BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những thằng con của má nuôi

20 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1692)
Những thằng con của má nuôi
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Chúng mang dáng dấp của người nhà quê thật thà, chất phác. Nhìn thật kỹ xem có biểu hiện một chút gì của kẻ giết người hay không. Tuyệt nhiên không. Chỉ thấy cái mặt hơi đần độn, thế thôi. Vậy mà chúng có thể cầm súng nhắm vào đầu người khác, bóp cò dễ như bắn một con chim. Không run tay, không đắn đo ngại ngùng.

Hồi xưa, trong muôn người mới chọn được vài người làm đao phủ thủ trên pháp trường. Kẻ yếu bóng vía dễ bị xúc động trước cảnh đầu rơi máu đổ, chỉ sau vài lần cầm đao là tinh thần khủng hoảng, chân tay lập cập chẳng làm nên cơm cháo gì. Lý tưởng nhất để được chọn làm đao phủ thủ, cái mặt phải trơ trơ vô cảm của người có máu lạnh. Chém người như chém chuối. Chém làm sao cho ngọt. Đầu tử tội rơi xuống đất, mi mắt vẫn còn chớp chớp và tròng mắt còn liếc qua liếc lại. Hoặc ngoạn mục hơn, chém còn dính lại một chút da trên cổ treo cái đầu lủng lẳng không rơi xuống đất, Nguyễn Tuân gọi là chém treo ngành. Dù chém đầu rơi xuống đất hay chém treo ngành, cả hai trường hợp, đao phủ thủ đều phải luyện tay nghề. Đường đao phải nhanh như chớp, chính xác trong đường tơ kẽ tóc. Lia một phát là xong ngay. Vào thời Pôn Pôt lộng hành ở Campuchia, người ta còn sáng tạo ra cách giết người lạ lùng như một trò chơi thú vị. Trùm bao nylon vào đầu nạn nhân, buộc kín ngang cổ. Nạn nhân giãy giụa, và thở đến chừng nào hết dưỡng khí trong bao nylon thì hết thở.

Ngày nay, các xứ văn minh cho rằng hành quyết theo những kiểu nói trên là man rợ. Người ta nghĩ ra cách giết sao cho có vẻ nhân đạo. Chích một liều thuốc độc cực mạnh, hoặc cho lên ngồi ghế điện. Chết kiểu này êm. Trăm lần như một, bảo đảm an toàn... cho tử tội.

Nhưng hành quyết theo kiểu cũ và mới đều phải qua nhiều thủ tục rườm rà rắc rối. Có những kiểu hành quyết khác, gọn và dễ như cắt cổ gà. Trong bọn chúng, tên nào cũng làm được. Chỉ cần nâng súng lên, nhắm từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi làm thành một đường thẳng đến cái đầu người khác. Cứ thế mà bóp cò từng phát một. Nhiều khi cũng không cần phải nhắm chính xác. Hướng họng súng về phía mục tiêu, siết cò cho đạn nổ liên thanh. Dù xạ thủ tồi cũng được vài viên trúng đích. Điều đáng nói ở đây là tâm trạng người bắn. Chúng tỉnh bơ. Sau khi thi hành công tác trong đêm, chúng về phòng nấu nước sôi cho vào gói mì ăn liền. Ăn xong, thản nhiên đi ngủ. Không phải chúng là những thằng ác ôn quen thói giết người. Như đã nói, trông chúng hiền lành chất phác, tuy có hơi đần độn một chút.

Sau mùa Xân năm Ất Mão, nhà tù mọc lên như nấm nhưng vẫn không đủ chỗ nhốt tù. Người ta phải trưng dụng cả những cơ sở của chế độ cũ làm nơi giam giữ. Điển hình là trại gia binh Sư Đoàn 18 ở Long Giao, chứa ngót nghét cũng trên ba ngàn tù. Vốn không phải trại tù, trước kia hàng rào được dựng lên để làm ranh giới giữa trong và ngoài. Muốn vượt ra ngoài cũng dễ, nhưng thời gian đầu ít ai nghĩ chuyện đó. Học tập mươi bữa nửa tháng, hoặc lâu lắm là vài ba tháng rồi cũng về. Trốn học tập làm gì cho thêm phiền phức? Lúc ấy, người ta chưa nói đến hai tiếng cải tạo. Nhưng nếu xác định là cải tạo thì cũng đâu có sao. Từ điển tiếng Việt giải thích rõ ràng, cải tạo là sửa đổi và xây dựng lại cho tốt đẹp hơn. Ai lại không muốn làm người tốt? Yên trí. Học tập hay cải tạo cũng thế thôi. Vậy mà vẫn có người không chịu học tập tốt.

Một bữa đẹp trời, có anh vác ba lô lững thững đi ra cổng trại.

Lính gác giữ lại, hỏi: "Anh đi đâu?"

Anh trả lời một cách rất tự nhiên: "Nhớ nhà quá, muốn về thăm vợ con vài bữa rồi trở lại học tiếp."

"Đứng chờ đấy. Tôi sẽ hỏi ý kiến cấp trên."

Năm phút sau, một toán vệ binh xách súng rầm rập chạy tới, đưa "anh nhớ nhà" vào conex.

Hai ngày sau, cả trại có lệnh lên hội trường đề nghị biện pháp xử phạt "anh nhớ nhà". Anh đứng riêng một mình trên bục cao, có vẻ bỡ ngỡ. Các đội trưởng đại diện anh em trong đội đưa lên đề nghị.

"Đánh cảnh cáo 10 roi."

"Nhốt conex nửa tháng."

"Bắt hốt cầu tiêu một tuần lễ."

"Phạt nhổ cỏ trên sân ban chỉ huy 5 ngày."

Còn nhiều đề nghị khác nữa. Tất cả đều có tính cách "giỡn chơi".

Và sau cùng là tuyên bố của cán bộ trại trưởng: "Tập thể các anh bị Mỹ ngụy đào tạo làm tay sai, thành người mất nhân tính. Những đề nghị của các anh nhằm gây đau khổ, chà đạp phẩm giá con người. Chúng tôi không chấp nhận điều đó. Anh x không chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại thì nhẹ nhàng giáo dục cho anh ấy hiểu. Sao lại dùng hình phạt chứ? Tôi quyết định trả anh x về đội, các anh giải thích cho nhau và khuyên bảo anh ấy để từ nay không làm điều sai trái. Tôi lập lại lần nữa, quyết định trả anh x về đội của các anh."

Cán bộ trại trưởng dứt lời. Cả hội trường vỗ tay như sấm động.

Vác ba lô đàng hoàng đi ra cổng trại không xong. Một số người khác, ban đêm lén chui rào ra với xã hội bên ngoài. Cán bộ trại trưởng lại tập họp toàn trại lên hội trường, nói về chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng và nhà nước. Trong lúc say mê thuyết giảng, vô tình cán bộ quơ tay chỉ về hướng nghĩa địa bên ngoài hàng rào: "Đường này là đường cách mạng sẽ đưa các anh tới một tương lai tốt đẹp. Sao các anh không đi?" Và cán bộ chỉ tay ra phía cổng trại, "Kia là con đường khó khăn nhiều trắc trở hiểm nguy cho bản thân các anh. Tôi chỉ nói thế thôi, các anh tự suy nghĩ."

Hội trường nổi lên một trận cười ồn ào, vỗ tay náo nhiệt. Những lời thuyết giảng bỗng hoá ra khôi hài.

Một tuần lễ sau, có bà mẹ già từ Sài Gòn dẫn thằng con, vốn là thiếu úy chế độ cũ, lên Long Giao xin gặp cán bộ trại.

Bà nói: "Con tôi dại dột bỏ học nửa chừng. Tôi dẫn nó trở lại, xin các ông tha thứ và dạy dỗ nó nên người có ích cho nhân dân."

Cán bộ an ninh lễ phép: "Bác là người sáng suốt thông hiểu đường lối cách mạng. Chúng tôi ghi nhận công lao của bác đã tiếp tay với chúng tôi đưa những người lầm đường lạc lối về đây học tập tốt."

"Cám ơn các ông. Tôi tin tưởng cách mạng. Tương lai của con tôi, xin gởi vào cách mạng."

"Bổn phận chúng tôi là giáo dục và rèn luyện những phần tử xấu, có điều kiện hội nhập với xã hội mới. Bác cứ yên tâm."

Trước khi ra về, bà mẹ già nắm tay thằng con tha thiết dặn dò: "Con phải nghe lời cách mạng dạy dỗ, cố gắng học hành. Chừng nào mãn khoá học, má sẽ lên đón con về."

"Thôi, má về đi. Đừng lo lắng nghĩ ngợi gì về con nữa. Coi như xong rồi."

Nỗi buồn trầm thống hiện rõ trên nét mặt thằng con. Nó không khóc, nhưng thấy hình ảnh má nó nhoà đi và nó chép miệng như cố nuốt một vật gì đang nghẹn trong cổ. Bà mẹ già quay lưng gạt nước mắt, lầm lũi ra về. Cái dáng xiêu xiêu khuất ngoài cổng trại. Cán bộ an ninh không nói một lời, dẫn thằng con của bà tống vào conex, khoá lại.

Cũng trong ngày hôm ấy. Buổi chiều, công an Sài Gòn chở hai người lên trại Long Giao. Một người vượt trại về nhà, bị láng giềng tố giác. Một người vượt biên hụt, bị bắt nơi cửa biển Cần Giờ, lòi ra cái tội trốn đi từ trại Long Giao. Thêm hai người nữa vào conex.

Một dãy bốn cái conex đặt hàng ngang trong khu riêng biệt bên kia hàng rào. Ba cái đã có người. Cái còn trống cửa mở toang hoác như con quái vật đang há mồm chờ đợi con mồi. Mỗi ngày hai lượt, vệ binh mang cơm cho ba người nằm trong conex. Khi nghe tiếng mở xích sắt khua loảng xoảng vào thành conex, những người tù bên này đứng nhón gót nhìn sang ba người anh em bị nhốt bên kia. Tất cả đều đi đứng bình thường, tuy có hơi yếu do nằm một chỗ thiếu vận động cơ thể.

Một đêm trăng hạ tuần nhoà nhạt hơi sương. Xuất phát từ ban chỉ huy trại, sáu người âm thầm đi về nơi có những cái conex. Người cầm đèn pin mở khoá dây xích kéo cánh cửa. Hai người khác bước vào dẫn người trong conex ra. Lần lượt, cả ba người trong conex đều được đưa ra ngoài.

Một người hỏi trong ngơ ngác: "Đi đâu vậy?"

Người cầm đèn pin nói: "Chuyển các anh về trại khác."

"Cho tôi lấy theo mùng mền quần áo."

"Sẽ có người mang đến cho các anh. Quy định là khi di chuyển phải im lặng. Nhớ đấy."

Nói xong, người cầm đèn pin móc hai chiếc còng số 8, còng cả ba người làm thành một dây người. Mỗi bên tay của người đứng giữa bị còng chung với tay người kế bên.

"Bây giờ đi nhé. Xe đang chờ ngoài kia."

Người cầm đèn pin, mang súng ngắn đi trước dẫn đường. Kế đến ba người bị còng tay. Và sau cùng là năm người cầm súng dài trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Họ mở lối đi tắt ngang hông trại, không theo trục lộ chính. Đi qua một khu gò đống lô nhô. Đây là khu chôn tù chết trong trại. Phần lớn là mả của những người xì ke ma tuý từ các nơi tập trung về Long Giao. Họ chết vì đói, vì thiếu thuốc, vì kiệt sức. Khỏi khu gò mả, tiếp đến bãi đất mọc đầy cỏ gấu và gai mắc cở. Họ lặng lẽ đi như những âm hồn vật vờ trong đêm sương giá. Qua bãi đất là đồn điền cao su. Trong thời chiến tranh ác liệt, đồn điền bỏ hoang đến nay vẫn chưa khai thác, mặc cho những loài cỏ cây tạp nhạp vươn lên và côn trùng rắn rít làm tổ. Tàn lá rậm trên những hàng cao su che khuất ánh trăng. Mặt đất tối om. Đèn pin dẫn đường loang loáng phía trước. Tiếng bước chân xào xạc trên những lá khô. Tiếng chim đêm bị động giật mình vỗ cánh bay đi. Tiếng chó tru văng vẳng ở những làng mạc xa xa, nghe như tiếng hú vọng về từ địa phủ. Đi gần hết đồn điền cao su, bỗng người đi đầu dừng lại, quay lui về phía sau soi đèn pin vào mặt ba người bị còng chung. Ánh sáng chói loà làm những đôi mắt nhíu lại che bớt luồng hào quang khó chịu, nhưng họ vẫn đứng yên thụ động. Và hết sức bất ngờ, năm họng súng khạc lửa. Đạn nổ liên thanh, đồng thời với tiếng kêu thảm khốc.

"-i, Trời ơi!"

"Má ơi!"

"C...h...ế...t..." Âm thanh hụt hẫng nghẹt trong cổ họng như heo bị thọc huyết.

Một người bị còng ngã vật xuống, kéo người khác ngã theo.

Sau vài giây ngắn ngủi, tiếng súng im bặt. Trời không có gió. Không gian chừng như nín thở. Người cầm đèn pin bước đến soi rõ những cái xác đầy máu me. Có một xác chân tay còn co giật. Người cầm đèn pin rút súng ngắn bồi thêm một phát vào màng tang. Cái xác giật nẩy lên rồi nằm im. Người cầm đèn pin tháo còng ra khỏi tay xác chết, dùng lá cao su chùi sạch vết máu trước khi bỏ còng vào túi xắc. Năm người kia dựng súng dài vào gốc cao su, nắm chân những xác chết lôi đến cái hố đã đào sẵn tự bao giờ. Ba xác vào chung một hố. Đất đào lên, bây giờ được lấp xuống bằng cuốc xẻng của kẻ đào hố để lại.

Người cầm đèn pin đứng dựa gốc cao su quẹt lửa hút thuốc. Ánh sáng bập bùng của que diêm soi tỏ mặt người: cán bộ an ninh.

Cán bộ an ninh vừa hút thuốc vừa soi đèn cho những người đang ra sức lấp hố.

"Nện cho chặt vào, lấp bằng mặt đất." Cán bộ an ninh nói.

Người cầm xẻng: "Bằng thế nào được? Đất còn thừa vẫn nhô lên."

Cán bộ an ninh đi lại dậm thử lên mô đất: "Thôi, thế cũng được. Thu cuốc xẻng. Về!"

Trên đường về, trăng khuya mờ đục lạnh tanh.

Lúc ngang qua khu gò mả, người mang súng dài nói nhỏ với người đi bên cạnh: "Có thằng chưa chết hẳn, mày ạ."

"Đã cho thêm một phát vào đầu, bố nó cũng không sống nổi."

"Không phải thằng đó. Thằng nằm giữa cơ."

"Sao?"

"Lúc tao nắm chân kéo đi, còn nghe hắn thở ò è như người bị suyển nặng."

"Thế à? Rồi sao?"

"Ném luôn xuống hố, chứ sao nữa?"

"Cũng xong thôi."

Khi về tới hàng rào trại, người mang súng dài hỏi bạn: "Mày còn mì gói không nhỉ?"

"Đói hả?"

"Ừ"

"Về phòng nấu tí nước sôi là có ngay."

"Hay thật. Mày vẫn dành được tiêu chuẩn."

"Đếch phải. Tiêu chuẩn hết từ lâu. Bữa trước ra nhà bà má nuôi, má tặng dăm gói mì cho thằng con giải phóng."

Lâm Chương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn