6 chiến sĩ an ninh Việt Nam trong điệp vụ VH20 chỉ tiếp xúc với những người như dân thường, họ không hề bị canh giữ, họ theo sự chỉ dẫn của phiên dịch là người Trung Quốc nói tiếng Việt lơ lớ. Người phiên dịch bảo họ đi đến đâu, ở đâu họ chỉ biết vậy nghe theo.
Họ được ở khách sạn cao cấp gần biển, hàng ngày được ăn những bữa ăn khá sang trọng, có bác sĩ đến khám ngay khi họ cần.
Nhưng họ không dám liên lạc về nhà, đó là điều đương nhiên, vì họ không biết mình đang ở trong hoàn cảnh nào. Thậm chí dù được tự do đi lại, họ cũng không bao giờ đi quá xa khỏi khách sạn, họ hạn chế đến những nơi tàu xe.
Không ai xét hỏi công việc cũng như nhân thân của họ. Ngày lại ngày cứ thế trôi đi, thoắt cái đã qua một tháng. Một tháng đối với những người không biết số phận của mình sẽ thế nào, ở nơi đất khách quê người, nhất là trong dịp Tết. Thực sự nó là nỗi khắc khoải, nhớ nhung và lo lắng.
Cả 6 người nhập cảnh vào Trung Quốc bằng cách xin visa ở sân bay TQ, tức họ tự nguyện đến TQ bằng những tấm hộ chiếu Việt Nam không mang tên thật, ngày tháng năm sinh thật.
Ngày 19 tháng 2, ngày mà bộ trưởng công an TQ sang thăm Việt Nam một ngày. 6 chiến sĩ an ninh ở điệp vụ VH20 tên thật là.
Phan Đỗ Lợi
Trần Linh Phan
Lê Thành Vinh
Dương Văn Nam
Bùi Văn Tố
Lê Hải Anh
Họ đang ngồi ăn cơm thì có người phiên dịch đến hỏi.
- Trong số các anh, ai ở ngõ Phất Lộc ?
Trần Linh Phan giơ tay trả lời, tôi có vợ ở ngõ Phất Lộc.
Người phiên dịch nói.
- Anh thu xếp để về nhà chăm vợ sắp sinh, anh Bùi Thanh Hiếu ở ngõ Phất Lộc , hàng xóm với vợ anh, có lời mong chúng tôi đưa anh về.
Lúc này những người nói chuyện với Phan chỉ biết tên anh ta là Ngô Tiến Dũng.
Trần Linh Phan bàng hoàng không biết mừng hay sợ, làm sao có một gã nào đó hàng xóm với vợ mình lại biết mình ở đây và can thiệp cho về. Trên đường từ đảo về đất liền, anh ta lo lắng mình có thể bị thủ tiêu. Nhưng đến đất liền chỉ có một đôi trai gái đi cùng tiếp với anh ta, tuy nhiên anh ta vẫn lo lắng. Tối đến, họ cùng hai nhân viên sứ quán Việt Nam chiêu đãi anh trong một nhà hàng sang trọng, họ đăng ký ban nhạc hát cho họ nghe một bài. Khi lời bài hát cất lên, người phiên dịch nâng cốc rượu nói.
- Chai rượu này anh Hiếu mời. Mai anh sẽ về lại Việt Nam.
Trưa hôm đó người của lãnh sự quán Việt Nam tại Bắc Kinh nhận tin đến Quảng Châu đón người nước mình về, khi cán bộ sứ quán Việt Nam tiếp xúc với Phan, anh ta không tin đó là người của cán bộ sứ quán Việt Nam. Đến khi người cán bộ sứ quán cho xem giấy tờ và các hình ảnh có mình ở Việt Nam hay ở sứ quán Việt Nam, lúc đấy Trần Linh Phan mới cảm thấy tin rằng có lẽ mình được về thật.
Sáng hôm sau, Trần Linh Phan được gọi điện về cho vợ, báo tin mai mình được về. Vợ anh ta oà khóc, sụp người không tin đó là sự thật, cô chắp tay lạy vái bốn phương trời.
Ngày 20 tháng 2, khi cơ quan an ninh Việt Nam đổ lên cửa khẩu Hữu Nghị Quan đón người, có cả xe cứu thương đi cùng. Từ cửa khẩu Chi Ma vắng tanh, hai nhân viên sứ quán Việt Nam tiễn Phan qua khỏi cửa khẩu phía Trung Quốc rồi họ trở về Bắc Kinh, một mình Phan đi qua cây cầu sang cửa khẩu Việt Nam. Anh chính thức đặt chân về đất mẹ sau một chuỗi tháng ngày phiêu lưu có lẽ ấn tượng nhất trong sự nghiệp phụng sự tổ quốc Việt Nam của anh ta. Tin từ cửa khẩu Chi Ma bay về cửa khẩu Hữu Nghị, các đồng chí của anh ta lập tức di chuyển để đón gấp anh ta để đưa vào khu cách ly đặc biệt.
Việc một mình Trần Linh Phan vì sao được trở về là câu hỏi lớn, cùng với những gì đã diễn ra với Phan và 5 đồng chí của mình những ngày qua ở Trung Quốc. Phía Việt Nam cố gắng tìm bằng chứng cơ quan nào đó của Trung Quốc bắt giữ người của họ, để làm căn cứ yêu cầu chính phủ Trung Quốc có động thái trả người.
Thế nhưng một kịch bản hoàn hảo ngay từ khi 6 người an ninh Việt Nam rời khỏi Paris, họ đều tự nguyện đến Trung Quốc, và hôm nay một mình Phan tự đi về. Không có ai bắt giữ, đánh đập hay đe doạ gì họ. Chỉ có người phiên dịch nói họ ở khách sạn nào thì họ ở khách sạn đấy. Lúc về chỉ có đôi trai gái dẫn đường, chỉ lối giúp đường về nhà mà thôi.
Tức 6 người ấy lúc đầu họ lên một chiếc máy bay mà hành trình của nó là về Việt Nam, nhưng vì lý do kỹ thuật nào đó, chiếc máy bay hạ cánh xuống Quảng Châu và không đi nữa. 6 người ấy nhập cảnh vào Trung Quốc, họ được người ta hướng dẫn đến ở khách sạn để chờ chuyến bay khác về.
Không có bóng dáng công an, quân đội Trung Quốc nào cả. Không bị giam giữ gì cả. Họ được ở khách sạn cao cấp có tầm nhìn rất đẹp ra bờ biển, hàng ngày được phục vụ ăn uống như khách Vip.
Tại sao một mình Trần Linh Phan về, còn 5 người kia thì không về. Có ý đồ gì ở đây ? Những chuyên gia chiến lược của bộ công an phân tích những nguyên nhân vĩ mô và tất cả mọi ngóc ngách. Để làm rõ hơn chỉ có đầu mối duy nhất là tường trình hay nói cách khác là lời khai của Trần Linh Phan.
Muốn biết Trần Linh Phan khai gì, xin các bạn đợi phần sau của câu chuyện hoang đường có một không hai này......
*******
Phần 7
Khi máy bay hạ cánh, tốp an ninh sân bay ngỡ ngàng thấy khung cảnh là sân bay ở Trung Quốc chứ không phải Tân Sơn Nhất như lộ trình họ được thông báo.
Chiếc máy bay không phải của hàng không Việt Nam, đó là máy bay của hãng nước ngoài chỉ chở duy nhất tốp bà Thoa và các chiến sĩ an ninh Việt Nam.
Như đã nói ở bài trước, trong cơn thịnh nộ của nhà tài phiệt vì mâu thuẫn nội bộ vì tốp bà Thoa đã chạy vào cơ sở của một lãnh sự nước ngoài tại Paris, có thể họ dự định sẽ làm đơn tị nạn. Phía an ninh Việt Nam đã đổ lửa thêm dầu, khích động cơn giận của nhà tài phiệt nên đến đỉnh điểm. Một cuộc mặc cả ngầm giữa nhà tài phiệt với phía Việt Nam là tìm cách lừa đưa cả tốp bà Thoa về Việt Nam.
Lúc đầu thì nhà tài phiệt không biết nhiều về bà Thoa, nhưng do chuyến đi tình cờ vì một việc khác mà họ bị an ninh Việt Nam bắt cùng nhau, nhà tài phiệt cảm thấy thương xót cho người phụ nữ lớn tuổi một thân một mình bị một thế lực hùng hậu săn đuổi, dùng mọi biện pháp mạnh nhất để truy bắt, những điều ấy tận mắt anh ta chứng kiến và trải qua cùng bà.
Khi bà Thoa được thả về sau lần bắt cóc, nhà tài phiệt luôn để bà ở cùng mình trong căn hộ lớn tại Paris, căn hộ lớn đến mức nó chiếm trọn cả một con phố ngắn.
Phía an ninh Việt Nam gần như công khai lảng vảng bên ngoài, mỗi khi nhà tài phiệt và bà Thoa ra ngoài, họ theo bám và cản trở bằng những vụ va chạm giao thông. Việc này là một sai lầm lớn, nó đụng chạm vào sự tự ái của nhà tài phiệt, càng gây cho nhà tài phiệt tức giận mà quyết tâm bảo vệ bà Thoa nhiều hơn.
Bà Thoa trong những ngày tháng sống đầy sợ hãi ở Paris, bà có tâm sự với nhà tài phiệt, bà có một người em tên là Hiếu ở Berlin, bà muốn được sang sống với nó. Bà nói đứa em xã hội của bà là một tay giang hồ từng trải, ở đó bà sẽ được an toàn.
Điều bà Thoa nói vô tình càng làm cho nhà tài phiệt tự ái hơn, chả lẽ anh ta không đủ sức để bảo vệ bà an toàn, chả lẽ một người có thể khuynh đảo một góc trời như anh ta lại không giang tay bảo vệ một người phụ nữ già yếu đuối, đến nỗi họ phải chạy đi tìm nơi khác.
Trở lại với lúc trước cửa cơ sở của một cơ quan ngoại giao nước ngoài, nhà tài phiệt đã thuyết phục tốp bà Thoa nếu không tin anh ta có thể bảo vệ được họ, hãy để anh ta tận tay đưa tốp bà Thoa sang Đức đưa giao tận tay cho em bà nhận. Nhóm bà Thoa tin lời anh ta đã ra ngoài, nào ngờ anh ta đã sắp sẵn hết, có lực lượng an ninh Việt Nam đón sẵn, hộ chiếu Trung Quốc của tốp bà Thoa nhanh chóng đóng dấu visa Việt Nam. Màn hình thông báo trên sân bay hiển thị chuyến bay từ Paris về Việt Nam đã hiển thị. Cơ quan ngoại giao và an ninh Việt Nam đang hỉ hả chia tay nhau với niềm phấn khởi không cần che dấu.
Ngược lại phía nhóm bà Thoa là nước mắt, bà Thoa nét mặt đượm buồn.
Tôi từng tìm hiểu về nhà tài phiệt, anh ta ngoài chuyện kinh doanh còn là một võ sĩ từng đấu thượng đài. Anh ta một mình sẵn sàng đánh nhau với vài tên côn đồ trên đường phố mà không sử dụng bất kỳ sự trợ giúp nào, khi cảnh sát đến hốt cả bọn ẩu đả về bót. Anh ta nói riêng với cảnh sát về thân phận mình, và yêu cầu chỉ xử phạt cả hai bên vì tội ẩu đả nơi công cộng rồi cho cả hai bên bắt tay làm hoà rồi về. Anh ta bỏ thời gian , thuê huấn luyện, tập lái xe để tham gia đua công thức 1. Với những cá tính ngông cuồng như thế, nhưng anh ta lại đầy kiên nhẫn để sửa những chiếc đồng hồ mua vài trăm euro rồi bán lại lời năm ba chục euro. Đó là một con người quái đản chứa đầy tính cách trái ngược nhau. Một con người khó lường được anh ta sẽ làm gì, vì sao anh ta làm vậy.
Một con người thừa thời gian, thừa tiền bạc, thừa quan hệ cũng như ảnh hưởng. Anh ta trải qua hết mọi thứ cảm giác trong đời. Cái mà anh ta thiếu là những ngày tháng tới có gì để làm vui, có thử thách nào khó khăn và lạ lẫm để anh ta tìm cảm giác sống.
An ninh Việt Nam đã đem lại cho anh ta cảm giác ấy, cảm giác có đối thủ đang thi đấu với mình. Phía an ninh Việt Nam càng ra nhiều mưu kế, hành động để bắt bà Thoa, càng kích thích tính phiêu lưu của anh ta nhiều hơn, hăng hái hơn.
Các chiến sĩ an ninh Việt Nam tuổi trẻ , họ có sự kiêu hãnh của tuổi trẻ và nhiệm vụ và còn là tinh thần dân tộc. Đưa họ vào nhiệm vụ đối đầu với một nhà tài phiệt cũng đầy cá tính như vậy liệu có ổn không?
Các bạn đọc có hình dung rằng lỡ như có sự va chạm đụng xe, ẩu đả, bắt cóc giữa đường...xảy ra điều gì đến tính mạng anh ta thì sẽ ra sao? Sẽ thoả thuận bồi thường bằng tiền chăng ?
Người ta sẽ quy kết đó là một vụ ám sát cố tình, có kế hoạch.
Mạng của một thái tử thiên triều bị ám sát không thể đồi bằng tiền, nhất là sự ám sát ấy đã có căn cứ là một kế hoạch qua, bằng chứng bủa vây nhà, đụng xe gây tai nạn vài lần của cơ quan an ninh Việt Nam trên đất Pháp.
Khi ấy sẽ có nhiều người Việt ở nước ngoài, đặc biệt những người có liên quan đến nhà nước Việt Nam được tìm thấy ở bên sông, ngoài bãi rác, trong khu rừng. Có hỏi vì sao họ ở đó, họ cũng không trả lời được. Chưa kể sau đó biên giới và hải đảo sẽ còn có chuyện gì. Hôm qua Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt tay thoả thuận nếu một số khu vực xung quanh Trung Quốc xảy ra chiến tranh, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.
May mắn thay, nhà tài phiệt đã chấm dứt cuộc chơi ấy bằng một kịch bản anh ta tự viết và tự đóng vai chính. Khi chiếc máy bay hạ xuống sân bay Santou, cuộc rượt đuổi đầy nguy cơ gây nên những hậu quả khôn lường đã tạm thời khép lại.
Trần Linh Phan khai đúng những gì anh ta trải qua, xuống đến sân bay xin visa nhập cảnh vào TQ, vì không nhập cảnh thì biết đi đâu, không liên hệ được với cấp trên để xin chỉ đạo. Mỗi người được phân đi một phòng cách ly, sau đó được đưa về khách sạn ở Hải Nam thì gặp lại đồng đội ở đó. Còn tốp bà Thoa đi đâu không rõ.
Ăn uống, đối xử, ở chỗ nào thì đúng như những gì người ta đã đưa trên mạng, cho đến ngày có người đến hỏi và đưa về như bài trước...
Lời khai của Phan đẩy mọi thứ vào thế khó xử, lẽ nào anh ta được về chỉ vì một lý do hoang đường đến vậy.
Phía Việt Nam không nghĩ rằng, 5 người còn lại ngày về đang xa thăm thẳm. Bởi những người kia họ nại lý do rằng, nhóm 5 người này đã từng có động cơ mưu sát họ ở Pháp. Nếu họ về hết, phía Việt Nam sẽ lại tổ chức một cuộc mưu sát khác khi chúng tôi đi làm ăn ở nước khác thì sao. Ai đảm bảo cho tính mạng chúng tôi khi đi làm ăn ở nước ngoài mà quyết định can thiệp thả những người đó về. Phía Việt Nam đâu đã có thể hiện gì rằng họ sẽ không tái diễn việc đó, trái lại các tin tức cho thấy họ còn đang nung nấu thực thi bằng được toan tính của họ.
Vì sao việc này liên quan đến Thích Minh Hiền ?
Đơn giản là vì ông ta là người chi phối cảm xúc của tôi bây giờ, chính ông ta là động lực để tôi viết loạt bài này.
Việc lời khai của Trần Linh Phan được về do người ta nói rằng tôi can thiệp là chính xác, còn tôi thực sự có can thiệp được hay không thì chuyện ấy khó mà tin được. Có lẽ ai đó đã muốn lôi tôi ra nhét vào vụ việc này nên đã nói với Trần Linh Phan vậy.
Nếu tôi mà có khả năng và ảnh hưởng như thế, tôi đã không phải khổ sở để đòi Thích Minh Hiền trả nợ rồi. Không phải cứ mỗi lần viết điêp vụ VH20 lại lôi Thích Minh Hiền vào để gỡ gạc chút sức ép cho việc đòi nợ.
Người Buôn Gió
Blog Người Buôn Gió