BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ký giả mất việc vì kỳ thị?

22 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 958)
Ký giả mất việc vì kỳ thị?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Hệ thống truyền thanh NPR ở Mỹ mới sa thải một nhà báo vì lý do ông ta nói những lời bị coi là “kỳ thị.” Hành động này làm nổ bùng một cuộc tranh luận: Như thế nào thì một người bị coi là có ý kiến kỳ thị đối với những người khác?

Ở nước Mỹ, hầu như mọi người đều đồng ý “kỳ thị là xấu.” Nhất là nhà báo thì không nên có tư tưởng kỳ thị, tức là không được nuôi giữ thành kiến về một nhóm người nào, dựa trên chủng tộc, tôn giáo, phái tính, tuổi tác, vân vân. Những đối tượng hay được nêu lên để tránh thái độ và thành kiến phân biệt là người da đen, phụ nữ, người già, các sắc dân hoặc các tôn giáo thiểu số như người Do Thái, người gốc La Tinh, người Á Châu, người Hồi Giáo, vân vân. Đặc biệt, các nhà báo phải tránh thái độ phân biệt. Một cơ quan truyền thông tỏ thái độ kỳ thị sẽ không được độc giả, thính giả tín nhiệm. Đây là những nguyên tắc hầu như ai cũng đồng ý, thường được viết trong những bản văn về trách nhiệm và lương tâm chức nghiệp.

Nhưng thi hành các nguyên tắc đạo đức nhiều khi rất phức tạp. Hôm Thứ Tư vừa qua, ký giả Juan Williams, chuyên gia phân tích thời sự của hệ thống NPR (National Public Radio) đã tham dự một cuộc thảo luận trên đài ti vi của hệ thống Fox, do ký giả Bill O'Reilly điều khiển. NPR tuy gọi là “public,” nghĩa là của công, nhưng chỉ có 2% ngân sách là được chính phủ giúp, còn 98% là do gây quỹ lấy. NPR vốn có khuynh hướng “cấp tiến” (liberal), khác với Fox theo khuynh hướng bảo thủ (conservative). Ký giả Juan Williams là nhân viên của NPR nhưng đã cộng tác với Fox từ nhiều năm, cũng như nhiều ký giả khác vẫn làm cho cả hai đài.

Tuần trước, ông O'Reilly mới làm nhiều người bực mình khi ông nói hớ một câu, trong chương trình truyền hình của ông, rằng: “Người Hồi Giáo đã giết chúng ta ngày 11 tháng 9.” (Thay vì nói “một nhóm người Hồi Giáo” đã gây cuộc khủng bố đó). Lập tức, hai người cộng tác ngồi với ông trong “sô” (show) là Joy Behar và Whoopi Goldberg đã đứng dậy phản đối câu nói “vơ đũa cả nắm” này; họ còn bỏ đi luôn để tỏ ý bất bình. Nhân đó, trong “sô” ngày Thứ Hai vừa rồi, Bill O'Reilly mới hỏi bạn đồng nghiệp Juan Williams rằng ông có thấy người Mỹ đang gặp khó khăn mỗi khi đề cập đến người Hồi Giáo hay không? Williams đồng ý, và nói thêm rằng: “Bill, anh biết tôi không phải người kỳ thị; tôi đã viết những sách về phong trào đòi dân quyền (của người da đen) ở xứ này.” Juan Williams cũng là một người Mỹ da đen, ông nói tiếp, “Nhưng, tôi phải nói với anh, khi bước chân lên một cái máy bay mà tôi trông thấy một người ăn mặc kiểu như người Hồi Giáo, và tự nhiên tôi nghĩ, anh hiểu không, tôi muốn nói những người tự nhận họ trước hết là người Hồi Giáo, thế là tôi sợ, tôi lo lắng.” (Nguyên văn, I get worried. I get nervous).

Ngay sau khi cuộc đối thoại trên phát hình đi khắp nơi, nhiều tổ chức bảo vệ dân quyền của người Hồi Giáo đã phản đối. Tổ chức AIR, Ban Liên Lạc người Hồi Giáo Mỹ, ra thông cáo yêu cầu hệ thống đài NPR phải có thái độ. Ông Nihad Awad, giám đốc điều hành của AIR nói ông Williams hình như có ý nói rằng: “Tất cả những hành khách trông có vẻ Hồi Giáo đáp máy bay đều có thể coi là một mối đe dọa về an ninh một cách chính đáng.” Một ký giả Mỹ khác, Andrew Sullivan sáng Thứ Tư đã viết rằng câu Williams nói, rằng thấy người Hồi Giáo trên máy bay thì lo sợ, đúng là thái độ kỳ thị; “Nếu bây giờ có người da trắng nói thấy một người da đen đi trên đường với bộ dạng hung dữ, thì nghĩ ngay là anh da đen này sắp sửa trấn lột mình, như vậy có đáng gọi là kỳ thi hay không?”

Tối Thứ Tư, bà giám đốc tin tức đài NPR, Ellen Weiss, gọi điện thoại báo tin cho Williams biết anh bị sa thải khỏi đài NPR. Bà từ chối không cho anh gặp để giải thích, mặc dù Williams đã làm việc cho đài này từ 10 năm.

Một người lên tiếng bênh vực cho Williams là Whoopi Goldberg, ký giả đã bước ra khỏi phòng thâu hình để phản đối O'Reilly về câu nói vơ đũa cả nắm kết tội người Hồi Giáo. Goldberg nói: “Chẳng qua Williams chỉ muốn nói là anh ta lo lắng (nervous), nói như vậy có gì đâu? Sa thải anh ta thật là chuyện lố bịch.” Bernie Goldberg, một người cộng tác khác với Fox News, nói thẳng: “Nhiều người cấp tiến khi bước lên máy bay cũng cảm thấy giống như Juan vậy. Trong đó có những người cấp tiến làm việc cho NPR. Cái tội của Juan là nói nói thẳng ý nghĩ đó ra! Thêm một bằng chứng cho thấy họ chẳng cấp tiến chút nào cả!” Đài Fox News cũng bênh vực Williams, và lập tức mời anh ký một hợp đồng cộng tác nhiều năm sắp tới. Hôm nay, Thứ Sáu 22 tháng 100, anh sẽ được mời điều khiển sô của O'Reilly.

Chủ tịch tổng giám đốc (CEO) đài NPR, Vivian Schiller, cho biết Juan Williams đã từng vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhiều lần trước khi nói những câu mà đài coi là kỳ thị người Hồi Giáo hôm Thứ Hai vừa qua. Bà Shiller gửi thư giải thích với nhân viên rằng Quy Tắc Đạo Lý Nghề Nghiệp của NPR nói rõ: “Các nhà báo và nhà phân tích tin tức của đài NPR không được phép tham dự những hoạt động truyền thông khuyến khích lối nói dạy đời và phỏng đoán (punditry and speculation) thay vì hành động phân tích dựa trên sự kiện xác thực.” Hội Các Ký Giả Chuyên Nghiệp (Society of Professional Journalists) hôm qua thông báo mặc dù hội ủng hộ quyền tự do phát biểu của Williams, nhưng “dựa trên đạo lý nghề nghiệp, yêu cầu các ký giả phải tránh nuôi thành kiến vì bất cứ lý do nào và chúng tôi thông cảm lý do đài NPR đã nêu ra trong quyết định (sa thải Williams).”

Điều mà mọi người sẽ tiếp tục bàn cãi là quả thật Juan Williams có “óc kỳ thị” hay không? Phát biểu một ý tưởng mà nhiều người Mỹ khác cũng nghĩ như vậy nhưng không dám nói ra, có nên coi là truyền bá tư tưởng kỳ thị hay không? Nếu trước đây Williams không bao giờ có thái độ, ý kiến ngược với chủ trương của đài NPR thì liệu anh ta có bị trừng phạt vì một câu nói hớ hôm Thứ Hai rồi hay không?

Việc sa thải một ký giả vì phát biểu quan điểm có tính cách kỳ thị xảy ra rất thường xuyên trong làng truyền thông ở Mỹ. Đầu tháng 10 vừa qua, đài CNN đã cho nhà điều khiển chương trình Rick Sanchez nghỉ việc, vì ông đã nói những câu ám chỉ người Do Thái ở Mỹ không phải là một nhóm thiểu số. Rick Sanchez, một người Mỹ gốc Cuba. Sanchez đã phê bình một nhà hài hước, Jon Stewart, người vẫn đem Sanchez ra chế diễu trên ti vi. Anh bảo Stewart là người kỳ thị, và nói thêm trong nghề nghiệp chính anh hay bị đối xử phân biệt. Khi có người hỏi anh có biết Stewart là người Do Thái hay không, Sanchez nói: “Hầu hết mọi người điều khiển đài CNN cũng giống như Stewart!” Ngày hôm sau Sanchez bị đài CNN sa thải, mặc dù anh đã tuyên bố trên ti vi rằng anh ân hận đã nói những lời hàm hồ, chỉ trích Jon Stewart một cách bất công.

Giới truyền thông Mỹ lúc nào cũng cố tránh thái độ cho thấy họ có tinh thần phân biệt chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, vân vân. Nhưng ngay trong phạm vi chính trị, người ký giả cũng phải tránh không phô bày các thành kiến có tính cách thiên lệch, đảng phái. Đó là một quy tắc đạo lý nghề nghiệp rất nghiêm nhặt, và rất khó theo!

Hồi tháng 6 vừa qua, một lý giả nhật báo Washington Post là blogger David Weigel đã phải từ chức, ngay sau khi nhận việc được ba tháng, chỉ vì những ý kiến anh đã bày tỏ trên blog của mình, trước khi nhận việc với tờ Post. Nhật báo Washington Post thường có khuynh hướng cấp tiến và nghiêng về đảng Dân Chủ. David Weigel cũng là một ký giả cấp tiến, từng gây thù oán với các ký giả bảo thủ. Một người làm blog bảo thủ đã tìm ra trong quá khứ David Weigel từng viết những lời chỉ trích (thóa mạ) rất nặng nề đối với một số nhà chính trị Cộng Hòa và các ký giả bảo thủ khác. Mặc dù chỉ viết trên blog riêng của anh, nhưng các ý kiến mà Weigel đã bày tỏ thuộc phạm vi thông tin công khai, ai cũng đọc được. Vì thế báo Washington Post phải cho anh nghỉ việc. Vì họ sợ rằng khi độc giả biết Weigel, một nhân viên của tờ báo, có tư tưởng thiên lệch chống các nhà chính trị đối nghịch như vậy, thì các ý kiến của anh ta khi phân tích, phê bình về các nhân vật trên sẽ không còn được độc giả tin tưởng là khách quan, vô tư nữa. Chính Weigel cũng thấy anh có thể không còn được độc giả tín nhiệm trong nghề làm báo, cho nên xin rút khỏi tờ báo.

Mọi người có quyền mang tư tưởng, ý kiến chính trị riêng. Nhưng khi một ký giả cho thấy vì thiên kiến của mình mà hy sinh đức công bằng, khách quan khi loan tin hay phân tích tin tức, thì người đó nên quay ra viết truyền đơn vận động bầu cử, tốt hơn là viết báo hay làm đài truyền hình. Đó là một quy tắc đạo đức nghề nghiệp để bảo vệ uy tín của cơ quan truyền thông. Một tờ báo không thể đóng vai tờ truyền đơn chính trị! Người dân một nước dân chủ đã được cung cấp rất nhiều truyền đơn cổ động chính trị rồi. Làm báo, đài chuyên nghiệp phải cung cấp những sản phẩm khác!

Nhưng theo đúng được quy tắc trên rất khó, vì đại đa số chúng ta đều có ít nhiều thiên kiến về chính trị! Một biện pháp được các báo, đài ở Mỹ áp dụng để bớt thiên lệch trong việc làm tin và phân tích tin tức. Nhiều báo và đài đã tuyển các ký giả có khuynh hướng đối nghịch với chính tờ báo, và đăng bài của các nhà bình luận thuộc khuynh hướng trái nghịch nhau, để tạo nên những dư luận cân bằng.

Cuối cùng, quý vị độc giả thấy các anh Juan Williams, David Weigel và Rick Sanchez có đáng bị sa thải hay không? Câu trả lời của quý vị sẽ cho biết quý vị nghĩ sao về đạo lý nghề truyền thông và vai trò của truyền thông trong một xã hội tự do dân chủ. Ký giả này có ý kiến riêng, nhưng xin phép giữ kín không nêu ra. Vì muốn nêu ra một ý kiến sẽ phải trình bày thêm rất nhiều dữ kiện, một bài báo không thể đủ chỗ!

Ngô Nhân Dụng

21-10-2010

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn