BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một ngày ở Óc Eo

25 Tháng Năm 201012:00 SA(Xem: 1290)
Một ngày ở Óc Eo
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Buổi sáng xách giỏ ra đi, miệng nói rổn rảng với cả nhà bữa nay tui đi Núi Sam Châu Đốc, ra đầu hè gặp liền cậu xe ôm, thót lên xe chạy vèo vèo ra Bắc An Hòa.

Theo sự chỉ dẫn của các thổ địa khu này, đứng lừng khừng chờ xe Sài Gòn – Châu Đốc. Chờ miết, chờ miết, phà sắp chạy mà hổng thấy cái bóng xe lớn nào, toàn là xe 2 bánh chất đầy một phà. Thôi đành qua mé Bắc phía bển chờ cho mát, chớ bên này nắng chói chang, gặp đúng lúc thời tiết miền Nam lãnh đủ cơn nóng 38 độ, mình mẩy muốn khô như lạp xưởng Vissan chịu gì cho thấu.

Bắc An Hòa phía bên Thành phố Long Xuyên vui vẻ nhộn nhịp. Cái chỗ quê mình ngộ thiệt à nhen. Cách chỉ có một cái sông chút xíu, cái lũm chính giữa sông còn là Cù lao ông Hổ, bây giờ Nhà nước đổi tên kêu bằng Đền bác Tôn. Gặp mấy người bơi giỏi chắc bùm bùm một lát là tới liền. Vậy mà ở 2 bên bờ sông là 2 cuộc sống khác nhau hoàn toàn. Một bên là thành phố sáng rực ánh đèn đô thị với đủ mọi thứ văn minh hiện đại, xa xỉ. Một bên là làng quê heo hút nghèo nàn, gió thổi qua đọt tre, lá chuối rì rào. Kể cái công mình quảng cáo cho vùng nước hiền lành này cũng hổng trật chút nào: Quê tui ngộ lắm nha. Muốn bờ tre cây lúa cũng có, mà muốn dancing cỡ nào cũng có. Chỉ cần bậu tốn ngàn bạc qua phà là chuyển đổi môi trường cái rẹt hà.

Ngồi nhâm nhi ly nước mía chừng 30 phút đồng hồ, phà qua 2 lượt rồi mà xe Châu Đốc kiếm đỏ con mắt hổng ra. Ác ôn là trước mặt mình 2 chuyến xe bus chạy rồi, chuyến thứ 3 rậm rịch chắc cũng sắp đi. Ngó lên tấm bảng tuyến đi về thấy đề : Bắc An Hòa, Núi Sập, Óc eo, Vọng Thê. Suy nghĩ hoài sao thấy chữ Óc eo nghe quen quen. Mới nhớ lại mấy bữa trước lạng lạng trên Internet có thấy câu Khu Du lịch Óc eo. Vậy cũng hay, du lịch chỗ nào cũng là du lịch. Núi Sam hay Núi Sập gì cũng là núi. Xe Châu Đốc hổng thấy mà xe Óc eo chờ mình sẵn trước mỏ sao hổng đi chớ.

Nghĩ là làm liền, te rẹt đứng dậy tót lên xe bus mà cái miệng còn hỏi tài xế: Xe Óc eo phải hông em? Cậu tài xế trộng tuổi hối lia: Phải phải chị hai kiếm ghế ngồi liền đi, xe chạy luôn giờ nè.

Vậy đó, cái gì ông trời ổng sắp đặt sẵn thì mình cứ vậy mà theo, hơi sức đâu chống lại ổng làm chi. Tưởng mình lên sau hổng có ghế ngồi, vậy mà cháu gái hổng biết suy nghĩ sao lại kêu dì ngồi chỗ con nè, con đổi ý muốn xuống xe mua thêm đồ chút đỉnh, lát về sau. Vậy mới nói là cái gì cũng tính trước rồi.

Xe chạy rồi mới thấy mình quê trớt. Cháu gái bán vé hỏi dì đi tới đâu. Bà già hùng dũng nói theo sách vở: Khu Du lịch Óc eo. Cháu gái hỏi lại: Nhưng mà dì xuống chỗ nào? Ngẩn ngơ một lát rồi nói thiệt: Con coi chỗ nào mà tham quan được thì cho dì xuống chớ dì hổng biết. Cháu gái kiên nhẫn: Dì muốn tham quan cái gì, chớ ở đó có nhiều điểm tham quan lắm, mà cái này với cái kia xa lắc hà. Lần này thì dì bó tay rồi con, biết chết liền á. Cậu tài xế thấy vậy góp vô: Bà chị xuống Ủy ban Nhân dân đi.

Trời đất, tui đi tham quan du lịch chớ mắc mớ kiện tụng gì mà vô Ủy ban. Cậu tài xế phì cười: Hổng phải đâu bà chị. Trước cửa Ủy ban có xe đầu nhiều lắm. Tới đó rồi bà chị muớn họ chở lên núi thăm Cây Đao.

Cũng may là nhỏ tới lớn đi được nhiều nơi trên mọi miền đất nước, mới không hỏi tiếp xe đầu là xe gì. Cũng ngộ. Cũng một dạng xe, cùng một mục đích. Ở các vùng đồi núi người ta kêu nó là xe thồ. Ở thành phố được ghi vào sách vở là xe ôm (thành phố mà, gì cũng ôm, bia ôm, cà phê ôm, karaoke ôm, nhà hàng ôm…. Lung tung thứ gì cũng ôm). Còn ở miền sông nước Cửu Long thì kêu bằng xe đầu, do cái tích mười mấy năm trước chiếc xe gắn máy làm cái đầu kéo thùng lôi phía sau chở khách. Bây giờ hình ảnh thùng lôi xe kéo chỉ còn là dĩ vãng, mấy năm trước đây nghe đồn đã bắt dẹp hết trọi rồi.

Không thắc mắc vụ xe đầu nhưng lại nghĩ quanh nghĩ quẩn trong cái mớ hỗn độn nằm sau mái tóc bạc là 2 từ: Cây đao. Cây đao là cây gì ta? Chắc cũng giống cây si, cây đa. Mọc trên núi chắc cây phải cỗi lắm rồi mới thu hút khách tham quan. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Lần trước đi miền Tây bổ sung thêm kiến thức cây Gừa, cây Mắm, lần này biết thêm một loại cây nữa cũng tốt chớ sao.

Xe rẽ qua đèn bốn ngọn, còn kêu bằng bùng binh, bây giờ là vòng xoay. Khổ. Tiếng Việt quá chừng rắc rối. Anh Dâu Tây nào đó không biết có bước qua cõi này mình ên nỗi không hổng biết. Chớ mỗi miền đất nước một thổ ngữ địa phương, người Việt còn muốn chết lên chết xuống nữa đây nè. Xe bus chạy thủng thỉnh, người lên người xuống nườm nượp. Cháu gái phát vé luôn miệng nhắc nhở bà con giữ vé giùm. Hai bên đường nhà tranh ọp ẹp nhiều hơn nhà ngói nhà tường. Nhà cửa tuy khúc thưa khúc nhặt thôi chớ thời buổi này kiếm cục đất chọi chim còn khó nói gì đến đất trống đất hoang. Mùa này nắng gắt, đường xá tuy không sình lầy nhưng nhiều chỗ nước đọng thành vũng đen sì hôi hám. Có nhiều khúc đường bụi bốc mù mịt, có khúc cỏ rả leo tuốt luốt lên lề. Thỉnh thoảng cũng ngó được vài cái hồ sen, thấy có người bán sen tươi coi cũng ngộ. Bâng khuâng tưởng tượng tới mùa nước lên, không biết đoạn đường này đi lại cực khổ tới sao đây nữa. Thấy thương người quê mình nghèo nàn lạc hậu, hèn chi mà con gái lớn lên là xắp xa xắp xải muốn kiếm tấm chồng ngoại, chủ yếu là cũng muốn đưa mẹ đưa cha ra khỏi cái cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời thôi.

Xe chạy 45 phút mới tới Núi Sập, cháu gái bán vé chỉ cho thấy ngọn núi xinh đẹp nhưng bị tàn phá rất nhiều, người ta mông má lại bằng cách làm cái hồ trang trí phía trước, trở thành khu vui chơi giải trí gọi là Hồ ông Thoại. Đức Thoại Ngọc Hầu ở vùng này được coi như thần thánh, đâu đâu cũng thấy Thoại, Miếu ông Thoại, Đình ông Thoại, Thoại Sơn… Đời một con người mà khi chết để tiếng tăm danh tiết lại mấy trăm năm kể cũng quá sung sướng rồi, đâu phải ai cầu cũng được.

***


Sách vở chép rằng: Vào đầu thế kỷ 19, vùng Thoại Sơn rất hoang vu, mịt mù cây rừng cỏ dại. Lạch nước tuy có sẵn nhưng nhỏ hẹp, bùn đọng, cỏ lấp, thuyền qua lại khơng nổi. Con sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi giao thông của tàu, thuyền từ Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long muốn sang Rạch Giá, Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi đường biển vòng xuống Cà Mau. Năm 1817, khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, sau khi khảo sát thực tế, nghiên cứu địa hình vùng tứ giác Long Xuyên, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá, đầu kênh tại Ba Bần (Ba Dầu hiện nay). Chủ trương đào kênh của ông được vua Gia Long chấp thuận và vào mùa xuân 1818, việc đào kênh được khởi công. Kênh đào theo lạch nước cũ nên mau chóng hoàn thành. Bề ngang kênh 61 m, chiều dài tới Rạch Giá là hơn 30 km và là con kênh đào sớm nhất ở miền Nam. Nó có vị trí quan trọng cho giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp của huyện Thoại Sơn. Khi công trình đào kênh hoàn tất, vua Gia Long rất khen ngợi, ra chiếu chỉ lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt tên cho sông là Thoại Hà (sông Thoại). Trên bờ phía đông của Thoại Hà có một ngọn núi, tục gọi là núi Sập, vua liền cho đổi tên là Thoại Sơn (núi Thoại) để tặng thưởng công lao khó nhọc của Thoại Ngọc Hầu.

Xe chạy qua ngọn núi Chóc có hình tảng đá thiệt lớn giống người đàn bà trùm chiếc khăn nghiêng người. Băn khoăn tự hỏi sao lại gọi vùng này là Ba Thê. Trong tiếng Việt chữ thê không đứng một mình, nó là sự kết hợp với 1 từ khác cho ra một nghĩa không đẹp lắm: lê thê, thê lương, thê thảm. Có người nói tào lao là núi 3 vợ, nhưng nếu nghĩ lại cũng vô lý khi kết hợp 1 từ Hán Việt và 1 từ chỉ số đếm, sao hổng nói tam thê cho có lý hơn? Cũng có người nói tên núi hồi xưa là Hoa Thê, do phạm húy với bà hoàng hậu nào đó mà sửa chữa hoa thành ba. Hổng biết đúng hông nữa, có điều chữ Hoa Thê nghe hổng giống cái gì hết trọi.

Xe bus Núi Sập có cái đặc biệt chắc cả nước Việt Nam này không đâu có. Đoạn đường xe chạy chỉ hơn tiếng đồng hồ, dừng liên tục và chạy rì rì thì chắc không quá 40 cây số. Vậy mà có tới 3 lần kiểm tra vé. May là nhét vé vô túi áo khoác, móc ra móc vô dễ ẹt, chớ nếu quên hay làm rớt chắc phải mua thêm vé lần 2. Ban Điều hành ở đây hơi bị rảnh. Thiệt ra có cần kiểm tra vé liên tục như vậy hông ta?

Dừng lại trước của Ủy ban Nhân dân Óc eo, cháu gái bán vé chỉ tay phía trước:

- Dì đón xe đầu ở đó đi chơi nghen dì.

Thiệt là nhiệt tình đúng phong cách miền Tây Nam bộ, cảm ơn cả xe kèm gật đầu cái rụp đúng điệu, bước xuống xe đi xắp xải tuốt luốt tới chợ, bỏ quên tiếng gọi ơi ới của giàn xe ôm trước cổng Ủy ban. Kinh nghiệm cho thấy lạ nước lạ cái đừng có đưa đầu vô mấy cái Cẩu đầu trảm mà chết như chơi, ai thiệt tình có muốn lấy rẻ cho khách tham quan cũng hổng dám. Kiếm được một quán cà phê mát mẻ, vừa nghỉ mệt vừa tiếp nước vừa giảm cân…..

Làm xong mọi thủ tục cần thiết, mới rề rà hỏi thăm bà chủ quán đường đi nước bước ở đây, cẩn thận hơn còn hỏi thăm giá cả xe đi về, nghe diễn tả di tích Óc eo nằm tuốt trong đồng, nghe sao ngài ngại, nhứt là gần trưa, ngó đi ngó lại có mình ên, mới dông tuốt vô nhà vệ sinh lột hết đồng hồ dây chuyền cà rá cất hết vô giỏ xách cho khỏi ngứa con mắt. Già rồi mà. Cẩn tắc vô ưu.

Vậy chớ mà đường đi không xa. Cậu xe ôm chở bà chị vừa đi vừa giảng giải. Vậy mới biết hồi xưa đất ở đây là cái gò, một bữa có người đào được miếng vàng. Tin đồn lan ra, ai nấy vác cuốc vác thau tới kiếm vàng. Đào xới riết mà cái gò thành đám ruộng, vàng bạc thì cũng có, nhưng mà gạch đá thì nhiều hơn. Rồi cũng tới tai mấy nhà khảo cổ thời đó, họ khăn gói thuê người bản xứ đào, không phải đào vàng mà đào đá đào gạch, chụp hình chụp ảnh, lôi lên từng miếng gốm nhỏ xíu như đồ chơi con nít. Họ gọi là đây là vương quốc Phù Nam, nghe nói cách đâu cả hai ngàn năm trước.

Kể ra thì khu di tích này đã được khai quật nhiều lần. Lần đầu tiên năm 1912 do người Pháp chủ xướng, tới năm 1944 lại khai quật lần nữa. Lần hồi ngày trôi tháng trôi, cụm di tích bị bỏ quên, từ năm 1998 mới được xây dựng lại cho bề thế khang trang. Cũng là cách móc túi khách du lịch giúp bà con vùng này. Mà nói ngay cái di tích ở ngoài đồng này nhìn chán lắm, hổng biết con mắt nhà khảo cổ nhìn thấy giá trị ra sao chớ người thường như tui đây sao thấy toàn là gạch đá lộn xộn, viên to viên nhỏ mà trăng trắng chớ không đỏ au như gạch bây giờ. Khu di tích này được Nhà nước cho xây bao bọc chung quanh, người tham qua đứng phía trên nhìn xuống, cũng không sâu bao nhiêu. Trên đầu có mái che mưa nắng cũng là để bảo tồn cổ vật. Kế bên có tấm bảng kể lại lịch sử của cái gò, nói qua loa vậy thôi chớ không kỹ càng cho lắm.

Nếu như có bạn nào đọc tới đây mà nổi cơn muốn đi Óc eo thì xin thêm vô là nhớ ghé lại chùa Linh Sơn. Chùa Linh Sơn có thờ tượng Phật 4 tay, là một cổ vật qúy hiếm, và còn có thêm 2 bia mộ cổ là di tích đất nước Phù Nam. Ở đây cũng còn có một khu di tích chôn vùi nữa, mà theo con mắt của kẻ này thì chẳng những đẹp mà còn vừa hay vừa lạ nữa. Vùng di tích này được xây dựng như một thành quách, có hào thoát nước, có đường đi, còn có 3 cổng nửa. Hay cái là gạch ở đây không bằng nhau, có viên dài 30 – 40 phân, có viên 20 phân, mà có viên chỉ 10 phân, chiều cao viên gạch tương ứng với chiều rộng chớ không phải là đập lại cho nhỏ đâu. Còn lạ là thành quách, đường đi đều bé bỏng như một mô hình thử nghiệm. Băn khoăn không hiểu đây là mô hình ngày xưa để lại hay trò đùa của ai đó. Không có lý nào người Phù Nam lại có thể đi ra đi vào trong một cái cổng cao 20cm và đi trên đường đi chiều ngang 6 – 7 phân. Không thấy ai nói cho mình biết điều này dù tấm bảng chỉ dẫn bự chành quành. Dù sao, di tích kiểu mô hình này cũng hấp dẫn hơn là cái đống đổ nát ngoài đồng hồi nãy.

Chụp hình chụp ảnh đã đời rồi mới lên xe để tới ngọn Ba Thê. Cũng may hồi trước núi này là nơi đóng quân của chính quyền cũ nên có đường xe chạy lên tới đỉnh núi, mặc dù nhiều khi cũng … hết hồn.

Cảnh quan thiên nhiên trên đường lên núi rất đẹp, dù trời nắng chang chang, người ngợm khô rang muốn thành lạp xưởng chớ cũng cảm nhận được vẽ hùng vĩ và lãng mạn của ngọn núi với những con dốc uốn quanh, chập chùng hoa dại và những tảng đá hình thù kỳ dị. Qua hết nhiều đoạn đường dốc đứng có, quanh co có, là tới khu đền thờ, được xây dựng trên sân bay trực thăng thời Mỹ còn ở Việt Nam. Đền thờ là nơi thờ cúng mà cũng là nơi du khách tham quan di vật cổ của Vương Quốc Phù Nam, được thiết kế theo theo kiểu người Chăm, hình như thuộc đạo Bà la môn – cái này người viết không rõ lắm. Chỉ thấy là mô hình phồn thực đàn ông đàn bà, có 4 ông voi ngồi xung quanh, còn trang trí trên dưới thì cơ man là vú, ngó theo khía cạnh sex thì rất chi là hấp dẫn. Vòng quanh hàng rào là hình những con ngựa nối đuôi nhau, nhưng không biết vì sao mà thấy mấy con ngựa này lùn xủn. Nhưng mà chìn chung cũng bắt mắt lắm.

Ở đây tuy bề ngoài xây dựng hoành tráng nhưng thực chất bên trong có rất ít cổ vật, phần lớn chỉ là đá gạch; có một số dụng cụ đơn giản như cối, chày (cái này là đồ để xài chớ hổng phải biểu tượng thờ đâu nhen). Và rất lạ là có một số nồi niêu làm bằng đất bé tí xíu như đồ chơi con nít, bị bể nứt đã dán lại tùm lum. Cái này hoàn toàn thích hợp với mô hình ở chùa Linh Sơn, làm cho người viết tự nhiên có ý nghĩ là người Phù Nam hồi đó chắc là bé xí xi, mới nấu cơm bằng cái nồi chút nhéo này và đi lọt qua cái cổng thành cao 20 cm .

Nghe nói trên đỉnh Ba Thê có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Trước sân chùa có tượng Phật Quán Thế Âm bồ tát cao chừng 8m, đứng trên tòa sen, khoác áo choàng đỏ, uy nghi, tự tại, sừng sững trên đỉnh núi như nhìn bao quát khắp thế gian! Mây bay là đà mang hơi sương mát lạnh, cỏ cây xanh tốt ngút ngàn. Có tiếng chim hót líu lo ríu rít khắp nơi. Thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân vọng, bàng bạc khắp núi rừng làm bâng khuâng, xao xuyến lòng người. Ngoàii ra còn một di tích rất huyền thoại, lạ lùng gợi trí tò mò, thích thú cho khách. Đó là hòn đá hoa cương cao chừng 3m, to cỡ gốc cổ thụ bốn năm người ôm, nằm bên hông chánh điện của Sơn Tiên Tự. Trên mặt viên đá khổng lồ ấy có dấu bàn chân người, vết chân trái, to hơn bình thường một chút, khắc sâu trong đá rất rõ. Đó là "bàn chân tiên"! Theo truyền thuyết được các sư trên núi kể lại, xưa kia lúc mới tạo sơn, đá núi còn mềm như đất sét, có một vị tiên đã ấn bàn chân mình lên đá để làm dấu... Người tiên giờ cỡi hạc đi đâu mà vết chân còn trơ lại đó...

Quên nói cho rõ hồi lên đỉnh núi thấy có hướng dẫn là đang được lên ngọn sơn tiên, mà lật đật đi qua khu cổ vật nên không kịp ghé. Nghe nói ở đây có mấy đỉnh lận, đỉnh sơn tiên, đỉnh ông tà rồi còn đỉnh gì nữa không biết. Nhưng khi xuống có ghé qua chỗ gọi là đền ông Hổ, thấy có đống đá nhìn cũng hao hao giống ông ba mươi, nhưng mà nhìn kỹ thấy có sự dàn xếp của con người trong đó nhiều quá. Được cái là ở Ba Thê này cảnh quan thiên nhiên rất ngộ nghĩnh, những tảng đá đủ thứ hình thù lâu lâu chìa ra như trêu chọc tính hiếu kỳ của khách tham quan.

Tiếp tới là đoạn thăm Cây đao theo như sự giới thiệu của nhân viên xe bus. Xe chạy tới nơi mới té ngửa ra cây đao ở đây không phải giống cây si cây đa cây đề mà giống đao của … Quan Vân Trường. Đó là một tảng đá lớn cao hơn 3m, rộng khoảng 70cm, có hình dạng như một lưỡi đao với phần lưỡi mỏng hơn và phần sống dao dày dặn hơn, được dựng đứng lên trong một ngôi nhà thờ nho nhỏ, xây cất trên một tảng đá lớn, muốn lên tới phải leo bậc thang.

Nghe kể rằng cách đây vài năm, một hôm mưa to gió lớn, sấm sét tơi bời đá nứt ra thanh đao này, người dân địa phương gọi nó là Thạch đại đao vì nhìn giống hệt thanh đao được vẽ trong truyện cổ (cái này người viết cũng phải công nhận là giống, mặt dao bằng phẳng nhìn như bàn tay được con người làm ra). Rồi người người đua nhau đến cúng vái, làm cho chính quyền nhảy vô can thiệp vì sợ dân mê tín dị đoan. Không hiểu sao một hôm thanh đao lại rơi xuống nhưng lại không bị hư tổn, điều này càng làm cho niềm tin cho người dân địa phương lên cao độ, người ta gọi đó là thanh đao trời cho để trừ bọn gian ác. Sau đó, được sự đồng ý của cấp trên, chính quyền huyện Thoại Sơn tìm cách đưa thanh đao trở lên, cất ngôi nhà che mưa nắng và làm điểm cho tham quan du lịch. Cao trào nhất là một thời gian ngắn kế, một trận sấm sét đánh thẳng xuống mái nhà thờ cây đao, làm nên truyền thuyết là trời muốn thu cây đao về. Sau cùng chính quyền phải cho sửa lại mái nhà và gắn cột thu lôi cho an toàn.

Đỉnh núi gió mát lồng lộng, đứng trên cao nhìn xuống, đồng ruộng khu Óc eo xanh ngát một màu, kênh rạch thẳng tắp chạy dài từ bên này sang bên no, đó vốn là công trình đùm cơm, gói mắm xây dựng thủy lợi của dân mình nhiều năm về trước, dưới sự chỉ huy của Đức Thoại Ngọc Hầu. Nhìn rồi cảm phục người xưa, đã xây dựng nên hệ thống thủy lợi hằng bao nhiêu năm nay. Kính phục đầu óc và bàn tay con người cần mẫn, chỉ với những dụng cụ thô sơ mà làm nên những con rạch thẳng tắp như thước kẻ, hai nguồn nước tiêu tưới nuôi sống ruộng vườn đất đai từ đời này qua đời nọ. Lại cảm khái thương cho cái gọi là xây dựng ngày nay, cầu xây chưa xong đã lún đã nứt, nhà chưa kịp khánh thành đã đổ cái rầm, đê điều thay nhau vỡ. Lại tự hỏi lẽ nào với bao nhiêu tiến bộ khoa học kỹ thuật mà nền xây dựng hôm nay đi giật lùi. Tại khoa học hay tại con người mất đi chút lương tâm vốn rất là ít ỏi ?

Băng qua phía bên kia, đi qua chiếc cầu sắt bắt qua 2 đỉnh núi là đỉnh ông Tà. Vốn xưa ông Tà là một tảng đá hình hơi tròn. Chữ tà ở miền Nam nghĩa rất đơn giản, đại khái là một cái gì đó u linh quyền phép, nửa dữ nửa hiền. Ngày xưa tảng đá này đại diện cho ông, người ta nhang đèn thờ cúng. Bây giờ để cuốn hút khách du lịch, nhà nước cho xây một đền thờ nho nhỏ cạnh tảng đá, đặt vào trong đó một pho tượng thần (hổng biết thần gì) gọi là ông Tà. Người dân thắp hương trong đền và cả ở bên ngoài, chỗ tảng đá ông Tà xưa.

Mồ hôi đổ dài, vừa mệt vừa đói bụng. Lại cảm thấy đã thỏa mãn đủ yêu cầu mắt thấy tai nghe. Nên khi nghe cậu xe ôm (lại ôm – đúng theo tiếng địa phương là xe đầu chớ) hỏi: Chị còn muốn đi đâu nữa không? là lắc đầu quầy quậy. Thiệt tình cũng muốn đi thăm hòn Vọng Thê trên núi Nhỏ phía trong xã Vọng Thê, mà ngại sức già chịu hổng xiết cái nắng này nên đành nói thôi. Đường đi xuống rất chóng mặt, còn ngán hơn khi xuống khỏi đỉnh Langbiang nữa. Cũng may là tin tưởng tuyệt đối vô tay lái lụa (mà có hổng tin cũng biết sao đây trời?) nên chỉ nhắm mặt lại chút xíu là tới đất rồi. Cũng ráng một tiếng mời cơm tài xế sau khi đã trả tiền đầy đủ nhưng mà lại nghe từ chối để bụng về ăn với vợ con. Lý do dễ thương hết biết.

Chợ Óc eo có hơi buồn tẻ, mà cũng phải vì đã vô buổi chiều rồi, còn mua bán gì nữa đâu. Tìm được một quán cơm có yêu cầu cao cũng hơi khó. Cái này chắc chính quyền địa phương cũng phải ngó qua, đâu phải khách du lịch nào cũng dễ tánh đâu. Nhứt là muốn có khách ở xa tới thì các dịch vụ phục vụ du lịch cũng phải tương đối chút. Xập xệ quá rồi một đồn mười, khó mà câu kéo được. Nhưng nói chung là với dân nhậu thì thấy cũng ổn rồi.

Lần hồi rồi cũng phải bước chưn lên xe bus An Hòa để trở về nhà, sau một ngày phơi nắng lăn lội trên non dưới bãi. Đi ngang qua hồ ông Thoại mà thương ngọn núi Sập bị tàn phá nham nhở, thương liên khúc tới hòn Vọng phu có nàng Tô Thị bị nấu vôi. Thấy đau lòng cho dân trí nước mình. Dân nghèo vô học làm bậy đã đành, cấp trên nhìn xuống mắt nhắm mắt mở làm ngơ. Vậy mới thấy trình độ quản lý các cấp chính quyền quan trọng tới mức nào. Lơ lỏng một chút hủy hoại cả kỳ tích ngàn năm. Cảnh quan thiên nhiên mà mất đi rồi thì có xây lại bao nhiêu cũng chỉ là vá víu. Mong là từ nay về sau thiên hạ đừng để cho cảnh quan môi trường bị tàn phá tệ hại vậy nữa.

Về thôi bà già ơi. Chuyện thiên hạ, biết thì để trong lòng. Viết bậy vài hàng đọc chơi cho vui. Cảnh quan thiên nhiên đẹp thì dòm qua một chút. Hổng can gì tới mình phê phán cấp lãnh đạo làm chi. Nhiều chiện.

Anchu
25/05/2010.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn