BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76388)
(Xem: 63044)
(Xem: 40430)
(Xem: 32024)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mây Trời Cũng Tan Theo

01 Tháng Sáu 20237:41 SA(Xem: 1422)
Mây Trời Cũng Tan Theo
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41
Buổi sáng thênh thang. Nắng dịu dàng vướng trên những ngọn cây. Được nghỉ hai giờ đầu, thằng bé học trò chạy xe qua Phú Nhuận, thả dài lên Tân Định hóng gió. Sài Gòn sớm mai như cô gái vẫn còn ngái ngủ. Tóc mượt mà đen thẫm trên mặt gối trắng tinh. Thằng bé học trò không biết đi đâu. Một tay cầm chắc tay lái chiếc Honda Dame, tay kia thỉnh thoảng lại đưa lên đẩy cặp mắt kính cận cứ chực tuột xuống. Cặp mắt kính thay đã lâu lắm rồi, bây giờ nhìn mọi thứ đã bắt đầu mờ ảo, nhưng chưa dám xin tiền bố mẹ để thay. Con đường Hai Bà Trưng ngập nắng. Chợt một tấm biển quảng cáo phía trên một cửa tiệm đập vào mắt thằng bé học trò. Và nó sực nhớ đã đến lúc phải khám, phải đo xem mắt có tăng độ hay không rồi. Hai con mắt không cận thị bằng nhau, một bên ba độ rưỡi, một bên hai độ bảy mươi lăm. Và cả hai bên nhìn cuộc sống đều nhòe nhoẹt như nhau. Ban ngày còn đỡ, đêm tối mọi ánh đèn đều tóe ra những tia sáng vàng rực. Đẹp nhất là những đốm hỏa châu ở bầu trời khu ngoại ô. Những tia sáng tỏa đầy chung quanh trái hỏa châu, trông như những vì sao chan hòa ánh sáng.

Dựng xe bên hiên, khóa lại đâu vào đó xong, thằng bé học trò rụt rè bước qua khung cửa. Người đàn bà tròn trịa trong chiếc áo blouse trắng và cặp mắt kính trắng gọng vàng đón thằng bé ngay lối vào. Người đàn bà nhìn thằng bé học trò. Thằng bé học trò nhìn người đàn bà, rồi lúng túng, nói không lên lời: “Cháu muốn thử kính.” Vừa nói nó vừa nâng nhẹ cặp kính cận đang đeo trên mặt, như muốn xác minh ý định của mình là chân chính. Người đàn bà chỉ chiếc ghế da. Thằng bé học trò rụt rè ngồi lên chiếc ghế. “Kính đang đeo là mấy độ?” Người đàn bà hỏi. Thằng bé lí nhí trả lời. Người đàn bà kéo ngăn tủ gỗ, những ngón tay lựa lọc, chọn ra một cặp mắt kính. “Che mắt này, đọc mấy chữ kia được không?” Thằng bé nheo mắt chăm chú nhìn hàng chữ. “Dạ được.” Người đàn bà cất cặp mắt kính ấy vào ngăn tủ. Lại lựa lọc, và chọn ra một cặp mắt kính khác. “Che mắt kia lại, đọc mấy chữ trên tường kia được không?” Thằng bé nhìn vách tường, lẩm nhẩm đọc. Người đàn bà cất cặp mắt kính vào chỗ cũ, nói như cho một mình bà ta nghe, “Vẫn như cũ. Không lên độ.” Tim thằng bé rối tung lên trong lồng ngực, như vậy là bố mẹ chưa phải tốn tiền thay mắt kính cho con. Thằng bé mừng rỡ tụt xuống khỏi chiếc ghế da, nhanh nhẹn “Cảm ơn bác” và hí hửng quay đầu về phía lối ra. Người đàn bà – dáng vẻ nặng nề nhưng nhanh nhẹn hết biết - bước tới hai bước, chặn lối đi của thằng bé, và chìa bàn tay trắng muốt ra trước mặt nó: “Hai trăm rưởi tiền thử kính!” Thằng bé điếng người.

Thằng bé ấy là tôi mấy mươi năm về trước. Hôm ấy tôi phải gửi thẻ học sinh lại cửa tiệm, bỏ học, gấp gáp chạy về nhà xin tiền mẹ. Cái tiệm kính ấy hôm nay vẫn còn ở Tân Định, kế bên một con ngõ dẫn vào Khu Phố Văn Hóa gì gì đấy. Người đàn bà năm xưa chắc không còn ở đó. Tôi xa nơi đó cũng lâu lắm rồi nhưng ký ức về những phút giây ngắn ngủi ấy đã khắc sâu vào trong trí tưởng thằng bé mười bốn mười lăm tuổi. Tôi nhớ mãi chuyện ấy bởi nó nhắc nhở hoài hoài rằng tôi có hai con mắt có thị lực kém, và một án lệnh được khắc sâu vào tâm tư tôi từ những ngày tháng ấy như chữ “REJECT!” đóng dấu trên ước mơ tôi thời tuổi trẻ và cho tới bây giờ, cái thời không còn trẻ: ước mơ trở thành phi công!

Thuở bé tôi mơ ước được làm phi công. Tôi đợi tôi lớn lên, thi tuyển vào Không Quân, lái máy bay, ngang dọc với chim trời, bảo vệ vùng trời quê hương hình chữ S. Nhưng độ cận thị càng lúc càng tăng và ước mơ ấy mãi mãi chỉ là mơ ước. Và vì vậy tôi luôn mến phục những chàng (hay nàng) phi công dù họ sống ở bất cứ thời đại hay quốc gia nào.

khongquanvietnamconghoa-1
Thuở bé, trong những buổi lễ có biểu diễn của Không Quân tôi luôn luôn xin phép bố mẹ đi xem cho bằng được. Tôi vẫn nhớ như in những cuộc biển diễn của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa trên bãi biển Sơn Trà, tôi hồi hộp dõi mắt nhìn theo chiếc L-19 bay lên thật cao rồi tắt máy để chao xuống như chiếc lá, tôi hồi hộp nhìn những chiếc phóng pháo cơ lượn vòng từ xa, chao xuống bắn vào mục tiêu là chiếc phao thật to đang bồng bềnh trên biển, tôi mê mải nhìn những chiếc khu trục cơ bay cạnh nhau rồi lần lượt từng chiếc tách khỏi đội hình bay vút lên cao, tôi ngây ngất trước năm chiếc Skyraider thả khói màu hình cờ vàng ba sọc đỏ. Và ngay từ khi còn bé lắm, tôi đã hãnh diện là chỉ ở nước mình phi cơ mới có thể vẽ lá cờ Quốc Gia trên nền trời biếc xanh. Sau này biết thêm là Không Quân nước Pháp và nhiều nước khác cũng có thể thả khói màu vẽ lá cờ nước họ trên bầu trời, tôi vẫn nghĩ cờ vàng ba sọc đỏ vẽ bằng khói màu trên bầu trời là đẹp nhất. Tôi không đoán ra được cái cảm giác của người phi công những phút giây bay lẫn với mây trời, nhìn xuống mảnh đất thân yêu nó xôn xao như thế nào. Và ngay cả bây giờ tôi vẫn yêu cái câu “Có người hỏi phi công ước mơ gì...” trong một bài hát quen tên (1).
Mấy mươi năm sau, lại có dịp thấy một một phi đội F-18 gồm bốn chiếc bay theo “đội hình đồng đội mất tích” (mà tiếng Anh là “missing man formation flight”) trong đám tang cố Tổng Thống George H. W. Bush, một Trung Úy phi công trong Thế Chiến Hai. Khi đội hình hình chữ V bay ngang địa điểm cử hành tang lễ, một phi cơ rời bỏ đội hình bay vút lên cao diễn tả ý nghĩa người đồng đội ấy đã bỏ cõi đời để bay về cõi khác, một truyền thống cao đẹp của Không Lực Hoa Kỳ.

Chắc bạn biết năm 1944, Trung Úy phi công George H. W. Bush phục vụ trong Phi Đội Phóng Ngư Lôi của hàng không mẫu hạm USS San Jacinto chứ nhỉ? Và ông cũng đã một lần bị Nhật bắn rơi và lênh đênh trên bè cấp cứu nhiều ngày trên biển, trước khi được một tàu ngầm của Hải Quân Hoa Kỳ vớt.

Câu chuyện về những con chim sắt gẫy cánh luôn làm đầu óc tôi xốn xang. Như câu chuyện kể lại rằng sau ngày Miền Nam bị bức tử ít lâu, người dân đi làm rẫy gần sông La Ngà trên ranh giới Phương Lâm và Đức Linh phát hiện xác một chiếc phi cơ (dường như A-37) cắm đầu xuống đất sâu khoảng hai mét, và trong buồng lái còn sót lại một phần bộ xương người (không nguyên vẹn vì một số bị thú rừng tha đi mất), họ cũng tìm thấy một thẻ căn cước quân nhân mang tên Thiếu Tá Tạ Tấn Thành, với địa chỉ ở quận 6, Sài Gòn. Những người có lòng nhân ái đã gom hài cốt để an táng và cố gắng tìm thân nhân người quá cố nhưng không gặp.  

quandoivnch-a37
Tôi luôn luôn không kiềm chế được nỗi xúc động khi nghĩ tới những phi công Việt Nam Cộng Hòa đã tan biến vào mây trời và không bao giờ được đồng đội vinh danh trong “đội hình đồng đội mất tích” như những người lính Không Quân Hoa Kỳ. Hy vọng khi tôi viết những dòng này thì người thân cố Thiếu Tá phi công Tạ Tấn Thành đã đem được hài cốt Ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngày 26 tháng 10 năm 1967 trong một trận oanh kích bắc Việt, một chiếc A-4E Skyhawk của Hải quân Hoa Kỳ trúng hỏa tiễn trên bầu trời Hà Nội. Người phi công gẫy hai tay và một chân nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị bắt đem về nhà tù Hỏa Lò, nơi có biệt danh “Hanoi Hilton”. Từ đó bắt đầu một chuỗi dài những tháng năm địa ngục, nơi sự tàn bạo của con người đối với kẻ thất thế lên đến cực độ dù kẻ thất thế là tù binh chiến tranh xứng đáng được hưởng quy chế Prisoner of War mà Công Ước Geneva năm 1929 (sau Thế Chiến I) và 1949 (sau Thế Chiến II) quy định. Người tù đặc biệt ấy đã bị đánh đập, tra khảo, bỏ đói, không chữa trị các vết thương đến mức tháng 12 năm 1967, khi bị giam chung với hai tù binh Mỹ khác, hai người này đã không tin ông có thể sống sót quá một tuần lễ. Tiếp theo là hai năm biệt giam.
Bạn thân mến, chắc bạn đoán ra người lính tàu bay ấy là ai rồi nhỉ? John McCain đấy.

Sau khi phát hiện thân phụ ông là tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, những kẻ giam giữ ông thuyết phục ông nhận sự ưu đãi để được trả tự do sớm nhưng ông từ chối. Không thuyết phục được ông, bọn đao phủ Hỏa Lò lên một chương trình tra tấn khác. Ông bị trói bằng dây thừng và bị đánh đập liên tục cứ hai giờ một lần trong lúc ông đang bị bệnh kiết lỵ trầm trọng. Sau năm năm rưỡi giam cầm, cuối cùng John McCain được trả tự do. Trở về Hoa Kỳ, sức khỏe ông hồi phục nhưng các vết thương cũ khiến ông không thể đưa hai tay quá đầu.

Bạn thân mến. Những ngày mới lớn, còn sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, còn chưa phải bận tâm chuyện áo cơm, chắc hẳn bạn cũng có một thời băn khoăn với những câu hỏi nặng mùi triết lý không dễ tìm câu trả lời chẳng hạn như “Tôi là ai? Tôi hiện hữu trên thế gian với mục đích gì? Tôi có được sự tự do tuyệt đối hay không?” Những câu hỏi lẩn thẩn của cái thời mới lớn ấy ám ảnh nhiều nhất là bọn học trò lớp đệ nhất – mà sau đổi thành lớp 12 – khi chương trình học có thêm cái môn Triết Học. Và chắc bạn cũng lẩm cẩm như tôi trong vấn nạn về Tự do đầu tiên và Tự do cuối cùng của kiếp người, vân vân.

Thuở ấy, giống những đứa bạn cùng trang lứa (không phải lo chuyện áo cơm), tôi lẩn thẩn với ý nghĩ mình không được tự do trong kiếp người. Không được tự do chọn kiếp người, không được tự do chọn cha mẹ, anh em, quê hương, đất nước... không được tự do chọn lựa bao nhiêu thứ; cuối cùng chỉ còn một thứ mình có thể chọn là Sự Chết và Cách Chết!

Đó là lúc tôi bắt gặp câu chuyện về người phi công của Lực Lượng Pháp Quốc Tự Do trong Thế Chiến Hai: Antoine de Saint-Exupéry. Bạn còn nhớ “Hoàng Tử Bé” chứ? Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng hàng nhì trên thế giới, chỉ sau Kinh Thánh. Tôi mê từ Le Petit Prince đến Vol de Nuit. Saint-Exupéry khởi đầu nghiệp bay như một phi công lái máy bay đưa thư trong những chuyến “Bay Đêm”. Sau khi nước Pháp bị chiếm đóng, ở lứa tuổi 43, ông đã liên tục thỉnh cầu xin gia nhập lực lượng Không Quân Pháp Quốc Tự Do dù đã vượt quá cái tuổi phù hợp cho những phi công chiến đấu tới 8 năm. Sau khi được bay trở lại, chàng phi công nhà văn ấy quay lại với cái tật đọc và viết trong lúc ngồi một mình trong phòng lái chiếc máy bay thám thính một chỗ ngồi P-38. Chuyện kể rằng một lần kia đã về tới căn cứ Antoine de Saint-Exupéry còn lượn vòng phi trường cả tiếng đồng hồ để đọc nốt phần còn lại của cuốn tiểu thuyết đang đọc dở dang.

Rồi một lần kia, khi được giao nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo về quân đội Đức khu vực phía nam nước Pháp, ông cất cánh từ Corsica và không trở về nữa.

Và cái sự “không trở về nữa” đã từng là cái điều cậu-thiếu-niên-mười-bảy-tuổi-tôi mơ ước.

Tôi thèm được “ra đi” như thế. Thơ mộng biết chừng nào!

Sự mất tích của Saint-Exupéry là điều bí ẩn cho tới tháng Chín 1998 khi một ngư phủ người Pháp tìm được tấm lắc đeo tay – tương tự như thẻ bài của những người lính chúng ta ngày xưa – trên đó có tên Saint-Exupéry, tên vợ của ông, và tên nhà xuất bản Reynal & Hitchcock. Tấm lắc gài vào miếng vải, được ghi nhận là áo phi hành của Saint-Exupéry. Tấm lắc được tìm thấy ở cách xa đường bay nguyên thủy của chiếc máy bay thám thính mà Saint-Exupéry lái, và như vậy phi cơ của ông đã không bị bắn rơi như những giả thuyết ban đầu. Cuối cùng, xác chiếc phi cơ cũng được tìm thấy và một phần mảnh vỡ thân phi cơ được trưng bày trong viện Bảo Tàng Hàng Không Pháp Quốc.

Những khám phá này như những gạch xóa lem nhem trên bức tranh ảo tưởng tôi vẫn vẽ ra về nhà văn phi công này rằng trong chuyến bay cuối cùng, ông đã lẫn vào mây trời và lạc vào Tiểu Tinh Cầu 3251, và ông đã chọn ở lại với Hoàng Tử Bé.

Nói về những phi công của Miền Nam Tự Do có thể bạn chưa quên Phạm Phú Quốc, người “rụng cánh đại bàng” trong một phi vụ ném bom Miền Bắc Cộng Sản và Trần Thế Vinh, người đã xóa sổ hàng loạt chiến xa của đối phương trong phần cuối của cuộc chiến tranh đầy máu lửa; và chắc chắn chúng ta không bao giờ quên Nguyễn Thành Trung, kẻ đã lái F-5E ném bom vào Dinh Độc Lập một ngày tháng Tư năm nào.

Chuyện gì xảy ra sau đó thì bạn cũng biết rồi.

Sau “chiến công lẫy lừng” ấy, gã phi công họ Nguyễn được nhà nước Hà Nội nâng niu chiều chuộng và dành cho vô số những ưu đãi.

Bọn viết sử nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ca tụng phi công Nguyễn Thành Trung lên tới mây xanh, tuy nhiên không nơi nào trong những bài tụng ca ấy kể lại chuyện thuở còn chiến tranh, nhiều phi công Việt Nam Cộng Hòa bay trong đội hình đã bị “đồng đội” Nguyễn Thành Trung bắn từ phía sau, phi cơ họ đã nổ tung, và xác thân họ đã tung tóe trên vòm trời quê hương, họ chết mà không biết kẻ thù chính là đứa bạn đồng ngũ có nhiệm vụ bay phía sau để bảo vệ mình.

Tháng Tư năm 2000, trả lời phỏng vấn của ký giả Mark McDonald, Nguyễn Thành Trung vẫn gọi những người lính Không Quân Việt Nam Cộng Hòa - những người mà đương sự đã tàn nhẫn bắn vào lưng của họ - là “đồng đội”. “Tôi mến các đồng đội của tôi lắm, nhưng tôi không quan tâm gì về những điều họ nghĩ về tôi...

Câu chuyện về gã phi công nhẫn tâm bắn vào lưng đồng đội khiến tôi không còn thấy tiếc nuối vì giấc mơ làm phi công của mình suốt đời chỉ là mơ ước. Bởi làm tình báo, làm gián điệp, làm gì gì đi chăng nữa; để phục vụ một lý tưởng cao cả cỡ nào đi nữa mà nhẫn tâm bắn vào lưng người bạn vừa uống chung với mình một ly cà phê, vừa hút chung với mình một điếu thuốc, vừa húp chung với mình một tô cháo; người sẵn sàng nhào vào lằn tên mũi đạn để bảo vệ mạng sống cho mình... thì – thú thật – tôi không tìm ra được tĩnh từ nào để diễn tả loại sinh vật ấy ngoài hai chữ “Khốn nạn!”

Những người “Lính Tàu Bay” - như nhà văn Dương Hùng Cường vẫn gọi năm xưa - luôn mang trong tâm tư họ một cái gì đó vô cùng sang quý, vô cùng mã thượng, cái điều mà thời Thế Chiến I, khi không quân chưa đóng vai trò quan trọng trên chiến trường, những người phi công của hai bên thù địch khi bay gần nhau vẫn thường đưa tay chào nhau như chào một đồng đội của phe mình. Đẹp biết bao nhiêu!

Bạn thân mến, mấy mươi năm trước, tôi không thể thành phi công vì cận thị; bây giờ sau những lần điều trị với tia laser, thị lực gần như hoàn hảo tôi cũng vẫn không thể thành phi công vì thể lực không còn bao nhiêu, nói thẳng ra là đã lỡ già mất rồi, đành để mặc cho ước mơ tan với mây trời.

Hoàng Chính
Nguồn : Việt Báo

(1)  Ca khúc “Một Chuyến Bay Đêm” của Song Ngọc và Hoài Linh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn