BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cái bàn của ông Putin

16 Tháng Hai 20226:59 SA(Xem: 1268)
Cái bàn của ông Putin
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Kể từ khi tấm ảnh Tổng thống Nga Putin tiếp Tổng thống Pháp Macron được công bố cho đến nay, thiên hạ vẫn chưa ngưng bàn về cái bàn mà hai ông này ngồi để bàn về cách dập tắt ngòi nổ chiến tranh tại Ukraine.

Chiếc bàn màu trắng hình bầu dục có ba cột chống vững chắc, dài có đến 6 mét, trên bàn chỉ có một bình hoa đặt ở chính giữa; và cứ như vậy, hai ông ngồi hai đầu bàn bạc với nhau gần năm tiếng đồng hồ vào ngày 7 tháng 2, ngay cả một cái bắt tay cũng không có. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Moscow ngày 7 tháng 2 năm 2022. Sputnik-Kremlin qu
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Moscow ngày 7 tháng 2 năm 2022. Sputnik/Kremlin qua REUTERS

 

Putin muốn tạo ấn tượng với Macron, muốn làm Macron khớp, nhưng vị tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp, có bà vợ lớn tuổi hơn mình, không dễ dàng bị hù như vậy. Dù sao Pháp cũng là một nước lớn, phong cách sống của người Pháp từng được người Nga ái mộ, bắt chước.

Putin muốn cho thế giới thấy lập trường giữa ông và EU, mà Macron là đại diện không chính thức, vẫn còn quá xa, hai bên vẫn chưa tìm được mẫu số chung?

“Tạo ấn tượng cho người đối thoại” không phải là chuyện xa lạ trong chính trị. Trong giới ngoại giao quốc tế, các món trang trí nội thất thường được sử dụng như công cụ tạo ấn tượng hớp hồn, hoặc tạo cảm tình thuận lợi, hoặc có thể là hù dọa.

Trong một bộ phim James Bond, điệp viên thượng thặng của Anh được thủ lĩnh phe gian ác mời đến gặp trong một căn phòng có các bức tường bằng kính là những hồ cá có những con cá mập nhe răng lởm chởm nhọn hoắt đang tung tăng đập đuôi đùng đùng vào mặt kính. 

Muammar Gaddafi thường tổ chức các cuộc họp với các nhà lãnh đạo khác trong một căn lều to lớn đầy màu sắc, có lẽ muốn nhắc nhở cho khách về nguồn gốc Bedouin khiêm tốn của ông. Cố lãnh đạo của Lybia đã đi khắp thế giới với chiếc lều khổng lồ của mình, trong đó có khu vườn Villa Doria Pamphili ở Rome và cơ ngơi của doanh nhân Donald Trump ở ngoại ô thành phố New York.

Mahathir Mohamad của Malaysia cũng có một văn phòng ấn tượng với một chiếc bàn lớn hoành tráng, và mặc dù chiếc bàn này có thể có những lý do khác, nhưng có một lý do được loan truyền chắc chắn rằng ông thường đánh một giấc trưa dưới gầm.

Kim Jong-un của Triều Tiên thường tiếp khách trong căn phòng bao quanh là những tủ sách nặng chình chịch, số lượng sách sánh ngang một thư viện nhỏ.

Trong thời kỳ đại dịch, mỗi khi Tập Cận Bình của Trung Quốc cần nói chuyện với khách qua video, thì phía sau ông là bức tranh hùng vĩ của Vạn Lý Trường Thành.

Và với Nông Đức Mạnh, không ai còn lạ gì với những chiếc ghế sơn son thiếp vàng mà các bậc vua chúa ngày xưa chưa chắc gì đã sắm nổi. Chỗ tiếp khách như muốn nhắc cho khách biết họ đang bước vào một cung điện hoàng gia, thay vì là một căn nhà tầm thường của một nông dân chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì, suốt đời chỉ biết lo sao cho hai bộ phận trong cơ thể được chắc và bền.

Trở lại với Putin và Macron, có tin nói rằng hai người ngồi xa nhau vì Putin sợ dính Covid-19, còn Macron không chịu cho người Nga xét nghiệm PCR Covid-19 vì Pháp không muốn Nga có dịp truy cập vào DNA của Macron.

Hai nguồn tin am hiểu về quy trình chăm sóc sức khỏe cho tổng thống Pháp nói với Reuters rằng Macron đã được lựa chọn: hoặc chấp nhận xét nghiệm PCR do người Nga thực hiện và được phép đến gần Putin, hoặc từ chối và phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Một trong hai nguồn tin nói với Reuters rằng Pháp không thể chấp nhận việc Nga có được DNA của tổng thống, Pháp có những lo ngại về an ninh nếu nhà lãnh đạo Pháp được các bác sĩ Nga kiểm tra. 

Một nguồn tin thứ hai trong đoàn tùy tùng của Macron cho biết trước khi khởi hành Đến Nga, Tổng thống Pháp đã làm xét nghiệm PCR của Pháp và khi đến Nga, ông cũng được bác sĩ riêng của mình xét nghiệm corona trước khi gặp Putin. Không có lý do gì người Nga được đụng vào người của Macron.

Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin xác nhận rằng Tổng thống Macron đã từ chối kiểm tra và Nga không có vấn đề gì với chuyện này, nhưng điều đó có nghĩa là cần phải có khoảng cách 6 mét với ông Putin để bảo vệ sức khỏe của nhà lãnh đạo Điện Kremlin. “Không có động cơ chính trị trong chuyện này, không ảnh hưởng vào cuộc đàm phán dưới bất kỳ hình thức nào“, Peskov nói.

Khi được hỏi cụ thể về hành vi trộm cắp DNA, văn phòng của Macron cho biết: “Tổng thống có các bác sĩ xác định với ông những quy tắc có thể chấp nhận hoặc không về quy trình kiểm tra sức khỏe riêng.”

Ba ngày sau khi Macron và Putin có cuộc gặp giãn cách xã hội, nhà lãnh đạo Nga đã tiếp Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống của Kazakhstan. Hai người bắt tay, ngồi gần nhau, chỉ cách nhau một chiếc bàn nhỏ để kê tách trà hoặc cà phê.

Chiếc bàn 6 mét không phải là lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc gặp Putin-Macron. Trước đó một tuần, ngày 1 tháng 2, cuộc gặp giữa Putin với Viktor Orbán, Thủ tướng của Hungary cũng diễn ra trên chiếc bàn tương tự, và tờ The Guardian suy đoán rằng  Orbán không chịu cách ly trước khi gặp Putin, một yêu cầu bắt buộc đối với các quan chức Nga khi gặp trực tiếp với Putin.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng ngồi cách xa giống như Macron trong khi gặp Putin. Khoảng cách của Lavrov có thể là do trước đó 10 ngày, ông đã gặp Ngoại trưởng Anh Liz Truss, và bà này sau đó có kết quả dương tính với Covid-19.

Nhưng Putin không giữ tất cả các nhà lãnh đạo ở một khoảng cách quá xa. Ông đứng rất gần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp nhân dịp có Thế vận hội mùa Đông, khiến một số người cho rằng quyết định chọn ai là người có khoảng cách là một quyết định riêng của Putin, không liên quan gì đến Covid-19, mà chỉ muốn cho thiên hạ thấy ông thân với ai, người nào được ông xem là bạn, người nào không.

Cho đến giờ này, chưa ai biết chính xác tại sao có người ở xa, có người ở gần khi gặp Putin. Có thể là vì Covid, có thể chỉ là một show diễn, có thể là cách thể hiện một điều gì đó…

Putin có những bí mật riêng, giống như trị giá tài sản của ông. Tài sản của lãnh đạo các nước chuyên chính, độc tài toàn trị được xem là một bí mật quốc gia, không thể công khai vì đó thuộc về quyền riêng tư của con người, một phần của nhân quyền. 

Các nước này nói rằng họ luôn luôn tôn trọng nhân quyền, những kẻ mà thế giới nói rằng bị họ bỏ tù vì kêu gọi nhân quyền đều là những kẻ gây rối trật tự, những kẻ phạm tội lợi dụng quyền tự do dân chủ. Nhân quyền chủ yếu là có đủ ăn đủ mặc, được tôn trọng quyền riêng tư, ví dụ lãnh đạo không cần phải kê khai tài sản.

Có người nói người giàu nhất thế giới bây giờ không phải là Vin Vượng, không phải là ông chủ Tesla, ông chủ Amazon, mà chính là ông chủ Điện Kremlin hiện nay. 

Châu Quang
Nguồn : Đàn Chim Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn