BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Việt Nam nên mở cửa ra sao với bên ngoài để cứu kinh tế giữa đại dịch?

16 Tháng Ba 20216:57 SA(Xem: 1430)
  • Tác giả :
Việt Nam nên mở cửa ra sao với bên ngoài để cứu kinh tế giữa đại dịch?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trong những ngày gần đây, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng nhà nước bắt đầu cân nhắc có nên cho khách từ nước ngoài đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được nhập cảnh hay không, đồng thời cũng xuất hiện những tiếng nói kêu gọi mở cửa với bên ngoài để cứu du lịch, cứu kinh tế.

phitruongtansonnhat2021
Việt Nam hiện chỉ cho phép bay thương mại nội địa, chưa mở cửa cho các chuyến bay quốc tế.

Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia y tế và một doanh nhân ngành du lịch nói với VOA rằng Việt Nam nên mở cửa nhưng cần làm thận trọng, thí điểm với quy mô kiểm soát được trước khi mở cửa hoàn toàn.

Hôm 12/3, chính phủ Việt Nam cho biết qua trang Facebook mang tên Thông tin Chính phủ rằng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 trong cùng ngày đã nghe và phân tích chính sách “visa vắc-xin” của một số nước.

Bộ Y tế Việt Nam đã có những bước chuẩn bị ban đầu về vấn đề này, trang Thông tin Chính phủ cho hay, đồng thời nhắc lại rằng trước đó 1 tuần, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị một số bộ soạn và ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã tiêm vắc-xin ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam.

Trong khi đó, báo điện tử VietnamNet đăng liên tiếp trong hai ngày 15 và 16/3 nội dung cuộc phỏng vấn dài với tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, với các hàng tít “Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch” và “Trạng thái bình thường mới phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn”.

Tiến sĩ Kiên nói với VietnamNet: “Ngành du lịch 2 tháng đầu năm nay đã giảm 99% so với 2 tháng đầu năm 2020. Nếu không thay đổi quyết liệt, đến tháng 5 tới sẽ mất tiếp một mùa du lịch. Du lịch và các ngành theo sau đó đóng góp 10-15% GDP, năm nay mất thêm 15% nữa thì khả năng phục hồi sẽ rất lâu sau nữa”.

Xác nhận về tình trạng kinh doanh bết bát của ngành du lịch thời đại dịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt đã hoạt động hơn 20 năm, nói với VOA:

“Do khó khăn chung, du lịch nội địa còn hoạt động được một chút còn du lịch quốc tế coi như ngủ đông. Những người làm du lịch chúng tôi thời gian qua thường nói với nhau nếu tiếp tục không mở cửa thì các công ty du lịch coi như chết đói”.

Ở một đoạn khác trong cuộc phỏng vấn với VietnamNet, tiến sĩ Kiên, người đứng đầu Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói: “Theo tôi, trạng thái bình thường mới lúc này phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn và người dân mưu sinh vì khó khăn đã lên đến đỉnh trong điều kiện đã hiểu rõ hơn về dịch”.

Mặc dù ghi nhận rằng phương án phòng chống dịch năm 2020 là thành công, nhưng ông Kiên cho rằng kéo dài quá phương án đó sẽ thành khuyết điểm.

“Đây là thời điểm thay đổi để phù hợp với tình hình mới, vừa có Chính phủ mới. Chúng ta phải thay đổi cách phòng chống dịch khác trước đi, nếu không sẽ lại bỏ lỡ năm 2021 này”, tiến sĩ Kiên nói với VietnamNet.

Tiến sĩ Kiên cho biết thêm một thông tin quan trọng là Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị thực hiện ngay chính sách visa vắc-xin để người có chứng nhận đã tiêm chủng sẽ được nhập cảnh.

“Điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết nên có thể khởi động ngay từ tháng 5 để bắt kịp mùa du lịch 2021, đón làn sóng du lịch tháng 6, tháng 7 và cố gắng hy vọng đến hết mùa Noel 2021, ngành du lịch sẽ phục hồi được 80%”, tiến sĩ Kiên nói, theo VietnamNet.

Từ góc độ chuyên gia y tế, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khẳng định Việt Nam chống dịch thành công đến thời điểm này song ông lưu ý rằng vẫn còn nhiều rủi ro, vì vậy, nếu tới đây Việt Nam áp dụng visa vắc-xin, cần tiến hành thận trọng. Ông Nhung nói với VOA:

“Về visa vắc-xin, phải làm thí điểm, đánh giá và mở rộng dần. Ý tưởng ban đầu của tôi là những người có visa vắc-xin sẽ không bị cách ly, nhưng vẫn cần xét nghiệm đầu vào, tức là khi họ nhập cảnh. Nếu âm tính, họ sẽ tiếp tục hành trình du lịch, công tác. Chúng ta không nên giám sát họ chặt chẽ quá khi họ du lịch, công tác, tránh ảnh hưởng đến chất lượng chuyến đi của người ta. Ở đầu ra, tức là khi họ xuất cảnh, chúng ta kiểm soát bằng việc xét nghiệm lại. Nếu họ dương tính thì truy vết. Cách làm này tốn kém nhưng an toàn và Việt Nam có đủ điều kiện thực hiện”.

Dự liệu về những khó khăn nếu thực hiện chính sách mới, phó giáo sư-tiến sĩ Nhung cho rằng cần xét nghiệm nhanh để giải phóng mau chóng hành khách của mỗi chuyến bay, nhưng bộ xét nghiệm nhanh Tô-tin của Nhật “thì không tốt”, còn bộ xét nghiệm Xpert của Mỹ có tác dụng sàng lọc tốt trong vòng 45 phút, tuy nhiên hiện Việt Nam không có nhiều.

Vẫn chuyên gia y tế hiện đứng đầu Bệnh viện Phổi Trung ương nói tiếp với VOA rằng nếu Việt Nam mở cửa với người đến từ nước ngoài giữa thời đại dịch, ngành y tế sẽ phải làm thêm nhiều việc, nhưng ông ủng hộ vì việc kiểm soát nhập cảnh chính thống sẽ tốt hơn tình trạng có những người nhập cảnh qua các đường tiểu ngạch.

Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, ông Nguyễn Văn Mỹ, bày tỏ mong muốn rằng nhà nước Việt Nam sẽ đưa ra quyết sách hợp lý nhất để ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi.

Ông Mỹ dự đoán rằng việc mở cửa sẽ mang tính chất có điều kiện, không dễ dãi, nhằm bảo đảm an toàn, không dẫn đến các hệ lụy xấu.

16/3/2021
Nguồn : VOA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn