BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76744)
(Xem: 63131)
(Xem: 40528)
(Xem: 32153)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mưa bão và cứu trợ và Việt Nam mãi đỉnh

19 Tháng Chín 20246:34 SA(Xem: 349)
Mưa bão và cứu trợ và Việt Nam mãi đỉnh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Khi còn nhỏ, do sinh trưởng ở miền Nam, tôi hầu như không có cảm giác gì về bão, mỗi khi hiếm hoi có bão xảy ra ở Sài Gòn thì tôi cũng chỉ cảm nghiệm nó như một cơn mưa dầm dề suốt ngày và trời thì âm u, thảng hoặc có kèm theo vài cơn gió giật làm tung bay một hai tấm tôn mái nhà trong xóm trông như những cánh diều bị băng giữa trời. Ngay cả những lần báo chí Sài Gòn loan tin miền Trung bão lụt, các nhà chùa, nhà thờ, các trường học, cơ quan, v.v., phát động cứu trợ, tôi cũng hào hứng tham gia. Là mọi người tham gia thì tôi cũng vui vẻ tham gia vậy thôi, tham gia với nụ cười toe toét vô tư, chứ chẳng nghĩ ngợi gì.

Phải đợi đến khi rời VN qua định cư ở Houston, Texas, tôi mới hiểu được bão là như thế nào khi tận mắt xem trên TV cảnh lụt lội và hoang tàn ở Louisiana lúc tiểu bang này bị cơn bão cấp 3 có tên Katrina với sức gió lên đến 115 mph (185km/giờ) đánh trúng ngày 29/8/2005, bờ kè ven biển bị vỡ khiến 80% diện tích của thành phố thủ phủ bang là New Orleans chìm sâu trong biển nước và 1.400 người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người chạy tháo thân qua các bang lân cận, dân số Houston vì đó mà tăng đột biến, và tăng mãi đến giờ, còn dân số ở New Orleans sau đó chỉ còn hơn một nửa!

Nhưng cũng hiểu hiểu vậy thôi chứ chưa thực sự cảm nhận được cái kinh hoàng của bão. Lý do: 26 ngày sau Katrina, cơn bão cấp 5 với sức gió 180 mph (290km/giờ) có tên Rita trực tiếp đánh vào Houston. Kinh hãi vì những gì vừa xảy ra ở New Orleans, thị trưởng thành phố ban bố lệnh di tản bắt buộc từ trưa ngày 24/9. Hai triệu rưỡi người ùn ùn bỏ chạy khỏi Houston trong “cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, khoảng 100 người thiệt mạng trong cuộc di tản này. Gia đình tôi dĩ nhiên cũng chạy, bị kẹt cứng trên freeway suốt đêm, để rồi năm ngày sau mệt mỏi trở về thì chỉ thấy ở vườn sau nhà gãy mất một nhánh hoa hồng!

Bởi vậy mà ba năm sau, khi Ike đánh vào Houston đêm 13/9/2008, cả thành phố trong đó có gia đình tôi, tuy cũng lo lo về cơn bão cấp 2 này, vẫn cố thủ trong nhà để “trải nghiệm” bão. Và đó là một trải nghiệm kinh hoàng: Nửa đêm, gió bắt đầu giật, ầm ầm. Tôi vén liếp che cửa sổ bếp nhìn ra vườn sau thì trời, cái cây sồi thân to hai người ôm bên hàng xóm cứ quật tới quật lui trong gió lốc như con diều ngắn đuôi căng gió và như chực bật gốc bay tuốt lên trời! Ngay ngôi nhà hai tầng của tôi cũng có vẻ như có thể tốc bay bất cứ lúc nào khiến tôi quá hãi phải xua vợ con chui ngay vào phòng tắm và cố thủ ở đó cho đến sáng.

Cảnh cây sồi to hai người ôm bị quăng quật trong gió bão cứ ở mãi trong đầu tôi để từ đó, mỗi lần TV báo sắp có bão vào Houston là tôi bồn chồn, rồi khi bão nổi, tôi chỉ ước được nhắm mắt ngủ vùi cho khỏi thót tim mỗi lần gió rú. Bão Ike thổi tung hơn 1m² mái nhà của tôi. Bão Harvey, sức tàn phá ngang với Katrina, không gây thiệt hại gì cho khu tôi ở. Bão Alberto hồi tháng 6 vừa qua làm bật gốc một cái cây bên hông nhà. Bão Beryl hai tháng trước thổi bay mấy tấm lợp mái và làm đổ hai đoạn hàng rào. Những cơn bão này sức gió chỉ 120-150km/h mà tôi đã thấy bủn rủn, thì bão Yagi đánh vào Bắc Bộ với sức gió khoảng 200km/h chắc chắn là khiếp đảm.

Ở Mỹ, cụ thể là ở Houston, hệ thống dự phòng, ứng cứu và hỗ trợ mùa bão khá kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là sau trận Rita. Ngoài các thiệt hại về nhân mạng (không nhiều, trừ hồi Rita khiến hơn trăm người chết trong quá trình chạy tránh bão) là không thể bù đắp, các thiệt hại khác, dù không ít, cũng coi như không đáng bận tâm bởi nguồn lực của đất nước này quá lớn. Tất cả thiệt hại đều được nhanh chóng đền bù, ai có bảo hiểm sẽ được các hãng bảo hiểm đền, ai không có thì được chính phủ trợ giúp, thường thì tiền đền bảo hiểm hay tiền chính phủ trợ giúp sẽ nhiều hơn giá trị thiệt hại, dĩ nhiên là trừ trường hợp sập hẳn nhà, tiền đền bù chắc không dư.

Vài ví dụ: Năm 2008 nhà tôi bị bão Ike thổi tung mất hơn 1m² tấm nhựa đường lợp mái làm lộ lớp ván lót, một vài chỗ khác bị nước thấm, và một tấm kính cửa sổ bị nứt, thiệt hại tuy bắt buộc phải sửa chữa song nói chung là quá nhẹ trong một cơn bão cấp 2, nhưng tôi vẫn được hãng bảo hiểm đền khoảng 9000usd. Tôi ra Home Depot là chỗ bán vật liệu sửa chữa nhà mua một sấp mấy chục tấm nhựa đường lợp mái khổ 30cmx100cm, mua cả sấp vì không bán lẻ, mua thêm cái thang trượt bằng nhôm dài 8m, nhờ hai người em họ đến giúp giữ thang và tiếp vật liệu rồi tự mình trèo lên mái vá lại chỗ bị gió thổi trơ ván. Thời gian làm mất 3 tiếng và tổng chi phí khoảng 100usd.

Bão Beryl hai tháng trước thổi bay của nhà tôi mấy miếng lợp mái, mỗi miếng bằng nửa quyển vở, nhưng không làm trơ ván, và thổi nghiêng hai đoạn hàng rào gỗ. Vì lần này tôi không mua bảo hiểm, nên hai vợ chồng đành hì hục tự dựng lại các đoạn bị đổ. Dựng xong, chính phủ hỏi: “Nhà có hư hại gì không? Còn ở được không, hay phải ra khách sạn?” –“Dạ, hư hại chút đỉnh nhưng vẫn ở được”. Chính phủ bảo: “Vậy thì giúp 350usd tiền thực phẩm thôi nhé”. Hai tuần sau, chính phủ gửi thư bảo: “Cấp thêm 750usd tiền dọn dẹp lá rụng cành gãy quanh nhà nữa nè”. Rồi chính phủ dặn: “Nếu không đồng ý với số tiền hỗ trợ thì khiếu nại, nhưng xin nhớ quỹ chính phủ cũng chỉ có thể hỗ trợ bạn tối đa 45.000usd”.

Nhắc lại năm 2005, bão Katrina đánh vào Louisiana, bờ kè ven biển bị vỡ khiến 80% diện tích của thành phố thủ phủ bang là New Orleans chìm sâu trong biển nước và 1.400 người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người chạy tháo thân qua các bang lân cận. Bốn tháng sau thiên tai, để khuyến khích cư dân bị mất nhà vì lụt mau chóng quay trở về, chính quyền bang quyết định trợ cấp cho mỗi gia đình đồng ý hồi cư một số tiền là 150.000usd để tái dựng nhà và ổn định cuộc sống. Còn nhớ, căn nhà hai tầng bằng gạch rất khang trang tôi mua ở vùng tây nam thành phố Houston trước đó hai năm chỉ có giá là 134.000usd.

Chủ Nhật vừa rồi là tuần lễ tưởng niệm 9/11, tôi lên Netflix xem bộ phim “Worth” (Giá trị). Trong vụ khủng bố này, nhiều trăm người trên các chiếc máy bay bị bọn khủng bố khống chế bắt đâm vào Tháp Đôi và Lầu Năm Góc cùng nhiều ngàn người khác đang làm việc trong những toà nhà đó đã thiệt mạng. Theo quyết định của Quốc Hội Mỹ, chính phủ của TT Bush và các hãng máy bay liên quan đã cấp kỳ thành lập một quỹ bồi thường thiệt hại nhân mạng để giải quyết chung một lần, tránh những lằng nhằng về sau nếu các hãng máy bay và các cơ quan công quyền bị từng gia đình nạn nhân kiện vì tội thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh hàng không. Tổng quỹ bồi thường là hơn bảy tỉ đô la.

GS Kenneth Feiberg của Đại học Columbia và các cộng sự được chỉ định thiết kế các tiêu chuẩn đền bù cũng như thuyết phục gia đình các nạn nhân chấp nhận sự đền bù. Là người chỉ tin vào lôgic, rằng mạng người chung qui cũng chỉ là một con số, tiêu chuẩn đền bù Kenneth đưa ra thuần túy dựa vào thiệt hại kinh tế: Anh là lao công vệ sinh, cả đời anh sẽ kiếm được bằng này, ông kia là giám đốc, thiệt hại kinh tế cho gia đình ông ta phải lớn hơn, v.v. Tiêu chuẩn lạnh lùng này đã vấp phải sự phản đối của các gia đình nạn nhân và các nhóm nhân quyền: Giá trị của mạng người không thể đơn thuần chỉ là một con số lạnh lùng! Suy tư về khiá cạnh tình cảm và đạo đức của việc đền bù là một cấp độ cao cả hơn bản thân hành động đền bù. Chính điều này đã làm tôi giật mình khi xem phim: Họ đã tiến quá xa về khía cạnh nhân bản!

Ở Mỹ, ngoài sự cứu trợ của chính phủ, còn có nhiều hoạt động cứu trợ tự phát trong dân. Chẳng hạn, nếu ai đăng lên trang “Kết nối khu xóm” rằng ở địa chỉ nào đó có mấy đứa trẻ đang đói, thì ngay sáng hôm sau trước cửa nhà này sẽ là nhiều gói đồ ăn. Hoặc nếu ai đó gặp nạn phải vào bệnh viện mà không đủ viện phí, bạn bè sẽ đưa ra lời kêu gọi trợ giúp trên các mạng xã hội. Hoạt động cứu trợ tự phát trong dân sẽ rộn ràng nhất khi có thiên tai lớn: góp đồ ăn, quần áo, tặng vật dụng, mở cửa nhà đón nạn nhân vào tạm trú, v.v. Đó là chưa kể những khoản đóng góp cực lớn của những người giàu có dành cho các hỗ trợ từ thiện nói chung. Các việc làm này không cần chính phủ lên tiếng kêu gọi, và chính phủ cũng chẳng bao giờ cần kêu gọi.

Ở Việt Nam, như quan sát được trên facebook về những gì xảy ra trong và sau khi bão Yagi đánh vào Bắc Bộ, cơ chế phòng bị, ứng cứu thiên tai của nhà nước VN nói chung là yếu kém. Riêng về việc cứu trợ sau bão, ngoài những lời kêu gọi sự đóng góp của toàn dân cả tự nguyện lẫn hầu như bắt buộc (như việc trích một ngày lương của các công nhân viên chức nhà nước) thông qua MTTQ theo chỉ đạo của “bác” Thủ Tướng nhiều nước mắt, chưa thấy nhà nước sẽ có kế hoạch hỗ trợ nào cho các nạn nhân, và nếu có thì cụ thể sẽ hỗ trợ được đến đâu. Chính vì việc này mà trên facebook, ngoài những ca ngợi rất xứng đáng dành cho mọi đóng góp kẻ ít người nhiều tùy tâm, đã xuất hiện không ít những thắc mắc.

Bão Yagi - sạt lỡ - sập cầu - chìm trong biển nước

Thắc mắc chung nhất và phổ biến nhất là về độ tin cậy của MTTQ. Về thắc mắc này, Đỗ Trung Quân, chỉ là một ví dụ, đã rất dí dỏm khi tuyên bố: “69 năm sống ở VN / 38 năm làm việc ở 3 tờ báo / Tôi tin / Rất tin ở VN / Có tự do! / Ai cũng được quyền chọn nơi mình tin cậy / vì thế tôi được chọn / nơi / tin cậy / khác!” Có lẽ để trấn an những thắc mắc kiểu này, MTTQ đã cho “sao kê” danh sách những cá nhân và tập thể đóng góp. Từ đây lại nảy sinh thêm các thắc mắc: Thứ nhất là về tính pháp lý của việc tự ý công khai này. Quan trọng hơn là thắc mắc không biết MTTQ có sẽ công khai luôn việc xử dụng toàn bộ số tiền đóng góp không? Việc xử dụng đó có đúng và đủ theo mục đích khởi thủy không? Có kiểm toán độc lập để bảo đảm tính chính xác không?

Những thắc mắc này không phải không có cơ sở. Đài RFA tối qua có bài viết trong đó có đoạn: “Thực tế, sau một số thảm họa, khi người dân góp tiền cho MTTQ và các quỹ hỗ trợ nạn nhân thì tiền đã không được chi đúng và đủ. Ví dụ Quỹ Vaccine Covid còn dư hơn ba ngàn tỷ gửi ngân hàng, chính phủ đến nay chưa công bố sẽ chi dùng số tiền này như thế nào. Chưa kể trong là đại dịch Covid, tiền từ Quỹ Vaccine đã được chi cho nghiên cứu vaccine thay vì chi cho việc mua. Ngoài ra, sau vụ cháy chung cư Thanh Xuân ở Hà Nội khiến 56 người chết năm 2023, MTTQ nhận từ đồng bào đóng góp giúp đỡ nạn nhân hơn 110 tỷ, nhưng chi ra chỉ hơn 6 tỷ, số còn lại nằm trong tài khoản MTTQ thì không ai biết sẽ chi cho ai và chi như thế nào”.

Ngoài các thắc mắc chung nhất trên, các thắc mắc còn lại rất đa dạng. Gọi là thắc mắc nhưng thật ra là những khẳng định gián tiếp được trình bày theo nhiều dạng kiểu. Dạng bí hiểm thì có Cù Mai Công: “Sao kê lần giở trước đèn / Nhân tình thế thái còn truyền sử xanh / Gương Covid vẫn rành rành...” Chẳng hiểu “gương Covid rành rành” là ám chỉ gì? Dạng hài hước thì có Huỳnh Ngọc Chênh: “Khi bão lũ tràn đến, nhiều vùng bị cô lập, chính phủ điều ngay tức thì trực thăng, xe lội nước, ca nô, tàu thuyền đến cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp cho người dân rất hiệu quả và chuyên nghiệp. Nhờ vậy nước mắt không chảy ra nhiều ở đó, và người dân không cần phải biết ơn chính phủ vì họ biết đó là bổn phận của chính phủ phải làm khi đã ăn lương từ tiền thuế của dân. Là tui đang nói chuyện xảy ra ở Thái Lan ngay hiện nay. Rứa hỉ.”

Dạng nói thẳng không sợ mích lòng thì có NT: “Vì sao từ thiện cứ muốn trao tận tay? Vì tình người còn nhưng lòng tin đã mất. Khổ cả người nhận lẫn người cho. Vì đâu nên nỗi?!” Mỉa mai nhất thì có Mạnh Đặng: “Biết tin hàng loạt lãnh đạo chính phủ và các tỉnh phía Bắc từ chức để nhận trách nhiệm về thiệt hại nặng nề cho người và tài sản từ bão Yagi, tôi thành thật gởi lời xin lỗi vì trước đây cho rằng họ vô trách nhiệm. Tha thứ cho tôi!” Nghiêm túc nhất là Trần Trung Đạo với bài “Điều nên tránh trong những ngày tang chế” mà trong đó anh kể lại: “Khi nghe tin bão Linda đánh vào miền Trung hơn hai chục năm trước, các bạn và tôi đứng ra tổ chức cứu trợ dưới hình thức một bữa cơm tại nhà hàng Chow Chow City...”

Anh viết tiếp: “Chúng tôi không dùng tiền từ vé để lo cho chi phí tổ chức nên phải đi vận động nhiều nơi. Các Cha và các cộng đoàn Công Giáo yểm trợ phần ca sĩ với Khánh Ly, Khánh Hà, Vũ Anh v.v… Các chùa giúp bán vé, tiếp tân, trang trí... Trời mùa đông rét lạnh nhưng nhà hàng chật kín. Chương trình quá sức thành công. Nhìn cảnh nhiều cụ già được con cháu dìu đi trong lớp tuyết dày trơn trợt, thật cảm động… Tôi đã viết một bài thơ để cám ơn đồng hương: “Vẫn còn đó, một mùa Xuân em ạ / Dù sáng nay Đông đến giữa quê người...” Nhưng bão Yagi thì khác. Ngoại trừ qua các tôn giáo, không ai trong cộng đồng nhắc chuyện tổ chức cứu trợ như những lần trước. Lý do, cũng vì…”

Nghĩ về tất cả những chuyện trên, về việc cứu trợ thiên tai ở Mỹ, về việc họ đã tiến xa như thế nào khi đặt khía cạnh nhân bản cao hơn khía cạnh cứu trợ đơn thuần, về những gì đọc được trên facebook liên quan đến những thắc mắc xung quanh lời kêu gọi đóng góp nửa tự nguyện nửa hầu như bắt buộc của nhà nước thông qua MTTQ, cũng như về những lùm xùm cõi mạng sau vụ sao kê và check VAR, tôi chợt nghĩ có lẽ nếu nhà nước VN đủ tài lực và vật lực để làm được như chính phủ Ba Lan vừa mới làm mấy hôm nay, là tuyên bố sẽ chủ động chi 260 triệu đô la để trợ giúp các nạn nhân trong trận lụt xảy ra tuần trước ở đất nước của họ, thay vì chỉ kêu gọi người dân đóng góp như ở VN, thì những thắc mắc đã không xảy ra và những khẩu hiệu kiểu “Tự hào quá VN ơi” hoặc “VN mãi đỉnh” hoặc “tình yêu tổ quốc, đồng bào của người VN là nhất thế giới” sẽ không bị xem là lạc quan tếu.

Khuông Tạ
Facebook

Ý kiến bạn đọc
20 Tháng Chín 20242:29 SA
Khách
Thanks for the post
_________________
<a href="https://mao.onlinebk.space">лягушки слоты играть</a>
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn