BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện đồng hồ (kỳ 3)

03 Tháng Chín 20247:07 SA(Xem: 352)
Chuyện đồng hồ (kỳ 3)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hôm nay, tôi lên tút kỳ tiếp theo chuyện về Y.ê.n Hưng (đọc ngược lại), cứ vừa lên là bị "các cháu" nó gỡ, bảo rằng vi phạm. Mấy lần cả thảy. Chán, chả muốn đôi co với họ làm gì.

Thôi thì lên tiếp bài về đồng hồ, chẳng đụng chạm đến ai, còn nó quyết cho rằng ý đồ này nọ cũng đành chịu. Mạng miếc bây giờ đâu có hiền như ngày xưa.

Như đã kể ở bài 2, sau tháng 4.1975, hàng hóa lũ lượt trẩy về miền Bắc, trong đó có đủ loại đồng hồ. Những nhà bình dân, nhất là vùng nông thôn, lâu nay không sắm được đồng hồ, lúc này đã có thể mua chiếc đồng hồ để bàn hoặc treo tường cũ “made in” Nhật, Mỹ đàng hoàng. Người ta có thể cười vui vẻ thịt con gà trống mà không cần nghĩ ngợi lăn tăn gì bởi đã có đồng hồ coi giờ thay tiếng gáy của nó. Đám thanh niên, những tay chơi áo đại cán, mũ cối, dép nhựa Tiền Phong trắng giờ đây có thêm tiêu chuẩn cạnh tranh mới là phải có đồng hồ đeo tay.

Hai loại đồng hồ đeo tay phổ biến và được ưa chuộng nhất những năm cuối thập niên 70 ở miền Bắc là Seiko và Orient, đều của Nhật. Con buôn từ Bắc vào Sài Gòn chủ yếu lùng sục hai loại danh giá này, đem về bán cầm chắc một vốn bốn lời. Đừng thắc mắc biết có lời như vậy sao không tự vào miền Nam, vào Sài Gòn mà mua cho rẻ. Đâu phải ai cũng dễ dàng thu xếp chuyến nam tiến được, trừ con buôn chuyên nghiệp. Thời ấy có câu “5 năm đi tây không bằng một ngày nam tiến”.

Đồng hồ Orient 4 đinh được chuộng nhất. Loại này to, dày, gọi tên 4 đinh bởi có 4 mấu nhô lên 4 góc, màu tím hoặc hồng, xanh nhạt, kim dạ quang sáng ngời. Đeo chiếc Orient 4 đinh, thiên hạ lác mắt, đi tới đâu cũng nhận được những cái nhìn thèm khát và sự trầm trồ thán phục. Lớp tôi có anh Hoàng Thanh Chương người Quảng Trị. Ngay sau tháng 4.1975, Chương xin phép nghỉ học vài tuần về thăm quê. Khi y trở ra, đem cả đài (radio) National to bằng 2 hòn gạch vỏ da nâu và đồng hồ, rất oách. Y đeo chiếc Orient tự động, 2 cửa sổ, tôi lại gần chiêm ngưỡng. Cha mẹ ôi, sao có thứ đồng hồ đẹp, hiện đại khiếp thế không biết. Đeo đồng hồ ấy, con gái chạy theo rần rần. Cũng loại Orient còn có thứ hàng độc nhất vô nhị, dân chơi gọi là Orient thủy quân lục chiến. Chỉ những tay chơi máu mặt mới dám sắm Orient thủy quân lục chiến.

donghoseiko2

Tuy vậy, loại đồng hồ nổi danh ở miền Bắc sau 1975 lại không phải Orient mà là Seiko. Chả biết ai người đầu tiên đọc chữ I thành chữ L, biến “sây kô” thành sen kô, đồng hồ sen kô. Đồng hồ Seiko 5 được dân bắc gọi nôm na là sen kô phai, xem như hạng nhất. Nó (Seiko) được quý chuộng đến mức đánh bạt những tiêu chuẩn xếp hạng khác khi con gái kén chọn người yêu hoặc chồng.

donghoseiko


Mà kể cũng lạ, các thứ chuẩn người luôn biến đổi theo giá trị vật chất. Có một thời đám con gái phán chắc như đinh đóng cột “Đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ”. Lơ tức là Le Peugeot, xe đạp pơ giô nổi tiếng của Pháp. Lẩn thẩn nghĩ, thời những năm 60 cả miền Bắc có lẽ chỉ có vài trăm chiếc xe đạp pơ giô. Đẹp và bền cực kỳ. Ông Cam ở huyện tôi là Việt kiều Tân đảo về năm 1960 nhà có những 3 chiếc pơ giô, được xem như giàu nhất huyện. Mặt rỗ có xe pơ giô vẫn ăn đứt đẹp giai như sĩ điều mà đi chân đất.

Nay thì cuộc “giải phóng miền Nam” đã góp phần làm thay đổi chuẩn theo tiêu chí mới: “Một yêu anh có sen kô/Hai yêu anh có pơ giô cá vàng/Ba yêu xi téc gọn gàng/Bốn yêu hộ khẩu đàng hoàng thủ đô/Năm yêu không có bà bô/Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về/Bảy yêu…”. Pơ giô cá vàng tức là xe máy Peugeot chứ không phải xe đạp; xi téc là loại vải simili và tergal may quần tây rất sang trọng, đắt, là li thẳng tắp giặt mấy cũng không mất li; Văn Điển thời đó là nghĩa trang chính của Hà Nội. Trong hàng loạt đòi hỏi liệt kê ấy, đồng hồ Seiko chễm chệ hàng đầu, đủ thấy nó có giá thế nào.

Suốt nửa đầu thập niên 70, dù chúng tôi sinh viên nhưng hình như cả lớp chỉ vài anh có đồng hồ đeo tay, phần lớn là cán bộ đi học. Có lần tôi tới nhà ông anh họ chơi, tàu điện ngang Cửa Nam, thấy còn sớm, nhảy xuống vào ngó cửa hàng bách hóa Cửa Nam, rồi lẩn mẩn sang cửa hàng đồng hồ kế bên. Thấy đồn đây là cửa hàng đồng hồ lớn nhất thủ đô. Xem cho biết thôi chứ làm gì có tiền, thậm chí đang tiếc chút nữa lại mất thêm 5 xu tàu điện để đi tiếp. Giời ạ, lần đầu tiên biết đến đủ loại đồng hồ: Nicles, Slava, Vostok, Raketa, Seiko, Orient, Omega, Titoni, Longines, hình như mấy thứ đắt tiền đều đem từ miền Nam ra.

Cũng chuyện đồng hồ, có những kỷ niệm khó quên. Năm 1975 tôi đang học năm áp cuối đại học. Một hôm gần trưa tôi mò ra cổng uống nước chè chén. Chỉ cần hào rưỡi là mua được chén nước chè móc câu và cái kẹo lạc ngồi nhấm nháp. Quán cô Xuyến con gái bà bu ngay sát bờ rào Trường đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân đang đông nghịt.

Tới nơi đã thấy anh Bùi Trọng Cường ngồi đó, anh ngoắc tôi, bảo vào đây, hay lắm. Thì ra đang có hai tay chơi khoa Sử (khác khoa nên tôi không biết tên) đang cá nhau. Một ông có chiếc Omega mạ vàng mỏng dính, ông kia có chiếc Titoni gắn đá quý, cả hai chiếc đều mới cứng, chắc mỗi cái giá phải vài trăm đồng. Cứ như cô Xuyến kể thì ông nào cũng bảo đồng hồ mình chạy đúng, chả ai chịu ai. Thế rồi thách nhau, cứ thong thả ngồi ăn kẹo uống nước, chờ đến tiếng tút tút tít báo hiệu 12 giờ trưa trên đài phát thanh gắn ở cổng trường, sau tiếng “tít” cái nào lệch nhiều thì thua, ông nào thắng sẽ được cả hai.

Bọn sinh viên 2 khoa văn, sử biết chuyện cá cược kéo đến xem mỗi lúc một đông, vòng trong vòng ngoài. Khi đài tút 5 tiếng và tiếng thứ 6 là tít thì các giám khảo trong đó có cô Xuyến xác nhận chiếc Omega chính xác hơn, chỉ kém vài giây, còn chiếc kia lệch hơn 20 giây. Tay thua cuộc mặt mũi tỉnh bơ, giao tài sản cho bên thắng cuộc. Mất bạc trăm mà cứ như không. Còn hay hơn cả chuyện Thạch Sùng - Vương Khải thách nhau.

Từ đầu năm 1977 tôi ở Sài Gòn. Cuộc sống mỗi ngày một khó khăn, xã hội đi xuống khiếp lắm, đói kém nên trộm cướp ngày càng nhiều. Ra đường cứ hở một tí là bị giật. Chúng rất hay giật đồng hồ. Đang đi, nó chạy xe Honda 67 rồ ga vụt qua, nạn nhân chưa kịp phản ứng thì nó đã móc tay vào, giật mất toi. Bọn chúng bất cần biết đồng hồ đó quý hay không quý, cứ thấy là giật, mỗi ngày báo chí đăng hàng chục vụ. Để đề phòng, người ta chuyển đeo đồng hồ từ tay trái sang tay phải, ít bị giật hơn. Suốt nhiều năm trời, nhiều người quen đeo đồng hồ tay phải là vì vậy.

Nguyễn Thông
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn