Sau một cuộc chao đảo quyền lực vô tiền khoáng hậu ở Ba Đình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình rời ngành tòa án và ngồi vào chiếc ghế phó thủ tướng thường trực đầy quyền lực.
Nhưng dù ông có chuyển bao nhiêu cơ quan đi chăng nữa, cái tên ông sẽ mãi gắn với người tử tù oan Hồ Duy Hải.
Tước khi vào chuyện chính, xin nói tới một chuyện khác.
Gần đây, có một việc đáng chú ý trong cộng đồng người Việt ở Mỹ: Giám sát viên Andrew Đỗ đã bị loại khỏi các nhiệm vụ ủy ban sau khi bị cáo buộc liên quan đến một cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang (FBI). Vào ngày 22/8, FBI đã khám xét nhà của ông và vợ, Chánh án Cheri Phạm, tại North Tustin, cùng với nhà của con gái họ, Rhiannon Đỗ. [1]
Ông Andrew Đỗ là Giám sát viên đại diện Địa Hạt 1, bao gồm vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất ở hải ngoại. Vụ khám xét xảy ra sau khi ông và con gái Rhiannon Đỗ bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tài chính lên đến hàng triệu USD từ ngân quỹ của hạt và ngân quỹ COVID-19 của liên bang.
Cụ thể, ông Đỗ bị cáo buộc đã chuyển hơn 10 triệu USD từ ngân sách địa hạt cho Viet America Society (VAS), tổ chức phi lợi nhuận do con gái ông điều hành. Trong số tiền này, 4,2 triệu USD không được giải trình rõ ràng. Dù việc không công khai mối quan hệ gia đình với lãnh đạo VAS không vi phạm chính sách hay luật pháp, ông Đỗ vẫn bị chỉ trích mạnh mẽ.
Sau khi FBI khám xét nhà của gia đình ông Andrew Đỗ, làn sóng phản đối từ cộng đồng gia tăng. Nhiều dân biểu yêu cầu ông từ chức và loại bỏ tên ông khỏi danh sách ủng hộ trên các trang vận động bầu cử. Nhiều người Mỹ gốc Việt cũng chỉ trích ông là nỗi nhục của cộng đồng.
Vụ việc làm nổi bật tình trạng xung đột lợi ích khi một người có thẩm quyền xử lý ngân quỹ liên quan đến người thân, phản ánh rõ nét vấn đề xung đột lợi ích trong hệ thống pháp lý của Mỹ. Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng xung đột lợi ích thường bị làm ngơ và không được xử lý nghiêm túc.
Trở lại với vụ Hồ Duy Hải.
Việc ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã khiến nhiều người dân dấy lên hy vọng mới về vụ án Hồ Duy Hải. [2]
Trước đó, vào năm 2020, khi ông còn giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát dưới quyền ông đã từng kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải với đề nghị tuyên Hồ Duy Hải vô tội. Quyết định kháng nghị này đã nêu ra đến 17 điểm phi lý về vụ án.
Tuy nhiên, trong phiên tòa giám đốc thẩm vào ngày 8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán do ông Nguyễn Hòa Bình lúc đó là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, chủ tọa, cùng với 17/17 thẩm phán cao cấp, đã đồng loạt bác bỏ kháng nghị của Viện Kiểm sát, tiếp tục khẳng định Hồ Duy Hải có tội và phải chịu hình phạt tử hình. [3] [4] Điều này diễn ra dù quá trình điều tra vụ án chứa đầy vi phạm pháp luật, như tiêu hủy và thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay và vết máu tại hiện trường, ép cung, rút bỏ hồ sơ chứng cứ có lợi cho bị cáo, và bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo.
Điều đáng lưu ý là ông Nguyễn Hòa Bình, trước khi trở thành Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đã từng giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao từ năm 2011 đến 2016. Trong thời gian này, ông đã có quan điểm cho rằng Hồ Duy Hải có tội, dẫn đến việc ông ký văn bản khẳng định không kháng nghị bản án và Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải.
Với quá trình tham gia tố tụng như vậy trong cùng một vụ án, lẽ ra ông Nguyễn Hòa Bình phải tự rút lui khỏi tư cách chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm để tránh xung đột lợi ích hay thiếu khách quan.
Tình trạng xung đột lợi ích cũng thường xảy ra trong các vụ án chính trị ở nước ta, nơi thẩm phán và kiểm sát viên, thường là đảng viên, vừa cáo buộc vừa xét xử các đối kháng chính trị. Điều này dẫn đến việc họ có thể thiếu khách quan và công bằng trong quá trình xét xử. Sự xung đột lợi ích còn được thể hiện công khai trong một số vụ, như khi Sở Thông tin và Truyền thông vừa thực hiện vai trò tố giác tội phạm, vừa là đơn vị giám định tư pháp, khiến cho người dân nghi ngờ về tính khách quan của cơ quan này.
Mặc dù luật pháp quy định rằng các cá nhân phải tự rút lui trong trường hợp có xung đột lợi ích, thực tế ở Việt Nam lại cho thấy hiếm khi có ai tự nguyện rút lui ngay cả khi có yêu cầu từ luật sư. Điều này khác biệt rõ rệt so với hệ thống pháp lý ở Mỹ, nơi mà các quy định về xung đột lợi ích được thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Ở nước ta, tình trạng xung đột lợi ích thường bị làm ngơ và được hệ thống tư pháp bảo vệ. Đây là một thực trạng đáng buồn cho nền tư pháp quốc gia.
Đặng Đình Mạnh
Nguồn: https://www.luatkhoa.com/2024/09/xung-dot-loi-ich-trong-tu-phap-tu-vu-cua-andrew-do-toi-ho-duy-hai/