BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73180)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xuân trong ký ức

18 Tháng Giêng 20237:40 SA(Xem: 641)
Xuân trong ký ức
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Trời Nam Cali vẫn còn mang hơi lạnh của những cơn mưa cuối mùa, dù gió xuân đã nhuốm hơi ấm khắp chốn. Nhìn những cành khô của đông còn sót lại, đã e ấp đâm chồi xanh, rồi sẽ rộ nở hoa. Xuân đến, đông đi rồi trở lại, đất trời cũng luôn đổi thay, vạn vật vốn dĩ vô thường, nhân sinh cũng tất bật bôn ba không ngừng nghỉ...


Tôi lặng lẽ tìm một không khí Tết quê nhà mà đã hơn bốn chục năm qua tôi vẫn thèm khát, nhưng rất xa lạ. Ký ức tuổi thơ đã quay về, một cảm xúc rất đơn sơ và vẹn nguyên của một thời thơ ấu, đứa trẻ đã được sinh ra và lớn lên trên xóm Đạo, một mảnh đất bình yên bên dòng chảy hiền hòa của Cửu Long Giang, dù ngoài kia súng đạn vẫn liên hồi mù mịt lửa khói bay, giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng vô tội, nhà tan cửa nát, giữa cuộc chiến vô nghĩa huynh đệ tương tàn.

hoahao-phuocthoi-omon-canthoNgày ấy, dù xa rồi theo năm tháng đi qua, mà tôi vẫn còn nhớ rất rõ, cảm giác háo hức trong những ngày Tết xưa, nhứt là sáng ba mươi Tết tôi cùng chị dâu theo mẹ đến chợ Tết để chuẩn bị cho buổi chiều cúng rước Ông Bà Tổ Tiên về sum họp trong ba ngày Tết và tối giao thừa. Cảm giác lâng lâng vào những hôm ấy, mẹ và chị dâu đảo qua lại khắp chợ và mua thật nhiều trái cây cũng như các loại hoa, tươi thơm ngát hương. Mùi hương nồng nàn quyến rũ của các loại hoa xưa mà cho đến bây giờ tôi đã không ngửi được ở các nơi bán hoa nào ở đây. Chính vì hương thơm nồng nàn đó đã lôi cuốn được vài cánh bướm vàng chập chờn bay đậu, đang cong đuôi cắm vòi vào bình bông để hút nhụy mà mẹ mới để lên bàn thông thiên trước sân nhà để chuẩn bị cho giao thừa. Tôi rất giận hai con bướm nầy vì giao thừa chưa đến mà nó dám cả gan, châm vòi vào rồi, nhưng tôi lùn tịt dưới chân bàn thông thiên, nên tôi càng hét, vỗ tay thành tiếng động bảo nó bay đi, nhưng nó cứ say sưa lo ăn ngon mà thôi; thế mà tôi còn bị mẹ la rầy nữa chứ: “Đời sống của các loài vật bé nhỏ, rất ngắn ngủi, bé hãy để cho nó ăn”.

Chợ Tết xưa đông nghẹt người mua sắm, ai cũng mua sắm rất nhiều vì không muốn bỏ tiền ra mua sắm bất cứ thứ gì trong những ngày đầu năm. Chợ Tết sao đông vui và đẹp đến vậy, đâu đâu tôi cũng thấy những nụ cười rạng rỡ, hiền hòa trong nắng xuân không chói chang mà rất nhẹ nhàng, nhuốm nhẹ vào má đỏ hây hây của những chiếc áo bà ba trắng, nâu, vàng ở những thiếu nữ tóc dài như mây mùa thu đang quyến rũ tuyệt vời. Người phụ nữ ở miền sông nước rất đẹp, chắc ai có dịp về xóm Đạo Hòa Hảo thì đã không quên cái cảm xúc nầy; dạo ấy tôi cứ nhìn say mê các chị, và lắng nghe được lời khen ngợi của các thanh niên đến thăm viếng Thánh Địa vào những ngày lễ và các ngày Rằm trong năm: “Con gái xóm Đạo sao mà rạng ngời, thùy mị, nết na đức hạnh đến thế”? Tôi chợt nhớ đến lời dạy cho số tín đồ nữ của Tôn Sư trong Sấm Giảng Quyển Ba:

Chữ dung là phận đàn bà,
Vóc hình tươi tắn đứng đi dịu dàng.
Dầu cho mắc phải nghèo nàn,
Cũng là phải sửa phải sang mới mầu

 

Vì thế mà các phụ nữ ở đây luôn là những người con gái gương mẫu, thanh thoát. Lúc còn là một bé thơ mà tôi đã cảm nhận được rồi, tôi lại ước khi lớn lên tôi sẽ đẹp như các chị ấy, cái đẹp dịu dàng hiền lành của các cô gái ở làng quê Hòa Hảo, nhứt là hình ảnh các chị đang hong tóc vào những  trưa hè oi bức, dọc theo bờ sông lặng lẽ xuôi dòng, thấp thoáng vài cụm lục bình nổi trôi theo gợn sóng li ti, chầm chậm lướt nhẹ dưới tàn cây in bóng mát mà ngày xưa dù chỉ là đứa trẻ 6, 7 tuổi, tôi và anh  luôn  thích lén ba mẹ ra sông để đợi hoàng hôn. Lòng yêu trời biển từ lúc thơ ấu, nên định mệnh đã ràng buộc anh; anh đã gia nhập vào khóa 24 tại quân trường Nha Trang, của trường Hải Quân VNCH khi vừa tốt nghiệp tú tài II,  anh cũng vừa đúng 18 tuổi, để thỏa chí tang bồng hồ hải; lúc bấy giờ tôi vẫn còn mài quần ở  ghế nhà trường.

Ngày ra trường, anh rất khôi ngô tuấn tú trong trang phục màu trắng của một Sĩ quan Hải Quân.  Không được bao lâu thì anh phải cởi bỏ quân phục cùng tấm lòng thương yêu quê hương ấy, Ngậm ngùi  trong nước mắt để vội vã  vào chốn giam cầm với một định mệnh chung của toàn thể Miền Nam nguy biến. Còn tôi thì phải bỏ quê hương mà ra đi.

Những hình ảnh đó, trong ý nghĩa cao đẹp của một quê nhà, trong sự yên ắng, xinh tươi của nó, những đứa trẻ như tôi đã không bao giờ quên được, dù đã cách biệt, dù năm tháng đã đi qua rất dài và cách xa ngàn trùng của một quê hương bỏ lại. Một nơi  chốn bình yên, có Tổ Đình Hòa Hảo cổ kính quen thuộc, nơi mà Đức Giáo Chủ PGHH đã Đản Sinh và Khai Đạo, nhứt là Chùa Thầy (An Hòa Tự) nơi ấy một không gian tĩnh lặng, thần tiên, mà hằng tháng vào ngày mười bốn, ngày Rằm cũng như ngày hai mươi chín, ba mươi, mẹ đều dắt tôi đến để lễ Phật, lễ Thầy; bên tai vang vang lời kinh tiếng kệ của Tổ Thầy từ Độc Giảng Đường,  hương trầm lan tỏa khắp mọi nơi. Tối đến, những bàn thông thiên với những ngọn đèn, nến lung linh bên cạnh những bình hoa thơm ngát để cúng trời Phật, người ta nguyện chư Phật mười phương cùng oai linh của các chư Thần trong các cõi, hộ trì cho quê hương Việt Nam thôi khói lửa điêu linh và con người bớt đi sân si, thù hận để trở về cuộc sống yên bình, tâm thức tĩnh lặng vốn dĩ chân như thánh thiện mà Đức Giáo Chủ PGHH cũng đã nói trong Quyển Tư:

Sách Thánh đạo ghi trong Tam Tự,
Người mới sanh tánh thiện Trời dành.

Nhưng khi càng ngày càng lớn lên với cuộc sống cơm áo gạo tiền, giữa lúc giai đoạn nhiễu nhương của đất nước, dân chúng sống trong nghèo đói, lại còn bị các đảng phái đem giáo thuyết của chủ nghĩa ngoại lai đế dày xéo quê hương đất Tổ; họ luôn tìm mọi hình thức, tạo chiến tranh tứ phía, tạo nên cảnh nồi da xáo thịt. Nên Đức Giáo Chủ cũng cho chúng ta biết trong Quyển Tư:


Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ  thiện tánh.

Nhưng đặc biệt ở làng Hòa Hảo, tôi chưa từng thấy dân chúng ở đây đối đãi xấu với nhau mà ngược lại. Tôi còn  nhớ một kỷ niệm sâu sắc với tình thương các chú bác đã cho, xảy ra trong thời ấu thơ của tôi ở một ngày nắng ấm sau mùa Tết:

Dạo ấy thừa lúc cả nhà đang ngủ trưa tôi và anh họ Lê Phước Chỉnh chạy xuống bờ sông, tìm đất sét để nắn lại hai cái tay bị gãy cho con búp bê mà hôm qua hai anh em đã nhặt được tại đống rác đầu cầu sắt ở xóm trên, hai anh em đang giấu sau bụi bông bụp trước sân nhà (vì ba không cho lượm của rơi) điều mà tôi và anh họ đã đắn đo để lượm con búp bê về nhà? Nhưng anh Chỉnh lại nói: “Cái nầy không phải của rơi, mà đồ người ta quăng bỏ”. Nhưng thấy nó bị gãy tay, nên  tôi và anh định nắn hai cánh tay lại để nó khỏi bị tật nguyền, rồi đem trả lại đống rác.

Hai anh em níu tay nhau đi xuống bờ sông thừa lúc nước ròng. Vừa nhảy xuống, chưa kịp ra tới bực hẩm thì hai anh em lại nghe tiếng hét thật to của một thanh niên lực lưỡng: “Đứng lại! Hai đứa nhỏ!” Tôi và anh quay lưng lại thì người ta đã ôm tôi vào lòng, còn anh Chỉnh thì được người đàn ông khác dắt tay, cùng với khoảng bảy tám người nữa. Họ dỗ ngọt: “Mấy chú và các cô ở đây là người tốt, sợ hai con té sông chết, nên đến đây để giúp hai con thôi, đừng sợ”. Người kia lại hỏi: “Hai cháu đi xuống đây làm gì?”  Anh Chỉnh lẹ miệng nói: “Hai con đi móc đất sét, để làm tay cho con búp bế”. “Nhà hai cháu ở đâu, để chú đưa về nhà”. Chú vừa hỏi xong thì có người mang cục đất sét trao cho anh Chỉnh và nói: “Chú tặng cho cháu cục đất sét và nhớ đừng đi xuống sông nữa nhé”. “Ở dưới vực hẩm nầy có con Ma da, nó hay kéo chân mấy đứa nhỏ cỡ hai cháu”. Tôi và anh bỗng thấy sợ lắm vì người lớn ở làng Hòa Hảo nầy, ba mẹ nói là họ không bao giờ nói láo.



Một suy nghĩ, một hành động của tôi và anh họ hồi còn là bé thơ mà cho đến bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại chuyện con búp bê bị gãy đôi tay, mà hai anh em đã không biết được sự rủi ro của con nít té sông mà chỉ nghĩ đến chuyện làm cho búp bê không còn tật nguyền và cũng không bao giờ nhớ ra: “Đây là đồ chơi bằng nhựa?” Từ đó tôi và anh không bao giờ đi xuống sông nữa và cũng từ đó câu chuyện đi móc đất sét và con Ma da lôi chân con nít đã in sâu vào tâm trí tôi.

Một  kỷ niệm tuyệt vời của thời thơ ấu của tôi trên xóm Đạo; có tình thương rộng lớn của nghĩa xóm tình làng cho nên các đồng đạo ở quê tôi bao giờ cũng lấy tình thương yêu nhau mà chở che lo lắng cho nhau, họ có bổn phận canh chừng nhau, để ý từng nhà một để sẵn sàng tiếp ứng, giúp đỡ khi cần thiết.

Trong những ngày chuẩn bị đón Tết, ai ai cũng tất bật và rộn ràng, những khuôn mặt của họ luôn rạng ngời và ánh lên một niềm vui thánh thiện khó tả, bận rộn nhất là các quầy bán đậu hũ, mì căn, tương hột và chao. Chắc không còn ai ngạc nhiên khi thấy ở ngôi làng lớn nầy ở hai ngôi chợ không có bán thịt cá vào những ngày cuối và đầu năm, chưa kể mỗi tháng vào ngày hai mươi chín, mồng một Âm lịch, cũng như vào ngày mười bốn, ngày Rằm, người ta sẽ không tìm được thịt cá ở đây.

Tôi chợt nhớ lại lời dạy của Tôn Sư: 

 

Chay bốn bữa ấy là quy tắc,
Của kẻ Khùng chỉ dắt  chúng sanh.

Hay là

Đồ lao muốn tránh sớm nghe Ta,
Bố thí trì chay giữ giới mà.
Phật Đạo trao dồi tâm tánh lại,
Giác thuyền chuyên chở lúc can hoa.

Và Đức Phật Thầy Tây An cũng nhắc nhở chúng ta trong việc phải dùng chay trong điều thứ tư của ngài:

Điều thứ tư pháp môn quy luật,
Lục, thập chay cố sức trau dồi.
Thịt thà xương máu tanh hôi,
Cỏ cây rau cải cũng rồi bữa ăn.

Các đứa bé như tôi đều được cha mẹ cho ăn chay ngay từ nhỏ, tôi nhớ nhứt là ổ bánh nóng giòn mới ra lò của Lò bánh mì “Bảy Xê”,  đã được chị Dứt (người giúp việc) mua về và mẹ làm nhưng chay gồm tàu hũ chiên, trộn với bì chay có đồ chua, nhiều ngò và dưa leo chuột với nước sốt chay chua ngọt rất ngon, mà chị Dứt đã giúp cầm theo, đưa tôi đi bộ tới chùa để kỉnh lễ Phật vào những ngày Rằm. Ở xóm Đạo tôi, mỗi ngày Rằm các  trường Trung học và Tiểu học đều đóng cửa và thầy cô giáo có bổn phận phải hướng dẫn học sinh đến chùa để kỉnh lễ Phật,Trời và Đức Giáo chủ PGHH và cũng để cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trước khi đi Chùa kỉnh lễ,  thầy cô giáo cũng luôn hướng dẫn toàn thể học sinh chào Quốc kỳ và Đạo kỳ.

Tôi cũng còn nhớ vào những ngày Rằm hằng tháng, Ban Chẩn tế của PGHH, có người đến để lấy phần gạo “ tích thiểu thành đa” của mỗi gia đình ở vùng Thánh Địa để đem về Tổ Đình PGHH, sau đó thì phân phối đi khắp nơi cho những gia đình nghèo khổ, mà tôi là đứa trẻ đã được ba mẹ giao cho làm việc nầy vào mỗi sáng trước khi đến trường học, tôi còn nhớ lời căn dặn của mẹ:  “Cháu Dứt thì bốc một nắm gạo, còn bé thì phải bốc hai nắm”, có lẽ tay tôi bé nhỏ quá vào tuổi lên sáu, lên bảy nên mẹ dặn dò rất kỹ.

Ngoài việc nắm gạo cứu đói, ba còn dạy cho chúng tôi biết để tập tánh tiết kiệm, vị tha để nhớ đến công lao của Giáo Chủ lúc Ngài còn tại thế đã có các cuộc đi khuyến nông, kêu gọi tín đồ  tăng gia cày cấy để cứu đói cho đồng bào hai miền Trung, Bắc. Mẹ tôi còn bắt buộc chúng tôi phải niệm Phật vào mỗi tối, sau thời cúng lạy của ba mẹ, trước khi đi ngủ; đây là một bắt buộc coi như quan trọng, mẹ tôi bắt chúng tôi phải ngồi xếp bằng trước bàn thờ Cửu Huyền. Ngôi Tam Bảo, niệm lớn tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật”, (mẹ phải nghe vì mẹ sợ chúng tôi không niệm). Ba mẹ tôi cũng nói: “Niệm Phật cho làng xóm được bình an, cho no cơm ấm áo”. Bây giờ lớn lên, anh chị em chúng tôi vô cùng cám ơn ba mẹ  đã tạo cho anh chị em tôi một  thói quen tốt, sự lợi ích của Lục Tự Di Đà đã in sâu trong tim não của các anh chị em tôi mà Đức Giáo Chủ cũng đã nhiều lần nhắc nhở trong Thi Văn Sấm Giảng Quyển Hai:

Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,
Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai.

Bởi vì:

Chữ lục tự trì tâm bất viễn,
Thì lâm nguy có kẻ cứu mình.

(Q2 Kệ Dân Người Khùng)

Hay là:

Niệm Phật mà gây lấy thiện duyên,
Cho đẹp mặt Tổ tiên nòi giống.

(Q5 Khuyến Thiện)

Vì muốn cho đất nước được sớm an bình, chấm dứt chiến tranh có lần cả làng Hòa Hảo đã tụ tập lại ở Tổ Đình PGHH để niệm Phật. Hôm ấy tôi được mẹ dắt theo, trong chiếc áo bà ba nâu mà mẹ mới vừa may xong. Là đứa bé đầu tiên mặc áo nâu trong làng để cùng mẹ đi cầu nguyện, nên ai cũng khen: “Bé dễ cưng quá!” Tôi rất sung sướng vui mừng và hình ảnh đó cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ.

 

Nhưng có lẽ chúng tôi thích nhất là được ngồi nhìn mẹ và các cô chú hàng xóm cùng nhau gói bánh tét, bánh ít, quết bánh phồng, họ xúm xít cười nói huyên thuyên dưới ánh lửa bập bùng bên những nồi bánh tét, bánh chưng khổng lồ, tiếng nổ tì tẹt trong ánh lửa lớn, nghe giòn tai hòa lẫn những tiếng khua bình bịch nhịp nhàng của các chàng trai làng đang quết bột bánh phồng, bên cạnh các thiếu nữ  với mái tóc huyền đen đang lay nhẹ trong gió xuân. Họ đang chăm chú, thoăn thoắt bàn tay đẩy ra kéo vào để cán những chiếc bánh phồng ẩn tình quê hương  sông nước, mờ ảo, tạo nên một màn đêm rất tuyệt ở những đêm, những  phút giây chuẩn bị để đón giao thừa.

Từ ngày 30, trước giao thừa, các gia đình đã nấu sẵn những món ăn ngon đặc biệt, bày trên bàn thờ, thắp nhang thơm cạnh cặp nến lung linh nép mình bên bình hoa đẹp đủ sắc màu tỏa hương thơm ngào ngạt để mời hương linh Ông Bà Tổ Tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu, cũng để tỏ lòng hiếu kính với bề trên, và cũng để tạ ơn Trời Phật đã cho nhân gian mưa thuận gió hòa trong suốt năm qua.

Đêm giao thừa nhà nào cũng bày sẵn một mâm lễ gồm bánh mứt đủ loại, nhứt là những chiếc bánh ít bánh tét vừa nấu xong. Cả gia đình quây quần bên nhau chờ đợi cái khoảnh khắc thiêng liêng nhất đó chính là thời khắc giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong giây phút đó, gia đình chúng tôi được đoàn tụ sum vầy bên nhau, cùng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cho ông bà, cha mẹ. Bầy trẻ  chúng tôi cũng quấn quít vui mừng để chờ cho sáng mùng một Tết, một sáng  vui như pháo nổ, trông mong để được mặc quần áo mới và nhận tiền lì xì, rồi cũng để cùng với ba mẹ đi mừng tuổi ông bà, láng giềng cao tuổi và nhất là dòng họ.

Quê hương tôi, một bức tranh hòa bình đã trở thành một phần kỷ niệm thật đẹp trong tâm trí tôi, một ký ức đẹp tươi của tuổi ấu thơ trong những ngày vào xuân. Tôi chợt nhớ đến lời của Đức Thầy về ngày xuân:

Ngày tết đến rồi các bạn ơi,
Tổ tiên truyền lại mấy ngàn đời;
Ước ao Xuân mới bằng Xuân cũ,
Thanh bạch tâm hồn cuộc thảnh thơi.

(Ngày Tết năm Tân Tỵ)

Thế rồi thời gian cứ thế mà trôi đi, tôi đã trưởng thành và không còn được đón Tết như ngày xưa ấy và càng lớn lên cảm nhận về Tết càng thay đổi, nhất là những người ly hương như chúng tôi. Dù thời gian đã cướp đi niềm vui, những kỷ niệm bé bỏng của tôi. Nhưng đó mãi là miền ký ức đẹp gợi cho tôi nhớ về cội nguồn, về những Tết và một tuổi thơ êm đềm bên gia đình, bên chòm xóm nghĩa tình, một làng quê an bình, một dấu ấn của tuổi ấu thơ khó nhạt nhòa trên quê hương thật tuyệt vời của tôi. Tôi ước và luôn cầu nguyện cho thế giới hôm nay cũng có những cảnh thanh bình, đạo đức như làng quê tôi xưa, đó là Thánh Địa Hòa Hảo.

Lê Yến Dung
(Xuân 2023)

Nguồn : Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn