Nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh than: “Càng ngày càng thấy văn chương bây giờ nó nhảm nhí quá!”
Tôi thì thấy bình thường, không than không trách. Thời nào chẳng có văn chương nhảm nhí? Cổ đại có không? Chắc chắn là có. Không chỉ nhảm nhí mà còn xuyên tạc, lừa dối. Không ngẫu nhiên mà Plato đòi đuổi cổ giới nhà văn nhà thơ ra khỏi vương quốc cộng hoà. Lưu Hiệp và nhiều nhà phê bình Trung Hoa thời cổ xem văn chương có hai loại, loại lấy cái Văn (vẻ đẹp ngôn từ, màu sắc, âm thanh) làm sáng tỏ cái vô hình, bí ẩn của Đạo, nhưng cũng có loại lấy cái “văn vẻ” trau chuốt cầu kỳ hoa mỹ để khoe khoang và lừa dối.
Trung đại có không? Ê hề. Khi lấy đạo đức tôn ti làm khuôn mẫu, thứ văn chương minh hoạ sáo mòn và nịnh hót quyền lực ra đời tràn lan. Nhà văn thành kẻ nô tài, nhổ nước bọt bôi trơn đít quan mà nhầm tưởng nhả ngọc phun châu. Thậm chí có loại văn chương vô cùng có hại như tạo ra những tấm gương Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa đến mức cha làm thịt con cho vua hay bố mẹ ăn để giữ đạo trung, đạo hiếu, vợ chết theo chồng để giữ gìn trinh tiết. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Văn Siêu của Việt Nam nói: “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ…” Không đáng thờ tức là đáng bị khinh bỉ!
Thời cận hiện đại có không? Có, vô số. Shopenhauer từng xem văn chương “vừa là thuốc bổ vừa là thuốc an thần”, vì nó ru ngủ nhà văn và ru ngủ đám đông trong thứ cực lạc hoang tưởng. Nietzsche thì nói, trong những nền văn minh suy tàn, văn chương nghệ thuật chỉ là sự an ủi chứ không phải là sức mạnh. K. Marx thì đả kích quyết liệt vào thứ văn chương bị kiểm duyệt, đến mức buộc hoa hồng phải có mùi thơm của hoa violet, nhà văn trào phúng phải viết những lời tụng ca đỏ chói… tóm lại là tất cả mang “màu sắc chính phủ đã quy định” (Toàn tập, t.1, trang 154, Mega).
Chỉ bắt đầu từ khi giới nghiên cứu phê bình nhân danh chủ nghĩa Marx đặt trên vai nhà văn trách nhiệm lớn lao cao cả, “vĩ đại” và “quang vinh”, mỗi công trình nghiên cứu, phê bình đều ngợi ca nhà văn như Đấng Sáng tạo nên mới thấy hụt hẫng bởi cái sự nhảm nhí của nó. Văn chương nhiều như rác nhưng cái đống rác thải ấy lại được giới phê bình tán tụng thành vàng ròng rồi bắt học trò phải học, phải nghiên cứu với đủ các loại công trình, luận án, luận văn.
Theo tôi, lỗi còn tại nhà văn hoang tưởng thành gà đẻ trứng vàng khi cục tát reo lên: “Nhà nước vẫn còn nuôi anh em ta!”. Trong khi, theo lẽ tự nhiên, ăn nhiều thì ỉa nhiều cứt thối chứ đẻ trứng vàng là hoang tưởng.
Vậy muốn nhà văn vĩ đại thì phải làm gì? Cứ theo hiện sinh luận mà bàn, người ta chỉ vĩ đại trong bi kịch. Prometheus chỉ vĩ đại khi chấp nhận hình phạt bị moi gan để tước đoạt ngọn lửa độc tài của Zeus. Chúa Kito chỉ vĩ đại khi tự nguyện đóng đinh trên cây thập ác, hiến máu tình thương cho nhân loại… Chí ít cũng bị cái thiếu thốn dày vò như Dostoievski, bị đói sùi bọt mép như Đỗ Phủ, Nam Cao, làm việc đến ho ra máu như Vũ Trọng Phụng,… mới có thể lớn lên được mà thành đại văn hào. Còn suốt đời nhà văn vẫn bú sữa nhân dân hay nhà nước thì chỉ có thể viết ra những điều nhảm nhí như con nít. Nhảm nhí còn khá, vì vô hại hay mới chỉ ăn hại. Đáng sợ là thứ văn chương bán nước hại dân.
Chu Mộng Long
Nguồn: Facebook Chu Mộng Long