BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77148)
(Xem: 63219)
(Xem: 40618)
(Xem: 32258)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trần Tuấn Kiệt – Mấy nhắc nhớ còn sót lại

08 Tháng Chín 20237:32 SA(Xem: 574)
Trần Tuấn Kiệt – Mấy nhắc nhớ còn sót lại
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tùy bút

Tháng 10 năm 2019, tôi có tới bốn thân hữu của trên dưới sáu mươi năm quen biết, họ đã cùng nhau bỏ ra đi vào cõi vô cùng: Du Tử Lê, Nguyễn Tường Quý, Nguyễn Văn Trung và Trần Tuấn Kiệt. Thời gian ấy, tâm tư xáo trộn, thẫn thờ cả tháng. Chưa bao giờ tôi bị xúc động mạnh đến thế; và dĩ nhiên, chẳng có thể viết ra được một lời nào về họ!

    Riêng Trần Tuấn Kiệt thì đặc biệt có khác: Trước đấy và sau này, dù sao tôi cũng đã có dịp đề cập tới ở một vài thời điểm nhân tiện nào đó [1]. Thế thôi. Chứ mấy năm nay, mỗi lần tình cờ có sự kiện gì đấy trực tiếp hay gián tiếp nhắc nhớ đến họ, lòng tôi cứ buồn bã khôn nguôi. Thêm nữa, sống được đến từng tuổi tám mươi này, cá nhân tôi thực sự chẳng muốn tự khêu gợi cho mình những nỗi buồn khó chịu kiểu ấy nữa.

Trần Tuấn Kiệt
Một tình cờ – Lời thơ cuối dòng

Đã sống tại Hoa Kỳ trên bốn chục năm trời, lại còn hành nghề báo chí, thế mà tôi là cá nhân luôn luôn bị bạn hữu chê là một tên “quê mùa” nhất là về lãnh vực sử dụng những phương tiện truyền thông tiên tiến hiện nay. Trên ba chục năm nay rồi, công việc hằng ngày của tôi là chỉ dùng computer hay laptop để viết bài, nhận và trả lời emails. Và, chỉ thế thôi! Nhóm chuyên viên kỹ thuật ở sở làm có dịp là họ thường gợi ý, sẵn sàng thiết lập cho tôi một website riêng. Về phần cá nhân, nại cớ là sở đã luôn sẵn cả một dàn chuyên viên kỹ thuật giỏi, tôi thấy lười, chẳng muốn biết sâu vào những kỹ thuật máy móc phức tạp làm gì cho mệt! Cũng như cần gì phải thực hiện riêng cho mình thêm thứ gì khác nữa cho bấn bíu. Chả là khi cái máy tính để bàn (desktop) hay chiếc laptop xách tay của tôi chúng có gì trục trặc thì y như rằng tôi chỉ đơn giản là nhờ vả họ tu sửa giùm, một cách gọn ơ! Thậm chí đến phương tiện liên lạc bằng điện thoại: Suốt bốn mươi năm tôi chỉ có hai số phôn ở sở và ở nhà. Xong! Đi đâu cần thì dùng điện thoại công cộng, của bạn hữu hay của người đồng hành. Gọn bâng! Nhưng trên hai năm nay, sau khi nghỉ hưu luôn mà chiếc điện thoại nhà lại trục trặc, mấy đứa cháu đứng tên lo giùm cho vợ chồng tôi mỗi người một chiếc điện thoại cầm tay – cellphone. Tôi một mực cũng vẫn chỉ sử dụng những gì thật cần thiết hằng ngày. Như gọi đi, nghe gọi đến, và trả lời.

    Vài thập niên nay, khi phương tiện internet áp dụng những khám phá tân tiến của kỹ thuật thì ngành truyền thông phát triển quá nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhất là biến cố đại dịch Covid-19 xẩy ra đã tạo nên những mặt tiêu cực của xã hội loài người như thảm họa bệnh tật, chết chóc; nhưng mặt khác biến cố này cũng khiến chúng ta nỗ lực vươn lên, tìm đủ phương cách để vượt thoát tai họa. Trong những tiến bộ vượt bực đã thay đổi hẳn sinh hoạt thường ngày của xã hội loài người, như phương cách làm việc tại gia (home office), và như mức phát triển của ngành truyền thông xã hội (Social Media). Riêng cá nhân tôi cứ ạch đụi: Ngay cái “vụ” text, voice mail mà cũng còn loạng quạng sai sót hoài. Huống hồ chi đến những facetime, facebook, twitter, youtube, video... tôi đều mù tịt, chưa bao giờ bị bó buộc phải tự trực tiếp mầy mò sử dụng cả!

    Cách đây độ một tháng, như thường lệ, một anh bạn ở vùng đông-bắc Hoa Kỳ gọi sang thăm hỏi (chúng tôi thường đùa, đó là “thăm bẫy”). Rồi vốn đã biết rõ cái thói tật “quê mùa” riêng về lãnh vực internet của tôi, lan man thế nào anh ta nhắc rằng có bài thơ Trần Tuấn Kiệt gửi cho tôi cách đây cũng phải cả mấy năm rồi, có đăng trên một website thân hữu, đọc chưa? Tôi ngớ ra. Cho chắc ăn, anh ấy liền chụp bài thơ gửi sang, gồm cả địa chỉ website ấy: https://vanngheboston.wordpress.com/2019/10/14/nha-tho-tran-tuan-kiet/

    Tôi xin chép nguyên văn ra đây, như một thể hiện gián tiếp cảm tạ anh bạn kia lẫn các thân hữu văn nghệ chủ trương thực hiện website này.

Cỏ bng

(viết tặng Phạm Quốc Bảo và Tuyết Linh)

Cỏ bồng còn mọc bên sông
Yêu em t
ừ độ chưa chồng em ôi!
Đ
ến nay em có chồng rồi
Cỏ bồng c
òn mọc nước trôi lạnh lùng
Quê hương khói l
ửa chập chùng
C
ỏ hồng vẫn bám bên sông eo xèo
Yêu em năm tháng thêm nhi
ều
Cỏ bồng mặc ngọn nước triều tr
ôi đi
B
ấm tay đầu ngón tay gầy
Cỏ bồng vẫn để th
áng ngày nhớ thương.
Gi
ó theo mây phủ bụi đường
Cỏ bồng s
óng vỗ đêm trường vì ai!
Trần Tuấn Kiệt [Gởi Tuyết Linh, nhờ chuyển cho Phạm quốc Bảo]

Tôi đọc mà trong lòng cảm thấy vừa buồn vừa tủi thân, man mác một mình nghĩ ngợi mung lung:

    Đầu tiên là trường hợp chị Tuyết Linh nghe nói cư ngụ ở New York, một thân hữu cố cựu chung của Kiệt với tôi, mà cả bốn năm nay không biết sao đã lại bặt tin tức. Bài thơ này Kiệt chọn tiêu đề "Cỏ Bồng" [2] mà nội dung bài thơ lại như diễn tả về một loại bèo giạt sống ở dưới sông biển, chứ không bay bổng trên mặt đất, tạo nên một khung cảnh mờ nhạt trong sương... Thêm nữa, bài thơ này xem ra Kiệt viết ở thời điểm ít nhất là trước khi qua đời. Đến khi Kiệt đã mất hút trong cõi đời này cả mấy năm rồi, tôi mới được đọc nó. Và theo cá nhân tôi mường tượng, cánh bèo xem ra khá phù hợp với thân phận của Kiệt, chị Tuyết Linh và lẫn cả tôi. Mà ưu tiên trước nhất vẫn là cảm nhận của Kiệt: Còn bám trụ ở quê nhà nhưng cuộc đời của Kiệt nửa thế kỷ qua cũng vẫn lây lất, luôn phải sống khắc khoải để rồi cuối cùng “tiêu tan”. Thì ra sống ở trong nước hay đâu đó ngoài này đi nữa, thân phận của cả ba chúng tôi xem ra cũng chỉ quay quắt trong tình trạng nổi trôi. Chúng tôi sống vẫn thực đấy, nhưng như sống ở cõi tạm dung.

    Tuy nhiên, cái điều vần vũ trong lòng khiến tôi xúc động nhất là Kiệt cụ thể ở bài thơ này đã sử dụng toàn những từ ngữ thông dụng, đôi chỗ còn điệp tự nữa. Chữ nghĩa của bài thơ làm như cứ trôi lướt đi trong một niềm cảm xúc nhớ bạn, cùng lúc với thương mình, đầy ắp, lan man...

Nhắc nhớ về thuở đã mất hút

Đồng thời, giữa tâm trạng ấy, tôi bắt trớn liên tưởng đến cuốn thơ của Kiệt mà cách đây gần bốn năm, anh Thành Tôn [3] đã sao ra tặng lại tôi, như một món quà hiếm quí bất ngờ. Thành Tôn vốn là một nhà thơ xuất thân từ miền Trung, cùng với những Luân Hoán, Trần Dạ Lữ, Thái Tú Hạp, Mường Mán... đã từng có thơ đăng trong nguyệt san ĐỐI THOẠI (1966-67) do tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tôi chỉ được biết đến bút danh của họ qua thực tế bằng sự hiện diện thơ của họ.

    Bẵng đi cho tới mấy năm cuối thế kỷ 20, không nhớ rõ năm nào, anh Thành Tôn cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư, lúc ấy tôi mới được dịp trực tiếp bắt chặt tay, đối diện tận mặt với anh ở những buổi cà phê ngoài quán quen, trong ấy, đậm đà nhất là tô mì quảng do chị Thành Tôn chuẩn bị mà tôi được thưởng thức tại nhà của anh chị. Sự kiện này đã khiến tôi nhớ da diết tô mì quảng mà tôi được một lần duy nhất trước đây ngấu nghiến ở cái quán ven đường từ Đà Nẵng vào Hội An năm 1964: Mấy con tôm nhỏ luộc, lột vỏ nhưng vẫn còn cái đuôi, và những miếng bánh đa nướng bóp vụn đầy mặt trên cùng của những cọng bún to bản màu vàng.

    Rồi cũng trong một buổi cùng nhau bù khú cà phê ngoài quán quen ấy, chẳng nhớ rõ là nhân từ chuyện phiếm nào, anh Thành Tôn hỏi tôi:

    – Có còn nhớ một bài thơ Trần Tuấn Kiệt đã viết tặng cho anh không?

    Ngẩn người ra, tôi nhìn anh mà... ngọng! Anh cười cười, và cũng im luôn. Mấy tuần sau gặp lại, anh trao cho tôi bản chụp lại tập thơ Lời Gửi Cây Bông Vải của Trần Tuấn Kiệt. Cuốn thơ được cắt xén đóng gói bao bì thật trau chuốt mà chữ nghĩa trong đó còn khá rõ ràng, chỉ có điều không phải là nguyên bản thôi!

    Về nhà, mở ra nhâm nhi từ bìa, với hình vẽ của Động Đình Hồ [4] rồi cứ thế lướt đọc vào những trang trong. Nào là Kiệt viết tặng họa sĩ Nghiêu Đề bài "Trong Vùng Gió Bụi" (trang 14), "Lên Núi Nhìn Mây với Hồ Đắc Tâm" ( trang 32), "Nằm Ngủ Trên Đồi” tặng Bùi Hồng Sĩ (trang 58), "Tìm Chim" tặng Nguyễn Thùy (trang 59), và cùng trang này, bài "Đối Thoại", Kiệt tặng tôi. Nguyên văn như sau:

Đối thoại
tặng Phạm Quốc Bảo
Một ngồi dưới bóng cây xanh
Nhớ thương trăng hiện lên nhành xương khô
Đau thương sầu đỏ rừng thu
Dặm về dông gió sương mù hai vai
Ngọn đèn mái tóc rừng thôi
Chưa bao giờ hiện trong đời hoang vu.
[trang 50, tập Lời Gửi Cây Bông Vải, thơ Trần Tuấn Kiệt, Quán Thơ xuất bản 1969]
 
Năm bài thơ Kiệt viết tên những thân hữu ấy, và đã cho in trong tập thơ này, thuở xưa, trên nửa thế kỷ, hiện vẫn còn lưu lại đây. Thế mà trong đấy, bốn thân hữu đã lần lượt ra người thiên cổ, cùng với chính tác giả, là năm! Hiện nay còn lại chỉ có mỗi một mình tôi.

Tài hoa đã chín từ đời sống

Cho đến bây giờ, ngồi một mình ngoài hiên vắng, vọng nhớ về bạn mình, tôi gợi lại ký ức những mẩu nhỏ lãng đãng do Trần Tuấn Kiệt đã thỉnh thoảng tâm sự kể lại cuộc đời của anh cho nghe. Những mẩu đời ấy chìm lắng đi lâu rồi, cũng đến cả trên dưới sáu chục năm nay; bây giờ tự nhiên trong bồi hồi, tôi hồi tưởng:

    Nếu ký ức của tôi vẫn chưa đến nỗi nhập nhằng, Kiệt sinh năm 1939 ở Sa Đéc, bút hiệu đầu tiên của anh là Sa Giang-Trần Tuấn Kiệt. Hồi nhỏ đã hoang đàng với bọn trẻ chăn trâu dưới quê, học chưa hết những năm tiểu học. Mười mấy tuổi trốn nhà lên Sàigòn, lang thang kiếm sống, từ đánh giầy sang bán báo, rồi duyên may tình cờ được gặp nhà văn Lê Văn Trương lúc cuối đời và được ông nhận làm con dưỡng tử, được cho đi học đến lớp đệ Lục (tức lớp 6 bây giờ). 17 tuổi đã có thơ được chọn đăng trong tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, rồi được vào làm thành viên của Thi Văn Đoàn Bạch Nga, viết cho tờ Dân Ta và bán nguyệt san Phổ Thông của Nguyễn Vỹ [5]. Cuối thập niên 1950 hay đầu thập niên 1960 gì đó, Kiệt gặp được một thiếu nữ quê từ vùng cửa Thuận An phiêu bạt vào Sài Gòn kiếm sống. Hai đứa đã đến một ngôi miếu hoang ở vệ đường cùng vái lạy để nên vợ chồng. Chọn ngôi nhà tôn vách mành mành trong một ngõ hẻm từ đường Phan Đình Phùng dẫn vào làm nơi xây dựng tổ ấm. Nhưng đứa con trai đầu lòng sớm yểu mệnh, Kiệt đã viết một mạch tập thơ "Triền Miên Ngâm Khúc", để sau đó được thêm hai đứa con gái là Nhiên và Lùn, rồi lại có một đứa con trai với phụ nữ khác (tôi không nhớ tên) vào vài năm trước Tháng Tư 75.

    Những năm cuối thập niên 1960, tôi đi dạy ở mấy trường trung học tư thục mà chính là Nguyễn Bá Tòng. Nhà của tôi vẫn ở trên đường Võ Di Nguy gần ngã ba Nguyễn Huệ mãi tận vùng Phú Nhuận ngoại thành Sài Gòn, miết từ 1955, lúc mới từ Hànội di cư vào Nam. Đi dạy học rồi, túi rủng rỉnh mà lại còn độc thân, tôi chung với hai anh bạn giáo sư khác thuê một căn phòng trên lầu hai trong khu Passage d'Eden-Nhà sách Xuân Thu; nhưng hai anh bạn này cùng mê chơi mà chược, xì phé, căn phòng thuê chung ấy thường xuyên ồn ào, nên tôi gần như ăn dầm nằm dề tại nhà Kiệt và bù khú liên miên với nhóm bạn văn nghệ. Nhớ có lần ăn nhậu ở nhà hàng Kim Sơn, hết tiền thì lại gặp ngay ông Nguyễn Hùng Trương [6] chủ nhà sách Khai Trí cũng đang tiếp khách ở bàn kế gần đấy, Hoàng Trúc Ly, rồi cả Trần Tuấn Kiệt, bước sang điều đình bằng cách hứa với ông Trương là sẽ trao bản thảo cuốn sách sắp viết, nhưng hiện cần ông ứng trước ngay để có tiền thanh toán bữa tiệc đang dở dang ấy!

    Lại một lần khác tình cờ xáp lại nhau, mà chẳng tên nào còn tiền trong túi, Trần Tuấn Kiệt nổi hứng chủ động rủ cả đám, những Hoàng Trúc Ly, Động Đình Hồ và tôi, cùng đến quán cóc trước sân vận động Phan Đình Phùng ngồi uống cà phê. Còn Kiệt bước sang đường vào tòa soạn Bách Khoa. Độ chưa đầy nửa giờ sau, Kiệt đi ra nghiễm nhiên thanh toán tiền cà phê. Hỏi ra mới biết Kiệt vào đấy, ngồi xuống là viết liền ra bài thơ, với yêu cầu nếu chịu đăng thì chi nhuận bút tức thời. Anh Lê Ngộ Châu cứ ngớ người ra... Kiệt chỉ ra cho anh ấy thấy là đang có mấy tên “ngồi đồng” chờ ở quán cóc bên kia đường!

    Viết đến đây, tôi chợt nhớ một cặp lục bát của Trần Tuấn Kiệt:

    Xưa kia ta bước lên đường
    gió chiều bay áo ánh dương thâu mờ

    Và đồng thời, bất giác tôi thấy rằng mình kể lể dài dòng như trên xem ra cũng đã đủ rườm rà rồi. Bây giờ hãy để cho chính Kiệt tâm sự bằng bài thơ vừa mới nẩy ra trong ký ức của tôi:

    Một mai ta đến bên thành
    
cỏ cây cũng nhớ thương mình ra hoa
    vầng trăng bến ngựa giang hà
    
bia thành vách mộ lòng ta chợt buồn

Phạm Quốc Bảo
(9/2023)
Nguồn : Việt Báo

Phụ chú:

[1] Chẳng hạn như - "Pleiku trong thơ Trần Tuấn Kiệt";  28/03/2013 và - "Lệ Thu, mấy liên tưởng chợt hiện" 25/01/2021, trong https://sangtao.org/category/tac-gia/ph%E1%BA%A1m-qu%E1%BB%91c-b%E1%BA%A3o/.

[2] Cỏ bồng: cây cỏ lăn, Tumbleweed, một loại cỏ nhỏ quấn quít nhau thành từng bụi mọc ở những bãi hoang ( như ở vùng sa mạc Bắc Mỹ). Mùa hè nóng dài hạn chúng bị khô héo đi, đến thu thì thường bong rễ ra và cuộn tròn lăn theo chiều gió thổi.
 
[3] Cuốn "Một Đời Thắp T
ình", Viễn Xứ xuất bản năm 2022,' sách in ra có đề rõ là chỉ 'dành tặng bạn hữu'. Trong cuốn này, 35 tác giả viết về Thành Tôn, đã gọi anh là 'thư viện sống của cả một nền sinh họat văn học - nghệ thuật 20 năm Miền Nam Việt Nam".

[4]  Động Đ
ình Hồ là bút danh của nhà thơ - nhà văn - họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật (1942-2014). Tôi còn nhớ là độ năm 1967, anh mang lon thiếu úy phục vụ khối CTCT tiểu khu Gia Định...Đến đầu thập niên 1990, anh tái định cư cùng gia đình tại Na Uy và mất ở đấy.

[5] Nguyễn Vỹ (1912 – 1971), nh
à văn-nhà thơ-nhà báo.  Bộ truyện được nhắc nhở đến nhiều nhất là "Tuấn, chàng trai nước Việt" I & II, nhà xuất bản Triêu Dương, Sàigòn, 1970.

[6] Ông chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng cưng chiều giới viết sáchÔng sẵn sàng ứng trước, gọi là tiền đặt cọc, khi cần.Trên lầu nhà sách của ông luôn chứa đầy những bản thảo đã thanh toán rồi nhưng chưa kịp in thành sách!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn