Diễn tiến lịch sử
Tác giả Phillip B. Davidson, nói trong một tác phẩm lớn của ông (1) như sau: ngày 7-5-1975 bản tin ABC chiều tối có chiếu cảnh các nhà lãnh đạo Băc Việt tổ chức mừng chiến thắng chiếm được miền Nam. Trên bục trước dinh Độc Lập tại Sài Gòn, Thủ tướng BV Phạm Văn Đồng chỉ vào Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội BV, Đồng nói “Đây là người đã tạo lên chiến thắng của chúng ta”. Tác giả Davidson, Trung tướng hồi hưu Mỹ đánh giá cao Võ Nguyên Giáp cho là ông này xứng đáng vì Giáp chỉ huy một trung đội có 34 người hồi năm 1944 mà tới 1972, 1973 nó đã trở thành đạo quân lớn thứ ba trên thế giới. Giáp chỉ huy chiến trận mấy chục năm, đánh bại người Pháp, miền nam VN và người Mỹ, lạ hơn nữa ông ta chẳng học qua trường quân sự nảo.
Nhiều nhà sử gia, chính khách Tây phương khen ngợi Việt Minh, Võ Nguyên Giáp có thiên tài đã tay không dựng nghiệp, nhưng họ quên rằng ai cung cấp cho Việt Minh những phương tiện ấy, ai đã huấn luyện dậy cho Võ Nguyên Giáp chiến lược du kích, chiến thuật đánh biển người? ai đã giúp cho CSVN 2 triệu 360 ngàn tấn vũ khí từ 1960-1975? (2). Chẳng lẽ họ quấy nước lã lên hồ, chẳng bao giờ từ không mà thành có, “hữu sinh ư vô”
Trước hết tôi xin nói sơ lược diễn tiến lịch sử 1945 và sự thành hình của Việt Minh (3): Thế chiến thứ hai kết thúc, quân Nhật đầu hàng đồng minh 15-8-1945, quân Anh đến giải giới quân Nhật dưới vĩ tuyến 16, Quốc dân đảng Trung Hoa giải giới Nhật phía trên vĩ tuyến 16.
Việt Minh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 19-8-1945, Hoàng đế Bảo Đại thoái vị ngày 25-8-1945, Hồ Chí Minh lãnh đạo thành lập chính phủ ngày 2-9-1945.
Quân Pháp từ Miến Điện tới Tân Sơn Nhất bằng máy bay ngày 11-9-1945, toán đầu gồm 300 người, họ chiếm các cơ sở quan trọng của Sài Gòn. Tới ngày 11-10-1945 quân từ Pháp đổ bộ vào Vũng Tầu và Sài Gòn gồm sư đoàn 9 bộ binh và một liên đoàn thiết giáp.
Thực dân chiếm miền nam VN từ 12-10-1945 tới 5-2-1946 , mới đầu họ giải tỏa các vùng phụ cận của Sài Gòn Chợ Lớn, chiếm Biên Hòa, Thủ Đầu Một rồi chiếm Mỹ Tho ngày 25-10-1945, Gò Công ngày 28, Vĩnh Long ngày 29, Cần Thơ ngày 30, Tây Ninh ngày 8-11, Nha Trang ngày 12-11, Ban Mê Thuột ngày 1-12, Sa Đéc, Long Xuyên ngày 9-1-1946, Châu Đốc, Hà Tiên ngày 20-1, Rạch Giá ngày 26-1, Cà Mâu ngày 5-2.
Từ tháng 10-1945 tới tháng 2-1946, Pháp đã chiếm xong miền Nam vì tại đây Việt Minh yếu hơn tại miền Bắc. Thực dân đã kiểm soát được Nam Việt, nam Trung Việt, Cao Nguyên, Miên và một phần của Lào, họ đã đưa vào Đông Dương 50,000 người (4), 7,400 xe cộ. Tổng kết thiệt hại của Pháp trong giai đoạn này là 630 người chết và mất tích và 1,030 người bị thương.
Ngày 8-1-1946 Pháp thương lượng với quân Tầu để được ra Bắc, họ cử Tướng Leclerc sang Trùng Khánh thương thuyết và sau đó họ điều đình với Việt Minh. Thỏa thuận xong Pháp đổ bộ Hải Phòng ngày 5-3-1946, hôm sau vào được Hải Phòng. Ngày 18-3-1946, Pháp vào Hà Nội, VM cho Pháp ra Bắc trước hết để đuổi Tầu về nước sau đó chỉ điểm cho Pháp tiêu diệt các đảng phái Quốc gia không CS.
Ngày 1-4-1946 quân Pháp thay quân Tầu, Việt Minh và Pháp thương thuyết tại Đà Lạt ngày 17-4-1946 và tại Fontainebleau ngày 6-7-1946 nhưng không có kết quả. Hai bên ngày càng găng nhau, Pháp chiếm Hải Phòng ngày 23-11-1946. Tối hôm 19-12-1946 Viêt Minh tấn công quân Pháp tại Hà Nội, trung đoàn Thủ đô chiến đấu anh dũng trong khi quân chính qui VM rut vào hậu phương, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Lực lượng VM năm 1946-1947 theo Davidson khoảng 60,000 (5), quân Pháp toàn quốc có 115,000, theo Bernard Fall tại BV Pháp có 15,000 quân, Việt Minh khoảng 40,000 quân, trên thực tế không rõ bao nhiêu là chính qui, bao nhiêu địa phương, du kích. Về trang bị trước đó họ được Mỹ giúp vũ khí để chống Nhật, họ mua được súng lậu của quân Tầu, quân Nhật sau khi đầu hàng theo Việt Minh và giúp đỡ họ về huấn luyện, súng đạn. VM tuy đông nhưng yếu hơn Pháp nên phải tháo chạy để bảo toàn lực lượng.
Pháp làm chủ Hà Nội, ngày 1-1-1947 họ chiếm Phủ Lý ngày 6-1, chiếm Quảng trị ngày 18-2, sau đó chiếm miền mỏ Hòn Gay, chiếm Sơn La, Lai Châu.
Hành quân diệt địch
Ngày 7-10-1947, Pháp mở cuộc hành quân Léa lên rừng núi Việt Bắc (6) , Trung tướng Salan chỉ huy tổng quát, lực lượng Việt Minh tại đây khoảng hơn 30,000 người. Pháp huy động 20 tiểu đoàn bộ binh và lính nhẩy dù có chiến xa yểm trợ. Chiến dịch gồm hai cánh quân: một từ Hà Nội theo sông Nhị Hà chiếm Sơn Tây, Hưng Hóa, Phủ Đoan Hùng; cánh thứ hai xuất phát từ Lạng Sơn theo Quốc lộ 4 chiếm Thất Khê, Đông Khê. Giữa hai gọng kìm là lính nhẩy dù chiếm Cao Bằng, Bắc Cạn, Chợ Chu, Thái Nguyên, Tuyên Quang ngày 13-10-1947. Ngoài ra còn những chiến dịch phụ từ Hà Nội tới Hòa Bình, tiến lên tây Bắc Việt tới Nghĩa Lộ, Yên bái tháng 9 và 10-1947. Từ Lai Châu chiếm Phong Thổ, Chapa ngày 21-10. Vài cánh quân từ Hải Phòng, Hải Dương tiến vào vùng Đông Triều, Yên Thế thượng.
Trong trận nhẩy dù xuống Bắc Kạn, Pháp đã bắt hụt Hồ Chí Minh (7). Theo Bernard Fall, tờ mờ sáng 7-10-1947, Liên đoàn không vận “S” gồm 1,137 người lính bất ngờ nhẩy dù xuống bộ chỉ huy Việt Minh tại Bắc Kạn, Chợ Mới và Chợ Đồn. Họ lấy được bức thư của Hồ Chí Minh mới viết xong chưa kịp ký, bắt được một ông bộ trưởng và các cố vấn Nhật, Đức quốc xã (những người Đức này hợp tác với Nhật trước đây nay trốn theo VM sợ đồng minh bắt xử tội). Hồ Chí Minh và các lãnh đạo đã trốn thoát. Các kho hàng rơi vào tay Pháp cùng với 200 con tin Pháp-Việt mà VM mang theo khi họ rút khỏi Hà Nội cuối năm 1946.
Phillip B. Davidson nói về giai thoại này: (8) chiến dịch Léa bắt đầu ngày 7-10-1947 bằng lính nhẩy dù xuống Bắc Cạn và vùng phụ cận, họ đã bỏ lỡ một chiền công rất lớn. Chiến dịch bằng không vận bất ngờ ngay tại bộ chỉ huy Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và bắt hụt hai người này trong gang tấc. Cả hai nhẩy vội xuống hầm có ngụy trang gần đó trong khi lính nhẩy dù Pháp lục soát các bụi cây xung quanh và trên đầu họ.
Hồ, Giáp may mắn thoát chết thể hiện định mệnh quốc gia, nó cũng như định mệnh con người đôi khi chỉ là sự tình cờ của số mệnh. Nếu quân Pháp bắt được hai ông này thì Việt Nam có thể thoát khỏi ba mươi năm khói lửa hay không? Nước Pháp và Mỹ có tránh được sự chia rẽ trầm trọng và mang tiếng bại trận không? Tiếc thay lịch sử không thể trả lời những giả thuyết ấy.
Người Pháp nói chiến dịch Léa đã gây thiệt hại nặng cho địch, khoảng 9,500 tên bị giết, các nhà sử gia Davidson, Bernard Fall không tin như vậy cho là phóng đại. Nhưng theo bài Opération Léa trên yahoo.fr thì chỉ có hơn 500 VM bị giết
Năm 1948 Pháp mở rộng chiếm đóng các trục giao thông, chiếm Quảng Yên, Kiến An, Hà Đông, Ninh Bình, Xuân Mai, Hòa Bình. Việt Minh quấy phá đánh du kích, gài mìn đánh công voa. Tại Cao Nguyên và Trung Việt tương đối yên tĩnh, Pháp không đủ quân nên đã để các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trong tay VM. Cuối năm 1948 VM thắng Pháp một số trận nhỏ như phục kích, đánh đồn.
Mùa hè năm 1949 Pháp hành quân vào vùng Phú Thọ, Tuyên Quang sau rút lui, đụng độ trên sông Lô Pháp bị tổn thất. Tháng 7-1949 Pháp chiếm Bắc Ninh nhưng chỉ còn là đống gạch vụn do VM tiêu thổ kháng chiến, Pháp chiếm Vĩnh Yên, Phúc Yên.
Những năm 1947, 1948, 1949 VM tháo chạy, Pháp truy kích ráo riết để tận diệt chủ lực địch. Như đã nói trên vũ khí của VM từ 1945 một phần do Mỹ cung cấp để chống Nhật, phần mua súng lậu của Tầu và được quân Nhật giúp sau khi đầu hàng nhưng dần dần cạn kiệt nhất là đạn dược. Mặc dù họ lập cơ xưởng tại Việt Bắc (do Nhật giúp) chế tạo lựu đạn, mìn, súng nhưng cũng chỉ là để sống qua ngày. Số phận của Việt Minh như cá nằm trên thớt, Pháp còn thiếu nhân lực nhưng họ sẽ đưa thêm quân từ trong Nam ra hoặc từ bên Pháp tới để tiêu diệt nốt đám tàn quân VM còn lại.
Gió đã đổi chiều
Một phép lạ đã cứu Việt Minh thoát chết, ấy là ngày 1-10-1949, Mao Trạch Đông chiếm được phần lớn Hoa Lục, tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, lấy Bắc Kinh làm Thủ đô. Cuối năm 1949 Hồng quân Tầu tiến sát biên giới Việt Hoa, Bernard Fall (9) nói khi Trung Cộng tới biên giới BV đã khép lại chương một cuộc chiến Đông Dương và Pháp hết hy vọng chiến thắng. Cựu Tư lệnh Navarre có nói: Cuối cùng khi Mao Trạch Đông chiến thắng và khi họ tiến tới biên giới BV đã mở ra một giai đoạn chiến tranh khác…..tất cả đều đổi thay, viện trợ của Tầu sẽ đem lại sức mạnh cho VM (10). Cuối năm 1949 Hồ Chí Minh ban hành lệnh tổng động viên vì thiếu quân, cạn nhân lực.
Không có ngày 1-10-1949 này Việt Minh chẳng bao giờ hy vọng sống còn, ngày họ cướp chính quyền 19-8-1945 và ngày Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập 2-9 cũng vứt đi hết, không nghĩa lý gì, chỉ nói cho vui thôi. Trên thực tế họ kỷ niệm rùm beng ngày Cách mạng tháng tám và ngày bác Hồ tuyên ngôn dựng nước 2-9 mà quên nhắc đến ngày 1-10-1949. Đây cũng chính là ngày khởi đầu cho sự kết thúc chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Sau khi tiến sát biên giới Việt Hoa cuối năm 1949, Trung Cộng viện trợ nhiều vũ khí đạn dược và huấn luyện cho VM, họ giúp thành lập hai sư đoàn đầu tiên 304 và 308. Kế đó lập thêm các sư đoàn bộ binh tiếp theo 312, 316, 320 và sư đoàn vũ khí nặng 351 năm 1950 và 1951 (11)
Có sức mạnh trong tay, Võ Nguyên Giáp quá lạc quan, tin tưởng sẽ đuổi Pháp ra khỏi đất nước cuối năm 1950 hay đầu năm 1951 (12) nhưng cuộc chiến còn kéo dài thêm 4 năm đẫm máu mới đem lại thắng lợi cho VM.
Từ 29-9 tới 7-10-1950 Việt Minh đánh thắng trận Cao-Bắc-Lạng, chiến thắng quan trọng đầu tiên của họ, trận đánh đã làm rung động cả nước Pháp, không ai ngờ VM mạnh đến thế. Tổn thất của Pháp quá nặng: trên 7,000 người chết và mất tích, 13 đại bác 105 ly, 125 súng cối, 480 quân xa, 3 chi đội thiết giáp, 940 đại liên, 1,200 trung liên, trên 8,000 súng trường kể cả trong kho, 1,300 tấn đạn dược (13). Với chiến lợi phẩm này VM có thể trang bị cho 5 trung đoàn bộ binh.
Đúng hai tháng sau, chính phủ Pháp cử dũng Tướng bốn sao De lattre sang Đông Dương để đối phó với tình thế nghiêm trọng. De Lattre đánh thắng Việt Minh nhiều trận lớn và qui mô như Vĩnh Yên, Mạo Khê, Bờ Sông Đáy. Ông ta chuyển bại thành thắng, gây thiệt hại nặng cho đối phương. De Lattre làm Tư Lệnh Đông Dương được gần một năm thì bị bệnh nặng được đưa về Pháp rồi mất tháng 1-1952.
Trung tướng Salan lên thay De Lattre, ông lãnh đạo cuộc chiến cho tới giữa năm 1953 rồi bàn giao cho Đại tướng Henri Navarre. Nhờ viện trợ quân sự ồ ạt của Trung Cộng VM ngày càng mạnh hơn Pháp và làm chủ chiến trường. Quân lưu động của VM tương đương 9 sư đoàn trong khi lực lượng Pháp chỉ bằng 1/3 địch (14). Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7-5-1954, quân Pháp thảm bại, chế độ thực dân chầm hết tại Đông Dương.
Pháp cũng được Mỹ giúp đỡ viện trợ bắt đầu từ 1950, 1951 nhưng mới đầu chỉ giúp về tiếp liệu, kinh tế, quân dụng và có giới hạn, từ 1952 có khá hơn nhất là 1953 Mỹ chi 50% chiến phí Đông Dương và 1954 lên tới 75% chiến phí. Người Mỹ chỉ bỏ tiền khi có lợi cho họ, Mỹ muốn lập vòng đai ngăn chận CS. Henri Navarre cựu Tư Lệnh quân viễn chinh Đông Dương nói: (15)
“Qua kinh nghiệm đau thương Trung Hoa và nhất là Triều Tiên, người Mỹ mới nhận ra mối nguy Cộng Sản bành trướng tại Đông Nam Á, nhưng họ biết trễ mất 5 năm”
Viện trợ của Mỹ cho Pháp tuy thế không bằng súng đạn mà Trung Cộng giúp Việt Minh vì lệnh của Mao được thi hành ngay trong khi chính phủ Mỹ phải đưa Quốc hội, phải thăm dò người dân (16), đôi khi cò kè bớt một thêm hai
Đó là lý do chính khiến Pháp bại trận và rút khỏi Đông Dương.
Tác giả Phillip B. Davidson nói việc quân Pháp bắt hụt Hồ, Giáp tháng 10-1947 tại Bắc Kạn là một sự kiện lịch sử quan trọng. Nó là nguyên nhân đưa tới cuộc chiến 30 năm khói lửa tàn phá đất nước VN và gây nhiều thiệt hại vật chất tinh thần cho Pháp- Mỹ, cái mà ông gọi là định mệnh quốc gia.
Nhưng dù quân Pháp có bắt được Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp ngày 7-10-1947 tại Bắc Kạn thì lịch sử, cuộc chiến Việt Nam cũng sẽ không thay đổi mấy. Sau khi Mao Trạch Đông chiếm xong Hoa Lục, ông ta sẽ dựng lên một tập đoàn Việt Minh tay sai khác, sẽ huấn luyện, đào tạo được các nhà lãnh đạo gian hùng và viên dũng tướng thao lược khác.
Nếu Mao không nhuộm đỏ được nước Tầu, quân Pháp sẽ tăng cường lực lượng truy lùng, càn quét và tận diệt Việt Minh thì họ Hồ, Tướng Giáp cũng đã chết bờ chết bụi, chết dấm chết dúi trong rừng sâu núi thẳm từ lâu. Và rồi cũng chẳng ai biết tới cái đảng CS Đông Dương là gì.
Ngày chiến thắng của Mao và Hồng Quân đã quyết định số phận Việt Nam và ảnh hưởng lớn lao đến cả thế giới cho tới tận ngày hôm nay, nó đã cứu Việt Minh thoát chết, giúp Đảng ta sống còn.
Ngày đó chính là định mệnh của đất nước Việt Nam.
Trọng Đạt
Nguồn : Đàn Chim Việt
————————-
(1) Vietnam at War The history 1946-1975 (838 trang) chương 1, trang 3
(2) BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006: Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh. Đặng Phong, Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121
(3) Quân sử 4, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong giai đọan hình thành 1946-1955, Bộ Tổng Tham Mưu VNCH, in năm 1972
(4) Theo John Prados trong Vietnam, The History of an Unwinnable war, 1945-1975 trang 20 nói khoảng 65,000 người
(5) Vietnam at War trang 42; Street Without Joy trang 28
(6) Quân Sử 4 trang 97, 98; Street Without Joy trang 28-31, Vietnam At War trang 48, 50
(7) Bernard Fall, Street Without Joy trang 28, 29
(8) Vietnam at War trang 48-49
(9) Street Without Joy trang 32
(10) Agonie de l’Indochine trang 18
(11) Quân sử 4 trang 104, Street Without Joy trang 34
(12) Vietnam at War trang 75
(13) Quân sử trang 124, 125, Street Without Joy trang 32, 33
(14) Agonie de l’Indochine trang 47.
(15) Agonie de l’Indochine trang 27
(16) Ted Morgan- The Valley Of Death, The Tragedy At Dien Bien Phu That Led America In to The Vietnam War, in 2010, trang 411