nó là ngòi nổ kích thích cơn giận của chúng ta bùng phát.
Người ta thấy sự việc dạng như trên xảy ra, họ phán vô học, côn đồ, thiếu kiểm soát...nhưng có bao giờ người ta tự hỏi lòng mình, đã làm gì bất tín, lừa gạt, bất công chưa ? Cứ nghĩ lại việc mình làm đi, chính những điều nếu đã làm đó, đã tạo những ngọn lửa âm ỉ giận dữ trong lòng người khác đó.
Người Buôn Gió
Facebook
Gửi ý kiến của bạn