BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trung kiên

31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1446)
Trung kiên
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Phan Quân
Trích dịch từ nguyên tác : Ten Thousand Miles Without a Cloud của Sun Shuyun


LGT: Sun Shuyun là nhà văn nữ người Hoa đã lần theo bước đi của thày Trần Huyền Trang, trên hành trình đi Thiên Trúc để thỉnh ba bộ kinh, Tam Tạng. Bà đi trong một năm, trong khi đó thày Huyền Trang phải mất tám năm. Sau chuyến đi đó, bà viết quyển "Vạn lý không một bóng mây". Ngoài ra, bà còn là con của một cán bộ trung kiên của Đảng cộng sản Trung Quốc. Dưới đây, xin mời quý bạn đọc nghiền ngẫm nỗi chán chường của một đảng viên chuyên và hồng, sau cơn bão của Cách mạng Văn hóa.


Sun Shuyun 


Tôi chào đời năm 1963, cái năm mà Bà tôi gọi là năm bất hạnh. Bố tôi thoát ly gia đình để cùng với hàng trăm nghìn công nhân viên chức, thày cô giáo, văn nghệ sĩ, kỷ sư và chiến sĩ tham gia một trong những chiến dịch vĩ đại nhất mà Mao Chủ tịch đã phát động, Cách mạng Văn hóa. Mục đích là để củng cố hệ tư tưởng cộng sản trong quần chúng. Chùa chiền bị triệt hạ, thày thuốc Bắc truyền thống bị tố giác là phù thủy và tất cả các xưởng làm nhang trên đất nước đều phải thay đổi ngành nghề, chuyển sang làm giấy vệ sinh.

Khi Bố tôi về nhà, Bà tôi cho ông biết cái tin chẳng lành là nhà họ Tôn vừa cho ra đời một đứa con gái nữa, thay vì con trai như hằng mơ ước. Bà nói với Bố là lỗi tại Bà vì Bà không đi chùa được hay đốt nhang để khẩn cầu nên mẹ tôi đã sinh gái, một thứ người ngợm chẳng đáng chi.

Bố lắng nghe Bà một cách dửng dưng. Bố đã tham gia chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan ở nông thôn, nay về nhà thì lại đầy dẫy. Bố nổi cáu la lớn:"Mẹ cứ mê tín dị đoan hoài. Thần thánh có linh thiêng sao lại để cho dân chúng đói khổ trước kia? Mẹ biết không, họ chẳng bằng một phát rắm của chó nữa. Tại sao Mẹ chẳng chịu cầu nguyện Chủ tịch Mao có hơn không?"

Bố tham gia cách mạng từ tuổi mười sáu, kháng chiến chống Nhật, đi khắp đất nước Trung Quốc để tóm thâu về cho cộng sản và đánh nhau với Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Bố trở thành đảng viên cộng sản và lần hồi nắm quyền lãnh đạo. Bố sắt đá tin tưởng Kác Mác, Lê Nin và Chủ tịch Mao. Đối với Bố, Mao Chủ tịch, trước sau như một, là vị cứu tinh của dân tộc Trung Quốc.

Ông tôi bị đảng gán là địa chủ, dù cho Ông chỉ sở hữu có vài mẫu đất và mướn có hai nông dân làm công. Tuy phải lo ngại cho Ông, vậy mà trong nhật ký khi đang ở tuyến đầu Triều Tiên, Bố còn ghi:"Không được tình cảm ủy mị. Phải kiên quyết cách mạng đến cùng. Đảng bao giờ cũng đúng. Mình phải diệt trừ tệ nạn phong kiến."

Tôi được nuôi dạy trong một bối cảnh như thế. Việc học tập chính trị nghiệt ngã xuyên suốt giáo trình của tôi đã biến tôi trở thành một con người hoàn toàn vô thần, cũng như phần đông những người Hoa sinh ra sau năm 1949. Người ta đã nhồi nhét vào đầu óc tôi quan niệm cho rằng Phật giáo là thuốc phiện của nhân dân và sư tăng và ni cô là những người ăn bám xã hội. Ở trường học, bọn tôi phải đọc quyển Sách Nhỏ Đỏ của Mao Chủ tịch và tự phê tự kiểm để thấy rõ tâm tư tình cảm bản thân. Tôi ghi nhật ký, ghi nhận những sai trái của cá nhân tôi và đem ra đọc to cho cả lớp.

Năm lên lớp ba tiểu học, lúc đó tôi được 10 tuổi, có đoạn ghi như thế này:"Chủ tịch Mao, lãnh tụ, người thày và người cầm lái vĩ đại của ta, có nói đoàn kết là trên hết, không có đoàn kết thì Đảng cộng sản không làm sao thắng lợi được. Nhưng hôm nay tôi lại đánh nhau với em trai tôi. Nếu không đoàn kết được với ngay cả em tôi thì làm sao đoàn kết được với tất cả mọi công dân của đất nước? Nếu dân chúng không đoàn kết được thì làm thế nào để đạt được mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản, là thiên đàng hạ giới đây? Ta cần phải đọc nhiều hơn nữa tuyển tập của Chủ tịch Mao, lắng nghe những gì Chủ tịch dạy và cố gắng trở thành đứa con ngoan của Người."

Bà tôi chắc là con người vô cùng cô đơn giữa chúng tôi. Cũng như hầu hết những người cùng thế hệ, Bà theo đạo Phật (Mẹ của Mao cũng là người tin tưởng Phật giáo và, chịu ảnh hưởng của bà, hồi còn trẻ Mao cũng thờ cúng Đức Phật và còn có ý định lôi cuốn bố của ông vào Phật giáo nữa). Bà bỏ hết bảy người con trong số chín người, trong những năm có dịch đậu mùa và rồi ông tôi lại mất sớm. Thế nên, quá nhiều điều bất hạnh của cuộc đời đã làm cho Bà trở nên con người bơ vơ và ai ai trong làng cũng lánh xa Bà. Bà cho rằng chắc là Bà đã làm điều gì khủng khiếp lắm cho nên phải bị trừng phạt tàn nhẫn đến như thế.

Để sám hối, Bà khấn vái ngày đêm và tử tế với mọi người. Thế nhưng, niềm tin đó của Bà lại làm hại sự nghiệp cách mạng của Bố. Tai và mắt của Đảng nằm trong các ủy ban phường khóm nên họ biết hết những gì xảy ra trong mọi nhà. Bố có thể phải gặp khó khăn vì "không thu xếp được chuyện nhà". Thậm chí Bố còn đem "những đồ vật dị đoan" của bà bán ra cho người thu mua phế liệu phế phẩm, như tượng Phật Quan Âm bằng đồng quý nhất của Bà.

Bà bị bắt buộc phải cầu khẩn trong bóng tối. Ngay cả bây giờ, tôi còn nhớ rõ mồn một cái đêm mà tôi phát hiện được điều bí mật của Bà. Tối tôi ngủ chung một giường với bà, nằm trái trả, đầu người này ngó chân người kia, mãi cho đến khi tôi rời nhà vào đại học. Kỷ niệm đầu tiên và tồn tại mãi trong trí nhớ của tôi là khi chân bà đạp vào mặt tôi. Bà không ngủ nhiều. Mỗi khi tôi thức giấc ban đêm là tôi thấy Bà đã ngồi đó.

Nhiều khi đêm tối quá không trông thấy được Bà, nhưng thỉnh thoảng mặt Bà lảng vảng trên mặt tôi trong ánh sáng lờ mờ của vầng trăng. Bà trầm lặng, mắt Bà gần như mù lòa, nhìn quanh quẩn như đang tìm một vật gì, mái tóc trắng xóa của Bà rực sáng dưới ánh trăng, đôi môi của Bà thầm lặng mấp máy trong khi Bà liên tục bỏ những hạt đậu vào trong một cái chén đặt trước mặt. Chắc là Bà đang cầu nguyện? Rồi có một đêm tôi hỏi thì Bà gật đầu. Bà đếm từng hạt đậu để nhớ xem Bà đã niệm Phật bao nhiêu lần, thay cho tràng chuỗi hạt.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên, không biết phải khóc hay phải cười nữa. Tôi cảm thấy buồn vô hạn và muốn ôm lấy bờ vai mảnh khảnh của Bà để làm cho Bà tỉnh người ra. Tại sao Bà kỳ quá vậy? Làm sao Bà lại biết chắc rằng trên kia có thần linh nào chứng giám cho những lời nguyện cầu của Bà? Ngoài ra, có ăn nhằm gì chuyện thần thánh tiên Phật trên kia chẳng giúp ích gì cho Bà nhưng lại làm cho Bà cảm thấy thiếu sót bổn phận nên ơn trên không bằng lòng không?

Dẫu sao đi nữa, tôi cũng thừa biết rằng tôi chẳng khi nào thuyết phục được Bà. Bố cũng chưa làm được huống hồ gì tôi. Niềm tin đó đã cứu rỗi Bà suốt cả đời. Đó là cuộc đời và lẽ sống của Bà. Chúng tôi sống trong những thế giới khác biệt nhau. Mãi mấy năm sau này, khi tôi lên đường đi tìm hiểu và phát hiện ra có những cái còn thâm thúy sâu xa hơn niềm tin của Bà nữa và tôi bắt đầu trân trọng điều đó.

Đời sống của chúng tôi đảo lộn quay cuồng trong thời Cách mạng Văn hóa của những thập niên sáu mươi và bảy mươi. Nơi trú quán của gia đình đã làm cho Bố nhớ lại cảnh chiến trường, với tiếng súng máy, tiếng trọng pháo và tiếng bộc phá nổ ngày đêm. Chúng tôi không được phép ra khỏi nhà nữa, một cái nhà trông gần như một pháo đài, bao cát chất đầy cửa ra vào và cửa sổ bị bít kín bằng ván. Một người hàng xóm của chúng tôi bị đánh đập đến chết trước mặt vợ con, chỉ vì bọn Vệ Binh Đỏ không bằng lòng với cung cách ông ta thưa chuyện với họ. Bà rất bối rối, không còn biết đâu mà rờ nữa, bèn hỏi Bố:"Bộ có giặc đến nơi rồi hả? Tại sao thiên hạ lại chém giết lẫn nhau thế?" Bố làm thinh, không trả lời.

Bố thường nói trong suốt quãng đời cách mạng, Bố chưa từng thấy nhiều tai ương đến như thế, nhân danh cho một chính nghĩa. Bố đã vào Đảng từ năm 1942, đã giết quân thù ở mặt trận không chút hối hận, chẳng một lời than thở khi Ông tôi bị tố giác là một "kẻ thù của nhân dân", và không khỏi băn khoăn giằn vặt khi Mao bắt giam hàng triệu trí thức vì tội dám nói lên tâm tư tình cảm của mình.

Nhưng lần này thì chuyện gì đây? Xưa nay, chưa bao giờ cả nước, hàng trăm triệu con người, phải suy nghĩ như nhau, nói lên một tiếng nói duy nhất, chỉ đọc tác phẩm của một người mà thôi và bị xét xử qua tiêu chuẩn của một cá nhân. Xưa nay, chưa bao giờ truyền thống của ta bị xáo trộn đến như thế, gia đình tan nát, chồng chống lại vợ và con cái chống lại cha mẹ.

Đảng không còn ai lèo lái nữa, tất cả lãnh đạo cấp cao đều bị đi tù hoặc bị giết chết. Công nhân không làm việc, nông trại ngừng sản xuất, chuyên viên khoa học và văn nghệ sĩ vào trại lao cải, quan tòa, thày cải và cảnh sát đi nằm nhà pha chứ không phải bọn tội phạm, thanh niên nam nữ bị đưa về nông thôn để đi học tập cải tạo.

Ngoài việc hủy hoại thể xác ra, tác động tâm lý đến mỗi cá nhân còn thâm độc hơn. Cách mạng văn hóa làm cho con người hư đốn tận cùng. Nhân danh cách mạng, họ rình rập, tố cáo, phản bội và sát hại nhau, không phân biệt người dưng nước lã, bạn bè thân quen, nghĩa tình đồng chí hay bà con thân thuộc gì cả. Hy vọng đến mức như vậy, đau khổ và hy sinh ngần ấy để làm gì đây?

Bố chẳng hiểu tại sao một lý tưởng đã từng làm cho Bố hồ hởi phấn khởi để tận tụy trung kiên đến như thế mà sao nay đã trở nên sai quấy một cách khủng khiếp. Bố không bao giờ nói nhiều, nhưng rõ ràng là Bố đang nãn lòng. Bố cũng bắt đầu ân hận vì Bố đã đối xử khắc nghiệt với Bà trước kia, nhất là trong những năm cuối cùng của thập niên tám mươi, lúc Phật giáo được hồi sinh mạnh mẽ ở Trung Quốc.

Bố mất năm 1997. Bố rất khỏe mạnh, không có một ngày nghỉ bệnh, nhưng nỗi phiền muộn đó đã tàn phá sức khỏe của Bố. Bố đâm ra vướng phải bệnh tiểu đường và không mấy chốc mà bị bại liệt và mù lòa. Lẽ ra, công ty làm gỗ quốc doanh, nhiệm sở cuối cùng của Bố, phải chăm sóc Bố, nhưng họ nói rằng không có khả năng để đài thọ y tế phí cho ông giám đốc.

Bố không bằng lòng tôi đứng ra trang trải mọi thứ cho Bố. Bố cứ tin tưởng rằng nhà nước phải chăm sóc Bố từ khi nằm nôi cho đến lúc xuống huyệt, vì Bố đã cống hiến nửa thế kỷ đời mình cho Đảng thì nay Bố phải đòi cho kỳ được. Sau khi Bố mãn phần, Mẹ lại tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của Bố. Mẹ cứ đứng bên ngoài văn phòng của viên quản lý công ty ngày này qua ngày nọ trong khi xác Bố cứ nằm ở nhà quàn. Mãi cho đến khi cuối cùng họ chịu trả một nửa y tế phí của Bố.

Trối trăng sau cùng của Bố là đừng tẫn liệm Bố với bộ Âu phục mà tôi đã mua cho Bố, cũng không phải là với bộ quân phục cũ, nhưng với cái áo đại cán kiểu Mao màu xanh dương. Quả thật là một ước muốn khó thỏa mãn vì nay không còn ai mặc thứ áo đó nữa. Chúng tôi đi lục lạo tìm kiếm cả ba ngày trời, cuối cùng có được một cái ở tại cửa hàng bé nhỏ vùng ngoại ô thành phố. Gia đình muốn chôn Bố với chiếc áo đó vì nó là hiện thân của ước vọng suốt đời của Bố, của lý tưởng và của niềm tin vô tận, dù cho Bố đã chết đi như là một con người tuyệt vọng. Bố đã nhìn thấy tận mắt những gì Bố tin tưởng đã sụp đổ tan tành quanh Bố và không bao giờ Bố tìm được một niềm tin khác.

Sun Shuyun

Trích "Vạn lý không một bóng mây"
Ten Thousand Miles Without a Cloud
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn