BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77522)
(Xem: 63338)
(Xem: 40785)
(Xem: 32416)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hiểu thêm về thời cải cách ruộng đất qua ‘Lão Khổ’ của Tạ Duy Anh

20 Tháng Mười Một 20247:01 SA(Xem: 287)
Hiểu thêm về thời cải cách ruộng đất qua ‘Lão Khổ’ của Tạ Duy Anh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Tạ Duy Anh được biết đến rộng rãi với tác phẩm Bức tranh của em gái tôi, xuất hiện trong chương trình Ngữ Văn 6. Nhưng không chỉ vậy, cây bút này còn nổi tiếng với những quyển sách gây tranh cãi, thậm chí bị cấm phát hành, như tiểu thuyết Đi tìm nhân vật (2002, được tái bản vào năm 2017); Mối chúa (2017, tác giả viết dưới bút danh Đãng Khấu).

Đa số tiểu thuyết của Tạ Duy Anh đều tập trung phản ánh hiện thực và những tiêu cực trong xã hội.

Một trong những tác phẩm gây chú ý khác của Tạ Duy Anh là Lão Khổ, viết vào năm 1984, khi tác giả mới 25 tuổi.

Tiểu thuyết Lão Khổ lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1992 (Nhà xuất bản Văn học). Sau đó, Tạ Duy Anh đã sửa chữa và gần như viết lại tác phẩm. Đến năm 2014, Lão Khổ mới được tái bản, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhã Nam phát hành.

Tác phẩm được cho là lấy cảm hứng từ cuộc đời của chính cha ruột tác giả, tái hiện một số phận gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, đặc biệt là thời kỳ cải cách ruộng đất vào thập niên 1950.

Qua từng trang sách, độc giả sẽ thấy được một bức tranh sống động và đầy ám ảnh về nỗi đau, sự chất vấn khôn nguôi của những người trong cuộc.

Tác phẩm 'Lão Khổ' của Tạ Duy Anh
Tác phẩm “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhã Nam phát hành năm 2014. Đồ họa: Ngọc Giàu/ Luật Khoa.



***

Cuộc đời của lão Khổ gắn liền với những bi kịch nghiệt ngã. Mới 16 tuổi, lão đã phải đi chăn trâu cho địa chủ, sống như nô lệ và thường bị hành hạ tàn nhẫn.

Sau khi tham gia cách mạng, lão bị vu oan là thành viên của Quốc Dân Đảng, bị quy chụp là địa chủ và bị chính những người từng được lão giúp đỡ đem ra đấu tố.

Thế nhưng, thời thế xoay vần đã biến lão từ một con người chân chất trở thành một kẻ cầm quyền tàn bạo, gieo rắc nỗi khiếp sợ cho hàng vạn người.

Dưới quyền lão, có một đoàn quân “nhếch nhác, đói khổ, nhưng mang vẻ hăm hở pha chút hung bạo” đã nổi dậy truy tìm và hành hình tầng lớp địa chủ, trả thù những kẻ từng đè đầu cưỡi cổ họ.

Trong cuộc báo thù ấy, lão Khổ không chỉ hành hạ những kẻ từng áp bức mình mà còn trừng phạt, đày đọa hậu duệ của họ. Lão muốn thế hệ của những kẻ bóc lột mình phải chịu khổ nhục như cái thời mà lão đã trải qua. 

Nhưng điều quan trọng là ngay cả khi đạt được quyền lực, được tôn là “vua của Xã Hoàng” và những địa chủ không còn trên cõi đời này nữa, thì cơn oán hận của lão Khổ vẫn không thể nguôi ngoai.

Không chỉ là nỗi ám ảnh cho xã hội, lão Khổ còn khiến gia đình mình trở thành một bi kịch. Đối với lão, thế giới chỉ xoay quanh quyền lực và những mục tiêu thực dụng. Lão khinh rẻ trí tưởng tượng và những khát vọng của con trai, cho rằng chúng là đồ bỏ đi vì không mang lại lợi ích về tiền tài, danh vọng.

Do thế, trong mắt con trai, lão Khổ không khác gì loài quỷ dữ.

Mâu thuẫn giữa hai cha con đạt đến đỉnh điểm khi con trai lão đem lòng yêu con gái của một địa chủ từng hành hạ lão.

Những tưởng cái bi kịch tinh thần của lão Khổ đã đủ hành hạ y, nhưng chính tình yêu ngang trái này của đứa con mới làm bùng nổ thật sự con người cay đắng đó. Nó cũng dấy lên sự đối lập lớn trong quyển tiểu thuyết: giữa tư tưởng bảo thủ, tăm tối của lão Khổ và khát vọng tự do của người trẻ đương thời.

Tạ Duy Anh dựng lại một cái nhìn về thời cải cách ruộng đất, cho thấy cái thảm trạng này trên thực tế chỉ là sự thay thế giữa các tầng lớp thống trị. “Địa chủ đỏ” lão Khổ vẫn tiếp tục duy trì vòng luẩn quẩn của bạo lực và áp bức.

Nhưng lương tâm của lão thì sao?

Nó chưa bao giờ được yên ổn.

Lão bị bóng ma quá khứ và những oan nghiệt mà mình gây ra giày vò. Lão chất vấn lương tâm mình vì sự dối trá và những lời hứa hão với nhân dân – những người đã phải xẻ thịt nhau vì một “chiếc bánh vẽ”.

Tạ Duy Anh đã khẳng định trong cuốn sách: bi kịch của lão Khổ không phải nằm ở bản thân lão, mà còn là vấn đề của cả một hệ thống.

Cái hệ thống ấy đã tạo ra một xã hội trọng tiền bạc, khinh tài, lạnh lùng, tàn khốc. Và hệ quả tai hại nhất chính là con người dần mất niềm tin vào công lý và sự tử tế có trong đời.

Nhưng kết cục của lão Khổ ra sao? Liệu lão có thể vực dậy con người đã hoang nát của mình, nhằm cho một cuộc “tái sinh”?

Nam Thành

Nguồn: https://www.luatkhoa.com/2024/11/hieu-them-ve-thoi-cai-cach-ruong-dat-qua-lao-kho-cua-ta-duy-anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn