BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện không thể không kể

09 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 903)
Chuyện không thể không kể
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong tuần vừa qua, ở Việt Nam chẳng thiếu gì chuyện lớn, chuyện nhỏ, lẩm cẩm và không lẩm cẩm. Song đối với tôi, có một chuyện nhỏ, tôi lại cho là điều đáng phải tường trình với bạn đọc hơn cả.

Số trước (224), ngay trong đoạn đầu tiên về việc giúp đỡ anh em TPB VNCH, tôi đã thông báo có một danh sách 5 TPB ở Houston gửi về. Ngay sau đó, tôi đã yêu cầu anh Đoàn Dự ở Sài Gòn gửi ngay đến những anh em này mỗi người 100 đô la trích trong số tiền của độc giả Thời Báo Canada gửi tặng.

Không chân, không tay, mù mắt làm sao ra bưu điện lãnh tiền?!

Vài ngày sau, số anh em nhận được quà tặng đã hồi âm. Duy chỉ có anh Dương Quang Thương, ở Đội 1, Hợp tác xã Trung Tiến, Xã Lộc Tiến, Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế là chưa có hồi âm. Chúng tôi hơi sốt ruột. Nhưng gần một tuần sau, anh Đoàn Dự cho biết là vừa nhận được điện thoại của người con gái anh Dương Quang Thương gọi vào báo tin đã nhận được tiền. Việc chậm trễ hồi âm một vài ngày chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là lý do nhận được tiền chậm của gia đình anh Thương.

Người con gái anh Thương là chị Dương Thị Hoa kể rằng: Bố chúng cháu bị cụt cả hai chân, hai tay, mắt lại mù nên chỉ nằm trên giường. Khi bưu điện gọi ra lãnh tiền, cả nhà cháu đều hết sức ngỡ ngàng. Bởi từ trước tới nay chưa hề nhận được tiền của ai giúp đỡ qua bưu điện bao giờ. Vả lại Bố chúng cháu không có chân, làm sao đi đến Bưu điện được và có đi cũng không có tay, mắt lại mù, làm sao mà ký nhận? Vì vậy bưu điện không thể phát tiền được. Đó là nguyên tắc của họ. Cả nhà chỉ còn biết ngồi tiếc ngẩn ngơ rồi khóc.

Đối với người ở nông thôn, hơn một trăm ngàn đã là quá khó kiếm, nói gì đến hơn triệu đồng VN, quý lắm. Chị nói từ bao lâu nay chị vẫn phải nuôi mấy đứa con nhỏ và nuôi bố, trong khi người chồng của chị đã rời bỏ quê hương, đi tha phương cầu thực ở đâu chẳng biết. Cuộc sống vô vàn khó khăn. Kể đến đây chị Hoa cũng khóc.

Cũng may, trong xóm có người mách: ra Ủy Ban xã mời người của ủy ban đến nhà chứng kiến và làm giấy chứng nhận rồi mang cái giấy đó ra bưu điện xã có thể lãnh được. Chị Hoa đã làm theo và mấy ngày sau, gia đình chị mới nhận được tiền. Cả nhà chị xúc động, vui mừng như mở hội. Chị nói rất nhiều đến những lời cảm tạ như chưa từng “được cảm tạ” như thế bao giờ.

Sự việc này khiến chúng tôi bùi ngùi. Nhưng anh em ở miền Trung xa quá, chúng tôi không thể đưa đến tận tay từng người như đã từng làm với các anh em ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ có cách gửi qua bưu điện là nhanh nhất và phí tổn không nhiều. (Gửi hơn một triệu đồng, phí tổn chừng ba chục ngàn đồng VN). Sau đó, nếu có điều gì nghi ngờ chúng tôi có thể dễ dàng kiểm lại.

Tôi bàn với anh Đoàn Dự và tòa soạn gửi tặng tiếp thêm cho gia đình anh Thương 200 CND nữa, cũng trích trong số tiền của độc giả Thời Báo Canada còn lại. Chúng tôi hy vọng độc giả cũng sẽ đồng ý với chúng tôi về việc này.

Nếu bạn đọc muốn giúp đỡ gia đình anh Dương Quang Thương, xin gửi về địa chỉ:

Chị Dương Thị Hoa: Đội 1, Hợp tác xã Trung Tiến, Xã Lộc Tiến, Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

Xin cảm ơn anh Nguyễn Gia Quyết và bạn đọc VietHouston đã cung cấp địa chỉ.

Trong khi ở VN có những gia đình cực kỳ nghèo khổ và những người dân sống trong hoàn cảnh bệnh tật đau thương như thế thì có hàng ngàn chuyện lãng phí, tham ô với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo vừa được công bố.

Kinh hoàng chuyện ngân sách bị rút ruột hàng ngàn tỉ đồng

Trước hết phải xác định ngay, từ trước đến nay, người dân VN hoàn toàn không hề hay viết gì về sự thâm thủng ngân sách. Bởi có bao giờ họ được biết ngân sách chi ra cho từng công trình là bao nhiêu đâu. Chỉ có các cán bộ cấp cao và những “bên có liên quan” mới được biết thôi. Cũng như những vùng quy hoạch nào “thơm” nhất, giá nhà đất sẽ lên vùn vụt thì chỉ có các quan biết với nhau. Có khi còn giữ bí mật cả với vợ, nhưng với bồ nhí thì hé lộ tí ti gọi là “đền bù săn sóc” hay gọi là “tình phí” cũng không sai. Quan chả mất gì mà “cưng” lại hưởng lợi. Đúng là “đôi bên cùng có lợi”.

Tuy có nghi ngờ và gần như người dân nào cũng có thể “hiểu ngầm” rằng ngân sách bị xà xẻo bởi bọn sâu dân mọt nước là chuyện tất nhiên.

Nhưng người ta không thể ngờ con số lại lớn đến thế. 7.622,5 tỉ đồng ngân sách, tức là tiền của nhân dân, bị lãng phí, bòn rút trong năm 2005 khiến người dân choáng váng như bị đấm vào mặt. Vậy năm 2006 và 2007 sẽ là bao nhiêu? Chưa kiểm toán, chưa biết được, song chắc chắn đi theo đà phát triển kiểu “tùm lum” này thì tất yếu nó phải gia tăng theo tỉ lệ thuận. Không có gì phải “théc méc”.

Riêng trong năm 2005, dù chưa công bố chi tiết và chưa đầy đủ, nhưng bản báo cáo tóm tắt của Kiểm toán Nhà nước về ngân sách năm 2005 vừa được công bố, cũng đủ khiến người xem phải kinh hoàng. Nếu đầy đủ hơn nữa, chắc có người… bỏ xứ mà đi như các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc cho đỡ tức mình.

Nhìn lại 104 cuộc kiểm toán, số lượng vi phạm lên đến gần 8.000 tỉ đồng và 100% đơn vị được kiểm toán đều “có vấn đề”. Có nghĩa là bất cứ khoản tiền nào nhà nước bỏ ra làm đều bị “ăn cắp”. Gọi là “ăn cắp” không đúng hẳn, bởi cứ mỗi khi có khoản tiền nào “rót xuống” là lập tức có một “bộ tham mưu” bàn bạc tính toán để chia nhau. Thế cho nên người dân đã nhiều lần tính toán rằng nếu làm một con đường, bỏ ra một trăm tỉ thì trên dưới chia chác, đến anh nhà thầu bớt xén, biếu qua biếu lại, con đường được làm với 50 tỉ đã là may lắm rồi. Một ngôi nhà, một hội trường, một nhà “lưu niệm”, một trụ sở Ủy Ban lẩm cẩm nào đó, ngay cả một ngôi trường học thì thường chỉ được “thi công” với 30% số tiền nhà nước bỏ ra. Như thế phải gọi là ăn cướp mới đúng chữ nghĩa VN. Cái sự thật đó, người dân đã “thuộc” từ lâu chứ chẳng phải bây giờ.

“Tiền chùa”, ném đi đâu?

Chỉ lấy một hai thí dụ trong hàng ngàn vụ: người ta có thể ném hàng tỉ đồng vào những dự án không hề có giấy tờ gì như bốn hạng mục ở Nhà máy điện Phú Mỹ 4. Còn dự án cầu Vĩnh Tuy, người ta đã cò kè để cố bớt từng đồng đền bù ruộng đất của dân. Nhưng đã có gần 30 tỉ đồng đã được đền bù... cho các tay có quyền có thế kéo theo cả một đàn, một lũ vợ chồng con cái nội ngoại của họ.

Cứ hỏi sao người dân “khiếu kiện vượt cấp”, hầu hết từ đó mà ra. Cần gì phải hỏi.









Cửa Bắc Viện Hải dương học Nha Trang cỏ dại mọc đầy, làm để… bỏ không!

Biết trước dự án chết, vẫn làm

Có dự án người ta biết trước chắc chắn sẽ chết, sẽ rơi vào vực thẳm nhưng họ sẵn sàng bất chấp hậu quả, miễn là cứ giải ngân càng sớm càng tốt. Đó là những dự án vượt thẩm quyền, không đủ kinh phí, làm dở dang phơi nắng dầm mưa như: 13 dự án xây trụ sở làm việc ở Bạc Liêu, quốc lộ 6 Hòa Bình - Sơn La hay đường hầm Viện Hải dương học Nha Trang... Cứ làm, cứ chi, miễn là có chấm mút. Chữ “chấm mút” lỗi thời rồi, bây giờ phải dùng chữ “vồ” mới sát cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chấm mút là còn “chút chút”, là còn biết sợ. “Vồ” là cứ xông tới chụp giựt bằng được mới thôi. Cũng chưa thôi, nếu còn “vồ” được là lại vồ tiếp, vồ thường xuyên, vồ liên tục. Nó trở thành “phổ biến” trong bất cứ khoản tiền nào của ngân sách nhà nước, đó là thứ “ngon nhất”, bọn dân đen biết đấy là đâu.

Không chỉ khéo bòn rút, phóng tay tiêu mà dường như nhiều đơn vị coi ngân sách như của riêng một số cán bộ đương chức. Họ thoải mái cho vay, cho ứng, cắt tiền khoa học công nghệ chi cho tiền hỗ trợ, vui chơi...

Tôi cam đoan rằng bạn đọc đã từng dùng chữ “tiền chùa”, nhưng chưa bao giờ đúng bằng người dân VN dùng lúc này.

Một số vụ trong đợt kiểm toán này đã được chuyển sang cơ quan điều tra đồng thời tất cả các báo cáo của kiểm toán nhà nước đều được gửi đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để phối hợp trong công tác phòng chống tham nhũng.

Hãy đợi xem kết quả của sự chống tham nhũng này như thế nào. Chỉ sợ nhiều quá chống không xuể, hồ sơ lại chất đầy như núi theo với tháng năm… hiu hắt ngọn đèn vàng!

Còn những món ăn chơi hấp dẫn khác

Ngoài những “món ăn khoái khẩu” trong mâm cỗ tiền chùa của ngân sách nhà nước, các quan còn khối món ăn khoái khẩu khác nữa và những thú vui chơi ly kỳ không giống ai. Vồ đất của nhà nước chia nhau, sang đi bán lại, đền bù lằng nhằng cũng kiếm mỗi vị vài chục tỉ xài chơi. Gần nhất, những vụ việc còn đang lằng nhằng như ở Kiên Giang, Bình Dương, Tây Ninh… có thể là những dẫn chứng cụ thể nhất. Gian manh hơn, khi cần có luật để bảo vệ sự gian lận đó, các quan bèn hè nhau đẻ ra luật lệ, đẻ ra quyết định để hợp thức hóa. Gọi là “tham mưu” cho cấp trên, “đề xuất” như cái kiểu quân sư quạt mo, làm sẵn “luật” cho cấp trên ban hành. Thế là mâm cỗ dọn sẵn, họ hàng nhà quan chỉ việc ngồi vào ăn thoải mái.

Đấy mới chỉ là một trong những món ăn chơi “thời thượng” của những quan tham thời nay. Còn những món lập công ty xe vận tải, xe ben, trường đá gà, kinh doanh độc quyền đủ loại thì nhiều vô số kể.

Có thể tạm kể ra món “độc quyền lậu” của một quan chức thuộc cơ quan đứng đầu cả nước về chống buôn lậu lại đi xe lậu, đến tuần vừa qua mới bị khám phá ra.









Chiếc xe có hai biển số, xe thật của Tổng cục Hải quan đã hư hỏng bị bỏ xó, ông Lợi dùng biển số này cho xe “lậu” của mình đi làm ăn riêng.

Người của “bộ” dùng xe lậu của “bộ”

Chiếc xe hiệu Nissan Bảng kiểm soát (BKS) số 80B-2641, vẫn thường hay lui tới các cảng ở TP Sài Gòn cho đến Đồng Nai, Bình Dương và Vũng Tàu. Giới làm ăn vận tải đều biết đến ông Đặng Văn Lợi - quan chức Tổng cục Hải quan (phía nam) - là người điều khiển chiếc xe này. Họ cũng phải kiêng nể bởi chính BKS xe cho thấy là người của "bộ"(!?).

Nhưng khi kiểm tra chiếc xe này thì có tới 2 chiếc xe mang cùng biển số. Chiếc xe “thật” của Tổng cục Hải quan không còn hoạt động từ hơn 2 năm qua, còn chiếc xe cũng mang biển số do ông Lợi dùng là xe giả. Bằng chứng là anh Lê Duy Tuấn (nhân viên làm việc tại Tổng cục Hải quan) khẳng định: "Chiếc xe với BKS này là của Tổng cục Hải quan, chính tôi là người lái chiếc xe này từ năm 1993 đến năm 2003 thì xe bị hỏng. Sau đó hơn 2 năm nay, chiếc xe bỏ ở đây. Giấy tờ xe đứng tên chủ quản là Tổng cục Hải quan...".

Với cương vị được Tổng cục Hải quan giao phó trong lực lượng phòng, chống buôn lậu, vị thế của ông Lợi nổi như cồn. Do vậy, để lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, ông Lợi đã bắt tay vào cuộc làm ăn khiến giới kinh doanh vận tải và làm thủ tục hải quan phải kiêng dè và không dám ho he.

Lợi dụng chiếc xe quan đó, ông Lợi lập ra doanh nghiệp Nhật Thịnh. Cao tay ấn hơn, ông Lợi lại thuê ông Lê Văn Chiến đứng tên làm giám đốc (GĐ) với ngành nghề kinh doanh: "Dịch vụ giao nhận hàng xuất nhập khẩu, khai thuế hải quan. Cho thuê kho bãi. Đại lý ký gửi hàng hóa. Kinh doanh vận tải hàng bằng xe hơi". Chính từ việc có doanh nghiệp (DN) trong tay, ông Lợi đã mở nhiều cuộc làm ăn khiến giới kinh doanh vận tải bị chèn ép hoặc cho ra rìa. Trong khi đó, ông Chiến khẳng định: "DN Nhật Thịnh là của ông Lợi, tôi được thuê làm giám đốc và đứng tên giấy phép kinh doanh chứ mọi hoạt động, điều hành đều do ông Lợi làm. Tôi có ký biên bản khi chiếc xe lậu mang BKS 80B bị CA giữ. Lúc đó ông Lợi năn nỉ tôi làm chuyện đó để cứu ông ta. Còn doanh nghiệp thì từ tháng 4-2007 đến nay, ông Lợi đã lấy lại và tôi không còn nhận lương cũng như làm việc cho DN này nữa".

Bình an vô sự

Doanh nghiệp Nhật Thịnh có khoảng 5 đầu kéo container, ông Lợi bắt đầu tìm các nguồn hàng để chuyên chở. Chỉ riêng việc ông Lợi can thiệp để Nhật Thịnh được ký kết hợp đồng kinh tế về việc thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng container và làm thủ tục cho hàng nhập khẩu theo loại hình chuyển cửa khẩu của Cty Tong Hong Tannery VN và Doanh nghiệp Nhật Thịnh thì món hưởng lợi là rất lớn.

Vào thời điểm ký kết hợp đồng là năm 2006 (hiện hợp đồng này vẫn được thực hiện) là phí vận chuyển loại container 20 feed có giá hơn 1,7 triệu đồng, 40 feed có giá 2,3 triệu đồng... thì theo giá thị trường, cũng đoạn đường đó, cũng loại container đó, có giá thấp hơn rất nhiều. Như vậy chưa kể việc được ký hợp đồng vận chuyển và làm thủ tục hải quan, Nhật Thịnh còn được "ưu ái" có giá cước cao hơn thị trường nhưng vẫn hoạt động bình thường.

Không chỉ một doanh nghiệp, trong tay ông Lợi còn có thêm một doanh nghiệp tư nhân khác hiện đã hình thành cũng dưới tay ông Lợi tổ chức, hiện hoạt động kiểu như Nhật Thịnh. Đoàn xe đầu kéo container của ông Lợi hiện ngày đêm vẫn hoạt động và sau những chặng đường đánh hàng lại về tá túc ngay trong bãi xe nhà ông Lợi ở Q.2. TP. Sài Gòn.

Đến nay, chiếc xe lậu của ông Lợi đã bị CA tịch thu bán đấu giá, thế nhưng ông Lợi vẫn bình yên vô sự? Và đằng sau chiếc xe ấy có rất nhiều điều mờ ám gắn liền với việc "làm ăn" của quan chức chống buôn lậu ngành hải quan này. Vậy mà mọi sự vẫn êm ru. Thế mới là chuyện lạ. Chẳng biết Tổng cục Hải quan nghĩ sao? Người dân có quyền đặt câu hỏi: Hay là… lại ngại “rút dây động rừng”?









Nguyễn Văn Beo với mái đầu bị cạo như quả dưa gang!

Thú chơi không giống ai

Ngoài chuyện “ăn” , đến chuyện “chơi”, những món ăn chơi trác táng như kiểu Hiền Chèo đưa các em được gọi là “nghệ sĩ và sinh viên thứ thiệt” ra Quảng Ninh cho các quan giải trí cùng hàng loạt vụ ăn chơi nổi đình đám của “tập đoàn Bùi Tiến Dũng” ở Hà Nội đã là chuyện bình thường rồi. Nhưng đó là trò giải trí của các quan to. Các quan nhỏ ở địa phương cũng có những trò giải trí “lẩm cẩm” khác người.

Có một chuyện được người dân mang ra kể lại như chuyện tiếu lâm. Tối 26-2-2007, ông Chung (Trưởng công an xã Tân Hưng, Đồng Phú, Bình Phước) chắc là sau khi đã “ngà ngà” bèn bắt em Nguyễn Văn Beo (17 tuổi) về trụ sở công an xã. Sau đó, ông Chung đánh đập và lệnh cho một nghi can khác đang bị bắt dùng dao cạo một góc đầu của em Beo ngồi coi chơi đỡ buồn. Trông cái đầu của em có sọc, cứ như quả dưa gang, chắc là các quan xã khoái chí lắm.

Sở dĩ người dân nhắc lại vì dư luận um xùm quá, nên anh công an này vừa bị lãnh 9 tháng tù treo vì tội làm nhục người khác. Hình phạt đó có vẻ như còn hơi nhẹ. “Treo” thì chưa đủ sức ngăn chặn những thú chơi ngông khác của mấy anh quan nhí.









Trong ngày khai giảng năm nay, trong khi bạn đồng lứa nô nức đến trường dự khai giảng thì Huỳnh Thị Ngọc Trâm phải đưa lên Sài Gòn chữa bệnh tâm thần

Hậu quả lâu dài

Tuy nhiên, mái tóc em Beo sau vài tháng còn có thể mọc lại. Còn có những thú chơi để lại hậu quả lâu dài cho các em nhỏ.

Huỳnh Thị Ngọc Trâm, nguyên học sinh lớp 5, trường tiểu học An Hiệp 2, bị nghi ngờ lấy 47.800 đồng tiền quỹ lớp. Ngày 14-3, nguyên hiệu trưởng Lưu Văn Ca cử thày giáo phụ trách đội là Lê Văn Xem chở em đến Công an xã, đưa vào phòng riêng lấy lời khai, bắt viết bản tường trình mà không có người giám hộ. Sau đó, em Trâm bị hoảng loạn tinh thần, phải nghỉ học để điều trị tới nay. Những người liên quan đến việc lấy cung bé Trâm đã chịu cảnh cáo, kỷ luật. Song hậu quả thì còn lâu dài.

Sáng 5-9-2007 vừa qua, trong khi bạn đồng lứa nô nức đến trường dự khai giảng thì Huỳnh Thị Ngọc Trâm, nữ sinh bị hoảng loạn sau cuộc hỏi cung vì nghi án 47.800 đồng ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, lại phải nghỉ học, chuẩn bị tư trang lên TP. Sài Gòn chữa bệnh.

Chị Nga - mẹ em- kể, tối 4-9 vừa qua, khi thày chủ nhiệm lớp cũ của em gọi điện thoại thông báo ngày khai giảng, Trâm chỉ lặng nghe rồi tắt máy. Cũng theo lời chị Nga, sau gần 6 tháng điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Tâm thần TP. Sài Gòn, sức khỏe Trâm đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, em vẫn chưa nói thành tiếng rõ ràng, không chịu tiếp xúc với người lạ, kể cả bạn thân. Gia đình đã chuyển em lên Thị xã Sa Đéc sống cùng bà ngoại, để cách ly môi trường gây bệnh cho em. Tức là xa lánh hẳn ngôi làng đã ám ảnh tâm trí em; nay lại phải đưa lên thành phố Sài Gòn chữa bệnh. Chưa biết đến bao giờ cô bé học trò mới quên được nỗi sợ hãi đã bị “hỏi cung” như vậy.

Tình yêu là như thế

Tạm ngưng những chuyện buồn đó để bạn đọc đỡ nhức đầu, xin kể một chuyện vui, tôi cho là rất lý thú. Một chuyện tình đáng nể giữa thời đại văn minh hiện đại này. Trong khi có những mối tình sống vội, yêu chớp nhoáng rồi chuồn lẹ hoặc có những mối tình sinh viên với các đại gia, cẳng dài với “ông kẹ”, chuyện tình một đêm… chung quy chỉ vì tiền thì giữa công viên lại xảy ra một chuyện tình khá ly kỳ. Đọc câu chuyện thời sự lẩm cẩm này, quả thật tôi thấy thú vị lắm và chỉ có thể mỉm cười kết luận “đó mới thật là tình yêu”. Xin tường thuật lại để bạn đọc cùng “thư giãn” và chiêm nghiệm.









Romeo ngủ tạm bên hồ trong khi chờ đợi người tình Juliet nhặt rác trở về tổ ấm

“Romeo - Juliet nhặt rác”

Khu vực hồ Đống Đa (Hà Nội) có một đôi bạn già, ngày đi nhặt rác, tối ngủ ven hồ hoặc trong các ống cống. Bà dở dở điên điên, ông lần nào bị con bắt lên xe hơi đưa về nhà rồi cũng "vượt ngục", trở lại cuộc sống "màn trời chiếu đất" với "người tình Juliet"...

Chẳng ai biết tên cũng như lai lịch của 2 ông bà, những người thường đi qua công viên chỉ thấy họ suốt ngày “cặp kè” với nhau như một đôi tình nhân thắm thiết lắm. Người đàn ông khoảng ngoài 60, còn người phụ nữ, đã quá tuổi 50.

Họ đã đặt tên cho đôi tình nhân này là “Romeo và Juliet nhặt rác”. Cái tên nghe có vẻ xúc phạm, nhưng thật ra đó lại là sự suy tôn mối tình của hai người bạn già này. Bởi họ đã cùng nhau vượt qua nhiều “hoạn nạn” cam chịu nghèo khổ cùng nhau, nhất quyết không rời xa, không màng phú quý.









Đường vào tổ ấm trong ống cống của cặp tình nhân “Romeo và Juliet nhặt rác”. Đây là hình ảnh nàng Juliet đang trở về

Con mang xe hơi đến “bắt cóc”, bố vẫn không chịu về

Có một hôm, người đi tập thể dục buổi chiều quanh hồ Đống Đa thấy 1 chiếc xe hơi khá sang trọng dừng lại trước căn nhà ống cống của “Romeo và Juliet nhặt rác”. 4 người đàn ông cùng 2 phụ nữ từ trong xe bước ra, trèo lên nóc cống rồi hò nhau lôi “Romeo” đang trốn bên trong ra, “quẳng” lên xe hơi, mặc ông già ra sức giãy giụa.

Người đi đường thấy vậy xúm lại định can thiệp thì một trong 2 người phụ nữ phân trần: “Đây là bố chồng em, chẳng biết cụ phải bùa phải bả gì “bà điên” kia mà bỏ nhà bỏ cửa, bỏ con cháu để ra đây sống trong ống cống, chúng em phải thuê người đi tìm mãi mới được!”.

Xe hơi chở “Romeo” đi khuất, “Juliet” mới lò dò chui từ trong đám ống cống bên cạnh ra, cứ ôm mặt khóc rưng rức.

Sau gần 2 tuần bị “bắt về”, bất ngờ “Romeo” lại xuất hiện ở những chiếc ống cống. Có người tò mò tới hỏi thăm, ông hớn hở khoe: “Chúng nó đem tôi về nhà thằng anh cả, nhốt lại không cho đi đâu. Mãi tôi mới trốn ra được đấy!”.

Biết bố “ngụ” trong những chiếc ống cống, mấy người con của “Romeo” một lần nữa quay lại “bắt cóc” bố về. Được vài bữa, ông lại trốn ra và quay về với “Juliet nhặt rác”. Điệp khúc ấy cứ diễn đi diễn lại vài lần, mãi rồi những người con cũng chịu thua, không tìm nữa.
Tôi hoan nghênh sự hiếu thảo của những người con, nhưng bái phục ông già Romeo trên sáu bó này hơn. Xin hãy để cho cặp tình nhân tuyệt vời này được sống trong cái thế giới của riêng mình. Như một tấm gương rất đẹp cho cả một thời đại.

Bạn đọc nghĩ gì khi hình dung ra cảnh này? Tôi hy vọng bạn tìm lại được một chút thư thái trong tâm hồn mình và yêu người, yêu đời hơn. Tình yêu là như thế.

Văn Quang
09/09/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn