Năm tôi 5 tuổi, cô tôi đón về nhà cô ở. Nhà cô ở ngõ Vũ Hữu Lợi đầu đâm ra đường Nam Bộ.
Tôi ở nhà cô mấy hôm nhớ mẹ quá, một buổi trưa tôi tìm đường về nhà.
Từ ngõ Vũ Hữu Lợi về đến ngõ Phất Lộc khá xa nhưng tôi vẫn về được. Tôi có trí nhớ đường khá tốt.
Khi tôi về gần nhà thấy trước cửa nhà xôn xao, mọi người đang vây quanh cô tôi, cô tôi vừa khóc vừa kể không thấy tôi đâu.
Mọi người đang rối loạn thì tôi chen qua chân vào giữa ngẩng mặt bảo cô:
- Cô ơi cháu đây mà.
Cô tôi nhìn xuống kinh ngạc, cô rú lên rồi ôm lấy tôi.
Bố tôi bảo thôi để tôi ở nhà, chứ cho nó ở nhà cô rồi nó lại bỏ về.
Nhiều năm sau cô tôi vẫn nhắc chuyện ấy, đến khi thằng Tí Hớn lên 5 tuổi, cô nhìn nó còn chửi:
- Mẹ sư cái thằng bố mày lúc bằng mày làm bà hết hồn, tưởng vỡ tim.
Nhà cậu tôi ở phố Nguyễn Cao, hồi xưa chỗ ấy nhiều cây cối như làng. Năm tôi 6 tuổi một tối mãi không thấy mẹ về, tôi nghĩ mẹ đến nhà cậu tôi.
Tôi đi bộ tìm đến nhà cậu, tôi đến nhà thấy cậu đang lúi húi dọn đống đồ nghề thợ mộc, hỏi có mẹ cháu ở đây không. Cậu tôi trả lời theo phản xạ là không có, tôi quay đi.
Tôi đến vườn hoa Yersin thì cậu tôi đuổi kịp, cậu ngồi xuống ôm tôi chặt, nói để cậu lấy xe đạp chở về. Bây giờ tôi vẫn nhớ đến cái ôm của cô tôi và cậu tôi.
Có lẽ tôi là đứa cháu trong dòng họ nội ngoại mang lại nhiều cảm xúc nhất cho các cô, cậu. Có cảm giác thương, giận và cả tự hào nữa. Lúc tuổi choai choai mới lớn, nhiều khi bị bố mắng tôi thường đến nhà cậu ở.
Câụ tôi làm nghề thợ mộc, mợ bán miến ngan. Tôi ở giúp mợ việc nọ, việc kia và đi đón thằng em con cậu.
Vợ chồng cậu tôi bỏ nghề mộc và miến ngan, bán nước chè và ghi số đề. Thời gian sau thì vợ chồng cậu tôi ôm luôn chứ không chuyển cho chủ nào nữa.
Tiền vào nhà cậu tôi nhiều lắm, nhưng lúc ấy tôi đi bộ đội về rồi làm giang hồ, rồi đi tù luôn nên không đến nhà cậu mấy.
Chỉ biết thằng lớn nhà cậu có xe Đream 2, nhà cậu có mấy xe máy.
Cậu chạy cho thằng lớn vào cảnh sát nghĩa vụ, nó thế nào được phân đi xuống trại tù canh gác.
Một sáng chủ nhật, tôi rong trâu đi ăn cỏ thì gặp nó từ trên chòi canh trèo xuống, hai anh em nhìn nhau ngỡ ngàng.
Ở trong tù mà chủ nhật ra ngoài dắt trâu đi ăn, người ngoài không hiểu chứ người bên trong biết để làm được việc đó phải có quan hệ, có điều kiện nọ kia mới làm được. Người ta phải mất tiền hay phải có quan hệ gì sẵn với cán bộ.
Tôi thì không, ông quản giáo rất quý tôi, đó là điều mà tôi không sao hiểu nổi.
Ông quản giáo cũng bị mang tiếng chắc được tiền nhà tôi nên mới nâng đỡ tôi vậy.
Thực sự ông ăn tiền của rất nhiều gia đình tù nhân, ông đánh bạc suốt ngày, ông trở mặt vặt tiền của các tù nhân nhanh như bàn tay.
Nhưng từ chăn trâu đưa tôi lên làm đội phó, rồi đội trưởng ông không hề cầm đồng nào của gia đinh tôi, ông còn nói mấy năm tôi ở với ông, ông không biết mặt nhà tôi và chẳng được của nhà tôi điếu thuốc nào.
Một lần mưa trắng cánh đồng, tôi đứng nhìn trời thì ông đến bên cạnh, nói vào khoảng không:
- Đm tao nói với Hiếu thế này, bọn tù nó lưu manh thì tao sống với chúng cũng thế thôi. Với mày tao đối xử khác, mày là người hiểu biết chắc mày rõ.
Tôi cúi đầu lí nhí nói lời cảm ơn. Dạo ấy nhà tôi không có ai đi thăm tôi cả, chỉ gửi tôi tháng 300 nghìn để sống. Một bát phở khi ấy là 5 nghìn. Tôi sống khá chật vật trong tù với số tiền ít ỏi ấy. Tôi biết anh chị tôi làm ăn cũng khó khăn, đổ bể. Có chút ấy là may lắm rồi.
Sau này mẹ tôi nói cậu Bách có cho người ta vay lãi 10 triệu, mỗi tháng lãi 200 nghìn, lấy tiền đó đỡ cho tôi sống trong tù.
Trước hôm tôi đi sang Đức một hôm, tôi về quê thăm cậu. Cậu tôi khi già về quê sống ở nhà bà ngoại tôi trước kia.
Tôi dẫn Tí Hớn đi ven mương hái rau muống dại về nấu canh, vặt lá xương xông và lá lốt quanh vườn làm món chả cuốn lá.
Lúc ngồi ăn cơm, tôi nói với cậu ngày kia tôi sẽ đi sang Đức và không biết bao giờ sẽ về nữa. Cậu tôi thở dài buông câu:
- Thôi đi là tốt, thế còn con mày.
Tôi nói sẽ đưa đi sau khi tôi sang đó thời gian. Cậu tôi ngước nhìn cái cây giàng giàng là như lá me nhưng to hơn chút nói:
- Có thằng nó trả cái cây triệu rưởi, tao định bán đi để khỏi quét lá, nó rụng rác lắm. Tim tôi nhói buốt, cậu không thiếu tiền bán cây. Nhưng mấy năm gần đó tôi hay về thăm cậu ngày thứ bảy, chủ nhật và quét sân, quét lá. Tôi nói cậu đừng bán, khi tôi sang kia kiếm được tiền, tôi sẽ thuê osin chăm sóc cậu và người ta sẽ quét lá, quét sân.
Cậu bảo:
- Tao thuê osin lúc nào chả được. Triệu bạc một tháng thì nó hầu cơm ngày 3 bữa.
Cậu tôi biết tôi yêu những cái cây trong vườn của bà ngoại lắm, cái cây giàng giàng ấy không phải cây ăn quả, nó như cây dại mọc ở sân bên hông. Rồi chẳng ai để ý mươi năm nó thành cây lớn toả bóng mát xuống cả sân trước, chim chóc kéo về hót liu lo mồi sáng.
Thích nhất lúc tầm 2, 3 giờ chiều mắc võng dưới thân cây rớp mát, hưởng gió thoang thoảng từ cánh đồng mang mùi lúa non mơn man trên mặt.
Tôi đi sang Đức được vài năm, cuộc sống mới ổn định có đồng dư đồng dả, tôi thỉnh thoảng gửi về cho cậu chút ít để cậu ấm lòng.
Cậu tôi nói qua điện thoại giờ ốm, ở một mình muốn nấu nồi cơm cũng gượng dậy khó khăn.
Tôi bảo cậu thuê người làm đi, ở quê thiếu gì người nhàn, họ ngày hai bữa nấu cơm mang sang cho cậu, bao nhiêu tôi trả hết.
Tôi gửi cậu luôn 50 triệu để cậu thuê người. Nói cậu khi nào hết cháu gửi tiếp. Cậu tôi nói như khóc. Tao thà chẳng có tiền còn hơn, có tiền tao khổ lắm, sống không bằng chết.
Tôi không biết nói sao, thương cậu vô vàn. Cuộc sống còn có những điều chua xót không thể nói được. Sử dụng đến tiền càng khiến chua xót, cay đắng hơn.
Tôi không thể làm người quét lá trong sân nhà bà ngoại mỗi tuần. Mộng hồ hải sẵn trong mình từ lúc lên 5, lên 6, khi ấy tôi đã có trong mình máu của kẻ giang hồ phiêu bạt muốn đi khắp nơi.
Bà ngoại tôi có 3 người con, mẹ tôi là cả, kế đến dì tôi rồi cậu tôi. Năm ngoái dì tôi mất, dì tôi cũng khổ, dì đi bán bánh xốp rong. Thứ bánh xốp có lớp bánh rồi lớp sữa đường.
Thỉnh thoảng dì tôi mang cho chúng tôi những mẩu vụn vỡ ra, chính những mẩu vun ấy lại chứa nhiều đường sữa nhất. Chúng là nguồn chất dinh dưỡng quý bổ sung chất cho chúng tôi trong những ngày tháng bao cấp đói khổ.
Trước gần tháng anh trai tôi mất, giờ đến cậu tôi. Tôi đi mong cuộc sống quê người có điều kiện để tôi làm gì đó cho cuộc đời tôi ấm hơn, dư dả giúp cho đời ấm hơn. Như rảnh tôi viết bài tản văn về quá khứ, hay bài về chính trị phản ánh xã hội, làm ăn có chút thì giúp đỡ người này, người kia.
Như bố tôi dặn sống trong đời giúp được gì ai được cứ giúp, mình chết đi cũng chẳng mang được gì. Nhưng anh tôi, cậu tôi, dì tôi lần lượt mất đi. Khiến tôi nhớ buổi chiều mẹ tôi ngồi ngóng cửa, tôi ra khỏi nhà tù lần thứ nhất, mẹ tôi khen:
- Đẹp trai như đi Tây về.
12 năm sau tôi ra khỏi nhà tù lần thứ hai, mẹ tôi ngồi trước cửa, nhìn thấy tôi mà chẳng thấy tôi, tôi gọi mẹ tôi mới giật mình thốt:
- Con, con về đấy à. Tôi đi lần này để mẹ tôi không còn phải ngóng tôi từ nhà tù về, đi để giúp được gì cho đời như bố tôi dặn dò. Nỗi đau nào cũng khứa vào tâm can con người cả như thơ của Trần Trung Đạo.
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá ngàn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương.
Và ở đâu thì dông bão cuộc đời cũng vậy, ở đâu cũng gió tạt mưa tuôn. Gần mười năm trôi qua, những chiếc lá tôi gom, những đốm lửa tôi đốt chẳng thấm tháp gì. Có lẽ tôi chỉ nên làm người quét lá, quét sân ở nhà bà ngoại.
Người Buôn Gió
Nguồn: https://nguoibuongio1972.blogspot.com/2022/04/quet-la-quet-san.html