BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31019)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tác dụng của chuyện cười chính trị trong cách mạng dân chủ tại Liên Xô

30 Tháng Chín 20206:48 SA(Xem: 822)
Tác dụng của chuyện cười chính trị trong cách mạng dân chủ tại Liên Xô
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Sự sụp đổ của Liên Xô được giải thích, biện luận, phân tích từ các góc độ kinh tế, chính trị, quân sự nhưng đều là những góc nhìn từ bên ngoài.

Chính góc bên trong nơi gần 300 triệu nạn nhân của chế độ CS đã kiên trì chống đỡ và vượt qua mới là điểm bắt đầu quyết định. Đó là góc nhận thức và nhận thức thể hiện không chỉ bằng những tác phẩm lớn mà có khi chỉ là những mẫu chuyện cười chính trị ngắn.

gorbachev-reagan
Một anh bán rượu kể chuyện cười mỉa mai chế độ, các nhà văn, nhà thơ âm thầm phổ biến các tác phẩm cổ xúy quyền tự do, chị bán hàng rong một mình chống chính sách thuế đánh vào giới tiểu thương, các bạn thanh niên sinh viên phát động phong trào mặc quần jeans xanh theo lối Mỹ trong thập niên 1960 v.v.. đã góp phần tẩy chay chế độ. Chế độ dù ba đầu sáu tay trăm con mắt cũng không thể chống cự hay ngăn cản được đội quân phản kháng hữu hình nhưng cũng rất vô hình, vô dạng kia.

Những nỗ lực của họ không được thấy và có khi còn không được ghi nhận nhưng chính những mạch nước chảy ngầm đó đã góp phần xoi mòn chế độ.

Suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cơ quan CIA của Mỹ thu thập và lưu trữ nhiều tài liệu về Liên Xô, không chỉ số lượng bom nguyên tử mà còn số lượng những chuyện cười chính trị mỉa mai chế độ, làm giảm uy tín của chế độ, và dĩ nhiên CIA cũng đã tìm cách phổ biến những chuyện cười đó tại Liên Xô và các nước CS bằng nhiều cách.

Sau đây là vài mẫu chuyện cười chính trị tiêu biểu trích trong hồ sơ của CIA:

“Một bà cụ bước vào một Ủy Ban Nhân Dân nơi bà sống để đặt câu hỏi, nhưng khi tới nơi bà cụ quên mất mình tính hỏi gì. “Chắc bà muốn hỏi về tiền hưu trí chứ gì?” Cán bộ gợi ý giúp bà. “Không, 20 Rup một tháng và cũng được rồi”, bà cụ đáp. “Vậy chắc bà thắc mắc về căn hộ bà đang ở?” “Không, tôi ở chung phòng với ba người khác trong khu tập thể, tôi sống được.” Bất ngờ bà cụ sực nhớ ra câu hỏi “Ai phát minh ra chủ nghĩa Cộng Sản, những người CS hay các nhà khoa học?” “Tại sao phải hỏi, đương nhiên là những người CS đã khám phá ra chủ nghĩa CS", viên cán bộ đáp một cách hãnh diện. “Tôi cũng nghĩ vậy", bà cụ đồng ý và nói tiếp "bởi vì nếu các nhà khoa học khám phá ra thì họ đã thí nghiệm với chó trước rồi.”

Một mẫu chuyện khác.

“Nhập đề một bài luận văn của một học sinh Liên Xô: “Con mèo nhà em vừa sinh được bảy con mèo con và tất cả đều là CS”. Tuần sau cũng em học sinh này trong giờ làm luận nhưng em nhập đề khác đi: “Con mèo nhà em vừa sinh được bảy con mèo con và tất cả đều là tư bản.” Thầy giáo nhắc em là tuần trước em viết bảy mèo con đều là CS. Em đáp “đúng vậy, như tuần này bảy con mèo mở mắt.””

Một chuyện khác.

“Một người Mỹ kể với một người Nga rằng ở Mỹ anh ta có thể ra trước Tòa Bạch Ốc và hô “đả đảo Reagan!”. “Chuyện đó không có gì lạ”, người Nga đáp, “Tôi cũng có thể ra trước Điện Kremlin và hô lớn “đả đảo Reagan" vậy."

Một chuyện khác.

“Một người đàn ông lái xe hơi chở vợ và một đứa con nhỏ. Cảnh sát giao thông chặn xe và bắt anh ta phải thử bằng máy kiểm tra lượng rượu đã uống. Máy báo anh ta uống cao hơn lượng rượu cho phép. Người đàn ông chống đối rằng máy thử có thể bị hư và yêu cầu viên cảnh sát thử vợ của anh. Kết quả máy cho biết vợ của anh ta uống nhiều hơn lượng rượu cho phép. Bực tức, anh ta yêu cầu viên cảnh sát thử luôn đứa con nhỏ. Máy cũng báo cháu bé uống quá lượng rượu cho phép. Lúc đó anh cảnh sát viên cũng đồng ý là máy đo lượng rượu bị hư. Khi viên cảnh sát đi rồi, anh chàng quay sang vợ “Anh đã nói em rồi mà, không có gì nguy hiểm nếu cho con uống năm gram rượu Vodka.””

Rất nhiều chuyện cười chính trị khác đã được CIA giải mật.

Điều đó cho thấy, các lực tác động từ bên ngoài sẽ không thể nào làm sụp bức tường dày CS nếu cơ chế CS đã không bị đục rỗng từ trước bằng những bàn tay nhỏ, bằng những chịu đựng, hy sinh, tranh đấu của bao thế hệ người dân 15 nước thuộc Liên bang Xô Viết dưới nhiều hình thức từ năm 1917 tới 1991.

Bên cạnh Doctor Zhivago của Boris Pasternak, Quần Đảo Ngục Tù của Alexandr Solzhenitsyn và các tác giả tên tuổi, đã có hàng trăm tác giả sáng tác và phổ biến những mẫu chuyện cười chính trị để vạch trần bộ mặt độc tài và thối nát của chế độ. Họ là những người lính phản tuyên truyền vô danh, âm thầm, không tên tuổi nhưng rất hữu hiệu.

Tối ngày 25 tháng 12, 1991, hàng triệu người khắp năm châu hồi hộp chờ đợi trước máy truyền hình để xem Mikhail Gorbachev đọc diễn văn từ chức Chủ tịch Liên Xô.

Phần đông nhân loại đều nghĩ đó quả là một biến cố vượt sự tưởng tượng của con người.

Làm thế nào một cường quốc với dân số gần 300 triệu sống trên một phần sáu quả địa cầu được trang bị với 45 ngàn đầu đạn nguyên tử và được bảo vệ bởi một đạo quân năm triệu người, đã phải sụp đổ?

Không ít người vẫn khó mà tin vào mắt mình ngay cả khi nhìn Gorbachev đọc diễn văn từ chức.

Tuy nhiên với đa số người dân Liên Xô thì không. Họ rất lạnh lùng và bàng quang. Ngoài phố, không một cuộc biểu tình phản đối hay ủng hộ Gorbachev và cũng không có pháo bông mừng cách mạng dân chủ thành công. Bởi vì cách mạng dân chủ đã diễn ra trước đó rồi. Không phải diễn ra trên đường phố mà trong nhận thức của người dân.

Dòng chảy của nhận thức vẫn chảy dù chảy qua những dốc đá cheo leo nguy hiểm nhưng như lịch sử nhân loại đã chứng minh chính những tia nước nhỏ trong lòng dân cuối cùng đã đục thủng bức tường chuyên chính.

Trần Trung Đạo

Nguồn: facebook.com/trantrungdao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn