Phiên xử phúc thẩm bà Cấn Thị Thêu và con trai bà Trịnh Bá Tư diễn ra đúng hôm Chúa Giáng sinh, 24/12/2021. Toà đã tuyên y án sơ thẩm với mức hình phạt từ 8 năm tù giam và 3 năm quản chế với bà Cấn Thị Thêu và con trai út là ông Trịnh Bá Tư. Trong khi, trước đó ít ngày, một người con khác của bà Thêu là Trịnh Bá Phương bị án 10 năm tù giam.
Có 4 luật sư tham gia bào chữa, gồm LS Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Lê Văn Luân và Phạm Lệ Quyên. Dưới đây là ghi nhận của 2 trong số các luật sư tham gia biện hộ cho gia đình bà Thêu.
Luật sư Đặng Đình Mạnh
Gia đình bà CẤN THỊ THÊU đến trụ sở tòa án, nhưng được lực lượng bảo vệ đưa đến trung tâm y tế phường Thị Lang chờ kết thúc phiên tòa.
Bà CẤN THỊ THÊU & ông TRỊNH BÁ TƯ trông sức khỏe rất ổn tại phiên tòa.
Trong quá trình điều tra và trong cả 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thâm, bà CẤN THỊ THÊU & ông TRỊNH BÁ TƯ vẫn nhất quán bác bỏ quan điểm truy tố cho rằng mình có tội.
Trong phần nêu quan điểm, vị công tố đã đề nghị y án sơ thẩm với mức hình phạt từ 8 năm tù giam + 3 năm quản chế.
Các luật sư nhường cho hai thân chủ tự bào chữa trước. Theo đó, bà CẤN THỊ THÊU & ông TRỊNH BÁ TƯ đã có phần tự bào chữa mạnh mẽ, nêu tranh luận một loạt vấn đề một cách trực diện, thẳng thắn với những từ ngữ ít được nghe từ trong nước.
Chia sẻ quan điểm với thân chủ của mình, các luật sư đã trình bày hàng loạt phân tích về sự vi phạm thủ tục tố tụng hình sự, cùng với việc đánh giá chứng cứ theo hồ sơ vụ án. Theo đó, thống nhất quan điểm kết luận cho rằng thân chủ của mình không phạm tội, yêu cầu trả tự do cho thân chủ ngay tại tòa. Đồng thời, đề nghị tòa án kiến nghị với tổ chức đảng và cơ quan lập pháp xem xét về sự tồn tại của điều 117 trong Bộ luật Hình sự và điều chỉnh lại chính sách giải tỏa nhà đất vốn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân phát sinh nên vụ án.
Kết thúc buổi làm việc sáng, hội đồng xét xử thông báo trở lại làm việc vào lúc 14h00 chiều để bắt đầu phần đối đáp.
14h00 chiều, mở đầu buổi làm việc, vị đại diện VKS đối đáp ngắn ngủi trong vài câu, gồm : Các vấn đề về thủ tục tố tụng do hội đồng xét xử xem xét, về nội dung, VKS cho rằng việc truy tố và xét xử sơ thẩm là có cơ sở. Trong đó, đại diện VKS ghi nhận một phần nguyên nhân phát sinh vụ án là do sự bức xúc của bà CẤN THỊ THÊU & ông TRỊNH BÁ TƯ trong vấn đề khiếu kiện nhà đất bị đền bù giải tỏa chưa thỏa đáng, nhưng đã chọn phương pháp đấu tranh vi phạm pháp luật.
Tiếp lời, chủ tọa phiên tòa thông báo kết thúc phần tranh luận trong sự ngỡ ngàng của các luật sư và giải thích rằng không cần thiết phải cho đối đáp, tranh luận nữa.
LS Đặng Đình Mạnh và kế tiếp, LS Ngô Anh Tuấn đứng lên phản đối vì bị cắt bỏ phần đối đáp của các luật sư và bị cáo.
Chủ tọa buộc các luật sư ngồi xuống và tuyên bố chuyển sang phần bị cáo nói lời sau cùng.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử công bố bản án tuyên y án sơ thẩm với mức hình phạt từ 8 năm tù giam + 3 năm quản chế cho bà CẤN THỊ THÊU & ông TRỊNH BÁ TƯ.
Những lời tuyên sau cùng của chủ tọa phiên tòa chìm đi trong tiếng hô “Đả đảo…” liên tục của cả bà CẤN THỊ THÊU & ông TRỊNH BÁ TƯ.
Phiên tòa kết thúc vào lúc 16h05′ cùng ngày (24/12/2021).
Luật sư Ngô Anh Tuấn
Những điều đọng lại sau vụ án của hai mẹ con bà Cấn Thị Thêu
Những điểm sáng
– Phiên toà tổ chức chặt chẽ, an ninh đông nghịt nhưng mọi người rất thân thiện, dễ mến hơn rất nhiều so với những nơi khác.
– Trong suốt quá trình diễn ra vụ án, luật sư và các thân chủ được tiếp xúc, trao đổi với nhau mà không gặp bất cứ sự cản trở nào. Trong khi chờ HĐXX nghị án, tuyên án, bà Thêu được trao đổi riêng với luật sư và được cho xem hình ảnh cháu nội…
– Phiên toà, đặc biệt là buổi sáng, vị chủ toạ phiên toà tôn trọng và cho phép các bị cáo được quyền trình bày mà không giới hạn “vùng cấm”, đây là điều mà ít có phiên toà tương tự có được.
– Phiên toà nhiều lúc căng thẳng nhưng vẫn có những phút thoải mái, thân thiện pha lẫn tiếng cười của bị cáo và HĐXX.
Những nốt trầm
– Toà không trang bị máy tính và các thiết bị điện tử cho các luật sư làm việc dù được đề nghị nhiều lần; điều này khiến việc ghi chép các nội dung diễn biến phiên toà của các luật sư là vô cùng khó khăn.
– Phiên toà xét xử “chay”, chỉ duy nhất có mặt 2 bị cáo, không người làm chứng, không người giám định, không đưa ra hoặc trình chiếu các chứng cứ, chứng minh buộc, gỡ tội của các bị cáo…
– Càng về cuối buổi xét xử, HĐXX càng mất kiên nhẫn với các bị cáo và cả các luật sư khiến phiên toà diễn biến theo hướng tiêu cực, căng thẳng hơn:
+ Chủ toạ liên tục cắt lời khi bị cáo đang trình bày lời bào chữa;
+ Chủ tọa cắt giữa chừng lời nói cuối cùng của các bị cáo;
Những điều này khiến bà Thêu bức xúc nói những câu nói giống nội dung đã nói tại phiên toà sơ thẩm là “nếu không cho tôi nói, hãy tìm cách bịt miệng tôi lại và ném luôn bản án bỏ túi của các vị ra luôn đi…”.
+ Chủ toạ nhắc nhở theo kiểu “nắn gân” luật sư khiến tôi phải “nắn gân” lại thì mới thôi;
+ Chủ toạ không cho luật sư đối đáp rồi tự khẳng định luật sư đã không yêu cầu đối đáp khiến luật sư Đặng Đình Mạnh và tôi phải liên tục phải đối nhưng bất thành.
– Kiểm sát viên hoàn toàn không tranh luận với bất kỳ một luận cứ bào chữa nào của các bị cáo và luật sư của họ mà không bị HĐXX nhắc nhở dù các bị cáo và các luật sư đứng lên phản đối kịch liệt. Có lẽ các vị thẩm phán cũng đã bị “nhắc nhở” khi mà trước đó họ đã cho các bị cáo “nói quá nhiều” và đề cập nhiều vấn đề được xem là nhạy cảm.
Như vậy, dù có không ít điểm sáng nhưng nốt trầm lặng nhiều hơn; điểm trừ nhiều hơn điểm cọng nên những hy vọng về sự khách quan, công minh, đi đến tận cùng sự thật để đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định của Bộ luật hình sự trong những vụ án có màu sắc chính trị vẫn là điều vô cùng mong manh, xa vời với chúng ta. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn mong mỏi rằng thực trạng ấy sẽ phải thay đổi dần và đất nước sẽ vẫn phải tiến về phía nhiều ánh sáng…
Theo BBC, Facebook
Gửi ý kiến của bạn