Visa card, điện thoại thông minh và một tấm hộ chiếu đi được nhiều nước...đủ cho bạn đi dễ dàng đến nhiều quốc gia, như đi từ tỉnh này sang tỉnh khác trong một nước. Bạn có thể đến một quốc gia xa lạ mà chẳng cần phải lo lắng gì. Mua vé máy bay, đặt khách sạn, nhờ khách sạn cho người ra đón tại sân bay. Thủ tục nhập cảnh đơn giản, khai báo trên trang web trước khi đi, hoặc đến sân bay khai báo, bạn có thể tra google dich ở điện thoại để điền vào tờ khai. Nếu có lúng túng quá, người hải quan làm thủ tục nhập cảnh còn điền cho bạn.
Ở sân bay nào cũng có quầy đổi tiền. Nhiều nhà hàng, dịch vụ sử dụng thanh toán bằng visa card hay những hình thức thanh toán điện tử nhanh gọn tại chỗ.
Tôi đến Nepal và tìm đến Lâm Tỳ Ni dễ dàng, ở Nepal hộ chiếu Việt Nam cũng nhập cảnh dễ dàng sau khi đóng lệ phí 30 usd và được ngay thời hạn 3 tháng. Những người thợ xây chùa người Việt đi theo dạng như thế, muốn ở lại thêm thì gia hạn và đóng thêm lệ phí.
Tất nhiên không có tiền thì chẳng đơn giản vì tiền vé máy bay, khách sạn, xe cộ, ăn uống đâu có ít.
Nhưng cái nói ở đây là chẳng cần nhiều tiền lắm đâu, nên hội du lịch bụi của Tây đâu có nhiều tiền. Vấn đề ở chỗ là họ máu đi, tự tin và không ngại khó khăn gì. Họ có kỹ năng tìm hiểu về những nơi sẽ đến như phong tục, văn hoá và đặc biệt là mặt bằng giá cả sinh hoạt, biết được điểm du lịch nào đáng đến thăm và có những gì ở đó.
Khi tôi trở về lại Đức, nhiều người khen tôi giỏi, lọ mọ đi thế mà chẳng sợ gì.
Tôi nhận ra có nhiều người Việt có đủ điều kiện để đi đây đó, nhưng họ sợ không dám đi một mình, họ cần có đoàn, có sự chuẩn bị kỹ càng này nọ. Họ đến những nơi theo tour đã đặt chứ ít dám đi một mình, kiểu đến đâu hay đến đó như tôi.
Tôi mở đầu lòng vòng về chuyện đi lại như thế, bởi vì khi tôi đến ngôi chùa của sư ông Huyền Diệu thì sư ông đang ở bên Bồ Đề Đạo Tràng của Ấn Độ. Chú Lâm coi chùa bảo tôi thầy bên đó, có nhắn anh nếu sang được bên đó thì sang gặp thầy, còn không thì nếu có duyên sẽ gặp lần sau.
Tôi đi sang Ấn Độ thì dễ, nhưng vì câu duyên sẽ gặp, tôi lại ngần ngừ và muốn chờ xem vả lại cũng mệt vì căn bệnh tiêu hoá nữa.
Không ngờ chỉ hơn một tuần sau khi từ Nepal trở về, sư ông Huyền Diệu lại có mặt tại Đức, ở một nơi cách xa Berlin có 200km. Vừa lúc tôi đọc được thông tin trên mạng, sư ông ngỏ ý muốn giúp thầy Thích Minh Tuệ đến Nepal, Ấn Độ theo tâm nguyện của thầy Minh Tuệ. Nhiều người phản đối ngỏ ý của sư ông, họ nói thầy Minh Tuệ thích đi bộ thôi, giờ sang đó đi máy bay thì không ý nghĩa. Còn đi bộ theo họ phân tích sẽ mất 6 năm, 3 năm, 2 năm gì đó, phải qua rừng sâu, núi thẳm, phải cần có người đi bộ cùng. Người khác thì nhận định sư ông Huyền Diệu được cộng sản nhờ, đưa thầy Minh Tuệ đi cho khuất mắt, đây là âm mưu rất thâm độc. Tôi cũng muốn gặp sư ông tìm hiểu xem việc mời thầy Minh Tuệ có đúng không ?
Tôi đến nói chuyện với ông bạn già Thành Koch, nghe vậy ông Thành Kock quyết định sáng sớm sau hai anh em đi luôn. Ông Thành Koch là chủ nhà hàng, nhưng khác với nhiều chủ quán Việt, ông là đầu bếp chính. Việc ông đi mất cả ngày như vậy cũng không phải dễ dàng gì. Kéo được ông ấy rời xa cái quán đó một ngày là điều rất hiếm.
Tôi nằm viện mấy hôm về, bệnh của tôi thuốc chữa hiệu quả nhất là đi chơi, nghĩ cái gì vui, nhẹ nhàng. Cho nên cũng muốn đi đây đó, các bạn thấy tôi không viết gì về chính trị xin hãy thông cảm. Tiện đây tôi cũng mở lòng, viết về chính trị rất đau đầu, nghiên cứu văn kiện, quy định, nghị quyết và tìm hiểu thông tin báo chí và tin nội bộ, rồi phân tích hình dung ra sự việc đang thế nào mất rất nhiều thời gian suy nghĩ. Đêm hôm trà thuốc, bụng đói mà cứ mải mê đọc và tìm hiểu...loét dạ dày là chuyện đương nhiên.
Mùa hè nước Đức thật đẹp, phong cảnh đồng quê sạch sẽ, cây cối xanh ngắt. Hai anh em vừa đi vừa chuyện trò, gần đến nơi thì navi chỉ đường dừng lại, loanh quanh tìm mãi mất cả tiếng mới mò được đến chỗ sư ông ở, đó là một cái nhà như kiểu hợp tác xã cũ thời Đông Đức. Cây cỏ dại mọc đầy, chúng tôi ngồi chờ một lúc thì sư ông về.
Lúc gặp mặt mọi việc diễn ra làm tôi thở phào như cất được gánh nặng, sư ông bước vào chắp tay chào, chúng tôi đứng chào lại. Sư ông kéo ghế ngồi và nói chúng tôi ngồi xuống.
Ở Việt Nam, đôi lần với chúng bạn đi chùa, tôi chứng kiến cảnh gặp trụ trì đầy nghiêm trang, quỳ lạy cung kính như thần dân gặp hoàng thượng. Rồi trụ trì ngồi trên ghế, các Phật Tử toàn là nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngồi bệt dưới đất, chắp hai tay nghe trụ trì hỏi han. Mỗi câu hỏi, trả lời lại chắp tay vái như nghe những lời vàng ngọc của hoàng thượng. Mình đi theo, chả lẽ lúc ấy lại đứng, nhập gia tuỳ tục cũng phải ngồi chắp tay theo chúng bạn.
Thực sự tôi e sợ gặp sư ông, sẽ có cảnh tượng như thế. Cung kính với người xuất gia, lại là người cao tuổi, có bằng cấp thần học ở trường Sorbone, giảng dạy thần học ở nhiều trường đại học ...có lẽ cũng là chuyện không có gì cả. Nhưng nghĩ đến cảnh quỳ chắp tay lạy vái, sau mỗi lời nói lại cung kính vái như nhận chiếu chỉ, thực sự tôi không muốn làm. Bởi cha mẹ, ông bà tôi có dạy, cùng lắm khoanh tay đứng vâng dạ.
Các vị tu hành ở nước ngoài tôi đã gặp như sư cô Chân Không, hoà thượng Thích Như Điển và nhiều vị nữa, cũng như sư ông Huyền Diệu. Lễ nghi chắp tay chào đơn giản, thân thiện, gần gũi. Ngồi ngang hàng trò chuyện chứ không có kiểu hành lễ như gặp vua chúa ở vài ngôi chùa Việt Nam mà tôi đã từng đi.
Vị sư già chẳng nói đến triết lý hoặc những thứ cao xa, hoặc những điều huyền bí ma mị. Sư ông hỏi tôi về chuyến đi, tôi kể hôm đó tôi chỉ muốn đến nơi Phật sinh, còn việc gặp thầy hôm đó để sau này cũng được. Sư ông cười hiền hoà nói rằng tôi đúng, đến đất Phật sinh thăm mới là ý nghĩ,a nơi đó thiêng liêng và trường tồn. Còn sư ông chỉ là người tu hành, có duyên ắt sẽ gặp. Chẳng hạn như hôm nay đây chúng ta đã gặp nhau.


Tôi nói thật không biết nhiều về Phật Pháp, chỉ nhớ hồi ở nhà hay đưa mẹ đi chùa thôi, lúc mẹ tụng kinh hay lễ thì đứng ngoài sân chùa ngắm cảnh, hút thuốc. Bản thân tôi từng là tội phạm, cuộc đời tôi đến tận lúc ngồi đây với thầy, ân oán với đời còn ngút ngàn.
Sư ông nhìn tôi rất kỹ, rồi nghiêm túc nói.
- Anh có nghĩ bao giờ sẽ là người đi tu như tôi không. Tôi thấy tướng mạo anh và chuyện anh kể về hồi nhỏ theo mẹ đi chùa, với chuyến anh đi thăm Lâm Tì Ny vừa rồi. Anh là người có thể có căn tu đấy. Anh cứ về thu xếp chuyện gia đình, thỉnh thoảng tôi ở đây, anh đến ở cùng vài ngày. Nếu có duyên thì nên đi tu, chùa thì tôi có mấy nơi, anh ở nơi nào cũng được. Người như anh đi tu mới rõ giá trị của Phật Pháp, thay đổi tâm tính của con người có chất con cọp dữ mới là kỳ diệu của đạo.
Tôi nói chỉ ước có nơi nào yên tĩnh, ngồi viết sách, viết truyện cho trẻ con thôi. Tôi ước mơ viết những câu truyện thiếu nhi phù hợp với thời cuộc, hấp dẫn lũ trẻ. Để các bậc cha mẹ đọc cho con trước khi ngủ. Ở Việt Nam bây giờ hình như thiếu những câu truyện như thế.
Sư ông nói, anh có thể đến đây hay chỗ tôi bên Ấn Độ, Napal và ở đó viết sách. Đồng thời tu tập bản thân. Tôi sẵn lòng giúp anh.
Tôi hỏi.
- Có phải thầy muốn mời thầy Minh Tuệ sang đất Phật không ạ ?
Sư ông trả lời như chuyện bình thường.
-À tôi thấy cái anh đấy rất có tâm tu, anh nói ước muốn được một lần đến nơi đất Phật, thì mình sẵn sàng giúp anh ấy thôi. Nhiều người muốn đi nhưng không có điều kiện. Người như anh ấy nếu muốn đi thì mình nên giúp.
Đến giờ cơm, sư ông mời chúng tôi ăn cùng, sau đó chúng tôi xin phép về, sư ông tặng tôi mấy cuốn sách. Vị sư già dường như vẫn quyến luyến việc giữ tôi ở chùa, ông bảo.
- Anh cứ đến chùa ở, viết sách, tu tập kinh kệ được tí nào cũng tốt, có thể nên viết những câu chuyện về nhân quả nữa. Anh có bạn nào muốn đến chùa tìm hiểu hay tu tập, cứ đưa theo họ đến đây.
Tôi vâng dạ và hứa sẽ có lúc đến đây ở vài ngày. Lên xe, ông Thành Koch nói.
- Mày xem ai khó khăn, không có việc làm, không có tiền ăn ở, mày cứ đưa đến đây trú tạm. Tiền ăn ở đéo bao nhiêu, tao đóng góp trả cho chùa. Họ ở tạm lúc nào tìm được công việc thì đi, không giữ gì. Đm chai rượu thì nuôi được một ông cả tháng, đ. gì phải nghĩ. Hay ở đây đất rộng, mày tổ chức cho bọn nó trồng rau đem về Berlin bán, đổ cho các nhà hàng, tao đầu tư.
Tôi khịa.
- Thôi, bỏ ra một hai chục ngìn đấy, bà Hồng chả nghe đâu.
Ông Thành
- Bà ý cúng chùa còn nhiều hơn thế, mày cứ nghĩ làm đi, bà ấy ok ngay ý mà.
Tôi bật cười, vì nghĩ lại trước kia trong tù, mình là đội trưởng đội rau. Nay tôi mà ở chùa tu, trông nom ruộng vườn, quả là đời khác nhau mỗi dấu huyền, ngẫm thật kỳ diệu.
Chẳng biết nếu tôi trở thành nhà tu, thành một vị sư, thái độ của tôi gặp Phật Tử sẽ thế nào nữa. Dù óc tưởng tượng tôi cực phong phú, tôi cũng không hình dung ra tôi sẽ thế nào khi trở thành một nhà sư.
Bạn hãy đến Lâm Tỳ Ny, để chứng kiến những gì đơn sơ, giản dị từ cội nguồn của đạo Phật. Cũng như tiếp xúc để cảm nhận thấy rằng có những người họ làm điều tốt vì đơn giản trong lòng họ muốn làm.
Đến Lâm Tỳ Ny nơi Đức Phật sinh, đến Bồ Đề Đạo Tràng, gặp những nhà sư, những Phật Tử nơi đó...các bạn sẽ thấy mọi thứ đơn sơ và bình dị. Đến thấy những điều nhẹ nhàng, thanh thản trong lòng mình trong những giờ phút ở đó.
Cũng như đến nhà thờ Công Giáo vậy. Mỗi lần đến nhà thờ, nhà chùa có những vị sư, vị linh mục giản dị, gần gũi. Ngồi một mình trước chánh điện hay cung thánh nơi ấy, cảm thấy bình an và lòng ham muốn một cuộc sống bình lặng, giản dị và khiêm nhường.
Nhưng mà chùa hay nhà thờ, thì những vị trụ trì hay quản xứ ở đấy mới thực sự là người quan trọng mang lại cho mình cảm giác thế nào.
Người Buôn Gió
Facebook
Người Buôn Gió
Gửi ý kiến của bạn