Mùa hè năm 1953, đêm đêm chúng tôi nằm thao thức nghe trong mịt mùng những thôn xóm tối tăm tiếng loa âm u hờ gọi nông dân vùng lên đánh đổ “kẻ thù giai cấp”. Từ sáng sớm tinh mơ, hàng đoàn người rầm rập trên các nẻo đường làng còn tối đất, khản tiếng hô vang những khẩu hiệu có mùi máu. Dân chúng ùn ùn đổ về những sân đình, những bãi rộng, nơi sẽ diễn ra những cuộc đấu tố “bọn địa chủ cường hào gian ác”.
Điều làm tôi sửng sốt là những cán bộ kháng chiến trong chính quyền xã bị thẳng cánh gạt ra ngoài lề cuộc đấu tranh. Mà tôi biết rõ họ. Mới hôm trước còn là những người lãnh đạo đầy uy tín ở địa phương, bất thình lình họ không còn được tin cậy nữa, bị tước bỏ mọi quyền hành. Tại sao lại như thế? Tôi hỏi một cán bộ trong đội giảm tô giảm tức và được anh ta giải thích: Đảng bảo phải cảnh giác trước các loại kẻ thù giai cấp. Chúng biết chúng yếu, chúng không thể ra mặt chống phá cách mạng, nên đã tìm đủ mọi cách chui vào trong các tổ chức của ta, nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Hiện nay không thể biết trong các cơ quan Đảng và chính quyền ai là địch, ai là ta, nếu không kiên quyết gạt những người cũ ra thì nông dân được Đảng phát động vẫn bị kẻ thù giấu mặt khống chế, họ sẽ không dám vùng lên giành lấy địa vị lãnh đạo. Đó là quan điểm chính thống được phổ biến đến tận mỗi đảng viên trước khi thực hiện giảm tô giảm tức. Và họ tin theo lời Đảng dạy: ta chỉ có thể trông cậy vào những nông dân bần cùng, bị địa chủ bóc lột đến xương tủy, chỉ có họ mới là chỗ dựa vững chắc và lâu dài của Đảng. Cứ như thể sự nghèo khổ, tự bản thân nó, đã là một phẩm chất cách mạng.
Vào thời kỳ ấy tôi, và thế hệ tôi, không hiểu rằng cải cách ruộng đất chỉ là cái vỏ ngoài cho một mưu đồ chính trị. Tất cả những khẩu hiệu ca ngợi nông dân: “nông dân là quân chủ lực”, “giải phóng nông dân”, “tiêu diệt cường hào ác bá, đánh đổ địa chủ, phú nông”; “ruộng đất về tay dân cày”, “nông dân vùng lên giành lấy chính quyền”…, chỉ nhằm để củng cố vị trí cai trị đất nước của Đảng. Đảng cần tiêu diệt những người đi tiên phong trong cuộc kháng chiến chống Pháp là những người mang trong đầu tư tưởng bình đẳng được đề cao trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vì thế họ không phải, và không thể, là những thần dân ngoan ngoãn. Cái mà Đảng cần là một lớp tay sai tuyệt đối trung thành, gọi dạ bảo vâng. Cái gọi là cải cách ruộng đất hoàn toàn không có mục tiêu cải cách ruộng đất. Không có, và không hề có, một cuộc điều tra nào về tình hình phân bổ ruộng đất trong xã hội, là điều tất yếu phải làm trước khi tiến hành cải cách ruộng đất. Hơn nữa, mâu thuẫn ruộng đất hoàn toàn không phải là vấn đề nóng bỏng ở vùng giải phóng (vùng chính quyền kháng chiến) trong giai đoạn cả nước cần tập trung tinh thần và sức lực vào mục tiêu giành độc lập.
Đấu tố diễn ra liên miên, ngày một khốc liệt. Người dân cày dung dị hôm trước, được Đảng phóng tay phát động, vụt trở thành hung tợn, mặt bừng bừng khoái trá trong niềm vui hành hạ đồng loại. Tôi kinh hoàng nhìn cảnh tượng không hiểu nổi: nườm nượp lướt qua mắt tôi từng bày đàn người bị kích thích bởi mùi máu, hăm hở đi dưới lá cờ đỏ sao vàng không phải để chiến đấu với quân xâm lược mà với chính đồng bào mình.
Tại xã Ngô Xá, làng Ngò, Thanh Hóa, nơi có dinh cơ gia đình cụ cử Nguyễn Thượng Hiền, người ta trói chặt hai tay rồi dong mẹ một người bạn tôi đi khắp làng chỉ vì bà trót dại nói điều gì đó mất lập trường hoặc không vừa lòng cán bộ giảm tô giảm tức. Tôi biết rõ bà là ai. Khi chiến tranh vừa bùng nổ bà là hội trưởng hay hội phó Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Bình. Mất đất, bà mang con cái chạy vào Thanh Hóa theo chính phủ kháng chiến, làm nghề hàng xáo, buôn thúng bán mẹt. Chúng tôi nghe tiếng kêu khóc chạy tới thì thấy mấy anh du kích quen đang xềnh xệch kéo bà đi. Hai tay bị trói giơ lên trời, bà xiêu vẹo bước sau họ, kêu gào thảm thiết: “Ới cụ Hồ ơi, Cụ trông xuống mà xem người ta đối xử với con dân Cụ thế này đây!”
Ở một xã khác, một người đàn bà bị trói vào hai cây nứa bắt chéo, bên dưới là một đống lửa. Con mẹ ni là phú nông phản động, ngoan cố lắm, những người bâu quanh nhao nhao nói thế. Người đàn bà quằn quại mãi, tới khi ngất đi mới được người ta hạ xuống.
Cha một người bạn khác của tôi, ông chỉ là một cán bộ quèn trong ngành giáo dục, nhưng hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. Khi cuộc Giảm tô giảm tức bắt đầu, ông bị bắt vì tội là đảng viên Quốc dân đảng. Ông thắt cổ tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh: “Oan cho tôi lắm, Cụ Hồ ơi. Tôi trung thành với Cụ, với Đảng. Tôi không phản bội. Hồ Chí Minh muôn năm!” Việt Nam Quốc Dân Đảng, được thành lập từ năm 1925, trước Đảng Cộng Sản 5 năm, cùng chung mục đích đánh Pháp giành độc lập, chưa từng có tranh chấp với Đảng Cộng Sản về vai trò lãnh đạo cách mạng trước năm 1945, mặc dầu một bộ phận lưu vong của đảng này đã mắc sai lầm khi trở về nước đi chung với Hoa quân nhập Việt nhằm dựa vào thế lực của quân Tưởng chống Pháp – một sai lầm cố hữu của những người có xu hướng dựa dẫm vào ngoại bang để giành độc lập - đã gây ra những đụng độ với Việt Minh. Nhưng điều đó không hề có nghĩa là tất cả những đảng viên Quốc Dân Đảng trên toàn quốc đã rời bỏ mục đích giành độc lập, không còn là những người yêu nước. Bằng chứng là họ vẫn tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Quốc dân đảng được nêu lên như một mục tiêu trấn áp chính trong cải cách ruộng đất, trong thực tế chỉ là cái cớ để quét sạch những người kháng chiến tiên phong, như tôi đã trình bày ở trên. Người ta vu cho bất cứ ai mà họ muốn giết là Quốc dân đảng.
Trong một ngôi đình, tôi thấy người ta lấy gai bưởi cắm vào đầu ngón tay một cô gái. Có trời biết cô ta bị tội gì, có thể cô ta chỉ có một tội duy nhất là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi những kẻ tra tấn lại nhấn những cái gai sâu thêm một chút làm cho cô gái rú lên vì đau, quằn quại trong dây trói.
Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên đường như một con chó. Lũ trẻ làng rùng rùng chạy theo sau. Chúng vỗ tay, chúng reo hò, chúng cười ngặt nghẽo. Tôi nhìn chúng, rùng mình - những đứa trẻ này chắc chắn sẽ lớn lên với trái tim không phải của giống người. Rồi đây, với tâm hồn chai sạn, làm sao chúng có thể sống chung với những anh em khác màu da và tiếng nói trong một thế giới đại đồng mà chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn?
Tôi cảm thấy trong mình cục cựa một cảm giác bất bình, điềm báo trước sự thức tỉnh.
Không phải ai cũng có một cảm nhận như thế trước những gì Đảng đang làm. Niềm tin ở Đảng ăn sâu trong lòng mỗi đảng viên cộng sản, đến nỗi vừa buông miệng khuyên tôi trốn, lúc chia tay anh Luật lại vớt vát: “Nói thì nói vậy thôi, chứ anh không thể nào tin được Đảng lại có thể nhẫn tâm bắt một lúc cả hai cha con một gia đình cách mạng kiên cường như gia đình chú. Mình không nên nghĩ quá ra như thế!”.
Mẹ tôi không muốn tôi trốn, nhưng tôi không trốn thì bà lo. Tôi mà cũng bị bắt thì trong nhà không còn người đàn ông nào. Hai em trai tôi đều còn nhỏ. Lại đang có chiến tranh. Bà cảm thấy những gì xảy ra với người khác nay đang xảy ra với mình.
Mẹ tôi nhớ đến bà bạn có chồng bị mất tích trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Người đàn bà khốn khổ lang thang đi đến hết đền này phủ nọ cầu xin Trời Phật cho chồng bà trở về với bà. Bà gần như mất trí.
Khi còn trẻ, ông Nguyễn Thế Vinh, chồng bà, gia nhập Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Bị lộ, ông chạy sang Pháp, gia nhập Đảng cộng sản Pháp. Từ Pháp ông sang Nga. Tốt nghiệp trường Đại học phương Đông , ông hăm hở trở về Tổ quốc tiếp tục cuộc chiến đấu. Vừa bước xuống cảng Hải Phòng ông sa vào tay mật thám. Xa nước quá lâu, ông trở về không quen biết ai, chưa kịp liên lạc với ai trong các tổ chức cách mạng. Mật thám tra tấn ông, ông chẳng có gì để khai, đơn giản vì ông không biết những gì họ muốn biết. Tra mãi không được gì, chính quyền thuộc địa thả ông, thậm chí để cột chân ông lại, chính quyền này còn chiếu cố cho ông được tòng sự tại Phủ Thống sứ. Trong chuyện này tất nhiên không thể thiếu sự chạy chọt của bà vợ con nhà khá giả. Làm việc trong phủ Thống sứ, ông Vinh vẫn không ngừng tìm mọi cách liên lạc với những người cộng sản. Nhưng không ai dám giao thiệp với ông, kể cả cha tôi. Với ông, cha tôi đóng vai người đã nhụt chí, nay trở về với vợ con làm ăn chân chỉ. Người Pháp đến lúc đó đã hoàn toàn không còn nghi ngờ gì ông Vinh, ông là một công chức mẫn cán.
Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Lòng yêu nước trong lòng ông không bao giờ tắt. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông hăng hái xuống đường tham gia cướp chính quyền. Thế rồi trong những ngày sôi nổi ấy, như một hòn đá rơi xuống nước, ông biệt tích.
Không ai biết ông biến đi đâu nếu như một hôm ông Trường Chinh không nói riêng với mẹ tôi: “Chị Huỳnh ạ, chị liệu cách an ủi chị Vinh kẻo chị ấy cứ xem bói, xin xăm mãi, tội nghiệp! Nói riêng để chị biết: Ta “thịt” anh ấy rồi!”
Mẹ tôi lạnh toát người: “Sao các anh nhẫn tâm thế, sao các anh tàn ác thế? - bà kêu lên - Anh thừa biết: anh Vinh tuy có không kiên định cách mạng thật, nhưng anh ấy có phản bội xưng khai gì đâu, có gây hại gì cho đoàn thể đâu, mà các anh nỡ giết anh ấy?”
Trường Chinh lúng túng phân trần rằng ông không hề chủ trương giết ông Vinh, người ta giết rồi ông mới biết. Lúc đó ông có muốn can thiệp thì đã muộn.
Về cái chết của ông Vinh, mẹ tôi không buộc tội Trường Chinh. Bà hiểu rằng trong cuộc cách mạng những việc tương tự có thể xảy ra, bởi những người kém hiểu biết nhưng lại quá hăng hái. Riêng tội để cấp dưới lộng hành, thái độ coi thường sinh mạng con người, thì bà không bao giờ tha thứ cho Trường Chinh. Ở cương vị ông, một chỉ thị kiên quyết không cho phép cấp dưới tự quyền xử tử bất cứ ai thì việc ấy chắc chắn không thể xảy ra.
Khốn nỗi, thủ tiêu đối thủ và những người tình nghi phản bội là chuyện thường tình trong Cách mạng Tháng Tám. Người ta không coi việc làm đó là tội ác.
Nhà văn Lan Khai bị bỏ rọ trôi sông ở khúc Ghềnh Quýt trên sông Lô chỉ vì vào thời gian Nhật cai trị, ông làm thư ký cho một hãng buôn của người Nhật là một thí dụ. Cha tôi quen Lan Khai từ những ngày ông còn đi học ở Tuyên Quang. Kể cho tôi nghe về cái chết của Lan Khai, ông tỏ ra rất đau lòng.
Bà ngoại tôi thường gặp các đồng chí của cha mẹ tôi tại nhà tôi khi bà tôi đến chơi với các cháu. Không hiểu vì lẽ gì một số người trong bọn họ không gây được cảm tình nơi bà. Bà ngoại nói thẳng cho mẹ tôi biết bà không thích họ. Đến nỗi mẹ tôi giận bà vì sự không thích ấy. Hóa ra bà ngoại tôi có lý khi nhận xét người này người kia trong bọn họ không phải là những người tử tế. Bằng sự mẫn cảm của phụ nữ, bà thấy trước được cách sống không nhân nghĩa, không có trước có sau, không có tình người, như cách ta thường nói bây giờ, của những người về sau trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt .
(trích hồi ký)
Vũ Thư Hiên