BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39197)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cán bộ "Giàu nhanh" và "Dính dáng đến tham nhũng"

30 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 839)
Cán bộ "Giàu nhanh" và "Dính dáng đến tham nhũng"
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Đây là hai thuật ngữ mới được phát ngôn trong tuần và hoàn toàn xứng đáng được đưa vào đại từ điển tiếng Việt vì sự tân kỳ và ngộ nghĩnh của chúng.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Tưởng Phi Chiến đã đưa ra nhiều thuật ngữ rất tân kỳ trong báo cáo đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bản lĩnh vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, có năng lực tổ chức, ý chí chiến đấu cao, hành động quyết liệt, trung thành với đường lối đổi mới Đảng, nhân dân. Có năng lực chỉ đạo cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, đoàn kết, có tinh thần tự chịu trách nhiệm. Tận tụy với nhiệm vụ được giao, không tham nhũng, lãng phí, không để vợ chồng con cái lợi dụng chức vụ của mình để mưu cầu lợi ích riêng, công bằng trong đánh giá và sử dụng cán bộ.

Cũng theo ông Chiến, Đại hội kiên quyết: Không giới thiệu tham gia những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, thiếu chính kiến, né tránh, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ công bằng, có biểu hiện cá nhân, chạy chọt.Không chọn lựa vào BCH Đảng bộ thành phố những người có tư tưởng cục bộ, bè phái, có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, tham vọng cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không công bằng, công minh khi đánh giá cán bộ, không dám đấu tranh phê bình, để xảy ra mất đoàn kết.

Đáng chú ý nhất là đoạn này: Đảng bộ Hà Nội cũng sẽ không bầu những cán bộ tham nhũng, bảo thủ trì trệ, làm việc kém hiệu quả. Lịch sử chính trị chưa rõ, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất không rõ nguồn gốc, kê khai tài sản không minh bạch, bản thân có lối sống thiếu gương mẫu hoặc lợi dụng chức quyền thu lợi bất chính.

Liệu có cán bộ nào tham nhũng mà còn được ngồi ghế nhân sự để người cầm phiếu phải phân vân không nhỉ? Rồi thì "biểu hiện giàu nhanh", thực sự là dân chúng không hiểu giàu như thế nào thì được coi là giàu nhanh? Còn các vị đại biểu thế nào cũng tự nghĩ "chắc không phải mình". Đại hội đảng bộ Hà Nội sau đó đã thành công tốt đẹp. Tốt đẹp còn ở chỗ trong số những người được bầu và những người không được bầu không ai có "biểu hiện giàu nhanh", cũng không ai dính dáng đến tham nhũng.

Đóng góp cho văn kiện trình đại hội XI của Đảng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Trịnh, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam phát biểu trên Vnexpress: "Dứt khoát không tiến cử cán bộ có dính dáng đến tham nhũng vào Đảng"

Đối với Đảng có hai việc lớn phải quan tâm là cán bộ và việc Đảng làm. Cán bộ nào để dân tin, việc làm nào để dân ấm no, hạnh phúc?

Nói về cán bộ, trong báo cáo có đánh giá "cán bộ lãnh đạo của Đảng một bộ phận thoái hóa, biến chất", điều này làm tín nhiệm của Đảng đối với dân giảm đi rất nhiều. Nếu trong thời kỳ hoạt động bí mật, tín nhiệm của Đảng đối với dân đạt 100%, trong kháng chiến chống Pháp được 100%, kháng chiến chống Mỹ giảm một chút, nhưng đến thời kỳ hòa bình nếu điều tra kỹ con số 100% không còn, chỉ được 80% là giỏi.

Đại hội lần này ta nên đánh giá, kiểm tra, kiện toàn như thế nào về vấn đề này? Tôi kiến nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương khóa 11 phải có trách nhiệm trình ra đại hội một đội ngũ cán bộ thực sự là học trò của Bác Hồ. Nếu không phải là học trò của Bác Hồ thì không thể hoàn thành được cương lĩnh chính trị.

Dân không tin Đảng bắt đầu từ người Đảng viên cụ thể với những sai phạm cụ thể. Tôi kiến nghị cán bộ nào dính dáng đến tham nhũng, nhiều hay ít dứt khoát kỳ này không tiến cử vào trung ương, kể cả cán bộ cấp cao.

Hình như có rất nhiều điều đáng nói qua phát ngôn có vẻ rất thẳng thắn này. Thứ nhất là chỉ số tín nhiệm 80%. Tại hạ không dám bàn tín nhiệm 80% thì nhiều, hay ít, đáng mừng hay đáng lo và vì sao lại 80%. Nhưng rõ ràng, đây là một con số võ đoán. Sau thống nhất đất nước năm 1975, một công dân có trí nhớ không cần tốt lắm cũng thấy là Đảng chưa hề có một cuộc nghiên cứu, đo lường chỉ số tín nhiệm. Vì sao thì tại hạ cũng không trả lời được. Một góp ý nghiêm túc phải được dựa trên những căn cứ chính xác. 80% là con số không ai có thể khẳng định là chính xác. Thứ hai, bác Tấn Trịnh đã nói "học trò của Bác Hồ" và "không phải học trò của Bác Hồ". Chuyện này mà "tám" ra, cam đoan nhiều người sẽ đứt ruột vì cười. Tại hạ chỉ xin bàn ở giác độ nghiêm túc là "Học trò của Bác Hồ" thực ra là một cách nói, chứ không phải một thước đo, một tiêu chuẩn có trong các văn kiện về nhân sự. Và vấn đề nữa nảy sinh ngay sau phát biểu này là ai sẽ là người cầm bút lông để đánh dấu người này là học trò của Bác Hồ, người kia không phải là học trò của Bác Hồ. Liệu có Ban chấp hành TƯ nào có thể khẳng định một, chỉ cần một trường hợp cán bộ thôi nhé, không phải là học trò của Bác Hồ?! Điểm thứ ba trong phát biểu của bác Tấn Trịnh lại càng thấy cần phải bàn: Dính dáng đến tham nhũng. Đây cũng là "thuật ngữ mới". Cán bộ tham nhũng- cán bộ không tham nhũng trong thực tế thì có, dính dáng đến tham nhũng thì trần đời chưa thấy có. Dùng cách này để ám chỉ đến những đồng chí chưa bị lộ thì lại càng khó, bởi chỉ có tòa án "nhân danh nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" mới có quyền tuyên bố người này có/không có phạm các tội thuộc nhóm tội phạm về chức vụ. Đưa ra một thuật ngữ mới, một cách hiểu mới phức tạp, nói nghe rất sướng, thực chất lại hại hơn là có lợi. Nếu một góp ý mà cả 3 nội dung đều không thể phân định được trong thực tế, như tại hạ, dứt khoát sẽ không góp ý.

Tại hạ coi cái entry này là một cách góp ý nghiêm túc cho những người tham gia góp ý cho các văn kiện đại hội Đảng.



Đào Tuấn

30-10-2010

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn