BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76768)
(Xem: 63135)
(Xem: 40537)
(Xem: 32162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sống lặng lẽ, chết âm thầm

14 Tháng Tư 20227:35 SA(Xem: 3186)
Sống lặng lẽ, chết âm thầm
51Vote
40Vote
31Vote
22Vote
11Vote
2.65
Lại một lần nữa ngày 30 tháng 4 lại về. Năm thứ 47 sau ngày miền Nam thân yêu bị cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm, một chế độ độc ác man rợ thắng một xã hội văn minh nhân bản. Tôi viết những dòng chữ này để tưởng nhớ đến những người chưa một ngày khoác áo lính nhưng vẫn chiến đấu âm thầm nhưng kiên cường chống lại sự cai trị bất nhân của một trong những chế độ độc tài dã man nhất còn sót lại trên trái đất này: Chế độ cộng sản Việt Nam. Đất nước nào cũng vậy, trong trang sử nước nhà, ngoài những người được ghi tên vào sử sách, còn có những anh hùng vô danh, sống lặng lẽ, chết âm thầm; nhưng sự hy sinh của họ là những dấu ấn bằng máu chỉ được truyền miệng và ẩn sâu trong lòng người dân yêu tự do.

 

Chuyện xảy ra vào cuối thập niên 80 ở ngôi làng quê thuộc huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa. Trước đó gần 10 năm, có một gia đình từ Sài Gòn dọn về ở trong xóm tôi, cách nhà tôi vài căn ở phía sau, họ không có vẻ gì đặc biệt, hai ông bà già dáng gầy gò, khắc khổ khoảng trên 50 tuổi, 2 đứa con trai tên Khôi và Hòa, và một bé gái khoảng 10 tuổi. Người anh tên Khôi lớn hơn tôi vài tuổi, còn Hòa có lẽ bằng tuổi tôi. Họ sống khép kín, lặng lẽ, âm thầm, kín đáo, ít giao tiếp với hàng xóm. Chỉ biết người hàng xóm kế bên gọi tên người cha là ông Trãng, một cựu quân nhân VNCH, không biết binh chủng và cấp bậc gì. Bác gái thì lặng lẽ trong nhà không bao giờ chuyện trò với hàng xóm, ngoài việc ra chợ làng từ lúc trời còn tối mù chưa rõ mặt người.

 

bienhoaxua-2
Biên Hòa

Hồi đó, đám thanh niên trong xóm chúng tôi không mấy ưa hai anh em nhà này vì nghĩ họ phách lối, ỷ dân Sài Gòn, chắc có ít tiền của, làm bộ về quê mua ruộng rẫy để che mắt chính quyền. Họ không thân thiện, gần gũi với xóm giềng. Bác trai và 2 người con trai, sáng vác cuốc ra ruộng hay lên rẫy, chiều chạng vạng về nhà, cửa đóng then cài. Ánh đèn dầu sáng lên trong căn nhà, không ai biết họ đang làm gì bên trong. Được cái là họ không bao giờ phiền hà hay làm mất lòng ai. Nói chung cuộc sống gia đình họ biệt lập với mọi người dân ở đây.

 

Trong làng có một quán cà phê do hai chị em Nguyệt và Nga ở Thủ Đức về mở, hai cô khá đẹp, cỡ trạc tuổi tôi, với lối ăn nói khéo léo, quần áo lịch sự, và cách bày biện trong quán rất nghệ thuật nên lôi kéo nhiều thanh niên trong làng. Anh em Khôi và Hòa không bao giờ đi uống cà phê ở quán này như chúng tôi. Thời đó còn trẻ, cơm chiều xong, hay tôi hay ghé quán kêu ly cà phê, ngồi đồng để ngắm hai cô chủ xinh xắn dễ thương.

 

Thỉnh thoảng tôi và Hòa gặp nhau đầu ngõ, chỉ vẫy tay chào thật nhanh, không bao giờ trao đổi một lời, rồi đường ai nấy đi. Bạn bè tôi cũng cùng một cảm nghĩ, chúng tôi không hề có cảm tình với gia đình họ. Vài năm sau, Khôi cưới vợ, một cô gái xinh xắn đạo Công giáo ở cuối xóm. Tôi cũng dần quên đi sự có mặt của gia đình họ trong cái xóm đạo nghèo xơ xác này khi chính tôi cũng muốn xa rời lũy tre làng, không muốn sống mòn trong cái xó xỉnh nhà quê này, cái vùng đất đi mắc núi, trở về mắc sông.

 

Rồi những năm gần cuối thập niên 80, khi đó tôi vừa trốn trại tập trung cải tạo về được khoảng 2 năm và vẫn đang lang thang trên đất Sài Gòn, sống trốn chui trốn nhủi, không dám ngủ trên cùng một cái giường quá 3 đêm; tôi sẵn lòng làm bất cứ việc gì người ta mướn mong nuôi được bản thân sống qua ngày. Từ đạp xích lô cho đến đi bỏ mối rượu lậu, làm cơm rượu nếp than cho đến thu mua giường sắt cũ, không còn nghề gì tôi không làm. Tương lai không lối thoát. Không hộ khẩu, không một tờ giấy căn cước công dân. Tôi sống như một kẻ lưu đày ngay trên mảnh đất quê hương mình, nơi mình được sinh ra, đi học, và lớn lên.

 

Tôi viết không phải để tự than thân trách phận vì tôi hiểu, quanh tôi còn nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh khốn cùng như, hoặc tệ hơn tôi, họ chỉ may mắn hơn tôi là còn có gia đình, mái ấm để mà về; còn tôi vẫn như một gã du mục không có một nơi để dừng chân, không có một mái nhà, một vòng tay yêu thương để gối đầu khi sức cùng lực kiệt, khi bệnh hoạn ốm đau. Những ngày cuối năm khi mọi nhà chuẩn bị đưa ông Táo về trời, đón thêm một cái Tết buồn bã trong khó nghèo, chật vật; tôi vẫn cô độc, tủi thân lang thang trên các nẻo đường thành phố, nhìn thiên hạ xôn xao đón Tết mà lòng mình thì ước mơ một bếp lửa gia đình.

 

Đi ngang qua những ủy ban và công an phường với đèn sáng rực, những tên ác ôn cổ nung núc mỡ, mắt híp lại vì ăn uống thừa mứa, trong đồng phục vàng màu da bò, đang cười nói ồn ào; những tòa nhà mặt tiền bị đám người ngoài kia hay những tên cộng sản nằm vùng ngày trước đang chiếm ngự, họ ăn ở dơ bẩn, phơi quần áo trên lan can và hắt nước xuống mặt đường. Có nhiều khi cuộc sống bế tắc, tôi chợt có ý tưởng hay mình làm liều, thí mạng cùi của mình đổi lấy chục tên công an đáng ghét kia, chứ sống mòn như thế này rồi cũng từ từ chết hiu quạnh trong một trại tù nào đó mà thôi. Nhưng kiếm đâu ra vài trái lựu đạn hay ít thuốc nổ? Ý tưởng đó cứ ám ảnh tôi nhiều ngày, nhưng cuộc đời đẩy đưa, lo bận rộn kiếm sống và vì hèn nhát tôi để mặc dòng đời cuốn đi theo may rủi phận người.

 

Đêm giao thừa 30 Tết, lang thang trên đường phố, trời không lạnh sao lòng tôi chợt cô đơn rét mướt, cứ lang thang đi hết đường này qua ngõ khác nhìn thiên hạ xao xác, bận rộn ngược xuôi ngày cuối năm mà tủi phận không nhà. Tôi ghé nhà bà chị họ để lấy tin tức của gia đình. Ông anh rể họ đưa tôi coi một thiệp cưới, sau Tết ba má tôi sẽ gả chồng cho đứa em gái út ở dưới quê nghèo năm nào tôi đã rời bỏ. Tôi không còn nhớ chính xác, đã lâu lắm rồi, từ trước khi bị tù, rồi sau khi trốn trại, tôi chưa một lần về thăm nhà, thoáng cái mà đứa em gái nhỏ ngày nào giờ sắp lấy chồng. Trong tôi nhen nhúm một ý tưởng táo bạo.

 

Tôi đạp chiếc xe thồ cọc cạch về bến phà Cát Lái lúc trời bắt đầu chạng vạng tối để tránh gặp người quen, tôi bước xuống phà qua sông đến xã Phú Hữu, tiếp tục đạp xe qua ấp Cầu Kê, ấp Đồng Phèn về đến chợ Phước Lý. Tôi gởi xe nơi nhà một người bạn, chờ thật khuya, tôi mượn nó cái nón làm rẫy đội lên đầu xùm xụp, rồi nhờ nó chở tôi hơn 3 cấy số, vượt qua Dốc Lớn về đến làng quê nơi ba má tôi đang sống. Tới cuối làng, tôi cám ơn và tạm biệt nó, rồi lầm lũi đi bộ về nhà trong đêm tối.

 

Từ xa, tôi có thể thấy cái cổng của ngôi nhà quen thuộc của mình được thắp sáng bằng 2 ngọn đèn neon, ánh sáng trắng soi rõ cổng được trang hoàng bằng lá dừa với hai chữ vu quy đỏ thắm. Trong gian nhà chính, vẳng ra tiếng cười đùa thưa thớt. Giờ này bà con chòm xóm đã về hết, chỉ còn lại vài người bà con gần gũi ở lại để phụ giúp nấu nướng cho bữa tiệc ngày mai trước khi đưa dâu về nhà chồng. Quan sát thật kỹ, thấy không ai chú ý, tôi bước nhanh vô cái chái nhà bên phải được dùng làm nhà bếp. Ở đây một ngọn đèn dầu nhỏ trên kệ lù mù không soi sáng nổi căn bếp. Ngọn lửa của một bếp lò đang cháy, bập bùng soi lên vách những hình ảnh chập chờn nhảy múa, hình như ai đó đang nấu một nồi cháo lòng khá lớn, mùi lòng heo bay tỏa lên không gian khiến tôi đói bụng. Không ai chú ý đến tôi đang ngồi chồm hổm im lìm, đầu cúi xuống với cái nón vải sùm sụp trên đầu, điếu thuốc cháy đỏ trên tay.

 

Tôi lặng lẽ quan sát chung quanh và kín đáo liếc nhanh lên nhà trên đề phòng lỡ ai đi xuống bếp. Một vài người bà con chào ra về. Giờ này chỉ còn gia đình đang dọn dẹp và chuẩn bị đi ngủ để mai còn dậy sớm nấu nướng. Tôi nghe tiếng má hỏi to có đứa nào tắt bếp nồi cháo chưa. Miệng nói, chân bà đi xuống bếp và thấy có người ngồi thu lu trước bếp lò. Bà cúi xuống hỏi:

 

– Đứa nào giờ này còn ngồi đây?

 

– Con nè má.

 

Vừa nói tôi vừa nắm bàn tay ấm nóng của má tôi mà lòng thổn thức, thương má quá, chẳng biết nói gì. Má tôi thì thào:

 

– Giê Su Maria, lạy Chúa tôi, mày đó hả T.? Mày về hồi nào? Có đứa nào thấy mày không? Ăn gì chưa con? Má làm cho con tô cháo lòng nhé.

 

Má tôi hỏi một hơi không kịp thở, tôi nhẹ nhàng trấn an bà nói tôi nhớ nhà quá nên liều về 1 phen và cũng nhân dịp đám cưới em gái út. Tôi cũng cho bà hay tôi đang chờ đợi một chuyến đi có thể đến bất cứ lúc nào, tôi sợ không còn dịp nào về gặp gia đình. Má tôi lo sợ nhìn quanh rồi bước lên nhà trên. Vài phút sau, tôi thấy ba tôi ra đóng cổng cài then chặt chẽ. Sau đó ông bước vào nhà, đóng cửa trước lại. Má tôi vẫy tay ra hiệu, tôi hiểu ý, bước thật nhanh lên nhà và đi theo má tôi qua chái nhà bên trái, nơi có cái bồ lúa của gia đình. Một lúc sau, ba tôi bước vào với cái chiếu và 1 cái mền. Cha con chỉ kịp nắm tay nhau, hỏi han nhau một chút rồi ba tôi vội vã cầm cây đèn pin bước đi một vòng chung quanh nhà coi có ai rình rập bên ngoài hay không.

 

Tôi vội vàng vén gọn những đồ đạc linh tinh và trải cái chiếu lên trên bồ lúa. Ba tôi dặn dò nếu có gì tùy nghi ứng biến, đừng để bị bắt. Tôi bước ra nhà ngoài ngồi ăn tô cháo lòng nóng hổi, trò chuyện với cô em út và ba má tôi đến thật khuya. Sau đó, tôi bắc cái ghế leo lên bồ lúa nằm thao thức suy nghĩ vẩn vơ rồi từ từ chìm vào giấc ngủ.

 

Tôi bị đánh thức bởi tiếng súng nổ liên hồi như đụng trận, một tiếng lựu đạn nổ rất lớn, và tiếng chân người rầm rập chạy ngoài đường pha lẫn tiếng hò hét vang một góc trời. Tôi điếng người than thầm chắc tới số rồi. Có lẽ đám công an xã được mật báo tôi về thăm nhà nên chúng rình rập và theo dõi tôi, chờ đến khuya thì ập vô bắt. Nhưng sao chúng lại bắn nhiều đến kinh hồn như vậy? Bắt một mình tôi đâu cần thiết phải bắn nhau như đụng trận? Tôi hối hận quá và tự nguyền rủa mình ngu dốt đâm đầu về làm chi cho chúng bắt. Kinh nghiệm thằng bạn vượt ngục chung đã bị bắt lại năm trước cũng vì nó nhớ mẹ về thăm nhà. Tôi nhảy ra khỏi bồ lúa, kéo then cửa sổ, tư thế sẵn sàng, nếu bọn chúng vô tới sân nhà, tôi sẽ phóng ra lối cửa sổ, nhảy rào qua nhà hàng xóm, rồi chạy băng về hướng nghĩa địa. Đợi hồi lâu vẫn không nghe tiếng la hét mở cửa khám nhà và tiếng súng, tiếng chân người từ từ xa dần.

 

Ba tôi chạy vào ghé tai thì thầm “du kích xã và bộ đội đang đuổi theo ai đó, chứ không phải chúng đến đây bắt con”. Hình như bọn “phản động” có vũ khí đang bắn trả lại dữ dội. Đám công an, du kích xã và huyện đội đang bao vây nhà bác Trãng, chúng la hét kêu ra đầu hàng, sẽ được tha mạng. Tôi tỉnh hẳn và cố lắng tai nghe trong lúc tâm hồn đang bấn loạn vì cái ách giữa đàng, lại mang vào cổ. Ba tôi chạy qua hàng xóm lấy tin tức rồi về cho hay cứ ở yên trong bồ lúa, tuyệt đối đừng ló đầu ra. Ba khuyên tôi tốt nhất đừng ra khỏi nhà ít ra trong vài ngày nữa. Ông cho hay hai đứa con trai gia đình bác Trãng bị thương, cố chạy được về tới nhà và cố thủ trong đó. Đám lính cộng sản rượt đuổi tìm đến tận nơi và đang bao vây căn nhà.

 

Chúng siết chặt vòng vây, súng ống lăm lăm, tay cầm loa kêu đầu hàng, một con kiến chui ra cũng không lọt. Dân làng chỉ dám đứng trước cửa nhà mình ngó về hướng nhà bác Trãng. Sau hơn một giờ, hai anh em Khôi, Hòa ra đầu hàng. Bọn chúng nhảy bổ vào khóa tay và đè hai anh em xuống đất, báng súng giáng xuống tới tấp lên hai thân thể đã mềm nhũn, hòa với máu me lênh láng, không ai biết anh em họ còn sống hay đã chết, theo lời kể sau này của tên công an ấp, một người Công giáo làm tay sai cho cộng sản. Đám côn đồ xông vào nhà lùa tất cả gia đình vào một góc, nạt nộ lớn tiếng, tra hỏi và đe dọa phải giao nạp vũ khí chôn giấu ở đâu, khai ra, không thì bị bắn bỏ.

 

Cả gia đình không một tiếng khóc lóc hay than van, chỉ một mực nói không biết việc làm của hai đứa con. Bác trai bị trói nằm kế bên vợ và cô con gái đang co rúm mắt đỏ hoe. Chúng lôi bác Trãng sền sệt trên nền nhà, bắt bác phải theo chúng lên trụ sở xã và nhốt bác ở lại đó. Ngay trong đêm, hai anh em bị trói quặt tay chân dính vào nhau, vết thương không được băng bó, bị quăng lên xe, chở lên huyện.

 

Đêm hôm đó, tôi thức trắng đêm vì biến cố vừa xảy ra quá bất ngờ, lo lắng tìm cách phải đi ra khỏi nơi đây bằng mọi giá nhất quyết không để bị bắt lại. Tôi biết chắc bọn chúng sẽ lập những chốt kiểm soát tất cả các đường ra khỏi xã. Ba má tôi khuyên nên ở yên một chỗ, ông bà khóa cửa ra vào bồ lúa. Má tôi đích thân lo cơm nước, tôi như ngồi phải lửa, không thể đứng yên một chỗ.

 

Sau 5 ngày, ba tôi đạp xe đi thám thính trước tất cả những con đường mà tôi có thể phải đi qua. Tôi rời nhà vào lúc 3 giờ sáng, xuống bến ghe, lúc này đã có nhiều ghe thuyền đi lại, tôi chèo lái, ba tôi chèo mũi. Tôi ra sức chèo ào ào, chiếc ghe nhỏ lướt nhanh trong bóng đêm đen, luồn lách dưới những tàng cây Bần, cây Đước. Mùa này nước mặn bắt đầu xâm lấn nên cánh đồng lúa hai bên bờ sông đã gặt xong từ tháng trước còn trơ lại gốc rạ hiện ra mờ mờ chạy về phía sau lái thuyền. Hơn một giờ, chúng tôi cặp bến ghe chợ Phước Khánh. Ba tôi trở về, tôi đón phà qua Nhà Bè và đón xe lam lên Sài Gòn. Một phen hú hồn và nhớ đời. Tội tự nhủ “một lần cho tởn tới già, chớ đi nước mặn mà hà ăn chân”.

 

Những ngày tháng ở Sài Gòn, tôi vẫn theo dõi vụ án của hai anh em Khôi và Hòa qua báo chí chính quyền cộng sản và qua lời kể lại của người nhà. Tôi mới hay hai người anh hùng này đã gây ra nhiều vụ làm đau đầu chính quyền huyện Long Thành và vùng dọc quốc lộ đi Bà Rịa, hai anh em âm thầm tiêu diệt các chốt kiểm lâm, du kích xã, vì đám cướp ngày này chuyên bắt bớ, tịch thu sạch sẽ những hoa màu của dân làm rẫy chở từ trong rừng về nhà. Khi bọn côn đồ bắn trả lại, để tự vệ, hai anh em giết chết một số trong bọn đó. Họ chờ đêm xuống mới tấn công nên không ai rõ được mặt. Bọn công an và huyện đội tương kế tựu kế, gài bẫy nên hai anh em lọt vào ổ phục kích của chúng ngay cái đêm tôi về thăm nhà.

 

Tôi không còn nhớ chính xác lắm, hình như một thời gian ngắn, công an tỉnh Đồng Nai đem hai anh em Khôi-Hòa ra xử bắn. Chúng không cho gia đình thăm nuôi trong thời gian bị nhốt và cũng không thông báo ngày giờ hành quyết. Gia đình chỉ nhận được thông báo cho hay đã xử bắn. Hai bác có lên xin cải táng đem tro cốt con về, nhưng chúng không cho phép.

 

Năm nào cứ vào tháng 4, tôi lại nhớ về tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã nằm xuống vì đất nước, đặc biệt nhớ đến hai anh em Khôi-Hòa, hai người anh hùng thầm lặng sống cùng xóm, đã sống lặng lẽ, chết âm thầm. Tôi xin kính cẩn đốt nén hương tưởng nhớ tất cả hương hồn các vị anh hùng liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Một ngày không xa, đất Mẹ sẽ hồi sinh với xương máu của các con Mẹ đã và đang ghi vào sử xanh trong lòng dân tộc Việt.

 

Nguyễn Văn Tới (LT)

(4/2022)
Nguồn : Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn