Đó là lời tuyên bố của ngoại trưởng Úc, Marise Payne, hôm 20/4 lên tiếng chỉ trích tính chất “không minh bạch” và phê phán chính quyền quần đảo Solomon đã không tham khảo các quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương về vấn đề Trung Quốc và Solomon ký kết thỏa thuận an ninh, cho phép sự hiện diện của quân đội TQ ngay trên đỉnh đầu của Úc.
Hôm Thứ Tư 20/4, Thủ tướng quần đảo Solomon, ông Manasseh Sogavare, cho biết chính quyền quần đảo đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc “cách đây ít hôm”. Tuyên bố của chính phủ quần đảo Solomon được đưa ra ngay sau khi TQ thông báo ký “Hiệp định khung về an ninh” với quần đảo ngày 19/4.
Hồi tháng Ba vừa qua, một văn bản dự thảo Hiệp ước an ninh Trung Quốc-quần đảo Solomon, trong đó có đề xuất cho phép TQ triển khai hải quân và cảnh sát tại quần đảo, bị rò rỉ ra ngoài. Chính quyền Úc và Mỹ lo ngại Bắc Kinh xây dựng căn cứ hải quân tại quần đảo này.
Cuối năm 2021, quần đảo Solomon rung chuyển với nhiều vụ bạo động đẫm máu, trong bối cảnh thất nghiệp, nghèo đói gia tăng và sự thù ghét dâng cao của một bộ phận cư dân chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhiều cơ sở thương mại TQ bị cướp phá, đốt cháy tại thủ đô Horiara.
Solomon nằm cách nước Úc khoảng 1.500 km, có diện tích khoảng 29.000 km² hơi nhỏ hơn bang Maryland của Mỹ, và có khoảng 700.000 dân. Tổng sản lượng chưa tới 2 tỷ đôla.
Solomon được độc lập từ nước Anh ngày 7/7/1978.
Do vị thế nằm cạnh đỉnh đầu nước Úc nên về địa chính trị nó vô cùng quan trọng cho an ninh của Úc. Nếu nó đứng một mình thì không sao, nhưng nếu nó cho phép sự hiện diện quân sự của một đại cường, nhất là đại cường theo độc tài và có chủ trương bành trướng, thì là mối đe doạ nặng nề cho nước Úc.
Tựa như Cam Bốt với Việt Nam, nếu Cam Bốt đứng một mình thì không sao, nhưng nếu Trung Quốc hiện diện quân sự ở căn cứ hải quân Ream, ngay mông VN, thì là mối đe dọa nặng nề cho VN.
Lê Minh Nguyên
Nguồn : Đàn Chim Việt