BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72630)
(Xem: 62055)
(Xem: 39150)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc lại “Cõi Đá Vàng” của Nguyễn Thị Thanh Sâm (kỳ 2)

20 Tháng Sáu 20227:29 SA(Xem: 526)
Đọc lại “Cõi Đá Vàng” của Nguyễn Thị Thanh Sâm (kỳ 2)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Nguyễn Thị Thanh Sâm
(Tiếp theo Kỳ 1)

.

Lớp chỉnh huấn

.

Trần đi theo chú bé liên lạc đến căn nhà sàn đó, chàng mãi suy nghĩ đến những vấn đề cần phải nói đến nỗi khi ngẩng lên chàng đã thấy Hoàng Hà sừng sững trước mặt, chằm chặp nhìn chàng bằng cặp mắt băng giá. Chàng đứng nghiêm, thẳng người đưa tay chào ông ta theo lối quân nhân.
Hoàng Hà nhìn chàng từ đầu đến chân, lạnh lùng khẽ gật, đoạn ông ta xoay người một cách gọn gàng đi vòng lại ngồi xuống ghế trước bàn làm việc của ông, ông chỉ một chiếc ghế, hất hàm:
– Đồng chí ngồi xuống.
Trần ngồi xuống ghế yên lặng đăm đăm nhìn lại Hoàng Hà, chàng hiểu rằng Hoàng Hà đang sử dụng cái nhìn lạnh lùng như băng vào kẻ đối diện như một lối đòn cân não, Trần mơ màng thầm nghĩ không biết mình ở đâu đây, trước mặt mình là ai thế, là đồng chí ư? Sao lại nhìn mình như thế, sao cái nhìn làm Trần mơ hồ như đã thấy ở đâu rồi, ừ phải, Trần đã thấy cái nhìn đó một lần ở sở Mật thám Huế khi chúng nó bắt Trần trong số sinh viên bị tình nghi có liên quan đến một tổ chức trá hình. Đôi mắt viên mật thám Pháp khi thẩm vấn Trần cũng giá băng như vậy, đó là đôi mắt kẻ thù, có lẽ nào giờ đây Trần lại gặp ánh mắt đó trên cái nhìn của một đồng chí mà chàng đang đặt nhiều kỳ vọng. Liệu niềm cảm thông mà Trần mong mỏi được tỏ bày có làm tan rã được băng giá trên đôi mắt kia không?
Quả vậy, bằng cái nhìn đó Hoàng Hà tỏ rõ một ý muốn chế ngự Trần ngay trong phút đầu của câu chuyện. Ông ta biết rõ thành tích đáng kể và ảnh hưởng quan trọng của Trần trong bộ đội kháng chiến; dù sao sự tự tin của ông với những mệnh lệnh mà những đồng chí thuộc cấp đều răm rắp tuân theo khiến ông luôn luôn có một thái độ uy quyền và tin rằng kẻ đối diện phải khuất phục mình một cách dễ dàng. Nhưng khi bắt gặp đôi mắt Trần nhìn thẳng vào ông với vẻ như không trông thấy gì cả, đôi mắt chàng như đang theo dõi một ý tưởng nào đó, liên tục và mãnh liệt đến nỗi ông phải nghĩ rằng nếu ông ta không lên tiếng trước thì Trần sẽ tiếp tục lặng lẽ làm một cuộc đối thoại với chính mình mà không cần biết có ai trước mặt. Ý nghĩ đó làm Hoàng Hà nổi xung nhưng ông ráng dằn lại. Những năm lăn lóc hoạt động chính trị trong những thời kỳ căng thẳng nhất khiến ông trở thành một con người mềm dẻo tinh tế vô cùng.
Ông hạ tầm mắt xuống, giọng ông êm ái một cách không ngờ:
– Đồng chí Trần, đồng chí có hiểu rõ những việc mà đồng chí đã làm không?
Thái độ thay đổi đột ngột và câu hỏi bất ngờ làm Trần lúng túng trong một giây:
– Thưa đồng chí, tôi mong mỏi được gặp đồng chí để trình bày những sự việc mà tôi nghĩ rằng đồng chí đã biết qua nhưng chưa sáng tỏ được mọi vấn đề.
– Theo đồng chí, thế nào là một vấn đề được sáng tỏ? Hoàng Hà hỏi, vẫn giọng nói êm ru.
– Sự có mặt của tôi, cùng nhiệt tình của tôi đối với Đảng và Tổ quốc, còn nếu căn cứ vào báo cáo của Tỉnh bộ thì…
Hoàng Hà ngắt lời Trần, ông ta cúi nhìn tập tài liệu trước mặt, làm bộ hững hờ khéo léo che đậy một tia sáng rình rập vừa lóe lên trong mắt ông ta:
– Đồng chí có cho rằng Đảng có thể thiên vị và lầm lạc không?
Trần đáp không suy nghĩ, cảm thấy mình bị hụt hẫng:
– Tôi không bao giờ nghĩ như thế.
– Vậy thì việc Đảng đưa đồng chí về đây để chỉnh huấn, sửa đổi tư tưởng, hầu đi đúng con đường phục vụ cho nhân dân, việc đó có sai lầm không?
Trần nín lặng không đáp.
– Và luôn cả những nhận xét của Đảng, đồng chí có cho là không sáng suốt không?
– Cá nhân tôi không giúp gì cho đồng chí được, giọng Hoàng Hà chợt đanh lại, gọn và sắc. Đồng chí hãy nhớ kỹ điều này, với chủ nghĩa cao cả mà chúng ta đang theo đuổi, cá nhân không là cái gì cả, duy chỉ có cộng đồng mà thôi. Bánh xe vĩ đại sẽ nghiền nát tất cả mọi cá nhân dưới nó để làm nên lịch sử nhân loại cộng đồng. Chúng ta phải biết ơn Đảng đã cho chúng ta được sống trong những giây phút thần kỳ, không giống một thời đại nào, không giống một lịch sử nào khác, tự cổ chí kim. Chúng ta đang và sẽ tạo dựng một thế giới mới, chính chúng ta, những người Cộng sản sẽ khai nguyên những thế kỷ sắp tới, trong đó, toàn khối nhân loại chỉ là một, trong đó, đồng chí và tôi đều không đáng kể, những quan điểm riêng tư đều vô nghĩa, hèn mọn. Chúng ta đều phải quên mình để hiến dâng cho sự nghiệp vĩ đại của Đảng, phải tẩy rửa những yếu hèn tiểu tư sản, phong kiến đang bám chặt lấy đầu óc chúng ta. Chúng ta sẽ đau đớn, sẽ quằn quại rên siết để thực hiện một cuộc tái sinh, đó là cuộc tái sinh của Tổ quốc ta nói riêng và thế giới nhân loại ngày mai nói chung.
Hoàng Hà ngừng lại một giây, ông ta tự để mình lôi cuốn theo những lời nói thao thao bất tuyệt của ông, những lời nói có một ma thuật khiến đôi mắt ông quắc lên, long lanh chờn vờn như một lưỡi kiếm, ông gằn giọng, trở lại tư thế lạnh lùng đanh thép cố hữu:
– Tôi có nghe nhiều về đồng chí, đồng chí đã tỏ ra là một chiến sĩ dũng cảm, một văn nghệ sĩ có chân tài, chừng đó không đủ. Hãy can đảm tự xóa mình đi, hãy từ bỏ ảo tưởng xây dựng tiếng tăm và ảnh hưởng của cá nhân mình. Đảng không chấp nhận những ý thức đó. Tuy nhiên Đảng sẽ nâng đỡ đồng chí khỏi phạm vào những sai lầm tai hại tương tự như những điều đồng chí đã làm. Đồng chí sẽ được một cơ hội để tự cứu nếu không muốn rơi vào sự hủy diệt. Trong thời gian chỉnh huấn, đồng chí phải hết lòng đào sâu suy ngẫm, phải khẩn trương thành thực sửa mình, để tỏ lòng biết ơn Đảng đã tạo nên chúng ta, đừng bao giờ lãng quên điều đó. Khoá chỉnh huấn của đồng chí sẽ khai mạc trong vòng hai hôm nữa và sẽ kết thúc trong vòng một tháng, tôi mong rằng đó là thời gian thích đáng mà đồng chí có thể đạt được thắng lợi cho tư tưởng và bản thân mình để tạo nên sự nghiệp của một chiến sĩ Bôn-sơ-vích hiến dâng cho Đảng.
Hoàng Hà đứng dậy, ông giơ tay lên ra hiệu câu chuyện đã kết thúc. Trần cũng đứng lên, chàng đứng nghiêm thẳng người đưa tay chào vị chỉ huy cao cấp, rồi quay lưng bước thẳng ra cửa.
Ra đến bên ngoài Trần bước đi như một cái máy, lòng chàng buồn bã vô hạn. Chàng vừa gõ một cánh cửa, và cánh cửa đã đóng chặt, cánh cửa từ chối không chịu mở ra.
Sau những bức tường là những cánh cửa không chịu mở.

Trần đã trải qua những cơn bão táp của tâm hồn trong suốt thời kỳ cùng anh em đồng chí học tập, thảo luận, tìm tòi mổ xẻ từng ni tấc cái hình hài dĩ vãng mang nặng di sản truyền thống chứa đựng bao nhiêu căn bệnh xấu xa của con người. Người ta thúc giục nó, dồn ép nó với những điều cám dỗ có khả năng thần bí như mụ phù thủy mặc áo thụng đen cưỡi cái chổi bay quanh khu rừng đen tối.
Trần chia sẻ cùng các bạn những ray rứt, dằn vặt, tự cấu xé mình, tự lột xác mình để khai sinh con người mới, để làu làu trong sạch xứng đáng với người chiến sĩ xã hội ngày mai.
Nhưng trái với các bạn của chàng, họ như bị thôi miên, tâm trí họ đờ đẫn như đang bị trong vòng hấp lực của một mê cung, càng ngày Trần càng kinh ngạc nhận thấy mình tỉnh táo một cách lạ lùng. Những điều tiếp nhận được càng khiến cho tinh thần chàng có những cảm ứng mới mẻ thì thân thể chàng cũng bị suy nhược dần đi.
Trong khi thân thể chàng bị ảnh hưởng của sự dồn ép thì tâm hồn chàng mở rộng một cuộc tao phùng của non cao và biển sâu, của yêu thương và thù hận, của thiện và ác, của hư và thực, và trên hết những cái đó là cơn tao ngộ của Con Người và Cuộc Đời.
Khi thấu triệt những điều đó, chàng chỉ còn lại một niềm đau, thương xót anh em đồng đội, đau xót bởi chính nỗi bất lực của mình.
Lần lượt, chàng chứng kiến các đồng chí của chàng sau khi tự đày đọa thân mình bằng những buổi moi óc nghiền ngẫm những tội lỗi tưởng tượng, sản phẩm của giáo điều, đã đua nhau làm bản tự thú, kiểm thảo, kể lể những điều vặt vãnh từ hồi còn bé dại, nào ăn cắp tiền của cha mẹ để đi đánh đáo, kết luận: ăn cắp và đánh bạc (đánh đáo là một hình thức đánh bạc) là ảnh hưởng thối nát của thực dân phong kiến thấm sâu vào máu; nào một hôm thấy một đứa con gái ngủ hớ hênh bỗng thấy lòng tà dâm nổi dậy, kết luận: tà dâm là tội lỗi của giai cấp tiểu tư sản chỉ muốn hưởng thụ; nào thuở nhỏ đã có lần đánh đập một đứa bé con nhà nghèo khổ ở bên cạnh nhà mình, kết luận: đó là ý thức ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ giàu hiếp nghèo, căn bệnh của đế quốc tư bản.
Có trăm ngàn những lời tự thú ngây thơ tội nghiệp nọ trên những bàn tay cầm viết run rẩy sợ hãi của những chiến sĩ mà mới đây khi đối diện với địch quân, chính những bàn tay đó đã ghì chặt thép súng trên vai nhả từng tràng thịnh nộ chính khí vào quân cướp nước.
Lòng Trần thắt lại khi thấy hiện lên vẻ ngơ ngác, kinh hãi, đớn hèn trên khuôn mặt những đồng chí đã từng hiên ngang bao nhiêu, cương nghị bao nhiêu, dũng cảm bao nhiêu, trong cuộc chiến tranh đầy gian lao nguy hiểm mà họ đã hồn nhiên chấp nhận cho căn phần của họ.
Họ đã yếu hèn hẳn đi vì kinh hoảng trước mớ lý thuyết tự nó không chứa đựng gì nhiều nhưng những luận lý của cán bộ lãnh đạo chỉnh huấn đã phù phép cho nó trở thành bén ngót như những móng diều hâu sà xuống quắp lấy thân phận của họ. Cơn hôn mê biện chứng pháp làm cho họ lảo đảo, ngờ nghệch không còn nhớ mình là ai nữa, vội vàng chối bỏ chính mình.
Là lý tưởng đó ru? Có phải vì đó mà con người đã phải rời bỏ một giòng sông, xa lìa một thành phố, từ biệt một lũy tre làng, một cánh đồng vàng óng để ra đi, đến ngồi nơi xó rừng này, moi móc kể lể những điều lặt vặt, những chuyện ngồi lê đôi mách, tự dằn vặt mình, tự dìm sâu mình vào ác mộng?
Là lý tưởng đó ru? Khi những người con trai ngày nào ra đi đầu ngẩng cao lên đầy kiêu hãnh bởi Tổ quốc, kiêu hãnh bởi nòi giống, kiêu hãnh bởi chính con người tràn đầy sức sống của mình, giờ đây mặt cúi gầm ngượng ngùng đau khổ, ân hận đã trót mang trong mình giòng máu luân lưu của bao đời ông cha hủ lậu, phong kiến, thối nát, xấu xa.
Cái gì đã khiến cho con người vừa mới đây ra đi với một tấm lòng quả cảm, chính trực, không khuất phục trước kẻ thù, không sờn lòng trước gian nguy, mà giờ đây lại trở nên cuống quýt, khốn nạn tội nghiệp như những tên hề vô tài bất tướng, sử dụng những ngón nghề tiểu xảo để mong được yên thân, bịa đặt ra những tội lỗi tưởng tượng một cách vụng về để chứng tỏ lòng khẩn trương thành thực của mình.

.

Bản điều trần của Huỳnh

.

– Bao giờ anh đi trên ấy?
– Có lẽ tháng sau.
– Anh bị thương mới về còn yếu mà họ đã cử anh đi công tác ư? Anh liệu trong mình anh đấy, chứ đi đường núi mùa này vất vả lắm, mưa hoài, người còn yếu dầm mưa thật là không nên đâu.
Huỳnh nhếch môi:
– Không sao đâu anh, tôi chỉ e không làm kịp những việc phải làm mà thôi. Việc đi công tác là do tôi muốn đi, vì ngoài công việc và ghé thăm Trần bị đau, tôi còn phải hoàn tất một việc cần thiết. Đó là tôi sẽ xin tỉnh chuyển về trung ương cho tôi bản điều trần của tôi thỉnh cầu sửa đổi việc cải cách ruộng đất.
– Bản điều trần đó như thế nào? – Lương hỏi vẻ chăm chú và trong đôi mắt trầm tĩnh của anh thoáng qua một chút lo âu bất nhất.
– Trong những ngày nằm chờ vết thương kín miệng, tôi đã làm việc ngày đêm để hoàn thành bản điều trần đó. Tôi thấy thời gian quá gấp rút. Chắc anh cũng đã nghe nói đến vấn đề cải cách ruộng đất do trung ương chính phủ đề ra. Cán bộ ta ở các cấp đã học tập lâu nay, những ngày sắp tới sẽ có những đoàn cán bộ đi đến các địa phương sống chung với đồng bào để phát động phong trào này. Hẳn anh đã đọc qua những tài liệu về cuộc cách mạng về cải cách ruộng đất của Trung Hoa cùng những cảnh đầu rơi máu chảy kinh hồn của nó. Theo nguyên tắc thì cách mạng là phải có đầu rơi máu chảy, cấp lãnh đạo kháng chiến của ta đã đi theo công thức đó. Dù sao nhân dân Trung Hoa đã nếm trải kinh nghiệm ấy trước chúng ta, theo chỉ thị của Bắc Kinh, trung ương lãnh đạo kháng chiến của chúng ta đã bắt đầu thi hành chính sách ruộng đất rập theo khuôn mẫu của cách mạng Trung Hoa. Trong bản điều trần tôi muốn trình bày quan điểm của tôi về vấn đề này, tôi nghĩ rằng dù nó có không đi đến đâu nhưng tôi cũng đã gióng lên một tiếng vang nhỏ nhoi nào đó cho hết phận làm người của mình.
– Xin anh tóm tắt nội dung cho tôi nghe.
– Tôi muốn nói rằng vấn đề cải cách ruộng đất đã đề ra quá sớm đối với hiện tình đất nước của chúng ta. Ở Trung Hoa, người ta thực hiện cuộc cải cách ruộng đất trong khi xứ sở của họ đã có chủ quyền, chính phủ và nhân dân họ không phải lo việc chiến tranh chống ngoại bang. Họ rảnh tay đối phó với bên ngoài và dồn hết tiềm lực để thanh toán bên trong. Vì thế cho nên với một nước Trung Hoa rộng lớn và một dân số khổng lồ, cuộc cải cách ruộng đất của Trung Hoa tuy mang lại bao cảnh sinh linh đồ thán, nhưng không bị ảnh hưởng đến sự mất còn của Tổ quốc họ. Hiện trạng đất nước ta trái lại, chúng ta là một dân tộc nhược tiểu đang lâm vào một cuộc chiến tranh chống xâm lăng, chúng ta phải đánh nhau với một ngoại bang thuộc vào hàng cường quốc trên thế giới. Dân tộc ta đang trải qua một cuộc thử thách hiểm nghèo một còn một mất với kẻ thù bên ngoài. Dĩ nhiên mọi tiềm lực của nhân dân đều phải dồn về trọng tâm chống Pháp. Như vậy cuộc cải cách ruộng đất được đề ra trong giai đoạn này sẽ không tránh khỏi làm cho nhân tâm phân tán, tài sản của dân sẽ bị lụn bại trong cơn khủng hoảng của sự thay cũ đổi mới. Song song với cảnh tàn phá chết chóc của chiến tranh, cảnh đấu tố tiêu diệt giai cấp sẽ xảy ra và chúng ta phải mang thêm gánh nặng xương máu của cuộc đấu tranh tương tàn nồi da xáo thịt sẽ còn khủng khiếp gấp ngàn lần tai họa chiến tranh.
Sự diệt vong có thể thấy trước mắt vì đó. Một khi nhân tâm đã bị phân tán chia rẽ bởi giai cấp này giai cấp nọ tiêu diệt lẫn nhau, tình trạng đó gieo rắc khắp nơi sự nghi kỵ vu khống, thù ghét, oán hận do đó sự nhất tâm chống giặc cứu nước sẽ bị tan rã mau chóng. Ngoại bang sẽ nắm lấy cơ hội mà xâm nhập và chi phối nội tình của ta. Những bằng chứng trước mắt về sự rập khuôn theo những chính sách của Trung Hoa và Nga Sô để áp dụng trên mảnh đất nhỏ bé lầm than này cho ta thấy trước một hình thức đô hộ mới mẻ hơn, tân kỳ hơn, và cũng tàn khốc hơn nữa. Đó là sự đô hộ về tinh thần và ý thức hệ, ngàn lần kinh khủng hơn những hình thức đô hộ từ xưa đến nay nhiều. Nó tương tự như một cuộc bán linh hồn cho quỷ Satan.
Huỳnh đã ngừng nói, Lương vẫn còn nín lặng, anh nhíu mày, nhìn theo đàn kiến đen bò lên tường, làm thành một vệt đen dài ngoằn ngoèo xao động, làm như nhìn đàn kiến di động anh có thể tìm hiểu được đích xác cái gì mà anh linh cảm được trong khi nghe bạn nói. Huỳnh nhìn Lương, bắt gặp vẻ mặt tư lự suy nghĩ của bạn.
– Tôi biết anh nghĩ gì, có phải anh nghĩ rằng liệu người ta có cứu xét ý kiến của tôi không chứ gì?
Lương gật đầu, Huỳnh định nói nhưng Lương đưa tay ngăn lại:
– Không phải tôi chỉ nghĩ có thế mà thôi đâu. Tôi còn nghĩ rằng liệu anh có lường được hậu quả của việc làm này hay không? Anh có nghĩ đến thái độ của những cán bộ chính trị lãnh đạo cơ quan đối với anh từ lâu nay ra sao không? Chắc anh còn nhớ mới đây anh bị thương trong trận đánh họ đã không tìm kiếm anh và phao đồn là anh đã theo giặc. Tôi nghĩ rằng trung ương thì xa mà những kẻ đó thì gần. Anh là người ngoài Đảng, dù anh đang phục vụ trong bộ đội, dù anh xả thân cho cuộc chiến đấu này, nhưng trên bình diện tư tưởng và thành phần, người ta đã xếp anh vào loại giống như tôi hiện tại mà thôi. Anh có nghĩ đến tất cả mọi điều đó chưa? Dĩ nhiên tôi mong rằng anh hãy suy xét kỹ trước khi làm việc này.
Huỳnh gật đầu, trầm giọng:
– Tôi có nghĩ đến tất cả rồi anh ạ. Nhưng tôi không thể lùi bước được. Khi chúng ta đã đặt số phận của chúng ta vào cuộc kháng chiến này, khi chúng ta tìm đến để có mặt nơi đây, điều trước tiên chúng ta nghĩ đến và chấp nhận, đó là cái chết. Điều chúng ta không chấp nhận là sự thối lui chứ không phải là sự bước tới. Tôi đã thấy những gì trong cuộc kháng chiến này? Tôi đã thấy hàng ngàn người lính đã ngã xuống, tôi đã thấy họ sống dở chết dở trong những trạm cứu thương, tôi đã thấy những làng mạc bị san bằng, hàng ngàn thây thường dân vô tội, đàn bà trẻ con chồng chất lên nhau. Tất cả những cái đó không thể phút chốc biến thành vô nghĩa. Những hình ảnh đó mãi mãi nung nấu lòng tôi, lòng anh, và triệu triệu lòng người Việt Nam, nó biến sự đau khổ lên xương lên da khiến người ta không thể phản bội những người đã chết.
Huỳnh ngừng lại nhìn Lương, cái nhìn thâm trầm cảm mến:
– Có lẽ tôi cũng được như anh. Cái gì đã giữ anh ở lại đây, cái gì đã khiến anh rứt ruột xa lìa vợ con anh? Hẳn là không phải ở đây người ta ân cần tử tế với anh, anh với cái mác tiểu tư sản trí thức mà người ta đã xếp loại, còn hơn nữa, anh lại còn là địa chủ phú hào. Anh thừa biết tác dụng nguy hiểm của những danh từ đó ra sao. Chúng ta đang ở giữa một thời kỳ mà những danh từ đều có công dụng như những thanh mã tấu. Thế mà anh vẫn lưu lại đây, lạc loài, cô đơn, bất lực. Há rằng tôi không được bằng nửa tấm lòng dũng cảm đó của anh sao.

Nghe theo lời Trần, Huỳnh đã hoãn lại việc gởi về trung ương bản điều trần về việc cải cách ruộng đất. Theo Trần thì đề cập đến việc đó bây giờ chưa phải lúc. Riêng Đảng đã phát động chính sách này ở những vùng an toàn ngoài miền Bắc, hiện người ta đang rút tỉa dần dần những kinh nghiệm để nghiên cứu, soạn thảo, hoàn thành một chính sách chung. Ở những vùng có giặc chiếm người ta chưa thể nghĩ đến việc kiện toàn những biện pháp cải cách đó. Cho nên, cũng theo ý Trần, cần phải có thời gian theo dõi mọi diễn tiến về những sự việc này ở miền Bắc để nhận định những điều cần thiết cho bản điều trần được thêm phần chân xác, tránh những ngộ nhận đáng tiếc về sau.
Như vậy, cái việc đáng kể mà Huỳnh mong làm cho mảnh đất quê hương này vẫn chưa thực hiện, trong khi đó, càng ngày những người kháng chiến càng đi sâu vào tình trạng không lối thoát.
Do sự thanh lọc thành phần giai cấp, Đảng đã đặt ra phong trào biên chế. Những người bị xem như giai cấp tiểu tư sản, có tinh thần kháng chiến thuần túy chứ không thích hợp với không khí đảng phái đều thực sự bị loại trừ khỏi hàng ngũ kháng chiến, viện lẽ cần có người về tăng gia sản xuất ở hậu phương.
Hàng trăm người bị dồn vào đường cùng. Họ bỏ nhà ra đi những mong đem lại một ngày vẻ vang cho đất nước, vậy mà nay, quân giặc vẫn còn nghinh ngang trên xứ sở, mặt mũi nào họ trở về với gia đình để nói rằng Tổ quốc không còn cần đến tôi nữa. Chưa nói đến những thành tích chiến công của họ đã dứt hẳn lối về với gia đình của họ, phần đông đều ở quanh vùng địch chiếm. Có biết bao nhiêu người bơ vơ lạc lõng đi lang thang suốt miền nọ đến miền kia để cuối cùng đi vào những cái chết vô nghĩa đầy rẫy trong chiến tranh hoặc chấp nhận những cuộc sống thừa tàn tạ chứa chất uất nghẹn và đau thương của những chí trai không thỏa.
Cũng trong mùa đông này số người đi kháng chiến bỏ súng trở về vùng giặc chiếm càng ngày càng tăng thêm. Huỳnh chứng kiến biết bao bạn bè đã tìm đường trở về thành phố Huế, trong đó có những con người trước đây tràn đầy kiêu căng khí phách. Do đâu mà họ đã chấp nhận sự ô nhục của một cuộc đầu hàng? Tuy Huỳnh hiểu rõ hơn ai hết, rằng phần đông không phải là họ đầu hàng giặc, mà là đầu hàng số phận, số phận đau đớn mỉa mai của đất nước, mà cũng chính là bản thân của họ. Thế nhưng lòng Huỳnh vẫn không khỏi tê tái khi sớm mai thức dậy được tin một đồng đội đã từng nằm sương gối đất với mình, cùng chia nhau từng nắm cơm gạo hẩm, cùng vui cười bên nhau giữa mưa nắng đường trường, đã rời bỏ hàng ngũ để trở về bên kia vùng địch chiếm. Con chim đã lìa bỏ bầy, bỏ bạn để bay đến một nơi không còn lẽ sống, cánh chim buông xuôi cho một kiếp lưu đày. Họ bị lưu đày chính trên quê hương của họ.
Kể từ nay, họ trở thành kẻ bơ vơ, không còn lý tưởng, không có niềm tin. Họ bị kể như những kẻ phản bội, những tên Việt gian khốn nạn dưới cái nhìn thông thường của người đời.
Huỳnh buồn rầu nghĩ đến những thân phận đen tối ràng buộc với vận mệnh không may của xứ sở này. Có lúc anh bàng hoàng tự hỏi tại sao mình lại ở đây để làm gì, có ích gì cho ai đâu, nhưng cuối cùng rồi Huỳnh cũng chọn lựa sự ở lại, ở lại cho đến cùng, dù ở lại chỉ để nhìn quê hương dần dần biến dạng, dù ở lại cũng không hơn gì những kẻ đã ra đi về bên kia, cam chịu một cuộc đầu hàng.

Huỳnh đã bị bắt đưa vào Trung tâm Cải hối Tây Hạ và bị tra tấn dã man sau khi đệ trình bản điều trần về chính sách cải cách ruộng đất lên cơ quan hữu quyền xin chuyển về cấp lãnh đạo trung ương. Khi nghe tin Huỳnh bị bắt, Trần lập tức tìm đến những đồng chí chỉ huy cao cấp có thẩm quyền để phản đối việc bắt giữ Huỳnh và xin trả lại tự do cho Huỳnh. Đề nghị của chàng bị từ chối, chàng được giải đáp cách dung dị rằng với bản điều trần đó, Huỳnh đã công khai chống lại đường lối của Đảng, thêm vào đó những bài thơ của Huỳnh đã gây xáo trộn tinh thần trong hàng ngũ bộ đội kháng chiến rất nhiều, rằng những hành động đó được xem như phản động, được tạo nên bởi một nguyên động lực nào đó người ta đang còn tìm hiểu. Có thể là do kẻ thù thúc đẩy, cũng có thể là do tinh thần hèn nhát khiếp nhược của đương sự, và để biết rõ căn do, người ta đã giao Huỳnh cho cơ quan chuyên môn để điều tra cho được rõ ràng.
Về thái độ phản đối và phẫn nộ của Trần, những đồng chí cao cấp khuyến cáo chàng không nên đặt tình cảm riêng tư lên trên đại cuộc và chính nghĩa.
Tiếp đó Đảng đề ra một cuộc học tập tại cơ quan Huỳnh để giải thích về việc tại sao bắt giữ và loại trừ Huỳnh ra khỏi hàng ngũ bộ đội kháng chiến. Trong những buổi học tập đó, những người có thiện cảm và hiểu biết Huỳnh đều im lìm thất sắc, không hề dám lên tiếng. Hoàng, Bửu, Hồ, Phong, không ai nói với ai, đều có cảm giác sợ hãi rùng rợn vô cùng. Từ đây họ đã hiểu rõ thêm con đường họ đang đi sẽ mở ra cho họ những ngõ ngách ranh giới nào. Trong nỗi hoang mang cùng cực đó, họ xòe rộng bàn tay, cúi tìm trên đó chút số phận của mình.
Dù là một đảng viên được ưu đãi, Trần cũng không thoát ra ngoài tâm trạng đó. Chàng không xin gặp Huỳnh vì chàng thừa biết sẽ bị từ chối. Chàng đau xót nhớ lại gần đây sức khỏe của Huỳnh càng ngày càng sa sút, bệnh tim làm cho tính tình anh càng thêm gắt gỏng, thêm vào đó những nỗi ưu tư phiền muộn khiến anh càng ngày càng thêm xơ xác. Vốn đã xuề xoà không hề chú ý đến phục sức bề ngoài, gần đây Huỳnh lại càng tệ hơn nữa, anh chẳng hề tắm rửa, thậm chí có những ngày anh không thiết rửa mặt đánh răng, râu tóc phủ kín cả mặt mày, áo quần đầy cáu ghét dơ bẩn. Trần cằn nhằn thì Huỳnh nói:
– Mày tính sống giữa thời buổi này, ở sạch làm gì cho uổng, phải ở bẩn mới hòa mình được với thứ người ngợm xung quanh chứ.
Trần đã đau khổ nên chàng hiểu và thương bạn vô cùng.

(Còn tiếp)
.
Nguyên Lạc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn