BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72626)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31017)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Con người cộng sản

16 Tháng Ba 20237:16 SA(Xem: 1308)
Con người cộng sản
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

Hôm qua tôi đến đại sứ quán Việt Nam để làm thủ tục đổi cuốn hộ chiếu cũ đã hết hạn vào ngày 23 tháng 3 năm 2023.

Trong lúc chờ đến lượt mình, tôi nhìn thấy những người làm dịch vụ họ mang từng xấp hộ chiếu, giấy tờ đến. Có người làm ở du lịch họ xin visa cho người Đức, có người làm dịch vụ họ gom tất cả mấy hồ sơ mang đến làm một thể.

Những người làm qua dịch vụ sẽ mất thêm một khoản tiền, như thế cũng tiện cho họ. Vì đến sứ quán chờ đợi , khai báo thiếu nọ kia, đi lại cũng mất công. Hệ thống chân rết dịch vụ của sứ quán Việt Nam tại Đức khá đông. Vì quen thuộc thủ tục, giấy tờ nên họ làm việc với nhân viên sứ quán khá nhanh. Giá cả chia chác đôi bên đã được thống nhất, người làm dịch vụ chỉ đưa hồ sơ một loáng đã xong.

Tuy đây là việc ăn chia trái pháp luật, nhưng nói chung cũng tiện lợi cho các bên, một phương thức linh động mà bên nào cũng thấy hài lòng.

Thực tình tôi cũng đưa hộ chiếu của mình qua hai dịch vụ, nhưng đều bị trả lại. Nơi cuối cùng họ bảo tôi lên thẳng sứ quán làm xem sao.

Các nhân viên sứ quán ở các ô cửa tiếp nhận hồ sơ làm việc khá tốt từ thái độ cho đến cách xử lý. Họ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn, hỏi han nhẹ nhàng và chu đáo. Có máy bấm phiếu chờ đến lượt, khách đến bấm phiếu và đến lượt mình khá nhanh. Những người dịch vụ thì họ không cần bấm phiếu, nhưng họ cũng không làm ảnh hưởng thời gian của ai, họ thấy ô cửa nào trống thì vào đưa hồ sơ.

Hồ sơ được nhân viên sứ quán mang vào bên trong cho bộ phận bên trong xử lý, bộ phận này thường là nhân viên an ninh núp bóng nhân viên sứ quán.

Các hồ sơ dịch vụ trả qua ô cửa bên ngoài, tiền trao cháo múc nhanh gọn.

Còn những cá nhân không qua dịch vụ, như khách thường thì bấm số chờ đến lượt, như nói lúc trước là cũng nhanh. Chỉ chốc là được gọi vào trong làm việc.

Đến lượt tôi thì nhân viên an ninh đội lốt nhân viên sứ quán, cậu ta còn trẻ chắc chỉ ngoài 30, tạm gọi là A.

A gọi người tên người trước tôi vào làm việc, rồi quay qua tôi nói rất dõng dạc và to.

– Anh Bùi Thanh Hiếu chuẩn bị đến lượt.

Anh ta làm việc với người trước khá nhanh, khi tôi vào A bảo phải để điện thoại ở tủ ngoài ô như quy định. Giọng anh ta đầy vẻ uy quyền.

Tôi không đồng ý, anh ta nói nếu tôi không chấp hành pháp luật của Việt Nam thì đừng làm. Tôi định nói đây là quy định của sứ quán chứ không phải là pháp luật. Nhưng nghĩ vai vế của anh ta, tôi nhịn không đôi co làm gì. Cứ để anh ta thể hiện quyền uy của mình, còn tôi ở thế người dân đen đến cửa quan co ro, sợ sệt cũng chẳng sao cả.

Tôi về nhà cất điện thoại và quay lại, lần này tôi phải chờ khá lâu. Tuy rằng tôi bấm phiếu và lấy số lại, nhưng nhiều người dịch vụ họ được giải quyết trước tôi. Có người dẫn hai cô gái vào, một cô tên là Nguyễn Kim Hương, họ vào sau tôi rất nhiều và được giải quyết trước.

Tôi ngồi kiên nhẫn đợi. Tôi hiểu họ đang hạ nhục tôi và muốn tôi nổi nóng.

Mãi đến khi không còn ai, cậu A gọi người nữa vào và lại lặp lại, anh Hiếu chuẩn bị đến lượt.

Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn vài chục phút nữa là hết giờ. Khi đến tôi là người cuối cùng, A gọi tôi vào, tôi giải thích nhẹ nhàng.

– Em có quyền không cho ai mang điện thoại vào, nhưng em không có quyền bắt anh để điện thoại ở chỗ em quy định, vì nếu mất điện thoại thì ai đền, chìa khoá ngoài tủ kia biết được là còn ai có nó. Điện thoại với anh không giá trị vì tiền, mà còn những thông tin trong đó. Nên anh mang về nhà cất rồi quay lại đây.

Cậu ta cười vẻ thắng lợi khi thấy tôi quy phục lệnh. Nhưng rồi cậu ta có vẻ chột dạ vì phản ứng cam chịu, nhẫn nhục của tôi. Có lẽ cậu ta thấy tôi đang âm mưu gì. Cậu ta hỏi

– Anh đến đây mục đích gì, anh nói thẳng đi.

Tôi giải thích chỉ muốn thay hộ chiếu mới, vì hộ chiếu cũ của tôi hết hạn. Chỉ có vậy thôi.

A chỉ cho tôi chỗ cất đồ bên trong, tức có 2 lần cất đồ, anh ta bảo tôi giang tay chân ra để kiểm tra tôi còn mang thiết bị gì không.

Tôi cười nói, tôi chưa bao giờ ghi âm, ghi hình lén cả.

Căn phòng bên trong lộn xộn, nó chật hẹp và bề bộn như văn phòng lẫn nhà kho, chỗ ở. Đây là nơi tiếp công dân Việt Nam, nó không hoành tráng như phòng tiếp khách mà đại sứ hay mở tiệc mà chúng ta thấy trên những tờ báo lá cải cộng đồng.

Cậu ta mời tôi ngồi ghế đối diện, qua cái bàn làm việc. Hỏi tôi:

– Lâu rồi anh đặt chân trên lãnh thổ Việt Nam cảm giác sao?

Tôi nói:

– Mười năm anh đi, chưa lần nào về. Ba bốn năm đầu cũng nhớ, giờ thấy quen rồi.

Cậu ta nói:

– Không, là nói sứ quán này cơ, lãnh thổ ở đây.

Tôi cười nói nhẹ:

– Vẫn như Việt Nam, vào công sở hống hách, quyền uy, quát nạt như ở bên nhà. Thái độ nói chung là thù địch.

Cậu ta xua tay:

– Thôi giờ anh thích vào việc thẳng hay nói chuyện, anh lên đây vì việc gì?

Câu hỏi cậu ta lập lại đã vài lần. Tôi quen việc đó rồi, nhiều lần với cơ quan an ninh, họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần một câu hỏi, nếu không biết chúng ta tưởng họ quên, thực ra họ đang cố khơi ra tình tiết nào đó để khai thác câu chuyện theo hướng họ muốn. Tôi nhẹ nhàng nói đủ nghe:

– Hộ chiếu anh hết hạn, như anh nộp và trình bày ngoài kia, anh muốn làm hộ chiếu khác. Thực ra anh cũng không cần đến cuốn hộ chiếu này. Nhưng vì hết hạn thì cứ đến xin đổi cuốn mới. Chỉ có thế thôi.

Cậu ta cười khẩy.

– Được, gì chứ làm hộ chiếu thì ok, nhưng lâu rồi anh mới đến đây, dù sao anh cũng là người nổi tiếng, có chuyện gì hay mục đích gì anh cứ nói.

Tôi lặp lại, chỉ đến làm hộ chiếu mới thôi. Chả lẽ hết hạn không làm, dù thực sự chẳng cần gì đến hộ chiếu Việt Nam cả.

nguoibuongioxinhochieu

Nhiều người nghĩ rằng tất cả mọi nhân viên trong sứ quán từ đại sứ đều là cán bộ ngoại giao. Thực tế không phải vậy. Những người theo ngành ngoại giao họ học từ trường ngoại giao, thường theo cha truyền con nối. Từ bé họ đã theo cha mẹ đi khắp nơi, học trường quốc tế. Có những cha mẹ vài năm làm đại sứ nơi này, vài năm nơi khác, con cái theo cha mẹ đến đâu học ở đó. Có trường hợp thì cha mẹ đi công cán nhiều năm, con học ở nhà do ông bà chăm sóc.

Những người theo ngành ngoại giao họ học ăn nói cẩn trọng từng câu chữ, biểu hiện thái độ luôn đúng mức tạo thiện cảm. Từng cử chỉ, nét mặt đến cách cầm ly, thìa, dĩa hay phong tục chào hỏi, khiêu vũ, âm nhạc, văn học họ đều học qua hết.

Phong thái của họ là nhẹ nhàng, lịch lãm ngay cả khi ngồi nói chuyện với kẻ thù.

Nơi tiếp dân trong đại sứ quán các nước bao giờ cũng do an ninh phụ trách. Cán bộ an ninh được biệt phái đi công tác tại sứ quán các nước, đóng mác nhân viên sứ quán. Một thời gian sau họ hết nhiệm kỳ trở về, có thể được phái đi nước khác hoặc có thể được bố trí đảm nhiệm chức vụ nào đó trong ngành công an.

Chẳng hạn như ông Tô Ân Xô làm lãnh sự quán Việt Nam tại Houston, khi về nước ông làm giám đốc công an Bắc Giang rồi chánh văn phòng Bộ Công An với hàm trung tướng. Ông Tô Lâm hay ông PM Chính trước kia cũng công tác nước ngoài dưới mác nhân viên lãnh sự như vậy.

Bởi bản chất đào tạo là ngành côn an, nên thái độ của họ khác xa những người học ngành ngoại giao. Công an để trị dân, cho nên bố trí những người an ninh phụ trách việc giải quyết giấy tờ cho công dân Việt Nam là điều đương nhiên. Một người học ngoại giao không thể biết cách vặn vẹo người dân thiếu cái chứng nhận gì, biết cách tra hỏi như điều tra để bắt bí buộc người dân phải móc tiền hối lộ.

*****

A nhếch mép cười, anh ta nói:

– Tưởng gì chứ làm hộ chiếu mới thì đơn giản, nhưng anh lên đây chắc không phải vì việc đấy, anh có việc gì cứ nói luôn đi, thẳng thắn với nhau. Anh muốn nói chuyện công việc hay chúng ta nói chuyện với nhau một chút.

Tôi không ngạc nhiên khi anh ta hỏi mãi việc tôi lên đây làm gì, mặc dù đã đến lần thứ tư anh ta hỏi và tôi vẫn lặp lại chỉ làm hộ chiếu. Tôi trả lời:

– Anh làm hộ chiếu thôi.

Tôi không muốn nói chuyện gì với anh ta. Thái độ của anh ta lúc đầu đã khiến tôi không muốn nói chuyện và xác định trở thành người dân đi làm hộ chiếu như bao người khác. Chính vì vậy, tôi đã kiên nhẫn ngồi chờ, lặng lẽ cam chịu khi anh ta lớn tiếng quát nạt.

Đời tôi đã bao nhiêu lần làm việc với an ninh, công an từ Lạng Sơn cho đến Sài Gòn, từ cấp phường đến cấp bộ. Đủ mọi loại A, C như A61, 63, 67, 92, 88, 08 hay C45, C06, V5. Những lần nào làm việc tôi đều viết lại. Nhưng những lần họ đề nghị gặp nói chuyện riêng thì tôi không kể lại.

Đấy là những lần ngồi cà phê hay ăn bữa cơm bình dân bên lề phố, lúc ngoài giờ làm việc nói chuyện cuộc sống, gia đình. Hay những lần ở trụ sở an ninh, trong trại giam người ta xếp giấy bút sang một bên. Pha ấm trà, gọi thêm một người quen nào đó đến và nói hôm nay chúng ta chỉ nói chuyện tâm tình, không phải làm việc.

Những lần như thế, tôi không viết ra. Nhưng làm việc thì phải kể. Đó là lý do tôi thoái thác không muốn nói chuyện với anh ta, chỉ muốn nói việc của tôi là làm hộ chiếu mới.

Giả sử lúc anh ta lớn tiếng quát, không làm thì đi về, giữa phòng tiếp dân. Tôi có thể chửi đm mày bố cần đéo gì, bố xé hộ chiếu luôn đây cho mày xem. Xé xong rồi đi về, câu chuyện chấm hết.

Tôi đã mang quốc tịch Đức, đâu cần gì đến cuốn hộ chiếu Việt Nam nữa.

Nhưng dù sao tôi vẫn muốn mình là người Việt Nam trên giấy tờ của nhà nước CHXHCN VN. Dù không cần quyền lợi gì hết ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên, ở cái nơi mà quá khứ chỉ nhớ nhất những ngaỳ thơ ấu khổ cực theo mẹ đi bán hàng rong hay lúc lớn ở trong những nhà giam và những trại tù, dù là mảnh giấy chứng nhận của một thể chế cai trị đất nước mà tôi không ưa.

Tôi không thể đối xử với cuốn hộ chiếu Việt Nam một cách như vậy chỉ vì một cán bộ an ninh sứ quán.

Ngày còn bé, tôi đọc tác phẩm Nguyệt Thực của Tendriakov người Nga lưu vong, trong đó có bài thơ:

Tấm bản đồ Petersburg hoa lệ
Bất ngờ tôi gặp chốn tha phương
Trên mảnh giấy úa vàng cũ kỹ
Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương
Và lớp lớp bỗng hiện về ký ức
Chân sững sờ, mắt lệ rưng rưng
Rồi nỗi buồn bỗng trào lên thổn thức
Một tấc lòng, vạn tấc nhớ thương.

Các bạn từng đọc tôi, chắc còn nhớ câu chuyện Cháo Đỗ Xanh, tôi có nói đoạn kết cuộc sống của tôi bước chân khắp những nơi phồn hoa của thế giới, nhưng cứ mỗi khi nắng hè rực rỡ nhuộm màu thương nhớ trên những con đường lát đá xứ người. Tôi lại nấu món cháo đỗ xanh để nuôi dưỡng sự mềm yếu trong con người mình. Tôi sợ bản thân mình ngày nào đó cảm thấy quê hương chả còn gì để luyến nhớ.

Cuốn hộ chiếu còn hạn, như sợi dây nhắc nhở mình vẫn làm người Việt Nam, như tấm bản đồ mà người Nga lưu vong gặp ở một nơi xa lạ.

Bản lĩnh, lạnh lùng, nghị lực, thủ đoạn, thông minh đưa đến thành công. Nhưng nhớ thương, mềm yếu mới là thứ làm nên con người.

Tôi đi đổi hộ chiếu vì nó sắp hết hạn. Thực ra gọi nó là đã hết hạn cũng được. Tôi đến sứ quán xin đổi vào ngày 8 tháng 3, hộ chiếu tôi hết hạn ngày 23 tháng 3. Chỉ còn có 15 ngày, trường hợp thông thường là trả kết quả 5 ngày khi nhận hồ sơ hợp lệ. Còn trường hợp đặc biệt phải gửi về trong nước xác minh mất 15 đến 20 ngày.

Tất nhiên thì tôi ở trong trường hợp phải gửi về trong nước xác minh, xin ý kiến.

A nói trường hợp tôi phải gửi về xin ý kiến, mất khoảng 20 ngày. Tôi nói tôi đã gửi dịch vụ làm, họ cũng đã đưa sứ quán và cũng nói gửi về nước 20 ngày, nhưng trong nước không ai trả lời nên họ gửi lại và bảo tôi lên sứ quán để có câu trả lời rõ ràng.

Tôi hỏi:

– Tại sao anh phải là trường hợp xác minh, không như bình thường chỉ mất 5 ngày?

A nói:

– Anh là ai thì anh biết quá, anh viết bài chống phá nhà nước, làm hại bao người.

Tôi suýt phì cười vì câu làm hại bao người, tôi định hỏi người nào, nhưng thôi không muốn đôi co với một nhân viên an ninh. Tôi bảo.

– Thôi, anh không làm hộ chiếu mới nữa.

A nhếch mép:

– Anh biết thế thì còn lên đây làm gì. Anh có gì cứ nói đi.

Tôi hỏi:

– Anh còn là người Việt Nam không?

A gật đầu.

– Anh vẫn là người Việt Nam.

Tôi hỏi:

– Anh xin thôi quốc tịch Việt Nam được không ?

A cười nhạt:

– Anh nghĩ xem, liệu có được không?

Tôi không còn việc gì nữa. Tôi nhận lại cuốn hộ chiếu cũ và ra về.

Tôi không hỏi anh ta tên gì, chức vụ gì. Với tôi anh ta chỉ là một nhân viên an ninh được biệt phái sang bộ phận ngoại giao, có vô số người như anh ta ở khắp các đại sứ quán Việt Nam trên thế giới. Tôi chỉ cần biết con người an ninh cộng sản bản chất thế nào là đủ.

Lúc tôi ngồi chờ, tôi đã quan sát đủ để hiểu điều ấy.

Lẽ ra anh ta không nên để tôi ngồi chờ như vậy, người an ninh trước anh ta đã hành động khác, họ đưa tôi vào phòng gặp để tôi không nhìn thấy những gì đang diễn ra khi họ tiếp công dân Việt Nam.

Lúc tôi đứng dậy đi về. A cười mỉa mai:

– Anh đến đây là tin sứ quán đấy, chứ có người sợ mất mật không dám đến.

Tôi cũng không nói lại. Nếu anh ta lớn tuổi và giữ chức vụ cao, tôi sẽ nói lại rằng người ta không đến vì biết chắc không được việc chứ không phải là sợ. Còn chuyện người ta nói sợ bị thủ tiêu là chuỵện họ thích nói như vậy thôi. Chứ sợ thì không phải vào sứ quán mới sợ, mà ở đâu cũng sợ, người ta hàng ngày ở trong trung tâm thương mại người Việt chứ có phải trốn chui lủi gì đâu.

Còn về cá nhân tôi, chính anh ta bảo nếu tôi mang điện thoại vào biết đâu kích nổ bom mìn thì sao, chính anh ta sợ mới khám xét, bắt cất đồ đến hai lần và hỏi tôi nhiều lần đến đây mục đích gì, dù trong đơn khai báo tôi đã nói là xin đổi hộ chiếu mới.

Hơn nữa bây giờ tôi còn là công dân Đức, không phải chỉ công dân Việt Nam. Cái ông Thổ bị giết kia vẫn là người Thổ. Nếu sứ quán Việt Nam bắt cóc thành công một người Việt trên đất Đức và tiếp nữa .át hại một người Việt mang quốc tịch Đức dù là trong đại sứ quán, lãnh thổ của Việt Nam thì cũng vui.

Một vụ bắt cóc đến giờ chưa có nguyên thủ nào Vn đến Đức từ độ ấy, thêm vụ hạ thủ người công dân Đức nữa thì chuyện sẽ rất ầm. Bao đảng phái, tổ chức người Việt chống Cộng hoạt động hơn 40 năm nay sẽ không làm được cái điều sẽ ầm ĩ ấy. Mạng của tôi đổi lấy quan hệ Việt Đức lên tầm cao mới thì cũng đáng.

Cả quá trình làm việc, anh ta luôn tranh hơn từng câu nói và thái độ.

Tôi nhường nhịn, không đối đáp trả.

Bởi lúc chờ rất lâu tôi đã nhìn thấy bản chất con người anh ta. Anh ta xuất hiện ở cửa phòng gọi dõng dạc, uy quyền, phong thái mạnh mẽ hiên ngang. Nhưng chỉ lúc sau anh ta luồn cổng sau, chạy ra ngoài thì thụp với người dân đến làm hộ chiếu ở ngoài đường. Như một diễn viên vừa đóng vai quan lớn, ngoắt cái sang một thằng tiếp thị, cò mồi ở đằng sau. Lúc anh ta nhăn nhó, mặt khổ sở nói với người dịch vụ như muốn thêm tiền vì trường hợp này khó thế nọ, thế kia.

Cứ liên tục đến mấy lần như thế, quát to đằng trước và thì thụp mặc cả đằng sau. Như con rối anh chạy vòng. Nhìn thật chán nản cho kiếp làm người.

Chỉ thương mấy cháu sinh viên, các cháu sang theo chương trình chăm sóc người già. Các cháu sẽ cảm nhận thế nào khi thấy anh nhân viên sứ quán quyền uy hách dịch đáng sợ kia, một tí nữa là sẽ thì thầm nhăn nhó đòi thêm tiền các cháu vì những lỗi mà anh ấy cố bới ra.

Có 5 nhân viên sứ quán, ít nhất 2 trong số đó là an ninh biệt phái. Những nhân viên thuộc ngoại giao chính ngạch họ làm việc nhỏ nhẹ, mọi câu trao đổi chỉ đủ cho người làm việc nghe, dường như họ cũng e dè với những nhân viên an ninh. Có thể là bất mãn với thái độ trịch thượng và lộng hành của những người đồng nghiệp trá hình.

Cung cách làm việc như vậy, mọi hồ sơ đều qua an ninh xét duyệt, nhân viên ngoại giao gần như chẳng có quyền hành gì, chỉ làm vì.

Thế ai là người xét duyệt hồ sơ cho những người muốn bay chuyến bay cứu trợ?

Chả lẽ những nhân viên an ninh trong sứ quán không hề biết gì? Thật bất công khi thủ phạm của những chuyến bay cứu trợ toàn là người trong ngành ngoại giao.

A chắc cảm thấy chiến thắng tôi trong lần gặp này, anh ta thể hiện mọi thứ mà chỉ gặp thái độ khiêm nhường, nhẫn nhịn của tôi. Có khi anh ta đang sung sướng khi quát nạt một đối tượng phản động, mỉa mai, khệnh khạng các kiểu mà đối tượng không dám bật lại gì.

Anh ta còn quá trẻ, có lẽ kém tôi cũng gần 20 tuổi.

Anh ta không biết, với tôi, anh ta chỉ là một ví dụ, một vật thí nghiệm để tôi đánh giá về con người cộng sản Việt Nam có thay đổi gì trước công cuộc phòng chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền mà ông tổng bí thư đang phát động để lấy lại uy tín, niềm tin của đảng CS với nhân dân.

KGB, Stasi là những cơ quan mật vụ lừng danh của cộng sản Nga, Đức. Họ can thiệp vào tất cả các ngành nghề địa phương. Họ gieo nỗi sợ hãi khắp nơi. Nhưng họ chưa bao giờ tạo nên nỗi sợ hãi ấy để làm tiền người dân, người kinh doanh, người công chức cả. Họ có lý tưởng dù là mù quáng.

TC2BCA Việt Nam với những người như A ở sứ quán Việt Nam tại Đức, chỉ đáng tầm bọn Đông Xưởng nhà Minh. Loại reo rắc sợ hãi để làm tiền, để khuynh loát triều chính, khủng bố quan lại trong triều.

Những người như A một kẻ uy quyền dõng dạc cửa trước và vài phút sau thành kẻ cò mồi, vòi vĩnh từng đồng ở cổng sau sau này trở thành quan chức cấp cao trong BCA như tướng Tô Ân Xô thì công cuộc đốt lò của ông Trọng bây giờ liệu giải quyết được gì?

Chỉ một ví dụ như A thôi, cho thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng. CNXH mà Mác viết ra lúc đó, ông đã không hình dung được về sự tha hoá của những con người do chủ nghĩa ấy sinh ra.

Nếu chú ý sẽ thấy những con người sinh ra ở đất nước chưa có CNXH, sau đó CNXH được hình thành đất nước đó, những con người sinh ra trước đó dù có theo CNXH nhưng bản chất họ khác hẳn những người sinh ra sau này.

Những người sinh trước tham gia chế độ vì họ nghĩ CNXH sẽ mang lại một xã hội tốt đẹp và công bằng.

Những kẻ sinh sau tham gia vào chế độ CNXH vì họ nhận ra sẽ mang lại quyền lực và vật chất cho họ. Bản chất của những người cộng sản bây giờ đang là vậy. Một lứa thế hệ sau như A đang đi trên con đường tư duy ấy.

Ông Trọng nhận ra vấn đề này, công bằng mà nói ông đang muốn khắc phục, ông kêu gọi sự lý tưởng, sự cống hiến trong sáng, ông trừng phạt những kẻ tha hoá. Ông như con dã tràng xe cát.

Ông trừng phạt được lứa bộ trưởng, uỷ viên trung ương bây giờ.

Nhưng ông còn sống bao lâu để trừng trị, giáo dục những lứa trẻ như tên A kia.

20 năm sau, chúng sẽ mang hàm thứ bộ trưởng. Đất nước này trông cậy vào những kẻ quan chức đã từng hống hách cửa trước và vòi tiền cửa sau ư ? Chúng khi làm đến chức to sẽ thay đổi bản chất trở thành người tử tế ư?

Bạn đọc hãy cho câu trả lời.

Một ngày nào đó, có khi tôi sẽ quay lại sứ quán Việt Nam tại Đức, để chốt phần kết thay cho phần tạm kết này.

Bùi Thanh Hiếu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn