BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhân ngày giỗ Bùi Tín – Thư ngỏ gởi Đại tá Trần Nhung

04 Tháng Tám 20217:21 SA(Xem: 987)
Nhân ngày giỗ Bùi Tín – Thư ngỏ gởi Đại tá Trần Nhung
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Thưa đại tá:

Bắt đầu lá thư này, xin phép ông cho tôi kể câu chuyện vặt. Ngày nọ chuẩn bị mua nhà, tôi cần nhiều giấy tờ về thu nhập, tài khoản ngân hàng, và danh tính cá nhân. Khi sử dụng photocopier ở sở làm, tôi sơ xuất bỏ quên những tài liệu riêng tư tại bàn máy. Một đồng nghiệp tới sau sử dụng máy, thấy giấy tờ có tên tôi, ông lẳng lặng bỏ vào một phong bì, đặt lên bàn tôi. Đồng nghiệp của tôi đã hành động vừa hợp pháp, vừa hợp đạo đức.

Bùi Tín “để quên hòm sách và sổ tay ghi chép” ở phòng của ông đã lâu rồi. Bùi Tín qua đời đã ba năm. Nay ông công bố thông tin riêng tư của Bùi Tín trên mạng xã hội. Thưa đại tá Trần Nhung, nếu tôi không lầm thì ông là người vừa có dấu hiệu phạm tội, vừa thiếu đạo đức.

Chốn riêng tư là nơi trú ngụ cuối cùng của một kiếp người được luật pháp bảo vệ và những chuẩn mực đạo đức tôn trọng. Đó là tôi chưa bàn tới hoạt cảnh Bùi Tín “để quên hòm sách và sổ ghi chép” đã được ông hư cấu.

Bùi Tín và John McCain sau phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ
Bùi Tín và John McCain sau phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ


Bùi Tín là một phóng viên, và là phóng viên chiến trường. Ông có mặt ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 nhận sự đầu hàng của vị Tổng thống cuối cùng của Nam Việt Nam. Bốn năm sau, lại Bùi Tín có mặt ở Hoàng Cung, ngày 7/1/1979 khi quân đội Việt Nam lao vào Phnom Penh lật đổ Khmer Đỏ. Nhà báo lừng danh Nayan Chand, phóng viên thường trú tại Sài Gòn từ năm 1974 của tuần báo Kinh tế Viễn đông (Far Eastern Economic Review) có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 và còn ở lại Đông Dương nhiều năm sau đó, đã cùng quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh ngày 7/1/1979, đã viết lại tường tận chuyện này.

Thế nhưng trong bài, ông viết rằng Bùi Tín “tham gia quân đội nhưng ông không phải ra trận hay giao công việc khó khăn vất vả mà ở tuyến sau nên lành lặn qua các cuộc chiến tranh.”

Thưa ông, Võ Nguyên Giáp chưa bắn một viên đạn, chưa có một ngày làm lính, nhảy thẳng lên đại tướng thì sao? Trong lịch sử quân sự của nhân loại đã có tướng bốn sao nào không qua một ngày làm lính, hay một trận chiến. Trận Điện Biên Phủ, tướng Giáp nấp trong hầm chỉ huy, cách mặt trận 12 cây số. Trận Mậu Thân, tướng Giáp qua Hungary chữa bệnh. Thế nhưng, tướng Giáp không những “lành lặn qua các cuộc triến tranh”, mà còn thụ hưởng mọi tột đỉnh vinh quang của người chiến thắng.

Nguyễn Chí Vịnh, lật nóc nhà, nhảy vào kho hậu cần của Đại học Kỹ thuật Quân sự ở Vĩnh Yên, ăn cắp quân trang mang ra chợ bán, lấy tiền mua thuốc lá hút. Hiệu trưởng Đặng Quốc Bảo đuổi Nguyễn Chí Vịnh ra khỏi trường, không đủ tư cách sĩ quan, nhưng Nguyễn Chí Vịnh đã lên đến thượng tướng. Những chuyện này thiết tưởng đáng nói, đáng bàn cãi, đáng mổ xẻ hơn nhiều chuyện Bùi Tín “lành lặn qua các cuộc chiến tranh.”

Thưa đại tá Trần Nhung:

Trong bài ông có viết “Việt kiều chân chính thì khinh miệt” Bùi Tín. Ông định nghĩa thế nào là “Việt kiều chân chính”? Tôi, một người Việt định cư tại Canada, đi làm, mua nhà, nuôi con, đóng thuế, giúp người neo đơn trong cộng đồng, không vi phạm luật pháp, gởi tiền về Việt Nam giúp thân nhân, và cổ xuý cho quá trình dân chủ ở Việt Nam. Vậy theo ông thì tôi có “chân chính” không? Thế nhưng, chính quyền mà ông đang phụng sự lại nhìn tôi là người không chân chính.

Tôi không thấy “Việt kiều chân chính” nào khinh miệt Bùi Tín cả. Tôi còn thấy Bùi Diễm, nguyên Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, tác giả cuốn sách “Gọng kìm lịch sử” (The Jaws of History) trò chuyện, tranh luận, ăn uống với Bùi Tín như những người bạn tâm giao. Tất nhiên, có những người phản đối Bùi Tín, nhưng đó là bình thường, là lành mạnh, là hợp pháp trong một xã hội đa nguyên.

Ở phần cuối bài, ông bảo Bùi Tín “chết trong cô đơn”. Thưa ông, Bùi Tín đã dấn thân cho lý tưởng thì việc chết trong im lặng hay ồn ào có xá gì? Hơn nữa, Bùi Tín được hưởng mọi khả năng chăm sóc tốt nhất cả về tài chính và y tế của Cộng hòa Pháp, không có một sự phân biệt đối xử nào.

Thưa đại tá Trần Nhung! Ngày Bùi Tín chết, nhiều nhà báo lớn của nhân loại viết về Bùi Tín với ngôn từ trọng thị, công bằng, khách quan. Những tờ báo lừng danh, những hãng truyền thông uy tín nhất hành tinh, bằng nhiều ngôn ngữ đăng tải bài viết và hình ảnh về Bùi Tín. Tôi chưa thấy các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đương đại nào qua đời được truyền thông thế giới quan tâm nhiều như vậy.

Chỉ những người với trái tim của thù hận, nhỏ nhen, hẹp hòi, suy diễn, chụp mũ, và gán ghép thì Bùi Tín chết trong “cô đơn”. Những người còn lại thì thấy Bùi Tín đã hoàn thành sứ mệnh của một kiếp người. Ông ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, giản dị, không thừa thãi, không đắt đỏ, không hào nhoáng, không nhiêu khê, không ngớ ngẩn, không màu mè đến mức vô đạo đức của những tên quan, tên tướng vừa giáo điều, vừa trưởng giả vừa phong kiến điếu văn nổ vang trời, vòng hoa sặc sỡ, cờ xí lòe loẹt, đền đài, lăng tẩm, miếu mạo, lát đá hoa cương chiếm dụng cả ngọn đồi, hay hàng chục hecta đất.

Ông còn viết lúc Bùi Tín “lâm trọng bệnh, một góa phụ Pháp chăm lo và được ông ủy thác lo mai táng”.

Thưa ông Trần Nhung, “góa phụ Pháp” mà ông đề cập đến, là chị Tường An Ca Dao, một công dân Pháp gốc Việt, một phóng viên làm cho nhiều tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại. Chị định cư tại Paris, Pháp quốc. Ông không biết hay giả vờ không biết, cố dựng lên một nhân vật “Góa phụ Pháp” để ném bột hồ tiêu vào mắt những độc giả tò mò. Chị Ca Dao là đồng hương, đồng nghiệp của Bùi Tín. Chị ở bậc cháu con. Chị đại diện cho những người bạn của Bùi Tín ở xa. Chị làm những gì có thể, trước giờ phút cuối cùng của một đời người với cả tấm lòng trong sáng, nhân bản, theo truyền thống Việt Nam nghĩa tử là nghĩa tận. Xin ông bớt tung hỏa mù, bớt hư cấu, bớt gieo lời thị phi cho người đã khuất.

Bùi Tín ra đi ở tuổi 90, thanh thản nhẹ nhàng. Ông đã thu xếp mọi chuyện chu đáo, không để lại những khổ đau, lộn xộn, bừa bãi, cãi cọ, kiện cáo, hay tai tiếng.

Bùi Tín rất ân hận đã nặng lời với Tổng thống Dương Văn Minh vào trưa 30/4/1975 tại phòng Khánh tiết, Dinh Độc Lập. Ông bảo ngày ông gia nhập Đảng CS Việt Nam với hoài bão “đáp lời sông núi” mang lại độc lập tự do cho Việt Nam. Giờ đây, Việt Nam không có độc lập, mà cũng chẳng tự do. Lý tưởng đã bị phản bội. Cuộc cách mạng đã bị đánh tráo. Việc gì phải đi tìm danh hão đó nữa. Hãy để cho thiên hạ tranh giành ơn mưa móc.

Các người con của Bùi Tín không ai đưa ra bằng chứng kiểu “Ba tôi kể…Ba tôi nói… Ba tôi tâm sự…Đài nào thì tôi không còn nhớ nữa…” Những người bạn của Bùi Tín cũng tạm thời im tiếng trước những âm mưu ngụy tạo lịch sử, thao túng lịch sử, và tiêu diệt lịch sử đã thấm vào ADN của người cộng sản.

Thưa đại tá Trần Nhung:

Lại đến ngày giỗ Bùi Tín, không biết vô tình hay cố ý ông đã cho đăng trên mạng xã hội bài “Ông Bùi Tín (1927-2018) -nhà bất đồng chính kiến”. Phần lớn nội dung trong bài lại là những tình tiết đời tư không được kiểm chứng để bôi nhọ hình ảnh “nhà bất đồng chính kiến” mà ông vừa phong tặng.

Bùi Tín không thể là Phan Đình Diệu, rất khác với Trần Xuân Bách, càng khác với Trần Độ, Nguyên Ngọc, hay Nguyễn Cơ Thạch. Không ai có quyền bắt Bùi Tín phải giống người khác. Với Bùi Tín, tự do biểu đạt là thiêng liêng. Bùi Tín dấn thân trọn chốn lưu đày, để được tự do tư tưởng, tự do viết lách, tự do phát biểu. Bùi Tín con trai của vị Thượng thư Bộ Hình lừng danh trong triều đình Huế, mang quân hàm đại tá, nhưng hưởng phẩm hàm trung tướng, quyền cao chức trọng, nhưng ông đã từ bỏ tất cả, cùng hàng triệu người Việt khác quyết “Đất xa trọn chốn lưu đày” không cam chịu cảnh chim lồng cá chậu.

Thưa ông Trần Nhung,

Cả ông và tôi cũng chỉ còn lại một mẩu nhỏ của thời gian. Chúng ta đang đối mặt với ngày cuối cùng, cuộc hành trình cuối cùng tới chốn vô cùng. Tạm xếp chuyện cũ lại, đốt cho Bùi Tín nén nhang lòng. Lịch sử sẽ phán xét chúng ta.

Chiến tranh đã qua lâu rồi mà sao chúng ta vẫn rất cần chiến thắng. Chúng ta có đội bóng đá chỉ biết yêu chiến thắng, những khán giả háo thắng, số tiền thưởng nóng khổng lồ, và quen với lời tâng bốc “được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.” Nhưng chúng ta thiếu hẳn một đội ngũ những nhà vắc-xin học, vi sinh học, dịch tễ học, lâm sàng học, và nhất là đạo đức học tầm cỡ để chặn đứng đại dịch Virus Vũ Hán.

Nhìn con cháu chúng ta đổ xuống đường đi bão thâu đêm, cuồng loạn, si mê ăn mừng chiến thắng một trận cầu, và hôm nay cũng chính họ đang bồng bế nhau tháo chạy khỏi Sài Gòn trong sợ hãi, trong tuyệt vọng, trong đói khát, trong đau khổ đến khôn cùng. Liệu ông còn chút xót thương?

Kính thư

Queen East, Toronto, Canada

Đầu tháng Tám, 2021

Bình Nguyên
Nguồn : Đàn Chim Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn