Thế giới đang biến động và có nhiều hỗn loạn, tất cả các cường quốc đều đang phải đối phó với những vấn đề khó khăn trong nội tại nước họ cũng như ảnh hưởng quốc tế của họ. Ví dụ trong nước kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng, biểu tình phản đối mọi chuyện. Bên ngoài thì những ảnh hưởng ở các khu vực bị suy giảm, chiến tranh khu vực và sắc tộc có dấu hiệu gia tăng. Việc ông Trump đắc cử khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại Trung Mỹ, giờ đã có những dấu hiệu.
Chủ trương độc lập, tự chủ đa phương hoá quan hệ ngoại giao của chế độ CSVN là tiền đề , là cơ hội để đất nước phát triển, nếu như tập hợp được sự đoàn kết để tận dụng được khoảnh khắc mà thế giới đang xáo trộn này.
Chế độ CSVN tuy kiên định theo đuổi CNCS, nhưng ngày nay đã có một số những động thái uyển chuyển, không xơ cứng, không đặt nặng vấn đề ý thức hệ trong quan hệ đối ngoại. Thực sự thì bản thân những nước xung khắc ý thức hệ với Việt Nam họ cũng không còn coi trọng vấn đề này. Đây cũng là một lợi thế trong thiết lập quan hệ ngoại giao và hình thành những ký kết thương mại.
Cái khó của Việt Nam là tư duy bảo thủ của một số người, sự bảo thủ của họ do không chịu trau dồi kiến thức, không chịu quan sát tình hình thực tế của thế giới và một phần nữa là lợi ích cá nhân của họ. Chẳng hạn như lực lượng chống phương Tây, chống Mỹ trên mặt trận tư tưởng. Bấy lâu nay được nuôi dưỡng nhàn hạ và giữ vị trí ảnh hưởng. Giờ đứng trước việc đa phương hoá quan hệ, họ cảm thấy bị bỏ thừa, cảm thấy tiếng nói của mình không còn quan trọng, họ ra sức ngầm ngăn cản việc nâng cao quan hệ đối tác chiến lược với những nước phương Tây, mà trong tâm trí họ là những nước kẻ thù, hay nói khác là những nước tạo cho họ công ăn việc làm , tạo cho họ chức quyền trong thể chế.
Chúng ta thường nghe những lời lẽ nghiêm trọng cảnh báo về cách mạng màu mà phương Tây nhăm nhe xây dựng ở Việt Nam để lật đổ chế độ CS.
Xin hỏi, các vị chỉ ra cho tôi, quốc gia nào đang nhăm nhe thực hiện cách mạng màu, bạo loạn, lật đổ chế độ Việt Nam bây giờ ?
Hoa Kỳ à, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ tốt đẹp như thời đang Dân Chủ cầm quyền, thời mà tổng bí thư đảng CSVN được Hoa Kỳ chính thức tiếp đón và bàn bạc như nguyên thủ. Còn thời tới đây của ông Trump, ông sẽ không quan tâm đến chế độ VN là CS hay là Tư Bản. Với ông Trump thì lợi ích nước Mỹ trên hết, đồng minh phương Tây hay cộng sản độc tài như Triều Tiên đều chỉ là những đối tượng ông xem xét có đem lại lợi ích gì cho nước Mỹ.
Nếu là đồng minh phương Tây theo chủ nghĩa tư bản mà không có lợi cho nước Mỹ, ông sẵn sàng trở mặt. Nếu độc tài mà chơi đem lại gì lợi cho Mỹ, ông cũng không từ.
Còn tư bản châu Âu với Việt Nam thì sao ? Bảo đảm rằng ở châu Âu bây giờ không có nước nào đi đặt chiến lược diễn biến hoà bình ở Việt Nam làm trọng tâm phải thực hiện cả. Châu Âu già nua đang đối phó với bất ổn về đủ các loại biểu tình, lạm phát, suy thoái kinh tế và mối lo sát sườn về Ucaraina. Họ không thể bỏ tiền để âm mưu diễn biến lật đổ chế độ VN, việc tốn rất nhiều tiền và công sức. Có chăng chỉ những đòi hỏi về nhân quyền cho có lệ. Một vài thượng nghị sĩ, quan chức chính phủ gặp những tổ chức dân chủ, nhân quyền chỉ để giải quyết một số vấn đề trong nhiệm vụ của họ. Ví dụ đưa ra yêu cầu cải thiện về nhân quyền, Việt Nam không thực hiện, họ cũng chẳng có chế tài gì mạnh để trừng phạt. Có chăng chỉ đòi hỏi được phía Việt Nam thả một vài tù nhân sang quốc gia họ tị nạn là đã phần nào hoàn thành trách nhiệm của họ.
Cái khó nữa không phải từ những người cộng sản bảo thủ trong bộ máy thể chế sợ mất ảnh hưởng, vị trí. Cái khó này từ những người chống cộng, những người đấu tranh đòi hỏi dân chủ, đa đảng, nhân quyền, tự do ngôn luận. Việc chế độ VN nâng cấp quan hệ với các nước phương Tây (những nước mà họ nghĩ là chỗ dựa cho họ trong việc đấu tranh đòi đa đảng, đòi lật đổ chế độ CSVN) khiến cho họ cảm thấy chông chênh, dẫn đến bám víu vào suy luận rằng cộng sản chỉ làm mầu, chỉ đu dây, không giải quyết được tích sự gì. Cần phải giải thể chế độ CSVN mới giải quyết được tất cả vấn đề.
Cái khó thứ ba là Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau, khích lệ những người cộng sản bảo thủ và những người đấu tranh dân chủ. Với những người cộng sản bảo thủ thì khuyến khích họ phổ biến lòng căm thù với phương Tây và Mỹ. Với những người chống cộng, Trung Quốc tận dụng việc tranh giành ghế của phe bảo thủ và phe chủ trương đổi mới, để xúi dục công kích cá nhân. Mục đích khiến cho những người đổi mới bị mất uy tín, từ đó phe bảo thủ thân Trung Cộng sẽ nắm quyền.
Thể chế Việt Nam không đi theo con đường của Cu Ba, của Bắc Hàn hay Venezuela đang đi, đó là điều tích cực. Đường lối ấy có thể tạo cho Việt Nam vừa làm ăn với nước độc tài, vừa làm ăn với nước dân chủ. Điều mà các nước độc tài kia không làm, trong bối cảnh các nước lớn gờm nhau ở các khu vực quan trọng đối với họ như Trung Đông, Trung Âu và tới đây sẽ là Phi Châu. Việt Nam đang có một khoảng cách an toàn về an ninh quốc gia, những thứ này thực sự là cơ hội của đất nước.
Lúc này cần nắm tay nhau, hoặc không muốn nắm thì nên đứng nhìn thế sự, không có gì mà phải vội vã nghi hoặc để ngăn cản chiều hướng thay đổi. Đất nước này đã mấy nghìn năm phong kiến, trăm năm đô hộ thực dân, khoảnh khắc dân chủ cộng hoà chỉ ngắn gọn 20 năm ở nửa phần đất nước mà đã xảy ra đảo chính, ám sát người đứng đầu quốc gia. Dân chủ, đa nguyên có thể chờ thêm vài mươi năm nữa cũng chẳng sao so với chiều dài lịch sử đất nước. Nhưng cơ hội để đất nước phát triển là điều nên ghi nhận để không góp được phần gì, cũng không nên vì lợi ích cá nhân mà phá hoại cơ hội phát triển của đất nước.
Cựu cán bộ ban tổ chức trung ương, tân cán bộ ban dân vận hải ngoại.
Bùi Thanh Hiếu.
Gửi ý kiến của bạn