BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ới Staline ơi !

20 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1352)
Ới Staline ơi !
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 

















Joseph Staline

Đêm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao !
Làng trên xóm dưới xôn xao
Ngôi sao sáng nhất trời cao băng rồi !
Xta-lin ơi !
Hỡi ơi Ông mất, đất trời biết không?


Tố Hữu - Đời đời nhớ ông



Tháng Sáu 1956, tờ New York Times đăng tải, trước hơn ai hết ở Tây phương, bản phúc trình của Khrouchtchev về những tội ác của chế độ Staline, làm xôn xao dư luận khá nhiu. Một sự sửng sốt bàng hoàng chưa bao giờ thấy. Ngày nay, năm mươi năm sau, có ai còn biết gì thêm nữa về nhà độc tài, chuyên chế khét tiếng đó, về những động cơ nào thúc đẩy ông hành động như thế, về cơn ác mộng thời đó, về đời tư của ông hay không ?


Mới đây, qua một cuộc mạn đàm với tuần báo Le Nouvel Observateur (Pháp), ông Simon Sebag Montefiore - tác giả quyển sách "Staline - La Cour du Tsar Rouge" (Staline - Triều đình của ông Hoàng Đỏ), ed. Syrtes, 2005 - có tiết lộ nhiều phát hiện mới của hồ sơ lưu trử vừa được Moscou giải mật.


Theo những tài liệu đó thì Staline đích thật hoàn toàn khác biệt với một Staline mà người ta thường biết từ bấy đến nay. Vì ông ta là một nhân vật quan trọng khá bí ẩn của thế kỷ thứ XX. Rất nhiều truyền thuyết và tin đồn đại về ông. Thế nhưng, không tài nào minh xác được, vì không có tài liệu nói về đời tư, về sự nghiệp, về cung cách làm việc của ông. Ngày nay, những tài liệu lưu trữ đó đã được công bố cho quần chúng. Như thế, giờ đây, người ta có thể vẽ nên bức chân dung thầm kín của nhà độc tài đỏ đó và đưa ra ánh sáng nhiều điều bí mật liên quan đến triều đại của ông, một thời kỳ đẫm máu trong lịch sử thế giới.


Điểm đáng ngạc nhiên là Staline không phải là một con người không có văn hóa. Chính Trotski, kẻ thù số một của Staline, đã sáng chế ra huyền thoại về một Staline quan liêu, nhà quê và dốt nát. Thế là, những nhà viết sử cứ lập đi lập lại những chuyện tầm phào đó vì không nắm được tài liệu chính xác. Cũng phải nói rằng chính Staline muốn cho thiên hạ lầm tưởng rằng mình là một nhà nông và một người bình dân. Như thế để cho ông ta dễ đánh bọn "trí thức" trong Đảng cộng sản.


Thực ra, ngày nay người ta biết rằng ông ta có một tủ sách khoảng 20.000 quyển và mỗi ngày ông ta đọc mấy tiếng đồng hồ. Ông cũng có ghi chú trong sách và ghi chép trên những phiếu con để tham khảo. Sở thích của ông cũng đa dạng, ông thích đọc Guy de Maupassant, Oscar Wilde, Nicolai Gogol, Johann Wolfgang Von Goeth hoặc Émile Zola. Ông ta cũng thích thơ phú. Khi còn trẻ ông hay làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, của nước cộng hòa Georgia, loại thơ điền viên, có bài cũng khá. Staline là loại người uyên bác, có thể đọc một đoạn dài Kinh Thánh, viện dẫn những gì của Otto Von Bismarck hay của Anton Tchekhov. Ông cũng ngưỡng mộ Fedor Dostoïevski mà ông cho là một nhà "tâm lý học vĩ đại", dù cho ông ta đã ra lệnh cấm đọc nhà văn này, viện cớ là tác giả đó không tốt cho tuổi trẻ.


Như thế có lẽ nhờ trước kia ông được học trường dòng chính giáo Tiflis ở Georgia cho đến năm 20 tuổi. Vào cuối thế kỷ thứ XIX mà được ăn học lên cao như thế là rất hiếm có. Staline là một người học trò có năng khiếu. Lẽ ra, ông phải trở thành thày tu, như mẹ ông mong muốn, nếu như ông ta không rời trường dòng để đi vào bí mật. Thật ra, người con trai của lão thợ đóng giày và bà giặc ủi quần áo kia là một nhà trí thức đích thật, có thể đọc Platon qua bản gốc. Khi lên cầm quyền, lúc nào ông cũng tự tay viết lấy, và thường viết một mạch, các bài diễn văn, bài tham luận hay những công hàm ngoại giao.


Một con người có học và trí thức như thế lại ra tay giam cầm hay giết hại những cây viết công kích chế độ của ông thì lạ thật. Điều đó cũng dễ hiểu, vì không những Staline chỉ là một người trí thức mà còn mang bản chất Bolchevique cuồng tín nữa. Đúng là một tên đồ tể.


Thói hung bạo đó của Staline bắt nguồn từ tuổi bé thơ. Giống như Hitler, Staline là một người con thường bị ông bố nát rượu đánh đập và đối xử tàn tệ. Bà mẹ, tuy có thương yêu con nhưng lại cũng quen tay đánh đập. Hơn nữa, Staline lớn lên ở Gorgi, một thành phố nhỏ của Georgia, nổi tiếng trong cả vùng Caucase là thủ đô của tội phạm.


Ngoài ra, Staline - biệt danh là Koba - còn bắt đầu sự nghiệp cách mạng với tư cách một tên cướp ngân hàng để tài trợ cho Đảng. Nhưng chẳng phải là loại tướng cướp hạng thường mà lại thứ đầu sỏ ở Caucase. Sau đó, Staline đã chứng kiến những cuộc thanh lọc chủng tộc kinh khủng, chống lại người Arménie hồi 1895 ở Bakou. Thế nhưng, ngần ấy chưa thấm gì đâu trên hành trình dã man của "người bố dễ thương của nhân dân".


Như thế, có phải là đầu óc Staline không bình thường chăng? Cũng khó xác định, nhưng cứ dựa vào quá khứ cách mạng của ông ta, một quá khứ đầy dẫy những sự phản bội và mưu mô gian xảo thì suốt đời ông gặp những âm mưu và thủ đoạn thì cũng đúng thôi. Thế nhưng, dường như thói đa nghi, hoang tưởng và giết hại điên cuồng của ông có vẻ quá bệnh hoạn.


Trái lại, Staline là một con người mắc chứng bệnh tưởng trầm trọng, nhìn đâu cũng thấy toàn là bệnh hoạn. Qua những thơ từ gởi cho bạn bè, thân quyến, ông ta thường nói đến bệnh tật của bà con thân thuộc hay của những người khác. Trong những bức thư thân mật đó, ông hay nói đến căn bệnh thấp khớp, đến những vụ tim bị mệt mỏi hay đến chứng viêm thanh quản, một chứng bệnh suốt đời bám lấy ông. Thế nhưng, khi về già, Staline lại không chịu nhìn nhận là mình suy yếu về thể chất. Thậm chí, ông ta còn sa thảy Vinogradov, người thày thuốc riêng tư thân tín của mình, khi Vinogradov khuyên ông nên giả từ quyền bính để dưỡng sức.


Thế nhưng, Staline là một con người rất vui sống, yêu đời. Trong thập niên 1920 và 1930, ông ta thường đi săn, đi câu, đi canot cùng với những người chung sở thích trong Bộ chính trị. Ông cũng đánh bi da, cũng nhậu nhẹt, rất thích âm nhạc, nhạc kịch opéra, những bài hát xứ Caucase. Khi nào không hát thì ông nghe đi nghe lại bản Concerto cho dương cầm số 23 của Mozart. Ông rất mê xem phim. Trong nhà nghĩ mát nào, ông cũng cho thành lập một phòng chiếu phim và ông cũng là sếp kiểm duyệt phim của Liên Xô (LX). Ông muốn xem tất cả các phim trước khi đem chiếu cho quần chúng. Ông có một tủ phim khá ly kỳ. Sau chiến tranh, ông còn tiếp thu tủ phim của một người say mê phim khác là Joseph Goebells, bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền của Hitler.


Biết được tác dụng của phim ảnh nên Staline đích thân đứng ra kiểm soát ngành phim ảnh của Mạc Tư Khoa và giám sát luôn chuyện làm của những nhà sản xuất phim và của những người viết kịch bản. Phim ưng ý nhất của ông là nhạc kịch "Volga-Volga" của Grigori Alexandrov. Ngoài ra, ông cũng thích phim "Alexandre Nevski", mà ông đã gợi ý cho Sergueï M.Eisenstein sản xuất để đánh thức tinh thần quốc gia dân tộc của Nga trước nguy cơ Đức. Staline cũng yêu thích phim cao bồi và phim trinh thám Hoa Kỳ, và rất say mê các tài tử như Spencer Tracy và Clark Gable.


Staline thường kiểm duyệt những đoạn phim trần truồng, không phải vì ông khắt khe nguyên tắc mà vì muốn thiên hạ có một cái nhìn nghiêm túc về ông ta. Lúc nào ông cũng giữ kín đời sống riêng tư của ông. Có lẽ ông ta muốn cho cuộc sống của mình mang một màu sắc bí hiểm. Nếu ông quở mắng con gái vì ăn mặc quá gợi tình thì cũng không hẳn là ông có một nếp sống thày tu đâu. Người ta cũng bắt gặp những bức thư tình rất "mùi mẫn" mà ông gửi cho Nadia, bà vợ thứ nhì của ông.


Suốt cuộc đời ông, Staline có rất nhiều nhân tình - hình như lãnh tụ cộng sản nào cũng thế. Trong thời gian lưu đày ở Sibérie, trước khi cách mạng xảy ra, ông đã sống một thời gian khá lâu với một bà nông dân và có được một người con thầm vụng. Và khi lên cầm quyền, ông lại tằng tịu với cô em vợ. Trong những ngày về già, ông ăn nằm khuây khỏa với Valentina, bà quản gia to béo và thầm lặng.


Tuy nhiên, Staline không mấy tin tưởng đàn bà, có lẽ vì mẹ ông trước kia bắt nạt ông quá nhiều. Mà cũng có phần vì Nadia, bà vợ thứ nhì của ông, người đã tự vận trong điện Kremlin hồi năm 1932. Chuyện quyên sinh đó của Nadia là một vố nặng cho Staline đến nỗi mấy tuần sau đó, bạn bè ông sợ ông cũng tự vận theo. Sau khi đã hoàn hồn, ông ta thường nói rằng Nadia đã phản bội ông, muốn tự hủy mình để hại ông.


Những lúc Staline không xem phim để tiêu khiển, không mê mẩn với một cô gái hay không đi câu thì ông ta khủng bố dân chúng với một cung cách chưa từng thấy một nhà độc tài nào làm thế. Theo tài liệu lưu trử, chính Staline đã đích thân chủ trì các vụ đàn áp năm 1930. Chính ông là đầu dây, mối nhợ của những trò khủng bố ghê rợn đó. Những người "thanh lọc" đó hành động theo lệnh trực tiếp của Staline. Ông theo dõi hàng ngày cái công trình rùng rợn đó, chăm nom từng chi tiết một. Chính ông đã thảo ra bản cáo trạng trong những vụ án Mạc Tư Khoa nổi tiếng. Ngày nay, người ta biết được rằng chính Staline đã đọc văn bản cho Vychinski, quan công tố nổi tiếng nhưng chỉ là cái máy nói của Staline mà thôi. Người ta cũng phát hiện được hàng trăm mảnh giấy viết tay của Staline đốc thúc những người của Tchéka (cơ quan mật vụ LX để diệt trừ những kẻ thù của cách mạng) càng ngày càng giết nhiều hơn nữa.


Trong thời kỳ đại khủng khiếp 1937-1938, người ta trình lên Staline những "tập ảnh", nghĩa là những danh sách của những người bị tình nghi, với họ tên có ảnh đính kèm. Chính Staline quyết định thân phận của từng cá nhân một. Người ta đã trình cho ông 383 tập ảnh như thế, với 44.000 tên. Ông ta đã xem qua hết và ghi chú phía dưới trang những dòng chữ như "khảo tra thêm nữa" hay "đem xử bắn hết". Có ngày, Staline ra lệnh hành quyết trên 3.000 người bị ghép vào tội kẻ thù của nhân dân.


Thế nhưng, trước khi xử tử, Staline hay bắt buộc những nạn nhân "thật thà khai báo", cốt cho quần chúng thấy rằng có nhiều âm mưu chống phá lại xô viết. Như thế là để đổ lỗi cho những tên phá hoại chểnh mảng chứ không phải là vì chế độ cộng sản. Hơn nữa, người học trò cũ của trường dòng này còn mang lấy một thứ cuồng tín của tôn giáo nữa. Trong những chỉ thị đưa xuống cho những nhân viên tra vấn ở NKVD (công an nội chính), Staline thường dùng ngôn ngữ của tòa án dị giáo. Hơn nữa, ông ta thích để cho những nạn nhân của ông bị làm nhục. Ông rất thích thú khi nghe kể lại những lời van xin của bạn bè xưa cũ bị ông quyết định xử tử.


Bắt đầu từ tháng Bảy 1937, guồng máy diệt trừ nạn nhân hoạt động với năng suất tối đa. Phải diệt trừ cho bằng hết những kẻ thù của Staline, thực sự hay tưởng tượng, của quá khứ hay hiện tại hoặc của ngày mai. Người ta không còn chọn lựa trên căn bản cá nhân mà theo tiêu chuẩn phe nhóm hay theo giai cấp xã hội. Nikolaï Ejov, người cầm đầu NKVD, đề nghị với Staline nên cho tỷ số người phải hành quyết hoặc đưa đi trại tập trung tùy theo vùng và tùy theo thành phố. "Người bố dễ thương của nhân dân" đưa ra những chỉ tiêu để càn quét mà bắt người, không cần đếm xỉa gì đến danh tính của nạn nhân. Thế rồi, ở hiện trường của các vùng, chính quyền địa phương thi đua nhau vượt chỉ tiêu của kế hoạch khủng khiếp đó! Mỗi khi nhà chức trách cơ sở đạt được chỉ tiêu và xin phép giết hại thêm nữa thì Staline vỗ tay tán thưởng!


Thế thì, không làm sao mà biết chính xác được chế độ Staline đã thủ tiêu bao nhiêu người. Một thời khủng bố hỗn mang, mọi chuyện đều được tiến hành một cách hấp tấp hết sức rùng rợn. Chỉ trong khoảng thời gian tệ hại nhất của hai năm 1937 và 1938, người ta nghĩ rằng NKVD đã bắt giữ một triệu rưởi người. Một nửa đã bị xử trảm ngay tại chỗ còn một nửa kia thì chết lần chết mòn trong các trại tập trung.


Đó là chưa kể những người bị thanh trừng hồi đầu những năm 1930, những nạn nhân của vụ đói ở Ukraine và những thiệt hại ít được biết đến ở Kazakhtan và ờ miền Nam nước Nga. Cộng chung lại cũng vào khoảng từ năm đến hai mươi triệu người chết, theo ước tính của các chuyên viên về vấn đề này. Ngoài ra, còn phải kể hàng trăm nghìn chiến sĩ bị quân Đức quốc xã giết hại trong những tuần lễ đầu tiên sau khi Đức tấn công LX hồi mùa hè 1941. Những chiến sĩ đó phải bị hy sinh vì Staline ngoan cố không thể tưởng tượng được. Chủ nhân điện Kremlin không chịu tin là Hitler sẽ tấn công nên không thèm đặt quân đội trong tình trạng báo động.


Không phải vì Staline nghĩ rằng Hitler, người đồng minh mới của ông, sẽ không bao giờ xóa bỏ hiệp ước vừa mới ký kết hai năm trước đó, nhưng vì ông ta tính sai nước cờ. Hồ sơ lưu trữ cho thấy rằng Staline biết là Đức quốc xã sẽ tấn công LX, nhưng chỉ thực hiện ý đồ đó khi nào quân Đức đánh bại được Anh quốc. Ngoài ra, ông cũng còn tin chắc rằng Hitler sẽ không chịu mắc phải sai lầm của Nã Phá Luân là tung quân xâm lấn LX trong thời điểm cuối năm để có nguy cơ bị kẹt cứng vì trời lạnh, rồi phải chịu thảm bại.


Staline nghĩ rằng Hitler sẽ tấn công vào mùa xuân 1942. Trên giấy tờ thì Staline có lý vì tấn công vào tháng Sáu là một hành động điên rồ. Thế nhưng, Hitler là một tên đánh bạc. Và Staline, một con người rất thận trọng trong việc bang giao quốc tế, không thấy được khía cạnh đó của Hitler. Dù rằng ngành quân báo của LX có cho Staline biết trước Đức sẽ tấn công ngày nào và giờ nào một cách chính xác. Ai cũng cảnh báo ông ta hết, thậm chí cả Churhill, thủ tướng của Anh nữa. Thế mà ông ta cứ ngoan cố, chỉ nghe theo lý luận của riêng mình. Ông chỉ quan tâm đến mỗi một điều là đừng cho Hitler có một cái cớ để tấn công. Vì thế nên ông không chịu đặt quân đội trong tình trạng báo động, dù cho sau khi những chiếc phi cơ không thám đầu tiên đã bay trên không phận LX.


Một tuần lễ trước khi tấn công xảy ra, một điệp viên LX, đáng tin tưởng, được cày vào bộ tham mưu của Luftwaffe (KQ Đức quốc xã), xác nhận một lần nữa kế hoạch của Hitler. Staline vẫn không tin, cho rằng nguồn tin láo lếu. Thậm chí đến ngày 22 tháng Sáu 1941, tấn công xảy ra rồi mà Staline vẫn còn cho rằng:"Đây là bộ tham mưu của Đức làm loạn. Khi biết được, Hitler sẽ ra lệnh chấm dứt ngay." Thế là Staline không chịu phản công.


Dư luận đồn rằng hôm sau ngày quân Đức xâm lấn, Staline đã bỏ trốn hai tuần. Nhưng đó chỉ là điều mà Nikita Khrouchtchev chế ra trong bản phúc trình cho Đại hội Đảng kỳ thứ XX. Thật ra, Staline vẫn tiếp tục chỉ huy cho đến khi Minsk (Thủ đô Biélorussie) thất thủ. Đến ngày 29 tháng Sáu, ông mới giam mình trong nhà nghỉ mát. Ông ở đó hai ngày liền. Khi các ủy viên bộ chính trị đến gặp ông để biết ý định của ông thì Staline ngỡ là họ đến bắt ông.


Như thế, chứng tỏ rằng Staline là một nhà chiến lược tầm thường, thiếu kinh nghiệm. Điển hình nhất là hồi tháng Chín 1941, khi các tướng lãnh yêu cầu ông cho rút quân ra khỏi Kiev (Thủ đô Ukraine) thì ông lại để cho năm quân đoàn bị quân Đức bao vây và thảm sát. Chỉ lần hồi qua cuộc chiến, Staline mới học được chiến lược quân sự và đưa đất nước đến chiến thắng. Nhưng với một cái giá quá đắt!


Sau chiến tranh, Staline lao vào một chiến dịch bài trừ người Do Thái. Ngày nay, một số nhà sử học cho rằng Staline dự tính đưa tất cả những người Do Thái trên đất LX đi đày. Chính Staline đã viết một bài đăng trên tờ Pravda, tố cáo cái gọi là âm mưu của các bác sĩ người Do Thái định giết chết cấp lãnh đạo của LX. Bài báo này lẽ ra phải là phát súng lệnh ban hành đợt thanh lọc mới, sẽ được tiến hành nếu như Staline không bị chết ba tháng sau đó. Người ta cho rằng ông có ý định đày hàng trăm nghìn người Do Thái vì có dấu hiệu là ông đã cho xây cất gấp rút hai trại giam mới ở Sibérie. Nhưng không biết thực hư thế nào vì cái chết của ông đã làm cho mọi cuộc chuẩn bị đều khựng lại.


Mặc dù một số tài liệu mật lưu trữ đã được đưa ra ánh sáng, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Staline vẫn còn nhiều bí ẩn, ngay cái chết của ông cũng thế. Ông chết cách nào, không ai biết được. Có một tờ trình về cuộc giải phẩu thử nghiệm nhưng đã lạt mất, hoặc bị đánh cấp, không ai hiểu vì sao. Hoàn toàn bí mật. Trong lễ tang, Béria, trùm mật vụ có nói : "Chạy sao khỏi tay tôi." Có phải Béria đã đầu độc Staline hay là chỉ ba hoa nói dối thôi. Chắc là không làm sao biết được hết.


Ngày nay, ở Nga chế độ Staline còn lại gì? Nhiều người Nga đã quên đi là họ đã đau khổ đến mức nào dưới triều đại Staline. Về thời kỳ đó, có vẻ như thiên hạ chỉ còn muốn nhớ đến chuyện chiến thắng Đức quốc xã và vị trí của đất nước trên trường quốc tế. Vả lại đâu có tòa án nào xét xử những tội ác của Staline, không có một Nuremberg cho chế độ cộng sản mà cũng chẳng có lời thú tội. Thế nên, bóng ma của người công dân ghê tởm của nước cộng hòa Georgia vẫn còn lởn vởn trong tâm tư thầm kín của người Nga.


Phan Quân


Viết theo : "Les derniers secrets de Staline", Le Nouvel Observateur, 2 août 2006.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn