BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ghi nhanh sau chuyến đi

25 Tháng Tư 20236:56 SA(Xem: 1035)
Ghi nhanh sau chuyến đi
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

1

Hai cha con ngủ một đêm ở Hà Nội để sáng hôm sau xe 20 chỗ đến đón đi Hạ Long. Vừa đáp Nội Bài, thằng prostate đưa tay vẫy gọi nên chuyện đầu tiên của mình là vào toilet. Nhếch nhách, không “chuẩn” cho một phi trường quốc tế. Đành phải nín thở tè đại một phát cho xong.

Lần theo bảng chỉ lối tìm Taxi, leo lên một chiếc, tài xế tự giới thiệu là cựu bộ đội, bề dày lái xe xuyên nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc và bây giờ ổn định với nghề Taxi ở Hà Nội. Cách nói chuyện có vẻ giống báo đài, đất nước ta bây giờ giàu đẹp; trời tối, mệt và đói, mình cũng ừ ào cho qua giờ, chỉ mong chóng tới khách sạn nhận phòng xong là đi tìm cái gì bỏ bụng.

Thấy lâu quá vẫn chưa tới khách sạn nằm trong khu Phố Cổ, mình không biết có phải là nạn nhân của màn chạy lòng vòng để đồng hồ taxi nhảy lambada hay không. Làm sao biết bây giờ, thắc mắc với ổng thì ổng lại lòng vòng thêm nữa thì rách việc.

Xuống xe thấy đồng hồ nhảy 500K mình cứ nhắm mắt trả đại cho xong.

2

Khách sạn Hà Nội do thằng con nó đặt online. Các ảnh post trên trang mạng khách sạn như các loại phòng, khu ăn sáng, khu lễ tân trông ngon lành mát mắt. Tuy nằm trong ngách phía sau Nhà Thờ Lớn, nhưng bề ngang là của hai căn nhà ghép lại và có năm tầng.

Nhưng trang mạng “quên” nói khách sạn không có thang máy. Hai cha con được bố trí phòng nơi tầng 5. Thật là khổ cái thân già. Thằng con lực lưỡng tội nghiệp bố, đề nghị vác vali cho bố. Thằng bố mang bệnh sĩ trả lời bố lo được, không dám nói với con mấy cái khớp chân của bố cứ ca bài một răng một rắc.

3

Tắm một phát cho mát trước khi đi tìm cái ăn. Thằng bạn Sài Gòn dặn ra ngoài đó muốn ăn phở phải tìm đến cụ Chiêu Hàng Đồng, số nhà 48. Nhìn trên iPhone thấy quán của cụ không xa lắm, hai cha con bèn cuốc bộ. Đến đúng nơi do bản đồ của iPhone chỉ vẫn không thấy cụ đâu.

Hỏi thăm một ông trung niên đang ngồi ăn nơi một quán lề đường, ông ta bảo phải đi theo hướng ngón tay ông chỉ tầm 30 mét, rẽ phải một đường rồi rẽ trái một đường là đến thôi. Hai cha con đi độ hai chục thước thì thằng con nói hình như có cái gì sai sai bố ơi, iPhone nó nói chỗ hồi nãy chắc chắn đúng mà. Nó ra lệnh vòng lại chỗ cái ông trung niên lúc nãy tư vấn. Đến nơi thì ông ta đã biến. Hai cha con bước sang lề đường bên cạnh thì thấy tấm bảng “Hàng Đồng” nằm khuất một chỗ, và quán phở bé tí của cụ Chiêu nằm ngay đó, buổi tối hơi khó thấy.

Thì ra Hàng Đồng là một giao điểm của vài hàng nữa, tạm gọi là Hàng Sắt, Hàng Kẽm cho gọn. Chỉ cần bước sang một đường là thành hàng khác. Lúc nãy, khi hỏi ông trung niên thì hai cha con đang đứng ở Sắt hay Kẽm. Ông ta đếch biết Hàng Đồng ở đâu mà cứ nói bừa, sợ người hỏi chê mình nhà quê. Giống như ông đầu bạc đang dẫn cả trăm triệu người đi đến một điểm mà bản thân ông ta chả biết nó tròn méo thế nào.

4

Quán phở cụ Chiêu chỉ có vài bàn, có vẻ như một loại mom-an-pop store. Chỉ có cụ đứng bếp và một phụ nữ, chẳng hiểu là bà vợ hay người làm. Sắp đóng cửa nên chỉ có một bàn có khách và chỉ còn tái. Phở ngon, có điều thỉnh thoảng phải đuổi ruồi. Hai cha con kêu người phụ nữ tính tiền thì bà này lại kêu cụ. Thì ra cụ vừa nấu vừa giữ két, vừa bốc tiền ông cụ, vừa bốc tái nạm vè gầu gân sách bắp tiết tủy bỏ vào bát cho khách. Khi bước ra khỏi quán mình bỗng nhìn trên tường dán giấy quảng cáo khổ 8×10 viết tay, bao xe từ Phố Cổ đi Nội Bài 300K tiền ông cụ. Coi như hai cha con bị chém 200.

5

Với thằng con, Hạ Long là chuyến đi đầu tiên, với mình là lần thứ nhì. Lần trước, khá lâu, nhiều năm trước Covid; khi đó, phải đến gặp làm giấy tờ và giao tiền trực tiếp cho đại lý lữ hành; lần này khỏe hơn, mọi thứ đều online, chả biết mặt mũi đại lý ra sao.

Đầu tiên là xe 20 chỗ đưa mình đi Hạ Long. Các xe đưa đón khách này thuộc nhiều chủ khác nhau, các đại lý lữ hành cũng vậy. Họ phối hợp gom khách của nhiều đại lý vào một xe cho đầy rồi mới gom tiếp vào xe khác, có nghĩa là một xe sẽ chở khách của nhiều đại lý khác nhau, mỗi xe sẽ đón năm sáu nơi theo yêu cầu của các đại lý.

Có lẽ vì nhiều khách lề mề câu giờ nên các đại lý hẹn khách chờ thật sớm cho chắc ăn. Tài xế cũng hẹn khách lần nữa trước khi đón. Thế mà hai cha con chờ gần một tiếng mới được đón, tài xế xin lỗi vì tắc đường, đón xong lại ghé thêm hai nơi nữa mới chính thức ra xa lộ. Trên xe có khách Tây lẫn Ta. Các tour du lịch bình dân bên Bangkok không bị trễ cỡ này.

Đoạn đường từ Hà Nội đến Hạ Long phần lớn là dùng xa lộ, xe không nhiều, dù đọc báo thấy nói dân miền Bắc bây giờ giàu lắm, ô tô chạy đầy đường, nhà không có chỗ đỗ xe cũng mua, cứ mua đi cho bằng với người ta rồi tính sau.

Xe có dừng chân ở Hải Dương để xả xú-bắp và giải lao. Lần trước mình đi thì trạm dừng chân này thô sơ, nghèo nàn; lần này thì bề thế hơn, có parking cho xe lớn, có siêu thị, cửa hàng ăn nhanh, toilet sạch sẽ.

Bến cảng Hạ Long có nhà ga to đùng để khách thập phương ngồi chờ người của tàu mình đến chào đón và đưa ra tàu bằng ghe nhỏ, giống như ghe taxi khi vượt biên. Lần trước mình đi chưa có nhà ga, phải leo trèo qua cả chục ghe gỗ mới ra được ghe taxi.

Tàu lớn chở khách đi hai ngày một đêm cũng khá hiện đại, khác với các tàu gỗ mong manh mình đi lần trước. Trưởng toán nhân viên nói tàu mình đang đi đóng ngay tại Quảng Ninh cách đây năm bảy năm. Có khoảng 20 phòng cho khách, cửa ra vào bằng thẻ quẹt, tiện nghi đầy đủ, có ban công để bước ra ngắm mặt trời lặn hoặc trăng sao. Nhân viên phục vụ trên tàu khoảng chục người, có người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau khá chuyên nghiệp, theo phong cách của các cruise ship lớn. Thằng con mình dị ứng với đậu phọng nên món nào có đậu phọng họ đều để riêng một bên cho nó. Có điều khi mình nói “đậu phọng” thì nhân viên hơi ngớ ra, mình phải đổi lại “lạc” họ mới hiểu.

Thằng con rất enjoy chuyến đi tàu Hạ Long, mình thì hơi buồn vì toàn cảnh không còn nét hoang sơ như lần trước. Nước biển không còn trong veo như ông Đô trưởng nữa. Mặc dù đã có quy định cấm mang chai lọ, đồ đựng bằng plastic lên tàu, nhưng các loại rác khác vẫn còn nhiều. Tại đảo Ti Tốp, một trong những trạm dừng chân cho khách xuống chơi, người ta có quây lại một khúc cho du khách bơi lội, nhưng vừa đặt chân vào mình thấy rác nổi lều bều nên rút lui. Bái phục những người tiếp tục bơi, cả Ta lẫn Tây.

6

Một điểm mới với mình, bình thường với người Sài Gòn là bây giờ cảnh thiên hạ thanh toán mua bán bằng phương tiện điện tử khá phổ biến. Nhiều cửa hàng, quán ăn treo sẵn số tài khoản, tên ngân hàng… cho người mua chuyển khoản ngân hàng, thường viết tắt “ck” cho tiện.

Rồi sẽ tiến đến giai đoạn bớt xài tiền tươi, ai xài nó sẽ bị xem là lạc hậu, không bắt kịp nhịp sống thời đại năm sáu gờ của ông Hùng.

Giao dịch bằng phương tiện điện tử cũng là cách để giảm bớt các tệ nạn như bôi trơn, trốn thuế…

Chuyên viên kiểm toán nhìn vào Bảng Cân Đối Kế Toán sẽ biết ngay những mục nào dùng để ngụy trang những vụ bôi trơn, hối lộ…

Chỉ cần bấm vài nút trên bàn phím, cơ quan Thuế vụ sẽ biết ngay doanh nghiệp có khai số thu nhập trong hồ sơ thuế ít hơn số thu thực sự hay không.

Đem túi hay vali tiền tươi đến nộp cho quan lớn ở chỗ riêng tư để nhận một đặc ân sẽ trở thành một hành động rất nguy hiểm, dễ bị lộ.

Cần phải có thời gian giao dịch điện tử mới bớt được nạn hối lộ bằng tiền tươi. Truy quét mạnh tay như bên Tàu mà khi Từ Tài Hậu bị thất sủng, thanh trừng; cơ quan chức năng cũng vất vả khiêng ra khỏi tư dinh của ông ta cả mấy xe tải đô la, euro.

7

Lần này về mình thấy bảng cho thuê hoặc bán nhà mặt tiền nguyên căn rất nhiều, người dân nói do hậu quả của Covid. Một điểm mới nữa với mình là Grab. Thằng con tải cho mình cái app Grab xuống iPhone, giúp mình giải quyết được nhiều chuyện, trong đó có chuyện di chuyển rất tiện lợi. Ai đã sử dụng Uber thì không lạ với Grab.

Gọi xe bằng Grab rất nhanh ở Sài Gòn, Đà Lạt, Hội An, Đà Nẵng; mình chưa thử ở Hà Nội và các thành phố lớn khác nên không biết.

Giống như Uber Eats, có thể dùng Grab để gọi thức ăn và giao tại nhà. Phần vì phòng khách sạn không thoải mái, phần vì đến tận nơi có cái không khí riêng của nó, nhất là những chỗ trước 75 mình hay ăn có nhiều kỷ niệm nên mình cũng không đặt thức ăn bằng Grab.

8

Trước 75, dân Sài Gòn có La Pagode là nơi tụ tập của văn nghệ sĩ, còn Givral là của cánh báo chí, tình báo, chính trị gia.

Givral bước qua một con đường là trụ sở Hạ Viện, bây giờ là Nhà Hát Lớn. Các vị dân biểu sau khi cãi nhau chí chóe trong Hạ Viện chạy sang Givral để thở, giải khát, thỏa hiệp, xì ra tin độc lạ cho báo chí.

Givral bước qua một con đường cũng là Phòng Thông Tin VNCH, nơi có họp báo mỗi buổi chiều của chính phủ và quân đội Việt-Mỹ, bây giờ là cửa hàng hiệu Louis Vuitton. Các nhà báo đủ màu da sau khi họp báo cũng mò sang Givral làm tí bia bọt hoặc mixed drink, sẵn dịp trao đổi tin tức trong nghề.
Chẳng ai chú ý đến anh chàng trung niên, khuôn mặt xương xẩu khắc khổ, hơi quê quê, mặc bộ đồ màu be bốn túi tay ngắn cánh nhà báo hay mặc, tóc chải ngược bằng bi-yăng-tin láng cón, tên anh chàng này là Phạm Xuân Ẩn. Khi đó, Nick Ut chưa đủ tư cách để vào Givral vì tiếng Mỹ của chàng dùng tay nhiều hơn miệng, không biết bây giờ có khá hơn không.

Giờ đây, 2023, Sài Gòn có quán cà phê Dinh Độc Lập, một kết hợp lỏng lẻo của Givral và La Pagode.

Tại đây, người ta ôn lại thời kỳ Covid, cả thành phố bị lockdown, hàng vạn công nhân dắt díu nhau về quê. Người ta nói công khai con số bốn mươi mấy ngàn người chết do Covid chỉ là một phần của con số thực sự, người dân quá uất ức đến độ chính quyền phải đưa bộ đội đến để chống nổi loạn. Người ta trách móc đến giờ này chẳng thấy ai chịu trách nhiệm về số người chết vì chạy theo chính sách Zero Covid giống Tàu, hằng trăm trẻ mồ côi vì con vi-rut.

Tại đây, người ta bàn chuyện thời sự ở Mỹ nhiều chi tiết hơn các ông ngồi Coffee Factory ở Quận Cam, đề tài rôm rả nhất là ông Chăm bị kết tội.

Tại đây, người ta nói bô bô những chuyện thâm cung bí sử, có vẻ chẳng sợ thằng công an nào. Hễ hôm nay người ta nói ông nọ bà kia sắp bị bắt thì y như rằng, vài hôm sau bắt thật. Cụ thể nhất là tin Bảy Phúc bị hất ghế. Họ xác nhận em tiếp viên hàng không họ hàng với Thưởng đã định cư ở Thụy Sĩ. Họ khẳng định Huệ sẽ là TBT tương lai. Có lẽ các ông Carl Thayer, David Brown cũng lấy tin từ quán cà phê này.

9

Buổi tối solo qua Trường Quốc Gia Âm Nhạc đường Nguyễn Du, nơi mình hay đón M đi học đàn về trong những năm đầu 70.

Trời tối nên mấy chữ “Nhạc Viện Thành Phố” có chạy đèn lung linh nhưng chẳng hiểu sao mất đèn nơi chữ “N”, chỉ còn “hạc Viện Thành Phố”. Chuyện mất điện này không hiểu lâu chưa, có vẻ như ban quản lý cũng chẳng buồn sửa.

Ông hoàng họ Đàm có tài sản hàng trăm tỷ ở đâu mà không chịu ghé mắt tài trợ nửa móng tay để ngọn đèn này “tỏa sáng”?

Chớ nên trông chờ Ngô Thụy Miên, một cựu học viên của trường, vì người nhạc sĩ này nghe nói dị ứng với hai chữ Cộng sản và giờ này chàng vẫn nằm riêng một góc giường.

10

Tháng Tư cũng là tháng người ta hay nói về Trịnh Công Sơn. Năm nay, có một cuộc triển lãm ảnh trắng đen mang tên Giọt Nước Rơi Trên Kính với chủ đề nhạc sĩ và Hồng Nhung.

(ẢNH quảng cáo triển lãm TCS-Hồng Nhung)
(ẢNH quảng cáo triển lãm TCS-Hồng Nhung)


Nhiều nhiếp ảnh gia đã góp hình cho cuộc triển lãm này, trong đó có Dương Minh Long, người đồng hành cùng di sản đời sống, với bức ảnh gây tranh cãi. Người thì nói nhạc sĩ khúm núm điếu đóm cho Văn Cao, người thì nói Sơn tỏ vẻ kính trọng đàn anh.

 

Doanh nhân Mỹ gốc Đức Gerhard Heusch, phu quân của Hồng Nhung, cũng là một trong các nhiếp ảnh gia đóng góp cho triển lãm. Người Tây họ thoáng, xem chuyện tình cảm trước đây giữa Bống và họ Trịnh là chuyện của quá khứ.

Mới đầu tháng Tư mà thiên hạ đã book vé đi chơi vào dịp lễ lớn cuối tháng. Nhiều tour đã hết chỗ, nhiều khách sạn đã kín, vé xe khách, tàu bay rất khó mua.

Một người trẻ đến xem triển lãm Giọt Nước Rơi Trên Kính nhắc với mình về sự sinh động này để minh chứng rằng ngoài những sinh hoạt văn nghệ văn gừng khá thoáng như cuộc triển lãm này, cuộc sống người dân Việt Nam giờ đây đã khá hơn trước rất nhiều.

Mình cũng hiểu ý anh ta muốn nói đến công ơn của Đảng.

Mình định trả lời nếu không có cái đảng này, người dân Việt Nam sẽ khá hơn gấp mấy bây giờ.

Dĩ nhiên anh ta sẽ vặn lại, làm sao chú có thể chứng minh được một chuyện không xảy ra trong thực tế.

Khi đó mình sẽ trả lời bạn cứ hỏi bác Gúc là ra hết.

Màn đối thoại này mình chỉ tưởng tượng trong đầu vậy thôi chứ đâu dám nói ra, lỡ gặp phải thứ chính cống bà lang trọc thì bỏ mẹ, làm sao trở về Mỹ đây?

Nhiều người trẻ sinh sau 75 không rõ tại sao những lão già như mình tránh ở lại chơi đến hết tháng Tư, không lẽ mình trải lòng ra, dù biết có trải hết họ cũng chẳng cảm nhận được.

Về thôi!

 

Châu Quang
https://www.danchimviet.info/ghi-nhanh-sau-chuyen-di/04/2023/28640/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn