“Hiện tượng” Đinh Thế Huynh cũng rất đặc biệt trong nền chính trị Việt Nam. Ông lên chức cũng khá nhanh, và bị “mất chức” cũng rất đặc biệt.
Ông đã biến mất khỏi chính trường và hình ảnh xã hội gần 10 năm nay, Rồi đột ngột thấy ông xuất hiện trở lại nhận huy hiệu 50 năm tuổi đảng với dáng vẻ khỏe mạnh bình thường…
Các bài viết của những người quen biết ông cung cấp cho chúng ta thêm 1 số tư liệu về cuộc đời ông, tính cách của ông, và giải oan cho ông về “nghi án” đào ngũ khi ông ở chiến trường Quảng Trị 1972.
***
1.LOẠT BÀI CỦA FBK THÔNG PHONG:
(Ký tên: Nguyễn Thông)
“Đinh Thế Huynh
Chiều nay 22.11 (2024), lúc hơi muồn muộn, các báo quốc doanh đồng loạt đăng lại tin của TTXVN về việc “Trao huy hiệu 50 năm tuổi đảng tặng đồng chí Đinh Thế Huynh”.
Có nhẽ đã lâu lắm, lâu lẩu lầu lâu, tên của Đinh Thế Huynh mới được nhắc lại một cách công khai, chính thức. Mà cũng chưa phải đã cởi mở hết. Trong bản tin gốc TTXVN, chỉ có chữ, hoàn toàn không thấy ảnh Huynh, ảnh về cuộc trao huy hiệu vinh dự, mà lẽ thường thì phải đủ cả. Mặc dù trong tin có câu “Phát biểu tại buổi lễ, bày tỏ sự xúc động đón nhận huy hiệu 50 năm tuổi đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh trân trọng cảm ơn đồng chí Trần Cẩm Tú thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng…”, nghĩa là Huynh vẫn khỏe, chứ không phải dạng như hôm qua, trong thông tin việc Bộ Chính trị kỷ luật mấy tay đại ca của bộ máy, có cả thành viên tứ trụ Vương Đình Huệ bị cảnh cáo, thì phần về Võ Văn Thưởng được ghi rằng “chưa xem xét, xử lý kỷ luật đồng chí Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh”. Suốt bao năm, thiên hạ cứ rì rầm nhỏ to chuyện ông Huynh mất chức do bị… bệnh. Bệnh gì thì không ai biết.
Thưởng có bệnh không, cũng không ai biết. Nhớ cách nay chưa lâu, chú em quen bấm tay tôi một nhát rõ đau, thì thầm, anh có biết căn nhà năm bảy tầng bề thế hoành tráng trước mặt kia là của ai không, chiếc xe đen xịn dăm tỉ đậu ngay trên lối người đi bộ kia mà không bị công an thăm hỏi bao giờ là của ai không. Tôi cười, mày hỏi thế quá bằng thách tao thi lấy bằng tiến sĩ. Nó ghé tai, của Võ Văn Thưởng đó, sau khi bị mất chức thì công khai luôn. Chỗ ấy trên đường Trần Đình Xu quận 1. Ai cũng biết, chỉ có tôi và công an không biết. Giờ đương sự lại bị bệnh, đỡ phải bị kỷ luật cùng đom đóm.
Lứa sinh giữa thập niên 50 chúng tôi hầu như đều biết về Đinh Thế Huynh. Có nhiều đứa bạn tôi còn từng quân ngũ với Huynh ở mặt trận Quảng Trị hoặc cùng cơ quan công tác với Huynh (báo Nhân Dân). Bạn tôi, Vũ Trường Thành cùng đơn vị với Huynh hồi ở thành cổ 1972 có lần cười bảo thằng ấy thì tao lạ đéo gì. Thành còn cùng đơn vị với họa sĩ Lê Duy Ứng nổi tiếng.
****
Nhắc tới thành cổ Quảng Trị 1972 mùa hè đỏ lửa, giới nghệ sĩ có 2 nhân vật nổi danh gắn với nó là bác Lê Duy Ứng họa sĩ và bác phó nháy (chụp ảnh) Đoàn Công Tính. Họ cận kề ranh giới sống chết, để lại cho đời những tác phẩm chân thực.
Hồi lâu rồi, tôi đến chơi nhà Vũ Trường Thành (ở Hải Phòng), ngó thấy trên tường bức tranh sơn dầu rõ to về chiến trường Quảng Trị 1972, góc dưới có chữ ký của Lê Duy Ứng. Thành bảo lão í mới tặng tao, còn tao chỉ trả bằng mỗn tô bánh đa đỏ bà xã nấu. Tôi chả hiểu gì về tranh triếc nhưng cũng ra vẻ tấm tắc, lại còn bảo ông Ứng mà chết, mày cứ đem cái tranh này bán đấu giá, có khi tiền còn nhiều hơn bán căn nhà cấp 4 ni. Thành cười, xưa nay mày đéo nói được câu nào ra hồn nhưng lời vừa rồi thì chính xác.
Giờ thì bạn tôi mất rồi, cũng đã 3 năm, một phần do di chứng của những năm tháng chiến tranh (y là thương binh), bác Ứng thì vẫn thọ, có nhẽ đã U80, còn bức tranh trị giá căn nhà cấp 4 kia tôi cũng không biết số phận nó ra sao bởi vợ chồng bạn tôi đã chuyển nhà, thiên di cư trú mấy lần.
Thời chúng tôi sinh viên, đài báo và sân khấu rất ồn ã về vở kịch “Đôi mắt” của tác giả Vũ Dũng Minh. Nghe đâu ông này là bác sĩ, từng lăn lộn trên chiến trường. Cũng nghe người ta kể, bảo nhau rằng vai chiến sĩ Việt bị mù mắt, được mổ cứu đôi mắt lấy nguyên mẫu từ chiến sĩ Lê Duy Ứng.
Ông Ứng bị thương vào mắt, không nhìn thấy gì, nhưng ông đã lấy ngón tay chấm vào máu, sờ soạng vẽ theo trí nhớ trên mảnh vải, được bức chân dung cụ Hồ. Kinh thật. Coi bức tranh có một không hai ấy, thấy cũng giông giống. Có nhẽ thời thập niên 60 hình ảnh ông cụ được treo khắp nơi, từ trong nhà dân ra hội trường ủy ban, cứ ngó mãi, ảnh lặn vào trong óc. Vả lại, vẽ cụ cũng dễ, cứ vầng trán cao, chòm râu thì thể nào chả giống ít nhiều.
Nhắc tới tranh bác Hồ, lại sực nhớ hồi lớp 3 lớp 4 gì đó (nửa đầu thập niên 60) đám chúng tôi học thuộc vanh vách bài thơ loại “học thuộc lòng”, tên nó là gì thì quên, nhưng ruột nó thì nhớ từng chữ. Thế này: “Trên buôn đồng bào Thượng/Một sớm lũ Diệm vào/Ảnh cụ Hồ để đâu/Đưa nạp ra đây hết/Đồng bào vào trong bếp/Bưng hũ muối đem ra/Để ngay ngắn giữa nhà/Đấy, cụ Hồ tôi đấy/Ở miền xuôi cũng vậy/Khi bọn chúng lăm le/Bà con ta một bề/Bưng nồi cơm ra chỉ/Và nơi nào cũng thế/Bờ biển đến chân đèo/Ảnh cụ tuy không treo/Hình cụ đâu cũng có/Bọn kia dù càn rỡ/Muốn thu ảnh thu cờ/Cờ và ảnh cụ Hồ/Thu sao cho hết được”. Đọc xong, đứa nào cũng lè lưỡi. Chả hiểu lè bởi cái gì. Hồi đó bọn trẻ được nhồi nhét khiếp thật.
Chả thế mà hôm ấy, trong cuộc tụ tập tại nhà bác sĩ Tú, một tay nha sĩ lững lẫy ở Nha Trang, lão bạn tôi, Nguyễn Huy Hoàng vừa từ Nga về đọc một lèo bài cụ hồ lớp 3, rồi còn khuyến mãi bài “Cụ Hồ ở giữa lòng dân/Tuy xa xa lắm nhưng gần gần ghê/Mỗi khi thư cụ gửi về/Rộn ràng khắp chợ cùng quê đón mừng”. Tôi chê, bài ngắn thế, ai chả thuộc. Y liền làm mạch nữa 2 bài của Lưu Quang Vũ, bài “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” và bài “Tiếng Việt”, bài nào cũng dài như… trâu đái. Không sót một chữ. Ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Trên đời, tôi từng phục sát đất 3 tay tổ có trí nhớ kinh khủng khiếp, là bác thi sĩ Nguyễn Duy, bác “đủ thứ nhà” Phạm Xuân Nguyên, và giáo sư Nguyễn Huy Hoàng. Nhiều lúc cứ lẩn thẩn, mình chỉ được 1/100 cái trí nhớ của họ là đã đủ no ấm hạnh phúc rồi, chứ đâu mà nghèo bền vững thế này.
Tôi sống ở miền Bắc, khi cụ còn tại thế 14 năm, chả lần nào gặp cụ Hồ. Cả làng cả xã tôi, thậm chí cả huyện, cũng chả ai được nhìn thấy cụ Hồ bằng xương bằng thịt bao giờ. Ông anh tôi bảo cụ ấy là ông trời, ngày nào cũng nhìn thấy trời, nhưng gặp thì không bao giờ nhá, đứng có mơ.
Những năm ấy, bạn Trung Quốc in giúp rất nhiều chân dung cụ Hồ trên vải lụa xám, nhà nước phát không cho dân chúng treo, nhà tôi cũng được một cái. Ngoài ủy ban còn có tranh lụa cụ in màu, đẹp lắm. Chỉ công sở hoặc nhà cán bộ to mới có tranh cụ màu. Về sau nghe người ta xì xào bọn tàu gớm lắm, nó chả tốt gì đâu, nó vẽ cụ rất giống nhưng ở cái cổ áo lại có hình con chó. Kinh mưu mẹo tàu thâm nho.
****
Nhân chuyện về Đinh Thế Huynh, kỳ trước nhà cháu biên tãi thêm một số mẩu xưa người cũ liên quan tới thời Huynh, một số bác giãy lên, gớm, cứ con tằm nó nhả ra tơ mãi, sốt cả ruột.
Thưa các công dân, có những chặng sử cũ đang bị quên đi, hoặc vô tình hoặc cố ý, nếu ta không gợi lại, có thể sẽ mất vĩnh viễn trong sự thờ ơ của người đời. Vậy nên bỉ nhân làm điều đó là có ý, điều gì không nên không phải, chỉ xin sự đại xá.
Lại quay về Đinh Thế Huynh. Tôi cùng lứa với Huynh, xê xích đôi tuổi, sống thời đạn bom, nên nói thật lòng, rất nể trọng Huynh thời trẻ. Huynh đã ra trận khi chưa đủ đôi mươi, một trai thời loạn. Tôi không mặc áo lính không phải bởi hèn, mà do anh tôi đã đi rồi. Gia đình nào chỉ có hai đứa trai, nhà nước có chế độ cho một đứa được tạm hoãn quân dịch, khi nào căng sẽ triệu.
Huynh là một trong những hình ảnh đẹp của tuổi trẻ lúc bấy giờ, như Lê Mã Lương, Vương Đình Cung, như anh Chuyện anh Trò con bà cụ Hiếm, anh Sùng con bà Đang, anh Loa con bà Gầu… làng tôi. Xã tôi dạo đó chỉ hơn 2 nghìn khẩu, cả xã hơn trăm liệt sĩ. Các anh Chuyện Trò Sùng Loa… đều trong danh sách bia mộ nghĩa trang, không trở về với mẹ. Cái lần người ta áp chính sách phải có 3 liệt sĩ trở lên (con và chồng) mới được phong danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng, người ta không phong cho cụ Hiếm, cứ khi chiều buông, nhá nhem tối, cụ lại hờ “Chuyện ơi, Trò ơi, các con đi đâu sao không về với bu”.
Đinh Thế Huynh có cái lý lịch đẹp của trai thời loạn. Dĩ nhiên đẹp khi ấy thôi, chứ khi lịch sử đã thay đổi, mọi thứ được bạch hóa, nhìn nhận khách quan hơn, thì lại khác. Tư duy thời đại đã khác xưa. Đâu thể như một ông tứ trụ vừa rồi, khi nhậm chức, tuyên thệ vẫn tự hào lúc 18 tuổi đã xung phong vào bộ đội để giải phóng miền Nam. Con người mới mà vẫn tư duy ấy thì chả trông đợi được gì. Rất nhiều người miền Nam tôi gặp, cùng làm việc, gần nửa thế kỷ nay, thường nửa đùa nửa thật, thậm chí bực bội, bảo rằng “chúng tôi đâu cần các ngài vào giải phóng để ra nông nỗi này”.
Lý lịch “đẹp”, có lẽ lại khéo nữa, có tài nữa, và như ai đó bảo cùng quê Xuân Trường, Nam Định nữa, nên Đinh Thế Huynh “đường lớn đã mở, vươn tới tương lai”, thăng tiến nhanh. Không như ông bạn tôi, Vũ Trường Thành thương binh, cùng đơn vị thành cổ với Huynh, dứt chiến tranh cởi áo lính, về học sư phạm 10 + 3, làm thầy giáo làng, miệt mài mãi với bảng đen phấn trắng, tới khi hưu, và lên đường sớm.
Thập niên 80, đọc báo Nhân Dân, ta thường gặp những bài của tác giả Đinh Thế Huynh với câu trong ngoặc đơn “phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Liên Xô”. Kể cũng oai sang. Liên Xô bấy giờ là niềm mơ ước của nhiều người. Ngay cả sướng cũng chỉ tới mức “sướng như đi Liên Xô”. Làm báo Nhân Dân, phóng viên báo, có khi quyền thế còn hơn bí thư tỉnh ủy.
Khá nhiều lần tôi ngồi với anh Lương Trần Khải, một cựu binh thành cổ Quảng Trị, rồi Trường Sơn, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh học cấp 3 Kiến Thụy với anh ruột tôi. Năm 1969 anh tôi bị ngưng nhập học trường tuyên giáo trung ương để vào “đại học” đường 9 – Nam Lào, còn bác Khải may mắn vào Đại học Nông nghiệp 1. Tới tháng 9.1971, bác Khải cũng trong đoàn 6971 (ngày 6.9.1971), cái đợt vét sinh viên vào lính để chuẩn bị cho chiến trường Quảng Trị, nơi bị gọi là cối xay thịt. Đau nhất là hàng nghìn sinh viên, những tinh hoa của đất nước, đã bị ném vào cái cối xay ấy. Rồi thoát chết, về học lại năm 1975, anh kỹ sư thú y Lương Trần Khải đầy ký ức chiến tranh.
Có lần bác kể tôi nghe, tao đi đánh nhau nhưng thích viết, từng làm báo cho trung đoàn, sư đoàn, mặt trận, chính tao từng chỉ dẫn thằng Huynh cách viết thế này thế nọ. Được cái nó cũng tình nghĩa trước sau, khi đã ông nọ bà kia vẫn gặp gỡ thăm hỏi chơi bời với anh em. Tôi tò mò thế cái vụ người ta đồn ông ấy đào ngũ, trốn chạy khỏi nơi ác liệt, có không. Anh Khải xua tay, bảo không có đâu, không có chuyện ấy đâu. Vậy Huynh mất chức vì cái gì? Anh Khải nói đếch biết, muốn biết sự thực phải hỏi nó hoặc ông Trọng, mà hai tay ấy thì không cạy miệng được. Vậy nên cái sự Huynh rớt đánh uỵch, gây sửng sốt cho thiên hạ, cho tới nay nguyên nhân vẫn rất chi mù mờ, trong đám bụi hư hư thực thực.
Chắc nhiều người chưa quên, hồi năm 2011 Huynh đương chức Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương (2 chức to nhất về tuyên truyền, lý luận), tới năm 2016 Huynh là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (nhân vật to thứ 5 trong bộ máy cai trị, được coi là ngũ trụ), Huynh đã chém rất ghê. Không biết có được ai xúi ai mớm không, hay là cho mình đã nhất làng Vũ Đại, anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta, Huynh tuyên bố kiểu lập ngôn để đời, rằng Việt Nam chỉ có con đường duy nhất là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, ngoài ra không còn đường nào khác (làm người ta lại nhớ câu của “cụ”: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc chỉ có con đường cách mạng vô sản, ngoài ra không còn đường nào khác). Huynh cũng từng răn đe báo chí, tuyên bố thẳng nước này chỉ có báo chí do nhà nước quản lý, dứt khoát không có báo chí tư nhân, không có chỗ cho báo chí tư nhân, v.v.. Ba X khi ấy trong tứ trụ cũng tuyên bố báo chí tư nhân không tồn tại ở nước này. Sau khi nghe X nói thế, bao nhiêu tình cảm của tôi với đương sự về câu “tình hữu nghị viển vông” bị xóa sạch. Họ xấu đều tốt lỏi cả thôi.
Chả hiểu Huynh bị phốt gì không, chứ riêng việc đóng vai Chí Phèo cạnh tranh về lý luận, định soán ngôi trùm lý luận, dù đã làm tới tổng biên tập báo Nhân Dân, chủ tịch hội đồng lý luận, cũng đủ vào sổ đen rồi. Trời đã là cao, nhưng cần hiểu rằng sau trời còn có trời cao hơn nữa. Một kẻ võ mồm như Huynh sao đủ lực cạnh tranh với trùm. Đời là vậy.
Nhưng rồi sau này người đời cũng hiểu được thực chất của trùm. Cũng chỉ một anh võ mồm, thậm chí còn tệ hơn. Giờ thì chưa kịp đầy năm, hầu như không ai nhắc tới nữa. Và người ta lôi Huynh từ bóng tối ra trao cho huy hiệu đảng.
Mỗi con người, nhất là những VIP (very important person, người rất quan trọng) đều có bóng hình thời đại trong đó, của một dân tộc khổ đau, bi kịch.
****
2.BÀI CỦA LAO TA (NHÀ VĂN TẠ DUY ANH)
(Đăng trên facebook của Phạm Lưu Vũ):
“LÃO TẠ KHÓC THÂY MA
CHÚC MỪNG BÁC ĐINH THẾ HUYNH
Tôi không chúc vụ bác được cái huy hiệu 50 năm gì đó. Tôi chúc mừng bác vì cuối cùng, sau bao nhiêu đồn đoán về sức khỏe, bác xuất hiện như một người khỏe mạnh và thần thái chưa đến nỗi nào. (Năm nay bác Huynh bước sang tuổi 72). Trước đó nghe tin bác về ẩn cư tại khu đô thị Royal City, không thèm tiếp bất cứ ai. Tôi đã định vài lần đến thăm, nhưng thằng bạn thân cả với tôi và bác Huynh nhất định gàn: “Ông ấy đ. tiếp đâu”.
Bác Huynh và tôi có mối quan hệ khá thân thiết. Bác từng là cộng tác viên của Trường Viết văn Nguyễn Du, khi bác mới là thư kí cho ông Hữu Thọ tổng biên tập báo ND. Bình thường nhà trường đều có xe đón đưa giảng viên. Bác Huynh gạt phắt: “Vẽ, quan cách đâu mà phải oai”. Thế là bác tự đến tự về bằng con Dream II, dáng vẻ khá hảo hán! Bác chủ yếu giảng về phóng sự, cho những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày mà Bộ văn hóa bấy giờ giao cho Trường viết văn Nguyễn Du tổ chức. Bác Huynh hoạt khẩu, luôn hút hồn học viên, nên họ thường yêu cầu bác giảng thêm.
Theo thông lệ, mỗi khi bất cứ khách thỉnh giảng nào lên lớp, Nhà trường cử người tiếp đón chu đáo và nhất định phải có vài lời giới thiệu sơ qua về ông bà giảng viên ấy. Đến bác Huynh, sau khi giới thiệu, để bày tỏ sự trọng thị, tôi bèn ngồi cùng học viên nghe bác giảng. Không phải giảng viên nào tôi cũng ngồi lại. Nhưng lần nào tôi cũng bị bác Huynh “đuổi” ra để, như bác đùa, “Chúng em còn nói phét, chứ anh ngồi chiếu tướng thế bố em cũng chả dám”.
Có lần bác và tôi cãi nhau kịch liệt về hiện tượng bọn trẻ “đi bão” mỗi khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng một đội nào đó, đến mức anh em tưởng không nhìn mặt nhau.
Sau này, khi bác Huynh lên Phó tổng biên tập, bác không còn dễ gần như trước. Nhưng bác vẫn nhận lời giảng bài mỗi khi có lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Chỉ có điều thay vì cưỡi con “rim ghẻ”, bác đến bằng ô tô con của báo. Từ dáng đi, cử chỉ của bác đều oai vệ hẳn lên.
Lần ấy báo ND tiếp đón các đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ. Ông Hữu Thọ đích thân đứng đón khách, bắt tay từng người một. Tôi ngồi dự một lúc thì bỏ về. Trên đường ra khỏi báo, tôi phải đi qua chỗ bác Huynh ngồi làm việc. Tôi không nhìn thấy bác nhưng bác nhìn thấy tôi. Bác bèn ra hẳn bên ngoài thân thiết bảo: “Duy Anh, vào đây uống trà với anh đã, vội gì”. Tôi bước vào căn phòng khá nhỏ và bày biện sơ sài. Bác Huynh pha trà xong, rót mỗi anh em một chén, nhìn tôi tủm tỉm: “Chú em thấy anh độ này thế nào?” Tôi đáp luôn: “Rất vượng”. Bác cúi xuống cười: “Mày chỉ khéo động viên anh”. Tôi lại nói luôn: “Đại hội tới anh sẽ vào nhà đỏ”. Lần này bác cười to: “Chú vẫn không chừa được thói chọc ngoáy. Trong mấy hội nghị họ định “đánh” chú, anh đều đứng ra bênh. Anh bảo thằng ấy nó ngang nhưng tốt, có tài. Không chọc ngoáy bất thành Duy Anh”. (Chỗ này thì bác Huynh nhầm, vì tôi không thích theo trường phái chọc ngoáy hay chửi đổng!) Đến lượt tôi cười to. Tôi thấy bác Huynh phấn khởi ra mặt, dù bác bảo với tôi: “Cảm ơn chú, mong thế, nhưng khó lắm chú ạ”.
Thế quái nào mà gần 2 năm sau, bác Huynh trúng Ủy viên trung ương thật. Bác bèn nhớ đến tôi, trực tiếp gọi điện mời tôi lên báo ND uống trà. Tôi nhận lời. Nhưng gặp nhau tôi nói luôn: “Hôm nay em chỉ ngồi với anh 15 phút thôi”. Bác Huynh hỏi lại: “Sao?” Tôi đáp tắp lự: “Từ giờ bác là người khác, bác là quan lớn, em xin được tránh xa như tránh trước một tai họa!”. Tôi nói bằng giọng đùa đùa, nhưng cũng khiến bác Huynh tự ái. Tuy vậy, có lẽ do vừa thắng giòn giã, nên bác rộng lượng không chấp, mà chỉ bảo: “Mày định giữ cái thói ấy đến khi nào…”
Hôm đó khi tôi uống hết nửa chai vang và đứng dậy, gần 3 tiếng đã trôi qua. Bác Huynh kịp kể cho tôi vài chuyện khi bác cắp tráp theo hầu cụ ĐM, mà sẽ có dịp tôi kể lại, giờ chưa phải lúc.
Bác Huynh và tôi sau đó vẫn thỉnh thoảng gặp nhau nhưng không còn vồ vập. Tôi chủ động lạnh lùng tạo khoảng cách, khiến có lần thoáng nhìn thấy tôi, đang ngồi trên xe ô tô, bác cử một thằng bạn tôi làm ở Ban văn nghệ báo ND, tìm cách mời tôi lên chỗ bác. Bác dặn thằng bạn tôi thế này: “Thằng Duy Anh nó khí khái, ngang tàng nhưng nhân cách đàng hoàng, nó là nhân sỹ, chú phải khéo nói một tí”.
Nhưng lời mời đã không đến tai tôi, do chính thằng bạn ngại tôi từ chối. Nó mà không kể lại thì làm sao tôi biết được.
Cũng chính thằng bạn kể lại lần ấy bác Huynh gọi nó lên, yêu cầu đọc kỹ truyện ngắn cho thiếu nhi của tôi đăng trên số Tết báo ND (bác Huynh trực tiếp mời tôi gửi bài). Truyện có tên “Không thắng không thua” kể về bọn trẻ chơi chọi gà. Cả hai bên đều hào hứng cổ vũ và hy vọng con gà của mình sẽ “ăn gỏi” con gà của đối phương. Nhưng khi 2 con gà mà mỗi bên chăm sóc cẩn thận được thả vào sới đấu, thì chúng cứ vươn cao cổ nhìn nhau. Rồi bất ngờ hai đấu sĩ ngoặc cổ vào nhau rồi cùng nằm xuống, con nọ rỉa lông cho con kia.
Truyện đại khái thế, dung lượng hơn ngàn chữ.
Chắc có ai đó suy diễn đểu, khiến bác Huynh giật mình. Bác nói với bạn tôi: “Thằng Duy Anh nó thâm lắm, sắp đại hội, ngộ nhỡ nó ám chỉ chuyện đấu đá nội bộ thì lại mệt”.
Chỉ đến khi bác Huynh có chân trong Bộ chính trị, phụ trách Ban tuyên giáo, sau đó lên thường trực, tôi mới tránh hẳn. Vụ xuất bản “Chuyện ở nông trại” (Trại súc vật) bác Huynh vặt ông Hữu Thỉnh ra bã khiến ông quay sang vặt lại chúng tôi như có lần tôi đã kể. Rất có thể, vì có dính đến tôi, thậm chí biết tôi là “kẻ chủ mưu”, nên bác Huynh sau đó lờ đi. Bác Huynh vẫn công khai bảo vệ tôi, chuyện đó tôi biết từ lâu và không có gì phải nghi ngờ.
Rồi nghe tin bác bị bệnh, phải đi viện và từ đó bác đi một lèo, mất toi chức thường trực vào tay người khác. Bác là trường hợp rất đặc biệt của chính trường Việt: Không bị kỉ luật nhưng mất chức mà không ai biết lý do. Mọi người chỉ biết khi hết khóa, bác Huynh mặc nhiên không được nhắc tới. Thậm chí ngay cả cái thông báo bác về hưu hình như cũng không có.
Chúc bác đủ sức nhận cái huy hiệu 90 năm gì đó…
Lao Tạ
Kim Văn Chính
Nguồn : https://www.facebook.com/kimvanchinh/posts/pfbid02JMcxBRdiTTu5AntcW3dBfsbbFsyRvQiCAYwfbtrK