BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72638)
(Xem: 62055)
(Xem: 39154)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc lại “Cõi Đá Vàng” của Nguyễn Thị Thanh Sâm (kỳ 1)

15 Tháng Sáu 20227:22 SA(Xem: 856)
Đọc lại “Cõi Đá Vàng” của Nguyễn Thị Thanh Sâm (kỳ 1)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Lời vào bài
.

Cõi Đá Vàng của Nguyễn Thị Thanh Sâm do nhà xuất bản An Tiêm miền Nam VNCH ấn hành lần thứ nhất tại Saigon tháng 9 năm 1971. Tôi là fan của An Tiêm nên vội vàng mua 1 quyển dù thật sự chưa biết đến tên tác giả nữ này.

Thật không ngờ tác phẩm lôi cuốn tôi, một tuần đọc say mê đọc. Đối với tôi nó rất tuyệt vời, đọc mà thấy lòng mình “sao ấy”.

Tuy nhiên, có điều lạ lùng này: Không nghe không thấy một lời giới thiệu hoặc ca ngợi bởi những ngòi bút phê bình điểm sách ở thủ đô Sài Gòn thời bấy giờ. Cuốn sách ra đời im hơi lặng tiếng. Sao vậy? Có điều gì ẩn khuất phía sau sự việc này? Điều này đã làm tôi bâng khuâng lẫn nghi ngờ các nhà phê bình thời đó. Phe nhóm? Vùng miền? Tiền bạc? Chính Trị?

Hơn 40 năm mất dấu, “Cõi Đá Vàng” của Nguyễn Thị Thanh Sâm được tái bản lại tháng 4 năm 2012, Thư Quán Bản Thảo số 51 của Trần Hoài Thư. Tìm đọc lại tôi thấy lòng mình vẫn “sao ấy” như thời trẻ. Hay nói đúng ra, lòng thâm trầm hơn, thấy sách hay hơn, thấm hơn khi đọc hồi trẻ. Sau bao chuyển biến, bao đắng cay của cuộc đời đọc lại sách thấy quá đúng: Trong chế độ Cộng Sản, lòng chân thật và niềm hạnh phúc chỉ tìm gặp nơi “Cõi Đá Vàng”. Nhà văn Trần Thị Nguyệt Mai nói rất đúng: “Nội dung chuyển tải nặng về phần chính trị nhưng lại là một cuốn sách với văn chương rất đẹp và thấm đẫm tính nhân văn”. Cám ơn tác giả Nguyễn Thị Thanh Sâm rất nhiều.

Nguyễn Thị Thanh Sâm
(Tác giả Nguyễn Thị Thanh Sâm)

.
Trong lúc rảnh rổi cuối đời, tôi đọc lại tác phẩm tuyệt vời này và mong chia sẻ đến các bạn nào chưa có dịp đọc. Tác phẩm tương đối dài, 358 trang, để tiết kiệm thời gian cho các bạn bận rộn, tôi sẽ tóm lược tình tiết chánh của quyển sách tuyệt vời này. Các bạn nào thích đọc toàn tập xin liên lạc với TQBT Trần Hoài Thư.

Trước khi vào bài tôi có lời thưa trước: Các đoạn văn dưới đây đều được trích từ tiểu thuyết Cõi Đá Vàng của Nguyễn Thị Thanh Sâm, Thư Quán Bản Thảo tái bản; tôi chỉ bỏ công sắp xếp lại, tóm lược ý chánh cho các bạn không có thời gian đọc toàn tập hiểu được điều mà sách muốn gởi gắm
Tiểu thuyết Cõi Đá Vàng, trọng tâm xoáy vào hai nhân vật chánh là Nguyễn Trần và Phạm Huỳnh, hai người bạn tri kỷ và cũng là hai thanh niên yêu nước, sống có lý tưởng, yêu văn chương, tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, đi theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp, nhưng gia đình thuộc thành phần tiểu tư sản. Trần là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Quân Đội Nhân Dân, đảng viên đảng Cộng sản; còn Huỳnh chỉ là một quần chúng. Tôi sẽ lần lượt giới thiệu từng người.

.

Giới thiệu Trần và Huỳnh

.

Trần:
“Tuổi hai mươi của tôi trôi qua như thế, như trong nôi hồng, uể oải nhịp bình yên, một tuổi trẻ nâng niu vàng óng, một giấc mơ chợt thấy mình hóa thành thi sĩ, tôi đã viết một bài thơ hay nhiều bài thơ, không còn nhớ rõ, những bài thơ cho nàng, chưa một lần biết tên, chưa một lời thăm hỏi, những bài thơ cho giòng sông, cho thành phố tôi yêu.
Bây giờ tất cả đã xa rồi. Tôi hai mươi ba tuổi, tôi nhìn lại chàng trai hai mươi ngày đó với cái nhìn khoan dung của người anh phong trần sương gió, tôi ngoái lại giòng sông, thành phố cũ trong viễn vọng ưu ái xót xa.
Bây giờ tôi ở đây, giữa miền đồi núi này, bỏ lại sau lưng thành phố thân yêu dưới gót xâm lăng của giặc Pháp, tôi đã ra đi, một sớm một chiều không còn nhớ rõ. Ở đây tôi hiện hữu giữa một không khí nồng say, giấc mơ của tôi còn đó, thế hệ của tôi đang có diễm phúc ôm tròn lý tưởng trong tay, lý tưởng sống chết giành lại đất đai quê hương này. Những kẻ ôm mộng xâm lăng phải mở mắt ra, phải hiểu rằng có tôi trong cuộc chiến, có tôi trong triệu triệu tuổi trẻ sẵn sàng chết cho xứ sở đau thương này.”

Trần gia nhập đảng Cộng sản với tất cả tấm lòng nhiệt thành đam mê lý tưởng, một lý tưởng chân xác vươn đến sự toàn bích của loài người. Lý tưởng đó mở ra cho chàng thấy một tương lai huy hoàng, ở đó con người không còn đói khổ, không còn những kiếp sống đọa đầy. Ở đó con người thảnh thơi cả tâm hồn lẫn thể xác, tự do như gió bay khắp đất trời, ở đó mọi người thương yêu nhau, tôn trọng lẫn nhau.

Huỳnh:
“Trần chợt nghĩ đến Huỳnh, người bạn văn thân thiết nhất của chàng và thầm tiếc không có bạn ở đây với mình bây giờ, chàng chậc lưỡi, ừ nếu có hắn thì mới thật là tuyệt, cả hai đứa sẽ làm đủ mọi chuyện điên khùng vì nỗi vui được chia sớt, hai đứa sẽ chạy nhảy, sẽ vật nhau cho đến mệt nhoài, thơ sẽ được ngâm vang lên, và một ngày sẽ bắt đầu như ngày hội.
Chàng ngẫm nghĩ về Huỳnh trong khi trở gót quay trở lại nhà, cái thằng ở bẩn thật hết chỗ chê, và tính nết khó chịu đến không ai chịu nổi, Huỳnh luôn luôn mang một tâm trạng dằn vặt, ray rứt buồn phiền, hắn lầm lì cay đắng với cả mọi người, thế nhưng mỗi khi hai đứa gặp nhau, có dịp công tác hoặc đi chơi chỉ riêng hai thằng với nhau thì hắn như biến thành một người khác, hắn ngoan ngoãn như trẻ thơ, nụ cười chiếu sáng khuôn mặt xanh xao bẩn thỉu lởm chởm những râu và tóc, hắn lặng yên nghe Trần kể lể một cách nồng nàn về đời sống và bất chợt đôi lúc hắn cũng lây cơn cuồng say tuổi trẻ của Trần. Hắn bảo Trần: “Hãy cứ được như thế, và mong mày đừng khốn khổ như tao.”
Tuy bề ngoài Huỳnh đối với bạn thật trầm tĩnh, lối cư xử mạnh mẽ cứng cỏi của tình bạn trai nhưng trong thâm tâm Huỳnh vẫn dành cho Trần một tình cảm nâng niu gìn giữ, Huỳnh muốn cho những ảo tưởng tuyệt vời của tuổi trẻ giữ cho bạn anh nghị lực cần thiết để vượt qua bước khó khăn này. Anh càng thương yêu lo lắng cho bạn nhiều hơn nữa khi anh nhìn lại tâm trạng rách nát của mình. Còn có gì nữa đâu, đến đây anh đã trắng tay rồi, nào chí bình sinh, nào tiền đồ dân tộc, giơ tay lên mà đếm, biết khóc cười chưa được ba mươi năm, cuộc sống này anh trót nhìn quá rõ, trót biết quá nhiều, biết để ê chề đau đớn, thấy mình vô duyên như một gái điếm về chiều. Anh còn có mặt nơi đây chỉ do chút lòng kiêu hãnh với chính mình, những cuộc xông pha nguy hiểm không còn mang ý nghĩa tốt đẹp của phụng sự, dâng hiến nữa, mà là một chứng tỏ với chính mình để thấy mình hiện hữu, để xoa dịu đau thương chất ngất.

Chị Hiếu:
Ngoài hai nhân vật trên, cũng cần nói về chị Hiếu, liên hệ mật thiết với Trần:
“Có tiếng động trong nhà, tiếng chân người di chuyển xuống bếp, Trần nghĩ chắc chị Hiếu đã dậy lo buổi sáng cho hai con nhỏ của chị, khuôn mặt người đàn bà không nhan sắc, buồn bã với những nét mờ nhạt hiện ra trong trí chàng.
Ừ, kể cả người đàn bà này nữa, và hai đứa con của chị ta, sự hiện diện của họ trong vùng đồi núi miền chiến khu này cũng thật lạ lùng. Chồng chị đã chết ở Huế trong những ngày đầu tiếng súng nổ giữa quân Pháp và những người kháng chiến, người ta thấy sự có mặt của chị và hai con nhỏ như một ngẫu nhiên từ khi chiến khu này thành lập. Chị dựng căn nhà nhỏ này ở đây buôn bán ngược xuôi về đồng bằng, có khi vào tận thành phố Huế là nơi đang thuộc chủ quyền của người Pháp để mua hàng hóa thuốc men về bán cho những người kháng chiến. Chị còn nhận công tác liên lạc với những cơ sở bí mật của kháng chiến ở nội thành, nhờ đó chị có đủ mọi giấy tờ cần thiết để ra vào đất địch dễ dàng. Hai đứa con chị còn nhỏ chừng năm sáu tuổi, thơ thẩn ở nhà chơi với nhau suốt ngày chờ mẹ về mỗi buổi chiều.
Ngày cơ quan của chàng về trú tại vùng này, người ta chia ra từng nhóm hai ba người đến ở trọ các nhà dân chúng. Trần là chủ nhiệm tờ báo của quân đội kháng chiến, chàng được chỉ định đến ở nhà của chị Hiếu vì căn nhà của chị khang trang, biệt lập bên một triền núi, rất thuận tiện cho sự viết lách cùng mọi hoạt động biên tập của nhóm chàng. Chàng thấy đời sống của chị Hiếu và hai con chị ở miền chiến khu đầy bất trắc này thật phi lý, cuộc chiến giành lại quê hương này cần những người trẻ tuổi và không bận bịu như chàng, chị Hiếu chỉ là một người đàn bà buôn bán nuôi con qua ngày, lo cho hai đứa con cho đến khôn lớn cũng đủ cơ cực rồi, chị đâu cần có mặt nơi đây để chịu đựng lam sơn chướng khí, những chuyến đi mua hàng gian nan nguy hiểm, ngang qua đồn bót của Tây, những chuyến trèo đèo vượt suối, bọc hàng nặng trĩu trên vai, quá sức của một người đàn bà yếu đuối. Trần nhớ khuôn mặt xanh xao của chị mỗi chiều tối mang cây đèn thắp sáng đặt trên bàn viết của chàng, khuôn mặt còn in nét nhọc nhằn cam khổ như dấu hiệu hẩm hiu của người đàn bà không nhan sắc, không được che chở trong cuộc đời. Điều bất hạnh nhất cho chị là đôi mắt lé quá nặng nề của chị, nó làm biến đổi hẳn nét mặt lẽ ra cũng không đến nỗi nào. Hồi mới đến Trần không dám nhìn thẳng vào mắt chị mỗi khi có điều cần hỏi, Trần sợ chị ngượng nhưng lâu dần vẻ hiền hòa dịu dàng của chị, nét buồn rầu cam phận như cái bóng nhạt nhòa khiến chàng không nghĩ gì nữa. Có lần chàng hỏi chị sao không đưa những đứa bé về xuôi sống một cuộc đời dễ chịu bình yên hơn, chàng nói rằng không ai trách cứ gì chị khi chị cũng đã hiến cho Tổ quốc người chồng thân yêu của chị, không ai đòi hỏi sự góp phần của người đàn bà yếu đuối phải cưu mang hai đứa trẻ mồ côi. Chị cười buồn nói: “Chỗ của mẹ con tôi là ở đây chú ạ, có lần tôi cũng nghĩ như chú nhưng tôi không thể bỏ lỡ dịp cho các con tôi được trông thấy và lớn lên trong cuộc kháng chiến này.”
Câu nói khiến Trần bàng hoàng nhìn kỹ chị, nét mặt của người đàn bà ngoài ba mươi tuổi dầu dãi nắng mưa vẫn bình dị yên tĩnh. Trần kinh ngạc quay đi, cảm thấy giận mình vô cớ”.
.

Câu chuyện bắt đầu

.

Vừa ở ban chỉ huy trở ra, Quý đón chàng, với vẻ mặt hiếu kỳ:
– Còn sớm mà anh, anh em mình hãy đi xem xử tử Việt gian cái đã rồi hẳn đi nghe anh.
Trần hỏi: “Xử tử Việt gian? Việt gian nào? Ở đâu?”
– Phía bên kia cánh rừng gần ty Công an Tỉnh ấy mà, cũng ở ngay trên con đường mình sắp đi qua đây thôi. Em thấy người ta vừa giải mụ ấy đi ngang qua đây trong khi em chờ anh ngoài này, hoài của, người trông khá đẹp, vậy mà làm gián điệp cho Tây, gớm thật.
– Một người đàn bà à?
– Vâng, một mụ đàn bà, trẻ lắm anh ạ, em hỏi thằng Sinh liên lạc bên công an thì nó bảo rằng ta bắt được mụ ấy ở Kim Luông chiều hôm kia, mụ ấy lấy Tây anh ạ, nghe đâu thằng Tây chồng của mụ ấy là quan tư quan năm gì đó ở Huế, khi bị bắt mụ ấy khai là về Kim Luông thăm nhà và giỗ mẹ. Thằng Sinh nó bảo lấy chồng Tây là Việt gian chính cống rồi, ngữ ấy còn giả vờ đi vớ vẩn để lấy tin tức của ta mà cung cấp cho Tây chứ đã đi lấy Tây thì còn biết cha ông gì nữa mà về thăm. Nó nói bên công an quyết định sáng nay mang ra xử bắn cho rảnh, kẻo lỡ có máy bay bắn, mụ thoát được lại chỉ điểm cơ sở mình cho giặc thì khốn. Cuộc xử chỉ có mấy người bên công an chứng kiến thôi, thằng Sinh nó bảo muốn xem thì anh em mình cứ lại, quen cả mà.
Trần lẩm bẩm: “Lấy Tây, làm Việt gian, hừ.”
Chàng bước đi, vừa suy nghĩ. Quý bước theo, kèo nài: “Mình đến xem thử, anh nhé, em chưa hề xem xử tử Việt gian.”
Trần bảo muốn xem thì xem, trong khi mặt cúi xuống, chàng lầm lì bước, chàng không lạ gì những chuyện như thế, xảy ra hằng ngày như cơm bữa, giữa một không khí chiến tranh còn mới mẻ, người ta không thể phân biệt nổi ai thù ai bạn, người ta chém giết nhau hằng ngày, say cuồng trong sự chém giết, chỉ cần một danh từ, Việt gian, thế là đủ rồi, những lập luận buộc tội rất mơ hồ, nhiều khi thậm vô lý, và không cần bằng cớ. Những thù oán, tỵ hiềm riêng tư cũng dựa vào đó để thanh toán nhau nhân buổi loạn ly này. Trong những làng mạc, sau những lũy tre, đời sống thật vô cùng bấp bênh, sau một đêm đen, người ta thấy đó đây vài xác chết được gắn lên một bản án viết tay lem luốc, vài cái đầu lâu treo lủng lẳng trên những ngọn tre.
Bây giờ, trên đường đi của chàng, chàng sắp xem một cuộc xử tử Việt gian. Việt gian, tiếng để chỉ một kẻ thù từ trong da trong thịt, để xem một người đàn bà có cái tội là đã lấy Tây, mà lấy Tây tức là không nghĩ gì đến cha ông tức là phản quốc, giản dị là như thế trên môi Quý hồn nhiên kể lại, mà sao chàng bỗng thấy bước chân nặng nhọc, một áng mây đen vô hình phủ trùm lên buổi sáng thắm tươi rực rỡ này. Chàng đã từng thấy bao nhiêu là xác chết trên bãi chiến trường, xác chết của bạn, của thù, chàng đã sờ mó, bồng ẵm, vuốt mắt cho họ, lòng chàng buồn bã, ngao ngán, tràn ngập cảm thương số phận con người, cả thù lẫn bạn; chàng không hề sợ hãi, chàng rút tỉa trên khuôn mặt của những xác chết, hình ảnh trung thực của cuộc đời
Nhưng giờ đây trên đường đi, chàng sắp chứng kiến một cái chết, nếu những cái chết đều giống nhau thì tại sao lòng chàng trĩu nặng, chàng có thể bỏ đi để không nhìn thấy, song le tự đáy tâm hồn có một tiếng nói nghiêm trang cất lên:
“Mày không được hèn nhát, đã có gì đủ để chứng tỏ con người của mày đâu; sự dũng cảm quên mình trước súng đạn, những đói khát gian lao nguy hiểm mà mày thường tự hào, có thấm gì đâu? Mày không thể viện dẫn những cái đó ra để lẩn trốn điều mày phải thấy được. Mày phải nhìn tận mắt những vấn đề mày cho là không phải của mày, rồi mày sẽ thấy, nếu mày không muốn thấy mày chỉ là một thằng hèn, một thằng khoác lác.”…

Quý được khuyến khích bởi vẻ dịu dàng bất chợt của Trần, nó kể tiếp:
– Anh ạ, thằng Sinh nó còn kể rằng ông Bé ở bên ty Công an vừa khoe với nó ba mũi tên tẩm thuốc độc của người thiểu số, nghe đâu loại thuốc độc ấy người thiểu số họ chế bằng một thứ nhựa cây gì, chất độc mạnh lắm, chỉ cần bắn một mũi là cọp hay voi gì cũng lăn ra ngay, ông Bé xin được ba mũi tên thích lắm mà chưa có dịp bắn được con thú gì để thử, cho nên bữa nay ông ấy lãnh phần xử Việt gian để bắn thử mũi tên tẩm độc xem có hiệu nghiệm không, em có thấy ông ấy có cái nỏ mọi lên nước màu mun đen bóng đẹp lắm, thằng Sinh nó còn bảo…

Một tiếng thét lồng lộng nổi lên xuyên ngang sự u tịch của khu rừng, đập vào thái dương của Trần và Quý, hai người cùng khựng lại, không ai bảo ai họ cùng đi nhanh về phía có tiếng thét, cùng lúc ấy tiếng kêu lại nổi lên thất thanh:
– Cứu tôi với, trời ơi, cứu tôi với.
Tiếp theo là tiếng rên rỉ tuyệt vọng, tiếng của một người con gái. Trần vạch lá, bước vào một khoảng trống, từ hướng chàng đến, chàng có thể nhìn suốt được quang cảnh lúc đó. Người con gái bị trói quặt vào một thân cây, chiếc áo cánh trắng bị xé toạc để lộ từ ngực suốt xuống bụng, hai mũi tên ghim sâu vào bộ ngực căng phồng trắng muốt, khoảng da nơi mũi tên cắm vào loang ra một vòng tròn xanh thẫm, những thớ thịt rung lên từng hồi cùng tiếng kêu cứu không dứt của người con gái, miệng nàng đã sủi bọt, hai mắt bị bịt kín bằng một mảnh vải đen, tóc tai rũ rượi, nàng cố vặn người vùng vẫy một cách tuyệt vọng.
Vút, một mũi tên thứ ba bay đến cắm phập vào ngực bên trái của nạn nhân, tiếng kêu cứu lại nổi lên nhưng lần này yếu ớt hơn, rền rĩ ai oán không dứt. Một tiếng nói bực tức ra lệnh:
– Làm mụ ấy im đi cho rồi.
Một người xăm xăm bước tới, kê súng lục kề thái dương nạn nhân bấm cò, tiếng nổ giòn khô khan, nạn nhân gục xuống, một cái giật nhẹ toàn thân rồi bất động, tiếng kêu tắt hẳn.
Mọi việc xảy ra như chớp nhoáng, Trần đứng sững cảm thấy gần như tê liệt. Một người đàn ông đứng tuổi nước da mai mái, nét mặt cằn cỗi lạnh lùng, tay xách chiếc nỏ của người miền núi, tiến về phía nạn nhân theo sau là một đám đông độ mươi người, người đứng tuổi cúi xuống xác chết, bây giờ đã được mở trói đặt nằm dài trên đất, người ấy đưa tay nhổ một mũi tên trên ngực nạn nhân, một giòng máu đen ứa ra từ vết thương đen sẫm chảy dài dọc theo vết trũng giữa ngực, vòng theo đường tròn dưới vú trắng ngời như một con rắn nhỏ đang bò đi. Trong đám đông một vài người bất giác lùi lại, người đàn ông đứng tuổi đứng thẳng người, thản nhiên nhíu mày xem xét mũi tên:
– Quái lạ, tụi nó đã cam đoan với tao là thứ tên này độc lắm, chỉ một mũi là chết ngay tức khắc, vậy mà bắn luôn cả ba mũi con mụ vẫn gào thét luôn miệng, thật vô lý. Để tao mang vào hỏi lại mấy thằng thiểu số này mới được. Tao phải đổi cho chúng nó cả gùi gạo và muối nữa chứ phải ít đâu.
Có tiếng xuýt xoa: “Anh bắn cừ quá, ba phát chẳng chệch phát nào.”
Câu nói rơi vào khoảng không, một sự yên lặng nặng nề bao trùm tất cả. Người đứng tuổi hất hàm:
– Thôi coi chôn nó đi, còn về làm chuyện khác.
Y quay lưng đi thẳng, những người khác một số đi theo y, một số đứng lại bàn tán rải rác quanh xác chết. Trần chậm chậm bước lại gần, người ta đã nhổ hai mũi tên còn lại trên ngực người chết, kéo áo phủ lại phần thân thể lõa lồ và tháo miếng vải đen bịt mắt ra. Hai mắt người chết mở to, vẻ kinh hoàng đau đớn đến cùng cực, nước mắt còn hoen ố trên làn da mặt trắng xanh, miệng há ra giữa một tiếng kêu bị tắt nghẹn, bọt trắng xóa pha lẫn máu đùn ra hai bên mép, tóc hai bên thái dương bết máu rối bời. Người con gái còn trẻ lắm, độ mười tám hai mươi là cùng. Trần cúi xuống, trong một cử chỉ gần như vô thức chàng đưa tay lên vuốt mắt kẻ xấu số, đôi mắt theo tay chàng khép kín, Trần bỗng thấy tim mình thắt lại, ruột gan cồn cào như lửa đốt, chàng đứng lên quay gót bỏ đi nhanh như chạy trốn khỏi nơi đó.
.

Sóng ngầm

Tiếng Huỳnh cười khẽ trong bóng tối:
– Mày thì có cái gì mà không lạ. Thôi hãy nói tao nghe ngày mai mày về Mặt trận bộ có việc gì mà trông bộ dạng mày khiếp thế?
Trần trở nghiêng mình về phía Huỳnh, tiếng chiếc gối mây kêu cót két:
– À còn chuyện đó, trên ấy họ muốn gọi mình về nói chuyện cho vui đó thôi.
Giọng Trần trở nên chua chát:
– Đảng nhận thấy đầu óc tao gần đây đâm ra lệch lạc nên gọi về cạo gọt cho nó bớt u mê đi, mấy thằng ở tỉnh nó bảo tao nghệ sĩ lông bông lâu quá rồi cần phải cho tao vào khuôn vào phép thì vừa.
– Láo thế, chuyện xảy ra thế nào?
– Lần trước tao đi tìm mày để nói chuyện đó với mày nhưng mày bị thương, không thể nói chuyện với mày lúc đó được. Tao trở lại trên đó, khi ngang qua cánh rừng chỗ nàng bị hành quyết, tao không cưỡng lại được ý muốn tạt vào thăm mộ nàng, tao thấy…
Huỳnh điềm tĩnh ngắt lời Trần:
– Hãy kể lại từ đầu.
– Ừ nhỉ, Trần bật cười, chuyện như thế này…
Bằng một giọng đều đều, Trần kể lại chuyện người con gái bị giết hôm nào trong khu rừng già. Kể xong, chàng nằm lặng yên một lúc lâu, Huỳnh cũng nín lặng như anh chờ đợi Trần nói thêm điều gì. Sau cùng Huỳnh cất tiếng hỏi:
– Chỉ thế thôi ư?
Trần vùng dậy:
– Này, tao nói thật, không phải là từ trước tao không hề biết đến những chuyện tương tự như vậy, có những sự thật tồi tệ hơn nữa, người ta có thể giết lầm, giết oan, thủ tiêu hàng loạt người vô tội, tao vẫn biết là không thể tránh được, chiến tranh mà, nhưng chuyện này đặt tao trước một vấn đề khác.
– Và vấn đề khác đó đã làm cho mày la hoảng lên, phải không?
– La hoảng à, cũng gần như thế, để tao nói hết, buổi chiều hôm ấy đi công tác về ngang qua đó, tao cảm thấy có một sức thu hút khiến tao phải ghé lại. Họ chôn nàng ngay dưới gốc cây chỗ nàng bị hành quyết, tao đến, buổi chiều còn nắng, cái mộ được bóng cây che rợp, đất ẩm ướt xông lên mùi nồng ngai ngái, một chiếc nón trắng lăn lóc ở bụi cây gần đó, tao nhặt lên xem, đó là một cái nón bài thơ cột dải lụa màu hồng. Tao đặt cái nón ngay ngắn trên nấm mộ rồi quay đi.
Tao không dám nhìn lại, tao có cảm tưởng như có một đôi mắt sợ hãi tuyệt vọng đang ngó theo tao…
Huỳnh cười chế diễu Trần với một giọng thân ái:
– Mày kể cứ như đi thăm mộ người yêu ấy thôi.
– Đêm hôm đó tao thức trắng đêm, tao viết một bài tường thuật về cuộc hành quyết với những chi tiết của nó, tao tả rất rõ ràng về những mũi tên tẩm độc, tao gài nó vào câu chuyện bên lề chiến dịch. Mày cứ tin đi, tao quyết làm cho tất cả đều phải nổi da gà.
Tiếng Huỳnh thở hắt ra:
– Và việc phải đến đã đến, phải không mày?
– Ừ, đúng thế, bài tường thuật đã gây xôn xao kinh khủng, một sự xáo trộn tâm lý chưa từng thấy, nhất là bọn trẻ, chúng nó đi tìm, viết thư cho tao, một thằng Vệ Quốc quân cho tao biết rằng nó đã nghẹt thở, muốn ngất đi khi đọc bài tường thuật, tất cả đều chú ý tới mũi tên tẩm thuốc độc, có đứa lại viết cho tao một cái thư dài phân tích tỉ mỉ về chất độc trên những mũi tên, thằng đó nó lại còn nói thêm rằng nó hiểu biết khá nhiều về những loại thuốc độc của người miền núi dùng để tẩm vào nhưng mũi tên để giết thú rừng. Đích thị là điều tao muốn nói đó.
– Tao biết, và tao cũng nghĩ rằng sau đó người ta cũng có nhiều chuyện muốn nói với mày?
– Dĩ nhiên, tao đã biết trước, đâu phải tao không lường được những việc tao làm, tao chỉ chờ có thế, tao cần có cơ hội để đặt lại vấn đề với Đảng; chúng ta không chiến đấu hăng say trong khi những vấn đề nhân bản không được tôn trọng. Tổ quốc cũng chỉ hình thành bởi con người mà thôi. Phần tao, ngay sau khi chứng kiến chuyện đó, tao biết rõ một điều là tao có thể phủ nhận tất cả để chỉ giữ lại có con người mà thôi.
– Thế Đảng có đồng ý với mày không? – giọng Huỳnh êm ái kéo dài.
Trần nghiến răng, chàng đứng dậy đi lại dằn dọc trong căn phòng:
– Tao biết mày đã nghĩ gì, đúng như mày nghĩ đó, Đảng bộ họp, mấy thằng ủy viên bên tỉnh chúng nó tấn công tao, chúng nó nêu vấn đề lập trường, chúng nó bảo tao càng ngày càng đi xa lập trường của Đảng, tao nói một cách rõ ràng rằng tôi là một đảng viên và tôi luôn luôn làm mọi cách để phụng sự Đảng, Đảng vĩ đại và sáng suốt đã trưởng thành trong đấu tranh gian khổ của toàn dân, cho nên mọi hành động bưng bít không dám sửa chữa những sai lầm đều không xứng đáng với sứ mạng cao cả của Đảng. Tôi là người cầm viết, tôi biết rõ trọng trách của tôi, trọng trách của tôi là nói lên sự thật, là làm sáng tỏ những gì mà những người khác không thể nói hoặc không dám nói.
Huỳnh nói giọng phiền muộn:
– Mày đã nói như thế à, như thế là sự việc trở nên trầm trọng rồi đấy.
– Tao vẫn tiếp tục trình bày quan điểm của tao. – Trần cao giọng, rõ ràng khúc chiết như chàng đang có sẵn trước mặt một đám cử tọa đang chăm chú nghe chàng. – Tao nói rằng chính những mũi tên tẩm thuốc độc đã phản cách mạng, nếu tôi không nêu lên để chận đứng những gì tương tự tức là tôi đã thỏa hiệp với những mũi tên tẩm thuốc độc để làm thui chột cách mạng; chất độc sẽ thấm và loang dần, sẽ làm hoen ố mọi ý nghĩa thiêng liêng của cuộc chiến đấu của quân dân ta. Những mũi tên tẩm độc sẽ đi xuyên qua chính nghĩa của Đảng ta, một chính nghĩa bảo vệ cho những con người cùng khốn nhất. Chúng ta có Đảng như có mẹ hiền, vì Đảng mà chúng ta biết yêu thương nhau mà tôn trọng con người. Vì Đảng chúng ta sống chết cho quê hương và quảng đại quần chúng trông cậy vào ta.
Tôi hiểu rằng trong hoàn cảnh chiến tranh ta có thể thông qua một số vấn đề không phải là không quan hệ vì nó chà đạp lên số phận của con người, những con người trên xứ sở này vốn đã khốn khổ từ lâu. Điều cụ thể là ta không thể xác nhận tội trạng của cô gái đã bị công an ta hành quyết trong khi cô ta chỉ có một tội là đã lấy Tây và đã về quê giỗ mẹ để phải sa vào bàn tay bắt bớ của ta trong tình trạng chiến tranh này. Ta không có bằng chứng nào để quyết đoán rằng cô ta làm chỉ điểm cho Pháp hay không, nhưng ta vẫn phải sát hại cô ta để đề phòng căn cứ của ta khỏi bị lộ. Đó là việc làm cho tất cả chúng ta đều phải đau lòng, nhưng để bảo toàn cách mạng, qui luật của chiến tranh khiến cho ta đành phải giết lầm hơn là tha lầm, chúng ta đành phải hy sinh một mạng người có thể là vô tội, tôi biết điều đó và điều tôi muốn nói không phải là chuyện cô ta bị giết hay không. Điều tôi muốn nói là chúng ta không thể dung túng hành động của người sử dụng mũi tên tẩm độc, hành động đó chối bỏ con người kể cả nạn nhân và kẻ làm việc đó. Người ta không thể dùng con người để thí nghiệm phản ứng của những mũi tên tẩm độc mà người thiểu số chỉ dùng để bắn thú dữ trong trường hợp tự vệ. Giết một con người không thể xem như giết một con thú hoang, chúng ta đã tự hào là những kẻ tiền phong, có phải thế không, vậy các đồng chí nghĩ sao về hành động phi nhân này?
Trong bản tường thuật, tôi chỉ làm đúng nhiệm vụ của một người ghi lại mẩu tin với những chi tiết xác thực mà thôi, hôm nay trong nội bộ của chúng ta, tôi mới phân tách cặn kẽ ý nghĩ của tôi đối với việc này. Với lý tưởng cao cả mà chúng ta đang theo đuổi, với lòng kỳ vọng của mọi tầng lớp quân dân đang hướng về chúng ta, tôi xin Đảng ra lệnh nghiêm ngặt chặn đứng những hành động tương tự, đồng thời áp dụng biện pháp kỷ luật tối đa đối với kẻ đã sử dụng mạng người như một con vật để thí nghiệm trò chơi của mình. Điều này khiến ta liên tưởng đến các trò chơi của bọn vua chúa trong các thời đại đế quốc xa xưa, những trò giác đấu, hoặc xua người đến trước hàm sư tử, hoặc róc mía trên đầu tội nhân, đó là những hiện tượng biểu lộ cho những thời đại sắp suy tàn, báo trước sự sụp đổ không phương cứu chữa. Con đường chúng ta đi hôm nay muôn người như một, thế hệ chúng ta trẻ trung thuần khiết để xây dựng xã hội chủ nghĩa ngày mai, chúng ta cần đủ sức mạnh dời non lấp biển, cần phải quét sạch rác rưới trên con đường chúng ta đi, ta không thể dung dưỡng những phần tử bệnh hoạn bám đầy tàn tích dã man độc ác của thời phong kiến đã qua, bởi vì chúng ta là những con người tiến bộ, chúng ta đang gánh chịu một trách nhiệm nặng nề đối với đời sống hiện tại và những thế hệ trong tương lai.
Điếu thuốc của Huỳnh chợt lòe lên sáng rực, trong bóng tối mờ mờ của căn phòng, anh cất tiếng điềm đạm:
– Khá đấy, ít nhất cũng phải nói ra như thế, đó mới thật là những lời đích đáng, dù là có phải nói với một bức tường.
Trần buồn rầu:
– Mày vừa nói đến một bức tường hả, đúng vậy, không có hình ảnh nào xác thực hơn, tao đã nói những lời lẽ tha thiết ấy với một bức tường bít kín, không có một cửa nẻo nào có thể mở ra. Mày biết chính thằng Trương đấy, nó bảo là mày trốn theo Tây trong khi mày bị thất lạc vì mày bị thương đó, nó vẫn còn cay cú với tao, mặc dầu khi tìm ra mày rồi tao không thèm đá động gì đến chuyện cũ nữa.
– Thằng Trương hả, quả thật tao không thích mày đụng độ với thằng đó, nó nguy hiểm và thủ đoạn lắm, nó đúng là loại người điển hình biết khai thác tận cùng lý thuyết của chủ nghĩa Mác-xít để biến chế ra những sản phẩm tội lỗi của mọi người, ở khắp mọi nơi, trong cái óc tưởng tượng phong phú của nó. Anh em trong cơ quan vừa khinh, vừa sợ nó, nó biết thừa điều đó và tao có cảm tưởng nó thích thú như vậy. Phần tao thì thây kệ, không đả động giao thiệp gì với nó ngoài công việc, phần hành của tao lại khá tế nhị, nó không xía vô được nên nó chưa có dịp kiếm chuyện với tao, nhưng tao biết nó còn chờ cơ hội. Tao thì chẳng nói làm gì, nhưng tao e rằng thằng đó nhảy vào vòng để hạ mày thì mày sẽ phải gặp nhiều thứ bực mình nữa chứ không phải chơi đâu. Nó rất được tín nhiệm, ảnh hưởng của nó đối với cấp trên rất đáng kể, mày không lạ gì chuyện đó.
– Thà mọi sự đã xảy ra y như mày vừa nói. Đảng bộ đã biểu quyết tán thành đề nghị của nó và bây giờ cái thằng tao phải lên đường đi dự lớp chỉnh huấn ở phân khu đây. Ôi tao thương hại tất cả mọi người, tất cả các đồng chí, và lo buồn cho đại cuộc. Tao thấy rõ rằng cả hội nghị không phải không ai ý thức được vấn đề, khi tao nói xong tao cảm thấy một không khí xao động, rất nhiều khuôn mặt biểu đồng tình hướng về tao, tao biết rõ những khuôn mặt ấy, những khuôn mặt đồng chí gắn bó dãi nắng dầm sương gian lao cơ cực có nhau, một vài người giơ tay định nói nhưng thằng Trương đứng phắt dậy, nó không đứng tại chỗ, nó vòng ra khỏi hàng ghế đi ngay lên bàn chủ tịch. Nó chống tay lên bàn chồm người tới trước, cái mặt chuột của nó có vẻ gì khủng khiếp thật, nó đảo mắt đe dọa nhìn quanh cử tọa một lượt rồi với một vẻ nghiêm trọng nó cất tiếng: “Tôi xin lỗi đã giành quyền nói trước bởi vì tôi nhận thấy ảnh hưởng của những lời lẽ vừa rồi của đồng chí Trần đã có thể làm xúc động tất cả chúng ta kể cả tôi trong đó. Nhưng một điều mà chúng ta không thể quên được là chúng ta là những chiến sĩ tiền phong lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng này. Đảng đã giao phó cho ta trách nhiệm đó và chúng ta không hề dám xao lãng. Trọng tâm của chúng ta trong giai đoạn này là hun đúc ngọn lửa căm hờn để tiêu diệt kẻ thù chung. Kẻ thù chung không phải chỉ là quân giặc xâm lăng hay những tên bán nước hại dân mà thôi. Sự chiến đấu gay go cam khổ nhất của chúng ta là khắc phục những ủy mị ươn hèn, sản phẩm của giai cấp tiểu tư sản còn ăn sâu, bám chặt vào tim óc của chúng ta: đó mới là kẻ thù đáng sợ nhất, nó làm cho chúng ta đi lạc lối, nó đẻ ra những căn bệnh tự mãn, tự cao, ru chúng ta ngủ yên trong một số kiến thức hẹp hòi, những tư tưởng mà chúng ta yên chí là thật cao siêu thật ra chỉ một cái vỏ trống rỗng hào nhoáng không ích lợi gì cho cuộc cách mạng hùng tráng này. Chính những tư tưởng ấy đã nảy sinh ra những hành động đi ngược lại quyền lợi chung, làm chậm đà tiến hóa của cách mạng. Chính kẻ thù trong bản thân đó đã làm cho đồng chí Trần của chúng ta đặt vấn đề một cách sai lạc. Chúng ta không lạ gì điều này, vì tuy là một đảng viên ưu tú nhiệt thành, đồng chí Trần đã xuất thân từ một dòng dõi thế gia ở đất thần kinh, gia đình của đồng chí hiện còn ở đó, tôi cũng còn biết rằng đó là một gia đình rất thủ cựu, đồng chí hiện còn anh em là những thành phần trí thức được ưu đãi trong ngụy quyền. Do đó, ta không lấy làm lạ tại sao một chiến sĩ đã không quản vào sinh ra tử, đã từng phụng sự cách mạng một cách hăng say, đã gây được tiếng tăm tốt đẹp cho thành tích tranh đấu của mình, lại có thể phạm vào một sai lầm đáng tiếc là đi bênh vực và thương yêu kẻ thù, thay vì phải đào sâu, khai thác đến tận cùng ngọn lửa căm hờn cần thiết cho cách mạng. Chính ngọn lửa căm hờn đó đã chứng tỏ hành động của người sử dụng những mũi tên tẩm độc trong vụ xử tử tên Việt gian nữ gián điệp vừa rồi. Với cái nhìn lãng mạn của một văn nghệ sĩ mang nặng tính chất tiểu tư sản, đồng chí Trần đã khai triển sự việc đó với khía cạnh bất nhẫn của một trò chơi của thời vua chúa bạo tàn. Hiện tại chúng ta đang sống trong thực trạng của một cuộc chiến tranh dầu sôi lửa bỏng, nhân dân ta đang rên siết dưới gót sắt và bom đạn của thực dân ngày đêm không ngớt trút xuống làng mạc quê hương ta, mà những tên chỉ điểm là kẻ thù khiến cho ta căm hận nhất, chúng ta có thể xẻo từng miếng thịt, lóc từng miếng da của chúng nó để vá lên những nhà cửa bị đốt cháy, những thôn xóm điêu tàn, những xác thường dân chồng chất. Nói chi đến những mũi tên tẩm độc, nó chỉ biểu hiệu cho một nỗi căm hờn cao độ của một chiến sĩ yêu nước đối với kẻ thù, người chiến sĩ ấy đã từng đau đớn vô cùng với những vết thương tàn phá trên quê hương. Chúng ta không những phải nuôi dưỡng sự căm hờn đó mà còn phải học tập thêm để biết căm hờn kẻ thù hơn nữa, nếu không chúng ta sẽ dễ dàng phạm vào lỗi nương tay với kẻ thù để chúng nó có thể ngóc dậy quật ngã chúng ta, cách mạng sẽ tan rã, và chính chúng ta cũng không còn tồn tại nữa.”
Trần ngừng lại, thở một hơi dài, rồi tiếp:
– Đó, đại khái những điều nó nói là như vậy, đó không phải là một lý luận vững chãi gì, nhưng rõ ràng là tao thấy mọi người đều co rúm lại. Ai nấy đều sợ những ngôn từ nào yêu thương kẻ thù, nào nuôi dưỡng căm hờn, nào phản cách mạng, và nhất là nó lôi hoàn cảnh gia đình tao hiện ở trong thành phố địch ra làm thằng nào cũng nhụt hết, thằng nào lại không có ít nhất một vài người thân thuộc còn ở trong vùng địch. Thế là sau đó tất cả đều răm rắp tán thành đồng chí Trương. Nhìn những bộ mặt e dè thận trọng của chúng nó tao chán nản vô cùng không còn muốn nói thêm gì nữa.
Ba hôm sau có lệnh gọi tao về phân khu để dự lớp chỉnh huấn, tao phải có mặt ngay ngày mốt để kịp khai mạc lớp mới này. Tao thu xếp công việc, định về thăm mày trước khi đi, tao đi từ trưa đến tối, lạ là tao không hề thấy đói, từ mấy hôm nay người tao nó cứ ngầy ngà ngầy ngật, tao không biết mình ra làm sao nữa. Có lẽ thời gian học lớp chỉnh huấn này cũng cần thiết cho tao, tao vẫn còn hy vọng, ở phân khu có nhiều người lỗi lạc và hiểu biết. Tao nghĩ chưa đến nỗi nào, với những đồng chí cao niên, nhiều tuổi Đảng, đã sáng chói từ thời kỳ cách mạng còn trong vòng bí mật, chắc quan niệm của họ thoát hơn, gần với con người hơn vì họ đã nếm trải nhiều. Với những người này tao hy vọng sẽ có một hậu thuẫn làm rung chuyển tận gốc bức tường của những thằng Trương, thằng Việt Dũng. Hừ, chính chúng nó với giọng lưỡi của chúng nó mới thật là tai họa cho đất nước này.

(Còn tiếp)
.
Nguyên Lạc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn