Báo VNN có đăng bài viết của tiến sĩ Đinh Đức Sinh về việc sát nhập quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên.
Không hiểu ông Sinh lấy đâu ra lời nguyền mà viết rằng:
– Có vẻ như đã có lời nguyền rằng sông Hồng là giới hạn không được vượt qua của quận Hoàn Kiếm. Bởi thế, cầu Long Biên, cầu Chương Dương đều chia đôi, một cho quận Hoàn Kiếm, một cho quận Long Biên. Thậm chí phần sông Hồng ôm gọn vị trí phía Đông của quận Hoàn Kiếm cũng bị phân làm hai với ranh giới giữa sông, bên này thuộc quận Hoàn Kiếm, bên kia thuộc quận Long Biên.
Cám cảnh cho sự phân chia này khiến người dân quận Hoàn Kiếm rất mê ca khúc “Đôi bờ” ra đời từ nước Nga, tuy xa xôi nhưng nói lên được lòng mình, rằng “đôi bờ đâu cách xa”.
Đúng vậy, đã đến rồi thời điểm vô hiệu hóa lời nguyền về giới hạn không gian phát triển của quận Hoàn Kiếm khi Quốc hội chỉ ra đúng tử huyệt của lời nguyền: đó là diện tích tự nhiên của quận Hoàn Kiếm chỉ đạt 10,6% so với chuẩn mực tối thiểu của một quận trong cả nước.
Không xóa bỏ được tử huyệt này, quận Hoàn Kiếm sẽ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình cả nước tiến lên thịnh vượng 2025 – 2030 – 2045. Chủ trương rất đúng đắn khi Quốc hội đặt ra yêu cầu “Sáp nhập quận Hoàn Kiếm”.
…………………..
Lời nguyền, tử huyệt… không biết những điều này trong sách sử nào ghi. Tại sao bao đời không ai phá, mà đến giờ lại có những người cao cường phép thuật mới xuất hiện ra tay phá bỏ lời nguyền này.
Bài Đôi Bờ của Nga thì liên quan gì đến nỗi lòng người Hoàn Kiếm với con sông Hồng. Chẳng qua thời đó dân đi Nga ở Hà Nội hơi nhiều, họ đem về bài đó với bài Triệu Bông Hồng, Cachiusa.
Người Hoàn Kiếm còn có Đôi Bờ của Quang Dũng, nếu mà lấy ví dụ thì lấy bài thơ Đôi Bờ của Quang Dũng, do nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc còn hợp hơn. Cả nhà thơ và nhạc sĩ đều xuất thân Hà Nội.
Lấy cái bài nhạc Nga xa cả ngàn dặm, khác biệt văn hoá, địa lý, lịch sử ra chẳng hợp chút nào.
Một ví dụ đầy khiên cưỡng, gượng ép, gán vào để làm cái cớ. Đã thế lại còn bịa đâu ra lời nguyền sông Hồng là giới hạn của quận Hoàn Kiếm, là tử huyệt của quận này, kiềm hãm phát triển.
Nếu mà bịa vô căn cứ về lời nguyền như tiến sĩ Sinh. Tôi cũng bịa rằng quận Hoàn Kiếm là tử huyệt cho người Nghệ An, lời nguyền rằng nếu người Nghệ An mà làm vua, thì đất nước bất ổn, lâm vào chiến tranh. Chẳng hạn từ Mai Hắc Đế đến Hồ Chí Minh đều làm vua vào thời điểm đất nước chiến tranh liên miên không dứt. Dân chúng lầm than, chết chóc, tang thương vô cùng.
Không tin cứ điểm các giai đoạn lịch sử người Nghệ An làm vua hay Tổng Bí Thư thì rõ.
Cho nên để phá lời nguyền này, ông Vương Đình Huệ người Nghệ An, mới sai ông Trần Sỹ Thanh phá cái dớp ấy, xoá bỏ hay sát nhập quận Hoàn Kiếm để phá cái tử huyệt ấy đi.
Nào, thích bịa thì cùng bịa, văn chương hay lịch sử thằng vô học này xin tiếp tiến sĩ. Xem ai bịa có lý hơn, có cơ sở hơn.
Sát nhập hợp lý là lấy một phần đất của quận Ba Đình, nơi có Hoàng Thành Thăng Long, có phố Cửa Bắc, Quán Thánh, Cổ Ngư, Chùa Một Cột là hợp lý hơn cả, cả cụm di tích đi cùng nhau.
Còn quận Ba Đình tính từ lăng Hồ Chí Minh lấy thêm đất đến Cổ Nhuế làm quận Ba Đình là hợp lý nhất.
Cho nó liền nạc, cớ sao phải vươn sang bên kia sông làm cái gì?
Bùi Thanh Hiếu