BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76294)
(Xem: 62993)
(Xem: 40401)
(Xem: 31997)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nỗi lòng người ở lại

09 Tháng Tám 20248:32 SA(Xem: 660)
Nỗi lòng người ở lại
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
«Mai không đi  nữa đâu em,
Mộng treo đầu gió môi mềm nhớ nhung
Áo phơi nửa giấc đông phong
Nửa buồn đi nửa thương đời xót xa.»
 
Tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam, người Pháp thất bại ở mặt trận Điện Biên Phủ, trả lại chủ quyền miền Bắc cho việt cộng. Việt Minh kéo từ mạn ngược và khắp nơi chúng đã ẩn náu về tiếp thu thủ đô Hà Nội và sau đó, toàn thể các tỉnh thành phía Bắc cho vào tới vĩ tuyến 17. Chúng ta mất một nửa giang sơn. Pháp có 80 ngày chuyển giao Hà Nội, 100 ngày giao Hải Dương, 300 ngày trả Hải Phòng, rồi chấm dứt. Việt cộng nằm vùng trong miền Nam cũng tự do ra Bắc tập kết, dù rất ít, nhưng làn sóng người miền Bắc di cư vào Nam thì đông nườm nượp… như nước vỡ bờ, họ chạy trốn, họ sợ cộng sản, họ sợ cái chế độ tam vô đang rượt đuổi sau lưng. Họ ra đi lánh nạn, đa phần phải bỏ lại gia sãn của cải, mồ mả cha ông… họ ra đi nhanh, mau lẹ nhất là các thành phố Hà Nội Hải Phòng, các xứ họ đạo công giáo Bùi Chu, Phát Diệm… có người vội vã đến chỉ ôm theo một tấm ảnh đức mẹ Maria… họ rủ nhau cứ xuống Hải Phòng là có tàu há mồm, há mồm chờ sẵn, chờ họ lên tàu và chở họ vô miền Nam.

Di cu 1954 - Gia đình ông Lâm Quang ở miền Bắc trước khi di cư. (Hình Từ album gia đình Lâm Quang)
Hình minh họa : Gia đình ông Lâm Quang ở miền Bắc trước khi di cư. (Hình: Từ album gia đình Lâm Quang)
 Họ bỏ lại miền Bắc hơi ngơ ngác sau chiến tranh. Sau 100 năm bị giặc tây độ hộ, bỏ lại không chỉ vật chất mà rất nhiều kỷ niệm… nặng trong «nỗi lòng người đi».
 
Nhưng, người ở lại miền Bắc, mỗi người một hoàn cảnh riêng tư, có người có nhận xét cá biệt của họ, cho là dân đi Nam vì chung đỉnh, muốn hưởng lợi lạc gì đó thêm hai năm nữa. Họ cả tin là sau hai năm, sẽ có tổng tuyểncử, đâu lại về đó thì đi Nam làm chi cho mất công?
 
Có người đi Nam bộ nhờ xin được vé máy bay miễn phí, đi xem cho biết rồi lại về. Cũng có người vội vội đi vì sợ gặp cán bộ bộ đội người nhà, lôi kéo dụ dỗ, ở lại… sau hối tiếc, mà rất nhiều người tiếc sau này, tiếc vì mất tự do mất tất cả.
 
Tình cảnh xã hội Việt Nam sau ngày chia cắt đất nước bởi hiệp định Genève 1954, xã hội rối ren như tơ vò, nhiều gia đình cãi lộn vì đi hay ở, nhiều cặp trai gái lỡ hẹn hò, nhiều con cái bỏ cha bỏ mẹ ra đi một mình, gia đình, xã hội, đất nước đúng cảnh dầu sôi lửa bỏng, nát tan…
 
Ngày đó, có các chiến dịch opération passage to freedom = đường đến tự do, do phái đoàn Pháp và Mỹ trợ giúp. Ai muốn di cư cứ đi vào Nam bộ, ai muốn tập kết cứ ra Hà Nội. Ở Hà Nội, cứ đến ga Phạm Xá, nếu ai nói được vài câu tiếng Pháp, đồng ý, hiểu ra, là được lên máy bay hãng Aigle Azur đưa vào Sài Gòn ngay sau đó.
 
Chỉ ít ngày sau, ở các nơi xa Hà Nội Hải Phòng, Việt Minh mới tổ chức kêu gọi người dân ở lại, đừng vô Nam. Có nơi bị cấm đoán, canh phòng, bắt giữ rất gay gắt, bất kể lệnh của ủy hội quốc tế.
 
Chúng tôi, gia đình chỉ vỏn vẹn có hai cha con, cha tôi đang làm việc cho nhà binh Pháp và từ Hải Phòng, cha tôi quyết chí theo sở.
 
Ông nội tôi từ quê Thái Bình, bị CS bắt ra Hải Phòng khuyên dụ cha tôi về làng. Cha tôi đâu chịu nghe. Ông nội nổi trận lôi đình mắng chửi thậm tệ, ông cầm bàn tay tôi, xòe ra, ông nhổ một miếng nước bọt trong bàn tay nhỏ bé rồi khóc nức nở… như là làm một dấu hiệu của từ đây là tử biệt sinh ly.
 
Tôi ngồi đó, bó gối, ngồi khóc. Cha tôi im lặng, cứ cố gắng gói ghém ràng cột một chút hành lý sau cùng.
 
Gian nhà bên, là gian ở của cô Vân, em ruột cha tôi. Cô Vân tôi cũng đang vừa khóc vừa sửa soạn valise để trở lên Hà Nội một lần sau cùng, cô nói vậy, là cô lên đó một lần cuối rồi mới trở xuống Hải Phòng để đi Nam bộ cô vừa xếp đồ, vừa khóc lặng lẽ, gọi là khóc lặng lẽ, chớ tôi dòm thấy nước mắt cô rơi lã chã xuống mớ áo quần đang thu dọn, cô cứ khóc cả ngày, khóc thầm mà nước mắt nhạt nhòa… vì có lẽ cô sợ cha và anh lại dòm thấy, nghe thấy, rồi to tiếng lớn giọng quát tháo nhau. Hình như, ở mấy nhà hàng xóm, họ cũng ồn ào đang cãi lộn.
 
Hôm trước có lần cô nói thầm với tôi là, bằng cách nào cô cũng phải lên lại Hà Nội một lần trước khi cùng chồng là chú An và bé Cường, 2 tuổi, di cư vô Nam. Cô dứt khoác vô Nam bộ vì cô nói việt minh nó ghê gớm lắm, sống với nó không nổi đâu, nhưng cô phải về Hà Nội thăm hai cô con gái riêng của cô là Bé và Tí chẳng tội nghiệp trước khi đi xa… Bé và Tí là con riêng của cô với người chồng trước là chú Bình, chú Bình đi bộ đội cụ Hồ từ năm 1945-1950 chưa về… cô cũng bảo là cháu đừng lo chú An phiền, vì chú An có cho cô 3000 đồng tiền Đông Dương đặng lo mua sắm đồ cho hai đứa bé đủ dùng trong hai năm trời xa cách.
Những chuyện đó, cô Vân có ai để kể lể đâu, thành ra đôi lúc cô cần nói với tôi, luôn tiện nhờ người tôi, đặng cô lấy số đo, may áo quần cho hai con gái, và lần nào thì cũng không quên may luôn cho tôi cùng mẫu vải. Kỳ này cô may hai valises đầy chặt áo quần. Hình như cô đã nghe phong thanh, như có người nhắn với cô là ngày giải phóng tiếp quản thủ đô ngày 10-10 chú Bình sẽ về Hà Nội… cô Vân có lúc làm việc luôn tay, có lúc đứng dựa vô vách nhà y thân một cây chuối khô! Phiền thiệt, là cô có hai ông chồng mà như là cô cũng yêu cả hai người. Cô tôi là một người đàn bà lạ lùng như vợ chồng ông bà Táo công giữ bếp.
 
Quả có thế, cô đã từng có lần tâm sự rằng:
 
…Khi ấy cô còn rất trẻ, năm 1948 sang đầu năm 1949, cô trốn nhà, bỏ thành phố, đi theo tự vệ thành, rút lui lên miền xa, cố thủ kháng chiến ở xa Hà Nội lắm, bọn của cô toàn người trẻ, gồm có các cô Hiếu, cô Minh, chú Bình, chú An và Vân rủ nhau theo tiếng gọi thanh niên đi cứu quốc, cô lý luận họ không độc ác, không háo sát, không phải là răng đen mã tấu… mà họ là một bầy tiểu tư sản thành thị đi theo lý tưởng tự do, họ lịch thiệp và văn minh, sẵn sàng nghỉ học ngang đi theo tiếng gọi của quê hương đang cần. Họ rất hãnh diện dốc lòng đem tuổi thanh niên giúp đồng bào, cùng đồng chí đánh đuổi giặc Pháp xâm lăng.
 
Họ ở những vùng xa xôi như Đồng Năm, Yên Bái, Phủ Lạng Thương. Họ cũng được học tác chiến và tâm lý chiến, họ đi về giao lưu trong vùng tự do, có lúc lẩn quẩn công tác buôn bán trong các vùng tề. Họ đồng cam cộng khổ sống xen kẽ với tầng lớp dân chúng nghèo và luôn luôn phải di tản vì bom đạn. Tuy nhiên thỉnh thoảng họ được vui vẻ tụ họp bên nhau ca hát dưới đêm trăng sáng, vui bên nhau và quên cả ngủ, quên cả nhớ gia đình dưới miền xuôi.
 
Nhưng rồi một thời gian qua, đảng cộng sản Đông Dương ra đời, nhóm người trẻ yêu nước trong sáng, cảm thấy bị Việt Minh lợi dụng đi sai lý tưởng, họ lác đác đã bỏ về các thành phố vùng tề, vùng quốc gia kiểm soát. Cô Vân tôi vẫn ở lại các vùng giải phóng của V.M tới năm 1952 cũng nơi nguy hiểm đó, cô đã yêu chú Bình, chú là một sinh viên kiến trúc sư Hà Nội, ra đi ngay từ ngày thủ đô kháng chiến và bỏ ngỏ. Ở hậu phương xa đó, họ như là vợ chồng và cô chú đã có hai em gái, mỗi lần sanh nở, cô và chú mang các em bé về Hà Nội đã có bà thân của chú chăm nuôi dùm. Chợt tới khi tình hình ở vùng hoạt hoạt động đó nguy ngập, quân đội Pháp càn quét mở mặt trận khắp nơi. Thấy khó sống và làm việc, chú Bình khuyên vợ tìm cách trà trộn vào những người đi buôn hàng chuyến đi và đi lần lần về Hà Nội với hai con.
Năm sau thì chú An là một đồng chí và là bạn thân của chú Bình, được lệnh trên quay về Hà Nội, làm cán bộ y tế bí mật hoạt động nội thành, vì chú An có vóc dáng cao, người đẫy đà, và là một y tá tốt nghiệp trường y tá Đông Dương… trên đường dinh tê, cả hai, An và Vân bị một đồn quân Pháp bắt giam một thời gian ngắn, sau nhờ họ nói khá tiếng Pháp và không biết cơ may sao đó, cả hai được thả tự do đồng thời.
 
Sau khi có được thẻ căn cước thì chú An được làm việc lại cho nhà thương Hà nội và có lương bổng hàng tháng hẳn hoi. Cũng tình cờ do đấy, khi chú Bình hay tin vợ con túng bấn lúc hồi cư, chú Bình đề nghị chú An giúp đỡ cô Vân ít nhiều để nuôi hai đứa bé thiếu bố mẹ từ lúc sinh ra, nên èo uột đau bệnh luôn luôn.
 
Rồi tình cảm nảy sinh, phải gọi là « ransformer de sentimen », một sự di chuyển tình cảm giữa hai người, bạn và vợ, giữa chú An và cô Vân. Cô lúc nào cũng xinh xắn, da trắng má hồng, dáng vẻ thon gọn như ngày còn con gái mới ra chiến khu.
 
Lúc đó thì chú Bình là trưởng ban chính trị của trung đoàn 48, mệnh danh là trung đoàn Thăng Long. Bấy giờ chú như là một bộ đội chính quy, cứ phải rời đi, rời đi xa mãi trong các vùng giải phóng… từ liên khu III, liên khu IV đến chiến khu Việt Bắc. Quân đội Pháp mở rộng mặt trận ra xa ngoại vi các địa phương họ đã kiểm soát được.
 
Tiếng súng, tiếng đạn, mìn, không còn nghe nổ ở Hà Nội. Từ độ đó, chú Bình không còn kịp nhắn tin về hậu phương. Chú An có nhờ người theo dõi tìm bạn, nhưng gần 2, 3 năm trời họ mất liên lạc. Không một âm hao.
 
Mùa thu 1953, chú An và cô Vân thành vợ chồng. Họ sống ở Hải Phòng, phố Hàng Kênh, chợ Con. Cô chú vẫn chu cấp tài chánh đều đặn cho bà nội nuôi hai cháu Bé và Tí trên Hà Nội. Hai đứa thích ở với bà nội hơn về dưới cảng.
 
Chú An là một y tá tốt nghiệp ngành y tá Đông Dương, phòng khám của chú ở Hàng Kênh do nhà nước tài trợ điều khiển, bệnh xá khá rộng, có phòng chờ phía ngoài, phòng khám phía trong. Sát cạnh bệnh xá là một bảo sanh viện công do cô đỡ Hiếu điều khiển, cô Hiếu Là đồng chí đi kháng chiến một lượt với Bình, An và Vân.
 
Cô Hiếu cùng về thành phố và cũng bị phòng nhì Pháp bắt giữ một thời gian, sau có một thế lực mạnh bảo lãnh ra và được hành nghề chuyên môn. Không hiểu sao chú An không lấy cô Hiếu cho yên chuyện, vì cô Hiếu còn xinh xắn và khéo léo hơn cô vân. Mà chú cắc cớ đi ăn ở với cô Vân làm cho má chồng cô và các con gái cô càng ngày càng xa lánh cô!
 
Phía trên phòng khám của chú An là một căn lầu rộng gồm hai gian, thoáng, mát. Chú An và cô Vân cư ngụ nơi đó. Họ làm thành một gia đình hạnh phúc… sau những ngày sống lây lất ở ngoài kia và bị Việt Minh lừa gạt, phỉnh gạt thì đúng hơn. Ở vùng ngoài, vùng giải phóng của Việt Minh, ngoài việc bị lợi dụng, họ còn lỡ dở việc học hành, lỡ dở cả tình yêu với tuổi thanh xuân lận đận.
 
Lúc trở lại Hải Phòng những năm 1952-1953-1954, họ tìm lại hạnh phúc bên nhau, niềm hạnh phúc của họ vừa pha trộn tình yêu, vừa tình bạn, vừa tình đồng chí thấy rất hào phóng, nhưng mà lấy vợ của bạn thì không nguyên vẹn! Hơi tức cười và họ hàng còn gọi là chướng tai gai mắt. Cũng tội nghiệp!
 
Tôi cứ nhớ mãi, khi tháng sáu năm 1953, tôi vào phòng thăm cô vân mới sanh em cường. Con của chú An, tôi thoáng thấy trên đầu giường đôi, có một cặp gối trắng, ở một góc chéo, cô Vân khéo léo thêu đậm chỉ màu lam, hai chữ A và V lồng vào nhau rất sắc sảo. Họ đã quên hẳn người đồng chí đang lặn lội ngoài xa.
 
Rồi đùng một cái, mặt trận Điện Biên Phủ thất bại. Pháp đành dàn chào thua. Việt Minh kéo về tiếp quản Hà Nội tháng 10 năm 1954.
 
Và mùa di cư ào ạt vĩ đại đó, kẻ khóc người cười lỡ dở, bao nhiêu biến động, bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu là dang dở. Và nhiều gia đình bị chia cắt.
 
Cô Vân tôi vào tháng 10 năm 1954. Cô như có hai ông chồng, chú Bình, người chồng lấy ở vùng kháng chiến, lúc này đang trên đường về Hà Nội, sát ngay sau lưng. Còn người chồng trước mặt, chú An, đang toan tính cùng cô di cư vô Nam bộ, cô đã có với chú, bé trai Cường, 2 tuổi, và cô đang mang thai một bé khác 7 tháng bụng khá nặng nề, đi đứng đã khó khăn.
 
Cô vừa thu xếp đồ đạc hành lý ra đi vừa khóc ấm ức, có lúc lặng lẽ, đồ đạc hành lý cô chia làm hai phần, một phần để mang đi Sài Gòn, một phần để mang lên Hà Nội.
 
Đồ mang đi di cư, chú An đẩy hết vô gầm giường, chú sợ cô loạng quạng rồi vấp té.
 
Đồ mang lên Hà Nội, cô chất cũng đầy 2 valises. Cô nói cô phải về Hà Nội thăm hai con gái… cô khóc hoài, cô bảo cô đứt ruột vì sắp xa các con những hai năm. Cô còn nói như cô uống thuốc liều, liều gặp chú Bình để xin lỗi đã lỡ hẹn vợ chồng.
 
Cô cứ khóc tức tưởi nhiều ngày, hai mắt sưng vù cô phải đeo kính râm to và đậm màu. Cô khéo lo xa, chứ ai ai cũng lo việc riêng, ai còn thần trí nào mà dòm cô!
 
Rồi tuần lễ sau đó, cô tôi từ Hà Nội về, thấy cô bình thản hơn lúc ra đi. Cô bình thản đến độ có thể ngồi im hàng giờ không nói năng gì cả… mấy lúc sau thì cô cũng có kể lại là cô đã đến gặp chú Bình. Hai người hỏi thăm bạn bè xa gần, nói chuyện tự nhiên, rồi vui vẻ. Chú có cùng cô đi dạo mát xung quanh hồ tây. Chú dặn cô nhiều lần giữ gìn sức khỏe và nín đi, khóc như thế đó đã quá đủ rồi.
 
Chú Bình có làm quà tặng cho cô Vân một cái ca để uống nước, ca bằng nhôm, còn mới, sáng loáng, phía ngoài có khắc nổi tên chú, Trần An Bình, chú cũng gửi lời thăm chú An và cám ơn chú An đã giúp đỡ cô nuôi hai đứa bé gái qua những ngày cơ nhỡ túng đói năm xưa.
 
Rồi một ngày cuối cùng ở Hà Nội, chú Bình dậy sớm mua bánh khúc cho cô ăn, xong, chú vội đưa cô ra gare Hàng Cỏ.
 
Trước giờ xe hỏa khởi hành, chú còn kịp mang lên toa cho cô 2 cái valises đầy áo quần của hai con bé, mà cô đã cặm cụi may, chú đã mở ra coi và đã tỉ mỉ xếp lại như cũ… từng chiếc áo, từng chiếc quần. Chú nhờ cô mang theo, giả như nếu có một dịp nào đó, may mắn mà gặp lại, thì cô trao lại cho các con. Trong đó, giữa mớ quần áo, chú đã viết cho các con gái chú một lá thư trần tình và tạm biệt.
 
… Vì chú đã không được gặp mặt các con. Chú đã về tới Hà Nội có hơi trễ, năm ngày trước đó, hai đứa Bé và Tí đã theo ông bà nội xuôi Hải Phòng rồi theo tàu vận chuyển di cư khổng lồ đầu tiên của hải quân Mỹ đã đi vào hải cảng Tourane…
 
Paris hè 2024
nhớ về chuyện di cư 1954
Chúc Thanh
Nguồn : Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn